Nhật Bản dưới thời Shigeru Ishiba: Tham vọng đối ngoại và thách thức

Vừa nhậm chức thủ tướng, ông Shigeru Ishiba đã đề xuất cải cách Hiệp ước An ninh với Mỹ và xây dựng một “NATO châu Á”. Tuy nhiên, các thách thức trong nội bộ và khu vực có thể khiến các tham vọng này trở nên bất khả thi, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trương Tuấn Kiệt 09/10/2024
Image
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba - (C): Yuichi Yamakazi/AFP

Shigeru Ishiba, Thủ tướng Nhật Bản mới đắc cử, từng là người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng giai đoạn 2002 - 2004 dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi, và là Bộ trưởng Quốc phòng giai đoạn 2007 - 2008 dưới thời Thủ tướng Yasuo Fukuda, sau khi cơ quan này được chuyển thành một bộ. Với kinh nghiệm đó, ông Ishiba từ lâu đã được xem là chuyên gia về quốc phòng, và hơn nữa là một người ưa sự khác biệt trong nền văn hóa chính trị coi trọng sự tuân thủ. 

Ông Ishiba xuất thân từ bên ngoài giới tinh hoa truyền thống, lớn lên ở vùng nông thôn, theo đạo Tin lành Thực hành (Practicing Protestants, vốn không phổ biến trong nền chính trị Nhật Bản), và có cá tính mạnh (sẵn sàng chỉ trích, thậm chí nổi tiếng là người thô lỗ với các đồng nghiệp). Đây cũng chính là những nét đặc trưng mà rất có thể ông Ishiba thể hiện trong quá trình lèo lái đất nước, bao gồm các vấn đề về chính sách đối ngoại. 

Quan hệ Mỹ - Nhật: Cần “bình đẳng hơn”!

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Fumio Kishida, Nhật Bản nổi lên như một đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là trong việc kiềm chế và ngăn chặn ảnh hưởng của trục Nga - Trung. Tokyo đã ủng hộ Washington thông qua nhiều lần trừng phạt Nga vì đưa quân vào Ukraine, viện trợ trang thiết bị quân sự cho Kiev, hạn chế cung cấp máy in thạch bản lớn nhất thế giới DUV được sử dụng trong sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc…  

Chỉ một ngày sau khi được Quốc hội phê duyệt trở thành Thủ tướng, ông Ishiba đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và khẳng định mong muốn củng cố liên minh Mỹ - Nhật. Với động thái này, có thể khẳng định rằng tân Thủ tướng sẽ duy trì chính sách đối ngoại tốt đẹp với Washington mà người tiền nhiệm Kishida đã dày công xây dựng. Tuy nhiên, đúng với đặc trưng tính cách đầy cứng rắn của mình, ông Ishiba không hài lòng với Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật hiện tại, trong đó được xây dựng theo hình thức Washington có nghĩa vụ bảo vệ Tokyo, còn xứ sở mặt trời mọc có nghĩa vụ cung cấp căn cứ để lực lượng Mỹ đóng quân. 

Theo ông Ishiba, Hiệp ước này thể hiện sự bất đối xứng và đã đến lúc cần phải thay đổi theo hướng bình đẳng hơn, đưa Nhật Bản trở thành đối tác ngang hàng như cách mà liên minh Mỹ - Anh đang vận hành. Tokyo cho rằng Hiệp ước phải được sửa đổi để cho phép Lực lượng Phòng vệ của nước này đóng quân tại Guam (một căn cứ do Mỹ quản lý ở Thái Bình Dương). Ông Ishiba cũng nhấn mạnh rằng “Nếu chúng tôi không chủ động, liên minh Nhật - Mỹ sẽ không trở nên mạnh mẽ hơn” (Unless we take the initiative, the Japan - U.S. alliance will not become stronger). 

Nếu không được xử lý khéo léo, đề xuất táo bạo này có thể trở thành một rào cản trên con đường phát triển của liên minh Tokyo - Washington trong nhiệm kỳ của ông Ishiba. Siêu cường thế giới có thể quan ngại rằng Nhật Bản đang muốn thoát khỏi chiếc ô bảo vệ mà Washington đã cung cấp kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, thay vào đó trở nên độc lập hơn và chủ động tạo ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương. Sự bất an này càng rõ nét hơn khi Mỹ đang thể hiện rõ tham vọng trở thành trung tâm của các liên minh an ninh ở khu vực và thậm chí lôi kéo Nhật Bản tham gia vào hàng loạt nhóm tiểu đa phương như Mỹ - Nhật - Hàn, Mỹ - Nhật - Philippines, Mỹ - Nhật - Australia...  

Tuy nhiên, tham vọng tự chủ của Tokyo có vẻ sẽ ít gặp thách thức hơn nếu ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Lý do là vì trong nhiệm kỳ trước (2017 - 2021), ông Trump đã nhấn mạnh Nhật Bản cần tăng cường chi tiêu quốc phòng để giúp Mỹ giảm gánh nặng quân sự trong việc bảo vệ Nhật Bản và các đồng minh trong khu vực. Như vậy, việc Tokyo mong muốn bình đẳng hơn trong mối quan hệ với Mỹ có thể là điều mà chính phủ tương lai của ông Trump (nếu có) mong đợi. Hơn nữa, trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Kishida đã đưa ra lộ trình tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027 để nâng cao năng lực bảo đảm an ninh của Nhật Bản (đúng như yêu cầu của ông Trump). Mặc dù vậy, với một người có lịch sử không mấy thân thiện với đồng minh như ông Trump, chính phủ mới của ông Ishiba sẽ luôn phải dè chừng về những diễn biến khó lường có thể xảy ra. 

Ở khía cạnh nội bộ, ông Ishiba có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tạo ra một hiệp ước bình đẳng hơn với Mỹ. Lý do là vì trong nền chính trị Nhật Bản, việc tuân thủ ý muốn của Mỹ là ưu tiên hàng đầu và cũng là đường hướng truyền thống trong quan hệ đối ngoại của Tokyo. Đã từng có một số ít chính trị gia Nhật Bản ủng hộ điều ngược lại, nhưng nhanh chóng, họ đều đã bị cô lập và buộc phải rời nghị trường. Tính “truyền thống” trong nền chính trị Nhật Bản là thách thức khiến ông Ishiba có thể phải “chùn bước”, và qua đó không thể thực hiện được cam kết của mình. 

“NATO châu Á”: Liệu có khả thi?

Bên cạnh mối quan hệ đồng minh với Mỹ, ông Ishiba lên nắm quyền ngay trong thời điểm có nhiều mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản. Kể từ khi Thủ tướng Kishida tuyên bố không tái tranh cử hồi giữa tháng 8, Trung Quốc đã leo thang các hành vi gây sức ép đối với Tokyo. Vào ngày 26/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo rằng trinh sát cơ Y-9 của Trung Quốc đã bay vào không phận ngoài khơi tỉnh Nagasaki. Trong khi Trung Quốc thường xuyên triển khai máy bay quân sự tại vùng trời quốc tế ở Biển Hoa Đông (East Sea), thì đây mới là lần đầu tiên Tokyo cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm không phận của mình. 

Đến ngày 17 và 18/9, tàu sân bay Liêu Ninh cùng hai tàu khu trục hộ tống lớp Lữ Dương II đã di chuyển theo hướng Nam qua vùng biển giữa hai đảo Yonaguni và Iriomote (tỉnh Okinawa, Nhật Bản). Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản. Sau đó, từ ngày 21/9, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân kéo dài một tuần tại Biển Hoa Đông, như một động thái “răn đe” Nhật Bản và “cảnh cáo” quan hệ gắn bó Mỹ - Nhật.

Trước tình hình đó, trong bài phát biểu vào ngày 4/10, tân Thủ tướng cho rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với “môi trường an ninh khắc nghiệt và phức tạp nhất” (most severe and complex security environment) kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Đồng thời, ông Ishiba cáo buộc Bắc Kinh đang “ngày càng tăng cường nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Để giải quyết các thách thức trên, ông Ishiba thường xuyên cảnh báo rằng “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á của ngày mai” (Today’s Ukraine may be tomorrow’s East Asia). Tuyên bố này ám chỉ rằng trong tương lai, Trung Quốc hoàn toàn có thể đánh chiếm Đài Loan tương tự như cách Nga đã làm với Ukraine. Trên cơ sở đó, tân Thủ tướng đề nghị thành lập một phiên bản NATO của châu Á (Asian version of NATO) để tạo ra một hệ thống phòng vệ tập thể nhằm đủ sức ngăn chặn Trung Quốc. 

Ý tưởng về “một NATO châu Á” là khá táo bạo, thể hiện rõ cá tính khác biệt của ông Ishiba. Tuy vậy, cơ hội thành công của đề xuất này gần như bằng không. Về cơ bản, cách làm này mang lại nhiều rủi ro vì nhiều khả năng sẽ không được phần đông các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Nam Á, đón nhận. Tại những nơi này, mặc dù các quốc gia có sự lo ngại với mức độ khác nhau về hành động bành trướng của Trung Quốc, nhưng không nhiều quốc gia sẵn sàng công khai chống lại cường quốc này; thay vào đó, các quốc gia theo đuổi cách tiếp cận “không chọn phe” để tối đa hóa lợi ích kinh tế (thương mại, đầu tư). Hơn nữa, ngay cả các cường quốc tầm trung đang phát triển quan hệ gắn bó với Nhật Bản như Australia và Philippines cũng khó lòng tạo ra một mặt trận thống nhất để chống lại Trung Quốc. 

Giải pháp thay thế mà chính phủ mới của Nhật Bản có thể thực hiện là tăng cường gắn kết với Hàn Quốc, Australia và New Zealand (thường được gọi là nhóm AP4) để mở đường cho NATO ngày càng lấn sân sang châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ông Ishiba nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm trong việc củng cố các mối quan hệ trong các nhóm đa phương và tiểu đa phương, tiêu biểu là các cơ chế an ninh gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ (Quad), Mỹ - Nhật - Philippines - Australia, Mỹ - Nhật - Hàn… Ngoài ra, mối quan hệ với Đài Loan nhiều khả năng cũng sẽ ghi nhận kết quả tích cực, vì ông Ishiba từng thăm vùng lãnh thổ này nhiều lần và có ấn tượng tốt về nền dân chủ nơi đây.

Dù công khai tham vọng gây sức ép lên Trung Quốc, song Nhật Bản có lẽ không “đủ can đảm” để làm thay đổi quỹ đạo hiện tại trong quan hệ với Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru (từ ngày 15 - 16/11) và Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G20 tại Brazil (từ ngày 18 - 19/11). Nhật Bản hy vọng sẽ kết nối cuộc gặp giữa ông Ishiba và ông Tập bên lề của một trong hai Hội nghị này. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa xác nhận mà tuyên bố ​​sẽ phản hồi sau khi xem xét chính sách của chính phủ mới tại Nhật Bản.   

Thêm vào đó, vào ngày 20/9, hai quốc gia Đông Á đã nhất trí sẽ bắt đầu thảo luận để dần nối lại hoạt động nhập khẩu, sau khi Bắc Kinh đình chỉ mua hải sản từ Tokyo kể từ khi nước này bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, thoả thuận vừa qua không nêu rõ thời điểm mà việc nhập khẩu sẽ được nối lại, nghĩa là hai bên sẽ cần phải đối thoại nhiều hơn. Với việc Trung Quốc đang nắm ưu thế đàm phán, bất kỳ động thái cứng rắn nào mà chính phủ của ông Ishiba thực hiện có thể khiến Bắc Kinh “gây khó dễ” nhằm gây sức ép ngược trở lại đối với Tokyo. 

Kể từ khi ông Ishiba được bầu làm Thủ tướng đến nay, thái độ của Trung Quốc nhìn chung là “dễ chịu”. Ngay sau khi ông Ishiba được Quốc hội phê chuẩn, ông Tập đã gửi điện chúc mừng, bày tỏ mong muốn “xây dựng mối quan hệ Trung - Nhật mang tính xây dựng và ổn định để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới” (build a constructive and stable Sino - Japanese relationship that meets the requirements of the new era). Đồng thời, Thủ tướng Lý Cường cũng gửi lời chúc mừng, kêu gọi tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Tuy nhiên, vì Bắc Kinh luôn coi vấn đề Đài Loan là ưu tiên tối thượng, do đó bất kỳ động thái gây sức ép thực chất nào của ông Ishiba (nếu có) liên quan đến an ninh Eo biển Đài Loan rất có thể sẽ thổi bùng lên ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc và khiến những tín hiệu tích cực ban đầu sớm vụt tắt.

Nhật Bản cần thực tế!

Với cá tính cứng rắn, ông Ishiba đã không giấu giếm tham vọng tạo ra những bứt phá về chính sách đối ngoại thông qua mong muốn điều chỉnh mối quan hệ Mỹ - Nhật trở nên cân bằng hơn và xây dựng một “NATO phiên bản châu Á”. 

Tuy nhiên, nói được nhưng chưa chắc sẽ làm được! 

Để thực hiện thành công những tham vọng trên, ông Ishiba cần thuyết phục Washington chấp nhận đề xuất của mình – một điều không dễ dàng vì việc chấp nhận có thể làm giảm vị thế của Mỹ trong mắt các đồng minh và đối tác, vượt qua thành kiến trong chính trị nội bộ Nhật Bản về vai trò của Mỹ - điều mà ông Ishiba phải cần thời gian và công sức để vận động, đồng thời thống nhất ý chí chống Trung Quốc của các quốc gia châu Á – có lẽ là thách thức lớn nhất khi các quốc gia trong khu vực đều gắn bó về kinh tế với Bắc Kinh. 

Cũng không loại trừ khả năng các diễn ngôn mạnh mẽ của ông Ishiba chủ yếu nhằm tranh thủ số phiếu và tạo dấu ấn cá nhân trước thềm tổng tuyển cử Nhật Bản hơn là để chuẩn bị cho việc triển khai các chính sách trên thực tế. 

Tóm lại, các ý tưởng về chính sách của ông Ishiba mang tính thách thức rất lớn, thậm chí là bất khả thi trong bối cảnh hiện tại. Do đó, có lẽ ông Ishiba sẽ trải qua nhiệm kỳ nắm quyền với không nhiều sự khác biệt về thực chất so với người tiền nhiệm Kishida.

Shigeru Ishiba, Thủ tướng Nhật Bản mới đắc cử, từng là người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng giai đoạn 2002 - 2004 dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi, và là Bộ trưởng Quốc phòng giai đoạn 2007 - 2008 dưới thời Thủ tướng Yasuo Fukuda, sau khi cơ quan này được chuyển thành một bộ. Với kinh nghiệm đó, ông Ishiba từ lâu đã được xem là chuyên gia về quốc phòng, và hơn nữa là một người ưa sự khác biệt trong nền văn hóa chính trị coi trọng sự tuân thủ. 

Ông Ishiba xuất thân từ bên ngoài giới tinh hoa truyền thống, lớn lên ở vùng nông thôn, theo đạo Tin lành Thực hành (Practicing Protestants, vốn không phổ biến trong nền chính trị Nhật Bản), và có cá tính mạnh (sẵn sàng chỉ trích, thậm chí nổi tiếng là người thô lỗ với các đồng nghiệp). Đây cũng chính là những nét đặc trưng mà rất có thể ông Ishiba thể hiện trong quá trình lèo lái đất nước, bao gồm các vấn đề về chính sách đối ngoại. 

Quan hệ Mỹ - Nhật: Cần “bình đẳng hơn”!

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Fumio Kishida, Nhật Bản nổi lên như một đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là trong việc kiềm chế và ngăn chặn ảnh hưởng của trục Nga - Trung. Tokyo đã ủng hộ Washington thông qua nhiều lần trừng phạt Nga vì đưa quân vào Ukraine, viện trợ trang thiết bị quân sự cho Kiev, hạn chế cung cấp máy in thạch bản lớn nhất thế giới DUV được sử dụng trong sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc…  

Chỉ một ngày sau khi được Quốc hội phê duyệt trở thành Thủ tướng, ông Ishiba đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và khẳng định mong muốn củng cố liên minh Mỹ - Nhật. Với động thái này, có thể khẳng định rằng tân Thủ tướng sẽ duy trì chính sách đối ngoại tốt đẹp với Washington mà người tiền nhiệm Kishida đã dày công xây dựng. Tuy nhiên, đúng với đặc trưng tính cách đầy cứng rắn của mình, ông Ishiba không hài lòng với Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật hiện tại, trong đó được xây dựng theo hình thức Washington có nghĩa vụ bảo vệ Tokyo, còn xứ sở mặt trời mọc có nghĩa vụ cung cấp căn cứ để lực lượng Mỹ đóng quân. 

Theo ông Ishiba, Hiệp ước này thể hiện sự bất đối xứng và đã đến lúc cần phải thay đổi theo hướng bình đẳng hơn, đưa Nhật Bản trở thành đối tác ngang hàng như cách mà liên minh Mỹ - Anh đang vận hành. Tokyo cho rằng Hiệp ước phải được sửa đổi để cho phép Lực lượng Phòng vệ của nước này đóng quân tại Guam (một căn cứ do Mỹ quản lý ở Thái Bình Dương). Ông Ishiba cũng nhấn mạnh rằng “Nếu chúng tôi không chủ động, liên minh Nhật - Mỹ sẽ không trở nên mạnh mẽ hơn” (Unless we take the initiative, the Japan - U.S. alliance will not become stronger). 

Nếu không được xử lý khéo léo, đề xuất táo bạo này có thể trở thành một rào cản trên con đường phát triển của liên minh Tokyo - Washington trong nhiệm kỳ của ông Ishiba. Siêu cường thế giới có thể quan ngại rằng Nhật Bản đang muốn thoát khỏi chiếc ô bảo vệ mà Washington đã cung cấp kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, thay vào đó trở nên độc lập hơn và chủ động tạo ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương. Sự bất an này càng rõ nét hơn khi Mỹ đang thể hiện rõ tham vọng trở thành trung tâm của các liên minh an ninh ở khu vực và thậm chí lôi kéo Nhật Bản tham gia vào hàng loạt nhóm tiểu đa phương như Mỹ - Nhật - Hàn, Mỹ - Nhật - Philippines, Mỹ - Nhật - Australia...  

Tuy nhiên, tham vọng tự chủ của Tokyo có vẻ sẽ ít gặp thách thức hơn nếu ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Lý do là vì trong nhiệm kỳ trước (2017 - 2021), ông Trump đã nhấn mạnh Nhật Bản cần tăng cường chi tiêu quốc phòng để giúp Mỹ giảm gánh nặng quân sự trong việc bảo vệ Nhật Bản và các đồng minh trong khu vực. Như vậy, việc Tokyo mong muốn bình đẳng hơn trong mối quan hệ với Mỹ có thể là điều mà chính phủ tương lai của ông Trump (nếu có) mong đợi. Hơn nữa, trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Kishida đã đưa ra lộ trình tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027 để nâng cao năng lực bảo đảm an ninh của Nhật Bản (đúng như yêu cầu của ông Trump). Mặc dù vậy, với một người có lịch sử không mấy thân thiện với đồng minh như ông Trump, chính phủ mới của ông Ishiba sẽ luôn phải dè chừng về những diễn biến khó lường có thể xảy ra. 

Ở khía cạnh nội bộ, ông Ishiba có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tạo ra một hiệp ước bình đẳng hơn với Mỹ. Lý do là vì trong nền chính trị Nhật Bản, việc tuân thủ ý muốn của Mỹ là ưu tiên hàng đầu và cũng là đường hướng truyền thống trong quan hệ đối ngoại của Tokyo. Đã từng có một số ít chính trị gia Nhật Bản ủng hộ điều ngược lại, nhưng nhanh chóng, họ đều đã bị cô lập và buộc phải rời nghị trường. Tính “truyền thống” trong nền chính trị Nhật Bản là thách thức khiến ông Ishiba có thể phải “chùn bước”, và qua đó không thể thực hiện được cam kết của mình. 

“NATO châu Á”: Liệu có khả thi?

Bên cạnh mối quan hệ đồng minh với Mỹ, ông Ishiba lên nắm quyền ngay trong thời điểm có nhiều mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản. Kể từ khi Thủ tướng Kishida tuyên bố không tái tranh cử hồi giữa tháng 8, Trung Quốc đã leo thang các hành vi gây sức ép đối với Tokyo. Vào ngày 26/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo rằng trinh sát cơ Y-9 của Trung Quốc đã bay vào không phận ngoài khơi tỉnh Nagasaki. Trong khi Trung Quốc thường xuyên triển khai máy bay quân sự tại vùng trời quốc tế ở Biển Hoa Đông (East Sea), thì đây mới là lần đầu tiên Tokyo cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm không phận của mình. 

Đến ngày 17 và 18/9, tàu sân bay Liêu Ninh cùng hai tàu khu trục hộ tống lớp Lữ Dương II đã di chuyển theo hướng Nam qua vùng biển giữa hai đảo Yonaguni và Iriomote (tỉnh Okinawa, Nhật Bản). Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản. Sau đó, từ ngày 21/9, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân kéo dài một tuần tại Biển Hoa Đông, như một động thái “răn đe” Nhật Bản và “cảnh cáo” quan hệ gắn bó Mỹ - Nhật.

Trước tình hình đó, trong bài phát biểu vào ngày 4/10, tân Thủ tướng cho rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với “môi trường an ninh khắc nghiệt và phức tạp nhất” (most severe and complex security environment) kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Đồng thời, ông Ishiba cáo buộc Bắc Kinh đang “ngày càng tăng cường nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Để giải quyết các thách thức trên, ông Ishiba thường xuyên cảnh báo rằng “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á của ngày mai” (Today’s Ukraine may be tomorrow’s East Asia). Tuyên bố này ám chỉ rằng trong tương lai, Trung Quốc hoàn toàn có thể đánh chiếm Đài Loan tương tự như cách Nga đã làm với Ukraine. Trên cơ sở đó, tân Thủ tướng đề nghị thành lập một phiên bản NATO của châu Á (Asian version of NATO) để tạo ra một hệ thống phòng vệ tập thể nhằm đủ sức ngăn chặn Trung Quốc. 

Ý tưởng về “một NATO châu Á” là khá táo bạo, thể hiện rõ cá tính khác biệt của ông Ishiba. Tuy vậy, cơ hội thành công của đề xuất này gần như bằng không. Về cơ bản, cách làm này mang lại nhiều rủi ro vì nhiều khả năng sẽ không được phần đông các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Nam Á, đón nhận. Tại những nơi này, mặc dù các quốc gia có sự lo ngại với mức độ khác nhau về hành động bành trướng của Trung Quốc, nhưng không nhiều quốc gia sẵn sàng công khai chống lại cường quốc này; thay vào đó, các quốc gia theo đuổi cách tiếp cận “không chọn phe” để tối đa hóa lợi ích kinh tế (thương mại, đầu tư). Hơn nữa, ngay cả các cường quốc tầm trung đang phát triển quan hệ gắn bó với Nhật Bản như Australia và Philippines cũng khó lòng tạo ra một mặt trận thống nhất để chống lại Trung Quốc. 

Giải pháp thay thế mà chính phủ mới của Nhật Bản có thể thực hiện là tăng cường gắn kết với Hàn Quốc, Australia và New Zealand (thường được gọi là nhóm AP4) để mở đường cho NATO ngày càng lấn sân sang châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ông Ishiba nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm trong việc củng cố các mối quan hệ trong các nhóm đa phương và tiểu đa phương, tiêu biểu là các cơ chế an ninh gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ (Quad), Mỹ - Nhật - Philippines - Australia, Mỹ - Nhật - Hàn… Ngoài ra, mối quan hệ với Đài Loan nhiều khả năng cũng sẽ ghi nhận kết quả tích cực, vì ông Ishiba từng thăm vùng lãnh thổ này nhiều lần và có ấn tượng tốt về nền dân chủ nơi đây.

Dù công khai tham vọng gây sức ép lên Trung Quốc, song Nhật Bản có lẽ không “đủ can đảm” để làm thay đổi quỹ đạo hiện tại trong quan hệ với Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru (từ ngày 15 - 16/11) và Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G20 tại Brazil (từ ngày 18 - 19/11). Nhật Bản hy vọng sẽ kết nối cuộc gặp giữa ông Ishiba và ông Tập bên lề của một trong hai Hội nghị này. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa xác nhận mà tuyên bố ​​sẽ phản hồi sau khi xem xét chính sách của chính phủ mới tại Nhật Bản.   

Thêm vào đó, vào ngày 20/9, hai quốc gia Đông Á đã nhất trí sẽ bắt đầu thảo luận để dần nối lại hoạt động nhập khẩu, sau khi Bắc Kinh đình chỉ mua hải sản từ Tokyo kể từ khi nước này bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, thoả thuận vừa qua không nêu rõ thời điểm mà việc nhập khẩu sẽ được nối lại, nghĩa là hai bên sẽ cần phải đối thoại nhiều hơn. Với việc Trung Quốc đang nắm ưu thế đàm phán, bất kỳ động thái cứng rắn nào mà chính phủ của ông Ishiba thực hiện có thể khiến Bắc Kinh “gây khó dễ” nhằm gây sức ép ngược trở lại đối với Tokyo. 

Kể từ khi ông Ishiba được bầu làm Thủ tướng đến nay, thái độ của Trung Quốc nhìn chung là “dễ chịu”. Ngay sau khi ông Ishiba được Quốc hội phê chuẩn, ông Tập đã gửi điện chúc mừng, bày tỏ mong muốn “xây dựng mối quan hệ Trung - Nhật mang tính xây dựng và ổn định để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới” (build a constructive and stable Sino - Japanese relationship that meets the requirements of the new era). Đồng thời, Thủ tướng Lý Cường cũng gửi lời chúc mừng, kêu gọi tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Tuy nhiên, vì Bắc Kinh luôn coi vấn đề Đài Loan là ưu tiên tối thượng, do đó bất kỳ động thái gây sức ép thực chất nào của ông Ishiba (nếu có) liên quan đến an ninh Eo biển Đài Loan rất có thể sẽ thổi bùng lên ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc và khiến những tín hiệu tích cực ban đầu sớm vụt tắt.

Nhật Bản cần thực tế!

Với cá tính cứng rắn, ông Ishiba đã không giấu giếm tham vọng tạo ra những bứt phá về chính sách đối ngoại thông qua mong muốn điều chỉnh mối quan hệ Mỹ - Nhật trở nên cân bằng hơn và xây dựng một “NATO phiên bản châu Á”. 

Tuy nhiên, nói được nhưng chưa chắc sẽ làm được! 

Để thực hiện thành công những tham vọng trên, ông Ishiba cần thuyết phục Washington chấp nhận đề xuất của mình – một điều không dễ dàng vì việc chấp nhận có thể làm giảm vị thế của Mỹ trong mắt các đồng minh và đối tác, vượt qua thành kiến trong chính trị nội bộ Nhật Bản về vai trò của Mỹ - điều mà ông Ishiba phải cần thời gian và công sức để vận động, đồng thời thống nhất ý chí chống Trung Quốc của các quốc gia châu Á – có lẽ là thách thức lớn nhất khi các quốc gia trong khu vực đều gắn bó về kinh tế với Bắc Kinh. 

Cũng không loại trừ khả năng các diễn ngôn mạnh mẽ của ông Ishiba chủ yếu nhằm tranh thủ số phiếu và tạo dấu ấn cá nhân trước thềm tổng tuyển cử Nhật Bản hơn là để chuẩn bị cho việc triển khai các chính sách trên thực tế. 

Tóm lại, các ý tưởng về chính sách của ông Ishiba mang tính thách thức rất lớn, thậm chí là bất khả thi trong bối cảnh hiện tại. Do đó, có lẽ ông Ishiba sẽ trải qua nhiệm kỳ nắm quyền với không nhiều sự khác biệt về thực chất so với người tiền nhiệm Kishida.

Từ khoá: Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba Đảng Dân chủ Tự do chính sách đối ngoại

BÀI LIÊN QUAN