An ninh - Quốc phòng   17/01/2024

Căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên: “Mỹ - Nhật - Hàn” đọ sức “Nga - Trung - Triều”

Bán đảo Triều Tiên không chỉ chứng kiến mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, mà đang mở rộng thành cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai tam giác “Mỹ - Nhật - Hàn” và “Nga - Trung - Triều”.

Image
Ảnh về vụ thử tên lửa tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn mới ở Triều Tiên vào ngày 14/1 do chính phủ Triều Tiên cung cấp. - (C): Korean Central News Agency/Korea News Service/AP

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ sau khi Kim Jong Un thông qua Đạo luật Hạt nhân (Nuclear Law) vào tháng 9/2022, tự công nhận trong hiến pháp rằng Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, và đã bắn thử một số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến nhằm phô trương học thuyết hạt nhân mới, cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân phủ đầu như một biện pháp tự vệ.

Dưới góc nhìn của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng, các cuộc tập trận quân sự mới của Hàn Quốc việc liên minh Mỹ - Hàn thắt chặt hợp tác an ninh là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia của Triều Tiên. Gần đây nhất, từ ngày 5 - 7/1, Triều Tiên đã ba lần liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần bờ biển như một “biện pháp đối phó tự nhiên” nhắm vào Hàn Quốc. Đáp lại, Quân đội Hàn Quốc (RKA) kêu gọi Triều Tiên chấm dứt hoạt động quân sự làm gia tăng căng thẳng gần biên giới. Trước đó, vào tháng 11/2023, Seoul đã đình chỉ một phần “Thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018” (2018 inter-Korean agreement) để phản đối việc Bình Nhưỡng đưa vệ tinh do thám vào quỹ đạo, khiến Triều Tiên sau đó quyết định hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận này.

Ở góc nhìn rộng hơn, bán đảo Triều Tiên không chỉ là nơi đối đầu giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, mà đang chứng kiến cuộc chạy đua an ninh giữa hai nhóm “liên minh” dân chủ (Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc) và phi dân chủ (Nga - Trung Quốc - Triều Tiên).

Tam giác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc

Mối đe doạ từ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là động lực để Mỹ và hai đồng minh Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc thắt chặt quan hệ trong khuôn khổ đối tác an ninh ba bên, với tầm nhìn chung được vạch ra từ sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc tại Trại David (hay Cơ sở Hỗ trợ Hải quân Thurmont, tiểu bang Maryland, Mỹ) vào tháng 8 năm ngoái. Theo đó, ba cường quốc đã tái khẳng định “cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn CHDCND Triều Tiên” và “cực lực lên án số vụ phóng tên lửa đạn đạo chưa từng có của Bình Nhưỡng”.

Kế thừa tinh thần này, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản - sang tháng 12 - tiếp tục nhất trí về một sáng kiến ba bên để đối phó với các mối đe dọa của Bắc Triều Tiên, từ tội phạm mạng và rửa tiền điện tử đến các vụ thử tên lửa đạn đạo và không gian. Trong đó, nội dung tội phạm mạng và rửa tiền điện tử được nhấn mạnh. Theo phát biểu của Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, “Đây [sáng kiến ba bên] sẽ là một nỗ lực mới liên quan đến tiền điện tử và rửa tiền và cách chúng tôi phá vỡ khả năng của Triều Tiên trong việc đạt doanh thu từ việc hack và đánh cắp tiền điện tử và sau đó rửa tiền thông qua các sàn giao dịch”.

Điểm mấu chốt của việc nhấn mạnh cam kết hợp tác ba bên về tội phạm mạng và rửa tiền điện tử là để ngăn cản các thủ thuật lách lệnh trừng phạt quốc tế nhằm phát triển chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong nhiều năm qua, Bình Nhưỡng đã sử dụng một loạt mạng lưới toàn cầu ở nước ngoài để tránh các lệnh trừng phạt quốc tế và tiếp tục theo đuổi hoạt động chế tạo vũ khí hạt nhân. Những mạng lưới này liên đới đến các kế hoạch đa dạng như tội phạm mạng, bán thiết bị quân sự, tiền giả, ma túy và thậm chí buôn bán động vật hoang dã… từ đó tạo nên một hệ thống mua sắm và tài chính phức tạp ở nước ngoài. Hệ thống này được thiết kế để huy động vốn và vật liệu mà Triều Tiên cần cho các chương trình an ninh và phát triển vũ khí.

Năm 2022, Liên Hợp Quốc ghi nhận số lượng kỷ lục các hành vi trộm cắp các quỹ tiền điện tử bởi tin tặc Triều Tiên, số tiền đánh cắp được này được Triều Tiên sử dụng làm nguồn tài trợ chính cho các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Đầu năm nay, TRM Labs, tổ chức cung cấp các giải pháp tài chính dựa trên blockchain, đưa ra báo cáo cho biết các tin tặc (hacker) từ Triều Tiên đã đánh cắp ít nhất 600 triệu USD tiền điện tử trong năm 2023.

Bên cạnh hợp tác ngăn chặn nguồn lực đầu vào phi pháp, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đẩy mạnh triển khai các cuộc tập trận chung. Sau nhiều lần tập trận hàng hải chung về chống tàu ngầm, phòng thủ tên lửa, đến tháng 10 năm ngoái, ba cường quốc lần đầu tiên tổ chức tập trận không kích gần bán đảo Triều Tiên. Không dừng lại ở đó, trong cuộc gặp vào tháng 12, ba quốc gia tuyên bố sẽ cùng nhau thiết lập một kế hoạch tập trận ba bên kéo dài nhiều năm (có hiệu lực từ năm nay).

Cũng trong tuyên bố chung trên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết đã kích hoạt hoàn toàn hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực. Hệ thống này sẽ góp phần làm phong phú thêm thông tin tình báo của Hàn Quốc liên quan đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời tăng mức độ hiệu quả cho các cuộc tấn công phủ đầu chống lại tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Hiện chưa rõ liệu một “liên minh” đang được tăng cường giữa Washington, Tokyo, và Seoul có thật sự hiệu quả trong việc răn đe Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân hay không. Tuy nhiên, các thoả thuận mới (như đã chỉ ra ở trên) đã làm trầm trọng thêm cho căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.

Cùng với sự phát triển của tam giác an ninh Mỹ - Nhật - Hàn, một “liên minh” ba bên mang tính đối trọng cũng đang dần hình thành.

Tam giác Nga - Trung Quốc - Triều Tiên

Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc là các đồng minh hiệp ước của Mỹ và cùng chia sẻ các giá trị dân chủ, thì Nga, Trung Quốc và Triều Tiên được nhìn nhận là “đồng minh tự nhiên”, cùng sở hữu vũ khí hạt nhân và cùng phát triển chính sách đối ngoại quốc phòng theo hướng hiếu chiến. Kể từ năm ngoái, liên minh ba bên Nga - Trung - Triều, dưới sự điều phối của Nga, đang có nhiều dấu hiệu hình thành.

Nga và Triều Tiên đang xích lại gần nhau về mặt an ninh sau ba cuộc gặp liên tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (27/7), Tổng thống Nga Vladimir Putin (13/9) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (19/10) với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào nửa cuối năm ngoái. Trong đó, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều vào tháng 9/2023 nhận được nhiều sự chú ý khi được tổ chức tại sân bay vũ trụ Vostochny - một biểu tượng của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ công nghệ cao của Nga. Tại đây, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Triều Tiên đã cùng xem xét và thảo luận để tiến đến một thoả thuận quân sự song phương.

Từ trục hợp tác Nga - Triều Tiên, dường như Moscow đang có xu hướng kết hợp với trục hợp tác Nga - Trung Quốc, vốn ngày càng được thắt chặt kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022, thành một liên minh ba bên nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh. Nỗ lực này không chỉ được tiến hành ở mặt trận Đông Âu, thể hiện qua sự hỗ trợ tích cực của Trung Quốc và Triều Tiên cho Nga trong chiến tranh Ukraine, mà còn ở cả bán đảo Triều Tiên.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, Trung Quốc và Nga đã tiến hành 7 cuộc tuần tra chung của không quân trên vùng biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, trong đó lần gần nhất là cuộc xâm nhập ngày 14/12 năm ngoái mà không có cảnh báo vào vùng nhận dạng phòng không (KADIZ) của Hàn Quốc. Cùng thời điểm này, các quan chức Nga đã ám chỉ rằng Bình Nhưỡng có thể tham gia cùng Moscow và Bắc Kinh trong một cuộc tập trận chung ba bên nhắm vào Seoul.

Tháng 7 năm ngoái, các phái đoàn cấp cao của Nga và Trung Quốc đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 ở Bình Nhưỡng. Sang tháng 9, Nga tiếp tục đề xuất kế hoạch tập trận hải quân ba bên với Triều Tiên và Trung Quốc - động thái được cho là nhằm đáp trả cuộc tập trận quân sự chung mang tên “Lá chắn Tự do Ulchi” (Ulchi Freedom Shield) giữa Hàn Quốc và Mỹ (tiến hành từ ngày 21-31/8).

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga và Trung Quốc cũng nhiều lần phối hợp để ngăn chặn việc thông qua các nghị quyết bất lợi cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong đó có việc ngăn chặn thông qua nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an vào tháng 5/2022 để áp lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên vì các vụ phóng tên lửa đạn đạo kỷ lục. Tháng 5 năm ngoái, Nga một lần nữa hợp tác với Trung Quốc cản trở công việc của hội đồng chuyên gia Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên khi buộc điều phối viên người Anh của hội đồng này phải từ chức.

Bàn về nguyên nhân đằng sau sự can thiệp của Nga vào bán đảo Triều Tiên, có lo ngại cho rằng ông Kim đang cung cấp đạn dược cần thiết để giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến tranh ở Ukraine, và qua đó đổi lấy sự hỗ trợ công nghệ của Nga nhằm nâng cấp chương trình phát triển vũ khí hạt nhân ở Bình Nhưỡng. Những trao đổi an ninh “có đi có lại” này đang góp phần “châm dầu vào lửa” khi có thể khiến bất ổn an ninh gia tăng ở bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung.

Về phía Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, thay vì thông qua đối thoại để “giảm nhiệt” vấn đề Triều Tiên, nhóm này ngày càng đẩy mạnh các hoạt động tình báo và tập trận quân sự mang tính “khiêu khích” đối với Bình Nhưỡng. Như đã đề cập ở đầu bài viết, giới lãnh đạo Triều Tiên xem việc thắt chặt liên minh an ninh giữa Seoul với Washington và Tokyo là “mối đe doạ thật sự và tồi tệ nhất” (worst actual threat), và tăng tốc chạy đua vũ trang là cách mà Bình Nhưỡng đáp trả. Khi cạnh tranh giữa hai tam giác “Mỹ - Nhật - Hàn” và “Nga - Trung - Triều” ngày càng gay gắt, bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục là “điểm nóng” an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ sau khi Kim Jong Un thông qua Đạo luật Hạt nhân (Nuclear Law) vào tháng 9/2022, tự công nhận trong hiến pháp rằng Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, và đã bắn thử một số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến nhằm phô trương học thuyết hạt nhân mới, cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân phủ đầu như một biện pháp tự vệ.

Dưới góc nhìn của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng, các cuộc tập trận quân sự mới của Hàn Quốc việc liên minh Mỹ - Hàn thắt chặt hợp tác an ninh là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia của Triều Tiên. Gần đây nhất, từ ngày 5 - 7/1, Triều Tiên đã ba lần liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần bờ biển như một “biện pháp đối phó tự nhiên” nhắm vào Hàn Quốc. Đáp lại, Quân đội Hàn Quốc (RKA) kêu gọi Triều Tiên chấm dứt hoạt động quân sự làm gia tăng căng thẳng gần biên giới. Trước đó, vào tháng 11/2023, Seoul đã đình chỉ một phần “Thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018” (2018 inter-Korean agreement) để phản đối việc Bình Nhưỡng đưa vệ tinh do thám vào quỹ đạo, khiến Triều Tiên sau đó quyết định hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận này.

Ở góc nhìn rộng hơn, bán đảo Triều Tiên không chỉ là nơi đối đầu giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, mà đang chứng kiến cuộc chạy đua an ninh giữa hai nhóm “liên minh” dân chủ (Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc) và phi dân chủ (Nga - Trung Quốc - Triều Tiên).

Tam giác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc

Mối đe doạ từ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là động lực để Mỹ và hai đồng minh Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc thắt chặt quan hệ trong khuôn khổ đối tác an ninh ba bên, với tầm nhìn chung được vạch ra từ sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc tại Trại David (hay Cơ sở Hỗ trợ Hải quân Thurmont, tiểu bang Maryland, Mỹ) vào tháng 8 năm ngoái. Theo đó, ba cường quốc đã tái khẳng định “cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn CHDCND Triều Tiên” và “cực lực lên án số vụ phóng tên lửa đạn đạo chưa từng có của Bình Nhưỡng”.

Kế thừa tinh thần này, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản - sang tháng 12 - tiếp tục nhất trí về một sáng kiến ba bên để đối phó với các mối đe dọa của Bắc Triều Tiên, từ tội phạm mạng và rửa tiền điện tử đến các vụ thử tên lửa đạn đạo và không gian. Trong đó, nội dung tội phạm mạng và rửa tiền điện tử được nhấn mạnh. Theo phát biểu của Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, “Đây [sáng kiến ba bên] sẽ là một nỗ lực mới liên quan đến tiền điện tử và rửa tiền và cách chúng tôi phá vỡ khả năng của Triều Tiên trong việc đạt doanh thu từ việc hack và đánh cắp tiền điện tử và sau đó rửa tiền thông qua các sàn giao dịch”.

Điểm mấu chốt của việc nhấn mạnh cam kết hợp tác ba bên về tội phạm mạng và rửa tiền điện tử là để ngăn cản các thủ thuật lách lệnh trừng phạt quốc tế nhằm phát triển chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong nhiều năm qua, Bình Nhưỡng đã sử dụng một loạt mạng lưới toàn cầu ở nước ngoài để tránh các lệnh trừng phạt quốc tế và tiếp tục theo đuổi hoạt động chế tạo vũ khí hạt nhân. Những mạng lưới này liên đới đến các kế hoạch đa dạng như tội phạm mạng, bán thiết bị quân sự, tiền giả, ma túy và thậm chí buôn bán động vật hoang dã… từ đó tạo nên một hệ thống mua sắm và tài chính phức tạp ở nước ngoài. Hệ thống này được thiết kế để huy động vốn và vật liệu mà Triều Tiên cần cho các chương trình an ninh và phát triển vũ khí.

Năm 2022, Liên Hợp Quốc ghi nhận số lượng kỷ lục các hành vi trộm cắp các quỹ tiền điện tử bởi tin tặc Triều Tiên, số tiền đánh cắp được này được Triều Tiên sử dụng làm nguồn tài trợ chính cho các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Đầu năm nay, TRM Labs, tổ chức cung cấp các giải pháp tài chính dựa trên blockchain, đưa ra báo cáo cho biết các tin tặc (hacker) từ Triều Tiên đã đánh cắp ít nhất 600 triệu USD tiền điện tử trong năm 2023.

Bên cạnh hợp tác ngăn chặn nguồn lực đầu vào phi pháp, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đẩy mạnh triển khai các cuộc tập trận chung. Sau nhiều lần tập trận hàng hải chung về chống tàu ngầm, phòng thủ tên lửa, đến tháng 10 năm ngoái, ba cường quốc lần đầu tiên tổ chức tập trận không kích gần bán đảo Triều Tiên. Không dừng lại ở đó, trong cuộc gặp vào tháng 12, ba quốc gia tuyên bố sẽ cùng nhau thiết lập một kế hoạch tập trận ba bên kéo dài nhiều năm (có hiệu lực từ năm nay).

Cũng trong tuyên bố chung trên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết đã kích hoạt hoàn toàn hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực. Hệ thống này sẽ góp phần làm phong phú thêm thông tin tình báo của Hàn Quốc liên quan đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời tăng mức độ hiệu quả cho các cuộc tấn công phủ đầu chống lại tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Hiện chưa rõ liệu một “liên minh” đang được tăng cường giữa Washington, Tokyo, và Seoul có thật sự hiệu quả trong việc răn đe Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân hay không. Tuy nhiên, các thoả thuận mới (như đã chỉ ra ở trên) đã làm trầm trọng thêm cho căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.

Cùng với sự phát triển của tam giác an ninh Mỹ - Nhật - Hàn, một “liên minh” ba bên mang tính đối trọng cũng đang dần hình thành.

Tam giác Nga - Trung Quốc - Triều Tiên

Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc là các đồng minh hiệp ước của Mỹ và cùng chia sẻ các giá trị dân chủ, thì Nga, Trung Quốc và Triều Tiên được nhìn nhận là “đồng minh tự nhiên”, cùng sở hữu vũ khí hạt nhân và cùng phát triển chính sách đối ngoại quốc phòng theo hướng hiếu chiến. Kể từ năm ngoái, liên minh ba bên Nga - Trung - Triều, dưới sự điều phối của Nga, đang có nhiều dấu hiệu hình thành.

Nga và Triều Tiên đang xích lại gần nhau về mặt an ninh sau ba cuộc gặp liên tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (27/7), Tổng thống Nga Vladimir Putin (13/9) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (19/10) với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào nửa cuối năm ngoái. Trong đó, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều vào tháng 9/2023 nhận được nhiều sự chú ý khi được tổ chức tại sân bay vũ trụ Vostochny - một biểu tượng của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ công nghệ cao của Nga. Tại đây, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Triều Tiên đã cùng xem xét và thảo luận để tiến đến một thoả thuận quân sự song phương.

Từ trục hợp tác Nga - Triều Tiên, dường như Moscow đang có xu hướng kết hợp với trục hợp tác Nga - Trung Quốc, vốn ngày càng được thắt chặt kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022, thành một liên minh ba bên nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh. Nỗ lực này không chỉ được tiến hành ở mặt trận Đông Âu, thể hiện qua sự hỗ trợ tích cực của Trung Quốc và Triều Tiên cho Nga trong chiến tranh Ukraine, mà còn ở cả bán đảo Triều Tiên.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, Trung Quốc và Nga đã tiến hành 7 cuộc tuần tra chung của không quân trên vùng biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, trong đó lần gần nhất là cuộc xâm nhập ngày 14/12 năm ngoái mà không có cảnh báo vào vùng nhận dạng phòng không (KADIZ) của Hàn Quốc. Cùng thời điểm này, các quan chức Nga đã ám chỉ rằng Bình Nhưỡng có thể tham gia cùng Moscow và Bắc Kinh trong một cuộc tập trận chung ba bên nhắm vào Seoul.

Tháng 7 năm ngoái, các phái đoàn cấp cao của Nga và Trung Quốc đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 ở Bình Nhưỡng. Sang tháng 9, Nga tiếp tục đề xuất kế hoạch tập trận hải quân ba bên với Triều Tiên và Trung Quốc - động thái được cho là nhằm đáp trả cuộc tập trận quân sự chung mang tên “Lá chắn Tự do Ulchi” (Ulchi Freedom Shield) giữa Hàn Quốc và Mỹ (tiến hành từ ngày 21-31/8).

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga và Trung Quốc cũng nhiều lần phối hợp để ngăn chặn việc thông qua các nghị quyết bất lợi cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong đó có việc ngăn chặn thông qua nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an vào tháng 5/2022 để áp lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên vì các vụ phóng tên lửa đạn đạo kỷ lục. Tháng 5 năm ngoái, Nga một lần nữa hợp tác với Trung Quốc cản trở công việc của hội đồng chuyên gia Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên khi buộc điều phối viên người Anh của hội đồng này phải từ chức.

Bàn về nguyên nhân đằng sau sự can thiệp của Nga vào bán đảo Triều Tiên, có lo ngại cho rằng ông Kim đang cung cấp đạn dược cần thiết để giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến tranh ở Ukraine, và qua đó đổi lấy sự hỗ trợ công nghệ của Nga nhằm nâng cấp chương trình phát triển vũ khí hạt nhân ở Bình Nhưỡng. Những trao đổi an ninh “có đi có lại” này đang góp phần “châm dầu vào lửa” khi có thể khiến bất ổn an ninh gia tăng ở bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung.

Về phía Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, thay vì thông qua đối thoại để “giảm nhiệt” vấn đề Triều Tiên, nhóm này ngày càng đẩy mạnh các hoạt động tình báo và tập trận quân sự mang tính “khiêu khích” đối với Bình Nhưỡng. Như đã đề cập ở đầu bài viết, giới lãnh đạo Triều Tiên xem việc thắt chặt liên minh an ninh giữa Seoul với Washington và Tokyo là “mối đe doạ thật sự và tồi tệ nhất” (worst actual threat), và tăng tốc chạy đua vũ trang là cách mà Bình Nhưỡng đáp trả. Khi cạnh tranh giữa hai tam giác “Mỹ - Nhật - Hàn” và “Nga - Trung - Triều” ngày càng gay gắt, bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục là “điểm nóng” an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.

Từ khoá: bán đảo Triều Tiên Đông Bắc Á Triều Tiên vũ khí hạt nhân

BÀI LIÊN QUAN