Trump cắt tài trợ USAGM: Một bước đi tất yếu

Quyền lực mềm của Mỹ đang trên đà suy yếu, song Trump chẳng bận tâm.

Vũ Bằng 29/03/2025

Vũ Bằng

29/03/2025
Image
Steve Lodge, con trai của phóng viên VOA Robert Lodge, biểu tình bên ngoài trụ sở truyền thông ở Washington. (C): EPA

Ngày 14/3, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, yêu cầu giải tán hoặc giảm thiểu tối đa hoạt động của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ (Agency for Global Media - USAGM). Cơ quan này được thành lập để thúc đẩy “quyền lực mềm” (soft power) của Mỹ thông qua cái gọi là tự do báo chí, và chống lại các hoạt động tuyên truyền từ những chính quyền mà Washington cho là độc tài. Theo giáo sư Joseph Nye, quyền lực mềm là khả năng khiến người khác muốn điều mà mình muốn, thay vì cưỡng ép và buộc họ phải tuân theo bằng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế.

Nhiều năm qua, USAGM đã tài trợ và đóng vai trò giám sát chính đối với các tổ chức truyền thông như Voice of America (VOA), Radio Free Europe/Radio Liberty (RFE/RL), Radio Free Asia (RFA), Middle East Broadcasting Networks (MBN), và Office of Cuba Broadcasting (OCB).

VOA là cơ quan truyền thông lớn nhất do USAGM quản lý, cung cấp tin tức với hơn 40 ngôn ngữ và nhắm đến khán giả toàn cầu. Được thành lập vào năm 1942, VOA giữ “sứ mệnh” đưa tin tức chính xác, khách quan, đặc biệt là đến các khu vực có truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ. Hoạt động ở phạm vi hẹp hơn, RFE/RL tập trung vào khu vực Trung và Đông Âu, Cận Đông, và Trung Á; RFA đảm nhiệm các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, Bắc Triều Tiên; MBN chuyên đưa tin tức đến khán giả Trung Đông và Bắc Phi, bao gồm các quốc gia như Iran, Iraq và Syria; và OCB chịu trách nhiệm vận hành Radio y Televisión Martí, phát sóng các chương trình tin tức về Cuba.

Sau lệnh hành pháp của Trump, USAGM đã gửi thư thông báo cho các đơn vị liên quan về việc chấm dứt tài trợ ngay lập tức. Từ động thái này, hơn 1.300 nhân viên của VOA đã bị cho nghỉ phép hành chính, khiến tổ chức này gần như bị tê liệt sau 83 năm hoạt động. Tương tự, RFA cũng đã cho hơn 300 nhân viên nghỉ việc do thiếu kinh phí vận hành. 

Động thái không bất ngờ

Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên (2017 - 2021), Trump đã nhiều lần tấn công và cáo buộc VOA không phục vụ lợi ích của nước Mỹ và lan truyền thông tin có lợi cho các đối thủ. Năm 2020, chính quyền Trump cáo buộc đài này phát tán tuyên truyền của Bắc Kinh trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Nhà Trắng cho rằng VOA đã đưa tin theo hướng có lợi cho Trung Quốc, khi sử dụng dữ liệu chính thức của chính phủ Bắc Kinh về tình hình dịch bệnh, đồng thời đăng tải các video từ truyền thông của nước này, thay vì chỉ trích cách cường quốc tỷ dân xử lý đại dịch. Thậm chí, cựu Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Dan Scavino đã chỉ trích rằng VOA tuyên truyền cho kẻ thù dù nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ.   

Sau đó, để tăng cường kiểm soát VOA và các tổ chức truyền thông nhà nước khác, Trump đã bổ nhiệm Michael Pack làm Giám đốc USAGM vào tháng 6/2020. Pack là một nhà sản xuất phim bảo thủ, có quan điểm chính trị cứng rắn và được Trump tin tưởng. Ngay sau khi nhậm chức, Pack nhanh chóng sa thải nhiều lãnh đạo cấp cao của các cơ quan trực thuộc USAGM. Động thái này được đánh giá là nỗ lực biến các đơn vị báo chí độc lập trở thành những cơ quan tuyên truyền thân chính quyền Trump. Giám đốc USAGM khi đó cũng tìm cách thay đổi quy trình tuyển dụng, yêu cầu nhân viên mới phải trải qua các cuộc điều tra an ninh chặt chẽ hơn.

Trong nhiệm kỳ đầu, Trump còn thường xuyên chỉ trích các hãng tin tư nhân lớn như CNN, The New York Times, The Washington Post, Morning Joe, NBC, CBS, ABC…, gọi những cơ quan này đưa “tin tức giả mạo” (fake news), và cáo buộc họ lan truyền thông tin sai lệch để bôi nhọ ông. Một trong những tuyên bố gây tranh cãi nhất của Trump đó là ông gọi báo chí là “kẻ thù thật sự của nhân dân” (truly the enemy of the people), một động thái hiếm hoi khi mà một tổng thống Mỹ đương nhiệm công khai tuyên chiến với truyền thông.

Không chỉ với hãng tin, Trump còn gây căng thẳng với giới phóng viên. Bộ Tư pháp dưới thời Trump đã giám sát ít nhất tám nhà báo thuộc New York Times, Washington Post và CNN. Một ví dụ điển hình là vào năm 2018, Nhà Trắng đã thu hồi thẻ tác nghiệp của Jim Acosta, phóng viên CNN, sau khi ông này tranh luận gay gắt với Tổng thống trong một cuộc họp báo. Trước đó, Trump từng chế giễu Megyn Kelly của Fox News, ám chỉ bà có thái độ thù địch với mình. Khi phóng viên Serge Kovaleski của The New York Times chỉ trích ông, Trump đã bắt chước cử chỉ của nhà báo này, người bị khuyết tật về cơ.

Ngoài ra, Trump cũng từ chối tham gia nhiều sự kiện truyền thống của giới báo chí. Sự kiện nổi bật nhất là ông không tham dự bữa tối phóng viên Nhà Trắng (White House correspondents dinner) – sự kiện thường niên nhằm tôn vinh tự do báo chí và xây dựng quan hệ giữa tổng thống với giới truyền thông – trong suốt nhiệm kỳ đầu. Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ thập niên 1980 không tham gia sự kiện này vì ông coi đây là nơi để các phóng viên công kích tổng thống.  

Trong nhiệm kỳ hai của Trump, tình hình không mấy cải thiện. Ông đang cố gắng tăng cường kiểm soát Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission - FCC). FCC được thành lập vào năm 1934 và chịu trách nhiệm thực thi các quy định liên quan đến truyền thông. Dù được tổng thống bổ nhiệm, Chủ tịch FCC không thuộc sự quản lý trực tiếp của người đứng đầu chính phủ. Tuy nhiên, Trump nhiều lần nói rằng FCC phải do Nhà Trắng kiểm soát hoàn toàn.

Cùng với đó, Trump vẫn không có ý định tham gia bữa tối phóng viên Nhà Trắng, đồng thời tiếp tục gây hấn với giới báo chí. Chẳng hạn, ông cấm phóng viên của đài AP tới Phòng Bầu dục vì hãng thông tấn này không tuân thủ yêu cầu của chính phủ về cách gọi tên “Vịnh Mexico” (Trump yêu cầu phải gọi đây là “Vịnh Mỹ”), cáo buộc đài CNN là “cánh tay chính trị của đảng Dân Chủ” (political arm of the Democratic Party).

Như vậy, tất cả những điều Trump đã thể hiện, từ nhiệm kỳ đầu cho đến nhiệm kỳ hai, cho thấy ông muốn kiểm soát hoàn toàn giới truyền thông. Trump cũng muốn xóa bỏ nguy cơ bị cánh báo chí chỉ trích và đòi hỏi các phóng viên phải hướng ngòi bút sang đưa những thông tin có lợi cho Tổng thống. Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào không đi theo quỹ đạo trên đều có nguy cơ bị Trump gây sức ép.

Vì thế, việc Trump ban hành sắc lệnh hành pháp đối với USAGM, gián tiếp khiến một loạt cơ quan trực thuộc phải thu hẹp đáng kể hoạt động là một động thái không có gì bất ngờ. Thậm chí hành động này có thể đã phải xảy ra sớm hơn, ngay từ thời điểm năm 2020.        

Mỹ có nguy cơ suy giảm quyền lực mềm

Việc bị cắt giảm mạnh kinh phí hoạt động sẽ khiến VOA, RFE/RL, RFA, MBN, và OCB giảm sự hiện diện tại các khu vực khác nhau trên thế giới, từ đó có thể làm suy yếu quyền lực mềm của Mỹ. Cụ thể, các kênh này sẽ thiếu các phương tiện truyền thông có khả năng ảnh hưởng đến dư luận quốc tế và thúc đẩy các giá trị dân chủ.

Để chứng minh cho tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông trên, báo cáo mới đây về Chỉ số Quyền lực Châu Á (Asia Power Index) của Lowy Institute cho biết VOA là đài phát thanh được tìm kiếm nhiều nhất ở Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Mối lo ngại về việc Mỹ đánh mất ảnh hưởng trên toàn cầu (nhất là tại các quốc gia bị dán nhãn “độc tài”) cũng là nhận định chung mà các đài trực thuộc USAGM đưa ra nhằm phản ứng với quyết định của Trump. Chẳng hạn, Giám đốc điều hành RFE/RL Stephen Capus cho rằng việc chấm dứt tài trợ với cơ quan này “sẽ là một món quà lớn cho kẻ thù của Mỹ” (would be a massive gift to America’s enemies) như Iran, Trung Quốc, Nga, Belarus… Đồng quan điểm, ông Michael Abramowitz, Giám đốc VOA, chỉ trích “các hành động đang được thực hiện ngày hôm nay bởi chính quyền sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng của VOA trong việc thúc đẩy một thế giới an toàn và tự do, và làm như vậy là không bảo vệ được lợi ích của Mỹ”.

Mối lo ngại về khả năng Mỹ suy giảm quyền lực mềm không phải là không có cơ sở, bởi điều đó đã xảy ra ngay trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Chẳng hạn, vào mùa xuân năm 2018 (tức chỉ hơn một năm sau khi Trump nhậm chức), theo khảo sát do Pew Research Center thực hiện tại 25 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, quan điểm tích cực về nước Mỹ đã giảm đi, và nhiều trường hợp ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Tại Mexico, Hà Lan, Đức, Canada, Thụy Điển, Pháp, Ý, Indonesia, Brazil, Tây Ban Nha, Anh và Argentina, sự suy giảm thái độ tích cực đối với Mỹ ở mức hai con số.

Sang nhiệm kỳ thứ hai, thiện cảm dành cho Mỹ dưới thời Trump cũng không được cải thiện. Doanh số bán hàng của Tesla (hãng xe điện do Elon Musk, đồng minh thân cận của Trump, đứng đầu) đã sụt giảm mạnh trên khắp châu Âu trong tháng 2, với Đức là 76%, Bồ Đào Nha là 53%; Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp giảm trong khoảng 42 - 48%...

Từ tháng 2, mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ - châu Âu dâng cao, nhất là khi Washington loại lục địa già khỏi các cuộc đàm phán giữa Washington, Moscow, và Kiev, khiến các quốc gia khu vực bị gạt ra ngoài lề trong việc giải quyết những vấn đề xảy ra trên chính châu lục của họ.

Trong bối cảnh quyền lực mềm của Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là sau sắc lệnh hành pháp với USAGM, Trung Quốc có lẽ là bên vui mừng nhất. Hai tờ báo thuộc sự quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Global TimesBeijing Daily đã đăng các bài viết có nội dung đồng tình với quyết định của Tổng thống Trump. Lý do là bởi nhiều năm qua, Bắc Kinh đã coi VOA, RFA là công cụ tuyên truyền của chính phủ Mỹ khi các kênh này thường xuyên nhắm vào các chủ đề nhạy cảm tại Trung Quốc, như nhân quyền, tình trạng kiểm duyệt Internet, phong trào dân chủ ở Hong Kong, vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng... Cùng chung niềm hân hoan còn có đài RT của nhà nước Nga và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Tuy nhiên, nguy cơ quyền lực mềm suy yếu không phải là mối bận tâm của Trump. Ưu tiên của ông là kiểm soát truyền thông trong nước và chống lại nguy cơ bị cánh báo chí công kích. Thêm vào đó, vốn là một lãnh đạo chú trọng vào vấn đề thuế quan như công cụ kinh tế để gây sức ép lên các quốc gia khác, Trump quan tâm sử dụng “quyền lực cứng” (hard power) thay vì “nói chuyện thông qua giá trị”. Trái với quyền lực mềm, quyền lực cứng liên quan đến nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của một quốc gia thông qua sức mạnh quân sự hoặc kinh tế. Từ những yếu tố trên, việc Mỹ suy giảm quyền lực mềm trên toàn cầu là không thể phủ nhận. Nhưng, với chính quyền Trump, điều này không quá quan trọng!

Ngày 14/3, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, yêu cầu giải tán hoặc giảm thiểu tối đa hoạt động của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ (Agency for Global Media - USAGM). Cơ quan này được thành lập để thúc đẩy “quyền lực mềm” (soft power) của Mỹ thông qua cái gọi là tự do báo chí, và chống lại các hoạt động tuyên truyền từ những chính quyền mà Washington cho là độc tài. Theo giáo sư Joseph Nye, quyền lực mềm là khả năng khiến người khác muốn điều mà mình muốn, thay vì cưỡng ép và buộc họ phải tuân theo bằng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế.

Nhiều năm qua, USAGM đã tài trợ và đóng vai trò giám sát chính đối với các tổ chức truyền thông như Voice of America (VOA), Radio Free Europe/Radio Liberty (RFE/RL), Radio Free Asia (RFA), Middle East Broadcasting Networks (MBN), và Office of Cuba Broadcasting (OCB).

VOA là cơ quan truyền thông lớn nhất do USAGM quản lý, cung cấp tin tức với hơn 40 ngôn ngữ và nhắm đến khán giả toàn cầu. Được thành lập vào năm 1942, VOA giữ “sứ mệnh” đưa tin tức chính xác, khách quan, đặc biệt là đến các khu vực có truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ. Hoạt động ở phạm vi hẹp hơn, RFE/RL tập trung vào khu vực Trung và Đông Âu, Cận Đông, và Trung Á; RFA đảm nhiệm các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, Bắc Triều Tiên; MBN chuyên đưa tin tức đến khán giả Trung Đông và Bắc Phi, bao gồm các quốc gia như Iran, Iraq và Syria; và OCB chịu trách nhiệm vận hành Radio y Televisión Martí, phát sóng các chương trình tin tức về Cuba.

Sau lệnh hành pháp của Trump, USAGM đã gửi thư thông báo cho các đơn vị liên quan về việc chấm dứt tài trợ ngay lập tức. Từ động thái này, hơn 1.300 nhân viên của VOA đã bị cho nghỉ phép hành chính, khiến tổ chức này gần như bị tê liệt sau 83 năm hoạt động. Tương tự, RFA cũng đã cho hơn 300 nhân viên nghỉ việc do thiếu kinh phí vận hành. 

Động thái không bất ngờ

Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên (2017 - 2021), Trump đã nhiều lần tấn công và cáo buộc VOA không phục vụ lợi ích của nước Mỹ và lan truyền thông tin có lợi cho các đối thủ. Năm 2020, chính quyền Trump cáo buộc đài này phát tán tuyên truyền của Bắc Kinh trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Nhà Trắng cho rằng VOA đã đưa tin theo hướng có lợi cho Trung Quốc, khi sử dụng dữ liệu chính thức của chính phủ Bắc Kinh về tình hình dịch bệnh, đồng thời đăng tải các video từ truyền thông của nước này, thay vì chỉ trích cách cường quốc tỷ dân xử lý đại dịch. Thậm chí, cựu Giám đốc Truyền thông Nhà Trắng Dan Scavino đã chỉ trích rằng VOA tuyên truyền cho kẻ thù dù nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ.   

Sau đó, để tăng cường kiểm soát VOA và các tổ chức truyền thông nhà nước khác, Trump đã bổ nhiệm Michael Pack làm Giám đốc USAGM vào tháng 6/2020. Pack là một nhà sản xuất phim bảo thủ, có quan điểm chính trị cứng rắn và được Trump tin tưởng. Ngay sau khi nhậm chức, Pack nhanh chóng sa thải nhiều lãnh đạo cấp cao của các cơ quan trực thuộc USAGM. Động thái này được đánh giá là nỗ lực biến các đơn vị báo chí độc lập trở thành những cơ quan tuyên truyền thân chính quyền Trump. Giám đốc USAGM khi đó cũng tìm cách thay đổi quy trình tuyển dụng, yêu cầu nhân viên mới phải trải qua các cuộc điều tra an ninh chặt chẽ hơn.

Trong nhiệm kỳ đầu, Trump còn thường xuyên chỉ trích các hãng tin tư nhân lớn như CNN, The New York Times, The Washington Post, Morning Joe, NBC, CBS, ABC…, gọi những cơ quan này đưa “tin tức giả mạo” (fake news), và cáo buộc họ lan truyền thông tin sai lệch để bôi nhọ ông. Một trong những tuyên bố gây tranh cãi nhất của Trump đó là ông gọi báo chí là “kẻ thù thật sự của nhân dân” (truly the enemy of the people), một động thái hiếm hoi khi mà một tổng thống Mỹ đương nhiệm công khai tuyên chiến với truyền thông.

Không chỉ với hãng tin, Trump còn gây căng thẳng với giới phóng viên. Bộ Tư pháp dưới thời Trump đã giám sát ít nhất tám nhà báo thuộc New York Times, Washington Post và CNN. Một ví dụ điển hình là vào năm 2018, Nhà Trắng đã thu hồi thẻ tác nghiệp của Jim Acosta, phóng viên CNN, sau khi ông này tranh luận gay gắt với Tổng thống trong một cuộc họp báo. Trước đó, Trump từng chế giễu Megyn Kelly của Fox News, ám chỉ bà có thái độ thù địch với mình. Khi phóng viên Serge Kovaleski của The New York Times chỉ trích ông, Trump đã bắt chước cử chỉ của nhà báo này, người bị khuyết tật về cơ.

Ngoài ra, Trump cũng từ chối tham gia nhiều sự kiện truyền thống của giới báo chí. Sự kiện nổi bật nhất là ông không tham dự bữa tối phóng viên Nhà Trắng (White House correspondents dinner) – sự kiện thường niên nhằm tôn vinh tự do báo chí và xây dựng quan hệ giữa tổng thống với giới truyền thông – trong suốt nhiệm kỳ đầu. Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ thập niên 1980 không tham gia sự kiện này vì ông coi đây là nơi để các phóng viên công kích tổng thống.  

Trong nhiệm kỳ hai của Trump, tình hình không mấy cải thiện. Ông đang cố gắng tăng cường kiểm soát Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission - FCC). FCC được thành lập vào năm 1934 và chịu trách nhiệm thực thi các quy định liên quan đến truyền thông. Dù được tổng thống bổ nhiệm, Chủ tịch FCC không thuộc sự quản lý trực tiếp của người đứng đầu chính phủ. Tuy nhiên, Trump nhiều lần nói rằng FCC phải do Nhà Trắng kiểm soát hoàn toàn.

Cùng với đó, Trump vẫn không có ý định tham gia bữa tối phóng viên Nhà Trắng, đồng thời tiếp tục gây hấn với giới báo chí. Chẳng hạn, ông cấm phóng viên của đài AP tới Phòng Bầu dục vì hãng thông tấn này không tuân thủ yêu cầu của chính phủ về cách gọi tên “Vịnh Mexico” (Trump yêu cầu phải gọi đây là “Vịnh Mỹ”), cáo buộc đài CNN là “cánh tay chính trị của đảng Dân Chủ” (political arm of the Democratic Party).

Như vậy, tất cả những điều Trump đã thể hiện, từ nhiệm kỳ đầu cho đến nhiệm kỳ hai, cho thấy ông muốn kiểm soát hoàn toàn giới truyền thông. Trump cũng muốn xóa bỏ nguy cơ bị cánh báo chí chỉ trích và đòi hỏi các phóng viên phải hướng ngòi bút sang đưa những thông tin có lợi cho Tổng thống. Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào không đi theo quỹ đạo trên đều có nguy cơ bị Trump gây sức ép.

Vì thế, việc Trump ban hành sắc lệnh hành pháp đối với USAGM, gián tiếp khiến một loạt cơ quan trực thuộc phải thu hẹp đáng kể hoạt động là một động thái không có gì bất ngờ. Thậm chí hành động này có thể đã phải xảy ra sớm hơn, ngay từ thời điểm năm 2020.        

Mỹ có nguy cơ suy giảm quyền lực mềm

Việc bị cắt giảm mạnh kinh phí hoạt động sẽ khiến VOA, RFE/RL, RFA, MBN, và OCB giảm sự hiện diện tại các khu vực khác nhau trên thế giới, từ đó có thể làm suy yếu quyền lực mềm của Mỹ. Cụ thể, các kênh này sẽ thiếu các phương tiện truyền thông có khả năng ảnh hưởng đến dư luận quốc tế và thúc đẩy các giá trị dân chủ.

Để chứng minh cho tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông trên, báo cáo mới đây về Chỉ số Quyền lực Châu Á (Asia Power Index) của Lowy Institute cho biết VOA là đài phát thanh được tìm kiếm nhiều nhất ở Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Mối lo ngại về việc Mỹ đánh mất ảnh hưởng trên toàn cầu (nhất là tại các quốc gia bị dán nhãn “độc tài”) cũng là nhận định chung mà các đài trực thuộc USAGM đưa ra nhằm phản ứng với quyết định của Trump. Chẳng hạn, Giám đốc điều hành RFE/RL Stephen Capus cho rằng việc chấm dứt tài trợ với cơ quan này “sẽ là một món quà lớn cho kẻ thù của Mỹ” (would be a massive gift to America’s enemies) như Iran, Trung Quốc, Nga, Belarus… Đồng quan điểm, ông Michael Abramowitz, Giám đốc VOA, chỉ trích “các hành động đang được thực hiện ngày hôm nay bởi chính quyền sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng của VOA trong việc thúc đẩy một thế giới an toàn và tự do, và làm như vậy là không bảo vệ được lợi ích của Mỹ”.

Mối lo ngại về khả năng Mỹ suy giảm quyền lực mềm không phải là không có cơ sở, bởi điều đó đã xảy ra ngay trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Chẳng hạn, vào mùa xuân năm 2018 (tức chỉ hơn một năm sau khi Trump nhậm chức), theo khảo sát do Pew Research Center thực hiện tại 25 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, quan điểm tích cực về nước Mỹ đã giảm đi, và nhiều trường hợp ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Tại Mexico, Hà Lan, Đức, Canada, Thụy Điển, Pháp, Ý, Indonesia, Brazil, Tây Ban Nha, Anh và Argentina, sự suy giảm thái độ tích cực đối với Mỹ ở mức hai con số.

Sang nhiệm kỳ thứ hai, thiện cảm dành cho Mỹ dưới thời Trump cũng không được cải thiện. Doanh số bán hàng của Tesla (hãng xe điện do Elon Musk, đồng minh thân cận của Trump, đứng đầu) đã sụt giảm mạnh trên khắp châu Âu trong tháng 2, với Đức là 76%, Bồ Đào Nha là 53%; Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp giảm trong khoảng 42 - 48%...

Từ tháng 2, mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ - châu Âu dâng cao, nhất là khi Washington loại lục địa già khỏi các cuộc đàm phán giữa Washington, Moscow, và Kiev, khiến các quốc gia khu vực bị gạt ra ngoài lề trong việc giải quyết những vấn đề xảy ra trên chính châu lục của họ.

Trong bối cảnh quyền lực mềm của Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là sau sắc lệnh hành pháp với USAGM, Trung Quốc có lẽ là bên vui mừng nhất. Hai tờ báo thuộc sự quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Global TimesBeijing Daily đã đăng các bài viết có nội dung đồng tình với quyết định của Tổng thống Trump. Lý do là bởi nhiều năm qua, Bắc Kinh đã coi VOA, RFA là công cụ tuyên truyền của chính phủ Mỹ khi các kênh này thường xuyên nhắm vào các chủ đề nhạy cảm tại Trung Quốc, như nhân quyền, tình trạng kiểm duyệt Internet, phong trào dân chủ ở Hong Kong, vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng... Cùng chung niềm hân hoan còn có đài RT của nhà nước Nga và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Tuy nhiên, nguy cơ quyền lực mềm suy yếu không phải là mối bận tâm của Trump. Ưu tiên của ông là kiểm soát truyền thông trong nước và chống lại nguy cơ bị cánh báo chí công kích. Thêm vào đó, vốn là một lãnh đạo chú trọng vào vấn đề thuế quan như công cụ kinh tế để gây sức ép lên các quốc gia khác, Trump quan tâm sử dụng “quyền lực cứng” (hard power) thay vì “nói chuyện thông qua giá trị”. Trái với quyền lực mềm, quyền lực cứng liên quan đến nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của một quốc gia thông qua sức mạnh quân sự hoặc kinh tế. Từ những yếu tố trên, việc Mỹ suy giảm quyền lực mềm trên toàn cầu là không thể phủ nhận. Nhưng, với chính quyền Trump, điều này không quá quan trọng!

Từ khoá: Mỹ cắt viện trợ Donald Trump quyền lực mềm chính sách đối ngoại Mỹ

BÀI LIÊN QUAN