Kinh tế   10/01/2024

Hình dung nào cho kinh tế Việt Nam trong năm 2024?

Quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2024 là 6-6,5%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang bất ổn, liệu mục tiêu đầy tham vọng này có thể đạt được và những hình dung về kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ ra sao?

Image
Thành phố Hồ chí Minh - "đầu tàu" kinh tế Việt Nam, nhìn từ trên cao - (C): Tạp chí Tài chính tiền tệ

Trong năm 2023 vừa qua, bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới có nhiều “sóng gió” với các xung đột địa chính trị và chiến tranh leo thang tại nhiều khu vực như Đông Âu, Trung Đông cùng xu hướng thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia. Tình hình an ninh và phục hồi kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng không mấy triển vọng, khi các thể chế đa phương bị thách thức và các gián đoạn kinh tế có thể trầm trọng thêm do các áp lực từ sự gia tăng trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung.

Trong bối cảnh khó khăn chung đó, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, và tăng trưởng kinh tế đã chậm lại. Theo công bố chính thức từ Tổng cục Thống kê, mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước đạt 5,05% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này cao hơn tốc độ tăng GDP trong giai đoạn mà đại dịch COVID-19 bùng phát (2020-2021), song vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu ban đầu mà Quốc hội đề ra (với mức tăng trưởng 6-6,5%).

Vào cuối tháng 11 năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, theo đó tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là “từ 6,0 - 6,5%” cho năm 2024. Mục tiêu này dựa trên kỳ vọng rằng các hoạt động kinh doanh và sản xuất trong nước sẽ tăng mạnh trở lại với đánh giá tổng thể là nhu cầu sản xuất và tiêu dùng toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trước thực tế là những bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu ngày càng trở nên khó dự đoán và thậm chí có khả năng kéo dài, việc đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra dường như đang rất khó khăn. Nếu không đạt được kỳ vọng, thì 2024 có thể là năm thứ hai liên tiếp mà Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Liệu nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có thể gặt hái được thành công?

Những đánh giá lạc quan

Mặc dù chịu nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế châu Á đạt mức tăng trưởng tích cực trong thời gian qua. Chính phủ cũng có quan điểm ủng hộ đầu tư nước ngoài, và địa kinh tế của Việt Nam đang ở vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Những khía cạnh tích cực này biến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở khu vực, đồng thời cũng là động lực để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới.

Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế như đã đề ra là thực tế, nhưng có những khía cạnh tích cực mà kinh tế Việt Nam đã đạt được, nổi bật là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục gia tăng và là động lực tăng trưởng rất lớn cho quốc gia, góp phần cho thấy sức hấp dẫn liên tục của đất nước này như một điểm đến đầu tư nước ngoài, bất chấp tình trạng suy thoái toàn cầu.

Chính phủ cũng đề ra các chính sách chủ động và tích cực để hỗ trợ hoạt động kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư, như cải thiện diều kiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công, và nỗ lực kiểm soát lạm phát. Song song đó, Việt Nam cũng đang hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) kể cả ở cấp độ song phương và đa phương, “với độ phủ rộng gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hầu hết là những nền kinh tế lớn trên thế giới”.

Một số tổ chức nghiên cứu kinh tế đưa ra những dự báo tích cực về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Đơn cử, ngân hàng HSBC dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,3% vào năm 2024 và đánh giá Việt Nam đã vượt qua thành công giai đoạn thử thách nhất, tạo nền tảng cho sự phục hồi vào năm 2025. Ông Frederic Neumann, Giám đốc điều hành kiêm chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, cho rằng sự phục hồi xuất khẩu sẽ là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể, một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xu thế nền kinh tế toàn cầu quay trở lại tiêu dùng hàng hóa trong giai đoạn hậu Covid-19. Sự phục hồi của thị trường lao động và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cũng có thể thúc đẩy việc gia tăng tiêu dùng trong nước.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng bày tỏ sự lạc quan khi dự đoán, trong năm 2024, GDP của Việt Nam sẽ tăng ở mức 6%. Tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản VinaCapital cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2024 là 6,5%, chủ yếu là nhờ vào sự phục hồi của các lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất.

Cũng có ý kiến cho rằng tăng trưởng của Việt Nam có thể được thúc đẩy từ sự gia tăng FDI, với triển vọng khá tích cực từ sau khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ được nâng cấp lên “đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 9 năm ngoái. Thành tựu to lớn trong quan hệ Việt - Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy một dòng đầu tư mới từ Mỹ vào Việt Nam và qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.

Thách thức vẫn còn đó

Hiện nay, hoạt động sản xuất của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các nguyên, vật liệu nhập khẩu, trong khi nhu cầu thị trường trong nước đã bị thu hẹp; và không kém phần quan trọng, xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường quan trọng đều giảm. Hàng loạt các ngành nghề quan trọng trong nước, đặt biệt là dệt may, đều có hoạt động kinh doanh khá yếu ớt và duy trì ở mức “cầm chừng” do đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm.

Khi Việt Nam đang vật lộn với tình trạng đơn đặt hàng từ các nhà máy giảm thì hệ quả là các công ty phải sa thải công nhân hoặc cắt giảm thời gian làm việc, trong khi đó thị trường chứng khoán và bất động sản trong nước cũng khá trầm lắng, thậm chí là trì trệ. Những biến động này chủ yếu là do tác động lan tỏa của đại dịch Covid-19, việc Nga tấn công Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu biến động – tất cả đã làm bộc lộ những hạn chế nội tại của nền kinh tế Việt Nam.

Có chuyên gia đã chỉ ra những vấn đề “bất hợp lý” đang tồn tại của nền kinh tế Việt Nam, như “vốn rẻ nhưng doanh nghiệp không mặn mà; nhà ở cho người có nhu cầu thật, giá bình dân thiếu, trong khi phân khúc cấp cao dư thừa; vốn đầu tư công nằm chờ dự án; Việt Nam là thị trường có độ mở lớn với hơn 200% GDP, song xuất khẩu hầu hết là đến từ khu vực FDI, doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt ra nước ngoài, định vị được rất thiếu, yếu và hiếm”. Những vấn đề này tồn tại dai dẳng này đang gây ra những thách thức to lớn.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của quốc gia chịu sức ép từ tình trạng tương đối yếu kém của khu vực tư nhân chính thức và tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề. Năm ngoái, có tin tập đoàn Intel đã quyết định “tạm gác” kế hoạch mở rộng tại Việt Nam do lo ngại về nguồn điện ổn định, thủ tục hành chính quan liêu và trình độ kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học Việt Nam. Việc đánh mất cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với một công ty lớn hàng đầu thế giới sẽ khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiến xa hơn trong chuỗi giá trị công nghệ.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan ngại về các biến động kinh tế và chính trị nội bộ của Việt Nam khi hàng loạt các quan chức và người đứng đầu các tập đoàn lớn bị bắt giữ. Cụ thể, cuộc chiến chống tham nhũng rầm rộ trong nước đã ảnh hưởng đến nhiều quan chức nhà nước và thậm chí là ở lĩnh vực tư nhân. Cuộc trấn áp tham nhũng – thường được biết đến với tên gọi “đốt lò” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường tuyên bố – đã khiến các quan chức cảnh giác hơn để tránh mắc sai lầm (chẳng hạn như các sai sót về giấy phép); và việc thận trọng quá mức khiến hoạt động kinh tế trong nước bị chậm lại đáng kể.

Dù về thực tế, mục tiêu của chiến dịch “đốt lò” hiện đã dịch chuyển sang khu vực tư nhân, và trong khi các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động hoặc đầu tư vào Việt Nam không phải là mục tiêu trực tiếp của cuộc chiến chống tham nhũng thì các đối tác địa phương và các công ty trong danh mục đầu tư của họ chắc chắn là mục tiêu của cuộc chiến “lâu dài” này. Vào tháng 2/2023, một nghiên cứu của Control Risks, tổ chức tư vấn rủi ro toàn cầu, đã chỉ ra rằng chiến dịch chống tham nhũng của Đảng đã và đang gây tổn hại cho nền kinh tế, khi việc phê duyệt cấp phép cho hàng nghìn dự án đã bị trì hoãn do các quan chức chính phủ cấp trung không muốn đưa ra quyết định về các dự án có thể bị điều tra, do đó làm tăng chi phí và khiến các nhà đầu tư nước ngoài bối rối và thất vọng.

Ở tầm vĩ mô, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi khá yếu ớt, mà theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là “đang đi khập khiễng chứ không phải chạy nước rút”. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn theo IMF, “chậm và không đồng đều, với sự phân hóa ngày càng mở rộng”, đang gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế trong nước khi làm chậm lại tốc độ việc làm và tiêu dùng trong nước. Nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, trong khi các doanh nghiệp mới thành lập lại chưa đóng góp nhiều cho GDP, chưa kể có các doanh nghiệp “ảo” với số vốn hàng trăm tỷ nhưng gây rủi ro “thật” cho nền kinh tế và khiến môi trường kinh doanh trở nên tiêu cực hơn.

Chính sách, chính sách và chính sách!

Những thách thức và hạn chế đang tồn tại, trong khi triển vọng thiên về đánh giá và góc nhìn ở “thì tương lai”. Để có thể giảm thiểu thách thức và biến triển vọng thành cơ hội thật sự thì Việt Nam cần có nhiều giải pháp để khắc phục các tiêu cực nêu trên và cũng đồng thời là để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (mà người viết cho rằng khá tham vọng) trong năm nay.

Có thể kể đến một số ưu tiên mà chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chú ý như: (1) đa dạng hóa nền kinh tế (bên ngoài lĩnh vực dịch vụ), như lĩnh vực sản xuất, công nghệ và nông nghiệp – vốn là những lĩnh vực có thể mang lại tăng trưởng mới và là thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam; (2) cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút thêm FDI và hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, nhất là cắt giảm các thủ tục, cung cấp các ưu đãi tài chính, và cải thiện môi trường kinh doanh; và (3) tăng cường tính dẻo dai của thị trường nội địa và sức mua của người tiêu dùng để bù đắp các tổn thương trước những biến động của kinh tế toàn cầu.

David Dapice, chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển ở Đông Nam Á, cho rằng việc cải thiện năng lượng, đào tạo và cơ sở hạ tầng mềm (soft infrastructure) – gồm nguồn nhân lực, khả năng quản lý, hệ thống chính sách, giá cả, thủ tục…, sẽ giúp GDP của Việt Nam gia tăng ở mức từ 6% trở lên. Tăng trưởng của khu vực tư nhân và chất lượng của lực lượng lao động cũng là các vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên tham khảo kinh nghiệm và rút ra những bài học từ sự phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng trong nước, tăng cường tính minh bạch của các hoạt động kinh tế, và cải cách hành chính từ các nền kinh tế trong khu vực (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan).

Quan trọng là, khi các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu có khả năng suy thoái và lao dốc thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng; khi đó, việc cần thiết là phải theo dõi và dự báo về lạm phát và chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn (vốn có tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua và kể cả trong năm 2024), song song với tăng cường tính dẻo dai của nền kinh tế. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ xu hướng kinh tế thế giới, khu vực, và từ đó điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô cũng sẽ góp phần to lớn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Sau rốt, khả năng Việt Nam có tận dụng được vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu để thu hút FDI, tận dụng lợi thế từ các FTA và cải thiện môi trường kinh doanh có lẽ sẽ được quyết định phần lớn từ các chính sách kinh tế (bao gồm cả ưu đãi và tháo gỡ các khó khăn) - vốn rất cần phải kịp thời, minh bạch, và được triển khai thông suốt.

Trong năm 2023 vừa qua, bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới có nhiều “sóng gió” với các xung đột địa chính trị và chiến tranh leo thang tại nhiều khu vực như Đông Âu, Trung Đông cùng xu hướng thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia. Tình hình an ninh và phục hồi kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng không mấy triển vọng, khi các thể chế đa phương bị thách thức và các gián đoạn kinh tế có thể trầm trọng thêm do các áp lực từ sự gia tăng trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung.

Trong bối cảnh khó khăn chung đó, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, và tăng trưởng kinh tế đã chậm lại. Theo công bố chính thức từ Tổng cục Thống kê, mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước đạt 5,05% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này cao hơn tốc độ tăng GDP trong giai đoạn mà đại dịch COVID-19 bùng phát (2020-2021), song vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu ban đầu mà Quốc hội đề ra (với mức tăng trưởng 6-6,5%).

Vào cuối tháng 11 năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, theo đó tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là “từ 6,0 - 6,5%” cho năm 2024. Mục tiêu này dựa trên kỳ vọng rằng các hoạt động kinh doanh và sản xuất trong nước sẽ tăng mạnh trở lại với đánh giá tổng thể là nhu cầu sản xuất và tiêu dùng toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trước thực tế là những bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu ngày càng trở nên khó dự đoán và thậm chí có khả năng kéo dài, việc đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra dường như đang rất khó khăn. Nếu không đạt được kỳ vọng, thì 2024 có thể là năm thứ hai liên tiếp mà Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Liệu nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có thể gặt hái được thành công?

Những đánh giá lạc quan

Mặc dù chịu nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế châu Á đạt mức tăng trưởng tích cực trong thời gian qua. Chính phủ cũng có quan điểm ủng hộ đầu tư nước ngoài, và địa kinh tế của Việt Nam đang ở vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Những khía cạnh tích cực này biến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở khu vực, đồng thời cũng là động lực để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới.

Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế như đã đề ra là thực tế, nhưng có những khía cạnh tích cực mà kinh tế Việt Nam đã đạt được, nổi bật là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục gia tăng và là động lực tăng trưởng rất lớn cho quốc gia, góp phần cho thấy sức hấp dẫn liên tục của đất nước này như một điểm đến đầu tư nước ngoài, bất chấp tình trạng suy thoái toàn cầu.

Chính phủ cũng đề ra các chính sách chủ động và tích cực để hỗ trợ hoạt động kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư, như cải thiện diều kiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công, và nỗ lực kiểm soát lạm phát. Song song đó, Việt Nam cũng đang hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) kể cả ở cấp độ song phương và đa phương, “với độ phủ rộng gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hầu hết là những nền kinh tế lớn trên thế giới”.

Một số tổ chức nghiên cứu kinh tế đưa ra những dự báo tích cực về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Đơn cử, ngân hàng HSBC dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,3% vào năm 2024 và đánh giá Việt Nam đã vượt qua thành công giai đoạn thử thách nhất, tạo nền tảng cho sự phục hồi vào năm 2025. Ông Frederic Neumann, Giám đốc điều hành kiêm chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, cho rằng sự phục hồi xuất khẩu sẽ là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể, một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xu thế nền kinh tế toàn cầu quay trở lại tiêu dùng hàng hóa trong giai đoạn hậu Covid-19. Sự phục hồi của thị trường lao động và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cũng có thể thúc đẩy việc gia tăng tiêu dùng trong nước.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng bày tỏ sự lạc quan khi dự đoán, trong năm 2024, GDP của Việt Nam sẽ tăng ở mức 6%. Tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản VinaCapital cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2024 là 6,5%, chủ yếu là nhờ vào sự phục hồi của các lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất.

Cũng có ý kiến cho rằng tăng trưởng của Việt Nam có thể được thúc đẩy từ sự gia tăng FDI, với triển vọng khá tích cực từ sau khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ được nâng cấp lên “đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 9 năm ngoái. Thành tựu to lớn trong quan hệ Việt - Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy một dòng đầu tư mới từ Mỹ vào Việt Nam và qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.

Thách thức vẫn còn đó

Hiện nay, hoạt động sản xuất của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các nguyên, vật liệu nhập khẩu, trong khi nhu cầu thị trường trong nước đã bị thu hẹp; và không kém phần quan trọng, xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường quan trọng đều giảm. Hàng loạt các ngành nghề quan trọng trong nước, đặt biệt là dệt may, đều có hoạt động kinh doanh khá yếu ớt và duy trì ở mức “cầm chừng” do đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm.

Khi Việt Nam đang vật lộn với tình trạng đơn đặt hàng từ các nhà máy giảm thì hệ quả là các công ty phải sa thải công nhân hoặc cắt giảm thời gian làm việc, trong khi đó thị trường chứng khoán và bất động sản trong nước cũng khá trầm lắng, thậm chí là trì trệ. Những biến động này chủ yếu là do tác động lan tỏa của đại dịch Covid-19, việc Nga tấn công Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu biến động – tất cả đã làm bộc lộ những hạn chế nội tại của nền kinh tế Việt Nam.

Có chuyên gia đã chỉ ra những vấn đề “bất hợp lý” đang tồn tại của nền kinh tế Việt Nam, như “vốn rẻ nhưng doanh nghiệp không mặn mà; nhà ở cho người có nhu cầu thật, giá bình dân thiếu, trong khi phân khúc cấp cao dư thừa; vốn đầu tư công nằm chờ dự án; Việt Nam là thị trường có độ mở lớn với hơn 200% GDP, song xuất khẩu hầu hết là đến từ khu vực FDI, doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt ra nước ngoài, định vị được rất thiếu, yếu và hiếm”. Những vấn đề này tồn tại dai dẳng này đang gây ra những thách thức to lớn.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của quốc gia chịu sức ép từ tình trạng tương đối yếu kém của khu vực tư nhân chính thức và tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề. Năm ngoái, có tin tập đoàn Intel đã quyết định “tạm gác” kế hoạch mở rộng tại Việt Nam do lo ngại về nguồn điện ổn định, thủ tục hành chính quan liêu và trình độ kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học Việt Nam. Việc đánh mất cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với một công ty lớn hàng đầu thế giới sẽ khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiến xa hơn trong chuỗi giá trị công nghệ.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan ngại về các biến động kinh tế và chính trị nội bộ của Việt Nam khi hàng loạt các quan chức và người đứng đầu các tập đoàn lớn bị bắt giữ. Cụ thể, cuộc chiến chống tham nhũng rầm rộ trong nước đã ảnh hưởng đến nhiều quan chức nhà nước và thậm chí là ở lĩnh vực tư nhân. Cuộc trấn áp tham nhũng – thường được biết đến với tên gọi “đốt lò” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường tuyên bố – đã khiến các quan chức cảnh giác hơn để tránh mắc sai lầm (chẳng hạn như các sai sót về giấy phép); và việc thận trọng quá mức khiến hoạt động kinh tế trong nước bị chậm lại đáng kể.

Dù về thực tế, mục tiêu của chiến dịch “đốt lò” hiện đã dịch chuyển sang khu vực tư nhân, và trong khi các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động hoặc đầu tư vào Việt Nam không phải là mục tiêu trực tiếp của cuộc chiến chống tham nhũng thì các đối tác địa phương và các công ty trong danh mục đầu tư của họ chắc chắn là mục tiêu của cuộc chiến “lâu dài” này. Vào tháng 2/2023, một nghiên cứu của Control Risks, tổ chức tư vấn rủi ro toàn cầu, đã chỉ ra rằng chiến dịch chống tham nhũng của Đảng đã và đang gây tổn hại cho nền kinh tế, khi việc phê duyệt cấp phép cho hàng nghìn dự án đã bị trì hoãn do các quan chức chính phủ cấp trung không muốn đưa ra quyết định về các dự án có thể bị điều tra, do đó làm tăng chi phí và khiến các nhà đầu tư nước ngoài bối rối và thất vọng.

Ở tầm vĩ mô, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi khá yếu ớt, mà theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là “đang đi khập khiễng chứ không phải chạy nước rút”. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn theo IMF, “chậm và không đồng đều, với sự phân hóa ngày càng mở rộng”, đang gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế trong nước khi làm chậm lại tốc độ việc làm và tiêu dùng trong nước. Nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, trong khi các doanh nghiệp mới thành lập lại chưa đóng góp nhiều cho GDP, chưa kể có các doanh nghiệp “ảo” với số vốn hàng trăm tỷ nhưng gây rủi ro “thật” cho nền kinh tế và khiến môi trường kinh doanh trở nên tiêu cực hơn.

Chính sách, chính sách và chính sách!

Những thách thức và hạn chế đang tồn tại, trong khi triển vọng thiên về đánh giá và góc nhìn ở “thì tương lai”. Để có thể giảm thiểu thách thức và biến triển vọng thành cơ hội thật sự thì Việt Nam cần có nhiều giải pháp để khắc phục các tiêu cực nêu trên và cũng đồng thời là để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (mà người viết cho rằng khá tham vọng) trong năm nay.

Có thể kể đến một số ưu tiên mà chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chú ý như: (1) đa dạng hóa nền kinh tế (bên ngoài lĩnh vực dịch vụ), như lĩnh vực sản xuất, công nghệ và nông nghiệp – vốn là những lĩnh vực có thể mang lại tăng trưởng mới và là thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam; (2) cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút thêm FDI và hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, nhất là cắt giảm các thủ tục, cung cấp các ưu đãi tài chính, và cải thiện môi trường kinh doanh; và (3) tăng cường tính dẻo dai của thị trường nội địa và sức mua của người tiêu dùng để bù đắp các tổn thương trước những biến động của kinh tế toàn cầu.

David Dapice, chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển ở Đông Nam Á, cho rằng việc cải thiện năng lượng, đào tạo và cơ sở hạ tầng mềm (soft infrastructure) – gồm nguồn nhân lực, khả năng quản lý, hệ thống chính sách, giá cả, thủ tục…, sẽ giúp GDP của Việt Nam gia tăng ở mức từ 6% trở lên. Tăng trưởng của khu vực tư nhân và chất lượng của lực lượng lao động cũng là các vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên tham khảo kinh nghiệm và rút ra những bài học từ sự phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng trong nước, tăng cường tính minh bạch của các hoạt động kinh tế, và cải cách hành chính từ các nền kinh tế trong khu vực (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan).

Quan trọng là, khi các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu có khả năng suy thoái và lao dốc thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng; khi đó, việc cần thiết là phải theo dõi và dự báo về lạm phát và chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn (vốn có tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua và kể cả trong năm 2024), song song với tăng cường tính dẻo dai của nền kinh tế. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ xu hướng kinh tế thế giới, khu vực, và từ đó điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô cũng sẽ góp phần to lớn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Sau rốt, khả năng Việt Nam có tận dụng được vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu để thu hút FDI, tận dụng lợi thế từ các FTA và cải thiện môi trường kinh doanh có lẽ sẽ được quyết định phần lớn từ các chính sách kinh tế (bao gồm cả ưu đãi và tháo gỡ các khó khăn) - vốn rất cần phải kịp thời, minh bạch, và được triển khai thông suốt.

Từ khoá: kinh tế Việt Nam tăng trưởng kinh tế phục hồi kinh tế

BÀI LIÊN QUAN