Văn hoá - Xã hội   30/05/2024

Biểu tình tại Đài Loan: Liệu có bùng nổ phong trào Hoa Hướng Dương 2.0?

Liệu làn sóng biểu tình hiện nay tại Đài Loan nhằm phản đối những cải cách lập pháp “thiếu minh bạch và phi dân chủ” của phe đối lập KMT-TPP có thể phát triển thành một phong trào Hoa Hướng Dương mới?

Tim Phan

30/05/2024
Image
Người biểu tình trước Viện Lập pháp của Đài Loan hôm 21/5 - (C): Brian Hioe/New Bloom Magazine

“Con đường dẫn đến tự do được bao quanh bởi những bông hoa hướng dương” (the road to freedom is bordered with sunflowers). Đây là câu trích dẫn nổi tiếng được cho là của nghệ sĩ đại chúng người Anh Martin Firrell khi ông lấy hình ảnh hoa hướng dương để nói lên những khát khao và sự tranh đấu trên con đường tìm kiếm tự do. 

Đối với người dân Đài Loan, hoa hướng dương không chỉ là biểu tượng của sự tự do mà ý nghĩa của nó còn liên quan đến cả những giá trị dân chủ, niềm hy vọng; và cũng như hoa hướng dương hướng luôn hướng về phía mặt trời, những công dân Đài Loan luôn hướng về các giá trị tự do, dân chủ. Nhận thức này đã ăn sâu vào tâm thức và dần trở thành bản sắc của các thế hệ được sinh ra kể từ sau khi Đài Loan chấm dứt chế độ thiết quân luật (vào năm 1987) và triển khai quá trình dân chủ hoá.

Hình ảnh hoa hướng dương lần đầu tiên được đặt tên cho phong trào biểu tình vào năm 2014 do sinh viên Đài Loan lãnh đạo nhằm phản đối việc chính quyền trung ương của Quốc Dân Đảng (Kuomintang – KMT), đứng đầu là Tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou), đơn phương nỗ lực thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Dịch vụ xuyên eo biển (CSSTA) với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối gay gắt từ đảng Dân chủ Tiến bộ (Democratic Progressive Party – DPP). 

Phong trào Hoa Hướng Dương (the Sunflower Movement) dẫn đến việc các sinh viên và các nhà hoạt động chiếm giữ Viện Lập pháp (​​cơ quan lập pháp của Đài Loan) và sau đó là Viện Hành pháp (trong một giai đoạn ngắn) từ ngày 18/3 đến 10/4/2014 để ngăn cản chính quyền KMT thông qua CSSTA với sự lo sợ rằng hiệp định này sẽ khiến Đài Loan phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về mặt kinh tế và sau đó là kéo theo những hệ luỵ tiềm tàng về chính trị và an ninh quốc gia. 

Kết quả là, phong trào Hoa Hướng Dương năm 2014 đã đặt dấu chấm hết cho CSSTA cũng như sự ảnh hưởng và quyền lực của KMT tại đảo quốc này khi chỉ hai năm sau đó, năm 2016, đảng này thất bại ở cả ghế tổng thống và thế đa số tại Viện Lập pháp.

Nguồn cơn của làn sóng biểu tình

Mười năm sau, hình ảnh hoa hướng dương lại xuất hiện tại chính địa điểm của ngày xưa—khu vực xung quanh Viện Lập pháp—trong một cuộc biểu tình mà nhiều người liên tưởng về phong trào Hoa Hướng Dương năm 2014 và thậm chí dự đoán rằng Đài Loan sắp có một phong trào Hoa Dướng Dương mới khi đối tượng mà cuộc biểu tình hướng đến vẫn là KMT. 

Chỉ một ngày sau lễ nhậm chức tổng thống Đài Loan của ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te)—tổng thống thứ ba của DPP, ước tính có khoảng 30.000 người đã tham gia cuộc biểu tình trước tòa nhà Viện Lập pháp vào ngày 21/5 để phản đối nỗ lực của KMT và đảng Nhân dân Đài Loan (Taiwan People’s Party - TPP) nhằm thúc đẩy thông các dự luật cải cách lập pháp đối với “Đạo luật Thực thi Quyền lực của Viện Lập pháp” (Law Governing the Legislative Yuan’s Power) vốn gây nhiều tranh cãi. 

KMT và PPP đã liên minh với nhau sau cuộc bầu cử vào tháng 1/2024 để giữ thế đối lập đa số tại Viện Lập pháp, qua đó tạo “thế thượng phong” để phe này thúc đẩy các cải cách nhằm “tăng cường vai trò giám sát” của cơ quan lập pháp cũng như yêu cầu chính phủ minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn. Nói cách khác, mục đích của KMT là nhằm khôi phục lại cơ chế kiểm soát và cân bằng (check and balance), mà theo đảng này, vốn không tồn tại dưới thời Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen). 

Nhìn chung, những dự luật mà liên minh KMT-TPP đề xuất gây tranh cãi đáng chú ý ở một số nội dung sửa đổi được coi là nỗ lực “đè bẹp nhánh hành pháp”, vốn chỉ mới bắt đầu nhiệm kỳ chưa tới một tuần. 

Thứ nhất, phe đối lập muốn tổng thống phát biểu trước quốc hội hàng năm, tương tự bài thông điệp liên bang của tổng thống Mỹ nhưng tổng thống Đài Loan phải trả lời các câu hỏi từ các nhà lập pháp. Những yêu cầu này chưa từng có trong lịch sử chính trị Đài Loan và phe DPP gọi nội dung này là “lạm dụng quyền lực vi hiến” (an unconstitutional abuse of power) và lo ngại rằng phe đối lập sẽ lợi dụng điều này để cản trở hoạt động của chính phủ Tổng thống Lại Thanh Đức.

Thứ hai, những sửa đổi trong Bộ luật Hình sự, nếu được chấp thuận, sẽ cho phép các nhà lập pháp tạo lập các ủy ban điều tra và phiên chất vấn để triệu tập các cá nhân hoặc quan chức chính phủ. Thậm chí trong những phiên điều trần, những ai bị chất vấn cũng bị cấm “cãi lại” (talking back)—điều mà những người chỉ trích cho rằng vi phạm quyền tự do ngôn luận. Trong nỗ lực tăng cường quyền lực của cơ quan lập pháp lên mức tối đa, liên minh KMT-TPP đề xuất quy định rằng trong quá trình điều tra, thẩm vấn hoặc điều trần những ai từ chối, che giấu hoặc cung cấp thông tin sai lệch có thể dẫn đến cáo buộc hình sự về tội “khinh thường cơ quan lập pháp” (contempt of the legislature) và đối mặt với hình phạt từ 20.000 đến 200.000 Đài tệ. Riêng đối với các quan chức chính phủ, một khi các nhà lập pháp cáo buộc những quan chức này “khinh thường cơ quan lập pháp”, họ có thể phải đối mặt với việc bị luận tội hoặc thậm chí bị truy tố.

Bên cạnh đó, phe đối lập cũng yêu cầu quyền truy cập các tài liệu từ các cơ quan chính phủ, quân đội, các hiệp hội và cá nhân, chẳng hạn như các thỏa thuận ngoại giao, vũ khí. Theo các nhà quan sát, điều này sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm khi những bí mật quốc gia, đặc biệt các bí mật an ninh – quốc phòng, có thể dễ dàng bị tiết lộ ra bên ngoài. Vào năm ngoái, nhà lập pháp KMT Mã Vấn Quân (Ma Wen-chun) đã bị cáo buộc chuyển giao cho phía chính phủ Hàn Quốc các tài liệu về chương trình tàu ngầm nội địa của Đài Loan, và điều này sẽ tác động vô cùng tiêu cực tới an ninh nước này nếu các bí mật quốc phòng rơi vào tay Trung Quốc.

Việc thiếu minh bạch và “vội vã” trong quá trình liên minh KMT-TPP xúc tiến các dự luật sửa đổi đã tạo ra nguồn cơn cho sự phẫn nộ từ đảng cầm quyền và công chúng Đài Loan. Phe đối lập đã bỏ qua những quy trình xem xét đáng lý phải diễn ra trước tại Ủy ban Tư pháp, Luật Cơ bản và Điều lệ, cũng như có sự thảo luận kỹ càng giữa các đảng cầm quyền và đối lập. Điều này chính xác lặp lại những gì mà chính quyền KMT thực hiện vào mười năm trước. Khi ấy, chính quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu đã nỗ lực thúc đẩy việc thông qua CSSTA mà bỏ qua vòng xem xét tại uỷ ban. 

Chất xúc tác cho làn sóng biểu tình bắt nguồn từ ngày 17/5 khi KMT bắt đầu khởi động quá trình thông qua các dự luật về cải cách lập pháp và sự kiện này thổi bùng lên tranh cãi giữa các đảng đối lập và người dân bên trong xã hội Đài Loan. Đầu tiên, đối đầu giữa phe đối lập hay thường gọi là phe phiếm Lục (pan-Blue) và phe DPP cầm quyền hay thường biết đến là phe phiếm Lam (pan-Green) nổ ra vào ngay sáng ngày 17/5 khi các nhà lập pháp DPP cố gắng ngăn chặn liên minh KMT và TPP tổ chức phiên thảo luận về các dự luật, dẫn đến cảnh hỗn loạn tại hội trường Viện Lập pháp. 

Khung cảnh hỗn loạn này đã khiến công chúng Đài Loan chú ý và dẫn tới cuộc biểu tình ngày 21/5. Đám đông biểu tình, đa số là những người ủng hộ DPP và các nhóm dân sự, giương những biểu ngữ với nội dung “bảo vệ nền dân chủ, rút bỏ các dự luật”, “không có thảo luận, không phải dân chủ” nhằm phản đối hành động không minh bạch và phi dân chủ của phe đối lập, dẫn đầu là KMT. 

Đến ngày 24/5, ngày thứ hai Viện Lập pháp tổ chức thảo luận về dự luật sửa đổi, có tới 100.000 người đã tham gia biểu tình, không chỉ trước cơ quan lập pháp ở Đài Bắc mà lan sang các thành phố của Đài Loan như Đài Trung, Đài Nam, và Cao Hùng, nhằm tiếp tục gây áp lực lên phe đối lập để rút lại các dự luật sửa đổi gây tranh cãi hoặc yêu cầu đưa dự luật thông qua uỷ ban xem xét trước. 

Tính tới thời điểm hiện tại, cuộc biểu tình hôm 24/5 được xem là có quy mô lớn nhất kể từ phong trào Hoa Hướng Dương. Vào ngày 28/5, bất chấp thời tiết lạnh và ẩm ướt từ những cơn mưa, người biểu tình vẫn bám trụ trước Viện lập pháp để phản đối các dự luật gây tranh cãi. 

Hàm ý từ làn sóng biểu tình 

Thứ nhất, các cuộc biểu tình cho thấy xã hội dân sự tại Đài Loan diễn ra mạnh mẽ và năng động. Quyền biểu tình hay còn gọi là bất tuân dân sự (civil disobedience) là một quyền chính đáng trong một quốc gia dân chủ nhằm thể hiện quan điểm chính trị của một nhóm người trước một hoặc các vấn đề mà họ cho là ảnh hưởng tới quyền lợi của mình. Cuộc biểu tình hiện nay nhận được sự ủng hộ đáng kể từ giới trẻ Đài Loan và các nhóm dân sự, từng tham gia vào phong trào Hoa Hướng Dương hoặc hình thành sau đó; cho thấy các nhóm này rất nhạy cảm với những hành động mà họ cho là gây rủi ro, đe dọa hoặc xói mòn các giá trị dân chủ và tự do. 

Cụ thể, những người biểu tình cho rằng KMT và TPP đang lợi dụng thế đa số để thúc đẩy các dự luật cải cách một cách không “đường đường chính chính”, và với họ, những gì phe đối lập đang thúc đẩy tương tự như cách điều hành của chế độ độc tài do KMT thống trị trước năm 1987. Những thế hệ “hậu thiết quân luật” không chỉ xem nền dân chủ tự do của Đài Loan là niềm tự hào và di sản vô giá mà còn coi đây là bản sắc giúp Đài Loan tách biệt rạch ròi với Trung Quốc chuyên chế, phi dân chủ.

Chính nhận thức về giá trị dân chủ nêu trên đã đóng khung cho mục đích của các cuộc biểu tình hiện nay, đó là đòi hỏi sự minh bạch và dân chủ từ phe đối lập tại Viện Lập pháp. Liên minh Dân chủ Kinh tế Đài Loan (Taiwan Economic Democracy Union)—một trong những tổ chức dân sự đứng ra tổ chức cuộc biểu tình hiện nay và phong trào Hoa Hướng Dương năm 2014—đã chỉ trích các đề xuất sửa đổi của liên minh KMT-TPP “có thể bị các nhà lập pháp lạm dụng vì lợi ích cá nhân, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp và xã hội dân sự”. Trong khi đó, Hiệp hội Luật sư Đài Loan ra tuyên bố lên án nỗ lực của phe đối lập “không chỉ làm suy yếu nền tảng dân chủ của Đài Loan mà còn vi phạm các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa hợp hiến dân chủ và dân chủ đại diện”. 

Đáng chú ý, dù cuộc biểu tình diễn ra trong lúc Trung Quốc rầm rộ tập trận bao vây Đài Loan (từ ngày 23 đến 24/5), những người biểu tình không đề cập tới sự kiện này trong nỗ lực làm đòn bẩy để gây áp lực cho KMT, vốn được coi là đảng thân Trung Quốc (pro-China). Thực tế này cho thấy phần nào sự minh định rạch ròi trong mục tiêu ban đầu của cuộc biểu tình.

Thứ hai, phong trào Hoa Hướng Dương năm 2014 đã tạo ra nhiều biến đổi sâu sắc đối với nền chính trị và xã hội Đài Loan, với sự ra đời của những lực lượng chính trị mới như TPP, cùng sự tham gia đời sống chính trị và hoạch định chính sách ngày càng nổi bật của “thế hệ dâu tây” (strawberry generation)—một thế hệ sinh trưởng sau thời kỳ thiết quân luật và được coi là có phần mềm yếu, dễ tổn thương hơn thế hệ cha ông. Sau mười năm, những lực lượng chính trị mới nổi vẫn còn thiếu sót và hiện chưa được giải quyết triệt để - tất cả đang bộc lộ qua các cuộc biểu tình hiện nay. 

Một phần phẫn nộ từ đám đông biểu tình nhắm tới nhà lập pháp Hoàng Quốc Xương (Huang Kuo-chang) và cựu thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết (Ko Wen-je) của TPP. Những chính trị gia này nổi lên sau phong trào Hoa Hướng Dương và được kỳ vọng là đại diện cho một lực lượng chính trị hoàn toàn mới (third forces) so với sự phân cực đảng phái cố hữu giữa KMT và DPP. Tuy nhiên, Hoàng và Kha đã chọn đứng về phía KMT trong việc thúc đẩy các dự luật cải cách lập pháp, thậm chí nhiều người còn cho rằng TPP đã hoàn toàn ngả về phe phiếm Lục và phản bội lại giới trẻ—thành phần đông đảo ủng hộ đảng này (trong cuộc bầu cử Đài Loan năm nay, có tới 26,5% cử tri, đa phần là người trẻ, ủng hộ ứng cử viên của đảng TPP, một con số ấn tượng và thu hút nhiều sự chú ý từ truyền thông lẫn các nhà phân tích). Cuộc biểu tình hiện nay có thể được coi là biểu hiện rõ ràng nhất cho sự thất vọng từ giới trẻ Đài Loan đối với những hành động của TPP.

Thứ ba, ở một mức độ nhất định, cuộc biểu tình rầm rộ đang diễn ra (và chưa rõ khi nào sẽ chấm dứt) góp phần phơi bày sự bất mãn của thế hệ trẻ Đài Loan đối với KMT. Kể từ sau phong trào Hoa Hướng Dương, KMT liên tiếp thất bại trong các cuộc bầu cử quốc gia, từ cuộc bầu cử Tổng thống và Uỷ viên lập pháp vào năm 2016 và năm 2020. Kể cả trong cuộc bầu cử vừa qua, KMT cũng phải chịu thất bại trước DPP trong cuộc đua tổng thống và phải liên minh với TPP nhằm kiểm soát thế đa số tại Viện Lập pháp. Hơn thế nữa, cuộc biểu tình còn cho thấy rằng KMT chưa rút được bài học kinh nghiệm từ phong trào Hoa Hướng Dương khi vẫn tiếp tục lợi dụng thế đa số để thúc đẩy nhanh chóng các dự luật mà bỏ qua những quy trình dân chủ tại Viện Lập pháp.

Những gì chờ đợi phía trước?

Bối cảnh chính trị hiện nay tại Đài Loan tạo ra những biến số mới khiến cho làn sóng biểu tình lúc này có nhiều điểm khác so với phong trào Hoa Hướng Dương vào năm 2014. Đơn cử, liên minh đối lập KMT-TPP dường như thống nhất trong quyết tâm thúc đẩy các dự luật sửa đổi này. Kể từ khi Quốc hội khoá mới thành lập, KMT và DPP đã sát cánh cùng nhau để tạo ra thế đa số lãnh đạo quốc hội và biến đảng cầm quyền DPP thành thiểu số. Liên minh này cũng đã phủ quyết mọi dự luật đề xuất của DPP trong ba tháng qua. Còn với mười năm về trước, sự chia rẽ trong nội bộ KMT, đứng đầu là giữa Tổng thống Mã Anh Cửu và Viện trưởng Viện Hành Pháp Vương Kim Bình (Wang Jin-pyng), đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên chiếm giữ Viện Lập pháp, dẫn tới sự thành công của phong trào Hoa Hướng Dương.

Vòng đọc thứ ba của các dự luật cải cách lập pháp vừa diễn ra vào ngày 28/5, và đúng như dự đoán, liên minh KMT-TPP đã thông qua các đề xuất sửa đổi bất chấp áp lực của người biểu tình và yêu cầu của DPP về sự cần thiết của các cuộc thảo luận minh bạch và có sự tham gia của các đảng đối lập nhau. 

Tuy nhiên vẫn phải chờ xem liệu làn sóng biểu tình phản đối phe đối lập tại Viện Lập pháp sẽ phát triển ra sao trong những ngày tới và có trở thành một phong trào Hoa Hướng Dương như mười năm về trước hay không. Điều này sẽ phụ thuộc vào quyết tâm của người biểu tình trong việc gây áp lực lên các nhà lập pháp KMT và đồng minh TPP và yêu cầu liên minh này tuân thủ đầy đủ các quy trình sửa đổi dự luật một cách dân chủ và/hoặc rút lại các dự luật gây tranh cãi này. 

Thêm nữa, hành động của liên minh KMT-TPP trong các cuộc thảo luận dự luật cải cách sẽ là nhân tố tác động lớn tới cục diện căng thẳng hiện nay. Mặc dù trước vòng đọc thứ ba, KMT đã thể hiện một cử chỉ thoả hiệp mang tính biểu tượng khi kêu gọi Tổng thống Lại Thanh Đức tổ chức cuộc họp liên đảng (cross-party meeting) với sự tham dự của lãnh đạo KMT và TPP để bàn về các dự luật cải cách, nhưng cuối cùng phe đối lập vẫn xúc tiến quá trình thông qua luật, cho thấy quyết tâm của họ trong việc mở rộng quyền lực lập pháp đối với nhánh hành pháp. 

Quyết tâm của phe đối lập, hiện chưa có dấu hiệu bị lung lay, sẽ kích động hơn nữa sự phẫn nộ từ quần chúng và có thể đẩy Đài Loan vào tình trạng bế tắc chính trị, nhất là khi chính phủ của ông Lại tìm cách diễn giải hiến pháp về luật cải cách lập pháp mới này, thậm chí là giải tán Viện Lập pháp. Dù thế nào đi chăng nữa, điều mà chúng ta có thể nhận thấy là, bối cảnh chính trị Đài Loan hiện đang xoáy sâu vào sự phân cực rõ ràng giữa DPP, phe biểu tình với liên minh KMT-DPP; giữa dân chủ với phi dân chủ.

Một điểm đáng chú ý nữa là vào ngày 26/5, Tổng thống Lại Thanh Đức lần đầu lên tiếng về làn sóng biểu tình chống lại nỗ lực của phe đối lập nhằm mở rộng quyền lực lập pháp. Ông Lại đã ca ngợi những người tham gia biểu tình “đã dũng cảm đứng lên bảo vệ nền dân chủ” mà theo ông đó chính là “giá trị của nền dân chủ”. Điều này có thể được phe đối lập lý giải là một “sự kích động” từ nhánh hành pháp nhằm can thiệp vào công việc của nhánh lập pháp, qua đó sẽ tác động tới diễn tiến của cuộc biểu tình và sự căng thẳng mang tính đảng phái giữa DPP và KMT trong những ngày tới.

Ở bề nổi, những người biểu tình dường như đang sát cánh cùng đảng cầm quyền và tiếp thêm sức mạnh cho đảng này trong nỗ lực yêu cầu phe đối lập rút lại các dự luật gây tranh cãi. Cách đây 10 năm, DPP cũng đã dựa vào những người biểu tình để gây áp lực lên chính quyền KMT và buộc đảng này đình chỉ vĩnh viễn hiệp định thương mại với Trung Quốc. 

Về lâu dài, cuộc biểu tình hiện nay vừa là lời thức tỉnh (wake-up call), vừa là động lực để DPP đề ra những chiến lược hợp lý để tranh thủ sức ảnh hưởng của cuộc biểu tình lên phe đối lập, và để thu hút trở lại sự ủng hộ của giới trẻ Đài Loan, nhất là khi DPP đã để mất số lượng lớn sự ủng hộ từ thành phần cử tri này trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Tóm lại, diễn biến của làn sóng biểu tình hiện nay vẫn rất phức tạp và cần được tiếp tục theo dõi sát sao để đánh giá về tác động và kết quả của nó đối với tương lai chính trị Đài Loan trong bốn năm tới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Lại Thanh Đức. 

*Ghi chú của VSF: Về sự trưởng thành cùng ý nghĩa của phong trào dân chủ ở Đài Loan, độc giả có thể tham khảo bài viết “Dân chủ ở Đài Loan nhìn từ phong trào Hoa Hướng Dương” của tác giả Ân Du, tại đường dẫn này.

“Con đường dẫn đến tự do được bao quanh bởi những bông hoa hướng dương” (the road to freedom is bordered with sunflowers). Đây là câu trích dẫn nổi tiếng được cho là của nghệ sĩ đại chúng người Anh Martin Firrell khi ông lấy hình ảnh hoa hướng dương để nói lên những khát khao và sự tranh đấu trên con đường tìm kiếm tự do. 

Đối với người dân Đài Loan, hoa hướng dương không chỉ là biểu tượng của sự tự do mà ý nghĩa của nó còn liên quan đến cả những giá trị dân chủ, niềm hy vọng; và cũng như hoa hướng dương hướng luôn hướng về phía mặt trời, những công dân Đài Loan luôn hướng về các giá trị tự do, dân chủ. Nhận thức này đã ăn sâu vào tâm thức và dần trở thành bản sắc của các thế hệ được sinh ra kể từ sau khi Đài Loan chấm dứt chế độ thiết quân luật (vào năm 1987) và triển khai quá trình dân chủ hoá.

Hình ảnh hoa hướng dương lần đầu tiên được đặt tên cho phong trào biểu tình vào năm 2014 do sinh viên Đài Loan lãnh đạo nhằm phản đối việc chính quyền trung ương của Quốc Dân Đảng (Kuomintang – KMT), đứng đầu là Tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou), đơn phương nỗ lực thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Dịch vụ xuyên eo biển (CSSTA) với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối gay gắt từ đảng Dân chủ Tiến bộ (Democratic Progressive Party – DPP). 

Phong trào Hoa Hướng Dương (the Sunflower Movement) dẫn đến việc các sinh viên và các nhà hoạt động chiếm giữ Viện Lập pháp (​​cơ quan lập pháp của Đài Loan) và sau đó là Viện Hành pháp (trong một giai đoạn ngắn) từ ngày 18/3 đến 10/4/2014 để ngăn cản chính quyền KMT thông qua CSSTA với sự lo sợ rằng hiệp định này sẽ khiến Đài Loan phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về mặt kinh tế và sau đó là kéo theo những hệ luỵ tiềm tàng về chính trị và an ninh quốc gia. 

Kết quả là, phong trào Hoa Hướng Dương năm 2014 đã đặt dấu chấm hết cho CSSTA cũng như sự ảnh hưởng và quyền lực của KMT tại đảo quốc này khi chỉ hai năm sau đó, năm 2016, đảng này thất bại ở cả ghế tổng thống và thế đa số tại Viện Lập pháp.

Nguồn cơn của làn sóng biểu tình

Mười năm sau, hình ảnh hoa hướng dương lại xuất hiện tại chính địa điểm của ngày xưa—khu vực xung quanh Viện Lập pháp—trong một cuộc biểu tình mà nhiều người liên tưởng về phong trào Hoa Hướng Dương năm 2014 và thậm chí dự đoán rằng Đài Loan sắp có một phong trào Hoa Dướng Dương mới khi đối tượng mà cuộc biểu tình hướng đến vẫn là KMT. 

Chỉ một ngày sau lễ nhậm chức tổng thống Đài Loan của ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te)—tổng thống thứ ba của DPP, ước tính có khoảng 30.000 người đã tham gia cuộc biểu tình trước tòa nhà Viện Lập pháp vào ngày 21/5 để phản đối nỗ lực của KMT và đảng Nhân dân Đài Loan (Taiwan People’s Party - TPP) nhằm thúc đẩy thông các dự luật cải cách lập pháp đối với “Đạo luật Thực thi Quyền lực của Viện Lập pháp” (Law Governing the Legislative Yuan’s Power) vốn gây nhiều tranh cãi. 

KMT và PPP đã liên minh với nhau sau cuộc bầu cử vào tháng 1/2024 để giữ thế đối lập đa số tại Viện Lập pháp, qua đó tạo “thế thượng phong” để phe này thúc đẩy các cải cách nhằm “tăng cường vai trò giám sát” của cơ quan lập pháp cũng như yêu cầu chính phủ minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn. Nói cách khác, mục đích của KMT là nhằm khôi phục lại cơ chế kiểm soát và cân bằng (check and balance), mà theo đảng này, vốn không tồn tại dưới thời Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen). 

Nhìn chung, những dự luật mà liên minh KMT-TPP đề xuất gây tranh cãi đáng chú ý ở một số nội dung sửa đổi được coi là nỗ lực “đè bẹp nhánh hành pháp”, vốn chỉ mới bắt đầu nhiệm kỳ chưa tới một tuần. 

Thứ nhất, phe đối lập muốn tổng thống phát biểu trước quốc hội hàng năm, tương tự bài thông điệp liên bang của tổng thống Mỹ nhưng tổng thống Đài Loan phải trả lời các câu hỏi từ các nhà lập pháp. Những yêu cầu này chưa từng có trong lịch sử chính trị Đài Loan và phe DPP gọi nội dung này là “lạm dụng quyền lực vi hiến” (an unconstitutional abuse of power) và lo ngại rằng phe đối lập sẽ lợi dụng điều này để cản trở hoạt động của chính phủ Tổng thống Lại Thanh Đức.

Thứ hai, những sửa đổi trong Bộ luật Hình sự, nếu được chấp thuận, sẽ cho phép các nhà lập pháp tạo lập các ủy ban điều tra và phiên chất vấn để triệu tập các cá nhân hoặc quan chức chính phủ. Thậm chí trong những phiên điều trần, những ai bị chất vấn cũng bị cấm “cãi lại” (talking back)—điều mà những người chỉ trích cho rằng vi phạm quyền tự do ngôn luận. Trong nỗ lực tăng cường quyền lực của cơ quan lập pháp lên mức tối đa, liên minh KMT-TPP đề xuất quy định rằng trong quá trình điều tra, thẩm vấn hoặc điều trần những ai từ chối, che giấu hoặc cung cấp thông tin sai lệch có thể dẫn đến cáo buộc hình sự về tội “khinh thường cơ quan lập pháp” (contempt of the legislature) và đối mặt với hình phạt từ 20.000 đến 200.000 Đài tệ. Riêng đối với các quan chức chính phủ, một khi các nhà lập pháp cáo buộc những quan chức này “khinh thường cơ quan lập pháp”, họ có thể phải đối mặt với việc bị luận tội hoặc thậm chí bị truy tố.

Bên cạnh đó, phe đối lập cũng yêu cầu quyền truy cập các tài liệu từ các cơ quan chính phủ, quân đội, các hiệp hội và cá nhân, chẳng hạn như các thỏa thuận ngoại giao, vũ khí. Theo các nhà quan sát, điều này sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm khi những bí mật quốc gia, đặc biệt các bí mật an ninh – quốc phòng, có thể dễ dàng bị tiết lộ ra bên ngoài. Vào năm ngoái, nhà lập pháp KMT Mã Vấn Quân (Ma Wen-chun) đã bị cáo buộc chuyển giao cho phía chính phủ Hàn Quốc các tài liệu về chương trình tàu ngầm nội địa của Đài Loan, và điều này sẽ tác động vô cùng tiêu cực tới an ninh nước này nếu các bí mật quốc phòng rơi vào tay Trung Quốc.

Việc thiếu minh bạch và “vội vã” trong quá trình liên minh KMT-TPP xúc tiến các dự luật sửa đổi đã tạo ra nguồn cơn cho sự phẫn nộ từ đảng cầm quyền và công chúng Đài Loan. Phe đối lập đã bỏ qua những quy trình xem xét đáng lý phải diễn ra trước tại Ủy ban Tư pháp, Luật Cơ bản và Điều lệ, cũng như có sự thảo luận kỹ càng giữa các đảng cầm quyền và đối lập. Điều này chính xác lặp lại những gì mà chính quyền KMT thực hiện vào mười năm trước. Khi ấy, chính quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu đã nỗ lực thúc đẩy việc thông qua CSSTA mà bỏ qua vòng xem xét tại uỷ ban. 

Chất xúc tác cho làn sóng biểu tình bắt nguồn từ ngày 17/5 khi KMT bắt đầu khởi động quá trình thông qua các dự luật về cải cách lập pháp và sự kiện này thổi bùng lên tranh cãi giữa các đảng đối lập và người dân bên trong xã hội Đài Loan. Đầu tiên, đối đầu giữa phe đối lập hay thường gọi là phe phiếm Lục (pan-Blue) và phe DPP cầm quyền hay thường biết đến là phe phiếm Lam (pan-Green) nổ ra vào ngay sáng ngày 17/5 khi các nhà lập pháp DPP cố gắng ngăn chặn liên minh KMT và TPP tổ chức phiên thảo luận về các dự luật, dẫn đến cảnh hỗn loạn tại hội trường Viện Lập pháp. 

Khung cảnh hỗn loạn này đã khiến công chúng Đài Loan chú ý và dẫn tới cuộc biểu tình ngày 21/5. Đám đông biểu tình, đa số là những người ủng hộ DPP và các nhóm dân sự, giương những biểu ngữ với nội dung “bảo vệ nền dân chủ, rút bỏ các dự luật”, “không có thảo luận, không phải dân chủ” nhằm phản đối hành động không minh bạch và phi dân chủ của phe đối lập, dẫn đầu là KMT. 

Đến ngày 24/5, ngày thứ hai Viện Lập pháp tổ chức thảo luận về dự luật sửa đổi, có tới 100.000 người đã tham gia biểu tình, không chỉ trước cơ quan lập pháp ở Đài Bắc mà lan sang các thành phố của Đài Loan như Đài Trung, Đài Nam, và Cao Hùng, nhằm tiếp tục gây áp lực lên phe đối lập để rút lại các dự luật sửa đổi gây tranh cãi hoặc yêu cầu đưa dự luật thông qua uỷ ban xem xét trước. 

Tính tới thời điểm hiện tại, cuộc biểu tình hôm 24/5 được xem là có quy mô lớn nhất kể từ phong trào Hoa Hướng Dương. Vào ngày 28/5, bất chấp thời tiết lạnh và ẩm ướt từ những cơn mưa, người biểu tình vẫn bám trụ trước Viện lập pháp để phản đối các dự luật gây tranh cãi. 

Hàm ý từ làn sóng biểu tình 

Thứ nhất, các cuộc biểu tình cho thấy xã hội dân sự tại Đài Loan diễn ra mạnh mẽ và năng động. Quyền biểu tình hay còn gọi là bất tuân dân sự (civil disobedience) là một quyền chính đáng trong một quốc gia dân chủ nhằm thể hiện quan điểm chính trị của một nhóm người trước một hoặc các vấn đề mà họ cho là ảnh hưởng tới quyền lợi của mình. Cuộc biểu tình hiện nay nhận được sự ủng hộ đáng kể từ giới trẻ Đài Loan và các nhóm dân sự, từng tham gia vào phong trào Hoa Hướng Dương hoặc hình thành sau đó; cho thấy các nhóm này rất nhạy cảm với những hành động mà họ cho là gây rủi ro, đe dọa hoặc xói mòn các giá trị dân chủ và tự do. 

Cụ thể, những người biểu tình cho rằng KMT và TPP đang lợi dụng thế đa số để thúc đẩy các dự luật cải cách một cách không “đường đường chính chính”, và với họ, những gì phe đối lập đang thúc đẩy tương tự như cách điều hành của chế độ độc tài do KMT thống trị trước năm 1987. Những thế hệ “hậu thiết quân luật” không chỉ xem nền dân chủ tự do của Đài Loan là niềm tự hào và di sản vô giá mà còn coi đây là bản sắc giúp Đài Loan tách biệt rạch ròi với Trung Quốc chuyên chế, phi dân chủ.

Chính nhận thức về giá trị dân chủ nêu trên đã đóng khung cho mục đích của các cuộc biểu tình hiện nay, đó là đòi hỏi sự minh bạch và dân chủ từ phe đối lập tại Viện Lập pháp. Liên minh Dân chủ Kinh tế Đài Loan (Taiwan Economic Democracy Union)—một trong những tổ chức dân sự đứng ra tổ chức cuộc biểu tình hiện nay và phong trào Hoa Hướng Dương năm 2014—đã chỉ trích các đề xuất sửa đổi của liên minh KMT-TPP “có thể bị các nhà lập pháp lạm dụng vì lợi ích cá nhân, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp và xã hội dân sự”. Trong khi đó, Hiệp hội Luật sư Đài Loan ra tuyên bố lên án nỗ lực của phe đối lập “không chỉ làm suy yếu nền tảng dân chủ của Đài Loan mà còn vi phạm các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa hợp hiến dân chủ và dân chủ đại diện”. 

Đáng chú ý, dù cuộc biểu tình diễn ra trong lúc Trung Quốc rầm rộ tập trận bao vây Đài Loan (từ ngày 23 đến 24/5), những người biểu tình không đề cập tới sự kiện này trong nỗ lực làm đòn bẩy để gây áp lực cho KMT, vốn được coi là đảng thân Trung Quốc (pro-China). Thực tế này cho thấy phần nào sự minh định rạch ròi trong mục tiêu ban đầu của cuộc biểu tình.

Thứ hai, phong trào Hoa Hướng Dương năm 2014 đã tạo ra nhiều biến đổi sâu sắc đối với nền chính trị và xã hội Đài Loan, với sự ra đời của những lực lượng chính trị mới như TPP, cùng sự tham gia đời sống chính trị và hoạch định chính sách ngày càng nổi bật của “thế hệ dâu tây” (strawberry generation)—một thế hệ sinh trưởng sau thời kỳ thiết quân luật và được coi là có phần mềm yếu, dễ tổn thương hơn thế hệ cha ông. Sau mười năm, những lực lượng chính trị mới nổi vẫn còn thiếu sót và hiện chưa được giải quyết triệt để - tất cả đang bộc lộ qua các cuộc biểu tình hiện nay. 

Một phần phẫn nộ từ đám đông biểu tình nhắm tới nhà lập pháp Hoàng Quốc Xương (Huang Kuo-chang) và cựu thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết (Ko Wen-je) của TPP. Những chính trị gia này nổi lên sau phong trào Hoa Hướng Dương và được kỳ vọng là đại diện cho một lực lượng chính trị hoàn toàn mới (third forces) so với sự phân cực đảng phái cố hữu giữa KMT và DPP. Tuy nhiên, Hoàng và Kha đã chọn đứng về phía KMT trong việc thúc đẩy các dự luật cải cách lập pháp, thậm chí nhiều người còn cho rằng TPP đã hoàn toàn ngả về phe phiếm Lục và phản bội lại giới trẻ—thành phần đông đảo ủng hộ đảng này (trong cuộc bầu cử Đài Loan năm nay, có tới 26,5% cử tri, đa phần là người trẻ, ủng hộ ứng cử viên của đảng TPP, một con số ấn tượng và thu hút nhiều sự chú ý từ truyền thông lẫn các nhà phân tích). Cuộc biểu tình hiện nay có thể được coi là biểu hiện rõ ràng nhất cho sự thất vọng từ giới trẻ Đài Loan đối với những hành động của TPP.

Thứ ba, ở một mức độ nhất định, cuộc biểu tình rầm rộ đang diễn ra (và chưa rõ khi nào sẽ chấm dứt) góp phần phơi bày sự bất mãn của thế hệ trẻ Đài Loan đối với KMT. Kể từ sau phong trào Hoa Hướng Dương, KMT liên tiếp thất bại trong các cuộc bầu cử quốc gia, từ cuộc bầu cử Tổng thống và Uỷ viên lập pháp vào năm 2016 và năm 2020. Kể cả trong cuộc bầu cử vừa qua, KMT cũng phải chịu thất bại trước DPP trong cuộc đua tổng thống và phải liên minh với TPP nhằm kiểm soát thế đa số tại Viện Lập pháp. Hơn thế nữa, cuộc biểu tình còn cho thấy rằng KMT chưa rút được bài học kinh nghiệm từ phong trào Hoa Hướng Dương khi vẫn tiếp tục lợi dụng thế đa số để thúc đẩy nhanh chóng các dự luật mà bỏ qua những quy trình dân chủ tại Viện Lập pháp.

Những gì chờ đợi phía trước?

Bối cảnh chính trị hiện nay tại Đài Loan tạo ra những biến số mới khiến cho làn sóng biểu tình lúc này có nhiều điểm khác so với phong trào Hoa Hướng Dương vào năm 2014. Đơn cử, liên minh đối lập KMT-TPP dường như thống nhất trong quyết tâm thúc đẩy các dự luật sửa đổi này. Kể từ khi Quốc hội khoá mới thành lập, KMT và DPP đã sát cánh cùng nhau để tạo ra thế đa số lãnh đạo quốc hội và biến đảng cầm quyền DPP thành thiểu số. Liên minh này cũng đã phủ quyết mọi dự luật đề xuất của DPP trong ba tháng qua. Còn với mười năm về trước, sự chia rẽ trong nội bộ KMT, đứng đầu là giữa Tổng thống Mã Anh Cửu và Viện trưởng Viện Hành Pháp Vương Kim Bình (Wang Jin-pyng), đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên chiếm giữ Viện Lập pháp, dẫn tới sự thành công của phong trào Hoa Hướng Dương.

Vòng đọc thứ ba của các dự luật cải cách lập pháp vừa diễn ra vào ngày 28/5, và đúng như dự đoán, liên minh KMT-TPP đã thông qua các đề xuất sửa đổi bất chấp áp lực của người biểu tình và yêu cầu của DPP về sự cần thiết của các cuộc thảo luận minh bạch và có sự tham gia của các đảng đối lập nhau. 

Tuy nhiên vẫn phải chờ xem liệu làn sóng biểu tình phản đối phe đối lập tại Viện Lập pháp sẽ phát triển ra sao trong những ngày tới và có trở thành một phong trào Hoa Hướng Dương như mười năm về trước hay không. Điều này sẽ phụ thuộc vào quyết tâm của người biểu tình trong việc gây áp lực lên các nhà lập pháp KMT và đồng minh TPP và yêu cầu liên minh này tuân thủ đầy đủ các quy trình sửa đổi dự luật một cách dân chủ và/hoặc rút lại các dự luật gây tranh cãi này. 

Thêm nữa, hành động của liên minh KMT-TPP trong các cuộc thảo luận dự luật cải cách sẽ là nhân tố tác động lớn tới cục diện căng thẳng hiện nay. Mặc dù trước vòng đọc thứ ba, KMT đã thể hiện một cử chỉ thoả hiệp mang tính biểu tượng khi kêu gọi Tổng thống Lại Thanh Đức tổ chức cuộc họp liên đảng (cross-party meeting) với sự tham dự của lãnh đạo KMT và TPP để bàn về các dự luật cải cách, nhưng cuối cùng phe đối lập vẫn xúc tiến quá trình thông qua luật, cho thấy quyết tâm của họ trong việc mở rộng quyền lực lập pháp đối với nhánh hành pháp. 

Quyết tâm của phe đối lập, hiện chưa có dấu hiệu bị lung lay, sẽ kích động hơn nữa sự phẫn nộ từ quần chúng và có thể đẩy Đài Loan vào tình trạng bế tắc chính trị, nhất là khi chính phủ của ông Lại tìm cách diễn giải hiến pháp về luật cải cách lập pháp mới này, thậm chí là giải tán Viện Lập pháp. Dù thế nào đi chăng nữa, điều mà chúng ta có thể nhận thấy là, bối cảnh chính trị Đài Loan hiện đang xoáy sâu vào sự phân cực rõ ràng giữa DPP, phe biểu tình với liên minh KMT-DPP; giữa dân chủ với phi dân chủ.

Một điểm đáng chú ý nữa là vào ngày 26/5, Tổng thống Lại Thanh Đức lần đầu lên tiếng về làn sóng biểu tình chống lại nỗ lực của phe đối lập nhằm mở rộng quyền lực lập pháp. Ông Lại đã ca ngợi những người tham gia biểu tình “đã dũng cảm đứng lên bảo vệ nền dân chủ” mà theo ông đó chính là “giá trị của nền dân chủ”. Điều này có thể được phe đối lập lý giải là một “sự kích động” từ nhánh hành pháp nhằm can thiệp vào công việc của nhánh lập pháp, qua đó sẽ tác động tới diễn tiến của cuộc biểu tình và sự căng thẳng mang tính đảng phái giữa DPP và KMT trong những ngày tới.

Ở bề nổi, những người biểu tình dường như đang sát cánh cùng đảng cầm quyền và tiếp thêm sức mạnh cho đảng này trong nỗ lực yêu cầu phe đối lập rút lại các dự luật gây tranh cãi. Cách đây 10 năm, DPP cũng đã dựa vào những người biểu tình để gây áp lực lên chính quyền KMT và buộc đảng này đình chỉ vĩnh viễn hiệp định thương mại với Trung Quốc. 

Về lâu dài, cuộc biểu tình hiện nay vừa là lời thức tỉnh (wake-up call), vừa là động lực để DPP đề ra những chiến lược hợp lý để tranh thủ sức ảnh hưởng của cuộc biểu tình lên phe đối lập, và để thu hút trở lại sự ủng hộ của giới trẻ Đài Loan, nhất là khi DPP đã để mất số lượng lớn sự ủng hộ từ thành phần cử tri này trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Tóm lại, diễn biến của làn sóng biểu tình hiện nay vẫn rất phức tạp và cần được tiếp tục theo dõi sát sao để đánh giá về tác động và kết quả của nó đối với tương lai chính trị Đài Loan trong bốn năm tới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Lại Thanh Đức. 

*Ghi chú của VSF: Về sự trưởng thành cùng ý nghĩa của phong trào dân chủ ở Đài Loan, độc giả có thể tham khảo bài viết “Dân chủ ở Đài Loan nhìn từ phong trào Hoa Hướng Dương” của tác giả Ân Du, tại đường dẫn này.

Từ khoá: Đài Loan biểu tình phong trào Hoa Hướng Dương dân chủ

BÀI LIÊN QUAN