Chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á dưới thời Joe Biden: Cam kết trong nghi ngờ
Cách tiếp cận của Mỹ đối với Đông Nam Á có nhiều hạn chế, chủ yếu do sự vắng mặt của Tổng thống Biden tại các sự kiện đa phương, sự thiếu nhất quán trong thực tiễn triển khai chính sách, cùng sự thiếu vắng của một chiến lược kinh tế đủ hiệu quả để thu hút các nước ASEAN quyết tâm làm sâu sắc hơn quan hệ với Washington.
Chỉ còn khoảng hai tháng nữa, Tổng thống Joe Biden sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình và nhường ghế cho một trong hai ứng cử viên là Donald Trump hoặc Kamala Harris. Trải qua gần bốn năm nắm quyền, chính sách của Mỹ với khu vực Đông Nam Á đã có nhiều biến động.
Thăng trầm có đủ
Sau một nhiệm kỳ đầy cứng rắn của cựu Tổng thống Trump (2017 - 2021) – người không ngần ngại bày tỏ quan điểm nghi ngờ và không mặn mà can dự vào các tổ chức đa phương, ông Biden nhậm chức trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỳ vọng rằng Mỹ sẽ tăng cường can dự vào khu vực theo cách mà tổ chức này mong muốn.
Sự kỳ vọng xuất phát từ niềm tin rằng Tổng thống Biden sẽ có cách tiếp cận tương tự với Tổng thống đảng Dân chủ trước đó là Barack Obama (ông Biden từng là Phó Tổng thống dưới quyền ông Obama). Cụ thể, ông Obama truyền đi thông điệp rằng Washington tôn trọng chủ nghĩa đa phương của ASEAN thông qua việc trở thành nguyên thủ Mỹ đầu tiên dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào năm 2011 và tham gia những năm sau đó (chỉ trừ năm 2013). Hơn nữa, trong lĩnh vực kinh tế, Mỹ thời điểm đó đã dẫn đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tìm cách xây dựng một hệ thống hợp tác kinh tế đa phương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Đông Nam Á.
Tuy nhiên, phản ứng ban đầu của Tổng thống Biden là tương đối thất vọng. Trong vòng sáu tháng sau lễ nhậm chức (tháng 1/2021), chính phủ mới không có động thái tiếp cận cụ thể nào đối với ASEAN, làm dấy lên lo ngại rằng khu vực này không phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Sau đó, chính sách của chính quyền Biden đối với ASEAN có những tín hiệu khởi sắc. Vào tháng 7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines; và chỉ sau đó một tháng, đến lượt Phó Tổng thống Kamala Harris có chuyến công du sang Singapore và Việt Nam. Bản thân Tổng thống Biden đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ và EAS vào tháng 10, mặc dù chỉ với hình thức trực tuyến. Nối tiếp chuỗi hoạt động kể trên, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến thăm Indonesia và Malaysia vào tháng 12.
Ngay cả khi chính phủ mới nỗ lực tương tác với các nước ASEAN, họ cũng bộc lộ sự thiếu khéo léo. Khi Mỹ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ vào tháng 12/2021, chỉ có ba quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Philippines được mời tham gia. Hai năm sau, số lượng này chỉ còn hai: Jakarta và Manila. Dù vô tình hay cố ý, động thái của Mỹ đã tạo ra sự đối lập giữa những quốc gia được xem là dân chủ và phần còn lại, từ đó gửi đi một thông điệp không mấy tốt đẹp về sự ưu tiên có tính chất “khinh - trọng” đối với các quốc gia bên trong ASEAN, cũng như ít nhiều gây “hoang mang” về triển vọng hợp tác giữa ASEAN với Mỹ.
Trong nhiệm kỳ gần bốn năm vừa qua, chính phủ của Tổng thống Biden dành nhiều sự quan tâm và tương tác nhất với ASEAN có lẽ là vào năm 2022. Hồi tháng 2 cùng năm, chính quyền Biden đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific Strategy), trong đó nêu rõ rằng Washington hoan nghênh “ASEAN mạnh mẽ và độc lập, dẫn đầu ở Đông Nam Á” (strong and independent ASEAN that leads in Southeast Asia), “ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và hỗ trợ ASEAN trong nỗ lực đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực” (endorse ASEAN centrality and support ASEAN in its efforts to deliver sustainable solutions to the region’s most pressing challenges).
Để hiện thực hóa các cam kết nêu trên, Mỹ đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt ASEAN - Mỹ tại thủ đô Washington vào tháng 5. Sau đó sáu tháng, sự kiện tương tự đã diễn ra tại Campuchia. Nhìn chung, hai Hội nghị liên tiếp trong thời gian tương đối ngắn cho thấy sự trọng thị của Mỹ dành cho ASEAN và vai trò quan trọng của khu vực trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quan trọng hơn, tại Hội nghị vào tháng 11, Mỹ và ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”, đưa Washington vươn lên ngang hàng với Bắc Kinh trong mối quan hệ với ASEAN. Bên cạnh đó, Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ trị giá 850 triệu USD dành cho các nước Đông Nam Á để chi trả cho những dự án như hệ sinh thái xe điện tích hợp và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch nhằm hướng đến giảm lượng khí thải carbon.
Bên cạnh các khía cạnh tích cực (nổi bật là mối quan hệ Mỹ - ASEAN được nâng cấp và cam kết gói viện trợ về chuyển đổi xanh), thì Hội nghị Thượng đỉnh tại Campuchia cũng đã phơi bày nhiều hạn chế trong quan hệ giữa siêu cường này với các quốc gia trong khu vực. Trước hết, Hội nghị này kết thúc mà không đưa ra được bất kỳ tuyên bố chung nào; thay vào đó, mỗi bên tự đưa ra văn bản kết luận của riêng mình. Điều đó phần nào phản ánh rằng ngoài việc nâng cấp quan hệ, cuộc gặp trên đã kết thúc mà không có những đồng thuận đáng kể.
Chẳng hạn, việc Mỹ cam kết gói hỗ trợ 850 triệu USD có thể là một cách để thu hút thiện cảm của các nước ASEAN, song chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng, bởi vì khi mang số tiền này chia nhỏ ra cho từng quốc gia, con số sẽ không đáng kể. Việc hỗ trợ này chỉ thiết thực nếu Mỹ cam kết thêm những hỗ trợ mang tính dài hạn hơn, chẳng hạn về hạ tầng và công nghệ.
Cùng với đó, hồi tháng 5/2022, chỉ vài ngày sau Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt ASEAN - Mỹ, chính quyền Biden đã công bố sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), được quảng bá là sẽ “thúc đẩy vị thế của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (strengthen the U.S. position in the Indo - Pacific region). Tuy nhiên, kết quả Hội nghị Thượng đỉnh tại Campuchia cho thấy sự xuất hiện của IPEF là hoàn toàn mờ nhạt. Trong bối cảnh chưa chắc chắn ở thời điểm đó, các nước ASEAN có thể không muốn mạo hiểm trong việc ưu tiên thương mại với Mỹ và rơi vào nguy cơ bị nước này lôi kéo để dần tách khỏi thương mại với Trung Quốc.
Ngoài ra, trên phương diện cá nhân, việc Tổng thống Biden đọc nhầm “Campuchia” thành “Colombia” đến hai lần cũng là một lỗi đáng chú ý, có thể khiến thiện cảm của các nước ASEAN với Mỹ vơi đi ít nhiều.
Quả thực, quan hệ đa phương giữa Mỹ với ASEAN đã trở nên trầm lắng trông thấy khi bước sang năm 2023. Vào tháng 9, Tổng thống Biden dù đến thủ đô New Delhi (Ấn Độ) để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G20; tuy nhiên ông lại không dành thời gian cho EAS cũng như các cuộc họp khác của ASEAN diễn ra chỉ trước đó vài ngày. Thay vào đó, Phó Tổng thống Harris là người đại diện tham gia các sự kiện với ASEAN. Sự vắng mặt của ông Biden đã làm dấy lên nhiều suy đoán rằng Mỹ đang giảm mức độ quan tâm đối với khu vực Đông Nam Á.
Điều tương tự đã diễn ra với sự kiện EAS năm nay tại Vientiane (Lào) vào ngày 11/10. Tổng thống Biden lại tiếp tục vắng mặt, và lần này Ngoại trưởng Antony Blinken trở thành người đại diện cho Mỹ tại Hội nghị. Trong cùng thời gian EAS diễn ra, ông Biden đã lên kế hoạch thực hiện chuyến công du đến Đức và Angola để tăng cường quan hệ với hai quốc gia này. Đáng tiếc là, dự định này cũng chưa triển khai được vì ông Biden đã hoãn chuyến đi vào phút chót để điều hành việc khắc phục thiên tai do siêu bão Milton gây ra.
Mặc dù Đông Nam Á thường xuyên được nhấn mạnh là trụ cột chính trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng những gì đã diễn ra cho thấy Washington đang thiếu các cam kết thật sự nghiêm túc đối với khu vực. Để dễ thấy sự khác biệt, chính phủ Mỹ đã dành nhiều sự quan tâm cho các cơ chế do nước này dẫn đầu như Đối thoại Tứ giác An ninh, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ (Quad); Thỏa thuận Quốc phòng giữa Mỹ với Australia và Anh (AUKUS); cùng các nhóm tiểu đa phương khác (Mỹ - Nhật - Hàn, Mỹ - Nhật - Philippines, Mỹ - Nhật - Australia…).
Mặc dù vậy, giữa một loạt các hạn chế trong hợp tác đa phương, điểm tích cực là cho đến nay kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ (2021 - 2025) đang đạt tỷ lệ thực hiện cao (gần 98%), và được triển khai đa dạng trên nhiều lĩnh vực, như hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư; hàng hải; an ninh mạng; kết nối; phát triển bền vững; ứng phó thiên tai; biến đổi khí hậu; bình đẳng giới; y tế cộng đồng… Cùng với đó, Mỹ tiếp tục là một trong số các đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN cũng như là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại khu vực, với hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động (tính đến hết nửa đầu năm nay).
Trong khi năm 2023 chứng kiến sự đi xuống trông thấy ở khía cạnh hợp tác đa phương, thì ngoại giao song phương lại có phần tích cực hơn. Ngay sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Biden đã đến Hà Nội. Nhân chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo của hai nước tuyên bố rằng quan hệ Việt - Mỹ sẽ được nâng cấp lên “đối tác chiến lược toàn diện” (comprehensive strategic partnership), nghĩa là quan hệ song phương tăng lên hai cấp, bỏ qua một bật là “đối tác chiến lược” (strategic partnership). Tuy nhiên, điều đó đã không thuyết phục Việt Nam trở nên cởi mở hơn, vì các chủ đề trực tiếp về Trung Quốc và Biển Đông đã được né tránh một cách cẩn thận trong suốt chuyến thăm.
Thay vào đó, đôi bên đã tiếp cận gián tiếp hơn bằng việc nhất trí tăng cường hợp tác liên quan đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn và khoáng sản quan trọng, những lĩnh vực mà Mỹ cũng đang cạnh tranh với Trung Quốc. Hơn nữa, chỉ sau chuyến thăm của ông Biden vài tháng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã sang Việt Nam và ký đến 36 văn kiện hợp tác, cho thấy Bắc Kinh tiếp tục gây được ảnh hưởng to lớn đối với Hà Nội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, với Hà Nội, quan hệ Việt - Mỹ “đã bước sang giai đoạn phát triển quan trọng mới”.
Cũng chính vì hai nước cảnh giác trước tham vọng của Trung Quốc, quan hệ Mỹ - Philippines đã có nhiều tiến triển vượt bậc trong suốt nhiệm kỳ của ông Biden. Vào tháng 2/2023, ông Austin đã đến thăm Philippines và đạt được thỏa thuận sử dụng vô thời hạn thêm bốn căn cứ mới, bên cạnh năm căn cứ đã được chỉ định trước đó theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (Enhanced Defense Cooperation Agreement) mà hai bên đã ký hồi năm 2014. Trong số các căn cứ mới, có đến ba cơ sở nằm ở phía Bắc Philippines, cách Đài Loan chỉ khoảng 400km. Do đó, việc Mỹ tiếp cận các căn cứ này không chỉ mở ra những lợi thế quân sự tiềm tàng so với Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, mà còn có thể hỗ trợ sự can thiệp của quân đội Mỹ vào Đài Loan nếu xung đột/chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên, con số chín căn cứ hiện tại có vẻ là quá đủ đối với Philippines, vì vào tháng 4 năm nay, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr tuyên bố không có kế hoạch cấp cho Mỹ quyền tiếp cận thêm căn cứ quân sự nào khác.
Gần đây, Mỹ cũng tăng cường tổ chức các cuộc tập trận ở Biển Đông với riêng Philippines, hoặc kết hợp thêm các đối tác khác như Nhật Bản, Canada, và Australia – qua đó gửi đi một thông điệp về vòng vây đang được tập hợp để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Ngoài ra, vào tháng 4, Mỹ đã triển khai hệ thống phóng tên lửa tầm trung Typhon đến phía Bắc Philippines. Đáng chú ý, đây là thiết bị đầu tiên thuộc loại này mà Mỹ triển khai ở châu Á kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo tuyên bố ban đầu, hệ thống Typhon được triển khai tạm thời như một phần của cuộc tập trận quân sự chung Balikatan hàng năm, nhưng cuối cùng vẫn đang tiếp tục hiện diện ở Philippines từ đó đến nay. Ông Eduardo Ano, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines, thậm chí cho biết rằng không có mốc thời gian cụ thể nào cho việc rút hệ thống tên lửa tầm trung này khỏi đất nước.
Dù thể hiện sự ủng hộ to lớn về mặt ngoại giao, khí tài cũng như có Hiệp ước phòng thủ chung (ký kết hồi năm 1951), nhưng thực tế là Mỹ hầu như không mấy quan tâm đến việc bảo vệ Philippines trên thực địa, dù cho Trung Quốc đã liên tục thực hiện các vụ đâm va, phun vòi rồng trong suốt nhiều tháng qua, và khiến Manila phải rút tàu khỏi Bãi Sa Bin (Sabina Shoal).
Một quốc gia khác có tranh chấp trên biển với Trung Quốc nhận được sự quan tâm từ Mỹ là Indonesia. Vào tháng 11/2023, quan hệ song phương đã được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời trở thành đối tác quan trọng của nhau về an ninh với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (Defence Cooperation Agreement). Phạm vi hợp tác quốc phòng được nhất trí phát triển bao gồm các diễn đàn đối thoại, giáo dục và đào tạo, trao đổi chuyến thăm của các quan chức quân sự và quốc phòng, xây dựng năng lực trong các lĩnh vực như hàng hải.
Trong khi đó, Singapore vẫn âm thầm tiếp tục cung cấp cho Mỹ quyền tiếp cận căn cứ hải quân Changi trên eo biển Malacca, nơi có vị trí chiến lược quan trọng và là tuyến đường thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc. Singapore cũng tham gia nhiều cuộc tập trận quân sự khác nhau với lực lượng Mỹ và đồng minh, đồng thời ủng hộ các sáng kiến an ninh tiểu đa phương của Washington trong khu vực, chẳng hạn như Quad và AUKUS, ngay cả khi Singapore chưa chính thức tham gia.
Tuy nhiên, ngoài bốn quốc gia trên, mối quan tâm của Mỹ dưới thời Biden với các nước còn lại không mấy nổi bật. Chẳng hạn, sau khi ký thông cáo về Liên minh và Quan hệ đối tác Chiến lược với Thái Lan (đồng minh chính thức của Mỹ tại Đông Nam Á, bên cạnh Philippines), cùng chuyến thăm sau đó đến Bangkok của bà Harris trong cùng năm 2022, Mỹ không có động thái gì đáng chú ý. Mãi đến tháng 1/2024 mới có một quan chức Mỹ – Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan – đến thăm Thái Lan và gặp Thủ tướng Srettha Thavisin, nhưng đó chỉ là sự nhân tiện, vì mục đích chính chuyến đi của Jake Sullivan là để gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi ông này đang ở Bangkok.
Ngay cả trước đó, khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2023, ông Thavisin đã gửi lời mời ông Biden sắp xếp thăm chính thức Thái Lan, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyến công du nào diễn ra. Ngoài ra, hồi tháng 5/2023, Thái Lan cũng lên tiếng xác nhận rằng Mỹ đã từ chối bán tiêm kích F-35 cho nước này, với lý do khó khăn về huấn luyện và kỹ thuật. Những trục trặc trong mối quan hệ dường như xuất phát từ thực tế rằng Mỹ và Thái Lan đang có sự khác biệt về cách ứng xử với Trung Quốc. Trong khi Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa, thì Thái Lan lại có cái nhìn tích cực hơn nhiều và không sẵn sàng chống lại cường quốc tỷ dân.
Chính phủ Biden cũng đã phớt lờ Brunei, Campuchia, Lào và Malaysia với nhiều lý do khác nhau. Cụ thể, Brunei có mối quan hệ chiến lược lâu dài với Mỹ, nhưng trong những năm gần đây khi ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng, đặc biệt là thông qua các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), quốc gia Đông Nam Á này có xu hướng đánh giá cao Trung Quốc, thách thức ảnh hưởng của Mỹ.
Với Campuchia và Lào, ông Biden có thể đã nhận định rằng hai quốc gia này ngày càng trở thành “sân sau” của Trung Quốc, do đó nỗ lực nếu có của Mỹ cũng không đủ sức lật ngược thế cờ. Một trong những nỗ lực hiếm hoi nhằm kết nối với Campuchia mà Mỹ đã thực hiện trong gần năm năm qua là Bộ trưởng Austin đến Phnom Penh vào tháng 6 năm nay. Đây là sự kiện mang tính lịch sử vì lần đầu tiên trong nhiều năm qua một Bộ trưởng Quốc phòng thăm chính thức Campuchia. Động thái này cũng làm dấy lên hy vọng về sự hồi sinh các tương tác tích cực hơn về ngoại giao, sau một thời gian quan hệ song phương gần như bị đóng băng khi Washington cáo buộc Campuchia vi phạm nhân quyền và công khai quan ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở quốc gia này.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng hầu như không nhận được sự chú ý nào từ chính phủ của ông Biden. Một phần lý do có thể là vì quốc gia Đông Nam Á này có cách tiếp cận không mấy tích cực đối với Mỹ, như phản đối AUKUS và cáo buộc các thỏa thuận an ninh sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định ở khu vực; lên án Israel và công khai ủng hộ Hamas.
Ngoài ra, Myanmar không những bị phớt lờ, mà còn đối diện với nhiều sức ép từ chính phủ Mỹ trong thời gian qua. Kể từ khi đảo chính quân sự nổ ra vào năm 2021, Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với quốc gia này, vô tình mở đường cho mối liên kết ngày càng sâu sắc hơn giữa chính quyền quân sự của nhà lãnh đạo Min Aung Hlaing với cả Trung Quốc lẫn Nga.
Hỗn độn và bất định
Dù Mỹ đã nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022, chính sách đối ngoại của chính quyền Biden đối với khu vực Đông Nam Á thật sự là một chương trình đầy hỗn độn với nhiều sự điều chỉnh kèm theo các cách tiếp cận không nhất quán: đôi lúc chú trọng đa phương nhưng có lúc lại hướng trọng tâm vào hợp tác song phương.
Một trong những nguyên nhân có thể giải thích cho sự bối rối này là Washington thiếu một chiến lược kinh tế với các nguồn lực đủ khả năng đánh bật các mối quan hệ thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc. Nhờ vào ảnh hưởng lớn về kinh tế, Trung Quốc đã tạo ra được sức hút và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ với các nước ASEAN. Hơn nữa, Mỹ cũng không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN dẫn đầu, càng làm các tương tác giữa Washington với Đông Nam Á trở nên khó khăn hơn.
Vì thế, trong thời gian tới, nếu muốn tái khẳng định vị thế và thiện cảm với các nước ASEAN, trước hết Mỹ cần phải có một chiến lược kinh tế đáng tin cậy tại khu vực. Tuy nhiên, đáng tiếc là trong nhiệm kỳ ngắn ngủi còn lại của ông Biden, tình hình gần như không thể cải thiện.
Còn với những người kế nhiệm ông Biden là bà Harris hoặc ông Trump, hiện không ai trong hai ứng cử viên cho thấy tham vọng đủ lớn để thay đổi cục diện ở Đông Nam Á. Bằng chứng là trong cuộc tranh luận trực tiếp gần đây nhất giữa hai ứng cử viên hồi tháng 9, khu vực Đông Nam Á hoàn toàn nằm ngoài mối quan tâm của họ, và không được nhắc đến, dù chỉ một lần.
Xét riêng từng ứng viên, trong nhiệm kỳ Phó Tổng thống, bà Harris đã đến thăm nhiều quốc gia Đông Nam Á hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới (tổng cộng năm nước gồm Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia), cho thấy sự quan tâm đáng kể đối với nơi này. Thậm chí, số lượng chuyến thăm của bà Harris còn nhiều hơn cả Tổng thống Biden với chỉ ba quốc gia: Indonesia, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, bà Harris khó có thể tạo ra sự khác biệt lớn so với ông Biden, vì ứng cử viên này không mấy mặn mà về các hiệp định thương mại tự do (FTA), từng bỏ phiếu chống lại FTA giữa Mỹ - Mexico - Canada, và không ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - tiền thân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện nay. Điều đó có nghĩa là việc Washington - dưới thời Biden - thiếu một chiến lược kinh tế đủ sức hấp dẫn khu vực Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.
Trong khi đó, nếu ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới, các nước ASEAN có thể không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông. Trong lần nắm quyền trước đây, ông Trump dù tạo được mối quan hệ cá nhân khá tốt với một số nhà lãnh đạo Đông Nam Á, như cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, song nhìn chung cựu Tổng thống Mỹ không mang lại nhiều điều tích cực cho khu vực, đặc biệt là trong khía cạnh thương mại (ông từng rút Mỹ khỏi TPP, không tham gia RCEP). Thậm chí, ở năm cuối cùng của nhiệm kỳ trước, ông Trump đã không tổ chức các cuộc họp với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào, trong khi làm điều đó với gần như tất cả các khu vực khác trên thế giới. Chỉ có hai nơi đồng cảnh ngộ với Đông Nam Á vào thời điểm đó là Trung Á và châu Đại Dương.
Chỉ còn khoảng hai tháng nữa, Tổng thống Joe Biden sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình và nhường ghế cho một trong hai ứng cử viên là Donald Trump hoặc Kamala Harris. Trải qua gần bốn năm nắm quyền, chính sách của Mỹ với khu vực Đông Nam Á đã có nhiều biến động.
Thăng trầm có đủ
Sau một nhiệm kỳ đầy cứng rắn của cựu Tổng thống Trump (2017 - 2021) – người không ngần ngại bày tỏ quan điểm nghi ngờ và không mặn mà can dự vào các tổ chức đa phương, ông Biden nhậm chức trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỳ vọng rằng Mỹ sẽ tăng cường can dự vào khu vực theo cách mà tổ chức này mong muốn.
Sự kỳ vọng xuất phát từ niềm tin rằng Tổng thống Biden sẽ có cách tiếp cận tương tự với Tổng thống đảng Dân chủ trước đó là Barack Obama (ông Biden từng là Phó Tổng thống dưới quyền ông Obama). Cụ thể, ông Obama truyền đi thông điệp rằng Washington tôn trọng chủ nghĩa đa phương của ASEAN thông qua việc trở thành nguyên thủ Mỹ đầu tiên dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào năm 2011 và tham gia những năm sau đó (chỉ trừ năm 2013). Hơn nữa, trong lĩnh vực kinh tế, Mỹ thời điểm đó đã dẫn đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tìm cách xây dựng một hệ thống hợp tác kinh tế đa phương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Đông Nam Á.
Tuy nhiên, phản ứng ban đầu của Tổng thống Biden là tương đối thất vọng. Trong vòng sáu tháng sau lễ nhậm chức (tháng 1/2021), chính phủ mới không có động thái tiếp cận cụ thể nào đối với ASEAN, làm dấy lên lo ngại rằng khu vực này không phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Sau đó, chính sách của chính quyền Biden đối với ASEAN có những tín hiệu khởi sắc. Vào tháng 7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines; và chỉ sau đó một tháng, đến lượt Phó Tổng thống Kamala Harris có chuyến công du sang Singapore và Việt Nam. Bản thân Tổng thống Biden đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ và EAS vào tháng 10, mặc dù chỉ với hình thức trực tuyến. Nối tiếp chuỗi hoạt động kể trên, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến thăm Indonesia và Malaysia vào tháng 12.
Ngay cả khi chính phủ mới nỗ lực tương tác với các nước ASEAN, họ cũng bộc lộ sự thiếu khéo léo. Khi Mỹ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ vào tháng 12/2021, chỉ có ba quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Philippines được mời tham gia. Hai năm sau, số lượng này chỉ còn hai: Jakarta và Manila. Dù vô tình hay cố ý, động thái của Mỹ đã tạo ra sự đối lập giữa những quốc gia được xem là dân chủ và phần còn lại, từ đó gửi đi một thông điệp không mấy tốt đẹp về sự ưu tiên có tính chất “khinh - trọng” đối với các quốc gia bên trong ASEAN, cũng như ít nhiều gây “hoang mang” về triển vọng hợp tác giữa ASEAN với Mỹ.
Trong nhiệm kỳ gần bốn năm vừa qua, chính phủ của Tổng thống Biden dành nhiều sự quan tâm và tương tác nhất với ASEAN có lẽ là vào năm 2022. Hồi tháng 2 cùng năm, chính quyền Biden đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific Strategy), trong đó nêu rõ rằng Washington hoan nghênh “ASEAN mạnh mẽ và độc lập, dẫn đầu ở Đông Nam Á” (strong and independent ASEAN that leads in Southeast Asia), “ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và hỗ trợ ASEAN trong nỗ lực đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực” (endorse ASEAN centrality and support ASEAN in its efforts to deliver sustainable solutions to the region’s most pressing challenges).
Để hiện thực hóa các cam kết nêu trên, Mỹ đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt ASEAN - Mỹ tại thủ đô Washington vào tháng 5. Sau đó sáu tháng, sự kiện tương tự đã diễn ra tại Campuchia. Nhìn chung, hai Hội nghị liên tiếp trong thời gian tương đối ngắn cho thấy sự trọng thị của Mỹ dành cho ASEAN và vai trò quan trọng của khu vực trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quan trọng hơn, tại Hội nghị vào tháng 11, Mỹ và ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”, đưa Washington vươn lên ngang hàng với Bắc Kinh trong mối quan hệ với ASEAN. Bên cạnh đó, Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ trị giá 850 triệu USD dành cho các nước Đông Nam Á để chi trả cho những dự án như hệ sinh thái xe điện tích hợp và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch nhằm hướng đến giảm lượng khí thải carbon.
Bên cạnh các khía cạnh tích cực (nổi bật là mối quan hệ Mỹ - ASEAN được nâng cấp và cam kết gói viện trợ về chuyển đổi xanh), thì Hội nghị Thượng đỉnh tại Campuchia cũng đã phơi bày nhiều hạn chế trong quan hệ giữa siêu cường này với các quốc gia trong khu vực. Trước hết, Hội nghị này kết thúc mà không đưa ra được bất kỳ tuyên bố chung nào; thay vào đó, mỗi bên tự đưa ra văn bản kết luận của riêng mình. Điều đó phần nào phản ánh rằng ngoài việc nâng cấp quan hệ, cuộc gặp trên đã kết thúc mà không có những đồng thuận đáng kể.
Chẳng hạn, việc Mỹ cam kết gói hỗ trợ 850 triệu USD có thể là một cách để thu hút thiện cảm của các nước ASEAN, song chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng, bởi vì khi mang số tiền này chia nhỏ ra cho từng quốc gia, con số sẽ không đáng kể. Việc hỗ trợ này chỉ thiết thực nếu Mỹ cam kết thêm những hỗ trợ mang tính dài hạn hơn, chẳng hạn về hạ tầng và công nghệ.
Cùng với đó, hồi tháng 5/2022, chỉ vài ngày sau Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt ASEAN - Mỹ, chính quyền Biden đã công bố sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), được quảng bá là sẽ “thúc đẩy vị thế của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (strengthen the U.S. position in the Indo - Pacific region). Tuy nhiên, kết quả Hội nghị Thượng đỉnh tại Campuchia cho thấy sự xuất hiện của IPEF là hoàn toàn mờ nhạt. Trong bối cảnh chưa chắc chắn ở thời điểm đó, các nước ASEAN có thể không muốn mạo hiểm trong việc ưu tiên thương mại với Mỹ và rơi vào nguy cơ bị nước này lôi kéo để dần tách khỏi thương mại với Trung Quốc.
Ngoài ra, trên phương diện cá nhân, việc Tổng thống Biden đọc nhầm “Campuchia” thành “Colombia” đến hai lần cũng là một lỗi đáng chú ý, có thể khiến thiện cảm của các nước ASEAN với Mỹ vơi đi ít nhiều.
Quả thực, quan hệ đa phương giữa Mỹ với ASEAN đã trở nên trầm lắng trông thấy khi bước sang năm 2023. Vào tháng 9, Tổng thống Biden dù đến thủ đô New Delhi (Ấn Độ) để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G20; tuy nhiên ông lại không dành thời gian cho EAS cũng như các cuộc họp khác của ASEAN diễn ra chỉ trước đó vài ngày. Thay vào đó, Phó Tổng thống Harris là người đại diện tham gia các sự kiện với ASEAN. Sự vắng mặt của ông Biden đã làm dấy lên nhiều suy đoán rằng Mỹ đang giảm mức độ quan tâm đối với khu vực Đông Nam Á.
Điều tương tự đã diễn ra với sự kiện EAS năm nay tại Vientiane (Lào) vào ngày 11/10. Tổng thống Biden lại tiếp tục vắng mặt, và lần này Ngoại trưởng Antony Blinken trở thành người đại diện cho Mỹ tại Hội nghị. Trong cùng thời gian EAS diễn ra, ông Biden đã lên kế hoạch thực hiện chuyến công du đến Đức và Angola để tăng cường quan hệ với hai quốc gia này. Đáng tiếc là, dự định này cũng chưa triển khai được vì ông Biden đã hoãn chuyến đi vào phút chót để điều hành việc khắc phục thiên tai do siêu bão Milton gây ra.
Mặc dù Đông Nam Á thường xuyên được nhấn mạnh là trụ cột chính trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng những gì đã diễn ra cho thấy Washington đang thiếu các cam kết thật sự nghiêm túc đối với khu vực. Để dễ thấy sự khác biệt, chính phủ Mỹ đã dành nhiều sự quan tâm cho các cơ chế do nước này dẫn đầu như Đối thoại Tứ giác An ninh, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ (Quad); Thỏa thuận Quốc phòng giữa Mỹ với Australia và Anh (AUKUS); cùng các nhóm tiểu đa phương khác (Mỹ - Nhật - Hàn, Mỹ - Nhật - Philippines, Mỹ - Nhật - Australia…).
Mặc dù vậy, giữa một loạt các hạn chế trong hợp tác đa phương, điểm tích cực là cho đến nay kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ (2021 - 2025) đang đạt tỷ lệ thực hiện cao (gần 98%), và được triển khai đa dạng trên nhiều lĩnh vực, như hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư; hàng hải; an ninh mạng; kết nối; phát triển bền vững; ứng phó thiên tai; biến đổi khí hậu; bình đẳng giới; y tế cộng đồng… Cùng với đó, Mỹ tiếp tục là một trong số các đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN cũng như là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại khu vực, với hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động (tính đến hết nửa đầu năm nay).
Trong khi năm 2023 chứng kiến sự đi xuống trông thấy ở khía cạnh hợp tác đa phương, thì ngoại giao song phương lại có phần tích cực hơn. Ngay sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Biden đã đến Hà Nội. Nhân chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo của hai nước tuyên bố rằng quan hệ Việt - Mỹ sẽ được nâng cấp lên “đối tác chiến lược toàn diện” (comprehensive strategic partnership), nghĩa là quan hệ song phương tăng lên hai cấp, bỏ qua một bật là “đối tác chiến lược” (strategic partnership). Tuy nhiên, điều đó đã không thuyết phục Việt Nam trở nên cởi mở hơn, vì các chủ đề trực tiếp về Trung Quốc và Biển Đông đã được né tránh một cách cẩn thận trong suốt chuyến thăm.
Thay vào đó, đôi bên đã tiếp cận gián tiếp hơn bằng việc nhất trí tăng cường hợp tác liên quan đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn và khoáng sản quan trọng, những lĩnh vực mà Mỹ cũng đang cạnh tranh với Trung Quốc. Hơn nữa, chỉ sau chuyến thăm của ông Biden vài tháng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã sang Việt Nam và ký đến 36 văn kiện hợp tác, cho thấy Bắc Kinh tiếp tục gây được ảnh hưởng to lớn đối với Hà Nội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, với Hà Nội, quan hệ Việt - Mỹ “đã bước sang giai đoạn phát triển quan trọng mới”.
Cũng chính vì hai nước cảnh giác trước tham vọng của Trung Quốc, quan hệ Mỹ - Philippines đã có nhiều tiến triển vượt bậc trong suốt nhiệm kỳ của ông Biden. Vào tháng 2/2023, ông Austin đã đến thăm Philippines và đạt được thỏa thuận sử dụng vô thời hạn thêm bốn căn cứ mới, bên cạnh năm căn cứ đã được chỉ định trước đó theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (Enhanced Defense Cooperation Agreement) mà hai bên đã ký hồi năm 2014. Trong số các căn cứ mới, có đến ba cơ sở nằm ở phía Bắc Philippines, cách Đài Loan chỉ khoảng 400km. Do đó, việc Mỹ tiếp cận các căn cứ này không chỉ mở ra những lợi thế quân sự tiềm tàng so với Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, mà còn có thể hỗ trợ sự can thiệp của quân đội Mỹ vào Đài Loan nếu xung đột/chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên, con số chín căn cứ hiện tại có vẻ là quá đủ đối với Philippines, vì vào tháng 4 năm nay, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr tuyên bố không có kế hoạch cấp cho Mỹ quyền tiếp cận thêm căn cứ quân sự nào khác.
Gần đây, Mỹ cũng tăng cường tổ chức các cuộc tập trận ở Biển Đông với riêng Philippines, hoặc kết hợp thêm các đối tác khác như Nhật Bản, Canada, và Australia – qua đó gửi đi một thông điệp về vòng vây đang được tập hợp để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Ngoài ra, vào tháng 4, Mỹ đã triển khai hệ thống phóng tên lửa tầm trung Typhon đến phía Bắc Philippines. Đáng chú ý, đây là thiết bị đầu tiên thuộc loại này mà Mỹ triển khai ở châu Á kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo tuyên bố ban đầu, hệ thống Typhon được triển khai tạm thời như một phần của cuộc tập trận quân sự chung Balikatan hàng năm, nhưng cuối cùng vẫn đang tiếp tục hiện diện ở Philippines từ đó đến nay. Ông Eduardo Ano, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines, thậm chí cho biết rằng không có mốc thời gian cụ thể nào cho việc rút hệ thống tên lửa tầm trung này khỏi đất nước.
Dù thể hiện sự ủng hộ to lớn về mặt ngoại giao, khí tài cũng như có Hiệp ước phòng thủ chung (ký kết hồi năm 1951), nhưng thực tế là Mỹ hầu như không mấy quan tâm đến việc bảo vệ Philippines trên thực địa, dù cho Trung Quốc đã liên tục thực hiện các vụ đâm va, phun vòi rồng trong suốt nhiều tháng qua, và khiến Manila phải rút tàu khỏi Bãi Sa Bin (Sabina Shoal).
Một quốc gia khác có tranh chấp trên biển với Trung Quốc nhận được sự quan tâm từ Mỹ là Indonesia. Vào tháng 11/2023, quan hệ song phương đã được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời trở thành đối tác quan trọng của nhau về an ninh với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (Defence Cooperation Agreement). Phạm vi hợp tác quốc phòng được nhất trí phát triển bao gồm các diễn đàn đối thoại, giáo dục và đào tạo, trao đổi chuyến thăm của các quan chức quân sự và quốc phòng, xây dựng năng lực trong các lĩnh vực như hàng hải.
Trong khi đó, Singapore vẫn âm thầm tiếp tục cung cấp cho Mỹ quyền tiếp cận căn cứ hải quân Changi trên eo biển Malacca, nơi có vị trí chiến lược quan trọng và là tuyến đường thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc. Singapore cũng tham gia nhiều cuộc tập trận quân sự khác nhau với lực lượng Mỹ và đồng minh, đồng thời ủng hộ các sáng kiến an ninh tiểu đa phương của Washington trong khu vực, chẳng hạn như Quad và AUKUS, ngay cả khi Singapore chưa chính thức tham gia.
Tuy nhiên, ngoài bốn quốc gia trên, mối quan tâm của Mỹ dưới thời Biden với các nước còn lại không mấy nổi bật. Chẳng hạn, sau khi ký thông cáo về Liên minh và Quan hệ đối tác Chiến lược với Thái Lan (đồng minh chính thức của Mỹ tại Đông Nam Á, bên cạnh Philippines), cùng chuyến thăm sau đó đến Bangkok của bà Harris trong cùng năm 2022, Mỹ không có động thái gì đáng chú ý. Mãi đến tháng 1/2024 mới có một quan chức Mỹ – Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan – đến thăm Thái Lan và gặp Thủ tướng Srettha Thavisin, nhưng đó chỉ là sự nhân tiện, vì mục đích chính chuyến đi của Jake Sullivan là để gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi ông này đang ở Bangkok.
Ngay cả trước đó, khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2023, ông Thavisin đã gửi lời mời ông Biden sắp xếp thăm chính thức Thái Lan, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyến công du nào diễn ra. Ngoài ra, hồi tháng 5/2023, Thái Lan cũng lên tiếng xác nhận rằng Mỹ đã từ chối bán tiêm kích F-35 cho nước này, với lý do khó khăn về huấn luyện và kỹ thuật. Những trục trặc trong mối quan hệ dường như xuất phát từ thực tế rằng Mỹ và Thái Lan đang có sự khác biệt về cách ứng xử với Trung Quốc. Trong khi Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa, thì Thái Lan lại có cái nhìn tích cực hơn nhiều và không sẵn sàng chống lại cường quốc tỷ dân.
Chính phủ Biden cũng đã phớt lờ Brunei, Campuchia, Lào và Malaysia với nhiều lý do khác nhau. Cụ thể, Brunei có mối quan hệ chiến lược lâu dài với Mỹ, nhưng trong những năm gần đây khi ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng, đặc biệt là thông qua các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), quốc gia Đông Nam Á này có xu hướng đánh giá cao Trung Quốc, thách thức ảnh hưởng của Mỹ.
Với Campuchia và Lào, ông Biden có thể đã nhận định rằng hai quốc gia này ngày càng trở thành “sân sau” của Trung Quốc, do đó nỗ lực nếu có của Mỹ cũng không đủ sức lật ngược thế cờ. Một trong những nỗ lực hiếm hoi nhằm kết nối với Campuchia mà Mỹ đã thực hiện trong gần năm năm qua là Bộ trưởng Austin đến Phnom Penh vào tháng 6 năm nay. Đây là sự kiện mang tính lịch sử vì lần đầu tiên trong nhiều năm qua một Bộ trưởng Quốc phòng thăm chính thức Campuchia. Động thái này cũng làm dấy lên hy vọng về sự hồi sinh các tương tác tích cực hơn về ngoại giao, sau một thời gian quan hệ song phương gần như bị đóng băng khi Washington cáo buộc Campuchia vi phạm nhân quyền và công khai quan ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở quốc gia này.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng hầu như không nhận được sự chú ý nào từ chính phủ của ông Biden. Một phần lý do có thể là vì quốc gia Đông Nam Á này có cách tiếp cận không mấy tích cực đối với Mỹ, như phản đối AUKUS và cáo buộc các thỏa thuận an ninh sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định ở khu vực; lên án Israel và công khai ủng hộ Hamas.
Ngoài ra, Myanmar không những bị phớt lờ, mà còn đối diện với nhiều sức ép từ chính phủ Mỹ trong thời gian qua. Kể từ khi đảo chính quân sự nổ ra vào năm 2021, Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với quốc gia này, vô tình mở đường cho mối liên kết ngày càng sâu sắc hơn giữa chính quyền quân sự của nhà lãnh đạo Min Aung Hlaing với cả Trung Quốc lẫn Nga.
Hỗn độn và bất định
Dù Mỹ đã nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022, chính sách đối ngoại của chính quyền Biden đối với khu vực Đông Nam Á thật sự là một chương trình đầy hỗn độn với nhiều sự điều chỉnh kèm theo các cách tiếp cận không nhất quán: đôi lúc chú trọng đa phương nhưng có lúc lại hướng trọng tâm vào hợp tác song phương.
Một trong những nguyên nhân có thể giải thích cho sự bối rối này là Washington thiếu một chiến lược kinh tế với các nguồn lực đủ khả năng đánh bật các mối quan hệ thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc. Nhờ vào ảnh hưởng lớn về kinh tế, Trung Quốc đã tạo ra được sức hút và tầm ảnh hưởng mạnh mẽ với các nước ASEAN. Hơn nữa, Mỹ cũng không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN dẫn đầu, càng làm các tương tác giữa Washington với Đông Nam Á trở nên khó khăn hơn.
Vì thế, trong thời gian tới, nếu muốn tái khẳng định vị thế và thiện cảm với các nước ASEAN, trước hết Mỹ cần phải có một chiến lược kinh tế đáng tin cậy tại khu vực. Tuy nhiên, đáng tiếc là trong nhiệm kỳ ngắn ngủi còn lại của ông Biden, tình hình gần như không thể cải thiện.
Còn với những người kế nhiệm ông Biden là bà Harris hoặc ông Trump, hiện không ai trong hai ứng cử viên cho thấy tham vọng đủ lớn để thay đổi cục diện ở Đông Nam Á. Bằng chứng là trong cuộc tranh luận trực tiếp gần đây nhất giữa hai ứng cử viên hồi tháng 9, khu vực Đông Nam Á hoàn toàn nằm ngoài mối quan tâm của họ, và không được nhắc đến, dù chỉ một lần.
Xét riêng từng ứng viên, trong nhiệm kỳ Phó Tổng thống, bà Harris đã đến thăm nhiều quốc gia Đông Nam Á hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới (tổng cộng năm nước gồm Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia), cho thấy sự quan tâm đáng kể đối với nơi này. Thậm chí, số lượng chuyến thăm của bà Harris còn nhiều hơn cả Tổng thống Biden với chỉ ba quốc gia: Indonesia, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, bà Harris khó có thể tạo ra sự khác biệt lớn so với ông Biden, vì ứng cử viên này không mấy mặn mà về các hiệp định thương mại tự do (FTA), từng bỏ phiếu chống lại FTA giữa Mỹ - Mexico - Canada, và không ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - tiền thân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện nay. Điều đó có nghĩa là việc Washington - dưới thời Biden - thiếu một chiến lược kinh tế đủ sức hấp dẫn khu vực Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.
Trong khi đó, nếu ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới, các nước ASEAN có thể không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông. Trong lần nắm quyền trước đây, ông Trump dù tạo được mối quan hệ cá nhân khá tốt với một số nhà lãnh đạo Đông Nam Á, như cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, song nhìn chung cựu Tổng thống Mỹ không mang lại nhiều điều tích cực cho khu vực, đặc biệt là trong khía cạnh thương mại (ông từng rút Mỹ khỏi TPP, không tham gia RCEP). Thậm chí, ở năm cuối cùng của nhiệm kỳ trước, ông Trump đã không tổ chức các cuộc họp với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào, trong khi làm điều đó với gần như tất cả các khu vực khác trên thế giới. Chỉ có hai nơi đồng cảnh ngộ với Đông Nam Á vào thời điểm đó là Trung Á và châu Đại Dương.
Từ khoá: Mỹ Đông Nam Á ASEAN chính sách đối ngoại Mỹ Joe Biden đảng Dân chủ