Việt Nam và Philippines đang tăng cường hợp tác hàng hải với hy vọng củng cố khả năng răn đe trước sự cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào tháng 8, Hà Nội và Manila đã gác lại yêu sách chồng lấn và tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên giữa lực lượng cảnh sát biển hai bên trong vùng biển tranh chấp nhằm thúc đẩy lòng tin lẫn nhau và tăng cường tự do hàng hải.
Cuối tháng trước, hai quốc gia đã tiến thêm một bước nữa khi tuyên bố ý định ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng, dự kiến sẽ được hoàn tất trước khi năm 2024 kết thúc. Quan hệ an ninh và quốc phòng có tiềm năng mở rộng, và hai cường quốc tầm trung châu Á có thể tận dụng sự phát triển của quan hệ để hình thành đối tác liên kết hàng hải “trên thực tế” (de facto) khi MoU này được hiện thực hóa.
An ninh hàng hải là một vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương. Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 1, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ca ngợi Việt Nam là “đối tác chiến lược duy nhất của Philippines trong khu vực ASEAN” và mô tả hợp tác hàng hải là “nền tảng” của quan hệ song phương. Các hãng thông tấn Việt Nam đã giảm nhẹ tầm quan trọng của những phát biểu của lãnh đạo nước này, nhưng ghi nhận rằng lãnh đạo hai bên đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Mối quan hệ ngày càng gắn kết giữa Philippines và Việt Nam, cùng với những tranh chấp lãnh thổ của họ với Bắc Kinh, có thể chứng minh tính đúng đắn của câu châm ngôn “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Tuy nhiên, liệu điều này có đúng trong bối cảnh hiện tại? Câu trả lời khá phức tạp.
Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Marcos vào tháng 1, hai nước đã ký kết hai thỏa thuận an ninh về “hợp tác hàng hải” (maritime cooperation) giữa lực lượng cảnh sát biển và “ngăn ngừa sự cố” (incident prevention), củng cố quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp vào năm 2015 và tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển để cùng tiến hành các hoạt động chung. Những biên bản ghi nhớ này đóng vai trò then chốt trong việc duy trì động lực hợp tác và đặt nền móng cho việc nâng cấp quan hệ ngoại giao và quốc phòng trong tương lai, bao gồm cả khả năng trở thành đối tác chiến lược toàn diện (comprehensive strategic partnership).
Sự hợp tác giữa hai cường quốc tầm trung thể hiện một mức độ đoàn kết trước “chiến thuật chia để trị” của Bắc Kinh, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau trước thái độ thù địch của Trung Quốc, và truyền cảm hứng cho các cường quốc bên ngoài, như Australia và Ấn Độ, tham gia tích cực hơn vào khu vực. Nếu Philippines và Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn, điều này có thể tạo ra một tiền lệ hoặc khuôn mẫu cho các quốc gia khác ở Biển Đông, từ đó định hướng động lực của khu vực hướng tới một môi trường ổn định và an toàn về tự do hàng hải.
Tuy nhiên, sự hợp tác an ninh này có khả năng vẫn mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Mặc dù các cuộc tập trận chung gần đây cho thấy sự tiến triển trong quan hệ an ninh song phương, nhưng chúng chỉ liên quan đến các vấn đề không nhạy cảm như “chữa cháy, cứu hộ và ứng phó y tế” cùng với các hoạt động liên quan đến giám sát trên không và thông tin liên lạc thông suốt giữa các tàu cảnh sát biển. Các cuộc tập trận này cũng chỉ có sự tham gia của một tàu từ mỗi quốc gia. Đối với cuộc tập trận thứ hai, Cảnh sát biển Philippines dự kiến sẽ điều động một tàu đến Việt Nam trước cuối năm, với các hoạt động tập trung vào thực thi pháp luật trên biển và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang thận trọng trong các hoạt động hợp tác ở Biển Đông; và điều này được thể hiện rõ qua quy mô của các cuộc tập trận chung và số lượng tàu tham gia.
Sự khác biệt trong cách tiếp cận của hai bên được phản ánh trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 30/8, trong đó Tổng thống Philippines đã cắt bỏ một thông điệp cảm ơn Việt Nam “vì đã ủng hộ Phán quyết Trọng tài” - ám chỉ phán quyết Biển Đông chống lại Trung Quốc của Manila hồi năm 2016. Vẫn chưa rõ liệu việc biên tập này được thực hiện theo yêu cầu của phía Việt Nam hay do quyết định của chính Tổng thống Marcos. Mặc dù Việt Nam “lên án các yêu sách và hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông” và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp “thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”, nước này chưa bao giờ tuyên bố rõ ràng về việc ủng hộ phán quyết lịch sử của Philippines, sự nhầm lẫn này dường như phản ánh “kỳ vọng quá mức” của Manila đối với Hà Nội và nỗ lực của Tổng thống Marcos nhằm thu hút sự ủng hộ trong nước.
Sự kiềm chế của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác hàng hải thực chất với Philippines chủ yếu bắt nguồn từ tính dễ bị tổn thương về địa chính trị của nước này. Quốc gia láng giềng khổng lồ, Trung Quốc, có hai cách để gây áp lực lên Việt Nam: trên biển và trên đất liền. Năm 1979, Trung Quốc đã phát động một cuộc “chiến tranh trừng phạt” (punitive war) chống lại Việt Nam, trong đó “hàng trăm nghìn quân Trung Quốc” đã vượt qua biên giới phía bắc của đất nước, gây ra hàng chục nghìn thương vong và một thập kỷ căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia cộng sản. Vào tháng 3/1988, Hải quân Nhân dân Việt Nam và Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã xảy ra đụng độ ở quần đảo Trường Sa, trong đó 64 binh sĩ Việt Nam đã thiệt mạng khi Trung Quốc chiếm đóng đá Gạc Ma. Việt Nam đã phải trả giá đắt trong cả hai sự kiện này.
Philippines, một quốc đảo nhỏ có liên minh an ninh với Mỹ, ở vào vị thế địa chính trị đặc biệt khi đối mặt với sự bành trướng dần dần của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào tháng 6, Philippines đã ký kết một hiệp ước quốc phòng quan trọng với Nhật Bản, tạo điều kiện cho việc tiến hành huấn luyện chiến đấu chung và “mở đường” để Tokyo tăng cường năng lực quân sự cho Manila nhằm “bảo vệ lợi ích lãnh thổ [của Philippines] ở Biển Đông”. So với Việt Nam, các liên minh quân sự đặt Philippines vào vị thế ít bấp bênh hơn, khiến nước này trở nên mạnh dạn hơn trong việc giữ vững lập trường trước “sự cưỡng ép, can thiệp và ảnh hưởng độc hại” của Bắc Kinh trên biển, như Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Año đã phát biểu vào tháng 6.
Đối với Việt Nam, cả môi trường rủi ro cao và mối quan hệ đa chiều kích với Trung Quốc đều có tầm quan trọng. Do đó, việc theo đuổi hợp tác đáng kể với Philippines, chẳng hạn như tham gia các cuộc tập trận hải quân với huấn luyện chiến tranh, tiến hành các hoạt động chiến đấu, hoặc theo đuổi các hiệp ước quốc phòng, có thể khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa về kinh tế và quân sự. Thay vì thách thức sự cưỡng ép của Trung Quốc, Việt Nam đã phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc thông qua các biện pháp ngoại giao, đồng thời đảm bảo với Bắc Kinh về thiện chí của Hà Nội.
Nhận thức sắc sảo của Việt Nam được thể hiện rõ trong chiến lược không liên kết, hay chính sách “Bốn Không”, bao gồm không tham gia liên minh quân sự cũng như không cùng chiến tuyến với một quốc gia để chống lại quốc gia khác. Trong chuyến thăm Manila, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nhắc lại chính sách “Bốn Không” của Việt Nam mà không đề cập đến các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp. Việt Nam tiếp tục áp dụng chính sách cân bằng tinh tế, ưu tiên giải quyết bất đồng với Trung Quốc một cách thầm lặng hơn là áp dụng cách tiếp cận chủ động và quốc tế hóa như Manila. Vào ngày 29/8, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành tuần tra chung ở phía bắc vịnh Bắc Bộ nhằm duy trì và phát triển mối quan hệ “láng giềng hữu nghị truyền thống” giữa hai nước.
Trong quan hệ với Trung Quốc, lãnh đạo chính phủ và quân đội Việt Nam thường xuyên nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ “đầu óc tỉnh táo” và không để cảm xúc chi phối các tính toán chiến lược. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào tháng 11 năm 1991, Việt Nam đã rất thận trọng để tránh kích động tâm lý chống Trung Quốc trong công chúng và gây khó chịu cho người láng giềng lớn của mình. Điều này là do Đảng Cộng sản Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ sự ủng hộ của Trung Quốc, và sự gắn kết về ý thức hệ vẫn quan trọng đối với quan hệ song phương, bao gồm các liên kết chặt chẽ thông qua các kênh ngoại giao chính phủ, ngoại giao đảng, và ngoại giao nhân dân.
Trong quan hệ “đối tác - đối thủ” hay “vừa là bạn, vừa là thù” (frenemy) với Trung Quốc, Việt Nam đã áp dụng chiến lược phòng ngừa, bao gồm việc tôn trọng vị thế khu vực của Trung Quốc, tìm kiếm lợi ích kinh tế với người láng giềng khổng lồ này, đồng thời tăng cường quan hệ an ninh với các đối tác cùng chí hướng để đối phó với bất kỳ hành động xâm phạm lãnh thổ nào. Cách tiếp cận “hợp tác và đấu tranh” là logic cơ bản trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, với “những lợi ích chung sâu sắc cũng như sự không tin tưởng lẫn nhau sâu sắc.”
Trong tuyên bố chung sau chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc vào tháng 8, hai bên đã nhấn mạnh “tình hữu nghị truyền thống vừa là đồng chí vừa là anh em” và cam kết “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Nhà lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam còn khẳng định quan hệ song phương với Trung Quốc là “ưu tiên hàng đầu” của Hà Nội. Hàm ý chính trị ở đây là sự thừa nhận tinh tế về mối liên hệ lịch sử, địa lý và văn hóa giữa Việt Nam và người láng giềng phương Bắc, cũng như tầm quan trọng chiến lược lâu dài của Trung Quốc trong mắt các nhà lãnh đạo Việt Nam, bất chấp những tranh chấp hàng hải còn tồn tại.
Xét đến những cách tiếp cận khác nhau mà Hà Nội và Manila đã áp dụng trong các cuộc đụng độ với Bắc Kinh, cũng như mối quan hệ “bạn - thù” của Việt Nam với Trung Quốc, các nhà quan sát có thể tiếp tục dõi theo xem liệu hợp tác hàng hải giữa hai đối tác Đông Nam Á có thể tiếp tục đi xa đến mức nào.
*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Diplomat với tiêu đề “The Philippines-China-Vietnam Triangle and Limits of the ‘Friends and Enemies’ Maxim”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của tác giả.