Văn hoá - Xã hội
18 PHÚT ĐỌC

“Anh Cả” trở lại – và lợi hại hơn xưa!

Lần cuối cùng bạn có một cuộc trò chuyện “sâu sắc” là khi nào?

Huỳnh Tâm Sáng 13/05/2025
Image
Anh Cả không còn là một người giám sát nghiêm khắc mà là một nghệ sĩ biểu diễn lôi cuốn, luôn “ca hát và nhảy múa” để giữ chúng ta say mê với các chương trình tiêu khiển trực tuyến. - (C): Frédéric Soltan/Corbis via Getty Images/Salon

Một “Anh Cả” quyền năng hơn

Trong tiểu thuyết phản địa đàng (dystopian) 1984, George Orwell vẽ nên một chế độ toàn trị nơi “Anh Cả” (Big Brother) duy trì quyền lực tuyệt đối qua giám sát toàn diện, gieo rắc nỗi sợ hãi để khiến từng công dân phải cúi đầu tuân phục.

Ngày nay, “Anh Cả” trở lại không phải với đôi mắt khổng lồ trên màn hình, mà bằng những dòng thông báo (notification) liên tục nhảy múa, các thuật toán nắm rõ tâm trí ta hơn chính bản thân ta, và một cơ chế kiểm soát tinh vi hơn nhiều: gieo rắc sự phân tâm.

Cách đây bốn thập kỷ, Neil Postman—trong cuốn Amusing Ourselves to Death (tạm dịch: “Giải trí đến chết”)—đã cảnh báo về sự suy giảm khả năng nhận thức nghiêm túc vì con người bị quá tải bởi các phương tiện truyền thông. Ông cũng gióng lên hồi chuông về mối nguy hiểm khi con người bị phân tâm và bị thao túng nhận thức thông qua quảng cáo, truyền hình và các phương tiện giải trí. 

Neil Postman nhận xét tinh tế với tinh thần phê phán: “Người Mỹ ngày nay không còn trò chuyện với nhau, họ mua vui cho nhau. Họ không trao đổi ý tưởng, mà trao đổi hình ảnh. Họ không tranh luận bằng lý lẽ, mà bằng nhan sắc, người nổi tiếng và quảng cáo”. “Người Mỹ” có thể được thay thế bằng “chúng ta”, và điều này có lẽ không quá đáng. Đáng chú ý hơn, Postman dự đoán rằng xã hội sẽ không khuất phục trước sự kiểm duyệt mà trước sự xao nhãng.

Không còn đe dọa bằng tra tấn hay trại cải tạo, quyền lực kiểu mới chiếm lĩnh ta bằng sự ru ngủ. Nó mê hoặc ta bằng giải trí bất tận, lấp đầy từng khoảnh khắc trống rỗng, làm trí tưởng tượng khô héo dần như một cơ quan thừa thãi. Đây không còn là sự kiểm soát qua giám sát, mà là kiểm soát bằng tiêu khiển – vừa dịu dàng, vừa thấm sâu, khi người ta hài lòng và vui vẻ với sự kiểm soát này.

Lời cảnh báo trong thế kỷ 20 giờ đã thành sự thật trong thế kỷ 21, khi người ta lướt Facebook và “cắm mặt” vào điện thoại thay cho chuyện trò và suy nghĩ. Những gì chúng ta yêu thích, thay vì khiến ta sợ hãi, gây ra hưng phấn với cảm xúc nhất thời và là chiếc lồng nhốt chúng ta vào sự thụ động và thói ích kỷ. 

Truyền thông giờ đây “đóng khung” người dùng trong những thế giới nhỏ và hẹp. Nó cũng tái định hình các tương tác xã hội theo một cấu trúc “nửa mở – nửa đóng”: mở cửa với thế giới nhưng khép kín khỏi suy tưởng, sự sâu lắng và tinh thần phân tích. Nói đơn giản, “giải trí” vô tội vạ theo kiểu “mì ăn liền” làm suy giảm năng lực trí tuệ và khiến chúng ta sợ lý luận, sợ suy nghĩ.

Sự phân tâm: Sân khấu mới của Anh Cả

Nếu trong 1984, màn hình vừa giám sát vừa tuyên truyền, thì hôm nay, ta sống giữa một hệ sinh thái màn hình: điện thoại, máy tính, truyền hình, đồng hồ thông minh – tất cả hợp xướng thành một vũ điệu giải trí kéo dài miên man bất tận. Sự chú ý của con người dường như dành cho máy móc, mạng xã hội và giải trí nhiều hơn là các tương tác xã hội. 

Nền kinh tế chú ý (attention economy) – như nhà kinh tế học Herbert Simon mô tả và sau đó được Tim Wu phổ biến – vận hành dựa trên nguyên lý rằng sự chú ý là tài nguyên khan hiếm (attention scarcity), và kẻ nào chiếm được nó sẽ thống trị. Theo đó, các tập đoàn công nghệ không chỉ thu thập dữ liệu, mà còn định hình trải nghiệm sống bằng cách kiểm soát dòng thông tin đi vào não bộ. Vốn là giá trị vô hình, sự chú ý đang được khai thác cho các lợi ích hữu hình.

Các gã khổng lồ truyền thông xã hội như Meta, Google và TikTok sử dụng các thuật toán tinh vi để tối đa hóa thời gian người dùng sử dụng thiết bị, tận dụng thuật toán “cá nhân hóa” dựa trên dữ liệu để cung cấp nội dung phù hợp với sở thích, định kiến và kích thích cảm xúc của người dùng. Trong bối cảnh này, Anh Cả không phải là một người giám sát nghiêm khắc mà là một nghệ sĩ biểu diễn lôi cuốn, luôn “ca hát và nhảy múa” để giữ chúng ta say mê với các chương trình tiêu khiển trực tuyến.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, những nền tảng này không phải là các kênh thụ động mà là những kẻ thao túng sự chú ý một cách chủ động. Chẳng hạn, trang “Dành Cho Bạn” (For You Page) của TikTok sử dụng học máy để cung cấp các video ngắn, gây kích thích dopamine (điều làm liên tưởng đến viên thuốc soma gây thoả mãn tức thời khi tạo ra hưng phấn và ảo giác hạnh phúc) [1], khiến người dùng phải “cuộn” (scroll) liên tục hàng giờ, qua đó giữ chân họ. 

Bên cạnh mạng xã hội, cảnh quan truyền thông rộng lớn hơn cũng góp phần vào sự phân tâm này. Netflix và Disney+ sử dụng tính năng tự động phát để chuyển đổi liền mạch người xem từ tập này sang tập khác để thúc đẩy hành vi xem liên tục. Một khảo sát năm 2024 tiết lộ rằng người Mỹ dành khoảng ba giờ mỗi ngày trước truyền hình. Và họ có vô vàn lựa chọn với 2,7 triệu tựa video riêng lẻ có sẵn trên các nền tảng truyền thống và phát trực tuyến.

Trong khi đó, quảng cáo thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống số, chẳng hạn như các bài đăng được tài trợ trên Instagram hay các sản phẩm trò chơi điện tử và tiêu dùng xuất hiện với tần suất dày đặc trên các trang mạng xã hội. Sự tiêu thụ quá tải này khiến những khoảnh khắc suy ngẫm tĩnh lặng—rất cần thiết cho trí tưởng tượng—ngày càng trở nên hiếm hoi.

Nguy hiểm hơn, Shoshana Zuboff đã cảnh báo về “chủ nghĩa tư bản giám sát” (surveillance capitalism) nơi tâm trí, hành vi và tinh thần của con người dễ trở thành nô lệ bởi công nghệ và các thuật toán kiểm soát. Các tập đoàn lớn, như Google và Facebook, thu thập dữ liệu của người dùng để tạo ra các mô hình dự đoán và tác động đến các lựa chọn hành vi của người dùng thông qua nội dung và quảng cáo được cá nhân hóa.

Không những vậy, chủ nghĩa tư bản giám sát còn đe dọa năng lực tư duy và hành động, qua đó làm xói mòn các giá trị căn bản giúp duy trì sự dẻo dai của nền dân chủ. Shoshana Zuboff nhấn mạnh: “Cơ chế điều chỉnh hành vi của chủ nghĩa tư bản giám sát ở quy mô lớn đang làm xói mòn nền dân chủ từ bên trong — bởi khi mất đi quyền tự chủ trong hành động và tư duy, chúng ta sẽ có ít khả năng phán đoán đạo đức và tư duy phản biện — vốn cần thiết cho một xã hội dân chủ”.

Khi trí tưởng tượng bị thoái hoá

Sự phân tâm có thể khiến trí tưởng tượng—điều kiện không thể thiếu cho sự sáng tạo—bị “teo dần” như một cơ quan thừa. Dòng kích thích bên ngoài với tốc độ liên tục làm suy yếu các điều kiện nhận thức cần thiết cho tư duy và tưởng tượng. Nghiên cứu của nhà thần kinh học Daniel Levitin cho biết đa nhiệm và quá tải thông tin làm căng thẳng vùng vỏ não trước trán và làm giảm khả năng nhận thức, đặc biệt là tư duy sâu sắc. Ông chỉ ra rằng tổn thất về nhận thức do làm nhiều việc cùng lúc thậm chí còn lớn hơn việc hút cần sa. 

Trí tưởng tượng, khả năng hình dung những điều có thể vượt ra ngoài thực tại tức thời và hữu hình, là nền tảng cho sự sáng tạo đồng thời giúp giải quyết vấn đề trong đời sống và phát triển tư duy phản biện. Vốn cần không gian để “lang thang”, mơ mộng hoặc tìm kiếm những ý tưởng mới, trí tưởng tượng giờ bị bóp nghẹt bởi lớp lớp những làn sóng thông tin. Làm sao mà sự sáng tạo có thể nảy sinh khi tâm trí bị xé nhỏ, bị lập trình để phản ứng thay vì suy tưởng!?

Sự suy giảm này đặc biệt rõ rệt ở các thế hệ trẻ lớn lên trong kỷ nguyên số. Thời gian sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể làm giảm tư duy đa chiều (divergent thinking)—“xương sống” cho khả năng giải quyết vấn đề tạo ra những ý tưởng mới—ở thanh thiếu niên. Tương tự, sự tưởng tượng và năng lực khám phá của trẻ em cũng suy giảm do tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện kỹ thuật số. Một chế độ ăn “nhồi nhét” bởi các câu chuyện liên tục được “đóng gói sẵn” thông qua ứng dụng và trò chơi có thể khiến trẻ em giảm khả năng xây dựng câu chuyện của riêng mình.

Người lớn cũng không miễn nhiễm. Sự gia tăng của việc liên tục lướt điện thoại để đọc các tin tức tiêu cực trong một thời gian dài (doomscrolling hay doomsurfing) để tiêu thụ tin tức và “dìm mình trong dòng thác tin xấu” trên mạng xã hội cũng gây ra sự phân tâm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc kéo dài với các nội dung tiêu cực trực tuyến làm tăng cảm giác lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, cô đơn và giảm tính linh hoạt về nhận thức, cản trở khả năng hình dung các lựa chọn hoặc giải pháp tích cực, thậm chí nguy hiểm hơn là khơi gợi ý muốn tự tử. 

Việc theo dõi các tin tức từ nền tảng xã hội cũng gây ra sức ép so sánh xã hội (social comparison pressure) và khiến người dùng giảm tự tin. Bởi lẽ đập vào mắt người dùng là dòng thác về các khía cạnh của cuộc sống có thể bị bóp méo và hoàn toàn khác xa với thực tế, từ đó dẫn đến sự bất mãn về bản thân và cả xã hội. Người dùng rất dễ sa vào hàng ngàn mối hoài nghi, như Tôi là ai? Tôi phải làm gì để theo kịp bạn bè? Những gì tôi tin là đúng thì nay còn đúng hay không?

Như vậy, bằng cách giữ chúng ta trong trạng thái phản ứng liên tục, Anh Cả đảm bảo rằng năng lượng tinh thần của chúng ta bị tiêu tốn vào việc tiêu thụ hơn là sáng tạo. Khả năng tư duy độc lập và ứng phó với bất ổn bên trong và bên ngoài cũng giảm đi do cơ thể liên tục phải phản ứng trước làn sóng thông tin và sự kiện.

Khi cá nhân yếu đi, xã hội cũng suy sụp

Tình trạng bị phân tâm và suy giảm trí tưởng tượng gây ra những hệ quả sâu sắc, cả về phương diện cá nhân lẫn ổn định xã hội. Ở cấp độ cá nhân, sự giảm trí tưởng tượng làm suy yếu quyền tự chủ—khả năng xác định mục tiêu riêng và theo đuổi chúng một cách độc lập. Nhà khoa học chính trị Hannah Arendt lập luận rằng khả năng tư duy phản biện và tưởng tượng các tương lai thay thế là cần thiết cho tham dự chính trị và thiết yếu để chống lại chủ nghĩa độc tài. 

Khi sự chú ý bị độc quyền và trí tưởng tượng bị teo dần, cá nhân trở thành người tiêu dùng thụ động, không quan tâm đến việc đặt câu hỏi, không còn khả năng hình dung sự thay đổi, không dám mơ khác, cũng không đủ sức phản kháng. Không có trí tưởng tượng và tư duy phê phán, con người dễ mắc kẹt trong một bối cảnh hay một khung nhận thức, hoặc tệ hơn, bị dắt mũi bởi các thế lực thao túng. Hiển nhiên, một người bị phân tâm sẽ dễ bị thao túng hơn một người tỉnh táo và tập trung.

Ở cấp độ xã hội, hậu quả cũng nghiêm trọng không kém. Đổi mới—động lực của tiến bộ khoa học, nghệ thuật và xã hội—dựa vào những bước nhảy tưởng tượng. Sự suy giảm trong tư duy đa chiều đe dọa làm kìm hãm những bước đột phá trong các lĩnh vực như giáo dục, công nghệ, chính sách phát triển. Khi các cá nhân thoái hoá năng lực sáng tạo và trở nên thụ động thì xã hội sẽ chịu nhiều áp lực. 

Nền dân chủ và tự do cũng đứng trước các nguy cơ từ sự giám sát của Anh Cả. Nhà lý thuyết chính trị Shoshana Zuboff mô tả “chủ nghĩa tư bản giám sát” như một hệ thống không chỉ dự đoán mà còn định hình hành vi thông qua sự thúc đẩy dựa trên dữ liệu. Bằng cách thuyết phục người dùng từ bỏ quyền riêng tư vì sự tiện lợi, các công ty công nghệ toàn cầu như Google và Facebook thu thập các thông tin cá nhân như “dữ liệu” để các bên khác sử dụng nhằm dự đoán hành vi của chúng ta và thậm chí là tác động và thay đổi hành vi đó.

Vụ bê bối Cambridge Analytica năm 2016, khi công ty khai thác hồ sơ tâm lý và dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng Facebook để xác định khuynh hướng chính trị của cử tri là một ví dụ rõ ràng về sự nguy hiểm của việc thông tin bị khai thác cho các mục tiêu chính trị để tác động lên hành vi của người dân. Sự kiện này đã gây nên làn sóng phẫn nộ rộng khắp mà còn đặt ra câu hỏi về đạo đức của quyền riêng tư dữ liệu, tác động ngày càng tăng của phương tiện truyền thông xã hội đối với chính trị bầu cử (electoral politics) và vai trò của dữ liệu trong việc định hình diễn ngôn chính trị.

Hơn nữa, sự phân tâm làm trầm trọng thêm sự phân mảnh xã hội. Khi các thuật toán ưu tiên các nội dung gây chia rẽ để tối đa hóa sự theo dõi và tham gia của người dùng, sự đồng cảm, tức khả năng lắng nghe và thấu hiểu quan điểm cũng như góc nhìn của người khác, cũng bị giảm sút. Một khi sự quản lý thuật toán chiếm ưu thế, tầm nhìn chung cần thiết cho một xã hội gắn kết sẽ bị xói mòn. Người dùng lúc này dễ bị cuốn theo dòng thác tin tức và trở thành những con zombie sẵn sàng “chiến đấu” chống lại những gì trái với quan điểm của mình.

Giành lại sự chú ý và trí tưởng tượng

Liệu chúng ta có thể tương tác ý nghĩa với thế giới, nêu cao giá trị riêng của bản thân (cái tôi), và giành lại “chủ quyền nhận thức”? 

Nếu sự phân tâm là vũ khí của Anh Cả, thì việc lấy lại sự chú ý là tấm khiên mà chúng ta có thể sử dụng để bảo vệ bản thân. Điều này đòi hỏi cả sự can thiệp cá nhân lẫn hệ thống. Ở cấp độ cá nhân, các thực hành như chánh niệm và cai nghiện số có thể khôi phục không gian cần thiết cho trí tưởng tượng. Ví dụ, Cal Newport ủng hộ “tối giản số” (digital minimalism), một triết lý sử dụng công nghệ có chủ ý và ưu tiên các hoạt động ý nghĩa hơn là tiêu thụ vô thức. 

Các nghiên cứu cho thấy việc giảm thời gian sử dụng màn hình có thể giúp cải thiện tinh thần và tăng cường năng lực sáng tạo. Dù việc “kiêng” tạm thời mạng xã hội có thể không phải là phương pháp ngắt kết nối hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe tinh thần nhưng việc hạn chế sử dụng mạng xã hội trong 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe, đồng thời giảm cô đơn và trầm cảm trong khoảng thời gian ba tuần, theo một nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania.

Giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Các trường học cần ưu tiên nuôi dưỡng trí tưởng tượng thông qua các trò chơi nhấn mạnh tính tương tác, khuyến khích các chương trình nghệ thuật và khám phá với môi trường bên ngoài, thay vì học vẹt hay chỉ chăm chăm kêu gọi một nền giáo dục mới dựa trên công nghệ (vì bạn ơi, chúng ta đâu phải những cỗ máy!). 

Hệ thống giáo dục của Phần Lan là một kênh tham khảo hữu ích. Giáo dục ở quốc gia Bắc Âu này quan tâm đến việc nuôi dưỡng sự sáng tạo và giảm thiểu kiểm tra theo tiêu chuẩn hóa máy móc, qua đó cung cấp những gợi mở và không gian cho việc giải quyết vấn đề dựa trên tưởng tượng và tư duy phê phán. Bên cạnh đó, phụ huynh nên khuyến khích trí tưởng tượng của con trẻ bằng cách hạn chế thời gian chúng sử dụng các thiết bị số và mạng xã hội, đồng thời gia tăng các hoạt động hữu ích như đọc sách, kể chuyện, tham quan bảo tàng và dã ngoại.

Ở cấp độ hệ thống, quy định là cần thiết để kiềm chế sự thái quá của nền kinh tế chú ý. Các nhà hoạch định chính sách có thể yêu cầu minh bạch trong thiết kế thuật toán, hạn chế các tính năng gây nghiện như tự động phát, hoặc áp thuế đối với doanh thu quảng cáo để giảm thiểu sự quá tải giác quan. Ngoài ra, tăng cường đầu tư công vào các trung tâm văn hóa như thư viện, bảo tàng và nhà hát có thể giúp cung cấp không gian cho sự suy ngẫm và sáng tạo.

***

Nếu Anh Cả của George Orwell dựa vào nỗi sợ để kiểm soát thì Anh Cả trong thế kỷ 21 sử dụng sự quyến rũ của dòng chảy thông tin, lấp đầy tâm trí chúng ta với sự phân tâm vô tận để khiến trí tưởng tượng trở nên thừa thãi, làm ta quên đi khát vọng tự do và cản trở hành động. Đây không chỉ là một mối đe dọa đối với cá nhân mà còn liên quan đến một cuộc khủng hoảng xã hội về dài hạn vì nó có thể xoá sổ quyền tự chủ của cá nhân, tinh thần đổi mới và sự gắn kết. 

Quyền lực lớn nhất của Anh Cả là ở khả năng khiến ta suy giảm chú ý và thôi tưởng tượng. Con người—theo thời gian—có thể trở thành các cỗ máy tiêu thụ tin tức và giải trí hơn là chủ thể có năng lực sáng tạo dựa trên trí tưởng tượng, tinh thần phê phán, và khát vọng tự do. Thay vì bị bắt buộc, chúng ta tình nguyện cúi đầu và tuân phục để tiện tay lướt màn hình. 

Tuy nhiên, bức tranh không chỉ toàn màu đen. Bằng cách hiểu các cơ chế của sự phân tâm, nhận ra tác động của nó đến trí tưởng tượng, và quyết tâm giành lại sự chú ý, chúng ta có thể chống lại hình thức kiểm soát tinh vi này, dù có nhiều khó khăn. Trong một thế giới nơi Anh Cả kêu gọi ca hát, nhảy múa, và chạy theo thông tin “mì ăn liền” vô tận, mối đe dọa lớn nhất đối với quyền lực của hắn là một tâm trí dám dừng lại, suy ngẫm và tưởng tượng. Và vì thế, hành động phản kháng ý nghĩa nhất có thể chỉ đơn giản là: dừng lại, chú ý và suy ngẫm. 

[1] Nội dung này được đề cập trong cuốn “Brave New World” (tạm dịch: “Thế giới mới tươi đẹp”) của Aldous Huxley, được công bố năm 1932.

Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.

Một “Anh Cả” quyền năng hơn

Trong tiểu thuyết phản địa đàng (dystopian) 1984, George Orwell vẽ nên một chế độ toàn trị nơi “Anh Cả” (Big Brother) duy trì quyền lực tuyệt đối qua giám sát toàn diện, gieo rắc nỗi sợ hãi để khiến từng công dân phải cúi đầu tuân phục.

Ngày nay, “Anh Cả” trở lại không phải với đôi mắt khổng lồ trên màn hình, mà bằng những dòng thông báo (notification) liên tục nhảy múa, các thuật toán nắm rõ tâm trí ta hơn chính bản thân ta, và một cơ chế kiểm soát tinh vi hơn nhiều: gieo rắc sự phân tâm.

Cách đây bốn thập kỷ, Neil Postman—trong cuốn Amusing Ourselves to Death (tạm dịch: “Giải trí đến chết”)—đã cảnh báo về sự suy giảm khả năng nhận thức nghiêm túc vì con người bị quá tải bởi các phương tiện truyền thông. Ông cũng gióng lên hồi chuông về mối nguy hiểm khi con người bị phân tâm và bị thao túng nhận thức thông qua quảng cáo, truyền hình và các phương tiện giải trí. 

Neil Postman nhận xét tinh tế với tinh thần phê phán: “Người Mỹ ngày nay không còn trò chuyện với nhau, họ mua vui cho nhau. Họ không trao đổi ý tưởng, mà trao đổi hình ảnh. Họ không tranh luận bằng lý lẽ, mà bằng nhan sắc, người nổi tiếng và quảng cáo”. “Người Mỹ” có thể được thay thế bằng “chúng ta”, và điều này có lẽ không quá đáng. Đáng chú ý hơn, Postman dự đoán rằng xã hội sẽ không khuất phục trước sự kiểm duyệt mà trước sự xao nhãng.

Không còn đe dọa bằng tra tấn hay trại cải tạo, quyền lực kiểu mới chiếm lĩnh ta bằng sự ru ngủ. Nó mê hoặc ta bằng giải trí bất tận, lấp đầy từng khoảnh khắc trống rỗng, làm trí tưởng tượng khô héo dần như một cơ quan thừa thãi. Đây không còn là sự kiểm soát qua giám sát, mà là kiểm soát bằng tiêu khiển – vừa dịu dàng, vừa thấm sâu, khi người ta hài lòng và vui vẻ với sự kiểm soát này.

Lời cảnh báo trong thế kỷ 20 giờ đã thành sự thật trong thế kỷ 21, khi người ta lướt Facebook và “cắm mặt” vào điện thoại thay cho chuyện trò và suy nghĩ. Những gì chúng ta yêu thích, thay vì khiến ta sợ hãi, gây ra hưng phấn với cảm xúc nhất thời và là chiếc lồng nhốt chúng ta vào sự thụ động và thói ích kỷ. 

Truyền thông giờ đây “đóng khung” người dùng trong những thế giới nhỏ và hẹp. Nó cũng tái định hình các tương tác xã hội theo một cấu trúc “nửa mở – nửa đóng”: mở cửa với thế giới nhưng khép kín khỏi suy tưởng, sự sâu lắng và tinh thần phân tích. Nói đơn giản, “giải trí” vô tội vạ theo kiểu “mì ăn liền” làm suy giảm năng lực trí tuệ và khiến chúng ta sợ lý luận, sợ suy nghĩ.

Sự phân tâm: Sân khấu mới của Anh Cả

Nếu trong 1984, màn hình vừa giám sát vừa tuyên truyền, thì hôm nay, ta sống giữa một hệ sinh thái màn hình: điện thoại, máy tính, truyền hình, đồng hồ thông minh – tất cả hợp xướng thành một vũ điệu giải trí kéo dài miên man bất tận. Sự chú ý của con người dường như dành cho máy móc, mạng xã hội và giải trí nhiều hơn là các tương tác xã hội. 

Nền kinh tế chú ý (attention economy) – như nhà kinh tế học Herbert Simon mô tả và sau đó được Tim Wu phổ biến – vận hành dựa trên nguyên lý rằng sự chú ý là tài nguyên khan hiếm (attention scarcity), và kẻ nào chiếm được nó sẽ thống trị. Theo đó, các tập đoàn công nghệ không chỉ thu thập dữ liệu, mà còn định hình trải nghiệm sống bằng cách kiểm soát dòng thông tin đi vào não bộ. Vốn là giá trị vô hình, sự chú ý đang được khai thác cho các lợi ích hữu hình.

Các gã khổng lồ truyền thông xã hội như Meta, Google và TikTok sử dụng các thuật toán tinh vi để tối đa hóa thời gian người dùng sử dụng thiết bị, tận dụng thuật toán “cá nhân hóa” dựa trên dữ liệu để cung cấp nội dung phù hợp với sở thích, định kiến và kích thích cảm xúc của người dùng. Trong bối cảnh này, Anh Cả không phải là một người giám sát nghiêm khắc mà là một nghệ sĩ biểu diễn lôi cuốn, luôn “ca hát và nhảy múa” để giữ chúng ta say mê với các chương trình tiêu khiển trực tuyến.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, những nền tảng này không phải là các kênh thụ động mà là những kẻ thao túng sự chú ý một cách chủ động. Chẳng hạn, trang “Dành Cho Bạn” (For You Page) của TikTok sử dụng học máy để cung cấp các video ngắn, gây kích thích dopamine (điều làm liên tưởng đến viên thuốc soma gây thoả mãn tức thời khi tạo ra hưng phấn và ảo giác hạnh phúc) [1], khiến người dùng phải “cuộn” (scroll) liên tục hàng giờ, qua đó giữ chân họ. 

Bên cạnh mạng xã hội, cảnh quan truyền thông rộng lớn hơn cũng góp phần vào sự phân tâm này. Netflix và Disney+ sử dụng tính năng tự động phát để chuyển đổi liền mạch người xem từ tập này sang tập khác để thúc đẩy hành vi xem liên tục. Một khảo sát năm 2024 tiết lộ rằng người Mỹ dành khoảng ba giờ mỗi ngày trước truyền hình. Và họ có vô vàn lựa chọn với 2,7 triệu tựa video riêng lẻ có sẵn trên các nền tảng truyền thống và phát trực tuyến.

Trong khi đó, quảng cáo thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống số, chẳng hạn như các bài đăng được tài trợ trên Instagram hay các sản phẩm trò chơi điện tử và tiêu dùng xuất hiện với tần suất dày đặc trên các trang mạng xã hội. Sự tiêu thụ quá tải này khiến những khoảnh khắc suy ngẫm tĩnh lặng—rất cần thiết cho trí tưởng tượng—ngày càng trở nên hiếm hoi.

Nguy hiểm hơn, Shoshana Zuboff đã cảnh báo về “chủ nghĩa tư bản giám sát” (surveillance capitalism) nơi tâm trí, hành vi và tinh thần của con người dễ trở thành nô lệ bởi công nghệ và các thuật toán kiểm soát. Các tập đoàn lớn, như Google và Facebook, thu thập dữ liệu của người dùng để tạo ra các mô hình dự đoán và tác động đến các lựa chọn hành vi của người dùng thông qua nội dung và quảng cáo được cá nhân hóa.

Không những vậy, chủ nghĩa tư bản giám sát còn đe dọa năng lực tư duy và hành động, qua đó làm xói mòn các giá trị căn bản giúp duy trì sự dẻo dai của nền dân chủ. Shoshana Zuboff nhấn mạnh: “Cơ chế điều chỉnh hành vi của chủ nghĩa tư bản giám sát ở quy mô lớn đang làm xói mòn nền dân chủ từ bên trong — bởi khi mất đi quyền tự chủ trong hành động và tư duy, chúng ta sẽ có ít khả năng phán đoán đạo đức và tư duy phản biện — vốn cần thiết cho một xã hội dân chủ”.

Khi trí tưởng tượng bị thoái hoá

Sự phân tâm có thể khiến trí tưởng tượng—điều kiện không thể thiếu cho sự sáng tạo—bị “teo dần” như một cơ quan thừa. Dòng kích thích bên ngoài với tốc độ liên tục làm suy yếu các điều kiện nhận thức cần thiết cho tư duy và tưởng tượng. Nghiên cứu của nhà thần kinh học Daniel Levitin cho biết đa nhiệm và quá tải thông tin làm căng thẳng vùng vỏ não trước trán và làm giảm khả năng nhận thức, đặc biệt là tư duy sâu sắc. Ông chỉ ra rằng tổn thất về nhận thức do làm nhiều việc cùng lúc thậm chí còn lớn hơn việc hút cần sa. 

Trí tưởng tượng, khả năng hình dung những điều có thể vượt ra ngoài thực tại tức thời và hữu hình, là nền tảng cho sự sáng tạo đồng thời giúp giải quyết vấn đề trong đời sống và phát triển tư duy phản biện. Vốn cần không gian để “lang thang”, mơ mộng hoặc tìm kiếm những ý tưởng mới, trí tưởng tượng giờ bị bóp nghẹt bởi lớp lớp những làn sóng thông tin. Làm sao mà sự sáng tạo có thể nảy sinh khi tâm trí bị xé nhỏ, bị lập trình để phản ứng thay vì suy tưởng!?

Sự suy giảm này đặc biệt rõ rệt ở các thế hệ trẻ lớn lên trong kỷ nguyên số. Thời gian sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể làm giảm tư duy đa chiều (divergent thinking)—“xương sống” cho khả năng giải quyết vấn đề tạo ra những ý tưởng mới—ở thanh thiếu niên. Tương tự, sự tưởng tượng và năng lực khám phá của trẻ em cũng suy giảm do tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện kỹ thuật số. Một chế độ ăn “nhồi nhét” bởi các câu chuyện liên tục được “đóng gói sẵn” thông qua ứng dụng và trò chơi có thể khiến trẻ em giảm khả năng xây dựng câu chuyện của riêng mình.

Người lớn cũng không miễn nhiễm. Sự gia tăng của việc liên tục lướt điện thoại để đọc các tin tức tiêu cực trong một thời gian dài (doomscrolling hay doomsurfing) để tiêu thụ tin tức và “dìm mình trong dòng thác tin xấu” trên mạng xã hội cũng gây ra sự phân tâm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc kéo dài với các nội dung tiêu cực trực tuyến làm tăng cảm giác lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, cô đơn và giảm tính linh hoạt về nhận thức, cản trở khả năng hình dung các lựa chọn hoặc giải pháp tích cực, thậm chí nguy hiểm hơn là khơi gợi ý muốn tự tử. 

Việc theo dõi các tin tức từ nền tảng xã hội cũng gây ra sức ép so sánh xã hội (social comparison pressure) và khiến người dùng giảm tự tin. Bởi lẽ đập vào mắt người dùng là dòng thác về các khía cạnh của cuộc sống có thể bị bóp méo và hoàn toàn khác xa với thực tế, từ đó dẫn đến sự bất mãn về bản thân và cả xã hội. Người dùng rất dễ sa vào hàng ngàn mối hoài nghi, như Tôi là ai? Tôi phải làm gì để theo kịp bạn bè? Những gì tôi tin là đúng thì nay còn đúng hay không?

Như vậy, bằng cách giữ chúng ta trong trạng thái phản ứng liên tục, Anh Cả đảm bảo rằng năng lượng tinh thần của chúng ta bị tiêu tốn vào việc tiêu thụ hơn là sáng tạo. Khả năng tư duy độc lập và ứng phó với bất ổn bên trong và bên ngoài cũng giảm đi do cơ thể liên tục phải phản ứng trước làn sóng thông tin và sự kiện.

Khi cá nhân yếu đi, xã hội cũng suy sụp

Tình trạng bị phân tâm và suy giảm trí tưởng tượng gây ra những hệ quả sâu sắc, cả về phương diện cá nhân lẫn ổn định xã hội. Ở cấp độ cá nhân, sự giảm trí tưởng tượng làm suy yếu quyền tự chủ—khả năng xác định mục tiêu riêng và theo đuổi chúng một cách độc lập. Nhà khoa học chính trị Hannah Arendt lập luận rằng khả năng tư duy phản biện và tưởng tượng các tương lai thay thế là cần thiết cho tham dự chính trị và thiết yếu để chống lại chủ nghĩa độc tài. 

Khi sự chú ý bị độc quyền và trí tưởng tượng bị teo dần, cá nhân trở thành người tiêu dùng thụ động, không quan tâm đến việc đặt câu hỏi, không còn khả năng hình dung sự thay đổi, không dám mơ khác, cũng không đủ sức phản kháng. Không có trí tưởng tượng và tư duy phê phán, con người dễ mắc kẹt trong một bối cảnh hay một khung nhận thức, hoặc tệ hơn, bị dắt mũi bởi các thế lực thao túng. Hiển nhiên, một người bị phân tâm sẽ dễ bị thao túng hơn một người tỉnh táo và tập trung.

Ở cấp độ xã hội, hậu quả cũng nghiêm trọng không kém. Đổi mới—động lực của tiến bộ khoa học, nghệ thuật và xã hội—dựa vào những bước nhảy tưởng tượng. Sự suy giảm trong tư duy đa chiều đe dọa làm kìm hãm những bước đột phá trong các lĩnh vực như giáo dục, công nghệ, chính sách phát triển. Khi các cá nhân thoái hoá năng lực sáng tạo và trở nên thụ động thì xã hội sẽ chịu nhiều áp lực. 

Nền dân chủ và tự do cũng đứng trước các nguy cơ từ sự giám sát của Anh Cả. Nhà lý thuyết chính trị Shoshana Zuboff mô tả “chủ nghĩa tư bản giám sát” như một hệ thống không chỉ dự đoán mà còn định hình hành vi thông qua sự thúc đẩy dựa trên dữ liệu. Bằng cách thuyết phục người dùng từ bỏ quyền riêng tư vì sự tiện lợi, các công ty công nghệ toàn cầu như Google và Facebook thu thập các thông tin cá nhân như “dữ liệu” để các bên khác sử dụng nhằm dự đoán hành vi của chúng ta và thậm chí là tác động và thay đổi hành vi đó.

Vụ bê bối Cambridge Analytica năm 2016, khi công ty khai thác hồ sơ tâm lý và dữ liệu của hàng trăm triệu người dùng Facebook để xác định khuynh hướng chính trị của cử tri là một ví dụ rõ ràng về sự nguy hiểm của việc thông tin bị khai thác cho các mục tiêu chính trị để tác động lên hành vi của người dân. Sự kiện này đã gây nên làn sóng phẫn nộ rộng khắp mà còn đặt ra câu hỏi về đạo đức của quyền riêng tư dữ liệu, tác động ngày càng tăng của phương tiện truyền thông xã hội đối với chính trị bầu cử (electoral politics) và vai trò của dữ liệu trong việc định hình diễn ngôn chính trị.

Hơn nữa, sự phân tâm làm trầm trọng thêm sự phân mảnh xã hội. Khi các thuật toán ưu tiên các nội dung gây chia rẽ để tối đa hóa sự theo dõi và tham gia của người dùng, sự đồng cảm, tức khả năng lắng nghe và thấu hiểu quan điểm cũng như góc nhìn của người khác, cũng bị giảm sút. Một khi sự quản lý thuật toán chiếm ưu thế, tầm nhìn chung cần thiết cho một xã hội gắn kết sẽ bị xói mòn. Người dùng lúc này dễ bị cuốn theo dòng thác tin tức và trở thành những con zombie sẵn sàng “chiến đấu” chống lại những gì trái với quan điểm của mình.

Giành lại sự chú ý và trí tưởng tượng

Liệu chúng ta có thể tương tác ý nghĩa với thế giới, nêu cao giá trị riêng của bản thân (cái tôi), và giành lại “chủ quyền nhận thức”? 

Nếu sự phân tâm là vũ khí của Anh Cả, thì việc lấy lại sự chú ý là tấm khiên mà chúng ta có thể sử dụng để bảo vệ bản thân. Điều này đòi hỏi cả sự can thiệp cá nhân lẫn hệ thống. Ở cấp độ cá nhân, các thực hành như chánh niệm và cai nghiện số có thể khôi phục không gian cần thiết cho trí tưởng tượng. Ví dụ, Cal Newport ủng hộ “tối giản số” (digital minimalism), một triết lý sử dụng công nghệ có chủ ý và ưu tiên các hoạt động ý nghĩa hơn là tiêu thụ vô thức. 

Các nghiên cứu cho thấy việc giảm thời gian sử dụng màn hình có thể giúp cải thiện tinh thần và tăng cường năng lực sáng tạo. Dù việc “kiêng” tạm thời mạng xã hội có thể không phải là phương pháp ngắt kết nối hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe tinh thần nhưng việc hạn chế sử dụng mạng xã hội trong 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe, đồng thời giảm cô đơn và trầm cảm trong khoảng thời gian ba tuần, theo một nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania.

Giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Các trường học cần ưu tiên nuôi dưỡng trí tưởng tượng thông qua các trò chơi nhấn mạnh tính tương tác, khuyến khích các chương trình nghệ thuật và khám phá với môi trường bên ngoài, thay vì học vẹt hay chỉ chăm chăm kêu gọi một nền giáo dục mới dựa trên công nghệ (vì bạn ơi, chúng ta đâu phải những cỗ máy!). 

Hệ thống giáo dục của Phần Lan là một kênh tham khảo hữu ích. Giáo dục ở quốc gia Bắc Âu này quan tâm đến việc nuôi dưỡng sự sáng tạo và giảm thiểu kiểm tra theo tiêu chuẩn hóa máy móc, qua đó cung cấp những gợi mở và không gian cho việc giải quyết vấn đề dựa trên tưởng tượng và tư duy phê phán. Bên cạnh đó, phụ huynh nên khuyến khích trí tưởng tượng của con trẻ bằng cách hạn chế thời gian chúng sử dụng các thiết bị số và mạng xã hội, đồng thời gia tăng các hoạt động hữu ích như đọc sách, kể chuyện, tham quan bảo tàng và dã ngoại.

Ở cấp độ hệ thống, quy định là cần thiết để kiềm chế sự thái quá của nền kinh tế chú ý. Các nhà hoạch định chính sách có thể yêu cầu minh bạch trong thiết kế thuật toán, hạn chế các tính năng gây nghiện như tự động phát, hoặc áp thuế đối với doanh thu quảng cáo để giảm thiểu sự quá tải giác quan. Ngoài ra, tăng cường đầu tư công vào các trung tâm văn hóa như thư viện, bảo tàng và nhà hát có thể giúp cung cấp không gian cho sự suy ngẫm và sáng tạo.

***

Nếu Anh Cả của George Orwell dựa vào nỗi sợ để kiểm soát thì Anh Cả trong thế kỷ 21 sử dụng sự quyến rũ của dòng chảy thông tin, lấp đầy tâm trí chúng ta với sự phân tâm vô tận để khiến trí tưởng tượng trở nên thừa thãi, làm ta quên đi khát vọng tự do và cản trở hành động. Đây không chỉ là một mối đe dọa đối với cá nhân mà còn liên quan đến một cuộc khủng hoảng xã hội về dài hạn vì nó có thể xoá sổ quyền tự chủ của cá nhân, tinh thần đổi mới và sự gắn kết. 

Quyền lực lớn nhất của Anh Cả là ở khả năng khiến ta suy giảm chú ý và thôi tưởng tượng. Con người—theo thời gian—có thể trở thành các cỗ máy tiêu thụ tin tức và giải trí hơn là chủ thể có năng lực sáng tạo dựa trên trí tưởng tượng, tinh thần phê phán, và khát vọng tự do. Thay vì bị bắt buộc, chúng ta tình nguyện cúi đầu và tuân phục để tiện tay lướt màn hình. 

Tuy nhiên, bức tranh không chỉ toàn màu đen. Bằng cách hiểu các cơ chế của sự phân tâm, nhận ra tác động của nó đến trí tưởng tượng, và quyết tâm giành lại sự chú ý, chúng ta có thể chống lại hình thức kiểm soát tinh vi này, dù có nhiều khó khăn. Trong một thế giới nơi Anh Cả kêu gọi ca hát, nhảy múa, và chạy theo thông tin “mì ăn liền” vô tận, mối đe dọa lớn nhất đối với quyền lực của hắn là một tâm trí dám dừng lại, suy ngẫm và tưởng tượng. Và vì thế, hành động phản kháng ý nghĩa nhất có thể chỉ đơn giản là: dừng lại, chú ý và suy ngẫm. 

[1] Nội dung này được đề cập trong cuốn “Brave New World” (tạm dịch: “Thế giới mới tươi đẹp”) của Aldous Huxley, được công bố năm 1932.

Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.

Từ khoá: chủ nghĩa tư bản giám sát Anh Cả mạng xã hội truyền thông đại chúng

BÀI LIÊN QUAN