Cơ hội nào cho Hàn Quốc gia nhập khối Quad?

Khả năng Hàn Quốc trở thành thành viên của khối Quad vẫn còn xa. Mặc cho các trở ngại, vẫn còn nhiều “con đường” để Seoul tăng cường hợp tác với Quad.

Phạm Hoàng Nhân 07/02/2024
Image
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn ở Seoul, ngày 21/5/2022 - (C): CNAS

Động cơ nào thúc đẩy Hàn Quốc gia nhập Quad?

Nếu Tổng thống Moon Jae-in ưu tiên “hạ nhiệt” quan hệ Hàn - Mỹ nhằm hàn gắn quan hệ liên Triều thì Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol lại chú trọng thắt chặt quan hệ với Mỹ, cả về an ninh và kinh tế. Điều này được thể hiện qua việc nước này tìm kiếm tư cách thành viên trong hai khuôn khổ của Mỹ ở khu vực là Đối thoại Tứ giác An ninh (Quad) (còn được gọi tắt là “Bộ tứ”) gồm bốn thành viên là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Australia, và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).

Trước đây, chính quyền cánh tả Moon Jae-in không mấy mặn mà với việc tham gia Bộ tứ vì quan ngại “khiêu khích” Trung Quốc. Ngược lại, chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol cam kết hợp tác chặt chẽ với Quad và thậm chí có khả năng tham gia vào khối này như một phần trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc (được công bố vào tháng 12/2022). Từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Yoon đã thể hiện rõ mong muốn tăng cường liên kết an ninh với Quad. Chỉ trong vòng tám ngày sau khi đắc cử vào tháng 3/2022, ông đã điện đàm với cả bốn nhà lãnh đạo khối Quad, và sau đó đã công khai bày tỏ nguyện vọng đưa Hàn Quốc tham gia Quad nếu nhận được lời mời. Gần nhất, vào tháng 3 năm ngoái, chính quyền Yoon tuyên bố sẽ “chủ động tăng tốc” gia nhập Quad, đặc biệt bằng cách tham gia vào các nhóm công tác về các vấn đề như biến đổi khí hậu.

Việc Hàn Quốc nỗ lực tìm kiếm tư cách thành viên trong Quad có thể không chỉ nhằm hạn chế tính dễ bị tổn thương của quốc gia này do phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc về thương mại, mà còn hướng đến tham vọng gia tăng vị thế cường quốc tầm trung trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và vượt ra ngoài phạm vi Chính sách Hướng Nam mới (NSP) của người tiền nhiệm.

Ông Chong Ja Ian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng, với tư cách là một chính thể dân chủ, Hàn Quốc phù hợp với lợi ích của Quad trong vai trò thành viên. Theo ông, “Seoul dường như đang ở trong tình thế thấy bất cứ điều gì họ làm đều ngày càng phải chịu áp lực [từ Trung Quốc]”. Ông cũng nhấn mạnh: “Hợp tác với Quad có thể giúp [Hàn Quốc – ghi chú của biên tập viên VSF] giảm thiểu rủi ro trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và độc tài”.

Với một nền kinh tế mà thương mại đóng vai trò trụ cột và phần lớn trong số đó phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc rất nhạy cảm trước những bất ổn bên ngoài, nhất là biến động thương mại toàn cầu và các biện pháp “vũ khí hóa” kinh tế của Trung Quốc. Vào năm 2016, Trung Quốc đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc để phản đối việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ vào nước này nhằm răn đe động thái leo thang hạt nhân của Triều Tiên, như tẩy chay hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Lotte tại Trung Quốc, hạn chế nhập khẩu văn hóa đại chúng Hàn Quốc, ra lệnh cho các công ty du lịch Trung Quốc ngừng bán các gói du lịch đến Hàn Quốc, chặn nhập khẩu mỹ phẩm Hàn Quốc vào thị trường đại lục,... Năm ngoái, việc Trung Quốc cắt giảm đơn đặt hàng chip đã khiến các nhà sản xuất chip Hàn Quốc phải gánh chịu sự sụt giảm doanh số kéo dài trong những tháng cuối năm.

Để phòng ngừa rủi ro trước sự lệ thuộc kinh tế quá lớn vào Bắc Kinh, chính quyền Yoon Suk-yeol cần đa dạng hoá các quan hệ thương mại. Thúc đẩy quan hệ với các đối tác trong khối Quad là một trong số những nỗ lực của Seoul. Đơn cử, Ấn Độ hội tụ nhiều tiềm năng trở thành một trong những điểm đến thay thế Trung Quốc cho hàng xuất khẩu của Hàn Quốc. Một sớ lợi thế tiêu biểu của Ấn Độ là thị trường tiêu dùng sắp vươn lên hạng thứ ba thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc), có nhiều ưu đãi xuất khẩu phù hợp với việc quảng bá các sản phẩm của Hàn Quốc, và là điểm đến toàn cầu về dịch vụ công nghệ và tri thức. Bên cạnh đó, tư cách thành viên chính thức trong Quad - một cơ chế khu vực hình thành nhằm đối trọng với Trung Quốc, dù không được tuyên bố công khai, sẽ giúp Hàn Quốc phản ứng có hệ thống cùng với các thành viên còn lại trước các tình huống bất ngờ từ hành vi cưỡng chế kinh tế của Bắc Kinh.

Việc tham gia Quad cũng có thể giúp Hàn Quốc mở rộng không gian chiến lược ra ngoài phạm vi bán đảo Triều Tiên. Vì lịch sử chủ yếu dựa vào liên minh với Mỹ kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và tuy đã là nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới (tính đến tháng 2/2024), Hàn Quốc vẫn đang bị cho là một “khán giả” (watcher) thay vì một bên tham gia tích cực (active player) vào nền chính trị toàn cầu. Do vậy, dưới nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã đề ra tham vọng đưa Hàn Quốc trở thành “quốc gia then chốt toàn cầu” (global pivotal state).

Việc tham gia tích cực trong liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, chủ yếu ở sân khấu chính trị Đông Bắc Á, là chưa đủ để Seoul tái định hình vị thế cường quốc về chính trị. Thay vào đó, liên minh ba bên này có thể vừa là nền tảng, vừa là bước đệm để Hàn Quốc tìm kiếm tư cách thành viên trong cơ chế bốn bên (khối Quad), và qua đó sẽ trở thành cơ chế năm bên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để mở rộng ảnh hưởng của nước này. Việc Hàn Quốc tham gia tích cực vào các hoạt động của Quad sẽ cung cấp một “bệ đỡ” về chính trị và an ninh để Seoul tăng cường phối hợp với Washington và Tokyo trong nỗ lực ứng phó với các thách thức trong khu vực, từ mối đe doạ quân sự từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cho đến các thách thức khác như vấn đề y tế, biến đổi khí hậu,...

Cánh cửa của Quad vẫn đóng dù Seoul đang “gõ cửa”

Bất chấp các tín hiệu ngoại giao “lặp đi lặp lại” từ Tổng thống Yoon, chưa thành viên nào trong Quad đáp lại mong muốn gia nhập của Hàn Quốc, đặc biệt là Mỹ. Trong cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Hàn vào ngày 21/5/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh mối quan tâm của Hàn Quốc đối với Quad. Tuy nhiên, trước đó hai tuần, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki đã khẳng định Washington không có kế hoạch mời Hàn Quốc tham gia Quad, thay vào đó, Washington sẽ tiếp tục can dự với Seoul thông qua các cơ chế khác.

Không có gì quá ngạc nhiên đối với phản ứng “phớt lờ” này của các thành viên Quad. Ở thời điểm hiện tại, khối Quad khó có thể mở rộng, bởi đây sẽ là một quá trình phức tạp, có thể đòi hỏi Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia phải điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp với việc công nhận Hàn Quốc như thành viên chính thức của Quad. Bên cạnh đó, khối Quad đang có nhiều ưu tiên khác cần được thực hiện hơn việc kết nạp thành viên mới, như củng cố quan hệ liên kết (alignment) và tăng tốc đạt được các mục tiêu chung đã đề ra. Khi Quad có thêm thành viên thứ năm, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh làm chậm lại quá trình thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong khối.

Tuy nhiên, vẫn còn không gian để Hàn Quốc tham gia vào Quad trong khi quốc gia này chưa phải là thành viên chính thức. Cụ thể, Hàn Quốc có thể thúc đẩy các tương tác với khối Quad thông qua một số cách tiếp cận như hợp tác song phương với từng thành viên Quad, hợp tác tiểu đa phương (minilateralism) theo dạng “tam giác” hay “tứ giác” (với 2 đến 3 thành viên của Quad), và ở mức độ cao hơn là “hợp tác chức năng” thông qua tham gia các nhóm công tác của Quad theo lĩnh vực.

Ở hình thức thứ nhất, Hàn Quốc có thể đẩy mạnh hợp tác an ninh ở cả lĩnh vực phi truyền thống (kinh tế, năng lượng, y tế, khí hậu, an ninh mạng…) và truyền thống (quân sự) với cả bốn thành viên của Quad để từng bước gia tăng “điểm chung” trong chính sách đối ngoại của Seoul và các thành viên của khối này, từ đó có cơ sở để dễ dàng hơn trong việc vận động gia nhập Quad trong tương lai. Điều kiện thuận lợi cho Hàn Quốc là nước này hiện duy trì quan hệ khá thân thiện với cả bốn thành viên của Quad. Bên cạnh thắt chặt liên minh với Washington, Seoul cũng nỗ lực hàn gắn quan hệ với Tokyo, tăng cường hợp tác toàn diện với Ấn Độ hợp tác quốc phòng với Australia.

Đối với hình thức thứ hai, liên minh Mỹ - Nhật - Hàn có thể là một khởi đầu thuận lợi để Seoul thúc đẩy các chương trình nghị sự chung gần gũi với chương trình hành động của Quad, đơn cử như hợp tác bảo vệ an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hàn Quốc đã tham gia cùng với Mỹ và Nhật Bản trong việc cung cấp tàu cho các quốc gia Đông Nam Á, gồm Việt Nam và Philippines, để chống đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế. Với kinh nghiệm trong việc triển khai hệ thống nhận thức hàng hải (MDA), Hàn Quốc có thể can dự cùng với Mỹ và Nhật Bản để thúc đẩy việc triển khai chương trình “Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về Nhận thức trong Lĩnh vực Hàng hải” (IPMDA), được công bố vào năm 2022, và hiện đang trong giai đoạn thí điểm.

Ở hình thức thứ ba - hợp tác chức năng, đây có thể sẽ là hình thức mà Hàn Quốc được trao cơ hội can dự nhiều nhất với các thành viên của Quad. Dù không thực sự chào đón Hàn Quốc gia nhập Quad trong hiện tại, Mỹ vẫn tích cực thúc đẩy việc phối hợp với Hàn Quốc như một nhân tố quan trọng trong IPEF - khuôn khổ kinh tế khu vực do Mỹ khởi xướng, được các nhà lãnh đạo Quad cùng công bố trong Hội nghị Thượng đỉnh tại Tokyo vào năm 2022 và xác định việc thiết lập nó là nhiệm vụ chung của khối. Hàn Quốc, với thế mạnh là quốc gia dẫn đầu thế giới về tiến bộ công nghệ, có thể trở thành “cánh tay đắc lực” của Mỹ và Quad trong IPEF để hành động vì tầm nhìn đổi mới công nghệ cho các thập kỷ tới.

Tuy lời thúc giục đưa Hàn Quốc tham gia Quad của Tổng thống Yoon có phần vội vàng, mục tiêu đã vạch ra trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc, cụ thể là hợp tác với Quad trong các lĩnh vực mà Seoul có thế mạnh như giải quyết vấn đề bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu, các công nghệ mới nổi, và tìm cách mở rộng dần phạm vi hợp tác sang các lĩnh vực khác, vẫn có thể được hiện thực hoá thông qua các cách tiếp cận từng phần như đã đề xuất ở trên.

Tóm lại, khi Hàn Quốc xây dựng được nền tảng liên kết chặt chẽ với cả bốn thành viên của Quad ở nhiều lĩnh vực (và thậm chí đan xen nhau về phạm vi và mục tiêu hoạt động), và khi các kế hoạch của Quad được triển khai ổn định, cơ hội để Seoul tìm được chỗ đứng chính thức trong cơ chế khu vực do Mỹ dẫn đầu sẽ lớn hơn.

Động cơ nào thúc đẩy Hàn Quốc gia nhập Quad?

Nếu Tổng thống Moon Jae-in ưu tiên “hạ nhiệt” quan hệ Hàn - Mỹ nhằm hàn gắn quan hệ liên Triều thì Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol lại chú trọng thắt chặt quan hệ với Mỹ, cả về an ninh và kinh tế. Điều này được thể hiện qua việc nước này tìm kiếm tư cách thành viên trong hai khuôn khổ của Mỹ ở khu vực là Đối thoại Tứ giác An ninh (Quad) (còn được gọi tắt là “Bộ tứ”) gồm bốn thành viên là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Australia, và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).

Trước đây, chính quyền cánh tả Moon Jae-in không mấy mặn mà với việc tham gia Bộ tứ vì quan ngại “khiêu khích” Trung Quốc. Ngược lại, chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol cam kết hợp tác chặt chẽ với Quad và thậm chí có khả năng tham gia vào khối này như một phần trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc (được công bố vào tháng 12/2022). Từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Yoon đã thể hiện rõ mong muốn tăng cường liên kết an ninh với Quad. Chỉ trong vòng tám ngày sau khi đắc cử vào tháng 3/2022, ông đã điện đàm với cả bốn nhà lãnh đạo khối Quad, và sau đó đã công khai bày tỏ nguyện vọng đưa Hàn Quốc tham gia Quad nếu nhận được lời mời. Gần nhất, vào tháng 3 năm ngoái, chính quyền Yoon tuyên bố sẽ “chủ động tăng tốc” gia nhập Quad, đặc biệt bằng cách tham gia vào các nhóm công tác về các vấn đề như biến đổi khí hậu.

Việc Hàn Quốc nỗ lực tìm kiếm tư cách thành viên trong Quad có thể không chỉ nhằm hạn chế tính dễ bị tổn thương của quốc gia này do phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc về thương mại, mà còn hướng đến tham vọng gia tăng vị thế cường quốc tầm trung trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và vượt ra ngoài phạm vi Chính sách Hướng Nam mới (NSP) của người tiền nhiệm.

Ông Chong Ja Ian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng, với tư cách là một chính thể dân chủ, Hàn Quốc phù hợp với lợi ích của Quad trong vai trò thành viên. Theo ông, “Seoul dường như đang ở trong tình thế thấy bất cứ điều gì họ làm đều ngày càng phải chịu áp lực [từ Trung Quốc]”. Ông cũng nhấn mạnh: “Hợp tác với Quad có thể giúp [Hàn Quốc – ghi chú của biên tập viên VSF] giảm thiểu rủi ro trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và độc tài”.

Với một nền kinh tế mà thương mại đóng vai trò trụ cột và phần lớn trong số đó phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc rất nhạy cảm trước những bất ổn bên ngoài, nhất là biến động thương mại toàn cầu và các biện pháp “vũ khí hóa” kinh tế của Trung Quốc. Vào năm 2016, Trung Quốc đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc để phản đối việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ vào nước này nhằm răn đe động thái leo thang hạt nhân của Triều Tiên, như tẩy chay hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Lotte tại Trung Quốc, hạn chế nhập khẩu văn hóa đại chúng Hàn Quốc, ra lệnh cho các công ty du lịch Trung Quốc ngừng bán các gói du lịch đến Hàn Quốc, chặn nhập khẩu mỹ phẩm Hàn Quốc vào thị trường đại lục,... Năm ngoái, việc Trung Quốc cắt giảm đơn đặt hàng chip đã khiến các nhà sản xuất chip Hàn Quốc phải gánh chịu sự sụt giảm doanh số kéo dài trong những tháng cuối năm.

Để phòng ngừa rủi ro trước sự lệ thuộc kinh tế quá lớn vào Bắc Kinh, chính quyền Yoon Suk-yeol cần đa dạng hoá các quan hệ thương mại. Thúc đẩy quan hệ với các đối tác trong khối Quad là một trong số những nỗ lực của Seoul. Đơn cử, Ấn Độ hội tụ nhiều tiềm năng trở thành một trong những điểm đến thay thế Trung Quốc cho hàng xuất khẩu của Hàn Quốc. Một sớ lợi thế tiêu biểu của Ấn Độ là thị trường tiêu dùng sắp vươn lên hạng thứ ba thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc), có nhiều ưu đãi xuất khẩu phù hợp với việc quảng bá các sản phẩm của Hàn Quốc, và là điểm đến toàn cầu về dịch vụ công nghệ và tri thức. Bên cạnh đó, tư cách thành viên chính thức trong Quad - một cơ chế khu vực hình thành nhằm đối trọng với Trung Quốc, dù không được tuyên bố công khai, sẽ giúp Hàn Quốc phản ứng có hệ thống cùng với các thành viên còn lại trước các tình huống bất ngờ từ hành vi cưỡng chế kinh tế của Bắc Kinh.

Việc tham gia Quad cũng có thể giúp Hàn Quốc mở rộng không gian chiến lược ra ngoài phạm vi bán đảo Triều Tiên. Vì lịch sử chủ yếu dựa vào liên minh với Mỹ kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và tuy đã là nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới (tính đến tháng 2/2024), Hàn Quốc vẫn đang bị cho là một “khán giả” (watcher) thay vì một bên tham gia tích cực (active player) vào nền chính trị toàn cầu. Do vậy, dưới nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã đề ra tham vọng đưa Hàn Quốc trở thành “quốc gia then chốt toàn cầu” (global pivotal state).

Việc tham gia tích cực trong liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, chủ yếu ở sân khấu chính trị Đông Bắc Á, là chưa đủ để Seoul tái định hình vị thế cường quốc về chính trị. Thay vào đó, liên minh ba bên này có thể vừa là nền tảng, vừa là bước đệm để Hàn Quốc tìm kiếm tư cách thành viên trong cơ chế bốn bên (khối Quad), và qua đó sẽ trở thành cơ chế năm bên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để mở rộng ảnh hưởng của nước này. Việc Hàn Quốc tham gia tích cực vào các hoạt động của Quad sẽ cung cấp một “bệ đỡ” về chính trị và an ninh để Seoul tăng cường phối hợp với Washington và Tokyo trong nỗ lực ứng phó với các thách thức trong khu vực, từ mối đe doạ quân sự từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cho đến các thách thức khác như vấn đề y tế, biến đổi khí hậu,...

Cánh cửa của Quad vẫn đóng dù Seoul đang “gõ cửa”

Bất chấp các tín hiệu ngoại giao “lặp đi lặp lại” từ Tổng thống Yoon, chưa thành viên nào trong Quad đáp lại mong muốn gia nhập của Hàn Quốc, đặc biệt là Mỹ. Trong cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Hàn vào ngày 21/5/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh mối quan tâm của Hàn Quốc đối với Quad. Tuy nhiên, trước đó hai tuần, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki đã khẳng định Washington không có kế hoạch mời Hàn Quốc tham gia Quad, thay vào đó, Washington sẽ tiếp tục can dự với Seoul thông qua các cơ chế khác.

Không có gì quá ngạc nhiên đối với phản ứng “phớt lờ” này của các thành viên Quad. Ở thời điểm hiện tại, khối Quad khó có thể mở rộng, bởi đây sẽ là một quá trình phức tạp, có thể đòi hỏi Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia phải điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp với việc công nhận Hàn Quốc như thành viên chính thức của Quad. Bên cạnh đó, khối Quad đang có nhiều ưu tiên khác cần được thực hiện hơn việc kết nạp thành viên mới, như củng cố quan hệ liên kết (alignment) và tăng tốc đạt được các mục tiêu chung đã đề ra. Khi Quad có thêm thành viên thứ năm, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh làm chậm lại quá trình thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong khối.

Tuy nhiên, vẫn còn không gian để Hàn Quốc tham gia vào Quad trong khi quốc gia này chưa phải là thành viên chính thức. Cụ thể, Hàn Quốc có thể thúc đẩy các tương tác với khối Quad thông qua một số cách tiếp cận như hợp tác song phương với từng thành viên Quad, hợp tác tiểu đa phương (minilateralism) theo dạng “tam giác” hay “tứ giác” (với 2 đến 3 thành viên của Quad), và ở mức độ cao hơn là “hợp tác chức năng” thông qua tham gia các nhóm công tác của Quad theo lĩnh vực.

Ở hình thức thứ nhất, Hàn Quốc có thể đẩy mạnh hợp tác an ninh ở cả lĩnh vực phi truyền thống (kinh tế, năng lượng, y tế, khí hậu, an ninh mạng…) và truyền thống (quân sự) với cả bốn thành viên của Quad để từng bước gia tăng “điểm chung” trong chính sách đối ngoại của Seoul và các thành viên của khối này, từ đó có cơ sở để dễ dàng hơn trong việc vận động gia nhập Quad trong tương lai. Điều kiện thuận lợi cho Hàn Quốc là nước này hiện duy trì quan hệ khá thân thiện với cả bốn thành viên của Quad. Bên cạnh thắt chặt liên minh với Washington, Seoul cũng nỗ lực hàn gắn quan hệ với Tokyo, tăng cường hợp tác toàn diện với Ấn Độ hợp tác quốc phòng với Australia.

Đối với hình thức thứ hai, liên minh Mỹ - Nhật - Hàn có thể là một khởi đầu thuận lợi để Seoul thúc đẩy các chương trình nghị sự chung gần gũi với chương trình hành động của Quad, đơn cử như hợp tác bảo vệ an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hàn Quốc đã tham gia cùng với Mỹ và Nhật Bản trong việc cung cấp tàu cho các quốc gia Đông Nam Á, gồm Việt Nam và Philippines, để chống đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế. Với kinh nghiệm trong việc triển khai hệ thống nhận thức hàng hải (MDA), Hàn Quốc có thể can dự cùng với Mỹ và Nhật Bản để thúc đẩy việc triển khai chương trình “Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về Nhận thức trong Lĩnh vực Hàng hải” (IPMDA), được công bố vào năm 2022, và hiện đang trong giai đoạn thí điểm.

Ở hình thức thứ ba - hợp tác chức năng, đây có thể sẽ là hình thức mà Hàn Quốc được trao cơ hội can dự nhiều nhất với các thành viên của Quad. Dù không thực sự chào đón Hàn Quốc gia nhập Quad trong hiện tại, Mỹ vẫn tích cực thúc đẩy việc phối hợp với Hàn Quốc như một nhân tố quan trọng trong IPEF - khuôn khổ kinh tế khu vực do Mỹ khởi xướng, được các nhà lãnh đạo Quad cùng công bố trong Hội nghị Thượng đỉnh tại Tokyo vào năm 2022 và xác định việc thiết lập nó là nhiệm vụ chung của khối. Hàn Quốc, với thế mạnh là quốc gia dẫn đầu thế giới về tiến bộ công nghệ, có thể trở thành “cánh tay đắc lực” của Mỹ và Quad trong IPEF để hành động vì tầm nhìn đổi mới công nghệ cho các thập kỷ tới.

Tuy lời thúc giục đưa Hàn Quốc tham gia Quad của Tổng thống Yoon có phần vội vàng, mục tiêu đã vạch ra trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc, cụ thể là hợp tác với Quad trong các lĩnh vực mà Seoul có thế mạnh như giải quyết vấn đề bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu, các công nghệ mới nổi, và tìm cách mở rộng dần phạm vi hợp tác sang các lĩnh vực khác, vẫn có thể được hiện thực hoá thông qua các cách tiếp cận từng phần như đã đề xuất ở trên.

Tóm lại, khi Hàn Quốc xây dựng được nền tảng liên kết chặt chẽ với cả bốn thành viên của Quad ở nhiều lĩnh vực (và thậm chí đan xen nhau về phạm vi và mục tiêu hoạt động), và khi các kế hoạch của Quad được triển khai ổn định, cơ hội để Seoul tìm được chỗ đứng chính thức trong cơ chế khu vực do Mỹ dẫn đầu sẽ lớn hơn.

Từ khoá: Hàn Quốc Quad IPEF Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính sách đối ngoại Hàn Quốc

BÀI LIÊN QUAN