Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam kể từ khi EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” vào tháng 10/2017.
Vậy, “thẻ vàng” của EC có ý nghĩa gì?
Năm 2008, EC đã thiết lập khung pháp lý (Quyết định số 1005/2008) nhằm ngăn chặn, răn đe và loại bỏ việc buôn bán các sản phẩm hải sản vi phạm IUU vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Khung pháp lý này cho phép EU - thị trường tiêu thụ hải sản lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Indonesia), đưa ra cảnh báo chính thức (thẻ vàng) đối với các quốc gia ngoài liên minh có biện pháp không đủ mạnh để chống lại hoạt động đánh bắt IUU.
Nếu không cải thiện, các quốc gia này có thể bị cấm xuất khẩu hải sản vào thị trường EU (thẻ đỏ) và chịu các hình phạt khác. Tính đến năm 2023, EC đã đưa ra cảnh báo cho 27 quốc gia, trong đó 6 nước nhận thẻ đỏ (Belize, Campuchia, Guinea, Sri Lanka, St Vincent và Grenadines, và Comoros).
Tại Đông Nam Á, có 4 nước bị cảnh báo thẻ vàng là Campuchia (năm 2012), Philippines (2014), Thái Lan (năm 2015), và Việt Nam (năm 2017). Trong đó, Phillipines và Thái Lan đã được gỡ thẻ vàng chỉ sau 1 – 4 năm, trong khi Campuchia đã nhận thêm thẻ đỏ chỉ sau 1 năm và vẫn chưa gỡ được, còn Việt Nam vẫn phải chịu thẻ vàng sau suốt 7 năm.
Những năm gần đây, tình trạng đánh bắt quá mức khiến nguồn lợi thủy sản trong vùng biển nội địa của Việt Nam suy giảm nghiêm trọng. Thêm vào đó, căng thẳng leo thang ở Biển Đông, vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, đã khiến hoạt động đánh bắt trở nên nguy hiểm và đầy thách thức. Tương tự như ngư dân Philippines, tàu cá Việt Nam thường xuyên bị quấy rối và thậm chí bị tấn công bởi lực lượng dân quân biển và tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc. Hậu quả là nhiều ngư dân Việt Nam buộc phải chuyển hướng sang đánh bắt ở vùng biển của các nước khác, góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề đánh bắt IUU.
Tác động của thẻ vàng IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam
Từ năm 2017 đến nay, việc bị áp dụng thẻ vàng đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với ngành thủy sản trong nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU. Kể từ khi Việt Nam “vướng” phải thẻ vàng, gần 100% hàng hóa thủy sản xuất khẩu sang EU bị dừng tại hải quan để kiểm tra. Điều này không chỉ làm tăng chi phí và thời gian thông quan mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc đảm bảo tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu đánh bắt. Một trong những vấn đề nổi cộm là quá trình cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) tại nhiều cảng cá đang diễn ra với tốc độ chậm chạp, kéo dài từ vài tuần đến vài tháng sau khi sản phẩm đánh bắt đã được vận chuyển về các cơ sở chế biến. Trong một số trường hợp, thời gian chờ đợi có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng.
Sự chậm trễ về quy trình hành chính có thể khiến ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là khi xét đến thị trường EU. Việc kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận có thể làm gia tăng đáng kể chi phí hậu cần - vận tải (logistics), từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm thủy sản Việt Nam. Sự chậm trễ này còn có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm, một yếu tố quan trọng giúp duy trì uy tín và vị thế của ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU sụt giảm nghiêm trọng sau khi nước này chịu thẻ vàng của EC. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU đã giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD vào năm 2019 và tiếp tục giảm thêm 6% vào năm 2020 dưới tác động kép của đại dịch COVID-19. Đà giảm chỉ bắt đầu đảo chiều kể từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đưa kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU tăng trở lại 12,3% vào năm 2021. Tuy nhiên, nếu không sớm tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng, ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ không thể tận dụng được tối đa nguồn lợi thương mại do EVFTA mang lại.
Cảnh báo thẻ vàng của EC không chỉ đặt xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường EU trước nhiều thách thức, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của toàn ngành thủy sản Việt Nam trong thương mại quốc tế. Việc bị cảnh báo thẻ vàng IUU có thể tạo ra những lo ngại về tính minh bạch và bền vững trong hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và các đối tác quốc tế khác.
“Quyết tâm” của toàn hệ thống chính trị trong việc gỡ thẻ vàng IUU
Để hoá giải thách thức, Việt Nam đã thể hiện “quyết tâm” mạnh mẽ trong việc khắc phục các tồn tại và gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng IUU. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết gần đây Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị [Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản] yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào cuộc chiến chống khai thác IUU. Điều này cho thấy vấn đề IUU đã được nâng lên thành một ưu tiên cấp quốc gia, không chỉ giới hạn trong phạm vi ngành thủy sản.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ đón Đoàn thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC) lần thứ 5 sang làm việc vào tháng 10, liên quan đến vấn đề thanh tra, hoàn thiện hồ sơ để xem xét tháo gỡ thẻ vàng cho Việt Nam. Để chuẩn bị cho đợt thanh tra này, giữa năm nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã làm việc với Đại sứ EU tại Việt Nam cũng như với các địa phương để thúc đẩy tiến trình gỡ thẻ vàng. Trong cuộc họp vào ngày 8/4 với Đại sứ và trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Julien Guerrier, ông Lê Minh Hoan đã đề nghị EU xem xét sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng cho Việt Nam. Chỉ vài ngày sau, trong một cuộc tiếp xúc với ngư dân ở thành phố Vũng Tàu, Bộ trưởng Hoan cũng đã bày tỏ rằng: “Tôi mong muốn bà con và các doanh nghiệp hãy cùng hành động để không chỉ vì IUU (đánh bắt thủy sản trái phép, không theo quy định) mà còn vì hình ảnh của quốc gia, của đất nước” và “vì thế hệ mai sau”.
Một nỗ lực cụ thể của Việt Nam để thể hiện quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng của EC là việc hoàn thiện khung pháp lý để xử lý các vi phạm IUU. Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, đã quy định việc xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm IUU nghiêm trọng, bao gồm việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, phát triển bền vững ngành thủy sản… do người chủ mưu, người môi giới, tổ chức xuất cảnh, nhập cảnh tiến hành.
Nghị quyết số 04 đề ra các quy định quan trọng về xử lý hình sự đối với vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Một số mức phạt cụ thể có thể kể đến như thuyền trưởng hoặc chủ tàu tổ chức khai thác trái phép ngoài vùng biển Việt Nam có thể bị phạt tù 1-5 năm theo Điều 349 của Bộ Luật Hình sự 2015. Nghị quyết cũng hướng dẫn áp dụng 5 tình tiết định khung của tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo Điều 242 của Bộ Luật Hình sự 2015, bao gồm sử dụng phương tiện bị cấm, khai thác trong khu vực cấm hoặc khai thác loài bị cấm, với mức phạt có thể lên đến 3 năm tù. Đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý hiếm, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 244 của Bộ Luật Hình sự 2015 với mức phạt tương tự...
Bàn về vấn đề hình sự hoá xử lý vi phạm IUU, vào tháng 4, ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng lúc bấy giờ, đã nhấn mạnh rằng tuy đây có thể là “việc đau lòng nhưng nếu không mạnh tay thì không gỡ được 'thẻ vàng' đối với thủy sản xuất khẩu vào EU. Ngược lại, nếu xử đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ thì Việt Nam có cơ hội gỡ được 'thẻ vàng' trong đợt thanh tra lần thứ 5 của EC dự kiến vào tháng 9-10 tới”. Khung phạt hình sự đối với việc vi phạm IUU cho thấy Việt Nam thực sự coi việc tháo gỡ thẻ vàng là nhiệm vụ cấp thiết, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Hà Nội trong việc răn đe và xử lý triệt để các hành vi vi phạm của ngư dân.
Nỗ lực thứ hai là việc áp dụng công nghệ số vào tiến trình quản lý và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản. Điển hình là Cục Thủy sản đã phát triển một ứng dụng có tên Hệ thống Truy xuất Nguồn gốc Điện tử Thuỷ sản Việt Nam (eCDT) và triển khai tập huấn cách sử dụng ứng dụng cho cộng đồng ngư dân, qua đó giúp nâng cao mức độ minh bạch hóa nguồn gốc thủy sản.
Ứng dụng eCDT có thể được cài đặt trên điện thoại thông minh của các thuyền trưởng và thuyền viên với các chức năng chính nhằm đáp ứng yêu cầu khai báo và truy xuất nguồn gốc theo quy định, gồm: quản lý tàu cá xuất cảng, ghi nhận thông tin tàu và thuyền viên, ghi chép sản lượng khai thác qua nhật ký điện tử, quản lý tàu vào cảng, cập nhật và giám sát sản lượng lên cảng, cấp biên nhận bốc dỡ và mua cá tại cảng, cấp giấy xác nhận và chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu. Việc triển khai ứng dụng eCDT giúp các đơn vị chuyên môn quản lý hiệu quả hơn hoạt động khai thác thủy sản, đồng thời tạo cơ sở dữ liệu đáng tin cậy phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc và quản lý nguồn lợi thủy sản.
Trước những quyết tâm mạnh mẽ từ trung ương, các ban, ngành tại các địa phương có nghề đánh bắt thuỷ sản cũng nỗ lực triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Để thúc đẩy việc sử dụng ứng dụng eCDT, Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng đã triển khai tập huấn cho chủ tàu, thuyền trưởng về cách sử dụng ứng dụng này và bố trí nhân lực hỗ trợ 24/7 tại các đội điều hành cảng nhằm cung cấp hướng dẫn trực tiếp cho việc khai báo điện tử khi tàu xuất nhập cảng. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tuân thủ các quy định về đánh bắt thủy sản, thông qua việc hoàn thành rà soát toàn bộ số lượng tàu cá để cập nhật 100% vào cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia, đồng thời nâng cao tỷ lệ đăng kiểm tàu lên gần 86% và hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 96,82% tàu cá. Các cơ quan chức năng ở Vũng Tàu cũng đã tiến hành xử phạt nghiêm minh đối với những chủ tàu vi phạm quy định, như hoạt động mà không có giấy phép khai thác hoặc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình đã bị phạt, với tổng số tiền lên đến hơn 1,3 tỷ đồng.
Thách thức vẫn còn đó
Dù đã nỗ lực đáng kể, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình gỡ thẻ vàng của EC, chủ yếu xoay quanh vấn đề năng lực giám sát, thực thi pháp luật, và khả năng áp dụng đồng bộ hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc thuỷ sản dựa trên công nghệ.
Thứ nhất, thách thức đối với việc giám sát hoạt động đánh bắt trên biển gồm cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Cụ thể, kinh phí và nguồn lực cho tổ chức thực hiện quản lý ngành thuỷ sản, nhất là nguồn lực dành cho lực lượng kiểm ngư, còn khá eo hẹp so với yêu cầu ngày càng tăng của công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm ngư Việt Nam vẫn còn gặp phải một số hạn chế như sự phối hợp giữa trung ương và địa phương chưa đồng bộ, thiếu cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao phù hợp với đặc thù hoạt động trên biển, dẫn đến số lượng nhân sự thiếu hụt so với yêu cầu nhiệm vụ và hoạt động của đội tàu kiểm ngư, đặc biệt ở cấp địa phương.
Cũng cần chú ý là hoạt động điều tra, xác minh, xử lý các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm ở vùng biển nước ngoài, gửi, tắt hệ thống giám sát tàu cá VMS (Vessel Monitoring System)… chưa được xử lý quyết liệt. Việc giám sát các vùng biển xa bờ còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như mưa to, gió mạnh, giông lốc bất chợt…
Thứ hai, công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực đánh bắt hải sản tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việc xử lý các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp chưa đủ nghiêm minh, với hình phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng tái phạm phổ biến, bất chấp tuyên bố của EC trong đợt thanh tra ở Việt Nam vào cuối năm 2022 rằng cơ quan này sẽ không gỡ cảnh báo thẻ vàng nếu tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm IUU vẫn xảy ra.
Sau 6 năm bị gắn thẻ vàng, đến năm 2023, Việt Nam vẫn xử phạt lên đến hơn 90 tỷ đồng các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Trong quý 3/2023 và quý 1/2024, Việt Nam vẫn ghi nhận 115 trường hợp tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển, 2.200 lượt tàu cá mất kết nối trên 6 giờ trên biển và 14 trường hợp vượt ranh giới biển cho phép.
Chưa dừng lại ở đó, tình trạng hối lộ và tham nhũng tại một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và thực thi pháp luật. Năm 2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố hai đối tượng là công chức của Chi cục Thủy sản tỉnh, gồm Trưởng phòng tàu cá và dịch vụ tàu cá và Phó Trưởng phòng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản về hành vi nhận hối lộ của chủ tàu để bỏ qua lỗi vi phạm niêm phong máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh VX1700 trên các tàu cá.
Thứ ba, hệ thống quản lý thông tin trong ngành thủy sản Việt Nam còn nhiều điểm yếu. Đến tháng 6 năm nay, Tổng Cục Thuỷ sản Việt Nam vẫn ghi nhận thực trạng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử eCDT chưa triển khai đồng bộ ở nhiều cảng cá, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhận thức của nhiều ngư dân về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc và các quy định liên quan vẫn còn hạn chế, nhất là với yêu cầu ghi chép nhật ký hành trình của thuyền trưởng. Ở tỉnh Cà Mau vào năm 2020 ghi nhận một trong những nguyên nhân khiến công tác xác nhận nguồn gốc thuỷ sản gặp khó khăn là do việc ghi chép nhật ký của thuyền trưởng còn “quá sơ sài”. Đến cuối năm 2023, vấn đề này vẫn còn tiếp diễn ở Quảng Ngãi, khi cơ quan chức năng của tỉnh ghi nhận mức chênh lệch 20% trong sản lượng khai báo trước khi tàu cập cảng và sản lượng sau khi qua cảng, vì thông tin trong nhật ký khai thác thủy sản “vừa thiếu, lại không chính xác”.
Đó là chưa kể, quá trình chuyển đổi sang ghi chép nhật ký hành trình trên ứng dụng eCDT còn nhiều bất cập do hạn chế về năng lực và nguồn lực công nghệ của ngư dân. Nhiều thuyền trưởng không có điện thoại thông minh để sử dụng ứng dụng. Bên cạnh đó, môi trường đánh bắt trên tàu không những hạn chế về kết nối internet mà còn khá ẩm ướt, khiến nước biển dễ xâm nhập thiết bị điện tử, gây khó khăn cho việc khai báo thông tin trên ứng dụng di động.
Triển vọng gỡ thẻ vàng IUU
Với sự “quyết liệt” của cả hệ thống chính trị và nỗ lực cải thiện từ trung ương đến địa phương, Việt Nam đã tạo được những chuyển biến đáng kể trong việc khắc phục các khuyến nghị của EC. Điều này được thể hiện qua nhận định của Đại sứ Julien Guerrier rằng “đã đến giai đoạn để có thể gỡ bỏ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam”. Song, ông Guerrier vẫn không quên nhấn mạnh rằng “trách nhiệm nằm ở phía các bạn [Việt Nam] để chứng minh cho thế giới thấy trách nhiệm kiểm soát nguồn lợi thủy sản minh bạch và hợp pháp”.
Vẫn cần thời gian để các bên liên quan nhận thấy được rõ nét hơn hiệu quả của các biện pháp mà Việt Nam đã tích cực triển khai trong thời gian qua, cũng như giải pháp cho những hạn chế còn tồn tại. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, việc thay đổi thói quen và nâng cao ý thức của ngư dân, cũng như hoàn thiện hệ thống giám sát và truy xuất nguồn gốc đòi hỏi thời gian và sự kiên trì.
Do đó, khả năng gỡ thẻ vàng trong đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, dự kiến vào tháng 10 năm nay, vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là việc giải quyết hiệu quả những thách thức liên quan đến nguồn lực giám sát hoạt động đánh bắt trên biển, công tác xử lý vi phạm IUU, và hệ thống quản lý thông tin của ngành thủy sản Việt Nam.
Để có thể gỡ thẻ vàng IUU trong tương lai gần, Việt Nam cần tiếp tục duy trì quyết tâm chính trị mạnh mẽ, đồng thời tăng cường đầu tư vào công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân. Bên cạnh đó, Hà Nội cần hợp tác chặt chẽ với EU và các đối tác quốc tế, đặc biệt là hai quốc gia quốc gia Đông Nam Á đã được EC gỡ thẻ vàng là Thái Lan (chỉ sau 4 năm, từ năm 2015 đến 2019) và Philippines (chỉ sau 1 năm, từ năm 2014 đến 2015), để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình khắc phục các hạn chế.
Cuối cùng, để loại bỏ triệt để vấn nạn IUU, việc áp dụng công nghệ quản lý thông tin hay tăng cường chế tài chỉ là một số khía cạnh của giải pháp chung. Bản thân chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận thực tế là tình trạng một số tàu cá tái phạm các quy định về chống khai thác IUU bắt nguồn từ nhu cầu “mưu sinh” của ngư dân. Nếu chính phủ chỉ đưa ra chế tài xử phạt - tức lấy đi của cải của người dân mà không chú ý đến các giải pháp dài hạn để hỗ trợ nâng cao năng lực vươn khơi bám biển, chuyển đổi sinh kế cho ngư dân, để họ không còn cảm thấy cần thiết phải vi phạm IUU, thì mọi biện pháp dù được triển khai quyết liệt đến đâu cũng chỉ giải quyết được phần nổi của tảng băng chìm. Và khi đó, chính phủ trở thành lực lượng quay lưng lại với ngư dân thay vì đồng hành trên con đường hỗ trợ sinh kế cho họ theo đúng tôn chỉ “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”.
Tựu trung, việc gỡ thẻ vàng IUU là một thách thức dai dẳng mà Việt Nam đang nỗ lực hoá giải, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản. Với quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước và những tiến bộ đã đạt được, Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vào khả năng gỡ bỏ thẻ vàng IUU trong tương lai gần.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được (thay vì chỉ tập trung vào các giải pháp “tạm thời” để rồi lại sẽ bị vướng thẻ vàng trong tương lai), đồng thời tiếp tục đổi mới và hoàn thiện để xây dựng một ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững với tinh thần tôn trọng pháp luật trong nước và cả các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho ngư dân như trang bị phương tiện kỹ thuật và kiến thức pháp lý.