Điều gì đã xảy ra với ngành dệt may của Bangladesh?
Bangladesh là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu dệt may. Năm 2020, quốc gia Nam Á này đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu dệt may (sau Việt Nam và Trung Quốc), với kim ngạch đạt 27,47 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ năm 2022, Bangladesh đã vượt mặt Việt Nam và vươn lên vị trí thứ hai, với kim ngạch xuất khẩu đạt 45 tỷ USD. Tiếp đà tăng trưởng, Bangladesh đạt giá trị xuất khẩu ở mức cao nhất mọi thời đại, gần 47 tỷ USD vào năm 2023. Trong năm tháng đầu năm nay, Bangladesh vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ hai với giá trị xuất khẩu ở mức 21,7 tỷ USD.
Xét tổng thể, ngành dệt may cũng là mũi nhọn chủ lực của Bangladesh, chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (số liệu tính của năm 2023). Các quốc gia nhập khẩu chính hàng dệt may của Bangladesh là Mỹ, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Ba Lan. Trong khi đó, các công ty mua hàng may mặc nổi tiếng từ quốc gia Nam Á này là H&M, Zara, Uniqlo và Carrefour.
Tuy nhiên, “thủ phủ” may mặc của thế giới đang đối mặt với khủng hoảng kể từ tháng 6. Thời điểm đó, cơn bão Remal đổ bộ đã làm hư hại một trong hai nhà ga nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Bangladesh, khiến chính phủ nước này phải hủy một số đơn đặt hàng LNG vì không có hạ tầng tiếp nhận. Từ đây, đất nước rơi vào khủng hoảng khí đốt nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp lên ngành dệt may.
Trong khi ngành dệt may cần đến nhiều khí đốt để vận hành nhà máy sản xuất, thì ngân sách eo hẹp khiến chính phủ Bangladesh phải cắt giảm khoản trợ cấp cho khí đốt. Hậu quả là chi phí sản xuất của doanh nghiệp dệt may trong nhiều trường hợp còn cao hơn giá xuất khẩu, khiến một số nhà máy chỉ hoạt động ở mức công suất dưới 30%, hoặc phải tạm thời đóng cửa.
Cuộc khủng hoảng lan rộng trên phạm vi cả nước, khiến tình trạng bạo lực do các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng. Kể từ ngày 18/7, Bangladesh đã phải cắt dịch vụ di động và Internet vì lý do an ninh, và cùng thời điểm đó, nhiều nhà máy sản xuất cũng phải đóng cửa để đảm bảo an toàn. Theo công bố của Sourcing Journal (cổng thông tin chuyên về dệt may, da giày) vào ngày 23/7, mỗi ngày trôi qua ngành dệt may Bangladesh phải chịu thiệt hại lên đến 150 triệu USD.
Đỉnh điểm của tình hình bất ổn là Thủ tướng Sheikh Hasina buộc phải từ chức sau 15 năm cầm quyền, giải tán Quốc hội và rời khỏi đất nước vào ngày 5/8. Trước tình hình đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất và Xuất khẩu May mặc Bangladesh (Bangladesh Garment Manufacturers and Exporters Association - BGMEA) đã phải đưa ra thông báo yêu cầu tất cả chủ nhà máy đóng cửa các xưởng sản xuất cho đến khi có thông báo mới.
Mặc dù vào ngày 7/8, các nhà máy may mặc ở Bangladesh đã mở cửa trở lại với hy vọng nhanh chóng khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất, nhưng những gián đoạn trước đó đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp này nói riêng và nền kinh tế Bangladesh nói chung. Các ước tính ban đầu cho thấy ngành dệt may nước này có thể đã mất 25 - 40% số lượng đơn hàng, tương đương hơn 4 tỷ USD. Trong khi đó, các hiệp hội cũng báo cáo rằng ngành may mặc và dệt may đã mất 800 triệu USD chỉ trong năm ngày đầu tháng 8.
Mặc dù vậy, theo ông SM Mannan Kochi, Chủ tịch BGMEA, thiệt hại lớn nhất mà Bangladesh phải đối mặt là khách hàng quốc tế đang dần mất niềm tin vào tính ổn định của hoạt động sản xuất. Bên cạnh việc không thể đo lường được bằng tiền, tổn thất này gây tác động tiêu cực về dài hạn. Liên quan đến rủi ro về mất niềm tin, người sáng lập chuỗi cung ứng hàng may mặc M5 Groupe (trụ sở tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) là Munir Mashooqullah chia sẻ rằng “Tình hình hiện tại sẽ khiến các thương hiệu và các nhà bán lẻ đánh giá lại việc hợp tác thương mại trong tương lai với Bangladesh, vì rủi ro từ việc chậm trễ giao và cung cấp đơn hàng (từ 3 - 4 tuần) có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập hàng quý của các nhà bán lẻ lớn”. Nhìn xa hơn, kế hoạch vượt qua mức 50 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may trong năm nay của Bangladesh gần như đã bị “phá sản”.
Thời cơ cho Việt Nam?
Với tình hình bất ổn mà Bangladesh đang đối mặt, đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi dù ít hay nhiều. Trước hết, năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút, trong khi hiện tại là giai đoạn cao điểm sản xuất hàng cho mùa đông (giáng sinh và năm mới). Vì vậy, nhiều công ty sẽ phải tính đến việc áp dụng chiến lược “Bangladesh cộng một” (Bangladesh Plus One) để giảm thiểu rủi ro, nghĩa là tránh phụ thuộc quá mức vào một quốc gia duy nhất, mà thay vào đó tìm kiếm thêm các nước khác để đảm bảo nguồn cung ứng, bao gồm cả Việt Nam. Cùng với đó, như đã đề cập, niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh cũng đang lung lay.
Trên thực tế, kết quả xuất khẩu trong tháng 7 vừa qua cho thấy Việt Nam đang tận dụng tốt thời cơ. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 7 đạt 4,29 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 16,1% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt hơn 18,4 tỷ USD (tăng 3,97%), xuất khẩu xơ sợi đạt 2,54 tỷ USD (tăng 3,71%), xuất khẩu vải đạt 1,47 tỷ USD (tăng 7,08%). Đây là tháng đầu tiên trong năm nay ghi nhận kết quả vượt mốc 4 tỷ USD, và cũng là tháng có kim ngạch cao nhất kể từ tháng 8/2022.
Số liệu lũy kế bảy tháng đầu năm cũng ghi nhận sự tích cực, ước đạt 23,64 tỷ USD, tăng 4,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, năm thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may đều ghi nhận kết quả tăng trưởng so với cùng kỳ: Mỹ đạt 7,4 tỷ USD (tăng 3,1%); châu Âu đạt 2 tỷ USD (tăng 0,8%); Nhật Bản đạt 1,97 tỷ USD (tăng 4,9%); Hàn Quốc đạt 1,65 tỷ USD (tăng 2,6%); Trung Quốc đạt 1,68 tỷ USD (tăng 4,6%).
Với đà tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu dệt may ở mức 44 tỷ USD vào cuối năm nay là hoàn toàn khả thi. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đơn hàng tháng 8 đang khả quan (dự kiến sẽ tốt hơn tháng 7), tháng 9 là tháng giao mùa nên có thể giảm nhẹ, nhưng ba tháng cuối năm dự kiến sẽ có thêm nhiều đơn hàng.
Nhìn chung, cơ hội ngắn hạn đang rất sáng sủa với ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn thì vẫn còn phải quan sát thêm. Theo ông Trần Nhật Trung, Giám đốc phân tích công ty chứng khoán ACBS, ngành dệt may của Bangladesh đang sở hữu lợi thế về chi phí nhân công thấp, trong khi chi phí nhân công ở Việt Nam cao hơn và đang trong quá trình tăng lương cơ bản. Cùng với đó, dệt may là ngành trọng điểm của Bangladesh nên được chính phủ nước này bảo hộ bằng nhiều chính sách hỗ trợ (lãi suất vay thấp, quyền tiếp cận miễn thuế và trợ cấp chi phí năng lượng), và quy trình sản xuất ở quốc gia này theo hình thức khép kín (tức toàn diện), trong khi Việt Nam chủ yếu thiên về gia công, khó chủ động nguồn nguyên vật liệu và thị trường, dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động địa chính trị toàn cầu. Do đó, một số công ty vẫn sẵn sàng ở lại Bangladesh nếu tình hình không trở nên tồi tệ hơn nữa.
Chẳng hạn, đại diện của doanh nghiệp H&M cho biết rằng “Hầu hết các nhà máy đang dần mở cửa trở lại và sự an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi đã cam đoan với các nhà cung cấp [tức phía Bangladesh] rằng chúng tôi sẽ không yêu cầu chiết khấu do sự chậm trễ trong tình hình hiện tại”. Với tuyên bố này, có thể thấy H&M vẫn muốn ở lại Bangladesh thay vì tính tới phương án chuyển nhà máy sang quốc gia khác. Zara nhiều khả năng cũng sẽ đưa ra lựa chọn tương tự.
Một yếu tố quan trọng khác mà Bangladesh nổi trội hơn Việt Nam là tiêu chí phát triển bền vững. Các nhà nhập khẩu lớn đưa ra yêu cầu cao về các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Chẳng hạn, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Trước đây, Việt Nam đã từng đánh mất một số đơn hàng vào tay Bangladesh vì không đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn về chuyển đổi xanh. Do đó, tình hình bất ổn ở Bangladesh là một thời cơ, nhưng nếu Việt Nam vẫn không cải thiện điểm yếu về chuyển đổi xanh thì đồng nghĩa “cờ đến tay nhưng không thể phất”.
Ngoài ra, ông Trung cũng cho rằng các đơn hàng mà Bangladesh nhận thực hiện thường có biên lợi nhuận thấp hơn so với Việt Nam (chẳng hạn biên lợi nhuận 10% so với 20%). Điều này đặt ra câu hỏi là liệu các doanh nghiệp Việt Nam có sẵn sàng chấp nhận các đơn hàng giá rẻ ngang với Bangladesh hay không. Số liệu về lợi nhuận càng được chú trọng hơn trong giai đoạn hiện nay bởi xem xét bảy tháng đầu năm 2024, tuy số lượng đơn đặt hàng đang nhiều hơn, nhưng giá của từng đơn hàng chưa cải thiện, thậm chí có những mã hàng còn thấp hơn năm ngoái.
Bên cạnh đó, để “chớp thời cơ” từ tình hình ở Bangladesh, Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ (quốc gia có thể được xem là nắm nhiều lợi thế nhất trong cuộc chạy đua hiện nay). Lý do là vì hiện có gần 25% doanh nghiệp dệt may ở Bangladesh thuộc sở hữu của nhà đầu tư Ấn Độ, chẳng hạn Shahi Exports, House of Pearl Fashions, Jay Jay Mills, TCNS, Gokaldas Images và Ambattur Clothing. Do đó, nếu chính phủ mới ở Dhaka không cải thiện tình hình đất nước, khi đó rất có khả năng hàng loạt doanh nghiệp may mặc sẽ chuyển nhà máy về lại Ấn Độ. Trong diễn biến liên quan, nhà sản xuất hàng may mặc của Ấn Độ chuyên xuất khẩu đến phương Tây là Hula Global cho biết sẽ chuyển dịch hoạt động sản xuất trong phần còn lại của năm nay từ Bangladesh về quê hương để tránh rủi ro.
Hiện tại Ấn Độ đang xuất khẩu hàng may mặc khoảng 1,3 - 1,5 tỷ USD mỗi tháng (tức khoảng 15,6 - 18 tỷ USD/năm). Theo các chuyên gia, nếu sự gián đoạn kéo dài khiến 10 - 11% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Bangladesh được chuyển hướng sang các trung tâm của Ấn Độ (nổi bật nhất là Tirupur), thì khi đó New Delhi có thể kiếm thêm được 300 - 400 triệu USD mỗi tháng. Con số này dù không thể soán ngôi thứ ba của Việt Nam, nhưng sẽ khiến quốc gia Đông Nam Á khó thu được nhiều lợi ích từ tình hình bất ổn ở Bangladesh.
Như vậy, thời cơ dành cho Việt Nam không phải là không có, thể hiện qua các số liệu xuất khẩu tích cực trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, thị trường Bangladesh vẫn còn nhiều sức hấp dẫn với khách hàng quốc tế, trong khi Ấn Độ cũng sẵn sàng cạnh tranh quyết liệt để chớp thời cơ, khiến cơ hội dành cho Việt Nam bị thu hẹp đáng kể.
Cần nỗ lực tối đa để tận dụng cơ hội
Để tạo ra bước đột phá, ngành dệt may Việt Nam trước hết cần phải thay đổi triệt để tư duy, chuyển từ gia công sang các phương thức sản xuất cao hơn như OEM (tự cung nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, tự sản xuất), OBM (tự thiết kế, sản xuất).
Muốn làm được như vậy, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phải được xem trọng, bởi đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy có nguồn lao động dồi dào với chi phí nhân công rẻ, nhưng Việt Nam lại thiếu đội ngũ nhân công có tay nghề, được đào tạo chuyên sâu.
Cùng với đó, đội ngũ nhân viên quản lý trong các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may phần đông là từ các ngành nghề khác chuyển sang, tuy có kinh nghiệm quản lý nhưng lại thiếu kiến thức chuyên ngành. Do vậy, chính phủ và các trường đại học, cao đẳng cần quan tâm hơn đến vấn đề này, xem xét phát triển các ngành học đặc thù phù hợp với ngành dệt may chất lượng cao.
Song song với đào tạo nguồn nhân lực, ngành dệt may cũng cần hướng đến tự chủ về năng lực sản xuất. Sở dĩ ngành này không có lợi nhuận cao là vì Việt Nam phải nhập khẩu vải quá nhiều, chiếm đến 75% nhu cầu, và do đó hầu như chỉ có thể thực hiện công đoạn gia công xuất khẩu, thu lại lợi nhuận thấp. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam cần dốc toàn lực để cải thiện năng lực sản xuất vải, vì đây là tiền đề để tiến tới các phương thức sản xuất cao hơn. Nếu sản xuất theo phương thức OEM, lợi nhuận có thể gấp ba đến bốn lần so với gia công, trong khi với ODM và OBM có thể mang lại lợi nhuận từ 5 đến 15 lần.
Một yếu tố khác cũng rất quan trọng đó là bắt kịp xu thế thị trường, chú trọng chuyển đổi xanh theo thị hiếu của khách hàng. Các doanh nghiệp có thể xem xét những giải pháp giảm phát thải như lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể xây dựng các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, với công nghệ tiên tiến để giảm tác động đến môi trường.
Yêu cầu về chuyển đổi xanh cần phải đưa lên hàng đầu trong các ưu tiên, vì đó có thể là cách nhanh nhất để Việt Nam tận dụng thời cơ và cạnh tranh với Bangladesh (cũng như Ấn Độ), trong khi quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hay tự chủ sản xuất vải có thể mất nhiều thời gian hơn.