Với Luật Hải cảnh phi lý, Trung Quốc leo thang căng thẳng ở Biển Đông

Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc nhằm tạo thêm “cơ sở pháp lý tự xưng” cho các hành động gây hấn ở Biển Đông, và Philippines là mục tiêu đầu tiên của Bắc Kinh.

Huỳnh Tâm Sáng 20/06/2024
Image
Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (trái) chặn một tàu tiếp tế cho Hải quân Philippines tại Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông. (C): AFP

Luật của “kẻ mạnh”

Vào tháng 5, Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (China Coast Guard) đã ban hành luật mới với tên gọi “Quy trình thủ tục thi hành luật hành chính của các cơ quan Hải cảnh”, có hiệu lực từ ngày 15/6. Các quy định cập nhật này làm rõ các điều khoản trong Luật Hải cảnh năm 2021 của Trung Quốc (vốn chứa nhiều điều khoản “ngang ngược, sai trái”, không phù hợp với luật pháp quốc tế, và là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ), nêu chi tiết các hướng dẫn về thủ tục để trấn áp những gì được luật này xác định là hoạt động bất hợp pháp trong “các vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”.

Theo luật bổ sung năm 2024, lực lượng hải cảnh (còn gọi là cảnh sát biển) Trung Quốc – với quy mô lớn nhất trên thế giới – có quyền bắt giữ (detention) người nước ngoài vi phạm luật xuất nhập cảnh, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia, hoặc có hành vi hỗ trợ người khác vi phạm luật xuất nhập cảnh của Trung Quốc, bao gồm hỗ trợ công dân nước ngoài vượt biên trái phép, cư trú và làm việc bất hợp pháp trong nước.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng có thể áp dụng hình phạt giam giữ lên tới 30 ngày đối với người nước ngoài vi phạm quy định xuất nhập cảnh của nước này. Bên cạnh đó, “trong những trường hợp phức tạp” (complicated cases), những người nước ngoài bị cáo buộc vi phạm có thể bị giam giữ tới 60 ngày mà không cần thông qua xét xử, và “nếu quốc tịch và danh tính (của người bị tạm giữ) không rõ ràng thì thời gian tạm giam để kiểm tra sẽ được tính kể từ ngày xác định danh tính của họ”. Để thuận tiện cho các thủ tục, các cơ quan hải cảnh cấp tỉnh của Trung Quốc có quyền tự phê duyệt việc gia hạn thời gian giam giữ.

Mặc dù căn cứ theo các luật và quy định hiện hành, lực lượng hải cảnh Trung Quốc có quyền bắt giữ nghi phạm, nhưng đây là lần đầu tiên có một quy định cụ thể làm rõ thủ tục thực thi pháp luật của lực lượng hải cảnh đối với việc bắt giữ hành chính. Đây có thể được xem là động thái leo thang mới nhất của Trung Quốc nhằm giúp lực lượng hải cảnh nước này có thêm nhiều quyền lực và cơ sở pháp lý để thực thi năng lực trên biển, mang lại cho họ một phạm vi thực thi quyền lực lớn hơn ở Biển Đông.

Đáng chú ý, luật mới của Trung Quốc rất mơ hồ và mang động thái “răn đe” các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp với quốc gia này ở Biển Đông. Thực tế, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để bắt giữ người nước ngoài ở vùng biển này vì các quốc gia có quyền tự do hàng hải ở hải phận quốc tế và trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, căn cứ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên (nước này phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996).

Như vậy, Luật Hải cảnh về bản chất là luật pháp trong nước của Trung Quốc; do đó, nó không mang ý nghĩa pháp lý khi được thực thi trong vùng biển hoặc quyền tài phán của quốc gia khác, càng nghiêm trọng hơn khi nó trái với luật pháp và các công ước quốc tế, nhất là khi bản thân nước này đã tham gia chúng với tư cách thành viên.

Dù không có cơ sở pháp lý và vi phạm các nguyên tắc của UNCLOS 1982, động thái của Trung Quốc có thể được xem là sự kết hợp của “luật hoá” và “tâm lý chiến” nhằm gây bất an cho các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực. Cũng có ý kiến cho rằng các quy định mới nhằm giúp Trung Quốc mở rộng “các chiến thuật cưỡng chế vùng xám” (gray zone coercive tactics) để làm suy yếu các bên tranh chấp mà không cần sử dụng đến các lực lượng vũ trang.

Nhìn rộng ra, hành động của Trung Quốc thể hiện tâm thế kẻ mạnh trong quan hệ quốc tế. Vào năm 2010, Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), khi đó là Ngoại trưởng Trung Quốc, đã tuyên bố “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ” khi các quan chức ASEAN chỉ trích các hành động gây hấn của nước này trên Biển Đông.

Hành động của Trung Quốc nhanh chóng vấp phải chỉ trích. Các quốc gia G7 (nhóm 7 quốc gia dân chủ có nền công nghiệp phát triển) đã đưa ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh mới: “Chúng tôi phản đối hành động quân sự hóa cũng như các hoạt động cưỡng ép và đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Tuyên bố cũng nêu cụ thể các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông và sự ủng hộ của các quốc gia này đối với Philippines: “Chúng tôi tiếp tục phản đối việc Trung Quốc sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân hàng hải một cách nguy hiểm ở Biển Đông cũng như việc nước này liên tục cản trở quyền tự do hàng hải trên biển của các nước. Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc [Trung Quốc] ngày càng sử dụng các biện pháp nguy hiểm và vòi rồng chống lại tàu Philippines”.

Dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) đưa ra tuyên bố bảo vệ luật này, cho rằng các quy định mới được thiết kế để tiêu chuẩn hóa các biện pháp thực thi pháp luật hành chính của Trung Quốc và “duy trì trật tự trên biển tốt hơn” (better uphold order at sea). Bà Mao cũng trấn an rằng “các cá nhân và tổ chức không nên lo lắng trừ khi họ tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp”.

Các tuyên bố của bà Mao không có nhiều ý mới! Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin), người vừa được bổ nhiệm làm đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, cũng tuyên bố vào tháng 5 với những nội dung tương tự. Điểm khác biệt là trong tuyên bố vào ngày 20/5, ông Uông có đề cập rằng “nó [quy định mới] phù hợp với các thực tiễn phổ quát” (It is consistent with universal practices).

Trung Quốc leo thang căng thẳng với Philippines

Quy định của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh tình hình an ninh Biển Đông diễn biến phức tạp. Một mặt Trung Quốc đã triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu thuyền khác để tuần tra ở Biển Đông, và quốc gia này thậm chí đã biến một số rạn san hô thành đảo nhân tạo để qua đó “quân sự hóa” các đảo tranh chấp. Trung Quốc cũng thường xuyên đưa tàu xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc gia ven Biển Đông như Philippines, Indonesia, MalaysiaViệt Nam.

Mặt khác, Trung Quốc đang tiến hành phong tỏa hai thực thể trên Biển Đông là bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough (đã bị Trung Quốc giành quyền kiểm soát từ Philippines vào năm 2012). Các tàu của Trung Quốc và Philippines cũng đang đối đầu nhau ở khu vực tranh chấp, nơi cũng đã xảy ra những vụ va chạm khiến một số binh sĩ Philippines bị thương. Tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng vòi rồng để gây sức ép và xua đuổi tàu thuyền Philippines. Bên cạnh đó, Manila đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc có “hành vi dã man và vô nhân đạo” đối với các tàu của nước này khi các tàu Trung Quốc cố tình ngăn cản nỗ lực sơ tán một thành viên bị bệnh của lực lượng vũ trang Philippines ở Biển Đông.

Mới đây, vào sáng ngày 17/6, tàu Trung Quốc bị cáo buộc tiếp cận nguy hiểm tàu vận tải và tiếp tế của Philippines, dẫn đến va chạm nhẹ ở Biển Đông; phía Philippines gọi các hành động của Trung Quốc là “các hành động gây hấn” (aggressive actions) nhằm làm “gia tăng căng thẳng trong khu vực”. Dù các hành động này chưa gây ra xung đột nhưng nguy cơ căng thẳng tiếp tục bùng phát là rất cao khi các bên đều khó nhượng bộ và hiện vẫn kiên quyết với các lập luận chủ quyền của mình.

Trước mắt, Philippines là quốc gia chịu tổn thương lớn nhất bởi luật mà Trung Quốc ban hành khi luật này làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột ở Biển Đông, với việc Bắc Kinh không chỉ có thể tăng cường ngăn chặn các hoạt động sinh kế của ngư dân Philippines gần vùng biển tranh chấp mà còn đặt các thuỷ thủ Philippines vào tầm ngắm. Nhưng có lẽ, Trung Quốc chủ yếu muốn phong tỏa và gây chậm trễ, thậm chí là gây khó khăn cho các hoạt động tiếp tế và cứu hộ của các tàu Philippines ở Biển Đông.

Trước lệnh cấm mang tính răn đe của Trung Quốc, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines vào ngày 26/5 lưu ý rằng quy định mới “đã mở rộng trái phép quyền thực thi pháp luật hàng hải của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh việc thực thi các quy định này sẽ cấu thành hành vi “vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế”, đặc biệt ảnh hưởng đến “các khu vực ở Biển Tây Philippines” (cách Philippines gọi các khu vực ở Biển Đông nằm trong EEZ của nước này, đồng thời là nơi Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán).

Phía Philippines cũng kêu gọi Trung Quốc phải tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016 trong vụ kiện về Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, cũng như Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.

Không chỉ cứng rắn về ngoại giao, Philippines còn chú trọng củng cố năng lực trên thực địa. Manila đang tăng cường tuần tra ở Biển Đông và mô tả quy định mới của Trung Quốc là “sự leo thang tình hình”. Chính vì vậy mà các quan chức Philippines tuyên bố quân đội sẽ bảo vệ ngư dân, đồng thời kêu gọi họ “đừng sợ hãi” và “cứ việc tiếp tục các hoạt động đánh cá bình thường” trong EEZ của nước này.

Tướng Romeo Brawner, tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, khẳng định rằng quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải khác sẵn sàng bảo vệ ngư dân nước này khỏi các hành vi xâm phạm của Trung Quốc ở vùng Biển Tây Philippines. Ông Brawner cũng tuyên bố chính quyền nước này đang “thảo luận về một số bước cần thực hiện để bảo vệ ngư dân của mình”.

Trong khi đó, Lực lượng Không quân Philippines (PAF) khẳng định quyết tâm tiếp tục tiến hành tuần tra hàng hải trên Biển Tây Philippines, ngay cả khi Trung Quốc thực thi các quy định mới. Đại tá Maria Consuelo Castillo, người phát ngôn của PAF, cho biết việc tiến hành tuần tra hàng hải trong EEZ của nước này là một phần của nghĩa vụ mà không quân thực hiện để bảo vệ người dân Philippines.

Ngư dân Philippines cũng tham gia với các cuộc biểu tình phản đối luật mới của Trung Quốc bên ngoài lãnh sự quán nước này ở Manila và kêu gọi cấm các sản phẩm của Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền Marcos đang chuẩn bị tăng cường các tàu tuần tra tại Biển Tây Philippines để bảo vệ ngư dân. Vào tháng 5, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Tổng thống Marcos khẳng định các yêu sách của Philippines ở Biển Đông là căn cứ theo luật pháp quốc tế. Trước các hành động gây sức ép của Trung Quốc, ông thậm chí còn đưa ra tuyên bố cứng rắn: “Tôi không có ý định nhượng bộ. Người Philippines không nhượng bộ”.

Các tuyên bố và hành động nêu trên cho thấy quyết tâm của chính phủ và người dân Philippines trong việc bất chấp quy định mới của Bắc Kinh. Khi Manila đã coi chủ quyền và an ninh ở vùng biển mà nước này gọi là Biển Tây Philippines có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia thì dường như khả năng nhượng bộ của Manila trước Bắc Kinh chỉ là điều viển vông.

Căng thẳng còn tiếp diễn

Để không bị xem là một “con hổ giấy”, Trung Quốc có thể gia tăng căng thẳng bằng việc bắt giữ ngư dân Philippines để “thị uy”; tuy nhiên, không loại trừ khả năng là Manila cũng có thể “trả đũa” khi làm điều tương tự. Nếu kịch bản này xảy ra, bế tắc ngoại giao hay thậm chí là xung đột ở Biển Đông rất có thể sẽ xảy ra.

Tuy vậy, nỗ lực của Philippines cũng có những hạn chế, chủ yếu là khi xét về tương quan sức mạnh của cường quốc tầm trung này so với cường quốc khu vực như Trung Quốc. Cụ thể, Philippines phải đối mặt với một trong những lực lượng hàng hải hùng mạnh nhất thế giới với các hành động cưỡng ép liên tục, nhất là thường xuyên tiến hành các hành động đe dọa, đâm và tấn công các tàu Philippines bằng vòi rồng. Lợi thế của Trung Quốc càng được củng cố hơn khi quốc gia này sở hữu quy mô hải quân to lớn, cùng năng lực hiện đại của cơ sở công nghiệp và vị trí gần chiến trường.

Để ứng phó với hành vi “luật hoá” của chính quyền Bắc Kinh, chính quyền Marcos vẫn nên tiếp tục chiến lược minh bạch hoá (Transparency Strategy) các hành vi cưỡng ép của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Tây Philippines. Bên cạnh đó, Philippines có thể tăng cường năng lực răn đe của mình thông qua phối hợp với Mỹ và các đồng minh của Mỹ (như Australia, Nhật Bản) để cùng gia tăng sự hiện diện tại Biển Đông thông qua triển khai các hoạt động tuần tra hay tập trận chung để khẳng định quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế và gửi thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh.

Rất có thể các hành động của Philippines và các đối tác thân thiết sẽ bị Trung Quốc lên án và coi là hành vi vi phạm cái gọi là chủ quyền của quốc gia này ở Biển Đông. Tuy nhiên, các hoạt động phối hợp có thể gửi tín hiệu tích cực rằng Mỹ vẫn hỗ trợ Philippines với tư cách là đồng minh thân thiết, và quan trọng là, các động thái của Trung Quốc trong việc đơn phương “luật hoá” ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và không được chấp nhận – dù Trung Quốc có là “kẻ mạnh” đi chăng nữa.

Luật của “kẻ mạnh”

Vào tháng 5, Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (China Coast Guard) đã ban hành luật mới với tên gọi “Quy trình thủ tục thi hành luật hành chính của các cơ quan Hải cảnh”, có hiệu lực từ ngày 15/6. Các quy định cập nhật này làm rõ các điều khoản trong Luật Hải cảnh năm 2021 của Trung Quốc (vốn chứa nhiều điều khoản “ngang ngược, sai trái”, không phù hợp với luật pháp quốc tế, và là mối đe dọa đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ), nêu chi tiết các hướng dẫn về thủ tục để trấn áp những gì được luật này xác định là hoạt động bất hợp pháp trong “các vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”.

Theo luật bổ sung năm 2024, lực lượng hải cảnh (còn gọi là cảnh sát biển) Trung Quốc – với quy mô lớn nhất trên thế giới – có quyền bắt giữ (detention) người nước ngoài vi phạm luật xuất nhập cảnh, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia, hoặc có hành vi hỗ trợ người khác vi phạm luật xuất nhập cảnh của Trung Quốc, bao gồm hỗ trợ công dân nước ngoài vượt biên trái phép, cư trú và làm việc bất hợp pháp trong nước.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng có thể áp dụng hình phạt giam giữ lên tới 30 ngày đối với người nước ngoài vi phạm quy định xuất nhập cảnh của nước này. Bên cạnh đó, “trong những trường hợp phức tạp” (complicated cases), những người nước ngoài bị cáo buộc vi phạm có thể bị giam giữ tới 60 ngày mà không cần thông qua xét xử, và “nếu quốc tịch và danh tính (của người bị tạm giữ) không rõ ràng thì thời gian tạm giam để kiểm tra sẽ được tính kể từ ngày xác định danh tính của họ”. Để thuận tiện cho các thủ tục, các cơ quan hải cảnh cấp tỉnh của Trung Quốc có quyền tự phê duyệt việc gia hạn thời gian giam giữ.

Mặc dù căn cứ theo các luật và quy định hiện hành, lực lượng hải cảnh Trung Quốc có quyền bắt giữ nghi phạm, nhưng đây là lần đầu tiên có một quy định cụ thể làm rõ thủ tục thực thi pháp luật của lực lượng hải cảnh đối với việc bắt giữ hành chính. Đây có thể được xem là động thái leo thang mới nhất của Trung Quốc nhằm giúp lực lượng hải cảnh nước này có thêm nhiều quyền lực và cơ sở pháp lý để thực thi năng lực trên biển, mang lại cho họ một phạm vi thực thi quyền lực lớn hơn ở Biển Đông.

Đáng chú ý, luật mới của Trung Quốc rất mơ hồ và mang động thái “răn đe” các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp với quốc gia này ở Biển Đông. Thực tế, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để bắt giữ người nước ngoài ở vùng biển này vì các quốc gia có quyền tự do hàng hải ở hải phận quốc tế và trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, căn cứ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên (nước này phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996).

Như vậy, Luật Hải cảnh về bản chất là luật pháp trong nước của Trung Quốc; do đó, nó không mang ý nghĩa pháp lý khi được thực thi trong vùng biển hoặc quyền tài phán của quốc gia khác, càng nghiêm trọng hơn khi nó trái với luật pháp và các công ước quốc tế, nhất là khi bản thân nước này đã tham gia chúng với tư cách thành viên.

Dù không có cơ sở pháp lý và vi phạm các nguyên tắc của UNCLOS 1982, động thái của Trung Quốc có thể được xem là sự kết hợp của “luật hoá” và “tâm lý chiến” nhằm gây bất an cho các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực. Cũng có ý kiến cho rằng các quy định mới nhằm giúp Trung Quốc mở rộng “các chiến thuật cưỡng chế vùng xám” (gray zone coercive tactics) để làm suy yếu các bên tranh chấp mà không cần sử dụng đến các lực lượng vũ trang.

Nhìn rộng ra, hành động của Trung Quốc thể hiện tâm thế kẻ mạnh trong quan hệ quốc tế. Vào năm 2010, Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), khi đó là Ngoại trưởng Trung Quốc, đã tuyên bố “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ” khi các quan chức ASEAN chỉ trích các hành động gây hấn của nước này trên Biển Đông.

Hành động của Trung Quốc nhanh chóng vấp phải chỉ trích. Các quốc gia G7 (nhóm 7 quốc gia dân chủ có nền công nghiệp phát triển) đã đưa ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh mới: “Chúng tôi phản đối hành động quân sự hóa cũng như các hoạt động cưỡng ép và đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Tuyên bố cũng nêu cụ thể các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông và sự ủng hộ của các quốc gia này đối với Philippines: “Chúng tôi tiếp tục phản đối việc Trung Quốc sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân hàng hải một cách nguy hiểm ở Biển Đông cũng như việc nước này liên tục cản trở quyền tự do hàng hải trên biển của các nước. Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc [Trung Quốc] ngày càng sử dụng các biện pháp nguy hiểm và vòi rồng chống lại tàu Philippines”.

Dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) đưa ra tuyên bố bảo vệ luật này, cho rằng các quy định mới được thiết kế để tiêu chuẩn hóa các biện pháp thực thi pháp luật hành chính của Trung Quốc và “duy trì trật tự trên biển tốt hơn” (better uphold order at sea). Bà Mao cũng trấn an rằng “các cá nhân và tổ chức không nên lo lắng trừ khi họ tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp”.

Các tuyên bố của bà Mao không có nhiều ý mới! Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin), người vừa được bổ nhiệm làm đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, cũng tuyên bố vào tháng 5 với những nội dung tương tự. Điểm khác biệt là trong tuyên bố vào ngày 20/5, ông Uông có đề cập rằng “nó [quy định mới] phù hợp với các thực tiễn phổ quát” (It is consistent with universal practices).

Trung Quốc leo thang căng thẳng với Philippines

Quy định của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh tình hình an ninh Biển Đông diễn biến phức tạp. Một mặt Trung Quốc đã triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu thuyền khác để tuần tra ở Biển Đông, và quốc gia này thậm chí đã biến một số rạn san hô thành đảo nhân tạo để qua đó “quân sự hóa” các đảo tranh chấp. Trung Quốc cũng thường xuyên đưa tàu xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc gia ven Biển Đông như Philippines, Indonesia, MalaysiaViệt Nam.

Mặt khác, Trung Quốc đang tiến hành phong tỏa hai thực thể trên Biển Đông là bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough (đã bị Trung Quốc giành quyền kiểm soát từ Philippines vào năm 2012). Các tàu của Trung Quốc và Philippines cũng đang đối đầu nhau ở khu vực tranh chấp, nơi cũng đã xảy ra những vụ va chạm khiến một số binh sĩ Philippines bị thương. Tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng vòi rồng để gây sức ép và xua đuổi tàu thuyền Philippines. Bên cạnh đó, Manila đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc có “hành vi dã man và vô nhân đạo” đối với các tàu của nước này khi các tàu Trung Quốc cố tình ngăn cản nỗ lực sơ tán một thành viên bị bệnh của lực lượng vũ trang Philippines ở Biển Đông.

Mới đây, vào sáng ngày 17/6, tàu Trung Quốc bị cáo buộc tiếp cận nguy hiểm tàu vận tải và tiếp tế của Philippines, dẫn đến va chạm nhẹ ở Biển Đông; phía Philippines gọi các hành động của Trung Quốc là “các hành động gây hấn” (aggressive actions) nhằm làm “gia tăng căng thẳng trong khu vực”. Dù các hành động này chưa gây ra xung đột nhưng nguy cơ căng thẳng tiếp tục bùng phát là rất cao khi các bên đều khó nhượng bộ và hiện vẫn kiên quyết với các lập luận chủ quyền của mình.

Trước mắt, Philippines là quốc gia chịu tổn thương lớn nhất bởi luật mà Trung Quốc ban hành khi luật này làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột ở Biển Đông, với việc Bắc Kinh không chỉ có thể tăng cường ngăn chặn các hoạt động sinh kế của ngư dân Philippines gần vùng biển tranh chấp mà còn đặt các thuỷ thủ Philippines vào tầm ngắm. Nhưng có lẽ, Trung Quốc chủ yếu muốn phong tỏa và gây chậm trễ, thậm chí là gây khó khăn cho các hoạt động tiếp tế và cứu hộ của các tàu Philippines ở Biển Đông.

Trước lệnh cấm mang tính răn đe của Trung Quốc, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines vào ngày 26/5 lưu ý rằng quy định mới “đã mở rộng trái phép quyền thực thi pháp luật hàng hải của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc”, đồng thời nhấn mạnh việc thực thi các quy định này sẽ cấu thành hành vi “vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế”, đặc biệt ảnh hưởng đến “các khu vực ở Biển Tây Philippines” (cách Philippines gọi các khu vực ở Biển Đông nằm trong EEZ của nước này, đồng thời là nơi Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán).

Phía Philippines cũng kêu gọi Trung Quốc phải tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016 trong vụ kiện về Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, cũng như Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.

Không chỉ cứng rắn về ngoại giao, Philippines còn chú trọng củng cố năng lực trên thực địa. Manila đang tăng cường tuần tra ở Biển Đông và mô tả quy định mới của Trung Quốc là “sự leo thang tình hình”. Chính vì vậy mà các quan chức Philippines tuyên bố quân đội sẽ bảo vệ ngư dân, đồng thời kêu gọi họ “đừng sợ hãi” và “cứ việc tiếp tục các hoạt động đánh cá bình thường” trong EEZ của nước này.

Tướng Romeo Brawner, tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, khẳng định rằng quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải khác sẵn sàng bảo vệ ngư dân nước này khỏi các hành vi xâm phạm của Trung Quốc ở vùng Biển Tây Philippines. Ông Brawner cũng tuyên bố chính quyền nước này đang “thảo luận về một số bước cần thực hiện để bảo vệ ngư dân của mình”.

Trong khi đó, Lực lượng Không quân Philippines (PAF) khẳng định quyết tâm tiếp tục tiến hành tuần tra hàng hải trên Biển Tây Philippines, ngay cả khi Trung Quốc thực thi các quy định mới. Đại tá Maria Consuelo Castillo, người phát ngôn của PAF, cho biết việc tiến hành tuần tra hàng hải trong EEZ của nước này là một phần của nghĩa vụ mà không quân thực hiện để bảo vệ người dân Philippines.

Ngư dân Philippines cũng tham gia với các cuộc biểu tình phản đối luật mới của Trung Quốc bên ngoài lãnh sự quán nước này ở Manila và kêu gọi cấm các sản phẩm của Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền Marcos đang chuẩn bị tăng cường các tàu tuần tra tại Biển Tây Philippines để bảo vệ ngư dân. Vào tháng 5, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Tổng thống Marcos khẳng định các yêu sách của Philippines ở Biển Đông là căn cứ theo luật pháp quốc tế. Trước các hành động gây sức ép của Trung Quốc, ông thậm chí còn đưa ra tuyên bố cứng rắn: “Tôi không có ý định nhượng bộ. Người Philippines không nhượng bộ”.

Các tuyên bố và hành động nêu trên cho thấy quyết tâm của chính phủ và người dân Philippines trong việc bất chấp quy định mới của Bắc Kinh. Khi Manila đã coi chủ quyền và an ninh ở vùng biển mà nước này gọi là Biển Tây Philippines có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia thì dường như khả năng nhượng bộ của Manila trước Bắc Kinh chỉ là điều viển vông.

Căng thẳng còn tiếp diễn

Để không bị xem là một “con hổ giấy”, Trung Quốc có thể gia tăng căng thẳng bằng việc bắt giữ ngư dân Philippines để “thị uy”; tuy nhiên, không loại trừ khả năng là Manila cũng có thể “trả đũa” khi làm điều tương tự. Nếu kịch bản này xảy ra, bế tắc ngoại giao hay thậm chí là xung đột ở Biển Đông rất có thể sẽ xảy ra.

Tuy vậy, nỗ lực của Philippines cũng có những hạn chế, chủ yếu là khi xét về tương quan sức mạnh của cường quốc tầm trung này so với cường quốc khu vực như Trung Quốc. Cụ thể, Philippines phải đối mặt với một trong những lực lượng hàng hải hùng mạnh nhất thế giới với các hành động cưỡng ép liên tục, nhất là thường xuyên tiến hành các hành động đe dọa, đâm và tấn công các tàu Philippines bằng vòi rồng. Lợi thế của Trung Quốc càng được củng cố hơn khi quốc gia này sở hữu quy mô hải quân to lớn, cùng năng lực hiện đại của cơ sở công nghiệp và vị trí gần chiến trường.

Để ứng phó với hành vi “luật hoá” của chính quyền Bắc Kinh, chính quyền Marcos vẫn nên tiếp tục chiến lược minh bạch hoá (Transparency Strategy) các hành vi cưỡng ép của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Tây Philippines. Bên cạnh đó, Philippines có thể tăng cường năng lực răn đe của mình thông qua phối hợp với Mỹ và các đồng minh của Mỹ (như Australia, Nhật Bản) để cùng gia tăng sự hiện diện tại Biển Đông thông qua triển khai các hoạt động tuần tra hay tập trận chung để khẳng định quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế và gửi thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh.

Rất có thể các hành động của Philippines và các đối tác thân thiết sẽ bị Trung Quốc lên án và coi là hành vi vi phạm cái gọi là chủ quyền của quốc gia này ở Biển Đông. Tuy nhiên, các hoạt động phối hợp có thể gửi tín hiệu tích cực rằng Mỹ vẫn hỗ trợ Philippines với tư cách là đồng minh thân thiết, và quan trọng là, các động thái của Trung Quốc trong việc đơn phương “luật hoá” ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và không được chấp nhận – dù Trung Quốc có là “kẻ mạnh” đi chăng nữa.

Từ khoá: Trung Quốc Luật Hải cảnh mới Philippines Biển Đông

BÀI LIÊN QUAN