Án tử hình vẫn hợp hiến, Đài Loan đang ở đâu trên tiến trình dân chủ?
Đài Loan là một trong những nền dân chủ hàng đầu châu Á, nơi người dân được đảm bảo các quyền cơ bản, bao gồm quyền được sống. Tuy nhiên, việc hình phạt tử hình vẫn được duy trì liệu có mâu thuẫn với một xã hội dân chủ, khoan dung? Đài Loan đang chịu những áp lực nào trên con đường hướng đến một tương lai không còn án tử hình?


Quyết định của Tòa án Hiến pháp
Vào ngày 20/9/2024, Tòa án Hiến pháp của Đài Loan đã đưa ra phán quyết rằng căn cứ theo các quy trình pháp lý chặt chẽ hơn và với các đảm bảo về mặt thể chế, án tử hình vẫn hợp hiến và chỉ áp dụng cho tội cố ý giết người trong những trường hợp có tình tiết “nghiêm trọng nhất” (the most serious). Tòa án cũng phán quyết rằng án tử hình không được áp dụng đối với bất kỳ cá nhân nào mắc chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng.
Sự kiện bắt đầu từ đơn thỉnh cầu xem xét lại hiến pháp của 37 tử tù tại Đài Loan, làm dấy lên tranh luận rằng liệu án tử hình có vi hiến hay không dựa trên các nguyên tắc về quyền sống, nhân phẩm và mức độ tương xứng giữa hình phạt và mức độ nghiêm trọng của tội phạm.
Trong phiên tranh luận vào ngày 23/4/2024, Tòa án Hiến pháp xem xét thêm đơn thỉnh cầu do Vương Tân Phúc (Wang Xin-fu), người lớn tuổi nhất trong số các tử tù tại Đài Loan, đệ trình vào năm 2022. Phiên tranh luận tập trung vào hai vấn đề: (1) án tử hình, một hình phạt được pháp luật quy định, có hợp hiến? và (2) nếu án tử hình được xác định là hợp hiến, tòa án có nên hạn chế các loại tội phạm mà án tử hình có thể áp dụng?
Phán quyết của Tòa án đã đưa ra lời giải cho hai vấn đề trên, rằng án tử hình (1) vẫn hợp hiến và (2) áp dụng cho những loại tội phạm nghiêm trọng nhất. Tòa xác định rằng “cố ý giết người” là loại tội phạm nghiêm trọng nhất, có thể chịu án tử hình và chỉ được áp dụng trong những trường hợp có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng; tuy nhiên, tòa không cung cấp các cơ sở cụ thể để đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Một điểm gây tranh cãi là mặc dù Tòa viện dẫn quyền sống trong phán quyết, nhưng cũng khẳng định rằng quyền này không phải là tuyệt đối, cụ thể: “Theo hiến pháp của chúng ta, quyền sống là quyền hiến định quan trọng nhất. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, và nó không phải là một quyền bất khả xâm phạm tuyệt đối”. (Trích đoạn 1 trong phần tóm tắt lý do phán quyết).
Quyết định này cho thấy Tòa án nỗ lực duy trì sự cân bằng trước áp lực quốc tế (khi Đài Loan đối mặt với áp lực phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhân quyền khi ngày càng nhiều quốc gia bãi bỏ án tử hình) và công luận trong nước (đòi hỏi chính phủ phải phản hồi về việc án tử có vi hiến hay không).
Trên thực tế, quyết định này đã phần nào thể hiện rằng chính phủ có quan tâm đến các vấn đề an ninh - xã hội và quyền lợi của người dân. Điều này càng có ý nghĩa khi một bộ phận lớn dân chúng quan ngại về an toàn xã hội và cho rằng hình phạt này là cần thiết để răn đe tội phạm và bảo vệ xã hội. Những người khác đòi hỏi biện pháp trừng phạt đem lại “công bằng” cho các nạn nhân trong các vụ việc giết người.
Nhìn lại tiến trình hướng đến xóa bỏ án tử hình
Cuộc tranh luận về án tử hình ở Đài Loan bắt đầu hơn hai thập kỷ trước, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) của Đảng Dân Tiến (Democratic Progressive Party - DPP). Trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống vào tháng 5/2000, ông Trần nói rằng Đài Loan sẽ “không thể và sẽ không đứng ngoài xu thế nhân quyền toàn cầu”. Tháng 10/2002, trong bài phát biểu tại Hội nghị chuyên đề quốc tế về nhân quyền, ông Trần một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền tại Đài Loan và khẳng định việc đẩy nhanh cải cách tư pháp và tiến tới loại bỏ án tử hình là một trong những mục tiêu cần đạt được. Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trần, Đài Loan đã tạm dừng tất cả các hình phạt tử hình từ năm 2006 cho đến năm 2008.
Dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) của Quốc dân Đảng (Kuomintang - KMT), án tử hình không chỉ liên quan đến nhân quyền, mà còn xoay quanh những tranh luận về việc liệu ông Mã có đang dùng hình phạt này để đánh lạc hướng dư luận khỏi những bê bối chính trị cá nhân hay không. Khi ông Mã quyết định khôi phục án tử hình vào năm 2010, mỗi lần án tử hình được thực hiện đều trùng với các cuộc khủng hoảng chính trị. Ví dụ, năm 2010, chính quyền đã hành quyết bốn tử tù trong lúc căng thẳng xung quanh Hiệp định khung Hợp tác Kinh tế xuyên eo biển (Economic Cooperation Framework Agreement - ECFA) leo thang. Một ví dụ khác là vào năm 2014, chính quyền đã đột ngột tử hình năm tù nhân mà không thông báo cho gia đình và luật sư của họ, ngay giữa lúc nổi lên những tranh cãi xung quanh Hiệp định Thương mại Dịch vụ Xuyên eo biển (Cross-Strait Service Trade Agreement - CSSTA).
Đáng chú ý, trong năm 2009 - một năm trước khi khôi phục án tử hình, ông Mã đã ký hai công ước sau: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR) của Liên Hợp Quốc và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights - ICESCR). Khoản 1 Điều 6 trong ICCPR đã khẳng định rõ quyền sống là một quyền bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân, Điều 14 của công ước quy định mọi người đều có quyền được xét xử công bằng, và Khoản 6 điều 6 của công ước còn khuyến khích các quốc gia thành viên tiến tới bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình, nêu rõ “Không một quy định nào trong điều này có thể được viện dẫn để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xóa bỏ hình phạt tử hình tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước”. Tuy Đài Loan đã cam kết tuân thủ những tiêu chuẩn này với tư cách là một thành viên của ICCPR, quyết định khôi phục án tử hình và sử dụng hình phạt này như một công cụ chính trị của chính quyền Mã Anh Cửu đã đi ngược lại với các cam kết quốc tế này, đặt ra câu hỏi lớn về sự nhất quán và tính minh bạch của hệ thống pháp luật Đài Loan.
Dưới thời Thái Anh Văn (Tsai Ying-wen), cuộc tranh luận về án tử hình vẫn tiếp diễn. Nữ Tổng thống Đài Loan không công khai ủng hộ bãi bỏ án tử, và gánh chịu các chỉ trích vì đã không xác định rõ lập trường của mình, trong khi chỉ đề cập rằng việc bãi bỏ án tử hình sẽ đòi hỏi sự đồng thuận của xã hội, các biện pháp bổ sung toàn diện trong giai đoạn chuyển tiếp và thái độ thận trọng. Vào tháng 4/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thái Thanh Tường (Tsai Ching-hsiang) cho biết Đài Loan vẫn trên đà bãi bỏ án tử hình và lập trường của Đài Loan về vấn đề này sẽ không thay đổi; tuy nhiên các vụ hành quyết vẫn hợp hiến và Bộ sẽ đảm bảo các bản án được đánh giá nghiêm ngặt và thận trọng trước khi được thi hành.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào đầu năm nay, ông Lại Thanh Đức đã khẳng định việc thi hành án tử hình cần tuân thủ các quy trình pháp lý nghiêm ngặt và cũng nhấn mạnh rằng chính sách hình sự hiệu quả nhất phải tập trung vào gốc rễ của các vấn đề xã hội. Rõ ràng, Tổng thống Lại Thanh Đức và DPP vẫn kiên định với lập trường ủng hộ dân chủ tự do và khoan dung, đồng thời hướng tới mục tiêu bãi bỏ hoàn toàn án tử hình, nhưng chính quyền vẫn chưa thúc đẩy mạnh mẽ việc này do thiếu sự đồng thuận trong xã hội, khi phần lớn người dân vẫn ủng hộ duy trì hình phạt tử hình. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp gần đây đã củng cố thêm lập trường này.
Phản ứng từ KMT và thực tế xã hội Đài Loan
KMT, Đảng đối lập lớn nhất của DPP, đã chỉ trích phán quyết của Tòa án Hiến pháp và cho rằng mặc dù trên danh nghĩa án tử hình vẫn tồn tại, nhưng thực chất phán quyết này gần như đã loại bỏ hoàn toàn án tử hình và đi ngược lại ý muốn của hầu hết người dân trên hòn đảo này. Bởi lẽ, trong chiến dịch tranh cử vào tháng 1 vừa qua, tại cuộc tranh luận trên truyền hình của các ứng cử viên tổng thống, Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) - ứng viên tranh cử tổng thống từ KMT - đã phản đối việc bãi bỏ án tử hình, lập luận rằng “Hình phạt tử hình là tuyến cuối cùng của phòng thủ cho pháp luật và trật tự, có ảnh hưởng nhất định đến việc ngăn chặn tội phạm”. Cũng với lập trường này, vào ngày 1/10 vừa qua, nhóm lập pháp KMT đã tổ chức một cuộc họp báo nhằm gây sức ép buộc Bộ Tư pháp phải thi hành bản án của 37 tử tù.
Hoàng Tử Triết (Huang Zizhe), phát ngôn viên của ông Hầu Hữu Nghi trong chiến dịch tranh cử, nhấn mạnh rằng hơn 80% người dân Đài Loan ủng hộ án tử hình. Ông Hoàng cho rằng chính quyền DPP đang đi ngược lại ý kiến của đa số, do lập trường của đảng này là tiến tới bãi bỏ hoàn toàn án tử hình. DPP không muốn mất sự ủng hộ của 80% dân chúng nên vẫn chưa có một quyết định rõ ràng về việc giữ hay bãi bỏ án tử hình.
Nhìn lại thực tế Đài Loan, quả thực, theo kết quả khảo sát của Quỹ vì Nhân dân (Foundation for the People) năm 2022, 86,9% số người được hỏi phản đối việc bãi bỏ án tử hình, trong khi 12,4% ủng hộ. Cuộc khảo sát còn cho thấy 88,8% không hài lòng vì chính quyền Thái Anh Văn chỉ thực hiện hai vụ hành quyết trong sáu năm qua, và chỉ có 10,4% số người được hỏi đồng ý với tuyên bố của bà Thái rằng “việc bãi bỏ án tử hình là mục tiêu chung”. Những con số này đi ngược lại với kỳ vọng quốc tế trong việc xóa bỏ hoàn toàn án tử hình, nhưng lại cho thấy người dân Đài Loan đòi hỏi chính quyền phải nghiêm khắc và có những hành động quyết liệt hơn, đặc biệt là với các tội ác nghiêm trọng.
Đến đây, một câu hỏi quan trọng cần được nhắc lại, cũng là câu hỏi mà ông Hoàng Tử Triết đã dùng để chất vấn về lập trường của DPP đối với động thái ủng hộ bãi bỏ án tử hình: “Công lý tư pháp và công lý xã hội cho gia đình các nạn nhân ở đâu?” Tuy nhiên, câu hỏi này chính là một cái bẫy, khi càng cố gắng trả lời, người ta càng dễ rơi vào vòng xoáy của sự trả thù vì luôn tìm kiếm một hình phạt tương đương với mức độ nghiêm trọng của tội ác.
Bên cạnh đó, việc quá tập trung vào việc trừng phạt bằng án tử có thể khiến xã hội bỏ qua một góc độ quan trọng khác, đó là khả năng giáo dục và cải tạo tội phạm. Trong khi án tử hình chấm dứt mọi cơ hội để một người có thể thay đổi, thì quyền lực công cộng (như tù chung thân) lại vừa đảm bảo an toàn cho xã hội, vừa tạo điều kiện để người phạm tội có thể nhận thức được hành vi sai trái của mình và có cơ hội sửa chữa. Nếu quyền lực công cộng là một biện pháp “đủ” đối với tội phạm, thì liệu hình phạt không thể đảo ngược trên còn vai trò nào trong xã hội dân sự không?
Thực chất, câu hỏi mà Hoàng Tử Triết đặt ra không khác gì câu hỏi: “Người này có đáng bị tước đi quyền sống vì những điều tồi tệ họ đã gây ra không?”. Nó dựa trên giả định rằng con người có quyền phán xét người khác, rằng họ có thể xác định một người là vô nhân tính hay suy đồi đạo đức, và trong một số trường hợp dẫn đến kết luận rằng có những người quá xấu xa đến mức không còn xứng đáng được sống. Nhưng ai trao cho người phán xử quyền phán quyết đó? Liệu chúng ta có đang tách biệt “bản chất người” ra khỏi tội phạm và (tự) cho mình quyền tước bỏ quyền được sống của tội phạm? Và tiêu chuẩn đạo đức nào sẽ được viện dẫn để làm lý lẽ cho phán quyết trên?
Góc nhìn từ những người ủng hộ bãi bỏ án tử hình
Quyết định của Tòa án Hiến pháp Đài Loan về án tử hình đã trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận với các quan điểm trái ngược nhau. Mối băn khoăn chính là: Đài Loan đã bỏ lỡ cơ hội hay đang tiến gần hơn đến việc loại bỏ hoàn toàn án tử hình?
Quyết định giữ nguyên án tử hình đã khiến Liên minh Đài Loan chấm dứt án tử hình (Taiwan Alliance to End the Death Penalty) thất vọng. Tổ chức này lập luận: “nếu Tòa án Hiến pháp đảm nhận vai trò là người bảo vệ nhân quyền và tuyên bố rằng án tử hình là vi hiến, thì tòa án có thể đưa xã hội vượt qua những phản ứng theo bản năng là trả thù và đe dọa, phá vỡ vòng luẩn quẩn của lòng căm thù và tăng cường các phương tiện chữa lành có thể có. Đáng tiếc là hôm nay hy vọng này đã bị chứng minh là sai lầm”.
Mặt khác, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International Taiwan) xem phán quyết là một bước tiến để bãi bỏ án tử hình và lập luận rằng mặc dù Tòa án không bãi bỏ hoàn toàn án tử nhưng cũng đã thừa nhận những sai sót cơ bản và tăng cường bảo vệ nhân quyền cho những người đang chờ thi hành án: “Quyết định hôm nay là một bước tiến nhỏ cho nhân quyền tại Đài Loan. Tòa án Hiến pháp đã công nhận những sai sót cơ bản của án tử hình và tăng cường bảo vệ nhân quyền cho những người bị kết án tử. Tuy nhiên, án tử hình vẫn tồn tại đối với một số tội danh. Đây là khởi đầu cho hành trình của Đài Loan tiến tới việc bãi bỏ án tử hình, và chúng ta cần đảm bảo rằng quá trình này không dừng lại ở đây”.
Một vấn đề quan trọng khác, tương lai của Đài Loan và vị thế của hòn đảo này trên trường quốc tế cũng sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quyết định này.
Theo hãng truyền thông Deutsche Welle của Đức, các nhóm nhân quyền tin rằng tương lai của hòn đảo này sẽ phụ thuộc vào quyết định có bãi bỏ án tử hình hay không, vì nếu bãi bỏ thì không chỉ nền móng dân chủ của Đài Loan được vững chắc hơn, mà Đài Loan có thể tạo ra sự khác biệt rõ ràng hơn so với Trung Quốc - nơi được xem là “kẻ hành quyết hàng đầu thế giới” (the world’s leading executioner) với số án tử hình được phán quyết và số vụ hành quyết vượt hơn một nghìn nhưng số liệu vẫn được giữ bí mật, theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Giải pháp nào cho Đài Loan?
Tóm lại, với phán quyết của Tòa án Hiến pháp vào tháng 9, án tử hình vẫn hợp hiến tại Đài Loan nhưng sẽ được áp dụng dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Phán quyết này được đưa ra trong bối cảnh sức ép từ dư luận yêu cầu giữ nguyên án tử như một biện pháp bảo đảm an ninh xã hội trong khi chính quyền Lại Thanh Đức đối mặt với áp lực từ các tổ chức nhân quyền quốc tế đòi hỏi xóa bỏ án tử để bảo vệ nhân quyền.
Cũng cần lưu ý rằng việc bãi bỏ án tử hình cần phải thông qua quá trình thảo luận và biểu quyết tại Viện Lập pháp - nơi đại diện cho ý kiến và nguyện vọng của người dân. Tòa án Hiến pháp chỉ có thể xem xét các vấn đề liên quan đến việc áp dụng luật có đúng với hiến pháp hay không, nhưng không đủ thẩm quyền để ra quyết định về việc có bãi bỏ án tử hình hay không. Để thay đổi chính sách này, cần phải có sự can thiệp và quyết định từ Viện Lập pháp.
Tuy nhiên, có một thiếu sót rất lớn là các cuộc khảo sát ý kiến dân chúng về việc bãi bỏ án tử hình đã không đề cập đến một phương án khác: ủng hộ bãi bỏ án tử hình nếu có một biện pháp khác dành do tội phạm (có thể là tù chung thân không ân xá hoặc các chương trình cải tạo để người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng). Thay vào đó, các khảo sát chỉ đưa ra những lựa chọn nhị nguyên - hoặc ủng hộ, hoặc phản đối; và kết quả được sử dụng để củng cố cho lập luận nên giữ án tử hình, hoặc trì hoãn việc tiến tới hoàn toàn bãi bỏ án tử hình với lý do là thiếu sự đồng thuận xã hội. Phương án “thứ ba” này là một biến số quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, vì nó đưa ra nhiều hơn hai lựa chọn đối nghịch nhau và cho phép người dân nhìn nhận và thay đổi quan điểm của mình đối với hình phạt này.
Giải pháp đưa ra cho Đài Loan là xây dựng đồng thuận xã hội, nghĩa là cần phải tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức về nhân quyền, nhấn mạnh rằng án tử không có hiệu quả răn đe mạnh mẽ hơn các hình phạt khác, và mở ra các cuộc thảo luận công khai giữa cơ quan tư pháp, các nhà hoạt động nhân quyền và người dân về ưu nhược điểm của án tử hình, để công chúng hiểu rõ hơn về vấn đề và xây dựng sự đồng thuận để bãi bỏ.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ việc giới hạn việc áp dụng án tử hình chỉ cho các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Đài Loan có thể giảm dần số lượng các trường hợp phải thi hành án tử và tiến dần đến tạm dừng thi hành án tử, cho phép hệ thống tư pháp và xã hội thích ứng với những thay đổi mới trong lúc Viện Lập pháp xem xét những phương án thay thế dành cho tội phạm.
Cũng theo kết quả khảo sát của Quỹ vì Nhân dân đã đề cập ở trên, có đến 73,6% dân chúng trả lời là không hài lòng với an toàn công cộng ở Đài Loan. Khi chú ý vào con số này, tâm điểm của những cuộc tranh luận không còn xoay quanh kết quả - những hình phạt được áp dụng lên người phạm tội, mà xoay quanh nguyên nhân sâu xa hơn: Tại sao tỷ lệ người dân không cảm thấy an toàn lại cao như vậy? Để xây dựng một xã hội an toàn, nơi mọi người đều cảm thấy được bảo vệ không chỉ đơn thuần là tăng cường những hình phạt áp dụng lên tội phạm mà còn cần phải cải thiện hệ thống tư pháp, củng cố mạng lưới an toàn xã hội, và tăng cường an ninh công cộng.
Tuy vậy, những nỗ lực trên chỉ là một phần của quá trình chuyển đổi lớn hơn. Thừa nhận rằng không có hệ thống tư pháp nào là hoàn hảo để đạt được một xã hội an toàn và công bằng, nhưng nếu để cải thiện thì cần có cách tiếp cận vượt ra ngoài tư duy công lý trừng phạt (Retributive Justice) - người phạm tội phải nhận hình phạt tương ứng hoặc tương tự với tội phạm mà họ đã gây ra, tập trung vào việc trừng phạt người phạm tội bằng các hình phạt như án tử hình, tù giam. Đây là cách tiếp cận ngắn, nhỏ và hẹp, vì nó tước đi quyền sống của người phạm tội nhưng hậu quả vẫn tồn đọng và không được giải quyết hay khắc phục.
Thay vào đó, có thể nhìn nhận vấn đề tội phạm - trừng phạt qua cách tiếp cận công lý phục hồi (Restorative Justice) - một lý thuyết về công lý nhấn mạnh tới việc khắc phục hậu quả trong các vụ việc hình sự mà tiến trình gặp gỡ giữa các bên (nạn nhân, người phạm tội, gia đình của họ và cộng đồng liên quan trong vụ việc) đóng vai trò chính. Thông qua công lý phục hồi, cả nạn nhân và tội phạm đều có cơ hội đối thoại, nạn nhân có cơ hội để phục hồi những thương tổn và người phạm tội có cơ hội để nhận thức đúng đắn hơn về hành động của mình, để từ đó sửa chữa và tái hòa nhập vào đời sống xã hội.
Có thể sẽ còn nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề bãi bỏ án tử hình trong tương lai. Việc này đòi hỏi nỗ lực cân bằng giữa ý kiến của đa số người dân với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, các chính sách để cải thiện hệ thống pháp luật cùng những thay đổi nhất định trong cuộc sống người dân. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng Đài Loan vẫn đang tiến dần hơn đến việc mục tiêu loại bỏ hoàn toàn án tử hình.
Lê Nguyễn Anh Thy - Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Quyết định của Tòa án Hiến pháp
Vào ngày 20/9/2024, Tòa án Hiến pháp của Đài Loan đã đưa ra phán quyết rằng căn cứ theo các quy trình pháp lý chặt chẽ hơn và với các đảm bảo về mặt thể chế, án tử hình vẫn hợp hiến và chỉ áp dụng cho tội cố ý giết người trong những trường hợp có tình tiết “nghiêm trọng nhất” (the most serious). Tòa án cũng phán quyết rằng án tử hình không được áp dụng đối với bất kỳ cá nhân nào mắc chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng.
Sự kiện bắt đầu từ đơn thỉnh cầu xem xét lại hiến pháp của 37 tử tù tại Đài Loan, làm dấy lên tranh luận rằng liệu án tử hình có vi hiến hay không dựa trên các nguyên tắc về quyền sống, nhân phẩm và mức độ tương xứng giữa hình phạt và mức độ nghiêm trọng của tội phạm.
Trong phiên tranh luận vào ngày 23/4/2024, Tòa án Hiến pháp xem xét thêm đơn thỉnh cầu do Vương Tân Phúc (Wang Xin-fu), người lớn tuổi nhất trong số các tử tù tại Đài Loan, đệ trình vào năm 2022. Phiên tranh luận tập trung vào hai vấn đề: (1) án tử hình, một hình phạt được pháp luật quy định, có hợp hiến? và (2) nếu án tử hình được xác định là hợp hiến, tòa án có nên hạn chế các loại tội phạm mà án tử hình có thể áp dụng?
Phán quyết của Tòa án đã đưa ra lời giải cho hai vấn đề trên, rằng án tử hình (1) vẫn hợp hiến và (2) áp dụng cho những loại tội phạm nghiêm trọng nhất. Tòa xác định rằng “cố ý giết người” là loại tội phạm nghiêm trọng nhất, có thể chịu án tử hình và chỉ được áp dụng trong những trường hợp có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng; tuy nhiên, tòa không cung cấp các cơ sở cụ thể để đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.
Một điểm gây tranh cãi là mặc dù Tòa viện dẫn quyền sống trong phán quyết, nhưng cũng khẳng định rằng quyền này không phải là tuyệt đối, cụ thể: “Theo hiến pháp của chúng ta, quyền sống là quyền hiến định quan trọng nhất. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ, và nó không phải là một quyền bất khả xâm phạm tuyệt đối”. (Trích đoạn 1 trong phần tóm tắt lý do phán quyết).
Quyết định này cho thấy Tòa án nỗ lực duy trì sự cân bằng trước áp lực quốc tế (khi Đài Loan đối mặt với áp lực phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhân quyền khi ngày càng nhiều quốc gia bãi bỏ án tử hình) và công luận trong nước (đòi hỏi chính phủ phải phản hồi về việc án tử có vi hiến hay không).
Trên thực tế, quyết định này đã phần nào thể hiện rằng chính phủ có quan tâm đến các vấn đề an ninh - xã hội và quyền lợi của người dân. Điều này càng có ý nghĩa khi một bộ phận lớn dân chúng quan ngại về an toàn xã hội và cho rằng hình phạt này là cần thiết để răn đe tội phạm và bảo vệ xã hội. Những người khác đòi hỏi biện pháp trừng phạt đem lại “công bằng” cho các nạn nhân trong các vụ việc giết người.
Nhìn lại tiến trình hướng đến xóa bỏ án tử hình
Cuộc tranh luận về án tử hình ở Đài Loan bắt đầu hơn hai thập kỷ trước, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) của Đảng Dân Tiến (Democratic Progressive Party - DPP). Trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống vào tháng 5/2000, ông Trần nói rằng Đài Loan sẽ “không thể và sẽ không đứng ngoài xu thế nhân quyền toàn cầu”. Tháng 10/2002, trong bài phát biểu tại Hội nghị chuyên đề quốc tế về nhân quyền, ông Trần một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền tại Đài Loan và khẳng định việc đẩy nhanh cải cách tư pháp và tiến tới loại bỏ án tử hình là một trong những mục tiêu cần đạt được. Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trần, Đài Loan đã tạm dừng tất cả các hình phạt tử hình từ năm 2006 cho đến năm 2008.
Dưới thời Tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) của Quốc dân Đảng (Kuomintang - KMT), án tử hình không chỉ liên quan đến nhân quyền, mà còn xoay quanh những tranh luận về việc liệu ông Mã có đang dùng hình phạt này để đánh lạc hướng dư luận khỏi những bê bối chính trị cá nhân hay không. Khi ông Mã quyết định khôi phục án tử hình vào năm 2010, mỗi lần án tử hình được thực hiện đều trùng với các cuộc khủng hoảng chính trị. Ví dụ, năm 2010, chính quyền đã hành quyết bốn tử tù trong lúc căng thẳng xung quanh Hiệp định khung Hợp tác Kinh tế xuyên eo biển (Economic Cooperation Framework Agreement - ECFA) leo thang. Một ví dụ khác là vào năm 2014, chính quyền đã đột ngột tử hình năm tù nhân mà không thông báo cho gia đình và luật sư của họ, ngay giữa lúc nổi lên những tranh cãi xung quanh Hiệp định Thương mại Dịch vụ Xuyên eo biển (Cross-Strait Service Trade Agreement - CSSTA).
Đáng chú ý, trong năm 2009 - một năm trước khi khôi phục án tử hình, ông Mã đã ký hai công ước sau: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR) của Liên Hợp Quốc và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights - ICESCR). Khoản 1 Điều 6 trong ICCPR đã khẳng định rõ quyền sống là một quyền bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân, Điều 14 của công ước quy định mọi người đều có quyền được xét xử công bằng, và Khoản 6 điều 6 của công ước còn khuyến khích các quốc gia thành viên tiến tới bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình, nêu rõ “Không một quy định nào trong điều này có thể được viện dẫn để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xóa bỏ hình phạt tử hình tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước”. Tuy Đài Loan đã cam kết tuân thủ những tiêu chuẩn này với tư cách là một thành viên của ICCPR, quyết định khôi phục án tử hình và sử dụng hình phạt này như một công cụ chính trị của chính quyền Mã Anh Cửu đã đi ngược lại với các cam kết quốc tế này, đặt ra câu hỏi lớn về sự nhất quán và tính minh bạch của hệ thống pháp luật Đài Loan.
Dưới thời Thái Anh Văn (Tsai Ying-wen), cuộc tranh luận về án tử hình vẫn tiếp diễn. Nữ Tổng thống Đài Loan không công khai ủng hộ bãi bỏ án tử, và gánh chịu các chỉ trích vì đã không xác định rõ lập trường của mình, trong khi chỉ đề cập rằng việc bãi bỏ án tử hình sẽ đòi hỏi sự đồng thuận của xã hội, các biện pháp bổ sung toàn diện trong giai đoạn chuyển tiếp và thái độ thận trọng. Vào tháng 4/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thái Thanh Tường (Tsai Ching-hsiang) cho biết Đài Loan vẫn trên đà bãi bỏ án tử hình và lập trường của Đài Loan về vấn đề này sẽ không thay đổi; tuy nhiên các vụ hành quyết vẫn hợp hiến và Bộ sẽ đảm bảo các bản án được đánh giá nghiêm ngặt và thận trọng trước khi được thi hành.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào đầu năm nay, ông Lại Thanh Đức đã khẳng định việc thi hành án tử hình cần tuân thủ các quy trình pháp lý nghiêm ngặt và cũng nhấn mạnh rằng chính sách hình sự hiệu quả nhất phải tập trung vào gốc rễ của các vấn đề xã hội. Rõ ràng, Tổng thống Lại Thanh Đức và DPP vẫn kiên định với lập trường ủng hộ dân chủ tự do và khoan dung, đồng thời hướng tới mục tiêu bãi bỏ hoàn toàn án tử hình, nhưng chính quyền vẫn chưa thúc đẩy mạnh mẽ việc này do thiếu sự đồng thuận trong xã hội, khi phần lớn người dân vẫn ủng hộ duy trì hình phạt tử hình. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp gần đây đã củng cố thêm lập trường này.
Phản ứng từ KMT và thực tế xã hội Đài Loan
KMT, Đảng đối lập lớn nhất của DPP, đã chỉ trích phán quyết của Tòa án Hiến pháp và cho rằng mặc dù trên danh nghĩa án tử hình vẫn tồn tại, nhưng thực chất phán quyết này gần như đã loại bỏ hoàn toàn án tử hình và đi ngược lại ý muốn của hầu hết người dân trên hòn đảo này. Bởi lẽ, trong chiến dịch tranh cử vào tháng 1 vừa qua, tại cuộc tranh luận trên truyền hình của các ứng cử viên tổng thống, Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) - ứng viên tranh cử tổng thống từ KMT - đã phản đối việc bãi bỏ án tử hình, lập luận rằng “Hình phạt tử hình là tuyến cuối cùng của phòng thủ cho pháp luật và trật tự, có ảnh hưởng nhất định đến việc ngăn chặn tội phạm”. Cũng với lập trường này, vào ngày 1/10 vừa qua, nhóm lập pháp KMT đã tổ chức một cuộc họp báo nhằm gây sức ép buộc Bộ Tư pháp phải thi hành bản án của 37 tử tù.
Hoàng Tử Triết (Huang Zizhe), phát ngôn viên của ông Hầu Hữu Nghi trong chiến dịch tranh cử, nhấn mạnh rằng hơn 80% người dân Đài Loan ủng hộ án tử hình. Ông Hoàng cho rằng chính quyền DPP đang đi ngược lại ý kiến của đa số, do lập trường của đảng này là tiến tới bãi bỏ hoàn toàn án tử hình. DPP không muốn mất sự ủng hộ của 80% dân chúng nên vẫn chưa có một quyết định rõ ràng về việc giữ hay bãi bỏ án tử hình.
Nhìn lại thực tế Đài Loan, quả thực, theo kết quả khảo sát của Quỹ vì Nhân dân (Foundation for the People) năm 2022, 86,9% số người được hỏi phản đối việc bãi bỏ án tử hình, trong khi 12,4% ủng hộ. Cuộc khảo sát còn cho thấy 88,8% không hài lòng vì chính quyền Thái Anh Văn chỉ thực hiện hai vụ hành quyết trong sáu năm qua, và chỉ có 10,4% số người được hỏi đồng ý với tuyên bố của bà Thái rằng “việc bãi bỏ án tử hình là mục tiêu chung”. Những con số này đi ngược lại với kỳ vọng quốc tế trong việc xóa bỏ hoàn toàn án tử hình, nhưng lại cho thấy người dân Đài Loan đòi hỏi chính quyền phải nghiêm khắc và có những hành động quyết liệt hơn, đặc biệt là với các tội ác nghiêm trọng.
Đến đây, một câu hỏi quan trọng cần được nhắc lại, cũng là câu hỏi mà ông Hoàng Tử Triết đã dùng để chất vấn về lập trường của DPP đối với động thái ủng hộ bãi bỏ án tử hình: “Công lý tư pháp và công lý xã hội cho gia đình các nạn nhân ở đâu?” Tuy nhiên, câu hỏi này chính là một cái bẫy, khi càng cố gắng trả lời, người ta càng dễ rơi vào vòng xoáy của sự trả thù vì luôn tìm kiếm một hình phạt tương đương với mức độ nghiêm trọng của tội ác.
Bên cạnh đó, việc quá tập trung vào việc trừng phạt bằng án tử có thể khiến xã hội bỏ qua một góc độ quan trọng khác, đó là khả năng giáo dục và cải tạo tội phạm. Trong khi án tử hình chấm dứt mọi cơ hội để một người có thể thay đổi, thì quyền lực công cộng (như tù chung thân) lại vừa đảm bảo an toàn cho xã hội, vừa tạo điều kiện để người phạm tội có thể nhận thức được hành vi sai trái của mình và có cơ hội sửa chữa. Nếu quyền lực công cộng là một biện pháp “đủ” đối với tội phạm, thì liệu hình phạt không thể đảo ngược trên còn vai trò nào trong xã hội dân sự không?
Thực chất, câu hỏi mà Hoàng Tử Triết đặt ra không khác gì câu hỏi: “Người này có đáng bị tước đi quyền sống vì những điều tồi tệ họ đã gây ra không?”. Nó dựa trên giả định rằng con người có quyền phán xét người khác, rằng họ có thể xác định một người là vô nhân tính hay suy đồi đạo đức, và trong một số trường hợp dẫn đến kết luận rằng có những người quá xấu xa đến mức không còn xứng đáng được sống. Nhưng ai trao cho người phán xử quyền phán quyết đó? Liệu chúng ta có đang tách biệt “bản chất người” ra khỏi tội phạm và (tự) cho mình quyền tước bỏ quyền được sống của tội phạm? Và tiêu chuẩn đạo đức nào sẽ được viện dẫn để làm lý lẽ cho phán quyết trên?
Góc nhìn từ những người ủng hộ bãi bỏ án tử hình
Quyết định của Tòa án Hiến pháp Đài Loan về án tử hình đã trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận với các quan điểm trái ngược nhau. Mối băn khoăn chính là: Đài Loan đã bỏ lỡ cơ hội hay đang tiến gần hơn đến việc loại bỏ hoàn toàn án tử hình?
Quyết định giữ nguyên án tử hình đã khiến Liên minh Đài Loan chấm dứt án tử hình (Taiwan Alliance to End the Death Penalty) thất vọng. Tổ chức này lập luận: “nếu Tòa án Hiến pháp đảm nhận vai trò là người bảo vệ nhân quyền và tuyên bố rằng án tử hình là vi hiến, thì tòa án có thể đưa xã hội vượt qua những phản ứng theo bản năng là trả thù và đe dọa, phá vỡ vòng luẩn quẩn của lòng căm thù và tăng cường các phương tiện chữa lành có thể có. Đáng tiếc là hôm nay hy vọng này đã bị chứng minh là sai lầm”.
Mặt khác, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International Taiwan) xem phán quyết là một bước tiến để bãi bỏ án tử hình và lập luận rằng mặc dù Tòa án không bãi bỏ hoàn toàn án tử nhưng cũng đã thừa nhận những sai sót cơ bản và tăng cường bảo vệ nhân quyền cho những người đang chờ thi hành án: “Quyết định hôm nay là một bước tiến nhỏ cho nhân quyền tại Đài Loan. Tòa án Hiến pháp đã công nhận những sai sót cơ bản của án tử hình và tăng cường bảo vệ nhân quyền cho những người bị kết án tử. Tuy nhiên, án tử hình vẫn tồn tại đối với một số tội danh. Đây là khởi đầu cho hành trình của Đài Loan tiến tới việc bãi bỏ án tử hình, và chúng ta cần đảm bảo rằng quá trình này không dừng lại ở đây”.
Một vấn đề quan trọng khác, tương lai của Đài Loan và vị thế của hòn đảo này trên trường quốc tế cũng sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quyết định này.
Theo hãng truyền thông Deutsche Welle của Đức, các nhóm nhân quyền tin rằng tương lai của hòn đảo này sẽ phụ thuộc vào quyết định có bãi bỏ án tử hình hay không, vì nếu bãi bỏ thì không chỉ nền móng dân chủ của Đài Loan được vững chắc hơn, mà Đài Loan có thể tạo ra sự khác biệt rõ ràng hơn so với Trung Quốc - nơi được xem là “kẻ hành quyết hàng đầu thế giới” (the world’s leading executioner) với số án tử hình được phán quyết và số vụ hành quyết vượt hơn một nghìn nhưng số liệu vẫn được giữ bí mật, theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Giải pháp nào cho Đài Loan?
Tóm lại, với phán quyết của Tòa án Hiến pháp vào tháng 9, án tử hình vẫn hợp hiến tại Đài Loan nhưng sẽ được áp dụng dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Phán quyết này được đưa ra trong bối cảnh sức ép từ dư luận yêu cầu giữ nguyên án tử như một biện pháp bảo đảm an ninh xã hội trong khi chính quyền Lại Thanh Đức đối mặt với áp lực từ các tổ chức nhân quyền quốc tế đòi hỏi xóa bỏ án tử để bảo vệ nhân quyền.
Cũng cần lưu ý rằng việc bãi bỏ án tử hình cần phải thông qua quá trình thảo luận và biểu quyết tại Viện Lập pháp - nơi đại diện cho ý kiến và nguyện vọng của người dân. Tòa án Hiến pháp chỉ có thể xem xét các vấn đề liên quan đến việc áp dụng luật có đúng với hiến pháp hay không, nhưng không đủ thẩm quyền để ra quyết định về việc có bãi bỏ án tử hình hay không. Để thay đổi chính sách này, cần phải có sự can thiệp và quyết định từ Viện Lập pháp.
Tuy nhiên, có một thiếu sót rất lớn là các cuộc khảo sát ý kiến dân chúng về việc bãi bỏ án tử hình đã không đề cập đến một phương án khác: ủng hộ bãi bỏ án tử hình nếu có một biện pháp khác dành do tội phạm (có thể là tù chung thân không ân xá hoặc các chương trình cải tạo để người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng). Thay vào đó, các khảo sát chỉ đưa ra những lựa chọn nhị nguyên - hoặc ủng hộ, hoặc phản đối; và kết quả được sử dụng để củng cố cho lập luận nên giữ án tử hình, hoặc trì hoãn việc tiến tới hoàn toàn bãi bỏ án tử hình với lý do là thiếu sự đồng thuận xã hội. Phương án “thứ ba” này là một biến số quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, vì nó đưa ra nhiều hơn hai lựa chọn đối nghịch nhau và cho phép người dân nhìn nhận và thay đổi quan điểm của mình đối với hình phạt này.
Giải pháp đưa ra cho Đài Loan là xây dựng đồng thuận xã hội, nghĩa là cần phải tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức về nhân quyền, nhấn mạnh rằng án tử không có hiệu quả răn đe mạnh mẽ hơn các hình phạt khác, và mở ra các cuộc thảo luận công khai giữa cơ quan tư pháp, các nhà hoạt động nhân quyền và người dân về ưu nhược điểm của án tử hình, để công chúng hiểu rõ hơn về vấn đề và xây dựng sự đồng thuận để bãi bỏ.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ việc giới hạn việc áp dụng án tử hình chỉ cho các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Đài Loan có thể giảm dần số lượng các trường hợp phải thi hành án tử và tiến dần đến tạm dừng thi hành án tử, cho phép hệ thống tư pháp và xã hội thích ứng với những thay đổi mới trong lúc Viện Lập pháp xem xét những phương án thay thế dành cho tội phạm.
Cũng theo kết quả khảo sát của Quỹ vì Nhân dân đã đề cập ở trên, có đến 73,6% dân chúng trả lời là không hài lòng với an toàn công cộng ở Đài Loan. Khi chú ý vào con số này, tâm điểm của những cuộc tranh luận không còn xoay quanh kết quả - những hình phạt được áp dụng lên người phạm tội, mà xoay quanh nguyên nhân sâu xa hơn: Tại sao tỷ lệ người dân không cảm thấy an toàn lại cao như vậy? Để xây dựng một xã hội an toàn, nơi mọi người đều cảm thấy được bảo vệ không chỉ đơn thuần là tăng cường những hình phạt áp dụng lên tội phạm mà còn cần phải cải thiện hệ thống tư pháp, củng cố mạng lưới an toàn xã hội, và tăng cường an ninh công cộng.
Tuy vậy, những nỗ lực trên chỉ là một phần của quá trình chuyển đổi lớn hơn. Thừa nhận rằng không có hệ thống tư pháp nào là hoàn hảo để đạt được một xã hội an toàn và công bằng, nhưng nếu để cải thiện thì cần có cách tiếp cận vượt ra ngoài tư duy công lý trừng phạt (Retributive Justice) - người phạm tội phải nhận hình phạt tương ứng hoặc tương tự với tội phạm mà họ đã gây ra, tập trung vào việc trừng phạt người phạm tội bằng các hình phạt như án tử hình, tù giam. Đây là cách tiếp cận ngắn, nhỏ và hẹp, vì nó tước đi quyền sống của người phạm tội nhưng hậu quả vẫn tồn đọng và không được giải quyết hay khắc phục.
Thay vào đó, có thể nhìn nhận vấn đề tội phạm - trừng phạt qua cách tiếp cận công lý phục hồi (Restorative Justice) - một lý thuyết về công lý nhấn mạnh tới việc khắc phục hậu quả trong các vụ việc hình sự mà tiến trình gặp gỡ giữa các bên (nạn nhân, người phạm tội, gia đình của họ và cộng đồng liên quan trong vụ việc) đóng vai trò chính. Thông qua công lý phục hồi, cả nạn nhân và tội phạm đều có cơ hội đối thoại, nạn nhân có cơ hội để phục hồi những thương tổn và người phạm tội có cơ hội để nhận thức đúng đắn hơn về hành động của mình, để từ đó sửa chữa và tái hòa nhập vào đời sống xã hội.
Có thể sẽ còn nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề bãi bỏ án tử hình trong tương lai. Việc này đòi hỏi nỗ lực cân bằng giữa ý kiến của đa số người dân với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, các chính sách để cải thiện hệ thống pháp luật cùng những thay đổi nhất định trong cuộc sống người dân. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng Đài Loan vẫn đang tiến dần hơn đến việc mục tiêu loại bỏ hoàn toàn án tử hình.
Lê Nguyễn Anh Thy - Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Từ khoá: Đài Loan án tử hình hiến pháp dân chủ nhân quyền quyền con người