Vào ngày 25/9, Lực lượng Tên lửa của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Hoa đã cho phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (intercontinental ballistic missile - ICBM) với một đầu đạn giả (dummy warhead) vào vùng biển Thái Bình Dương.
Lần cuối cùng Trung Quốc phóng ICBM là vào tháng 5/1980, với tên lửa Dongfeng 5 (DF-5) – ICBM đầu tiên mà Trung Quốc phát triển – được phóng vào Nam Thái Bình Dương từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền (JSLC) ở phía Tây Bắc nước này. Lúc bấy giờ, DF-5 đã bay với khoảng cách hơn 8.000 km.
Sự thành công của cuộc thử nghiệm DF-5 đánh dấu việc Trung Quốc sở hữu ICBM thế hệ đầu tiên và trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới thực hiện thành công cuộc thử nghiệm (sau Mỹ và Liên Xô). Đáng chú ý, sự kiện này được giới chức Trung Quốc ca ngợi vì có ý nghĩa như bước phá vỡ “sự độc quyền lâu dài của các siêu cường về vũ khí hạt nhân chiến lược liên lục địa”. Kể từ đó, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm ICBM trên lãnh thổ của mình, chủ yếu là ở khu vực Tân Cương hoặc Biển Bột Hải.
Thông điệp về sự xem thường
Vụ thử nghiệm lần này được Trung Quốc cho là “thành công” khi “hoàn thành các mục tiêu đã đề ra”; tuy nhiên, nó lại gây quan ngại cho các quốc gia thân cận của Mỹ, cũng như mang lại nhiều hàm ý cho an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuyên bố xung quanh vụ phóng tên lửa là không nhất quán. Trung Quốc cho rằng vụ phóng trên biển đầu tiên sau hơn 40 năm của cường quốc này là một “hoạt động thường kỳ trong kế hoạch huấn luyện hàng năm”, tuân theo thông lệ quốc tế, và không chủ đích nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu nào.
Trái với việc chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã thông báo trước “cho các quốc gia liên quan” về cuộc thử nghiệm thì các quốc gia tầm trung thân cận với Mỹ là Nhật Bản, Australia và New Zealand cho biết họ không nhận được bất kỳ thông báo nào trước đó và bày tỏ quan ngại về tác động của vụ thử nghiệm đối với an ninh khu vực.
Tuy nhiên, Sabrina Singh, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho biết Mỹ đã nhận được “một số thông báo trước” về cuộc thử nghiệm, gọi đây là “một bước đi đúng hướng và nó giúp ngăn ngừa mọi nhận thức sai lầm hoặc tính toán sai lầm”.
Việc Trung Quốc chỉ thông báo cho Mỹ, trong khi “phớt lờ” các quốc gia xung quanh cho thấy đây là động thái mang tính “cảnh báo”, nếu không muốn nói là “đe dọa”. Hơn nữa, từ vụ việc có thể khẳng định rằng Trung Quốc rất ít dành sự tôn trọng các các quốc gia này.
Quyết tâm của Bắc Kinh
Quan ngại của các quốc gia trong khu vực là có cơ sở.
Phía Trung Quốc đã không cho biết loại vũ khí nào được thử nghiệm, cũng như không thông báo về quỹ đạo của tên lửa. Dù vậy, một trong những tên lửa mới nhất của quốc gia này là Dongfeng-41 (DF-41), được trưng bày trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2019. Với tầm bắn từ 12.000 đến 15.000 km, DF-41 có khả năng vươn tới Mỹ và hiện là tên lửa có tầm bắn xa nhất của Trung Quốc.
Đáng chú ý, ICBM có sự linh hoạt đáng kể trong vận hành, được thiết kế để mang tới 10 đầu đạn hạt nhân, cho phép nó tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Quan trọng là tên lửa này giúp nâng cao vị thế của Trung Quốc như là một bên chủ chốt trong lĩnh vực hạt nhân, đồng thời tăng cường năng lực trả đũa cho Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn rất phức tạp. Có ý kiến cho rằng “cuộc thử nghiệm khiêu khích của Trung Quốc (…) chứng tỏ năng lực chiến đấu trên nhiều mặt trận cùng lúc của nước này”.
Vụ thử tên lửa bất thường và mang tính “khiêu khích” gửi đi một tín hiệu rất rõ ràng rằng Trung Quốc quyết tâm xây dựng năng lực hạt nhân, nhất là trong bối cảnh có nhiều sự hoài nghi của quốc tế về sự ổn định trong nội bộ quân đội và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng tên lửa nước này. Từ tháng 7 năm ngoái, hàng loạt các quan chức quốc phòng cao cấp và các tướng lĩnh phụ trách Lực lượng tên lửa Trung Quốc đã phải mất chức vì bị cáo buộc tham nhũng, gây nghi ngờ về khả năng chiến đấu của quân đội khi thực hiện “sứ mệnh lịch sử” của mình. Lyle Morris, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI), nhận định rằng sự thay đổi lãnh đạo đột xuất trong lực lượng quan trọng này là “một cuộc cải tổ lớn” (a major reshuffle) và có lẽ là lớn nhất trong lịch sử của Lực lượng tên lửa Trung Quốc.
Lần thử nghiệm này có thể giúp các lãnh đạo Trung Quốc giành lại sự ủng hộ trong nội bộ và báo hiệu rằng những sự cố trong Lực lượng tên lửa đã được giải quyết. Cùng với việc thành công trong việc phô diễn năng lực hạt nhân thì việc xoá đi những nghi ngờ quốc tế như vậy có khả năng buộc phương Tây phải cân nhắc. Đặc biệt là khi Mỹ và đồng minh có thể cho rằng các vấn đề tham nhũng và sự lũng đoạn trong ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc có thể cản trở quân đội nước này tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn và hiệu quả, theo đó dẫn đến việc phương Tây tăng cường kiềm chế Bắc Kinh.
“Răn đe hạt nhân”, nhưng “dưới ngưỡng xung đột”
Vụ phóng tên lửa là cách mà Trung Quốc thể hiện sự không hài lòng đối với những diễn biến gần đây ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi Mỹ xích lại gần các đồng minh để kiềm chế nước này. Vụ thử nghiệm nhắc nhở rằng Bắc Kinh vẫn có thể tấn công hạt nhân trả đũa và ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ nếu xung đột hay chiến tranh nổ ra. Với tầm bắn xa như vậy, DF-41 hoàn toàn có thể được Bắc Kinh sử dụng để buộc Mỹ chùn bước, hay thậm chí là trả đũa siêu cường, và qua đó khiến căng thẳng leo thang.
Nhìn rộng ra, năng lực hạt nhân của Trung Quốc gây quan ngại cho Mỹ và các đồng minh. Những năm gần đây, Bắc Kinh đã đẩy mạnh phát triển hạt nhân, cải tổ Lực lượng tên lửa của PLA, và tăng chi tiêu quốc phòng. Tính đến tháng 5/2023, Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động và có khả năng sẽ có hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel thì hầu như tất cả các đầu đạn này đều thuộc về Nga hoặc Mỹ, nhưng theo tuyên bố của Hans M. Kristensen, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc được cho là “đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác”.
Tuy nhiên, dường như động thái răn đe của Trung Quốc vẫn có “giới hạn” khi nước này – căn cứ theo tuyên bố của Mỹ – đã chủ động thông báo cho Washington về vụ thử nghiệm. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn muốn giữ ngưỡng căng thẳng dưới mức xung đột.
Trong bối cảnh Trung Quốc đầu tư cho kho vũ khí thì các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân còn lại, gồm cả Mỹ và hai đồng minh là Anh và Pháp, vẫn tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Đồng thời, khoảng cách về số lượng đầu đạn hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn có sự chênh lệch rất đáng kể (theo báo cáo của SIPRI vào tháng 1/2024, số đầu đạn hạt nhân của Mỹ là 3708 trong khi Trung Quốc chỉ sở hữu khoảng 500).
Thêm vào đó, dù căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết của mình đối với chính sách “không sử dụng đầu tiên” (no first use) liên quan đến vũ khí hạt nhân. Trong bài phát biểu tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva (Thuỵ Sỹ) vào đầu năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Vũ khí hạt nhân, thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu nhân loại, phải bị cấm hoàn toàn và cuối cùng phải bị phá hủy theo thời gian để thế giới không còn vũ khí hạt nhân”. Tuyên bố của lãnh đạo nước này cho thấy Bắc Kinh vẫn rất cân nhắc về rủi ro của việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các tác động khủng khiếp của nó.
Bối cảnh và “đảm bảo” nêu trên khiến Bắc Kinh phải cân nhắc trong các tình huống có khả năng leo thang xung đột, đặc biệt khi chúng có khả năng lôi kéo sự can dự của Mỹ và đồng minh. Dù vậy, các tính toán này không nhất thiết là sự đảm bảo tốt nhất cho hòa bình và an ninh khu vực.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng muốn dùng động thái này để răn đe các đồng minh thân cận của Mỹ, khi căng thẳng đang gia tăng ở biển Hoa Đông, Biển Đông, và eo biển Đài Loan. Cụ thể, máy bay quân sự của Trung Quốc và Nga đã xâm nhập vào không phận của Nhật Bản, Bắc Kinh và Manila có nhiều vụ va chạm tại Biển Đông, trong khi Trung Quốc gần đây đã bắn tên lửa, xâm phạm không phận và tiến hành tập trận quân sự gần Đài Loan.
Các hành động gây sức ép đối với các đồng minh hiệp ước và không chính thức của Mỹ là Nhật Bản, Đài Loan và Philippines cho thấy rằng thông điệp của Trung Quốc còn là: các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực cần nhận thức rõ sự chênh lệch về năng lực quân sự của họ với Bắc Kinh. Theo đó, cường quốc này có thể sẽ không ngần ngại sử dụng các loại vũ khí hiện đại để ngăn chặn kẻ thù khi nhận định rằng sự kiên nhẫn không hiệu quả.
Điều này là có cơ sở khi xét về tốc độ hiện đại hóa quân sự nhanh chóng và năng lực của Trung Quốc trong khu vực, đó là chưa kể cường quốc này, vào tháng 3 năm nay, đã tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 7,2% so với năm 2023. Theo các chuyên gia Trung Quốc, trong bối cảnh an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang bất ổn cùng sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nước này cần đầu tư phát triển nhiều vũ khí và thiết bị tiên tiến hơn để quân đội có thể duy trì năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển.
Ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung Quốc hiện sở hữu lực lượng không quân lớn nhất, với hơn một nửa số máy bay chiến đấu thuộc thế hệ thứ tư hoặc thứ năm. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc cũng tự hào có một kho tên lửa khổng lồ, cùng với máy bay tàng hình, máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân, và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thậm chí, hải quân nước này có thể sớm tiến hành các cuộc tấn công chính xác tầm xa vào các mục tiêu trên bộ từ cả tàu ngầm và tàu chiến trên mặt nước.
Sức ép của Trung Quốc có thể sẽ lớn hơn, nhất là khi cường quốc này không chỉ phát triển năng lực hạt nhân mà còn xây dựng và triển khai một kho vũ khí tên lửa hiện đại và tinh vi, dù quá trình này vẫn còn là bí ẩn do sự mơ hồ cố ý của Bắc Kinh và việc nước này từ chối tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hoặc minh bạch. Không kém quan trọng là việc hệ thống tên lửa của Trung Quốc đang đóng vai trò trung tâm trong các học thuyết chống tiếp cận/ chống xâm nhập khu vực (A2/AD), kết hợp với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình được phóng từ trên không, trên bộ và trên biển để tăng cường năng lực tấn công.
Với cuộc thử nghiệm ICBM, Trung Quốc gửi đi tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân đồng thời nhắc nhở rằng trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh vũ khí hạt nhân, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng phát triển các công nghệ tiên tiến chưa từng được thử nghiệm ở khu vực. Động thái “thách thức” của Trung Quốc và mối quan ngại mà nó tạo ra có thể cuốn các cường quốc vào sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Theo đó, trong viễn cảnh bi quan nhất, rất có thể thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chạy đua mới khi các cường quốc tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình.