Vì sao BRICS không đưa ra tuyên bố chung sau cuộc họp giữa các Ngoại trưởng?
Cuộc họp giữa các Ngoại trưởng BRICS lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung, làm bộc lộ những rạn nứt về quan điểm giữa các thành viên, đặt ra nghi vấn về sự thống nhất và phát triển của cơ chế này.
Ngày 26/9, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã tổ chức cuộc họp giữa các Ngoại trưởng tại New York (Mỹ), bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Sự kiện lần này do Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira chủ trì, với kế hoạch ban đầu là sẽ thông qua một văn kiện gồm 52 đoạn về nhiều vấn đề, như xung đột Trung Đông, kế hoạch về một đồng tiền chung, các cuộc thảo luận sơ bộ về việc kết nạp thành viên mới tại Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến tổ chức vào tháng 10 tại Kazan (Nga).
Tuy nhiên, cuộc họp vừa qua đã kết thúc trong bế tắc, khi lần đầu tiên BRICS không thể ra tuyên bố chung kể từ khi được thành lập.
Rạn nứt do đâu?
Năm ngoái, Ấn Độ và Brazil đã đặt ra điều kiện để thỏa hiệp mở rộng BRICS là các thành viên mới phải ủng hộ hai nước này cùng Nam Phi trở thành thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc họp vừa qua, Ai Cập và Ethiopia lại từ chối ký vào tuyên bố chung khi đề cập đến vấn đề này, vì không đạt được đồng thuận về việc lựa chọn quốc gia nào đại diện cho châu Phi tại cơ quan cao nhất của Liên Hợp Quốc. Với tư cách là bên chủ trì, ông Vieira cho rằng cả Ai Cập và Ethiopia đều hiểu điều kiện ràng buộc tư cách thành viên BRICS để họ được chấp nhận vào năm ngoái. Vì thế, trước diễn biến trên, ông đã quyết định chấm dứt cuộc họp.
Nhìn chung, đây là hệ quả tất yếu khi BRICS hành động theo cơ chế đồng thuận (consensus) nhưng lại luôn tồn tại những mâu thuẫn khó giải quyết trong nội bộ. Kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Moscow và Bắc Kinh dần cho thấy tham vọng mạnh mẽ hơn trong việc định vị BRICS như một nhóm đa phương chống lại phương Tây và trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn đầu. Cả Nga lẫn Trung Quốc đều muốn hạ bệ Mỹ khỏi vị trí bá quyền toàn cầu, và việc tăng cường đa phương hóa thông qua BRICS có vẻ như là con đường tốt nhất để tiến về tương lai mà họ mong đợi. Ngoài ra, hai quốc gia này cũng ủng hộ việc nhanh chóng mở rộng số lượng thành viên của BRICS như một cách thức để khuếch đại ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các thành viên khác của BRICS như Brazil hay Ấn Độ lại không cùng chia sẻ những góc nhìn của Trung Quốc và Nga. Thay vào đó, New Delhi và Brasilia muốn BRICS khuyến khích cải cách trật tự hiện tại, giúp chuyển biến thế giới từ đơn cực sang một hình thức đa cực thực sự hơn, trong đó các quốc gia có thể chung sống hài hòa giữa khối do Mỹ lãnh đạo với bên khác do Trung Quốc và Nga dẫn đầu.
Nói cách khác, Ấn Độ và Brazil vẫn muốn mình là những đại diện của lập trường không liên kết (non-aligned). Điều này thể hiện rất rõ qua việc hai nước này chủ yếu đứng ngoài cuộc khi nói đến cuộc chiến ở Ukraine, miễn cưỡng ủng hộ các nỗ lực cô lập Nga của phương Tây, nhưng cũng không muốn đứng về phía Moscow một cách rõ rệt. Đồng thời, cả hai đã tranh thủ các lợi ích kinh tế từ sự chuyển hướng dòng chảy thương mại do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga gây ra.
Cụ thể, Brazil đã thu mua phân bón Nga với giá rẻ, và là một trong những nước mua dầu diesel từ Nga lớn nhất trong năm 2023. Tương tự, Ấn Độ cũng nhập khẩu số lượng lớn dầu Nga với mức giá chiết khấu, và hồi tháng 6 vừa qua, Nga đã lần đầu tiên gửi hai chuyến tàu chở đầy than đến quốc gia Nam Á này thông qua Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc - Nam (International North - South Transport Corridor), kết nối Moscow với New Delhi qua trung gian là Tehran.
Bất chấp gia tăng thương mại với Nga, cả Ấn Độ lẫn Brazil đều không cho thấy mong muốn cắt đứt quan hệ với phương Tây hoặc tự đưa mình vào một khối chống phương Tây. Do đó, không khó hiểu khi hai nước này đều cảnh giác với xu hướng cứng rắn hơn của BRICS. Chẳng hạn, vào tháng 8/2023, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã thẳng thừng bác bỏ việc xem BRICS là đối trọng với Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) do Mỹ dẫn đầu.
Ngoài ra, New Delhi và Brasilia từng phản đối đề xuất của Trung Quốc về việc tạo ra “BRICS Plus” (kết nạp thêm các thành viên mới), vì lo ngại rằng thêm nhiều quốc gia vào khối sẽ làm giảm ảnh hưởng của chính những thành viên chủ chốt.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao để gây sức ép buộc Brazil và Ấn Độ phải ủng hộ việc mở rộng. Trước sức ép đó cũng như không muốn đánh mất sức ảnh hưởng đối với các nước Nam Bán cầu (Global South), Ấn Độ đã từ bỏ sự phản đối, khiến Brazil không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận. Quốc gia Nam Mỹ đã cố gắng nhằm không để mọi chuyện tồi tệ hơn khi vận động hành lang để chống lại việc kết nạp bất kỳ quốc gia nào có tư tưởng chống phương Tây. Tuy nhiên, động thái này cũng không thành công khi Iran (một quốc gia bị Mỹ áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt) nằm trong nhóm bốn quốc gia được bổ sung vào BRICS đầu năm nay (cùng với Ai Cập, Ethiopia và UAE).
Chính những quốc gia mới này cũng góp phần vào sự khác biệt về quan điểm trong nội bộ BRICS, làm gia tăng nguy cơ chia rẽ bên trong khối. Mặc dù Tổng thống mới của Iran là Masoud Pezeshkian mong muốn cải thiện quan hệ với châu Âu, nhưng dẫu thế nào đi nữa, quốc gia này vẫn nghiêng về lập trường chống phương Tây như Nga và Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, UAE, Ai Cập và Ethiopia ít nhiều có thiện cảm với phương Tây. UAE từ lâu là đồng minh của Washington, và đầu tư đáng kể vào cường quốc này. Trong khi đó, để giải quyết những thách thức về kinh tế đang đối mặt, Ai Cập gần đây đã xin khoản vay 8 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do phương Tây sáng lập. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra với Ethiopia khi nước này vừa vay IMF 3,4 tỷ USD.
Nhìn chung, các thách thức hiện nay đối với cơ chế đồng thuận của BRICS là ủng hộ ai trở thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, giải quyết sự khác biệt trong cách nhìn nhận trật tự đa cực của các thành viên, góc nhìn đối với phương Tây, và sự khác nhau trong quan điểm về quy mô của khối.
Rạn nứt có dẫn đến sụp đổ?
Trong thời gian tới, những mâu thuẫn trong BRICS có khả năng sẽ gia tăng nhưng không có nguy cơ khiến cơ chế này tan rã. Nhìn chung, tất cả các thành viên vẫn có sự đồng thuận về một số vấn đề cơ bản như xu hướng tất yếu của trật tự thế giới hiện nay là chuyển từ đơn cực do Mỹ lãnh đạo, sang mô hình đa cực với sự cạnh tranh giữa các trung tâm quyền lực. Trong đó, nhóm BRICS vẫn là nền tảng quan trọng để định hình tích cực quá trình trên.
Cơ chế này cũng cung cấp một nền tảng cần thiết cho các quốc gia thành viên để hợp tác về thương mại, tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và trao đổi tài chính, đồng thời giúp đa dạng hóa, giảm sự phụ thuộc vào các thể chế phương Tây như IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Chính việc khuyến khích thương mại và đầu tư trong khối để tăng cường năng lực tự chủ đang tạo ra sức hấp dẫn rất lớn, qua đó giúp BRICS ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia Nam Bán cầu.
Trong thời gian qua, có ba quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS là Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia. Ngoài ra, hiện có hơn 40 nước khác bày tỏ mối quan tâm đến BRICS nhưng chưa chính thức nộp đơn. Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sắp tới tại Kazan, dự kiến sẽ có các đoàn đại biểu từ 126 quốc gia đến tham dự diễn đàn. Những con số kể trên cho thấy sức hấp dẫn không hề giảm sút của BRICS, bất chấp những mâu thuẫn trong nội bộ hiện nay.
Mặc dù vậy, có lẽ để xoa dịu Ấn Độ và Brazil, hồi tháng 6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết BRICS hiện đang tạm dừng kết nạp thành viên mới. Thay vào đó, Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới có thể sẽ thảo luận về một hình thức khác, gọi là nhóm đối tác BRICS (‘BRICS partner’ group), với quy mô 10 quốc gia/nhóm. Trong đó, các quốc gia đối tác được phép tham gia vào tất cả các cơ quan và các phiên thảo luận, nhưng không có quyền biểu quyết.
Cũng liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, Nga - với tư cách chủ nhà - nhiều khả năng sẽ tận dụng sự kiện này như một phương tiện để thúc đẩy các nước thành viên BRICS tham gia vào tham vọng tạo ra một hệ thống thanh toán mới cho dầu mỏ, gọi là petroyuan, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Thách thức chính đối với petroyuan là phải cung cấp đủ nhân dân tệ (NDT) cho các quốc gia nhập khẩu dầu lớn như Ấn Độ. Tuy nhiên, vì không có thặng dư tài khoản vãng lai với Trung Quốc, nên các quốc gia nhập khẩu dầu lớn có thể không kiếm đủ NDT để thanh toán. Do đó, phải cùng chờ xem các quốc gia BRICS có thể đồng lòng giải quyết bài toán này hay không, trong bối cảnh những quốc gia như Ai Cập hay Ethiopia vẫn phải phụ thuộc vào đồng USD để giải quyết khó khăn về kinh tế của đất nước.
Tóm lại, BRICS vẫn sẽ là một nhóm đối tác đa phương quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong thời gian tới, dù cho những thách thức trong nội bộ khó có thể được giải quyết triệt để. Sức ảnh hưởng đó sẽ ngày càng lôi kéo thêm nhiều quốc gia mong muốn trở thành thành viên, đòi hỏi các nước chủ chốt phải tìm ra phương án phù hợp để hài hòa lợi ích giữa một bên là Nga, Trung Quốc (ủng hộ mở rộng càng nhiều càng tốt), với một bên là Ấn Độ, Brazil (ủng hộ xu hướng ngược lại). Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới tại Kazan chính là sự kiện quan trọng để đánh giá liệu BRICS có thể tạo ra bước đột phá nào về cách thức mở rộng khối, nỗ lực phi dollar hóa, hay lại rơi vào tình trạng bế tắc như những gì vừa diễn ra ở New York.
Ngày 26/9, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã tổ chức cuộc họp giữa các Ngoại trưởng tại New York (Mỹ), bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Sự kiện lần này do Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira chủ trì, với kế hoạch ban đầu là sẽ thông qua một văn kiện gồm 52 đoạn về nhiều vấn đề, như xung đột Trung Đông, kế hoạch về một đồng tiền chung, các cuộc thảo luận sơ bộ về việc kết nạp thành viên mới tại Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến tổ chức vào tháng 10 tại Kazan (Nga).
Tuy nhiên, cuộc họp vừa qua đã kết thúc trong bế tắc, khi lần đầu tiên BRICS không thể ra tuyên bố chung kể từ khi được thành lập.
Rạn nứt do đâu?
Năm ngoái, Ấn Độ và Brazil đã đặt ra điều kiện để thỏa hiệp mở rộng BRICS là các thành viên mới phải ủng hộ hai nước này cùng Nam Phi trở thành thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc họp vừa qua, Ai Cập và Ethiopia lại từ chối ký vào tuyên bố chung khi đề cập đến vấn đề này, vì không đạt được đồng thuận về việc lựa chọn quốc gia nào đại diện cho châu Phi tại cơ quan cao nhất của Liên Hợp Quốc. Với tư cách là bên chủ trì, ông Vieira cho rằng cả Ai Cập và Ethiopia đều hiểu điều kiện ràng buộc tư cách thành viên BRICS để họ được chấp nhận vào năm ngoái. Vì thế, trước diễn biến trên, ông đã quyết định chấm dứt cuộc họp.
Nhìn chung, đây là hệ quả tất yếu khi BRICS hành động theo cơ chế đồng thuận (consensus) nhưng lại luôn tồn tại những mâu thuẫn khó giải quyết trong nội bộ. Kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Moscow và Bắc Kinh dần cho thấy tham vọng mạnh mẽ hơn trong việc định vị BRICS như một nhóm đa phương chống lại phương Tây và trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn đầu. Cả Nga lẫn Trung Quốc đều muốn hạ bệ Mỹ khỏi vị trí bá quyền toàn cầu, và việc tăng cường đa phương hóa thông qua BRICS có vẻ như là con đường tốt nhất để tiến về tương lai mà họ mong đợi. Ngoài ra, hai quốc gia này cũng ủng hộ việc nhanh chóng mở rộng số lượng thành viên của BRICS như một cách thức để khuếch đại ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các thành viên khác của BRICS như Brazil hay Ấn Độ lại không cùng chia sẻ những góc nhìn của Trung Quốc và Nga. Thay vào đó, New Delhi và Brasilia muốn BRICS khuyến khích cải cách trật tự hiện tại, giúp chuyển biến thế giới từ đơn cực sang một hình thức đa cực thực sự hơn, trong đó các quốc gia có thể chung sống hài hòa giữa khối do Mỹ lãnh đạo với bên khác do Trung Quốc và Nga dẫn đầu.
Nói cách khác, Ấn Độ và Brazil vẫn muốn mình là những đại diện của lập trường không liên kết (non-aligned). Điều này thể hiện rất rõ qua việc hai nước này chủ yếu đứng ngoài cuộc khi nói đến cuộc chiến ở Ukraine, miễn cưỡng ủng hộ các nỗ lực cô lập Nga của phương Tây, nhưng cũng không muốn đứng về phía Moscow một cách rõ rệt. Đồng thời, cả hai đã tranh thủ các lợi ích kinh tế từ sự chuyển hướng dòng chảy thương mại do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga gây ra.
Cụ thể, Brazil đã thu mua phân bón Nga với giá rẻ, và là một trong những nước mua dầu diesel từ Nga lớn nhất trong năm 2023. Tương tự, Ấn Độ cũng nhập khẩu số lượng lớn dầu Nga với mức giá chiết khấu, và hồi tháng 6 vừa qua, Nga đã lần đầu tiên gửi hai chuyến tàu chở đầy than đến quốc gia Nam Á này thông qua Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc - Nam (International North - South Transport Corridor), kết nối Moscow với New Delhi qua trung gian là Tehran.
Bất chấp gia tăng thương mại với Nga, cả Ấn Độ lẫn Brazil đều không cho thấy mong muốn cắt đứt quan hệ với phương Tây hoặc tự đưa mình vào một khối chống phương Tây. Do đó, không khó hiểu khi hai nước này đều cảnh giác với xu hướng cứng rắn hơn của BRICS. Chẳng hạn, vào tháng 8/2023, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã thẳng thừng bác bỏ việc xem BRICS là đối trọng với Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) do Mỹ dẫn đầu.
Ngoài ra, New Delhi và Brasilia từng phản đối đề xuất của Trung Quốc về việc tạo ra “BRICS Plus” (kết nạp thêm các thành viên mới), vì lo ngại rằng thêm nhiều quốc gia vào khối sẽ làm giảm ảnh hưởng của chính những thành viên chủ chốt.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao để gây sức ép buộc Brazil và Ấn Độ phải ủng hộ việc mở rộng. Trước sức ép đó cũng như không muốn đánh mất sức ảnh hưởng đối với các nước Nam Bán cầu (Global South), Ấn Độ đã từ bỏ sự phản đối, khiến Brazil không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận. Quốc gia Nam Mỹ đã cố gắng nhằm không để mọi chuyện tồi tệ hơn khi vận động hành lang để chống lại việc kết nạp bất kỳ quốc gia nào có tư tưởng chống phương Tây. Tuy nhiên, động thái này cũng không thành công khi Iran (một quốc gia bị Mỹ áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt) nằm trong nhóm bốn quốc gia được bổ sung vào BRICS đầu năm nay (cùng với Ai Cập, Ethiopia và UAE).
Chính những quốc gia mới này cũng góp phần vào sự khác biệt về quan điểm trong nội bộ BRICS, làm gia tăng nguy cơ chia rẽ bên trong khối. Mặc dù Tổng thống mới của Iran là Masoud Pezeshkian mong muốn cải thiện quan hệ với châu Âu, nhưng dẫu thế nào đi nữa, quốc gia này vẫn nghiêng về lập trường chống phương Tây như Nga và Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, UAE, Ai Cập và Ethiopia ít nhiều có thiện cảm với phương Tây. UAE từ lâu là đồng minh của Washington, và đầu tư đáng kể vào cường quốc này. Trong khi đó, để giải quyết những thách thức về kinh tế đang đối mặt, Ai Cập gần đây đã xin khoản vay 8 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do phương Tây sáng lập. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra với Ethiopia khi nước này vừa vay IMF 3,4 tỷ USD.
Nhìn chung, các thách thức hiện nay đối với cơ chế đồng thuận của BRICS là ủng hộ ai trở thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, giải quyết sự khác biệt trong cách nhìn nhận trật tự đa cực của các thành viên, góc nhìn đối với phương Tây, và sự khác nhau trong quan điểm về quy mô của khối.
Rạn nứt có dẫn đến sụp đổ?
Trong thời gian tới, những mâu thuẫn trong BRICS có khả năng sẽ gia tăng nhưng không có nguy cơ khiến cơ chế này tan rã. Nhìn chung, tất cả các thành viên vẫn có sự đồng thuận về một số vấn đề cơ bản như xu hướng tất yếu của trật tự thế giới hiện nay là chuyển từ đơn cực do Mỹ lãnh đạo, sang mô hình đa cực với sự cạnh tranh giữa các trung tâm quyền lực. Trong đó, nhóm BRICS vẫn là nền tảng quan trọng để định hình tích cực quá trình trên.
Cơ chế này cũng cung cấp một nền tảng cần thiết cho các quốc gia thành viên để hợp tác về thương mại, tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và trao đổi tài chính, đồng thời giúp đa dạng hóa, giảm sự phụ thuộc vào các thể chế phương Tây như IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Chính việc khuyến khích thương mại và đầu tư trong khối để tăng cường năng lực tự chủ đang tạo ra sức hấp dẫn rất lớn, qua đó giúp BRICS ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia Nam Bán cầu.
Trong thời gian qua, có ba quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS là Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia. Ngoài ra, hiện có hơn 40 nước khác bày tỏ mối quan tâm đến BRICS nhưng chưa chính thức nộp đơn. Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS sắp tới tại Kazan, dự kiến sẽ có các đoàn đại biểu từ 126 quốc gia đến tham dự diễn đàn. Những con số kể trên cho thấy sức hấp dẫn không hề giảm sút của BRICS, bất chấp những mâu thuẫn trong nội bộ hiện nay.
Mặc dù vậy, có lẽ để xoa dịu Ấn Độ và Brazil, hồi tháng 6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết BRICS hiện đang tạm dừng kết nạp thành viên mới. Thay vào đó, Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới có thể sẽ thảo luận về một hình thức khác, gọi là nhóm đối tác BRICS (‘BRICS partner’ group), với quy mô 10 quốc gia/nhóm. Trong đó, các quốc gia đối tác được phép tham gia vào tất cả các cơ quan và các phiên thảo luận, nhưng không có quyền biểu quyết.
Cũng liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, Nga - với tư cách chủ nhà - nhiều khả năng sẽ tận dụng sự kiện này như một phương tiện để thúc đẩy các nước thành viên BRICS tham gia vào tham vọng tạo ra một hệ thống thanh toán mới cho dầu mỏ, gọi là petroyuan, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Thách thức chính đối với petroyuan là phải cung cấp đủ nhân dân tệ (NDT) cho các quốc gia nhập khẩu dầu lớn như Ấn Độ. Tuy nhiên, vì không có thặng dư tài khoản vãng lai với Trung Quốc, nên các quốc gia nhập khẩu dầu lớn có thể không kiếm đủ NDT để thanh toán. Do đó, phải cùng chờ xem các quốc gia BRICS có thể đồng lòng giải quyết bài toán này hay không, trong bối cảnh những quốc gia như Ai Cập hay Ethiopia vẫn phải phụ thuộc vào đồng USD để giải quyết khó khăn về kinh tế của đất nước.
Tóm lại, BRICS vẫn sẽ là một nhóm đối tác đa phương quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong thời gian tới, dù cho những thách thức trong nội bộ khó có thể được giải quyết triệt để. Sức ảnh hưởng đó sẽ ngày càng lôi kéo thêm nhiều quốc gia mong muốn trở thành thành viên, đòi hỏi các nước chủ chốt phải tìm ra phương án phù hợp để hài hòa lợi ích giữa một bên là Nga, Trung Quốc (ủng hộ mở rộng càng nhiều càng tốt), với một bên là Ấn Độ, Brazil (ủng hộ xu hướng ngược lại). Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới tại Kazan chính là sự kiện quan trọng để đánh giá liệu BRICS có thể tạo ra bước đột phá nào về cách thức mở rộng khối, nỗ lực phi dollar hóa, hay lại rơi vào tình trạng bế tắc như những gì vừa diễn ra ở New York.
Từ khoá: BRICS Ngoại trưởng BRICS Nga Trung Quốc tuyên bố chung