Sáng kiến Minh bạch trên Biển Đông của Philippines: Thành công, hạn chế, và rủi ro
Với Sáng kiến Minh bạch, Philippines thành công trong việc phơi bày các hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông, song lại không thể ngăn cản Bắc Kinh quyết đoán hơn.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Rodrigo Duterte (2016 - 2022) đã dẫn dắt Philippines theo đuổi chính sách đối ngoại thân Trung Quốc. Chính sách này ở một mức độ nào đó đã góp phần làm giảm các căng thẳng giữa Manila với Bắc Kinh, đặc biệt là trên Biển Đông.
Đến thời Ferdinand Marcos Jr., Manila có lập trường cứng rắn hơn và tăng cường các hoạt động phản kháng các hành động gây sức ép của Bắc Kinh trên Biển Đông. Cách tiếp cận bao trùm cho lập trường và động thái trên là Sáng kiến Minh bạch (Transparency Initiative), được chính quyền Marcos theo đuổi kể từ tháng 2/2023. Sáng kiến ra đời với mục đích công khai hóa các hành vi cưỡng chế của Trung Quốc, thu hút dư luận quốc tế để vạch trần các hành động cưỡng ép và phi pháp của nước này, và bác bỏ việc Bắc Kinh tự cho mình là một “cường quốc nhân từ và có trách nhiệm” (benevolent and responsible great power).
Trên thực tế, Sáng kiến Minh Bạch không phải là ý tưởng mới, mà nó đã phần nào được phản ánh trong cách tiếp cận của Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III (2010 - 2016). Động thái vạch trần Trung Quốc nổi tiếng vào thời điểm đó chính là việc Philippines đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) vào năm 2013. Theo Manila, yêu sách “đường chín đoạn” (nine-dash line) của Trung Quốc không có giá trị pháp lý bởi vì nó vi phạm quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Tuy nhiên, chính phủ của ông Marcos theo đuổi cách tiếp cận quyết đoán hơn so với chính quyền Aquino. Cụ thể, ông Aquino mặc dù cứng rắn về hùng biện, nhưng lại mềm mỏng hơn nhiều trên thực địa và cố gắng tránh các sự cố có thể gây nguy hiểm cho vụ kiện của Philippines. Ngược lại, ông Marcos cân nhắc hơn trong các phát biểu của mình (kiềm chế không đề cập đến các tranh chấp, không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc), song lại sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông, thể hiện qua vô số các cuộc va chạm giữa hai nước trong thời gian qua.
Sáng kiến Minh bạch và những điểm sáng
Kể từ khi triển khai Sáng kiến Minh bạch, chính phủ Philippines đã thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận trong nước. Dưới thời ông Duterte, các cuộc khảo sát thường xuyên chỉ ra rằng người dân Philippines mong mỏi chính phủ thực hiện cách tiếp cận quyết đoán hơn với Trung Quốc trong các tranh chấp trên Biển Đông; tuy nhiên, chính quyền Duterte lại có cách tiếp cận nhượng bộ và giữ lập trường “hòa giải” trong quan hệ với Trung Quốc.
Sáng kiến Minh bạch của chính phủ Marcos đã đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân nước này. Bằng chứng là sau hơn nửa năm triển khai, theo thăm dò dư luận của công ty OCTA Research Group (có trụ sở tại thành phố Quezon) với 1.200 người dân Philippines từ ngày 30/9 - 4/10/2023, tỷ lệ ủng hộ đối với chính sách của Tổng thống Marcos trên Biển Đông đã tăng lên mức 58%. Trong cuộc khảo sát tương tự ở quý trước đó, tỷ lệ ủng hộ chỉ là 43%.
Đến tháng 7 vừa qua, Pulse Asia (công ty chuyên thăm dò dư luận có trụ sở tại Philippines) đã công bố kết quả nghiên cứu sau khi khảo sát 1.200 người dân trên khắp Philippines từ ngày 17 - 24/6. Theo đó, có đến 76% người được hỏi ủng hộ việc chính phủ đương nhiệm liên tục khẳng định các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, 20% không đưa ra quan điểm, trong khi số ít ỏi còn lại phản đối. Bàn luận về kết quả này, GS. Froilan Calilung (chuyên ngành khoa học chính trị tại đại học Santo Tomas, thủ đô Manila) khẳng định rằng “Rõ ràng là sáng kiến [Minh bạch] đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Philippines” (It is clear here that it is gaining popular support and popular backing from majority of Filipinos).
Không chỉ thu hút sự ủng hộ đông đảo từ trong nước, Sáng kiến Minh bạch của ông Marcos cũng đã tạo bàn đạp mạnh mẽ để Manila thu hút sự quan tâm từ các quốc gia dân chủ. Chẳng hạn, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ năm tàu tuần tra bờ biển lớn và một hệ thống radar giám sát bờ biển cho Philippines. Trong tháng 7, Manila và Tokyo cũng vừa hoàn tất Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA), mở đường cho nỗ lực thúc đẩy hợp tác quân sự như cử nhân viên quốc phòng đến lãnh thổ của nhau để huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm và thiết bị, cũng như thực hiện các hoạt động khác. Những quốc gia tiềm năng tiếp theo mà Philippines có thể ký RAA là Canada, Pháp và New Zealand, mở ra cơ hội để Manila tăng cường an ninh và thắt chặt mạng lưới đối tác với các quốc gia có “cùng chí hướng”. Ngoài ra, Canada đã cho phép Philippines sử dụng hệ thống vệ tinh theo dõi để phát hiện các tàu “bóng tối” (những tàu không sử dụng hệ thống nhận dạng tự động) trong vùng biển mà Manila kiểm soát.
Trong khi đó, các cuộc tuần tra hàng hải chung trên Biển Đông giữa Philippines với Mỹ và các đối tác khác đang tăng cả về quy mô và tần suất. Nhờ những hoạt động như vậy, các nhóm tiểu đa phương đã được hình thành giữa Mỹ - Nhật - Phi và giữa Mỹ - Nhật - Phi - Australia. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và nhiều đồng minh, tiếng nói của Manila dần được cộng đồng quốc tế quan tâm nhiều hơn, mà bằng chứng rõ ràng nhất là Tổng thống Marcos đã được mời phát biểu ở phiên khai mạc Đối thoại Shangri-la 2024 tại Singapore hồi tháng 5. Ngay cả các quốc gia từng im lặng trước những hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông với Philippines cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại. Danh sách này bao gồm Việt Nam, Hàn Quốc, và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Có thể nói, nhờ Sáng kiến Minh bạch, chính phủ của Tổng thống Marcos đã đạt được sự ủng hộ vững chắc trong lòng dân chúng, từ đó tạo nền tảng để mở rộng vị thế của Philippines trên trường quốc tế. Quan trọng hơn hết, nhờ sự ủng hộ ở cả trong lẫn ngoài nước như vậy, Philippines vẫn bảo vệ được các thực thể mà nước này chiếm đóng trên Biển Đông, đồng thời chiếm giữ thêm bãi Sa Bin (Sabina shoal).
Nhưng Sáng kiến có nhiều hạn chế
Dù có khác với chính phủ tiền nhiệm, cách tiếp cận của ông Marcos không thay đổi được hành vi của Trung Quốc. Nói cách khác, nó không khiến siêu cường này từ bỏ tham vọng bành trướng trên Biển Đông. Kể từ khi Sáng kiến Minh bạch ra đời, căng thẳng ở Biển Đông không giảm, mà ngược lại, số vụ xung đột càng gia tăng. Trung Quốc đã gây sức ép theo nhiều cách với Philippines, từ việc sử dụng tia laser, va chạm tàu thuyền, phun vòi rồng, cho đến xô xát khiến các thủy thủ nước này bị thương. Các điểm nóng vì thế cũng bùng phát tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas shoal), Scarborough và Sa Bin.
Thêm vào đó, các tàu Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Philippines ngày càng nhiều, không chỉ tại biển Tây Philippines (cách nước này gọi Biển Đông), mà còn được phát hiện ở vùng biển phía đông, eo biển Basilan và Sibutu ở phía nam của quốc gia Đông Nam Á này. Các cuộc chạm trán trên không cũng xảy ra khi máy bay thuộc không quân Trung Quốc thả pháo sáng trên đường đi của một máy bay Philippines đang tuần tra gần bãi cạn Scarborough.
Cho đến nay, sức ép của Bắc Kinh đối với Manila vẫn không giảm. Theo tuyên bố vào ngày 14/9 của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm, Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ tiếp tục “thực hiện các biện pháp đối phó kiên quyết và hiệu quả đối với bất kỳ ai gây rối ở Biển Đông hoặc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”. Nói đi đôi với làm, trong vòng một tháng qua, bãi Sa Bin đã trở thành điểm nóng mới khi chứng kiến ít nhất hai vụ va chạm giữa Bắc Kinh và Manila vào ngày 25 và 31/8. Thêm vào đó, trong số các tàu hải cảnh Trung Quốc đang hiện diện trên thực địa, có hai chiếc làm nhiệm vụ kéo, và tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) ngày 2/9 đã nhận định rằng có khả năng hai chiếc tàu trên sẽ được sử dụng cho phương án kéo tàu BRP Teresa Magbanua ra khỏi khu vực Philippines đang chiếm đóng trên bãi Sa Bin.
Ngoài ra, trong những tháng đầu năm nay, tin tặc Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng xâm nhập vào các trang web và máy chủ email của các cơ quan chính phủ Philippines, trong đó có lực lượng tuần duyên (Philippines Coast Guard - PCG). Đồng thời, lượng thông tin sai lệch cũng gia tăng, nhắm vào giới học giả, nhà báo và công chúng nói chung thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.
Về cơ bản, Sáng kiến Minh bạch không tạo ra đủ sự răn đe để khiến Bắc Kinh chùn bước. Dưới thời các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây như Giang Trạch Dân (1993 - 2003) hay Hồ Cẩm Đào (2003 - 2013), Bắc Kinh đã nỗ lực hành động như một “bên liên quan có trách nhiệm” (responsible stakeholder) trong hệ thống quốc tế. Trung Quốc khi đó đã tích cực thúc đẩy câu chuyện “trỗi dậy hòa bình” (peaceful rise) để xua tan các chỉ trích cho rằng nước này tìm cách gây xung đột với các nước láng giềng và Mỹ.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình lại không “mềm mỏng” như hai người tiền bối là Giang và Hồ. Trung Quốc dưới nhiệm kỳ của ông (từ năm 2013 đến nay) trở nên độc đoán hơn, và cũng ít quan tâm hơn đến nguy cơ tổn hại danh tiếng quốc tế. Điều đó có nghĩa là Sáng kiến Minh bạch đã lỗi thời, không bắt kịp với sự biến chuyển hiện nay, và khó tạo ra hiệu quả trong việc chống lại Trung Quốc.
Không chỉ lỗi thời, Sáng kiến Minh bạch còn phơi bày những bất đồng trong nội bộ Philippines. Các quan chức nước này đã đặt những tên khác nhau cho cách tiếp cận về sự minh bạch. Trợ lý Tổng Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Jonathan Malaya gọi sáng kiến hiện nay là “minh bạch có chừng mực” (measured transparency), trong khi phát ngôn viên Jay Tarriela của PCG cho rằng đó nên là “minh bạch quyết đoán” (assertive transparency).
Mọi người đều đồng ý về nhu cầu minh bạch, nhưng mức độ mà chính phủ muốn minh bạch là một câu hỏi mở. Trong khi “có chừng mực” gợi ý tính chọn lọc đối với thông tin được tiết lộ, thì “quyết đoán” ám chỉ quyết tâm vạch trần hầu hết mọi thứ. Sự bất nhất về tên gọi cho thấy dường như xuất hiện sự xung đột hoặc thiếu nhất quán trong nội bộ, điều này làm lộ “điểm yếu” trong cách tiếp cận của toàn chính phủ.
Ngay cả giữa Tổng thống Marcos và Phó Tổng thống Sara Duterte hiện cũng có những rạn nứt nghiêm trọng. Chẳng hạn, trong Thông điệp quốc gia lần thứ ba vào tháng 7, ông Marcos đã đề cập đến nhiều vấn đề, bao gồm nhấn mạnh rằng Manila sẽ tiếp tục củng cố thế trận phòng thủ trên Biển Đông, đồng thời xây dựng liên minh với các đồng minh. Tuy nhiên, bà Sara đã không tham dự sự kiện này, và trước đó cũng từ chức Bộ trưởng Giáo dục và Phó Chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm về Chống Nổi dậy. Đáng chú ý, bà Sara đã chủ động né tránh các phát ngôn chỉ trích các hành động gây sức ép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lợi bất cập hại?
Xem xét giữa các thành công và hạn chế của Sáng kiến Minh bạch, có thể nhận định rằng chính sách này có nhiều khuyết điểm hơn. Suy cho cùng, Sáng kiến trên ra đời là nhằm vạch trần và ngăn cản các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng sự thật đã không diễn ra như vậy. Philippines đạt được thành công chủ yếu là về khía cạnh phổ biến nhận thức (vạch trần) về sự bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tuy nhiên, nước này lại vấp nhiều hạn chế về phương diện “ngăn cản” các hành động của nước láng giềng hùng mạnh.
Trên thực địa, Bắc Kinh như một gã khổng lồ đang cố gắng áp đặt ý chí của mình lên đối thủ yếu hơn nhiều là Philippines. Quốc gia Đông Nam Á dù vẫn chưa bị mất bất kỳ thực thể nào đang kiểm soát ở Biển Đông, nhưng rất dễ bị tổn thương và khó nhờ cậy vào sự hỗ trợ trên thực địa của Mỹ cũng như đồng minh. Nếu Trung Quốc dồn toàn lực để gây sức ép, kết hợp thêm trừng phạt về kinh tế như sự kiện Scarborough năm 2012 (khi mà Bắc Kinh phong tỏa bằng ít nhất ba tàu hải cảnh cùng hàng loạt tàu cá nhỏ, tố cáo Philippines quân sự hóa khu vực, và hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ quốc đảo này), Manila khó đủ sức bảo vệ được bãi Cỏ Mây hoặc Sa Bin. Điều này càng đáng chú ý hơn khi sự ủng hộ của Mỹ vẫn chủ yếu là ở diễn ngôn, và Washington chỉ để ngỏ khả năng tham vấn về việc hộ tống các tàu Philippines ở những khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại về các động thái của Bắc Kinh.
Cuối cùng, điều gì đến cũng đã đến, trước sức ép liên tục từ Trung Quốc, vào ngày 15/9, tàu BRP Teresa Magbanua đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin sau hơn năm tháng thả neo tại đây. Theo giải thích từ phía Philippines, “tàu BRP Teresa Magbanua buộc phải quay trở lại cảng do điều kiện thời tiết bất lợi, nguồn cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày cạn kiệt và nhu cầu sơ tán nhân sự cần chăm sóc y tế”. Động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau các cuộc thảo luận giữa đại diện của Philippines và Trung Quốc về tranh chấp hàng hải, trong đó Bắc Kinh nhắc lại yêu cầu rút ngay lập tức con tàu của Philippines khỏi bãi cạn Sa Bin. Ngay sau khi tàu của Philippines rút khỏi bãi Sa Bin, Trung Quốc đã tái khẳng định yêu sách chủ quyền đối với thực thể này.
Rủi ro lớn là thế nhưng nhiều khả năng Tổng thống Marcos sẽ tiếp tục theo đuổi Sáng kiến Minh bạch trong thời gian tới. Khi trả lời phỏng vấn vào ngày 10/9, Ngoại trưởng Enrique Manalo đã cam kết rằng Philippines không có ý định từ bỏ, thỏa hiệp các quyền chủ quyền hoặc lợi ích của mình với Trung Quốc. Như đã đề cập, Sáng kiến Minh bạch đã mang lại cho chính phủ Philippines sự ủng hộ to lớn từ người dân trong nước. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chưa đầy một năm sau, Philippines sẽ tổ chức tổng tuyển cử bầu thượng viện, hạ viện và các chức vụ địa phương. Sau những mâu thuẫn trong nội bộ chính phủ vừa qua, cuộc bầu cử rất có thể sẽ là sự cạnh tranh gay gắt giữa phe ủng hộ tổng thống với nhóm đối lập do gia tộc Duterte dẫn đầu. Trong tình thế như vậy, đảm bảo sự ủng hộ từ công chúng là vô cùng quan trọng đối với ông Marcos, và Sáng kiến Minh bạch chính là “ngọn cờ” thúc đẩy sự đoàn kết này.
Ở cấp độ khu vực và quốc tế, Sáng kiến Minh bạch cũng là động lực để chính phủ đương nhiệm thu hút sự quan tâm của Mỹ và các đồng minh nhằm hỗ trợ xây dựng nền quốc phòng Philippines hiện đại hơn. Nếu Manila thể hiện thái độ chùn bước (từ bỏ Sáng kiến Minh bạch), các lực lượng ủng hộ có thể viện lý do đó để xóa bỏ các khoản tài trợ hoặc làm giảm đi mối liên kết đang chặt chẽ với quốc gia Đông Nam Á này. Trong trường hợp đó, Manila vốn đã yếu thế trước gã khổng lồ Trung Quốc sẽ lại càng trở nên dễ tổn thương hơn.
Để giúp Sáng kiến Minh bạch trở nên hiệu quả hơn, chính phủ Philippines nên thống nhất trong cách nhìn nhận giữa các cơ quan, xác định rõ đâu là mục tiêu quan trọng mà đất nước này hướng tới. Các mục tiêu cần phải xem xét là cô lập Trung Quốc về mặt ngoại giao; tập hợp sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực và các cường quốc; nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải của Philippines; hiện đại hóa quân đội và PCG; hay thiết lập các quan hệ đối tác an ninh mới. Bằng việc cân nhắc đâu là những hướng đi trọng tâm, Manila có thể tiến tới xây dựng một chiến lược hàng hải cụ thể, rõ ràng và thống nhất hơn.
Tuy nhiên, thực tế dường như không mấy khả quan khi Philippines có lẽ đang cạn ý tưởng cho một chiến lược tổng thể, hay nói cách khác, quốc gia này đang loay hoay trong việc làm thế nào để ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc một cách hiệu quả. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến Manila, mà sâu xa hơn đang làm bộc lộ sự bất cân xứng trong quan hệ quốc tế, khi mà các quốc gia nhỏ hơn (như Philippines, Việt Nam, Malaysia…) rất dễ bị tổn thương trước nước láng giềng với tham vọng bá quyền. Hơn nữa, các cam kết an ninh giữa những quốc gia Đông Nam Á với cường quốc bên ngoài (chẳng hạn Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines ký vào năm 1951) vẫn tỏ ra “lỏng lẻo” và thiếu khả năng vận dụng trong thực tiễn.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Rodrigo Duterte (2016 - 2022) đã dẫn dắt Philippines theo đuổi chính sách đối ngoại thân Trung Quốc. Chính sách này ở một mức độ nào đó đã góp phần làm giảm các căng thẳng giữa Manila với Bắc Kinh, đặc biệt là trên Biển Đông.
Đến thời Ferdinand Marcos Jr., Manila có lập trường cứng rắn hơn và tăng cường các hoạt động phản kháng các hành động gây sức ép của Bắc Kinh trên Biển Đông. Cách tiếp cận bao trùm cho lập trường và động thái trên là Sáng kiến Minh bạch (Transparency Initiative), được chính quyền Marcos theo đuổi kể từ tháng 2/2023. Sáng kiến ra đời với mục đích công khai hóa các hành vi cưỡng chế của Trung Quốc, thu hút dư luận quốc tế để vạch trần các hành động cưỡng ép và phi pháp của nước này, và bác bỏ việc Bắc Kinh tự cho mình là một “cường quốc nhân từ và có trách nhiệm” (benevolent and responsible great power).
Trên thực tế, Sáng kiến Minh Bạch không phải là ý tưởng mới, mà nó đã phần nào được phản ánh trong cách tiếp cận của Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III (2010 - 2016). Động thái vạch trần Trung Quốc nổi tiếng vào thời điểm đó chính là việc Philippines đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) vào năm 2013. Theo Manila, yêu sách “đường chín đoạn” (nine-dash line) của Trung Quốc không có giá trị pháp lý bởi vì nó vi phạm quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Tuy nhiên, chính phủ của ông Marcos theo đuổi cách tiếp cận quyết đoán hơn so với chính quyền Aquino. Cụ thể, ông Aquino mặc dù cứng rắn về hùng biện, nhưng lại mềm mỏng hơn nhiều trên thực địa và cố gắng tránh các sự cố có thể gây nguy hiểm cho vụ kiện của Philippines. Ngược lại, ông Marcos cân nhắc hơn trong các phát biểu của mình (kiềm chế không đề cập đến các tranh chấp, không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc), song lại sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông, thể hiện qua vô số các cuộc va chạm giữa hai nước trong thời gian qua.
Sáng kiến Minh bạch và những điểm sáng
Kể từ khi triển khai Sáng kiến Minh bạch, chính phủ Philippines đã thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận trong nước. Dưới thời ông Duterte, các cuộc khảo sát thường xuyên chỉ ra rằng người dân Philippines mong mỏi chính phủ thực hiện cách tiếp cận quyết đoán hơn với Trung Quốc trong các tranh chấp trên Biển Đông; tuy nhiên, chính quyền Duterte lại có cách tiếp cận nhượng bộ và giữ lập trường “hòa giải” trong quan hệ với Trung Quốc.
Sáng kiến Minh bạch của chính phủ Marcos đã đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân nước này. Bằng chứng là sau hơn nửa năm triển khai, theo thăm dò dư luận của công ty OCTA Research Group (có trụ sở tại thành phố Quezon) với 1.200 người dân Philippines từ ngày 30/9 - 4/10/2023, tỷ lệ ủng hộ đối với chính sách của Tổng thống Marcos trên Biển Đông đã tăng lên mức 58%. Trong cuộc khảo sát tương tự ở quý trước đó, tỷ lệ ủng hộ chỉ là 43%.
Đến tháng 7 vừa qua, Pulse Asia (công ty chuyên thăm dò dư luận có trụ sở tại Philippines) đã công bố kết quả nghiên cứu sau khi khảo sát 1.200 người dân trên khắp Philippines từ ngày 17 - 24/6. Theo đó, có đến 76% người được hỏi ủng hộ việc chính phủ đương nhiệm liên tục khẳng định các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, 20% không đưa ra quan điểm, trong khi số ít ỏi còn lại phản đối. Bàn luận về kết quả này, GS. Froilan Calilung (chuyên ngành khoa học chính trị tại đại học Santo Tomas, thủ đô Manila) khẳng định rằng “Rõ ràng là sáng kiến [Minh bạch] đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Philippines” (It is clear here that it is gaining popular support and popular backing from majority of Filipinos).
Không chỉ thu hút sự ủng hộ đông đảo từ trong nước, Sáng kiến Minh bạch của ông Marcos cũng đã tạo bàn đạp mạnh mẽ để Manila thu hút sự quan tâm từ các quốc gia dân chủ. Chẳng hạn, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ năm tàu tuần tra bờ biển lớn và một hệ thống radar giám sát bờ biển cho Philippines. Trong tháng 7, Manila và Tokyo cũng vừa hoàn tất Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA), mở đường cho nỗ lực thúc đẩy hợp tác quân sự như cử nhân viên quốc phòng đến lãnh thổ của nhau để huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm và thiết bị, cũng như thực hiện các hoạt động khác. Những quốc gia tiềm năng tiếp theo mà Philippines có thể ký RAA là Canada, Pháp và New Zealand, mở ra cơ hội để Manila tăng cường an ninh và thắt chặt mạng lưới đối tác với các quốc gia có “cùng chí hướng”. Ngoài ra, Canada đã cho phép Philippines sử dụng hệ thống vệ tinh theo dõi để phát hiện các tàu “bóng tối” (những tàu không sử dụng hệ thống nhận dạng tự động) trong vùng biển mà Manila kiểm soát.
Trong khi đó, các cuộc tuần tra hàng hải chung trên Biển Đông giữa Philippines với Mỹ và các đối tác khác đang tăng cả về quy mô và tần suất. Nhờ những hoạt động như vậy, các nhóm tiểu đa phương đã được hình thành giữa Mỹ - Nhật - Phi và giữa Mỹ - Nhật - Phi - Australia. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và nhiều đồng minh, tiếng nói của Manila dần được cộng đồng quốc tế quan tâm nhiều hơn, mà bằng chứng rõ ràng nhất là Tổng thống Marcos đã được mời phát biểu ở phiên khai mạc Đối thoại Shangri-la 2024 tại Singapore hồi tháng 5. Ngay cả các quốc gia từng im lặng trước những hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông với Philippines cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại. Danh sách này bao gồm Việt Nam, Hàn Quốc, và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Có thể nói, nhờ Sáng kiến Minh bạch, chính phủ của Tổng thống Marcos đã đạt được sự ủng hộ vững chắc trong lòng dân chúng, từ đó tạo nền tảng để mở rộng vị thế của Philippines trên trường quốc tế. Quan trọng hơn hết, nhờ sự ủng hộ ở cả trong lẫn ngoài nước như vậy, Philippines vẫn bảo vệ được các thực thể mà nước này chiếm đóng trên Biển Đông, đồng thời chiếm giữ thêm bãi Sa Bin (Sabina shoal).
Nhưng Sáng kiến có nhiều hạn chế
Dù có khác với chính phủ tiền nhiệm, cách tiếp cận của ông Marcos không thay đổi được hành vi của Trung Quốc. Nói cách khác, nó không khiến siêu cường này từ bỏ tham vọng bành trướng trên Biển Đông. Kể từ khi Sáng kiến Minh bạch ra đời, căng thẳng ở Biển Đông không giảm, mà ngược lại, số vụ xung đột càng gia tăng. Trung Quốc đã gây sức ép theo nhiều cách với Philippines, từ việc sử dụng tia laser, va chạm tàu thuyền, phun vòi rồng, cho đến xô xát khiến các thủy thủ nước này bị thương. Các điểm nóng vì thế cũng bùng phát tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas shoal), Scarborough và Sa Bin.
Thêm vào đó, các tàu Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Philippines ngày càng nhiều, không chỉ tại biển Tây Philippines (cách nước này gọi Biển Đông), mà còn được phát hiện ở vùng biển phía đông, eo biển Basilan và Sibutu ở phía nam của quốc gia Đông Nam Á này. Các cuộc chạm trán trên không cũng xảy ra khi máy bay thuộc không quân Trung Quốc thả pháo sáng trên đường đi của một máy bay Philippines đang tuần tra gần bãi cạn Scarborough.
Cho đến nay, sức ép của Bắc Kinh đối với Manila vẫn không giảm. Theo tuyên bố vào ngày 14/9 của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm, Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ tiếp tục “thực hiện các biện pháp đối phó kiên quyết và hiệu quả đối với bất kỳ ai gây rối ở Biển Đông hoặc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”. Nói đi đôi với làm, trong vòng một tháng qua, bãi Sa Bin đã trở thành điểm nóng mới khi chứng kiến ít nhất hai vụ va chạm giữa Bắc Kinh và Manila vào ngày 25 và 31/8. Thêm vào đó, trong số các tàu hải cảnh Trung Quốc đang hiện diện trên thực địa, có hai chiếc làm nhiệm vụ kéo, và tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) ngày 2/9 đã nhận định rằng có khả năng hai chiếc tàu trên sẽ được sử dụng cho phương án kéo tàu BRP Teresa Magbanua ra khỏi khu vực Philippines đang chiếm đóng trên bãi Sa Bin.
Ngoài ra, trong những tháng đầu năm nay, tin tặc Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng xâm nhập vào các trang web và máy chủ email của các cơ quan chính phủ Philippines, trong đó có lực lượng tuần duyên (Philippines Coast Guard - PCG). Đồng thời, lượng thông tin sai lệch cũng gia tăng, nhắm vào giới học giả, nhà báo và công chúng nói chung thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.
Về cơ bản, Sáng kiến Minh bạch không tạo ra đủ sự răn đe để khiến Bắc Kinh chùn bước. Dưới thời các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây như Giang Trạch Dân (1993 - 2003) hay Hồ Cẩm Đào (2003 - 2013), Bắc Kinh đã nỗ lực hành động như một “bên liên quan có trách nhiệm” (responsible stakeholder) trong hệ thống quốc tế. Trung Quốc khi đó đã tích cực thúc đẩy câu chuyện “trỗi dậy hòa bình” (peaceful rise) để xua tan các chỉ trích cho rằng nước này tìm cách gây xung đột với các nước láng giềng và Mỹ.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình lại không “mềm mỏng” như hai người tiền bối là Giang và Hồ. Trung Quốc dưới nhiệm kỳ của ông (từ năm 2013 đến nay) trở nên độc đoán hơn, và cũng ít quan tâm hơn đến nguy cơ tổn hại danh tiếng quốc tế. Điều đó có nghĩa là Sáng kiến Minh bạch đã lỗi thời, không bắt kịp với sự biến chuyển hiện nay, và khó tạo ra hiệu quả trong việc chống lại Trung Quốc.
Không chỉ lỗi thời, Sáng kiến Minh bạch còn phơi bày những bất đồng trong nội bộ Philippines. Các quan chức nước này đã đặt những tên khác nhau cho cách tiếp cận về sự minh bạch. Trợ lý Tổng Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Jonathan Malaya gọi sáng kiến hiện nay là “minh bạch có chừng mực” (measured transparency), trong khi phát ngôn viên Jay Tarriela của PCG cho rằng đó nên là “minh bạch quyết đoán” (assertive transparency).
Mọi người đều đồng ý về nhu cầu minh bạch, nhưng mức độ mà chính phủ muốn minh bạch là một câu hỏi mở. Trong khi “có chừng mực” gợi ý tính chọn lọc đối với thông tin được tiết lộ, thì “quyết đoán” ám chỉ quyết tâm vạch trần hầu hết mọi thứ. Sự bất nhất về tên gọi cho thấy dường như xuất hiện sự xung đột hoặc thiếu nhất quán trong nội bộ, điều này làm lộ “điểm yếu” trong cách tiếp cận của toàn chính phủ.
Ngay cả giữa Tổng thống Marcos và Phó Tổng thống Sara Duterte hiện cũng có những rạn nứt nghiêm trọng. Chẳng hạn, trong Thông điệp quốc gia lần thứ ba vào tháng 7, ông Marcos đã đề cập đến nhiều vấn đề, bao gồm nhấn mạnh rằng Manila sẽ tiếp tục củng cố thế trận phòng thủ trên Biển Đông, đồng thời xây dựng liên minh với các đồng minh. Tuy nhiên, bà Sara đã không tham dự sự kiện này, và trước đó cũng từ chức Bộ trưởng Giáo dục và Phó Chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm về Chống Nổi dậy. Đáng chú ý, bà Sara đã chủ động né tránh các phát ngôn chỉ trích các hành động gây sức ép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lợi bất cập hại?
Xem xét giữa các thành công và hạn chế của Sáng kiến Minh bạch, có thể nhận định rằng chính sách này có nhiều khuyết điểm hơn. Suy cho cùng, Sáng kiến trên ra đời là nhằm vạch trần và ngăn cản các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng sự thật đã không diễn ra như vậy. Philippines đạt được thành công chủ yếu là về khía cạnh phổ biến nhận thức (vạch trần) về sự bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tuy nhiên, nước này lại vấp nhiều hạn chế về phương diện “ngăn cản” các hành động của nước láng giềng hùng mạnh.
Trên thực địa, Bắc Kinh như một gã khổng lồ đang cố gắng áp đặt ý chí của mình lên đối thủ yếu hơn nhiều là Philippines. Quốc gia Đông Nam Á dù vẫn chưa bị mất bất kỳ thực thể nào đang kiểm soát ở Biển Đông, nhưng rất dễ bị tổn thương và khó nhờ cậy vào sự hỗ trợ trên thực địa của Mỹ cũng như đồng minh. Nếu Trung Quốc dồn toàn lực để gây sức ép, kết hợp thêm trừng phạt về kinh tế như sự kiện Scarborough năm 2012 (khi mà Bắc Kinh phong tỏa bằng ít nhất ba tàu hải cảnh cùng hàng loạt tàu cá nhỏ, tố cáo Philippines quân sự hóa khu vực, và hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ quốc đảo này), Manila khó đủ sức bảo vệ được bãi Cỏ Mây hoặc Sa Bin. Điều này càng đáng chú ý hơn khi sự ủng hộ của Mỹ vẫn chủ yếu là ở diễn ngôn, và Washington chỉ để ngỏ khả năng tham vấn về việc hộ tống các tàu Philippines ở những khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại về các động thái của Bắc Kinh.
Cuối cùng, điều gì đến cũng đã đến, trước sức ép liên tục từ Trung Quốc, vào ngày 15/9, tàu BRP Teresa Magbanua đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin sau hơn năm tháng thả neo tại đây. Theo giải thích từ phía Philippines, “tàu BRP Teresa Magbanua buộc phải quay trở lại cảng do điều kiện thời tiết bất lợi, nguồn cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày cạn kiệt và nhu cầu sơ tán nhân sự cần chăm sóc y tế”. Động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau các cuộc thảo luận giữa đại diện của Philippines và Trung Quốc về tranh chấp hàng hải, trong đó Bắc Kinh nhắc lại yêu cầu rút ngay lập tức con tàu của Philippines khỏi bãi cạn Sa Bin. Ngay sau khi tàu của Philippines rút khỏi bãi Sa Bin, Trung Quốc đã tái khẳng định yêu sách chủ quyền đối với thực thể này.
Rủi ro lớn là thế nhưng nhiều khả năng Tổng thống Marcos sẽ tiếp tục theo đuổi Sáng kiến Minh bạch trong thời gian tới. Khi trả lời phỏng vấn vào ngày 10/9, Ngoại trưởng Enrique Manalo đã cam kết rằng Philippines không có ý định từ bỏ, thỏa hiệp các quyền chủ quyền hoặc lợi ích của mình với Trung Quốc. Như đã đề cập, Sáng kiến Minh bạch đã mang lại cho chính phủ Philippines sự ủng hộ to lớn từ người dân trong nước. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chưa đầy một năm sau, Philippines sẽ tổ chức tổng tuyển cử bầu thượng viện, hạ viện và các chức vụ địa phương. Sau những mâu thuẫn trong nội bộ chính phủ vừa qua, cuộc bầu cử rất có thể sẽ là sự cạnh tranh gay gắt giữa phe ủng hộ tổng thống với nhóm đối lập do gia tộc Duterte dẫn đầu. Trong tình thế như vậy, đảm bảo sự ủng hộ từ công chúng là vô cùng quan trọng đối với ông Marcos, và Sáng kiến Minh bạch chính là “ngọn cờ” thúc đẩy sự đoàn kết này.
Ở cấp độ khu vực và quốc tế, Sáng kiến Minh bạch cũng là động lực để chính phủ đương nhiệm thu hút sự quan tâm của Mỹ và các đồng minh nhằm hỗ trợ xây dựng nền quốc phòng Philippines hiện đại hơn. Nếu Manila thể hiện thái độ chùn bước (từ bỏ Sáng kiến Minh bạch), các lực lượng ủng hộ có thể viện lý do đó để xóa bỏ các khoản tài trợ hoặc làm giảm đi mối liên kết đang chặt chẽ với quốc gia Đông Nam Á này. Trong trường hợp đó, Manila vốn đã yếu thế trước gã khổng lồ Trung Quốc sẽ lại càng trở nên dễ tổn thương hơn.
Để giúp Sáng kiến Minh bạch trở nên hiệu quả hơn, chính phủ Philippines nên thống nhất trong cách nhìn nhận giữa các cơ quan, xác định rõ đâu là mục tiêu quan trọng mà đất nước này hướng tới. Các mục tiêu cần phải xem xét là cô lập Trung Quốc về mặt ngoại giao; tập hợp sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực và các cường quốc; nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải của Philippines; hiện đại hóa quân đội và PCG; hay thiết lập các quan hệ đối tác an ninh mới. Bằng việc cân nhắc đâu là những hướng đi trọng tâm, Manila có thể tiến tới xây dựng một chiến lược hàng hải cụ thể, rõ ràng và thống nhất hơn.
Tuy nhiên, thực tế dường như không mấy khả quan khi Philippines có lẽ đang cạn ý tưởng cho một chiến lược tổng thể, hay nói cách khác, quốc gia này đang loay hoay trong việc làm thế nào để ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc một cách hiệu quả. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến Manila, mà sâu xa hơn đang làm bộc lộ sự bất cân xứng trong quan hệ quốc tế, khi mà các quốc gia nhỏ hơn (như Philippines, Việt Nam, Malaysia…) rất dễ bị tổn thương trước nước láng giềng với tham vọng bá quyền. Hơn nữa, các cam kết an ninh giữa những quốc gia Đông Nam Á với cường quốc bên ngoài (chẳng hạn Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines ký vào năm 1951) vẫn tỏ ra “lỏng lẻo” và thiếu khả năng vận dụng trong thực tiễn.
Từ khoá: Biển Đông Sáng kiến Minh bạch Philippines Trung Quốc an ninh hàng hải quan hệ bất đối xứng