Phát biểu trên là của Iman Atta, Giám đốc Tell MAMA – tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi các cuộc tấn công người Hồi giáo ở Anh, về việc những kẻ cực đoan cánh hữu đã đổ lỗi cho người Hồi giáo làm lây lan Covid-19.
Không chỉ riêng người Hồi giáo, những người gốc Á và Do Thái cũng hứng chịu làn sóng bài ngoại, căm thù trực tuyến lan truyền mạnh mẽ tại châu Âu với các cáo buộc tương tự.
Sự càn quét mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu khiến nhiều thuyết âm mưu, vốn đã tồn tại từ lâu trong đời sống chính trị – xã hội phương Tây, bắt đầu lan rộng. Bằng cách khoét sâu vào nỗi lo lắng và sợ hãi của dân chúng thông qua việc truyền tải tin tức bịa đặt và các thông tin sai lệch, các nhà dân túy cánh hữu đã đạt được những mục tiêu chính trị nhất định. Bởi lẽ, “sợ hãi là thành phần chính của cả thuyết âm mưu và chủ nghĩa dân túy”.
Để tránh rơi vào “bẫy âm mưu” trong bối cảnh chính trị phức tạp hiện nay, ta cần phân biệt giữa một lý thuyết phê bình với cái cấu thành một thuyết âm mưu đúng nghĩa, chủ nghĩa dân túy mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, các môtíp điển hình của thuyết âm mưu và chủ nghĩa dân túy, mối liên hệ giữa hai trào lưu này cũng như cách thức mà chúng được áp dụng trong chính trị. Tất cả những vấn đề trên đều được đề cập thông qua bức tranh khái quát về đời sống chính trị - xã hội tại châu Âu và Mỹ trong cuốn “Thuyết âm mưu và chủ nghĩa dân túy – Chính trị học về thông tin sai lệch” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, lần xuất bản đầu tiên là vào năm 2020, lần tái bản tiếp theo là vào năm 2022. Các trích dẫn trong bài này là từ bản năm 2022) của giáo sư chính trị học người Iceland Eirikur Bergmann. Bergmann hiện làm việc tại trường Đại học Bifröst.
Các thuyết âm mưu phổ biến
Đối với cấu trúc và bản chất của thuyết âm mưu, chúng gồm rất nhiều loại và được phân loại theo những tiêu chí khác nhau, từ những nghi ngờ về các biến cố đơn lẻ đến những mô hình hư cấu đầy phức tạp. Đề cập đến các sự kiện xảy ra tại các quốc gia châu Âu và Mỹ, Bergmann cung cấp một tổng quan về các loại thuyết âm mưu phổ biến được lan truyền trong đại chúng.
Về loại đầu tiên, Bergmann bàn về các thuyết âm mưu liên quan đến một trật tự thế giới mới (thậm chí mang tính vĩ cuồng). Nhiều phiên bản về thuyết âm mưu đã có chung ý tưởng rằng “thế giới bị kiểm soát bởi thế lực tinh hoa ngầm đến từ bên ngoài hành tinh và chúng đang cố tạo ra một hình thái thống trị thế giới nào đó”. Không chỉ chính phủ các nước trên thế giới mà cả những thể chế quốc tế như Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên Hợp Quốc (UN) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đang bị kiểm soát và thao túng bởi giới tinh hoa toàn cầu. Theo đó, hệ thống các quốc gia có chủ quyền sẽ bị thay thế bởi một chính quyền độc tài duy nhất trên thế giới.
Đối với loại thứ hai, Bergmann đề cập đến các thuyết âm mưu về kẻ phản Kitô đang được lan truyền mạnh mẽ tại châu Âu và Bắc Mỹ. Chúng xoay quanh những câu chuyện về một số nhân vật thuộc Satan giáo (đạo đối nghịch với Kitô giáo) có âm mưu kiểm soát thế giới; một kẻ độc ác lãnh đạo một chế độ độc tài toàn thế giới; hoặc các hiệp hội và tổ chức được cho là chống Kitô. Đơn cử là trường hợp cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Giáo hoàng John Paul II bị cáo buộc là kẻ phản Kitô, hay UN và EU được xem là công cụ để kẻ phản Kitô xuất hiện. Một số nhà lý luận âm mưu cho rằng EU là sự hồi sinh của đế chế La Mã và lần trở lại này là dưới hình thức của một siêu quốc gia châu Âu do kẻ phản Kitô lãnh đạo.
Loại thứ ba là những phiên bản về Hội kín Illuminati (secret organization) khét tiếng xuất hiện dưới nhiều hình thức và qua các thời kỳ khác nhau (sơ kỳ, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới và hiện thời). Nền cai trị mang tính thế tục thay thế các thể chế chính trị dựa trên các thiết chế hoàng gia và tôn giáo, việc thiết lập một chế độ độc tài toàn cầu do người Do Thái kiểm soát, và nền tự do Kitô giáo lẫn tự do của Mỹ sắp sửa bị phá hoại để thiết lập một chính phủ xấu xa thống trị toàn thế giới, lần lượt là những ý tưởng gắn liền với hội kín này qua từng giai đoạn tương ứng.
Loại thứ tư liên quan đến các thuyết âm mưu về chủ đề bài tôn giáo như Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo. Điểm chung của những thuyết này nhằm mục tiêu làm sáng tỏ triệt để âm mưu của tôn giáo. Trong đó, chủ nghĩa bài Do Thái trở thành trọng tâm của nhiều thuyết âm mưu phổ biến. Để bổ trợ cho các thuyết âm mưu này, các quan điểm chối bỏ cuộc diệt chủng Holocaust do Đức Quốc xã và bè phái tiến hành thậm chí đã xuất hiện. Một số nhà lý luận âm mưu và những người tin thuyết này cho rằng nạn diệt chủng Holocaust là câu chuyện được dựng lên để hỗ trợ cho quá trình ra đời của nhà nước Do Thái cũng như nhận được sự đồng cảm của công chúng đối với người Do Thái.
Loại thứ năm gắn liền với những câu chuyện về Nhóm Bilderberg (cuộc họp thường niên được thành lập vào năm 1954 để thúc đẩy đối thoại giữa châu Âu và Bắc Mỹ) và mối nghi ngờ về các nhân vật thuộc một nhà nước ngầm (deep state), nạn diệt chủng người da đen và người da trắng, hay những âm mưu xoay quanh các vụ ám sát, báo động giả và những vụ lừa đảo diễn ra tại châu Âu và Mỹ.
Nhận diện thuyết âm mưu trong bối cảnh chính trị dân túy
Trong nghiên cứu của mình, Bergmann thảo luận các “nhãn mác” được các học giả gắn vào thuyết âm mưu như “lối tư duy bị khinh thị”, dấu hiệu của “chứng hoang tưởng bệnh lý” hay thực sự cần nghiêm túc xem xét thuyết âm mưu với tư cách là “một phần của văn hóa đương đại” – tức mang tính thực tế. Do thuyết âm mưu được phân thành nhiều loại với mức độ bao phủ khác nhau, để hiểu được bản chất của nó ta cần xem xét chúng dựa trên các cấp độ phân loại khác nhau. Tác giả đề cập đến cách phân loại theo ba nhóm của Michael Barkun trong cuốn A Culture of Conspiracy: Apocalyptic Visions in Contemporary America (University of California Press, 2006), hay theo năm nhóm của Jesse Walker trong quyển The United States of Paranoia: A Conspiracy Theory (Harper, 2013).
Trong cách phân loại đầu tiên, các thuyết âm mưu được phân tách thành ba nhóm với thứ tự tăng dần về mức độ bao phủ, bao gồm (i) các thuyết âm mưu đưa ra những lý giải thay thế về một số sự kiện đơn lẻ, (ii) các hệ âm mưu vĩ cuồng, và (iii) về những siêu âm mưu (super – conspiracy). Cách phân loại thứ hai xếp thuyết âm mưu theo năm nhóm dựa trên vị thế của kẻ thủ ác trong câu chuyện được thêu dệt ra, bao gồm những kẻ thù chi phối từ bên ngoài, kẻ thù nằm ngay trong lòng xã hội, những kẻ chóp bu, kẻ thù nằm dưới đáy xã hội và cuối cùng là những kẻ âm mưu đội lốt đạo đức.
Ngoài các tiêu chí khác nhau để phân loại, các thuyết âm mưu còn được hiểu và nhận dạng theo nhiều môtíp khác nhau. Theo Bergmann, về cơ bản thuyết âm mưu được hiểu là “toàn bộ những lối kiến giải khác với lối kiến giải chính thống” và “không thể chứng minh được”. Bergmann nhận định các thuyết âm mưu thường có nguồn gốc tâm lý và chính trị xã hội; và ông nhấn mạnh “việc tin vào một thuyết âm mưu đã trở thành vấn đề của niềm tin hơn là vấn đề của chứng cứ”. Bởi lẽ về bản chất, chúng là “những thực tế không thể kiểm chứng”. Điều làm nên sự khác biệt giữa thuyết âm mưu với một lý thuyết phê bình là việc “bám rễ” cố chấp vào niềm tin có một cơ quan và một dự định bí mật – tức luôn có một thế lực thủ ác đứng sau để thao túng, hòng thực hiện âm mưu kiểm soát thế giới hoặc xây dựng một trật tự thế giới mới.
Lý giải cho sức hấp dẫn của các thuyết âm mưu, tác giả cho rằng chúng “đáp ứng nhu cầu của con người khi cần hợp lý hóa sự tồn tại của một tình trạng hỗn loạn”, đồng thời việc “cảm nhận mình chịu nhiều thiệt thòi hay mình là nạn nhân của vòng xoáy xã hội cũng là yếu tố thúc đẩy cho niềm tin vào thuyết âm mưu”.
“Giải phẫu” chủ nghĩa dân túy
Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít là các yếu tố nền tảng, có tương quan với chủ nghĩa dân túy cánh hữu được Bergmann thảo luận trong sách. Từ đây, ông hình thành nên khung tham chiếu để nhận biết phe chủ nghĩa dân túy cánh hữu (cụ thể tại châu Âu và Bắc Mỹ). Theo Bergmann, họ là “những người theo chủ nghĩa dân tộc, chống nhập cư, chống tinh hoa, chống tri thức và cũng là những người rao giảng về sự tách biệt giữa Anh và châu Âu”, “đề cập đến cảm xúc thay vì lý trí”. Họ theo “chủ nghĩa bản địa bài ngoại, những người phân biệt giữa chúng ta và kẻ khác, và họ bám víu vào các nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn mạnh mẽ, là những người ủng hộ các giải pháp đơn giản cho các vấn đề phức tạp đang đè nặng trên vai dân thường”.
Phe dân túy cánh hữu lồng ghép thuyết âm mưu trong các diễn ngôn như công cụ để tranh thủ sự ủng hộ từ phía nhân dân. Bergmann đưa ra ba phần trong một tuyên bố thường thấy mà những nhà dân túy cánh hữu sử dụng. Đầu tiên, họ vẽ nên các mối đe dọa từ bên ngoài đối với quốc gia; thứ hai, họ đưa ra các cáo buộc đối với giới lãnh đạo trong nước là những kẻ phản bội nhân dân và thậm chí đang cấu kết với các thế lực bên ngoài; thứ ba, họ tự xem mình là những người chính nghĩa, những vệ binh đứng về phía nhân dân để bảo vệ những kẻ thủ ác do chính họ thêu dệt nên.
Sự tồn tại bền bỉ của Mặt trận Quốc gia Pháp, Đảng Tiến bộ ở Na Uy, Đảng Nhân dân ở Đan Mạch và Đảng Tự do ở Áo đã chứng minh nhận định sai lầm rằng các phong trào chính trị dân túy sẽ không thể kéo dài lâu, bởi cho rằng việc duy trì chúng vấp phải nhiều khó khăn. Trên thực tế, những năm gần đây, Bergmann cho rằng châu Âu và Mỹ đã diễn ra quá trình hội nhập sâu rộng của chủ nghĩa dân túy vào chính trị dòng chính (mainstream politics). Theo đó, “các quan điểm trọng yếu của phe dân túy cực đoan hiện đang được nhiều thành phần chính trị dòng chính chia sẻ”. Bằng chứng là trong cuộc khảo sát toàn châu Âu, hai phần ba dân cư của một nước nghĩ rằng họ đã đạt đến giới hạn trong việc chấp nhận người di cư (tác giả trích dẫn khảo sát của Cas Mudde trong cuốn On Extremism and Democracy in Europe được xuất bản bởi Routledge vào năm 2016).
Bên cạnh đó, “quá trình quy phạm hóa nền chính trị dân túy” đã dẫn đến việc “xói mòn những quy chuẩn dân chủ” từng được chia sẻ bởi phương Tây như pháp quyền, tam quyền phân lập, tự do thương mại xuyên biên giới, tôn trọng nhân quyền… khi các đảng dòng chính đang cố “bắt chước” những đảng dân túy với nỗ lực giành lại những cử tri đã đánh mất trước đây. Một số chính sách bị bác bỏ trong thời gian dài như phân biệt chủng tộc và tôn giáo đã xuất hiện trở lại nhằm “trấn an” nỗi lo ngại của dân chúng về “những kẻ ngoại lai” đang ồ ạt tràn vào châu Âu.
Mối liên hệ giữa chủ nghĩa dân túy và thuyết âm mưu
Mẫu số chung của chủ nghĩa dân túy và thuyết âm mưu là cả hai “hợp lại trong một thế giới quan kiểu Mani giáo để tưởng tượng ra mối đe dọa từ bên ngoài đối với nhóm nội bộ”, và do đó cả hai có xu hướng bổ trợ nhau. Bergmann đã mô tả những đặc tính mà chủ nghĩa dân túy và thuyết âm mưu cùng chia sẻ, đặc biệt là tính nhị nguyên. Trong thế giới quan Mani giáo đó, chính trị được xem như “một cuộc chiến giữa hai phe là người dân và giai cấp chính trị tư lợi không xứng đáng”. Khi cả hai thành phần này có xu hướng chia tách giữa “người dân vô tội với giới tinh hoa hiểm ác”, hay giữa “những người dân lành với giới tinh hoa mục nát”, và phân biệt rõ giữa “những người dân ngây thơ và những kẻ âm mưu đang nắm giữ quyền lực”. Tuy nhiên, chính sơ đồ nhị nguyên này cũng tạo nên sự khác biệt giữa chủ nghĩa dân túy và thuyết âm mưu được đề cập chi tiết trong chương 5 “Hủy hoại niềm tin – Bản chất của các thuyết âm mưu dân túy”.
Bergmann cho rằng “thuyết âm mưu của những người theo chủ nghĩa dân túy có thể làm xói mòn niềm tin trong xã hội”. Xuất phát từ tư tưởng bản địa bài ngoại với việc phân định “kẻ khác” với “chúng ta”, và chắc chắn “kẻ khác” không bao giờ là “chúng ta” nên sẽ gây ra mối đe dọa đến “chúng ta”. Từ đó, hàng loạt các thuyết âm mưu của giới dân túy cánh hữu tại châu Âu và Mỹ ra đời với quan điểm bài xích, loại bỏ người Hồi giáo và Do Thái ra khỏi xã hội của họ. Cần lưu ý, “kẻ khác” không chỉ giới hạn ở những người có nguồn gốc bên ngoài xã hội đó, “kẻ khác” mà Bergmann đề cập bao gồm cả giới tinh hoa bị cáo buộc là đã phản bội dân chúng bởi các nhân vật dân túy cánh hữu.
Ngoài ra, nhà khoa học chính trị người Iceland còn thảo luận một khía cạnh khác liên quan đến các thuyết âm mưu được thúc đẩy bởi những kẻ chóp bu chính trị, gây ra mối đe dọa từ chính trung tâm quyền lực đối với hệ thống chính trị tự do. “Các thuyết âm mưu không đáng tin trước đây bắt đầu một quá trình hợp thức hóa”. Vào năm 2012, Ủy ban Giám sát quốc gia của Đảng Cộng Hòa (Mỹ) ban hành một nghị quyết tố cáo Chương trình Nghị sự 21 (kế hoạch không ràng buộc thúc đẩy duy trì bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên được ban hành bởi Liên Hợp Quốc) là một ví dụ điển hình. Tại Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump cũng duy trì lối hùng biện tách biệt giữa “chúng ta” với “chúng nó”, tương tự như “chúng ta” với “kẻ khác” trong thuyết âm mưu của những người dân túy cánh hữu.
Liệu Hồi giáo sẽ tiếp quản số phận của các xã hội châu Âu?
Câu trả lời nằm trong chương 6 “Học thuyết Ả Rập hóa châu Âu” được Bergmann phân tích qua từng trường hợp cụ thể tại Anh, Mỹ, và các nước Bắc Âu. “Ả Rập hóa châu Âu” là một trong những thuyết âm mưu nổi bật nhất hiện nay của các nhà dân túy cánh hữu. Điều này xuất phát từ những thay đổi trong cơ cấu nhân khẩu học tại châu Âu và Bắc Mỹ qua vấn đề nhập cư của người Hồi giáo. Cảm xúc chống người Hồi giáo ngày càng mạnh mẽ, bởi họ được xem là “những kẻ xâm lược đến từ bên ngoài trong một âm mưu phối hợp để chinh phạt châu Âu”. Như đã đề cập, cảm xúc là mảnh đất màu mỡ mà phe dân túy cánh hữu có thể khai thác để đạt được mục tiêu chính trị.
Những nỗi sợ đối với dòng di cư Hồi giáo được Bergmann mô tả thông qua cuộc tranh luận Brexit (những người ủng hộ chiến dịch này lo lắng rằng người Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập EU, từ đó dẫn đến quá trình di cư ồ ạt của người Hồi giáo đến Anh. Điều này sẽ đe dọa đến phúc lợi vốn có của người dân bản địa Anh cũng như “tạo điều kiện” cho các chiến binh của tổ chức khủng bố ISIS len lỏi vào nước này thông qua dòng người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ), nạn chống Hồi giáo tại Mỹ, cuộc diệt chủng trắng – Charlottesville, những “nỗi bất an” tại các nước Bắc Âu (bao gồm chủ nghĩa sôvanh phúc lợi, luật Sharia, “chúng ta” và “những kẻ khác”). Từ đó ra đời khái niệm “Hồi giáo hóa ngầm” len lỏi trong xã hội phương Tây và các cảnh báo đề phòng “tiến trình này”.
Chính trị Hậu sự thật
Các tin tức bịa đặt, thông tin sai lệch được lan truyền trên các trang mạng xã hội trở thành công cụ hữu hiệu cho việc gieo rắc nỗi sợ hãi của các thuyết âm mưu. Bergman gọi đây là môi trường “chính trị hậu sự thật” (post – truth politics).
Với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và vấn đề sụt giảm niềm tin dành cho các phương tiện truyền thông chính thống, thế giới chứng kiến hàng loạt thông tin thiếu kiểm soát (và kiểm chứng) được lan truyền với tốc độ như vũ bão, khiến người dân mắc kẹt trong việc sàng lọc và phân biệt giữa những tin tức có thật với các câu chuyện được thêu dệt.
Chương cuối của cuốn sách giúp định hình hiện tượng “tin giả” và lý giải cách mà các thuyết âm mưu dân túy được lan truyền thông qua tin tức sai lệch trên các phương tiện truyền thông xã hội. Như Bergmann nhận định, “sự phổ biến gần đây của phương tiện truyền thông trực tuyến và mạng xã hội có thể không làm thay đổi bản chất nội tại của tin giả, nhưng điều chắc chắn là, chúng đã được thay đổi toàn diện trong cách truyền tải”. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, ta dễ dàng tiếp cận hàng loạt các thông tin trên Internet dưới nhiều dạng khác nhau như tin tức 24h, các video clip ngắn,… khiến việc truyền bá thuyết âm mưu dễ dàng hơn. Từ đây, “các thuyết âm mưu không chỉ tăng về số lượng, mà còn lan rộng hơn và có phạm vi ảnh hưởng lớn hơn trước đây”.
Mặc dù chủ nghĩa dân túy không tồn tại như một hệ thống hoàn chỉnh tại Việt Nam mà dưới dạng các quan điểm, tư tưởng riêng lẻ, nhưng những đóng góp mang tính học thuật của cuốn sách này đặc biệt quan trọng và cần thiết để các học giả tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin.
Bên cạnh đó, vượt khỏi biên độ học thuật hàn lâm, người dân – dù có thể không nắm bắt tất cả các dẫn chứng đồ sộ và các phân tích mà tác giả nêu ra trong cuốn sách –có thể nhìn lại những gì mình đã “nghe và thấy” trong các đối thoại thường nhật, qua đó mà tỉnh táo và thận trọng khi tiếp nhận các thông tin “tràn lan” và đa chiều trên các mạng xã hội như hiện nay.