“Hôn nhân đồng giới” dưới lăng kính Nho giáo
Nho giáo coi các giá trị gia đình và hôn nhân truyền thống là nền tảng của xã hội, vậy hệ giá trị này nhìn nhận hôn nhân giữa những người đồng giới như thế nào?
Quan điểm của Nho giáo (Confucianism) về vấn đề hôn nhân giữa những người cùng giới (same-sex marriage) là chủ đề tranh luận gay gắt giữa những người thuộc phái Nho gia với các nhà tư tưởng khác, đặc biệt là những nhà lý luận tiến bộ từ phương Tây. Vấn đề này thậm chí còn là chủ đề tranh cãi giữa những nhà nghiên cứu Nho giáo với nhau.
Ở các xã hội Đông Á tương đối bảo thủ, với hôn nhân được xem là nền tảng của xã hội, việc kết hôn đồng giới là một vấn đề khá mới mẻ, từng được coi là đi ngược lại với những giá trị truyền thống của gia đình và chức năng xã hội mà quan điểm Nho giáo đã bám rễ hàng thế kỷ tại khu vực. Với nguồn gốc văn minh lúa nước, lấy tập thể làm nền tảng cho sự phát triển, coi gia đình là tế bào của xã hội, các quốc gia Á Đông đã tiếp thu và xem các giá trị Nho giáo truyền thống là chuẩn mực ứng xử mà mỗi thành viên trong xã hội cần tuân theo nhằm ổn định xã hội, xây dựng cộng đồng an thịnh.
Ví dụ: Ảnh hưởng to lớn của các giá trị Nho giáo được phản ánh thông qua các mối ràng buộc và trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình (giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, và giữa anh chị em với nhau).
Trong gia đình, “hiếu thảo” (filial piety) được đề cao và là chuẩn mực cho mối quan hệ thứ bậc giữa các thế hệ. Đáng chú ý, hiếu thảo gắn liền với hôn nhân. Cụ thể, con cái phải vâng lời ông bà, cha mẹ, trưởng thành, kết hôn, sinh con và nối dõi dòng tộc, thờ phụng tổ tiên. Nho giáo rất coi trọng hôn nhân và gia đình, xem đây là phương tiện để đạt được sự hòa hợp xã hội và ổn định quốc gia. Mạnh Tử—thế hệ thứ hai của Nho giáo—nói rằng việc không có con cái nối dõi chính là tội bất hiếu lớn nhất (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại).
Vì thế, những người theo trào lưu chính thống Nho giáo có xu hướng bảo thủ và cho rằng các giá trị của Nho giáo không tương thích với hôn nhân đồng giới. Bởi lẽ, theo họ, những người cùng giới khi kết hôn với nhau sẽ không thể sinh con cùng dòng máu và duy trì huyết thống đó qua thế hệ sau. Dưới áp lực xã hội và giá trị gia đình, một vấn đề đã nổi lên từ lâu là những người đồng tính nam, thường là người con trai cả (hoặc con trai duy nhất) trong gia đình, sẽ phải che giấu xu hướng tính dục của mình, và thay vào đó sẽ bước vào “cuộc hôn nhân giả” (fake marriage) bằng việc kết hôn cùng với một người phụ nữ khác để sinh con cái và “làm tròn chữ hiếu”.
Trên cơ sở lý thuyết Âm (Yin) và Dương (Yang), các nhà lý luận Nho giáo bắt đầu liên kết các giá trị của Nho giáo với giới tính. Hệ thống Yin - Yang ra đời dựa trên sự nhấn mạnh của Nho giáo vào sự hòa hợp tự nhiên giữa con người, tự nhiên và vũ trụ, thể hiện trong Tự quái truyện (quyển thứ Sáu trong bộ Kinh Dịch) rằng: “Hữu thiên địa nhiên hậu hữu vạn vật, hữu vạn vật nhiên hậu hữu nam nữ, hữu nam nữ nhiên hậu hữu phu phụ, hữu phu phụ nhiên hậu hữu phụ tử” (dịch là: Có trời đất rồi mới có vạn vật, có vạn vật rồi mới có nam nữ, có nam nữ rồi mới có vợ chồng, có vợ chồng rồi mới có cha con). Theo đó, Yang thường gắn liền với những gì mạnh mẽ và chủ động, và Yin gắn liền với những gì thụ động và yếu đuối. Quan niệm này được các nhà lý luận Nho giáo suy ra là Yang đại diện cho người đàn ông và Yin là biểu tượng của người phụ nữ. Do đó, Yin - Yang phản ánh sự hòa hợp giữa người đàn ông và người phụ nữ, phủ nhận sự kết hợp giữa những cặp đồng giới với nhau (vì hôn nhân đồng giới không tạo được sự hòa hợp theo lý luận Yin - Yang).
Thêm nữa, khi đề cập tới giới tính thì chủ nghĩa Tân Nho giáo (Neo-Confucianism) cho rằng Yin và Yang là một cặp bổ sung cho nhau thay vì phụ thuộc lẫn nhau. Ở đó, chúng đại diện cho hai đặc điểm giới tính khác nhau với mỗi bên có một vai trò xã hội cụ thể và một nghĩa vụ phải làm. Do đó, việc thiếu vắng một giới tính trong gia đình, chẳng hạn như gia đình là mẹ đơn thân, gia đình đồng giới, sẽ không tương thích với quan niệm Nho giáo về Yin - Yang vì nó thiếu vắng sự tương tác và bổ sung giữa hai giới khác nhau.
Hay nói cách khác, việc kết hôn đồng giới sẽ vi phạm các nguyên tắc của Nho giáo về vai trò khác nhau giữa người chồng và người vợ trong gia đình, xuất phát từ quan điểm của Nho giáo về những điều phụ nữ phải tuân theo (thuyết “tam tòng”): “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà phải theo cha, khi lấy chồng phải theo chồng, khi chồng chết phải theo con trai). Những người theo trào lưu chính thống Nho giáo quan niệm rằng người chồng phải ra ngoài làm việc, kiếm tiền, mở rộng mối quan hệ, trong khi người vợ ở nhà lo chuyện đồng áng, chăm sóc con cái, và do đó những gia đình đồng giới không đáp ứng được nhu cầu về vai trò của người chồng và người vợ.
Xung đột lớn nhất của các nhà lý luận Nho giáo với hệ tư tưởng phương Tây liên quan đến hôn nhân đồng giới phản ánh qua sự việc Thẩm phán Anthony Kennedy trích dẫn Khổng Tử trong phán quyết lịch sử về công nhận hôn nhân đồng giới trên khắp nước Mỹ (hay còn được biết đến là án lệ Obergefell v. Hodges) vào năm 2015. Trong phán quyết, thẩm phán Kennedy đã viết rằng: “Khổng Tử từng dạy rằng hôn nhân là nền tảng của sự cai trị. Triết lý này được nhắc lại bởi triết gia Cicero, người đã viết rằng sự kết nối xã hội đầu tiên là gia đình, sau đó đến con cái và cuối cùng là gia đình”.
Ý kiến của Thẩm phán Kennedy ở đây nhấn mạnh tầm quan trọng của hôn nhân và việc lập gia đình như giá trị cơ bản của con người, nhưng việc ông trích dẫn Khổng Tử trong một án lệ về kết hôn đồng giới đã vấp phải sự phản đối từ cả những nhà lý luận và những người ủng hộ Nho giáo, đặc biệt là tại Trung Quốc. Giáo sư Zeng Yi của Đại học Đồng Tế (Trung Quốc) đã kịch liệt chỉ trích và cho rằng Thẩm phán Kennedy đã “bóp méo” (distorted) tư tưởng của Khổng Tử và cho rằng các nhà Nho nên coi đồng tính là “tội ác chống lại loài người” (a crime against humanity).
Dù không hài lòng với cách trích dẫn có phần không nghiên cứu kỹ càng của Thẩm phán Kennedy trong phán quyết hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, song triết gia người Trung Quốc Zhang Xianglong, trong bài viết “How Should Confucianism View the Legalization of Homosexual Marriage” (Nho giáo nhìn nhận như thế nào về hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới), cho rằng Nho giáo không có ác cảm với người đồng tính. Theo nghiên cứu của Zhang Xianglong thì tư tưởng Nho giáo coi đồng tính chỉ là “sự sai lệch xuất phát từ sự tương tác không đầy đủ giữa Yin và Yang. Nếu không có nhiều trường hợp như vậy, hiện tượng này sẽ được coi là bình thường”.
Zhang Xianglong kết luận rằng Nho giáo có thể chấp nhận người đồng tính nhưng không ủng hộ kết hôn đồng giới, mà thay vào đó là khuyến khích việc kết hợp dân sự (civil union)—hình thức chung sống hợp pháp giữa các cặp đôi cùng giới nhưng kém quan trọng hơn hình thức hôn nhân. Đầu tiên, ông lập luận rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người cùng giới sẽ thúc đẩy phong trào đòi quyền kết hôn đa thê (polygamy). Đây cũng là lập luận chính mà những người chống đối việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thường nêu ra vì cho rằng nếu việc chấp nhận hình thức hôn nhân cùng giới là nhằm đảm bảo quyền cơ bản của con người thì việc mở rộng ra hôn nhân đa thê cũng tương tự như vậy. Do đó, theo ông Zhang, hợp pháp hóa hóa hôn nhân đồng giới là một sự xói mòn chế độ hôn nhân truyền thống giữa một nam và một nữ.
Thứ hai, Zhang Xianglong cho rằng kết hôn đồng giới là hành vi “bất hiếu” vì cặp đôi đồng giới không thể sinh con mang dòng máu của gia tộc để nối dõi tông đường. Suy rộng ra, đối với những ai xem trọng mối liên kết qua nhiều thế hệ của gia đình sẽ ít đồng cảm hơn đối với hôn nhân đồng tính vì nó được xem là một mối đe dọa tới chế độ hôn nhân truyền thống. Thứ ba là việc con cái (có thể là con nuôi) được nuôi nấng bởi hai người đồng tính sẽ tác động tới xu hướng tình dục của đứa trẻ. Và cuối cùng là việc cho phép kết hôn cùng giới trên thực tế đang khuyến khích điều đó trở nên phổ biến hơn.
Trên thực tế, các giá trị truyền thống của Nho giáo không đề cập trực tiếp đến việc kết hôn đồng giới, lên án người đồng tính hay cổ xúy cho các hành vi phân biệt giới tính hay định kiến về giới. Nói cách khác, một số ý kiến cho rằng đồng tính không vi phạm hệ thống đạo đức Nho giáo miễn là nó tôn trọng các ranh giới phù hợp và không bỏ bê các nghĩa vụ gia đình. Cũng có ý kiến cho rằng các giá trị truyền thống gia đình mà các nhóm kỳ thị người đồng tính đưa ra thực sự bắt nguồn từ giáo lý của Kito hữu Do Thái (Judeo-Christian) hơn là từ Nho giáo.
Với cái nhìn thiện cảm và ôn hòa hơn, chủ nghĩa Tân Nho giáo (Neo-Confucianism) vẫn phần nào chấp nhận người đồng tính, tuy nhiên, không ủng hộ hình thức kết hôn đồng giới. Điều này phần nào cho thấy rằng, trải qua thời gian, với sự tự biến đổi để phù hợp với dòng chảy xã hội, các triết lý Nho giáo ngày càng được diễn giải theo cách phù hợp với “tính hiện đại” của đời sống và chuyển biến xã hội, đặc biệt là các vấn đề từng được coi là “nhạy cảm” trong thế giới quan của Nho giáo như hôn nhân đồng tính.
Tóm lại, Nho giáo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thái độ của xã hội đối với người đồng tính. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc mọi quốc gia chia sẻ hệ giá trị Nho giáo đều cùng có thái độ bảo thủ hoặc cùng cởi mở đối với hôn nhân giữa những người cùng giới. Về cơ bản, những giá trị và quan điểm của Nho giáo được diễn giải và thực hành khác nhau tuỳ thuộc vào bối cảnh xã hội ở mỗi nước. Điều này lý giải vì sao một số quốc gia Nho giáo đã hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới và/hoặc có thái độ thân thiện với người đồng giới, trong khi một số nước khác vẫn bảo thủ với ý tưởng hôn nhân đồng giới.
Quan điểm của Nho giáo (Confucianism) về vấn đề hôn nhân giữa những người cùng giới (same-sex marriage) là chủ đề tranh luận gay gắt giữa những người thuộc phái Nho gia với các nhà tư tưởng khác, đặc biệt là những nhà lý luận tiến bộ từ phương Tây. Vấn đề này thậm chí còn là chủ đề tranh cãi giữa những nhà nghiên cứu Nho giáo với nhau.
Ở các xã hội Đông Á tương đối bảo thủ, với hôn nhân được xem là nền tảng của xã hội, việc kết hôn đồng giới là một vấn đề khá mới mẻ, từng được coi là đi ngược lại với những giá trị truyền thống của gia đình và chức năng xã hội mà quan điểm Nho giáo đã bám rễ hàng thế kỷ tại khu vực. Với nguồn gốc văn minh lúa nước, lấy tập thể làm nền tảng cho sự phát triển, coi gia đình là tế bào của xã hội, các quốc gia Á Đông đã tiếp thu và xem các giá trị Nho giáo truyền thống là chuẩn mực ứng xử mà mỗi thành viên trong xã hội cần tuân theo nhằm ổn định xã hội, xây dựng cộng đồng an thịnh.
Ví dụ: Ảnh hưởng to lớn của các giá trị Nho giáo được phản ánh thông qua các mối ràng buộc và trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình (giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, và giữa anh chị em với nhau).
Trong gia đình, “hiếu thảo” (filial piety) được đề cao và là chuẩn mực cho mối quan hệ thứ bậc giữa các thế hệ. Đáng chú ý, hiếu thảo gắn liền với hôn nhân. Cụ thể, con cái phải vâng lời ông bà, cha mẹ, trưởng thành, kết hôn, sinh con và nối dõi dòng tộc, thờ phụng tổ tiên. Nho giáo rất coi trọng hôn nhân và gia đình, xem đây là phương tiện để đạt được sự hòa hợp xã hội và ổn định quốc gia. Mạnh Tử—thế hệ thứ hai của Nho giáo—nói rằng việc không có con cái nối dõi chính là tội bất hiếu lớn nhất (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại).
Vì thế, những người theo trào lưu chính thống Nho giáo có xu hướng bảo thủ và cho rằng các giá trị của Nho giáo không tương thích với hôn nhân đồng giới. Bởi lẽ, theo họ, những người cùng giới khi kết hôn với nhau sẽ không thể sinh con cùng dòng máu và duy trì huyết thống đó qua thế hệ sau. Dưới áp lực xã hội và giá trị gia đình, một vấn đề đã nổi lên từ lâu là những người đồng tính nam, thường là người con trai cả (hoặc con trai duy nhất) trong gia đình, sẽ phải che giấu xu hướng tính dục của mình, và thay vào đó sẽ bước vào “cuộc hôn nhân giả” (fake marriage) bằng việc kết hôn cùng với một người phụ nữ khác để sinh con cái và “làm tròn chữ hiếu”.
Trên cơ sở lý thuyết Âm (Yin) và Dương (Yang), các nhà lý luận Nho giáo bắt đầu liên kết các giá trị của Nho giáo với giới tính. Hệ thống Yin - Yang ra đời dựa trên sự nhấn mạnh của Nho giáo vào sự hòa hợp tự nhiên giữa con người, tự nhiên và vũ trụ, thể hiện trong Tự quái truyện (quyển thứ Sáu trong bộ Kinh Dịch) rằng: “Hữu thiên địa nhiên hậu hữu vạn vật, hữu vạn vật nhiên hậu hữu nam nữ, hữu nam nữ nhiên hậu hữu phu phụ, hữu phu phụ nhiên hậu hữu phụ tử” (dịch là: Có trời đất rồi mới có vạn vật, có vạn vật rồi mới có nam nữ, có nam nữ rồi mới có vợ chồng, có vợ chồng rồi mới có cha con). Theo đó, Yang thường gắn liền với những gì mạnh mẽ và chủ động, và Yin gắn liền với những gì thụ động và yếu đuối. Quan niệm này được các nhà lý luận Nho giáo suy ra là Yang đại diện cho người đàn ông và Yin là biểu tượng của người phụ nữ. Do đó, Yin - Yang phản ánh sự hòa hợp giữa người đàn ông và người phụ nữ, phủ nhận sự kết hợp giữa những cặp đồng giới với nhau (vì hôn nhân đồng giới không tạo được sự hòa hợp theo lý luận Yin - Yang).
Thêm nữa, khi đề cập tới giới tính thì chủ nghĩa Tân Nho giáo (Neo-Confucianism) cho rằng Yin và Yang là một cặp bổ sung cho nhau thay vì phụ thuộc lẫn nhau. Ở đó, chúng đại diện cho hai đặc điểm giới tính khác nhau với mỗi bên có một vai trò xã hội cụ thể và một nghĩa vụ phải làm. Do đó, việc thiếu vắng một giới tính trong gia đình, chẳng hạn như gia đình là mẹ đơn thân, gia đình đồng giới, sẽ không tương thích với quan niệm Nho giáo về Yin - Yang vì nó thiếu vắng sự tương tác và bổ sung giữa hai giới khác nhau.
Hay nói cách khác, việc kết hôn đồng giới sẽ vi phạm các nguyên tắc của Nho giáo về vai trò khác nhau giữa người chồng và người vợ trong gia đình, xuất phát từ quan điểm của Nho giáo về những điều phụ nữ phải tuân theo (thuyết “tam tòng”): “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà phải theo cha, khi lấy chồng phải theo chồng, khi chồng chết phải theo con trai). Những người theo trào lưu chính thống Nho giáo quan niệm rằng người chồng phải ra ngoài làm việc, kiếm tiền, mở rộng mối quan hệ, trong khi người vợ ở nhà lo chuyện đồng áng, chăm sóc con cái, và do đó những gia đình đồng giới không đáp ứng được nhu cầu về vai trò của người chồng và người vợ.
Xung đột lớn nhất của các nhà lý luận Nho giáo với hệ tư tưởng phương Tây liên quan đến hôn nhân đồng giới phản ánh qua sự việc Thẩm phán Anthony Kennedy trích dẫn Khổng Tử trong phán quyết lịch sử về công nhận hôn nhân đồng giới trên khắp nước Mỹ (hay còn được biết đến là án lệ Obergefell v. Hodges) vào năm 2015. Trong phán quyết, thẩm phán Kennedy đã viết rằng: “Khổng Tử từng dạy rằng hôn nhân là nền tảng của sự cai trị. Triết lý này được nhắc lại bởi triết gia Cicero, người đã viết rằng sự kết nối xã hội đầu tiên là gia đình, sau đó đến con cái và cuối cùng là gia đình”.
Ý kiến của Thẩm phán Kennedy ở đây nhấn mạnh tầm quan trọng của hôn nhân và việc lập gia đình như giá trị cơ bản của con người, nhưng việc ông trích dẫn Khổng Tử trong một án lệ về kết hôn đồng giới đã vấp phải sự phản đối từ cả những nhà lý luận và những người ủng hộ Nho giáo, đặc biệt là tại Trung Quốc. Giáo sư Zeng Yi của Đại học Đồng Tế (Trung Quốc) đã kịch liệt chỉ trích và cho rằng Thẩm phán Kennedy đã “bóp méo” (distorted) tư tưởng của Khổng Tử và cho rằng các nhà Nho nên coi đồng tính là “tội ác chống lại loài người” (a crime against humanity).
Dù không hài lòng với cách trích dẫn có phần không nghiên cứu kỹ càng của Thẩm phán Kennedy trong phán quyết hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, song triết gia người Trung Quốc Zhang Xianglong, trong bài viết “How Should Confucianism View the Legalization of Homosexual Marriage” (Nho giáo nhìn nhận như thế nào về hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới), cho rằng Nho giáo không có ác cảm với người đồng tính. Theo nghiên cứu của Zhang Xianglong thì tư tưởng Nho giáo coi đồng tính chỉ là “sự sai lệch xuất phát từ sự tương tác không đầy đủ giữa Yin và Yang. Nếu không có nhiều trường hợp như vậy, hiện tượng này sẽ được coi là bình thường”.
Zhang Xianglong kết luận rằng Nho giáo có thể chấp nhận người đồng tính nhưng không ủng hộ kết hôn đồng giới, mà thay vào đó là khuyến khích việc kết hợp dân sự (civil union)—hình thức chung sống hợp pháp giữa các cặp đôi cùng giới nhưng kém quan trọng hơn hình thức hôn nhân. Đầu tiên, ông lập luận rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người cùng giới sẽ thúc đẩy phong trào đòi quyền kết hôn đa thê (polygamy). Đây cũng là lập luận chính mà những người chống đối việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thường nêu ra vì cho rằng nếu việc chấp nhận hình thức hôn nhân cùng giới là nhằm đảm bảo quyền cơ bản của con người thì việc mở rộng ra hôn nhân đa thê cũng tương tự như vậy. Do đó, theo ông Zhang, hợp pháp hóa hóa hôn nhân đồng giới là một sự xói mòn chế độ hôn nhân truyền thống giữa một nam và một nữ.
Thứ hai, Zhang Xianglong cho rằng kết hôn đồng giới là hành vi “bất hiếu” vì cặp đôi đồng giới không thể sinh con mang dòng máu của gia tộc để nối dõi tông đường. Suy rộng ra, đối với những ai xem trọng mối liên kết qua nhiều thế hệ của gia đình sẽ ít đồng cảm hơn đối với hôn nhân đồng tính vì nó được xem là một mối đe dọa tới chế độ hôn nhân truyền thống. Thứ ba là việc con cái (có thể là con nuôi) được nuôi nấng bởi hai người đồng tính sẽ tác động tới xu hướng tình dục của đứa trẻ. Và cuối cùng là việc cho phép kết hôn cùng giới trên thực tế đang khuyến khích điều đó trở nên phổ biến hơn.
Trên thực tế, các giá trị truyền thống của Nho giáo không đề cập trực tiếp đến việc kết hôn đồng giới, lên án người đồng tính hay cổ xúy cho các hành vi phân biệt giới tính hay định kiến về giới. Nói cách khác, một số ý kiến cho rằng đồng tính không vi phạm hệ thống đạo đức Nho giáo miễn là nó tôn trọng các ranh giới phù hợp và không bỏ bê các nghĩa vụ gia đình. Cũng có ý kiến cho rằng các giá trị truyền thống gia đình mà các nhóm kỳ thị người đồng tính đưa ra thực sự bắt nguồn từ giáo lý của Kito hữu Do Thái (Judeo-Christian) hơn là từ Nho giáo.
Với cái nhìn thiện cảm và ôn hòa hơn, chủ nghĩa Tân Nho giáo (Neo-Confucianism) vẫn phần nào chấp nhận người đồng tính, tuy nhiên, không ủng hộ hình thức kết hôn đồng giới. Điều này phần nào cho thấy rằng, trải qua thời gian, với sự tự biến đổi để phù hợp với dòng chảy xã hội, các triết lý Nho giáo ngày càng được diễn giải theo cách phù hợp với “tính hiện đại” của đời sống và chuyển biến xã hội, đặc biệt là các vấn đề từng được coi là “nhạy cảm” trong thế giới quan của Nho giáo như hôn nhân đồng tính.
Tóm lại, Nho giáo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thái độ của xã hội đối với người đồng tính. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc mọi quốc gia chia sẻ hệ giá trị Nho giáo đều cùng có thái độ bảo thủ hoặc cùng cởi mở đối với hôn nhân giữa những người cùng giới. Về cơ bản, những giá trị và quan điểm của Nho giáo được diễn giải và thực hành khác nhau tuỳ thuộc vào bối cảnh xã hội ở mỗi nước. Điều này lý giải vì sao một số quốc gia Nho giáo đã hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới và/hoặc có thái độ thân thiện với người đồng giới, trong khi một số nước khác vẫn bảo thủ với ý tưởng hôn nhân đồng giới.
Từ khoá: hôn nhân đồng giới nho giáo hôn nhân và gia đình xã hội Á Đông