BRICS Clear: Tham vọng về một cấu trúc tài chính phi phương Tây

“BRICS Clear” tạo điều kiện để BRICS tăng cường thương mại nội khối và giúp Nga giảm áp lực trừng phạt của phương Tây, nhưng con đường phía trước còn lắm chông gai.

Đào Gia Chi 20/11/2024

Đào Gia Chi

20/11/2024
Image
BRICS Clear là ý tưởng mới nhất của khối BRICS trong việc tạo ra một hệ sinh thái tài chính độc lập với phương Tây. - (C): Treasure Coast Bullion Group, Inc.

Trong bối cảnh địa chính trị và trật tự tài chính toàn cầu đang có nhiều biến động, sáng kiến “BRICS Clear” được Nga đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2024 tại thành phố Kazan (Nga) đã thu hút sự chú ý từ giới quan sát. Đây không chỉ là một dự án kỹ thuật về hệ thống thanh toán, mà còn là một nước cờ chiến lược của Nga trong cuộc chơi tài chính toàn cầu.

BRICS Clear là ý tưởng mới nhất của khối BRICS trong việc tạo ra một hệ sinh thái tài chính độc lập với phương Tây. Mục tiêu của sáng kiến này rất rõ ràng: thiết lập hệ thống thanh toán xuyên biên giới riêng, xây dựng kho lưu ký chứng khoán độc lập và thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch giữa các thành viên. Điều này phản ánh tham vọng ngày càng tăng của các thành viên BRICS, đặc biệt là Nga - quốc gia đề xuất sáng kiến, trong việc giảm phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống tài chính do phương Tây thống trị.

Nếu thành công, BRICS Clear có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho các thành viên. Trước hết, việc loại bỏ các trung gian tài chính phương Tây sẽ giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch xuyên biên giới, đơn giản hóa quy trình thanh toán và giảm thiểu rủi ro tỷ giá, từ đó thúc đẩy thương mại nội khối và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn giữa các thành viên.

Quan trọng hơn, hệ thống này sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng tự chủ tài chính và sức đề kháng của các nền kinh tế thành viên trước các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Về dài hạn, sáng kiến này có tiềm năng định hình lại cấu trúc tài chính toàn cầu theo hướng đa cực hóa và thách thức đáng kể vị thế thống trị của đồng USD.

Với “BRICS Clear”, Nga toan tính gì?

Nga, với tư cách là Chủ tịch BRICS 2024, đang tích cực thúc đẩy BRICS Clear và các sáng kiến hạ tầng thanh toán xuyên biên giới trong nội bộ khối. Điều này là dễ hiểu khi nền kinh tế Nga – trong hơn hai năm qua – chịu những thách thức đáng kể do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Moscow ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022, và tình trạng thiếu lao động đang phá vỡ các kỷ lục trước đó. Lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt, bất chấp nhiều lần tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga trong vòng một năm qua.

Sau khi các ngân hàng Nga bị phương Tây loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, Nga được cho là đang xích lại với Trung Quốc trong hợp tác kinh tế - thương mại. Tuy nhiên, xu hướng này rất bấp bênh khi trong suốt năm 2024, quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc đang “đi lùi”. Sau khi kim ngạch thương mại song phương tăng 5,2% trong quý I, con số này đã sụt giảm đáng kể trong thời gian còn lại của năm, với mức tăng chỉ 1,8% trong hai quý đầu năm và 2% trong ba quý đầu năm. Nghiêm trọng hơn, xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc đã giảm đến 9,2% hồi tháng 9 vì các ngân hàng và công ty Trung Quốc từ chối làm việc với các đối tác Nga do mối đe dọa trừng phạt thứ cấp của phương Tây.

Những con số trên không chỉ là hệ quả của việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu, mà còn vì sự phụ thuộc của phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, vào một hệ thống chung do phương Tây thống trị. Bằng cách cho phép thương mại với các quốc gia BRICS khác mà không sử dụng các hệ thống tài chính do Mỹ và phương Tây chi phối thông qua BRICS Clear và hệ sinh thái các sáng kiến khác (được đề cập ở phần tiếp theo), Nga có thể bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trước các lệnh trừng phạt tiếp theo.

Đáng chú ý, sáng kiến này không chỉ là biện pháp ứng phó bị động của Nga trong bối cảnh bị phương Tây cô lập. Với việc đề xuất thiết lập cơ chế thanh toán xuyên biên giới trong một khối quốc gia chiếm 45% dân số thế giới và 35% GDP toàn cầu (cao hơn mức 10% dân số30% GDP toàn cầu của khối G7), Moscow có lẽ còn xem BRICS Clear là một phần trong chiến lược địa kinh tế rộng lớn hơn nhằm tái định hình trật tự tài chính toàn cầu theo hướng đa cực, trong đó BRICS đóng vai trò đối trọng với các thể chế do phương Tây dẫn dắt.

Nỗ lực dày công của Moscow và BRICS

Trước khi đề xuất BRICS Clear, Nga đã triển khai một chiến lược toàn diện nhằm thúc đẩy quá trình "phi đô la hoá" trong khối BRICS thông qua nhiều biện pháp cụ thể và đa dạng. Trọng tâm đầu tiên là việc tận dụng Ngân hàng Phát triển mới (NDB) như một công cụ chủ chốt nhằm thay thế Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc thúc đẩy dòng đầu tư vào các quốc gia BRICS và cơ chế Nam bán cầu.

NDB đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cho vay bằng nội tệ từ mức 23% vào cuối năm 2021 lên 30% trong giai đoạn 2022 - 2026. Để huy động nguồn vốn cho mục tiêu này, NDB đã lần lượt phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ của các nước thành viên - bắt đầu với đồng rúp của Nga vào tháng 11/2019, sau đó là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (tháng 5/2022), đồng rand của Nam Phi (tháng 8/2023), và dự kiến sẽ phát hành trái phiếu bằng đồng rupee của Ấn Độ (dự kiến phát hành vào tháng 10 năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa triển khai). Trong năm nay, NDB tiếp tục có hai lần phát hành kỷ lục trái phiếu Panda bằng đồng nhân dân tệ vào tháng 1 và tháng 7.

Riêng đối với Nga, nước này đặt mục tiêu tăng cường vai trò của BRICS trong hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế. Trên cơ sở đó, Nga đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương phối hợp với các đối tác trong khối để xây dựng một báo cáo toàn diện về cải thiện hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế. Báo cáo này, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024, nhiều khả năng sẽ bao gồm lộ trình chi tiết về việc phát triển BRICS Bridge và BRICS Clear vừa đề xuất mới đây. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hội nhập các thành viên mới, gồm năm quốc gia là Iran, Ethiopia, Saudi Arabia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vào các cơ chế tài chính của BRICS.

Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng chưa đến lúc để BRICS thiết lập một đồng tiền chung, song đang dẫn đầu khối này khám phá việc sử dụng các loại tiền kỹ thuật số trong các hoạt động thương mại và đầu tư nội khối. Nỗ lực này có thể được thực hiện thông qua BRICS Bridge - sáng kiến giao dịch nội khối đặc trưng bởi việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số, được Nga giới thiệu vào tháng 2 năm nay. Cùng chung trong chuỗi nỗ lực này, Nga đã đạt một bước tiến quan trọng với kế hoạch phát hành rộng rãi đồng rúp kỹ thuật số từ tháng 7/2025. Sau khi phát hành, đồng tiền kỹ thuật số này có thể tích hợp với các nền tảng tương tự của các thành viên BRICS khác để hiện thực hoá sáng kiến BRICS Bridge.

Về nỗ lực chung, BRICS dự kiến cũng sẽ tiếp tục phát triển cơ chế thanh toán bằng nội tệ BRICS Pay, chủ yếu phục vụ cho thương mại xuyên biên giới giữa các công ty, các nhà đầu tư và các hoạt động tài chính vi mô. Hệ thống thanh toán chung này nhằm tăng khối lượng thương mại và tương tác tài chính, cũng như đẩy nhanh quá trình “phi đô la hóa” giữa các nước BRICS.

BRICS hiện cũng có xu hướng gắn kết hệ thống tài chính của mình với các tổ chức đa phương và quốc gia thân thiện ở Nam Bán cầu. Đơn cử, từ năm 2016, BRICS đã có ý định tài trợ vốn vay cơ sở hạ tầng cho các nước trong Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC) trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS-BIMSTEC. Ngân hàng Trung ương Nga cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) về các cơ chế thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số, qua đó sẵn sàng bắt đầu thử nghiệm ban đầu với Trung Quốc và các quốc gia EAEU. EAEU bao gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan và Nga. Trong tương lai, các quốc gia vùng Vịnh giàu tài nguyên dầu mỏ được xác định là đối tác mục tiêu cho sáng kiến BRICS Bridge.

Một động thái chiến lược quan trọng khác là việc các ngân hàng trung ương BRICS đang tăng cường dự trữ vàng. Điều này không chỉ nhằm tăng tính thanh khoản cho các đồng nội tệ mà còn hướng tới mục tiêu xa hơn là thiết lập một đồng tiền chung của BRICS được neo với giá trị vàng. Tính đến quý II/2024, tổng lượng vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương BRICS đã chiếm hơn 20% tổng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu, với Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đều nằm trong top 10 nước nắm giữ vàng lớn nhất.

Những nỗ lực đa chiều này phản ánh quyết tâm của BRICS trong việc xây dựng một hệ thống tài chính độc lập. Dù còn nhiều thách thức, nhưng các bước đi có hệ thống đang dần giúp các nền kinh tế mới nổi hiện thực hóa tham vọng thiết lập trật tự tài chính đa cực.

Triển vọng vẫn bất định

Dù có tiềm năng đáng kể, con đường hiện thực hóa BRICS Clear không dễ dàng. Thách thức lớn nhất nằm ở sự thiếu hội tụ về lợi ích giữa các thành viên trong một cơ chế thanh toán “phi đô la”. Trung Quốc, Nga và Iran bày tỏ quan điểm chống phương Tây mạnh mẽ; Ả Rập Saudi, UAE và Ai Cập lại đang duy trì sự cân bằng tinh tế giữa quan hệ với các đối tác phương Tây và quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc.

Trong khi Nga tìm cách thoát khỏi vòng vây cấm vận của phương Tây và tham vọng tái định hình trật tự tài chính toàn cầu, Trung Quốc nhắm tới mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ qua các cơ chế cho vay và thanh toán của BRICS, thì một số thành viên, đặc biệt là Ấn Độ, lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh tạo ra sự thống trị mới trong khối kinh tế này.

Những khác biệt về chiến lược tiền tệ và ưu tiên kinh tế giữa các thành viên có mức độ phát triển chênh lệch cũng có thể cản trở việc đạt được sự đồng thuận về cơ chế vận hành của hệ thống tài chính chung. Về kỹ thuật, việc xây dựng một hệ thống thanh toán xuyên biên giới đòi hỏi năng lực công nghệ và nguồn lực tài chính vượt xa khả năng của các nền kinh tế kém phát triển hơn trong BRICS như Saudi Arabia, UAE, Ai Cập, Iran, và nhất là Ethiopia - quốc gia thành viên BRICS duy nhất nằm trong danh sách các nước kém phát triển của Liên Hợp Quốc.

Thêm vào đó, việc hài hòa hóa các khuôn khổ pháp lý khác biệt giữa các nước là một thách thức không nhỏ cho sự thành công của BRICS Clear nói chung và hệ thống hạ tầng tài chính xuyên biên giới trong khối BRICS nói chung, đòi hỏi một quá trình thoả hiệp và đồng kiến tạo giữa các thành viên về dài hạn.

Nhìn chung, triển vọng thành công của BRICS Clear phụ thuộc vào nhiều yếu tố then chốt mà hiện tại còn khá nan giải đối với BRICS. Trước hết là khả năng hài hòa lợi ích giữa các thành viên - một thách thức cần được chú ý khi các thành viên của khối có chiến lược phát triển và mức độ phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây khác nhau.

Bên cạnh đó, việc vượt qua các rào cản kỹ thuật và thiết lập cơ chế quản trị hiệu quả cũng đòi hỏi nguồn lực đáng kể và cam kết chính trị mạnh mẽ từ tất cả các bên. Trong bối cảnh một số thành viên BRICS vẫn có quan hệ kinh tế - tài chính chặt chẽ với phương Tây, việc cân bằng giữa tham vọng độc lập và thực tế hội nhập toàn cầu là một phương trình khó giải.

Bất kể kết quả cuối cùng ra sao, những nỗ lực này phản ánh một xu hướng có thể tác động đến trật tự kinh tế thế giới. Đó là sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi không chỉ thể hiện qua tăng trưởng GDP mà còn qua khả năng định hình các thể chế tài chính toàn cầu.

Với ý nghĩa đó, BRICS Clear là một tuyên bố đầy tham vọng của BRICS về việc xây dựng một hệ thống tài chính đa cực, nơi an ninh tài chính và an ninh kinh tế của các thành viên được đảm bảo tốt hơn, đồng thời có thể tạo ra những thay đổi thực chất trong cấu trúc tài chính toàn cầu vốn chịu sự chi phối của Mỹ và phương Tây trong nhiều thập kỷ. Trong bối cảnh địa chính trị đang có nhiều biến động, sáng kiến BRICS Clear - dù thành công hay thất bại - sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển dịch cán cân quyền lực toàn cầu.

Trong bối cảnh địa chính trị và trật tự tài chính toàn cầu đang có nhiều biến động, sáng kiến “BRICS Clear” được Nga đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2024 tại thành phố Kazan (Nga) đã thu hút sự chú ý từ giới quan sát. Đây không chỉ là một dự án kỹ thuật về hệ thống thanh toán, mà còn là một nước cờ chiến lược của Nga trong cuộc chơi tài chính toàn cầu.

BRICS Clear là ý tưởng mới nhất của khối BRICS trong việc tạo ra một hệ sinh thái tài chính độc lập với phương Tây. Mục tiêu của sáng kiến này rất rõ ràng: thiết lập hệ thống thanh toán xuyên biên giới riêng, xây dựng kho lưu ký chứng khoán độc lập và thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch giữa các thành viên. Điều này phản ánh tham vọng ngày càng tăng của các thành viên BRICS, đặc biệt là Nga - quốc gia đề xuất sáng kiến, trong việc giảm phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống tài chính do phương Tây thống trị.

Nếu thành công, BRICS Clear có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho các thành viên. Trước hết, việc loại bỏ các trung gian tài chính phương Tây sẽ giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch xuyên biên giới, đơn giản hóa quy trình thanh toán và giảm thiểu rủi ro tỷ giá, từ đó thúc đẩy thương mại nội khối và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn giữa các thành viên.

Quan trọng hơn, hệ thống này sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng tự chủ tài chính và sức đề kháng của các nền kinh tế thành viên trước các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây. Về dài hạn, sáng kiến này có tiềm năng định hình lại cấu trúc tài chính toàn cầu theo hướng đa cực hóa và thách thức đáng kể vị thế thống trị của đồng USD.

Với “BRICS Clear”, Nga toan tính gì?

Nga, với tư cách là Chủ tịch BRICS 2024, đang tích cực thúc đẩy BRICS Clear và các sáng kiến hạ tầng thanh toán xuyên biên giới trong nội bộ khối. Điều này là dễ hiểu khi nền kinh tế Nga – trong hơn hai năm qua – chịu những thách thức đáng kể do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Moscow ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022, và tình trạng thiếu lao động đang phá vỡ các kỷ lục trước đó. Lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt, bất chấp nhiều lần tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga trong vòng một năm qua.

Sau khi các ngân hàng Nga bị phương Tây loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, Nga được cho là đang xích lại với Trung Quốc trong hợp tác kinh tế - thương mại. Tuy nhiên, xu hướng này rất bấp bênh khi trong suốt năm 2024, quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc đang “đi lùi”. Sau khi kim ngạch thương mại song phương tăng 5,2% trong quý I, con số này đã sụt giảm đáng kể trong thời gian còn lại của năm, với mức tăng chỉ 1,8% trong hai quý đầu năm và 2% trong ba quý đầu năm. Nghiêm trọng hơn, xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc đã giảm đến 9,2% hồi tháng 9 vì các ngân hàng và công ty Trung Quốc từ chối làm việc với các đối tác Nga do mối đe dọa trừng phạt thứ cấp của phương Tây.

Những con số trên không chỉ là hệ quả của việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu, mà còn vì sự phụ thuộc của phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, vào một hệ thống chung do phương Tây thống trị. Bằng cách cho phép thương mại với các quốc gia BRICS khác mà không sử dụng các hệ thống tài chính do Mỹ và phương Tây chi phối thông qua BRICS Clear và hệ sinh thái các sáng kiến khác (được đề cập ở phần tiếp theo), Nga có thể bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trước các lệnh trừng phạt tiếp theo.

Đáng chú ý, sáng kiến này không chỉ là biện pháp ứng phó bị động của Nga trong bối cảnh bị phương Tây cô lập. Với việc đề xuất thiết lập cơ chế thanh toán xuyên biên giới trong một khối quốc gia chiếm 45% dân số thế giới và 35% GDP toàn cầu (cao hơn mức 10% dân số30% GDP toàn cầu của khối G7), Moscow có lẽ còn xem BRICS Clear là một phần trong chiến lược địa kinh tế rộng lớn hơn nhằm tái định hình trật tự tài chính toàn cầu theo hướng đa cực, trong đó BRICS đóng vai trò đối trọng với các thể chế do phương Tây dẫn dắt.

Nỗ lực dày công của Moscow và BRICS

Trước khi đề xuất BRICS Clear, Nga đã triển khai một chiến lược toàn diện nhằm thúc đẩy quá trình "phi đô la hoá" trong khối BRICS thông qua nhiều biện pháp cụ thể và đa dạng. Trọng tâm đầu tiên là việc tận dụng Ngân hàng Phát triển mới (NDB) như một công cụ chủ chốt nhằm thay thế Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc thúc đẩy dòng đầu tư vào các quốc gia BRICS và cơ chế Nam bán cầu.

NDB đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cho vay bằng nội tệ từ mức 23% vào cuối năm 2021 lên 30% trong giai đoạn 2022 - 2026. Để huy động nguồn vốn cho mục tiêu này, NDB đã lần lượt phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ của các nước thành viên - bắt đầu với đồng rúp của Nga vào tháng 11/2019, sau đó là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (tháng 5/2022), đồng rand của Nam Phi (tháng 8/2023), và dự kiến sẽ phát hành trái phiếu bằng đồng rupee của Ấn Độ (dự kiến phát hành vào tháng 10 năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa triển khai). Trong năm nay, NDB tiếp tục có hai lần phát hành kỷ lục trái phiếu Panda bằng đồng nhân dân tệ vào tháng 1 và tháng 7.

Riêng đối với Nga, nước này đặt mục tiêu tăng cường vai trò của BRICS trong hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế. Trên cơ sở đó, Nga đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương phối hợp với các đối tác trong khối để xây dựng một báo cáo toàn diện về cải thiện hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế. Báo cáo này, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024, nhiều khả năng sẽ bao gồm lộ trình chi tiết về việc phát triển BRICS Bridge và BRICS Clear vừa đề xuất mới đây. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hội nhập các thành viên mới, gồm năm quốc gia là Iran, Ethiopia, Saudi Arabia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vào các cơ chế tài chính của BRICS.

Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng chưa đến lúc để BRICS thiết lập một đồng tiền chung, song đang dẫn đầu khối này khám phá việc sử dụng các loại tiền kỹ thuật số trong các hoạt động thương mại và đầu tư nội khối. Nỗ lực này có thể được thực hiện thông qua BRICS Bridge - sáng kiến giao dịch nội khối đặc trưng bởi việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số, được Nga giới thiệu vào tháng 2 năm nay. Cùng chung trong chuỗi nỗ lực này, Nga đã đạt một bước tiến quan trọng với kế hoạch phát hành rộng rãi đồng rúp kỹ thuật số từ tháng 7/2025. Sau khi phát hành, đồng tiền kỹ thuật số này có thể tích hợp với các nền tảng tương tự của các thành viên BRICS khác để hiện thực hoá sáng kiến BRICS Bridge.

Về nỗ lực chung, BRICS dự kiến cũng sẽ tiếp tục phát triển cơ chế thanh toán bằng nội tệ BRICS Pay, chủ yếu phục vụ cho thương mại xuyên biên giới giữa các công ty, các nhà đầu tư và các hoạt động tài chính vi mô. Hệ thống thanh toán chung này nhằm tăng khối lượng thương mại và tương tác tài chính, cũng như đẩy nhanh quá trình “phi đô la hóa” giữa các nước BRICS.

BRICS hiện cũng có xu hướng gắn kết hệ thống tài chính của mình với các tổ chức đa phương và quốc gia thân thiện ở Nam Bán cầu. Đơn cử, từ năm 2016, BRICS đã có ý định tài trợ vốn vay cơ sở hạ tầng cho các nước trong Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC) trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS-BIMSTEC. Ngân hàng Trung ương Nga cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) về các cơ chế thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số, qua đó sẵn sàng bắt đầu thử nghiệm ban đầu với Trung Quốc và các quốc gia EAEU. EAEU bao gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan và Nga. Trong tương lai, các quốc gia vùng Vịnh giàu tài nguyên dầu mỏ được xác định là đối tác mục tiêu cho sáng kiến BRICS Bridge.

Một động thái chiến lược quan trọng khác là việc các ngân hàng trung ương BRICS đang tăng cường dự trữ vàng. Điều này không chỉ nhằm tăng tính thanh khoản cho các đồng nội tệ mà còn hướng tới mục tiêu xa hơn là thiết lập một đồng tiền chung của BRICS được neo với giá trị vàng. Tính đến quý II/2024, tổng lượng vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương BRICS đã chiếm hơn 20% tổng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu, với Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đều nằm trong top 10 nước nắm giữ vàng lớn nhất.

Những nỗ lực đa chiều này phản ánh quyết tâm của BRICS trong việc xây dựng một hệ thống tài chính độc lập. Dù còn nhiều thách thức, nhưng các bước đi có hệ thống đang dần giúp các nền kinh tế mới nổi hiện thực hóa tham vọng thiết lập trật tự tài chính đa cực.

Triển vọng vẫn bất định

Dù có tiềm năng đáng kể, con đường hiện thực hóa BRICS Clear không dễ dàng. Thách thức lớn nhất nằm ở sự thiếu hội tụ về lợi ích giữa các thành viên trong một cơ chế thanh toán “phi đô la”. Trung Quốc, Nga và Iran bày tỏ quan điểm chống phương Tây mạnh mẽ; Ả Rập Saudi, UAE và Ai Cập lại đang duy trì sự cân bằng tinh tế giữa quan hệ với các đối tác phương Tây và quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc.

Trong khi Nga tìm cách thoát khỏi vòng vây cấm vận của phương Tây và tham vọng tái định hình trật tự tài chính toàn cầu, Trung Quốc nhắm tới mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ qua các cơ chế cho vay và thanh toán của BRICS, thì một số thành viên, đặc biệt là Ấn Độ, lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh tạo ra sự thống trị mới trong khối kinh tế này.

Những khác biệt về chiến lược tiền tệ và ưu tiên kinh tế giữa các thành viên có mức độ phát triển chênh lệch cũng có thể cản trở việc đạt được sự đồng thuận về cơ chế vận hành của hệ thống tài chính chung. Về kỹ thuật, việc xây dựng một hệ thống thanh toán xuyên biên giới đòi hỏi năng lực công nghệ và nguồn lực tài chính vượt xa khả năng của các nền kinh tế kém phát triển hơn trong BRICS như Saudi Arabia, UAE, Ai Cập, Iran, và nhất là Ethiopia - quốc gia thành viên BRICS duy nhất nằm trong danh sách các nước kém phát triển của Liên Hợp Quốc.

Thêm vào đó, việc hài hòa hóa các khuôn khổ pháp lý khác biệt giữa các nước là một thách thức không nhỏ cho sự thành công của BRICS Clear nói chung và hệ thống hạ tầng tài chính xuyên biên giới trong khối BRICS nói chung, đòi hỏi một quá trình thoả hiệp và đồng kiến tạo giữa các thành viên về dài hạn.

Nhìn chung, triển vọng thành công của BRICS Clear phụ thuộc vào nhiều yếu tố then chốt mà hiện tại còn khá nan giải đối với BRICS. Trước hết là khả năng hài hòa lợi ích giữa các thành viên - một thách thức cần được chú ý khi các thành viên của khối có chiến lược phát triển và mức độ phụ thuộc vào hệ thống tài chính phương Tây khác nhau.

Bên cạnh đó, việc vượt qua các rào cản kỹ thuật và thiết lập cơ chế quản trị hiệu quả cũng đòi hỏi nguồn lực đáng kể và cam kết chính trị mạnh mẽ từ tất cả các bên. Trong bối cảnh một số thành viên BRICS vẫn có quan hệ kinh tế - tài chính chặt chẽ với phương Tây, việc cân bằng giữa tham vọng độc lập và thực tế hội nhập toàn cầu là một phương trình khó giải.

Bất kể kết quả cuối cùng ra sao, những nỗ lực này phản ánh một xu hướng có thể tác động đến trật tự kinh tế thế giới. Đó là sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi không chỉ thể hiện qua tăng trưởng GDP mà còn qua khả năng định hình các thể chế tài chính toàn cầu.

Với ý nghĩa đó, BRICS Clear là một tuyên bố đầy tham vọng của BRICS về việc xây dựng một hệ thống tài chính đa cực, nơi an ninh tài chính và an ninh kinh tế của các thành viên được đảm bảo tốt hơn, đồng thời có thể tạo ra những thay đổi thực chất trong cấu trúc tài chính toàn cầu vốn chịu sự chi phối của Mỹ và phương Tây trong nhiều thập kỷ. Trong bối cảnh địa chính trị đang có nhiều biến động, sáng kiến BRICS Clear - dù thành công hay thất bại - sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển dịch cán cân quyền lực toàn cầu.

Từ khoá: BRICS BRICS Clear Nga phi đô la hoá tài chính quốc tế thanh toán xuyên biên giới trật tự đa cực khu vực hoá

BÀI LIÊN QUAN