Trung tuần tháng 8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp nhà nước Trung Quốc trong ba ngày (18-20/8), theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị mới, sau khi ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 bầu làm Tổng Bí thư hôm 3/8.
Là hoạt động đối ngoại truyền thống, chuyến thăm tiếp nối các cuộc trao đổi đoàn cấp cao giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc sau những chuyển động chính trị quan trọng ở mỗi quốc gia. Năm 2017, ông Tập Cận Bình từng đến Đà Nẵng dự Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trước khi ra Hà Nội để gặp các lãnh đạo Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 13/11. Chuyến thăm đánh dấu lần đầu tiên ông Tập công du nước ngoài sau khi tái đắc cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội 19 (10/2017).
Sau đó năm năm, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp lại ông Tập trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 1/11/2022. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Trọng sau khi được bầu tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư ở Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam (1-2/2021). Khi đó, nhà lãnh đạo Việt Nam cũng là vị khách quốc tế đầu tiên Trung Quốc đón tiếp sau khi nước này tổ chức thành công Đại hội 20 (10/2022).
Ngoài những điểm tương đồng, chuyến thăm Trung Quốc của ông Tô Lâm có một số yếu tố khác biệt, một phần bởi thời gian chuẩn bị và thu xếp lịch trình gấp rút (chỉ khoảng hai tuần từ ngày ông nhậm chức). Nhìn rộng ra, ông Tô Lâm là nhà lãnh đạo Việt Nam thứ hai sau Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc trong cả hai vai trò: người đứng đầu Đảng và nguyên thủ quốc gia. Trong quan hệ Việt - Trung, sự gắn bó mật thiết giữa yếu tố Đảng và Nhà nước vốn đã bền chặt nay trở thành chủ đề xuyên suốt, góp phần củng cố các giá trị truyền thống và định hướng cho các hoạt động hợp tác song phương trong khuôn khổ chuyến thăm.
Ôn cố tri tân
Trước khi đến Bắc Kinh, đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã thăm thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), “cái nôi” của cách mạng Trung Quốc đồng thời là “địa chỉ đỏ” gắn với hoạt động của nhóm lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam. Thay vì xuất hiện trong lễ đón chính thức tại Đại lễ đường Nhân dân như thông lệ, những hoạt động đầu tiên của ông Tô Lâm tại Trung Quốc được ghi nhận ở mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái—nhà hoạt động cách mạng Việt Nam đã thực hiện cuộc ám sát bất thành toàn quyền Đông Dương Henry Merlin năm 1924—và sau đó là khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên—tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Việc ông Tô Lâm lựa chọn Quảng Châu là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Trung Quốc cho thấy Hà Nội coi trọng nền tảng lịch sử của quan hệ Việt - Trung, rộng hơn là phản ánh sự kiên định của Việt Nam đối với đường lối phát triển đất nước do lớp lãnh đạo tiền bối vạch ra từ 100 năm trước. Thông điệp “ôn cố tri tân” của chuyến công du còn được thể hiện rõ khi, sau cuộc hội đàm với ông Tập, ông Tô Lâm đã đặt vòng hoa tưởng niệm Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông ở thủ đô Bắc Kinh. Dù có nhiều tranh cãi xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Mao, với Hà Nội, nhà lãnh đạo Trung Quốc được xem là người đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cho “tình hữu nghị vĩ đại của hai nước”—“tài sản vô giá” của hai quốc gia.
Là hai Đảng Cộng sản cầm quyền lớn nhất hiện nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (thành lập năm 1921) và Đảng Cộng sản Việt Nam (thành lập năm 1930) chủ trương “kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và thúc đẩy hiện đại hóa phù hợp với tình hình mỗi nước”, đặt mục tiêu “nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” (năm 2008) và “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc” (năm 2023). Trong thời điểm nền chính trị quốc tế chứng kiến nhiều xu hướng tương phản, sự tương đồng về ý thức hệ đã và đang tạo nên tính gắn kết đặc biệt trong quan hệ Việt - Trung.
Thời báo Hoàn cầu (Global Times), một ấn phẩm của Nhật báo Nhân dân (People’s Daily)—cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định rằng sự gắn kết “vừa là đồng chí vừa là anh em” khiến mối quan hệ giữa hai nước vượt ra khỏi khuôn khổ các yếu tố địa chính trị. Tờ báo này chỉ trích những bình luận phiến diện của truyền thông phương Tây về quan hệ song phương, vốn có góc nhìn “hạn hẹp” từ góc độ cạnh tranh nước lớn.
Chuyến đi của ông Tô Lâm đến Quảng Đông và Bắc Kinh lần này diễn ra hơn một tháng sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 20 tiến hành Hội nghị toàn thể lần thứ 3 (Hội nghị Trung ương 3). Trong các nhiệm kỳ đã qua, hội nghị là sự kiện chính trị quan trọng, nơi lãnh đạo Trung Quốc tập trung thảo luận chính sách kinh tế, gắn với các nghị quyết góp phần thay đổi bộ mặt quốc gia. Một trong số đó là chủ trương “cải cách và mở cửa” (reform and opening) được đề ra tại Đại hội 11 năm 1978.
Năm nay, dù hội nghị tiếp tục nhấn mạnh yếu tố kinh tế, giới quan sát vẫn nhận ra ưu tiên đảm bảo an ninh quốc gia, mà trọng tâm là an ninh chính trị, trong các cuộc thảo luận của các ủy viên trung ương Trung Quốc. Nghị quyết của hội nghị tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là điều kiện chủ yếu đảm bảo Trung Quốc có thể “tiếp tục cải cách toàn diện” và “thúc đẩy hiện đại hóa” tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Với Việt Nam, trong thời điểm Đại hội 14 (dự kiến tổ chức tháng 1/2026) đang đến gần, thành tựu phát triển kinh tế, xây dựng đảng và hệ thống chính trị, đào tạo cán bộ của Trung Quốc trở thành kinh nghiệm tham khảo quan trọng cho Hà Nội, đặc biệt là khi Việt Nam đang xem xét tổng kết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhấn mạnh ưu tiên chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Do đó, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như thương mại và đầu tư, hai nước cũng chú trọng trao đổi lý luận và kinh nghiệm thực tiễn giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đảng Trung ương Trung Quốc—các cơ sở phụ trách đào tạo cán bộ cấp cao cho tổ chức Đảng của hai nước. Bên cạnh đó, các cuộc tiếp xúc song phương giữa lực lượng công an và quân đội của Việt Nam và Trung Quốc cũng được tổ chức, nhằm chắt chặt hợp tác và tăng cường hiểu biết lẫn nhau cho lực lượng đóng vai trò nòng cốt, là “thanh kiếm và lá chắn” của an ninh quốc gia—theo lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bằng nhiều biện pháp, Hà Nội và Bắc Kinh đã nỗ lực cụ thể hóa sáu phương hướng nhằm “tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới” (hay còn gọi là “6 hơn”), được đề cập lần đầu khi ông Tập thăm chính thức Việt Nam tháng 12/2023. Các phương hương đó là “tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, và bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn”.
Thông điệp trong chuyến thăm lần này của ông Tô Lâm rất rõ ràng. Với quan hệ láng giềng gần gũi “núi liền núi, sông liền sông”, mỗi khi nhìn về quá khứ, lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc có thể tìm thấy điểm chung là lý tưởng đấu tranh cách mạng của các thế hệ lãnh đạo tiền bối trong buổi đầu gian khó. Nghĩ tới tương lai, Hà Nội và Bắc Kinh lại chia sẻ những yếu tố tương đồng trong mục tiêu phát triển, dựa trên mối quan hệ song phương khăng khít trên cả kênh Đảng, ngoại giao Nhà nước và hoạt động giao lưu nhân dân.
“Minh triết chính trị”
Có lẽ đó cũng là tinh thần mà ông Tập gửi gắm khi sử dụng cụm từ “minh triết chính trị” (political wisdom) để đề cập đến việc xây dựng tầm nhìn về cộng đồng “chia sẻ tương lai Việt - Trung” vào tháng 4/2024, trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khi đó là Vương Đình Huệ. Với truyền thông nhà nước Trung Quốc, “minh triết chính trị” được nhắc đến thường xuyên, nhưng nội hàm của thuật ngữ này hiếm khi được Bắc Kinh giải thích đầy đủ.
Trong một bài viết bằng tiếng Anh, Trung Quốc dùng “minh triết chính trị” để chỉ năng lực quản trị quốc gia sau bốn thập niên “phát triển thần kỳ”. Trong một lần khác, “minh triết chính trị” trở thành tư duy đối ngoại của các chính trị gia Washington khi mở đường phát triển quan hệ nồng ấm với Trung Quốc trong quá khứ. Trong một bài viết vào cuối tháng 6/2024 trên Thời báo Hoàn cầu, “minh triết chính trị” được dùng để nói về “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình” (Five Principles of Peaceful Coexistence), một dạng chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế được Trung Quốc và Ấn Độ sử dụng lần đầu tiên trong một hiệp định song phương vào năm 1954, đặt nền móng cho hợp tác giữa hai nước trong thời điểm nhiều tranh chấp biên giới chưa thể giải quyết hoàn toàn.
Với trường hợp của Việt Nam, có thể lãnh đạo Bắc Kinh dùng “minh triết chính trị” để nhấn mạnh đến những lựa chọn chiến lược của Hà Nội trong quan hệ với Trung Quốc, hay rộng hơn là cách nước này xác định ưu tiên trong chính sách đối ngoại trước “những thay đổi sâu sắc và phức tạp” của tình hình thế giới. Nhìn vào đại cục là truyền thống hữu nghị Việt - Trung, dựa trên nền tảng là sự tương đồng về ý thức hệ của hai Đảng, Bắc Kinh dường như kêu gọi một sự đảm bảo mạnh mẽ từ Hà Nội cho cam kết hiện thực hóa tầm nhìn của lãnh đạo hai bên.
Ở góc độ này, chuyến thăm của ông Tô Lâm là một thành công quan trọng với những đóng góp mang tính định hướng, được cụ thể hóa thành nội dung của bản tuyên bố chung. Việt Nam và Trung Quốc khẳng định lấy “nguyện ước hữu nghị ban đầu” là động lực, xem “sứ mệnh chung” là mục tiêu. Hai nước sử dụng những cụm từ xuất hiện trong khẩu hiệu chủ đề của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc và Báo cáo chính trị tại Đại hội 20, qua đó thể hiện sự thống nhất cao về quan điểm lãnh đạo giữa hai Đảng cầm quyền, nỗ lực vun đắp quan hệ song phương dựa trên nền tảng chính trị và sự gần gũi về mặt thể chế.
Trên thực tế, lịch sử quan hệ Việt - Trung cũng là quá trình tương tác lâu dài và liên tục giữa một nước nhỏ và một cường quốc, đặc trưng bởi các yếu tố khó lường trong một mối quan hệ bất đối xứng (asymmetric relationship) điển hình. Trong điều kiện lý tưởng, việc đảm bảo mối quan hệ này phát triển ổn định đòi hỏi Trung Quốc cần hạn chế nguy cơ trở thành mối đe dọa cho Việt Nam. Trong khi tìm cách đạt được sự công nhận về vị thế, Bắc Kinh không nên để xảy ra những tình huống an ninh buộc quốc gia láng giềng phải tìm cách phản kháng. Trong khi đó, Hà Nội cần nỗ lực để đảm bảo sự tồn tại và khả năng tự chủ trong quan hệ với Trung Quốc, bằng cách ý thức rõ ràng về chênh lệch quyền lực giữa hai nước, và quan trọng là không tiến hành các bước đi có thể khiến Bắc Kinh cảm thấy vị thế cường quốc của mình này bị lung lay.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Việt Nam và Trung Quốc cũng có thể đưa ra những quyết sách hài hòa về mặt lợi ích, và đôi khi một vài kiến giải sai lầm có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm xói mòn lòng tin trong quan hệ song phương. Trên thực tế, sự tương đồng về ý thức hệ đã không thể ngăn Chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra vào tháng 2/1979, kéo theo bất ổn leo thang tại khu vực sáu tỉnh phía Bắc của Việt Nam 10 năm sau đó. Bên cạnh tình trạng phá hoại, lấn chiếm lãnh thổ và những hoạt động khiêu khích, cuộc chiến năm 1979 là “trận đánh lớn cuối cùng trong thế kỷ 20 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa”, đồng thời là “bài học” mà Bắc Kinh muốn dạy cho Hà Nội sau một loại bất đồng nảy sinh trước đó giữa hai nước. Cuộc chiến kéo dài trong khoảng 30 ngày, nhưng quan hệ Việt - Trung mất 12 năm để trở lại quỹ đạo bình thường vào năm 1991. Đến tháng 3/1988, yếu tố ý thức hệ đã một lần nữa không ngăn được Trung Quốc tấn công lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, sát hại 64 chiến sỹ và bắt đầu quá trình chiếm giữ lâu dài bãi đá Gạc Ma (Johnson Reef) thuộc Quần đảo Trường Sa. Thực tế cho thấy, khi lòng tin chính trị chạm đáy, ngay cả yếu tố ý thức hệ cũng không thể xoa dịu những ngờ vực và hóa giải các thách thức về an ninh. Trong đa số trường hợp, mọi cân nhắc trở nên kém quan trọng hơn khi bàn đến lợi ích quốc gia.
Trong nhận thức của Trung Quốc, quyết định tấn công Việt Nam năm 1979 phần nào xuất phát từ nhu cầu được đảm bảo về an ninh, đặc biệt là từ sau khi Hà Nội và Moscow ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác năm 1978 để xác lập quan hệ “đồng minh chiến lược” Việt - Xô. Thời điểm đó, dù sự “ủng hộ và giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu” của Liên Xô, Trung Quốc và các quốc gia xã hội chủ nghĩa là yếu tố góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước tại Việt Nam, nhưng ngay cả sợi dây liên kết bền chặt ấy cũng không đảm bảo cho sự gần gũi về tư duy chiến lược giữa Hà Nội, Moscow và Bắc Kinh trong nhiều thời điểm.
Chính khác biệt về lợi ích đã khiến Trung Quốc xem nhẹ quan ngại của Việt Nam trước mối liên hệ chặt chẽ của cường quốc này với chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia, trong khi lăng kính thù địch khiến Bắc Kinh nhận thấy việc Hà Nội “liên minh” với Moscow trong bối cảnh chia rẽ Trung - Xô là một mối đe dọa nghiêm trọng. Ở một chừng mực nhất định, cuộc chiến này, hay phép thử đầy rủi ro của Trung Quốc về ngưỡng can thiệp quân sự của Liên Xô để bảo vệ đồng minh, đã thực sự trở thành “bài học xương máu” cho Việt Nam về quy luật tồn tại. Ngay cả sự tương đồng về ý thức hệ lẫn việc tham gia liên minh quân sự với một siêu cường xa xôi cũng không thể đảm bảo cho an ninh của Hà Nội trước một cường quốc láng giềng. Đến năm 1988, Bắc Kinh tiếp tục bất chấp tình hữu nghị song phương khi tiến hành thay đổi nguyên trạng và cưỡng đoạt các thực thể trên quần đảo Trường Sa bằng vũ lực. Cuộc tấn công này tiếp nối các hành động khiêu khích, dần leo thang lên thành xung đột trực tiếp giữa Bắc Kinh và lực lượng Việt Nam Cộng hòa ở quần đảo Hoàng Sa trong Hải chiến Hoàng Sa, dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát quần đảo này từ năm 1974.
Lợi ích bất biến
Không rõ là vô tình hay hữu ý mà chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khép lại hai ngày trước khi Trung Quốc kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Đặng Tiểu Bình (22/8/1904 - 22/8/2024)—lãnh đạo tối cao của Trung Quốc từ năm 1978 đến năm 1989, đồng thời cũng là “nhà cải cách” có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự phát triển của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh tôn vinh ông Đặng chính là thừa nhận di sản của nhà lãnh đạo quê Tứ Xuyên trong lịch sử nước này, trong đó có cả các quyết sách với Việt Nam vào năm 1979 và năm 1988. Đối với Hà Nội, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đến nay vẫn là cuộc chiến của chính nghĩa trước âm mưu bành trướng của Bắc Kinh, là “sự kiện lịch sử không được phép lãng quên”, là ký ức “đau thương” không được phép lặp lại. Ngược lại, với Trung Quốc, cuộc chiến đã, đang và sẽ tiếp tục là nỗ lực “phản kích tự vệ” (self-defensive counterattack), nhằm bảo vệ chủ quyền, hoàn thành sứ mệnh quốc tế đối với Campuchia, ngăn chặn âm mưu bá quyền Liên Xô và tham vọng bành trướng của Việt Nam ở khu vực.
Sau hơn 40 năm, dù môi trường quốc tế đã thay đổi và vị thế Trung Quốc đã có những chuyển biến, nhưng những ưu tiên của Bắc Kinh đối với an ninh quốc gia vẫn là hòn đá tảng trong việc hoạch định chính sách ở Trung Nam Hải. Trong viễn cảnh bi quan nhất, không điều gì có thể đảm bảo sẽ không có một lãnh đạo Trung Quốc kế tiếp gọi hành động của Việt Nam là “khiêu khích” và quyết định dạy cho quốc gia láng giềng phương Nam “một bài học khác” một khi sự tin cậy bị xói mòn và quan hệ Việt - Trung lệch khỏi quỹ đạo hiện tại.
Do đó, một mặt Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá” và theo đuổi chính sách quốc phòng “bốn không” để duy trì sự tự chủ chiến lược trong quan hệ với các cường quốc. Mặt khác, việc tổ chức các hoạt động đối ngoại cấp cao như chuyến thăm Trung Quốc của ông Tô Lâm góp phần thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại: củng cố lòng tin đối với Bắc Kinh.
Trong tuyên bố chung sau chuyến thăm, Việt Nam và Trung Quốc nhắc lại “lựa chọn chiến lược của hai bên” rằng Hà Nội định vị “quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa”, trong khi Bắc Kinh xem “Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng”. Nói cách khác, khẳng định vị thế hàng đầu và tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại Việt Nam là điều mà Bắc Kinh luôn cần Hà Nội cam kết.
Khi không thể thay đổi sự gần gũi về mặt địa lý giữa hai nước, Việt Nam hiểu rằng an ninh quốc gia phụ thuộc vào cách nước này vun đắp tình hữu nghị với Trung Quốc và đảm bảo quan hệ song phương phát triển lành mạnh với đầy đủ sự tin cậy. Là một nước nhỏ, “minh triết” của Hà Nội chính là thừa nhận thực tế rằng Việt Nam sẽ không có nhiều cơ hội để sửa sai một khi quan hệ với cường quốc láng giềng phương Bắc vượt ngoài tầm kiểm soát.