Trong tám năm cầm quyền (2016 - 2024), cựu Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã ủng hộ hôn nhân bình đẳng với mong muốn kiến tạo Đài Loan thành một đất nước mà tất cả mọi người, bất kể bản dạng giới hay xu hướng tính dục, đều có thể tự do thể hiện bản thân mình và được lấy người mình yêu. Việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2019 là minh chứng cho sự ủng hộ của chính quyền bà Thái đối với bình đẳng giới và phong trào LGBTQ ở Đài Loan; qua đó, giúp củng cố vị thế của Đài Loan như một quốc gia ủng hộ nhiệt thành cho quyền LGBTQ.
Ngày nay, nhiều người Đài Loan, đặc biệt là thế hệ trẻ, xem việc ủng hộ cộng đồng LGBTQ (pro-LGBTQ) là một bản sắc mới trong nền dân chủ của hòn đảo. Các giá trị đặc thù và tiến bộ này giúp minh định rõ ràng sự khác biệt giữa Đài Loan với chính phủ Trung Quốc ở bên kia Eo biển Đài Loan, vốn tăng cường đàn áp người đồng tính.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, vào tháng 10/2023, ông Lại Thanh Đức, khi đó là phó Tổng thống Đài Loan và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Tiến bộ (Democratic Progressive Party - DPP), đã trở thành tâm điểm của sự chú ý khi ông choàng một chiếc khăn có hình lá cờ cầu vồng—biểu tượng cho cộng đồng LGBTQ—khi tham gia cuộc “Diễu hành Tự hào Đồng tính” (gay pride parade) lớn nhất châu Á ở thủ đô Đài Bắc. Ông Lại là quan chức cấp cao đầu tiên của chính phủ Đài Loan tham gia một sự kiện diễu hành này kể từ khi nó được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003.
Tại sự kiện này, ông Lại đã nói rằng: “Hôn nhân bình đẳng không phải là kết thúc mà là điểm khởi đầu cho sự đa dạng”, và tuyên bố ông sẽ “kiên định trên con đường này”. Đây được xem là một thông điệp rõ ràng nhất về sự bao dung của chính phủ tới cộng đồng LGBTQ tại Đài Loan.
Ông Lại đã chính thức nhậm chức tổng thống Đài Loan vào ngày 20/5 vừa qua. Trên cương vị lãnh đạo Đài Loan, ông Lại nên phát huy di sản của bà Thái để hiện thực hóa lời hứa của ông về một xã hội đa dạng và bình đẳng giới. Để làm như vậy, ông Lại có thể áp dụng chiến lược hai hướng (two-pronged): xây dựng một xã hội thân thiện với cộng đồng LGBTQ ở trong nước, trong khi nâng cao hình ảnh của Đài Loan trên trường quốc tế thông qua việc sử dụng “ngoại giao đồng tính” (queer diplomacy).
Thúc đẩy bình đẳng giới trong nước
Người dân Đài Loan ủng hộ mạnh mẽ quyền dành cho người LGBTQ. Theo một khảo sát gần đây do Cục Bình đẳng giới thuộc Viện Hành chính Đài Loan (Executive Yuan of the Republic of China) thực hiện, cho thấy 69,1% trong số những người khảo sát bày tỏ ủng hộ hôn nhân cùng giới, tăng so với 37,4% vào năm 2018—thời điểm trước khi Đài Loan công nhận hôn nhân cùng giới. Sự gia tăng này không những thể hiện tầm quan trọng của các chính sách của chính phủ đối với sự thay đổi nhận thức của công chúng về cộng đồng LGBTQ, mà còn góp phần thúc đẩy ngày càng nhiều sự hiện diện của các cá nhân LGBTQ trong xã hội Đài Loan. Hơn nữa, chiến thắng của Hoàng Tiệp (Huang Jie) trong cuộc bầu cử Viện Lập pháp năm 2024 đã đưa cô trở thành nghị viên lập pháp đầu tiên công khai là người đồng tính, giúp truyền thêm sinh lực cho phong trào LGBTQ trong nước. Sự hiện diện của những cá nhân như vậy trong lĩnh vực chính trị sẽ giúp đưa ra các luật và quy định để cộng đồng LGBTQ được bảo vệ tốt hơn.
Mặc dù đã có những tiến bộ to lớn về quyền LGBTQ dưới thời bà Thái, nhưng cộng đồng LGBTQ ở Đài Loan vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều trở ngại, từ rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ, đến những hạn chế về hôn nhân đồng giới giữa công dân Đài Loan và Trung Quốc. Ngoài ra, những người bản địa Đài Loan tự nhận mình là người đồng tính đang phải chịu đựng “thành kiến kép” (double prejudice) vì xu hướng tính dục cũng như nguồn gốc của họ. Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối này thường bị gạt ra bên lề trong các cuộc tranh luận về sự hòa nhập của cộng đồng LGBTQ.
Tương tự như vậy, cộng đồng người chuyển giới cũng trải qua những sự phân biệt đối xử và những hiểu lầm trong cuộc sống hàng ngày, tại nơi làm việc và ở các cơ sở y tế, bất chấp những tiến bộ gần đây liên quan đến quyền của người chuyển giới. Theo luật pháp Đài Loan hiện nay, nếu một người muốn thay đổi giới tính trên các giấy tờ tùy thân, thì họ phải nộp lên các bằng chứng cho thấy họ đã trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Thế nhưng, loại phẫu thuật này lại đòi hỏi khả năng tài chính lớn. Hơn nữa, khoảng 90% người chuyển giới ở Đài Loan không thể có được thẻ định danh phù hợp theo bản dạng giới của họ do quy định trên. Chính vì vậy, việc loại bỏ yêu cầu phẫu thuật chuyển đổi giới tính là điều rất cần thiết, vì điều này giúp cộng đồng người chuyển giới thoát khỏi định kiến xã hội, được tiếp cận đầy đủ các quyền lợi chăm sóc sức khỏe, và có lẽ quan trọng nhất là cho họ được sống và thể hiện con người thật của mình.
Tuy nhiên, các mục tiêu của ông Lại về một Đài Loan bao trùm và công bằng hơn sẽ gặp khó khăn để hiện thực hoá khi đảng DPP của ông đánh mất thế đa số trong cuộc bầu cử vào tháng 1/2024 vào tay liên minh đối lập giữa Quốc dân Đảng (Kuomintang - KMT) và đảng Nhân dân Đài Loan (Taiwan’s People Party - TPP). Nhiều người cho rằng việc ông Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu ) của KMT được bầu làm Chủ tịch Viện Lập pháp Đài Loan là một bước thụt lùi đối với phong trào LGBTQ vì ông này nổi tiếng với lập trường gây tranh cãi về hôn nhân đồng giới. Do đó, nhiều khả năng ông Hàn sẽ sử dụng quyền lực của mình để ngăn chặn hoặc cản trở việc thông qua các dự luật ủng hộ quyền dành cho người LGBTQ. Một số nhà lập pháp KMT cũng từng đe doạ sẽ bãi bỏ luật hôn nhân đồng giới nếu đảng của họ giành thế đa số tại Viện Lập pháp.
Một cơ quan hành pháp phân mảnh và chia rẽ sẽ gây nhiều khó khăn cho ông Lại trong việc triển khai các chính sách, bao gồm cả việc theo đuổi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ của Đài Loan.
Về mặt tích cực, ông Lại đã vạch ra cho chính phủ của mình các sáng kiến nhằm ủng hộ quyền LGBTQ. Thông qua kế hoạch chính sách mang tên “Dự án Hy vọng Quốc gia” trong bài phát biểu nhậm chức, tân tổng thống Đài Loan cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng một xã hội công bằng hơn, trong đó mọi người có thể “thoải mái thể hiện bản sắc của chính mình”, đồng thời thiết kế các chương trình giáo dục ủng hộ quyền bình đẳng và tự do cho các gia đình LGBTQ. Tầm nhìn của ông Lại về một Đài Loan được xây dựng dựa trên sự bình đẳng, công bằng và bao trùm xứng đáng được ghi nhận, nhưng suy cho cùng, hành động vẫn quan trọng hơn lời nói.
Để thực hiện được các cam kết đã nêu, ông Lại nên mở rộng không gian cho các nhà hoạt động cũng như các lãnh đạo xã hội dân sự—những người được xem là ở tuyến đầu của phong trào LGBTQ—để thúc đẩy hơn nữa quyền cho người đồng tính. Bên cạnh đó, ông Lại cũng cần khuyến khích việc đưa tin hoặc tuyên truyền trên các mạng xã hội và các kênh tin tức địa phương về những nỗ lực của các nhóm hoạt động nhằm bảo vệ quyền LGBTQ và các cá nhân LGBTQ có ảnh hưởng ở Đài Loan. Qua đó, những cá nhân này có thể mang lại những trải nghiệm đời sống và những câu chuyện phong phú hơn về mối quan hệ mật thiết giữa vị thế của Đài Loan như một nền dân chủ sôi động và sự chấp nhận của xã hội đối với các quyền liên quan đến xu hướng tính dục và giới tính.
Nhưng về lâu dài, sự thành công trong nỗ lực thúc đẩy quyền LGBTQ của ông Lại có thể sẽ phụ thuộc vào khả năng của ông nhằm hài hòa lợi ích và quan ngại của phe đối lập cũng như hợp tác cùng nhau hướng tới những cải cách chính trị - xã hội.
Thúc đẩy “Ngoại giao đồng tính”
Đài Loan có một vị thế đặc biệt trong nền chính trị quốc tế: Hòn đảo dân chủ này đáp ứng tất cả các yêu cầu để trở thành một quốc gia độc lập nhưng lại không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ về mặt ngoại giao do áp lực ngày càng tăng từ gã khổng lồ Trung Quốc—quốc gia tuyên bố chủ quyền hoàn toàn đối với Đài Loan. Dù vậy, thông qua “ngoại giao kiên định” (steadfast diplomacy), chính quyền Thái Anh Văn đã nâng cao vị thế quốc tế của Đài Loan, giành được sự ủng hộ và đồng cảm của các nền dân chủ có cùng chí hướng, đồng thời bảo vệ chủ quyền của Đài Loan trước áp lực mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Ông Lại cũng đã công bố chính sách ngoại giao của chính phủ với tên gợi “ngoại giao dựa trên các giá trị” (values-based diplomacy). Qua đó có thể thấy, ông Lại sẽ coi những thành tựu dân chủ của Đài Loan vừa là hình mẫu vừa là nguồn cảm hứng cho các quốc gia đang phải vật lộn với sự suy thoái của chế độ dân chủ. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Lại đã coi dân chủ là một trong “bốn trụ cột của kế hoạch hòa bình”, đồng thời cam kết rằng Đài Loan sẽ thúc đẩy sự hợp tác với các nền dân chủ khác “để hình thành một cộng đồng dân chủ và chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi trên nhiều lĩnh vực”. Mặc dù thiếu vắng quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Đài Loan chưa bao giờ liên kết chặt chẽ với các nền dân chủ phương Tây hơn lúc này. Điều kiện này giúp ngoại giao tongzhi (LGBTQ), còn được gọi là “ngoại giao đồng tính”, phát huy các giá trị độc đáo của nó.
Với các chính sách tiến bộ của Đài Loan về nhân quyền, nổi bật là việc trở thành quốc gia châu Á đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới, ông Lại có thể sử dụng ngoại giao về quyền LGBT để nâng cao vị thế quốc tế của Đài Loan như một nền dân chủ phát triển mạnh mẽ—nơi tất cả các công dân đều được hưởng quyền bình đẳng. Các nền dân chủ phương Tây, đặc biệt là Liên minh châu Âu (European Union - EU), coi nhân quyền là vấn đề đáng quan tâm nhất. Do đó, ông Lại nên hợp tác với các quốc gia đó để thành lập một nhóm các nền dân chủ cam kết hỗ trợ quyền LGBTQ. Chương trình Khung hợp tác và đào tạo về bình đẳng giới EU-Đài Loan (the Program for EU-Taiwan Gender Equality Cooperation and Training Framework - EU-Taiwan GECTF), được triển khai vào năm 2019 để trao đổi kinh nghiệm về các thành tựu về quyền LGBTQ, là một nền tảng mà ông Lại có thể tận dụng để tăng cường hợp tác với các nền dân chủ châu Âu. Điều này sẽ cho phép Đài Loan mở rộng dấu ấn toàn cầu của mình, đồng thời tăng cường mối quan hệ với các đối tác cùng chí hướng.
Thúc đẩy ngoại giao chuyên biệt về quyền LGBTQ sẽ giúp Đài Loan chống lại các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm siết chặt không gian hoạt động quốc tế của Đài Bắc. Có thể nói rằng, quảng bá hình ảnh của Đài Loan như một quốc gia ủng hộ nhân quyền và bình đẳng là một bước đi mang tính chiến lược, nhất là khi xét đến sự tương phản rõ rệt giữa các chính sách bảo thủ của Trung Quốc và cộng đồng LGBTQ đang phát triển mạnh ở Đài Loan. Hơn nữa, trên con đường tìm kiếm bản sắc riêng biệt, “ngoại giao đồng tính” có thể là phương cách để Đài Loan tách mình ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt khi Đài Loan thu hút được sự chú ý của quốc tế nhờ vào nỗ lực bảo vệ quyền LGBTQ.
Vào những ngày cuối cùng với tư cách là tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã mời Nymphia Wind, nghệ sĩ drag queen người Mỹ gốc Đài Loan (thuật ngữ drag queen mô tả những người ăn mặc hoán giới và trang điểm sặc sỡ), tới biểu diễn tại Văn phòng Tổng thống—màn biểu diễn lần đầu tiên diễn ra tại đây. Điều này không những cho thấy sự ủng hộ kiên định của bà Thái đối với cộng đồng LGBTQ, mà còn bày tỏ sự hy vọng của bà, rằng người kế nhiệm sẽ tiếp bước để thúc đẩy bình đẳng giới ở Đài Loan. Giống như lời hứa lúc tranh cử của bà Thái năm 2016 về ủng hộ hôn nhân đồng giới—điều mà bà đã thực hiện được, phát biểu của ông Lại tại lễ Diễu hành Tự hào của cộng đồng LGBTQ hồi năm 2023 được coi là lời hứa nghiêm túc của ông hướng tới việc ủng hộ quyền LGBTQ ở Đài Loan.
Tóm lại, để phát huy di sản của bà Thái, ông Lại cần thúc đẩy quyền LGBTQ ở trong nước trong khi tận dụng sự tiến bộ của nền dân chủ để tăng cường hợp tác với các nền dân chủ có cùng chí hướng.
*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Diplomat với tiêu đề “Taiwan’s LGBTQ Progress Under Lai Ching-te: From Rhetoric to Action”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của các tác giả.