Nhóm yếu thế trong xã hội Việt Nam: thách thức âm thầm của phát triển bền vững
Bảo vệ những nhóm yếu thế là thử thách đối với phát triển và hội nhập.

Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng nhanh, đô thị hóa mạnh mẽ, tỷ lệ nghèo đói giảm sâu, và hội nhập quốc tế sâu rộng thường được ghi nhận như các chỉ dấu thành công.
Tuy nhiên, ẩn sau lớp vỏ tích cực ấy là những nhóm người không hoặc chưa được hưởng lợi một cách tương xứng từ tiến trình phát triển. Họ không chỉ chịu thiệt thòi về kinh tế mà còn đối mặt với những rào cản xã hội và thể chế khiến cơ hội cải thiện đời sống trở nên mong manh.
Họ chính là “nhóm dễ bị tổn thương” trong xã hội. Nhóm dễ bị tổn thương là chủ đề trung tâm trong các thảo luận về phát triển bao trùm tại Việt Nam, với đặc trưng cơ bản của mô hình phát triển này là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Việc nhận diện và phân tích nhóm dễ bị tổn thương đặt ra những câu hỏi: Ai là người bị bỏ lại phía sau trong chiến lược phát triển quốc gia? Tại sao các cơ chế lại không đủ sức bao phủ họ? Và phản ứng chính sách hiện hành đã thực sự giải quyết được vấn đề này, hay chỉ dừng lại ở mức can thiệp tượng trưng?
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình thành quốc gia thu nhập trung bình cao và hướng đến phát triển bền vững, những câu hỏi trên trở thành thiết yếu cho việc định hình chiến lược phát triển công bằng, gắn kết xã hội và ổn định thể chế lâu dài.
Nhận diện các nhóm dễ bị tổn thương
Thuật ngữ về “tính dễ bị tổn thương” (vulnerability) trong xã hội vẫn chưa được định nghĩa thống nhất. Tuy nhiên, “tính dễ bị tổn thương” thường được hiểu là tình trạng của các cá nhân hay cộng đồng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực hoặc ít có khả năng chống chịu và hồi phục trước các cú sốc – cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường, hoặc những thay đổi trong cấu trúc xã hội. Đây không chỉ đơn thuần là kết quả của nghèo đói, mà còn liên quan đến sự thiếu hụt quyền lực, cơ hội tiếp cận nguồn lực, và khả năng tự bảo vệ hoặc thích ứng của một cá nhân hay cộng đồng.
Một đặc điểm chung của các nhóm này là khả năng tiếp cận hạn chế đối với các dịch vụ công căn bản, như y tế, giáo dục, an sinh xã hội và pháp lý. Họ cũng thường không có tiếng nói chính trị mạnh mẽ và khó tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Tình trạng bị “gạt ra bên lề” này không chỉ làm trầm trọng thêm các thiệt thòi trong hiện tại, mà sự bất bình đẳng này còn được duy trì và lặp lại qua nhiều thế hệ.
Việc nhận diện và phân tích tính dễ bị tổn thương đóng vai trò thiết yếu trong quá trình hoạch định chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, các nhóm dễ bị tổn thương có thể được phân chia thành nhiều diện và trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung, họ bao gồm (i) lao động phi chính thức, (ii) người dân tộc thiểu số, (iii) phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, (iv) người khuyết tật, (v) người cao tuổi không có lương hưu, và (vi) trẻ em trong gia đình nghèo hoặc không có người chăm sóc.
Lao động phi chính thức
Một trong những nhóm chiếm số lượng lớn và dễ bị tổn thương nhất tại Việt Nam là lao động phi chính thức. Tính đến quý I/2025, tỷ lệ nhóm lao động này chiếm 64,3% lực lượng lao động cả nước, tăng 0,7% so với quý trước.
Năm 2003, Hội nghị quốc tế lần thứ 17 về Thống kê Lao động (ICLS17) đã chính thức thông qua khung khái niệm về lao động phi chính thức (informal employment). Theo đó, lao động phi chính thức được định nghĩa là những người làm các công việc mà “mối quan hệ lao động của họ theo luật pháp hoặc thực tế, không tuân theo luật lao động quốc gia, thuế thu nhập, bảo vệ xã hội hoặc quyền hưởng một số lợi ích lao động nhất định (thông báo trước khi sa thải, trợ cấp thôi việc, nghỉ phép năm có lương hoặc nghỉ ốm,...)”.
Họ làm việc không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, và thường xuyên đối mặt với rủi ro mất việc, tai nạn lao động, hoặc thù lao không ổn định. Do đó, họ là nhóm có mức độ tổn thương đa chiều như thu nhập bấp bênh, thường xuyên sống dưới mức chuẩn tối thiểu, điều kiện làm việc thiếu an toàn, thiếu bảo hiểm xã hội và y tế; do đó, họ phải tự gánh chịu mọi rủi ro, không có khả năng tổ chức tập thể hoặc thương lượng tập thể, do không thuộc các công đoàn chính thức.
Có thể thấy, đợt dịch COVID-19 đã làm lộ rõ mức độ mong manh của nhóm lao động phi chính thức. Đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia đình của họ. Trong năm 2020, mức thu nhập bình quân của lao động phi chính thức chỉ đạt 4,49 triệu đồng, con số này tiếp tục giảm xuống còn 4,45 triệu đồng vào năm 2021. Nhóm người này chịu thiệt hại kinh tế nặng nề nhất, trong khi lại được hỗ trợ ít nhất do vướng rào cản thủ tục, gặp khó khăn trong việc chứng minh điều kiện hưởng lợi hoặc đơn giản là không có trong danh sách hành chính.
Nhìn chung, đây là một lực lượng đông đảo, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng, nhưng lại nằm ngoài phần lớn các cơ chế chính sách an sinh và bảo vệ lao động. Sự “vô hình” ấy đã trở thành một điểm mù chính sách đặc biệt nguy hiểm, không chỉ trong điều kiện khủng hoảng mà cả trong trạng thái bình thường mới.
Tình trạng này phản ánh giới hạn trong hệ thống quản trị hiện hành. Quản lý an sinh xã hội của Việt Nam vẫn chủ yếu vận hành dựa trên các thiết chế gắn với lao động có hợp đồng, có đăng ký doanh nghiệp, hoặc có vị trí địa lý cư trú cố định. Trong khi phần lớn lao động phi chính thức sống và làm việc liên tỉnh, làm việc lưu động, và nằm ngoài các tổ chức sử dụng lao động chính thức. Thêm vào đó, chi phí hành chính và rào cản thủ tục đối với việc tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn cao, ở mức 32% (người lao động đóng 10,5%, người sử dụng lao động đóng 21,5%). Đối với một người thu nhập thấp từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, việc phải đóng trên 10% thu nhập để tham gia bảo hiểm xã hội là điều không thực tế, nhất là khi họ không thấy được lợi ích ngắn hạn hoặc không tin tưởng vào khả năng thụ hưởng trong tương lai.
Người dân tộc thiểu số: thiểu số về dân số, đa số về tỷ lệ nghèo
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 14 - 15% dân số Việt Nam, người dân tộc thiểu số lại chiếm tới hơn 50% tổng số người nghèo cả nước. Họ sinh sống chủ yếu tại vùng núi, biên giới - những khu vực địa lý khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém và khả năng tiếp cận thị trường hạn chế. Tỷ lệ nghèo đa chiều trong nhóm dân tộc thiểu số dao động từ 20 - 70%, và thậm chí trên 70% ở một số vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Bất chấp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoảng cách phát triển giữa khu vực dân tộc thiểu số và nhóm dân tộc Kinh ngày càng lớn. Sự bất bình đẳng không chỉ đến từ yếu tố kinh tế mà còn từ rào cản ngôn ngữ, văn hóa, và định kiến xã hội. Khoảng cách này đặc biệt rõ rệt ở các chỉ số về tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, nhà ở và thông tin – vốn là các thành tố cấu thành năng lực phát triển con người.
Ngoài rào cản kinh tế, người dân tộc thiểu số còn phải đối mặt với bất lợi văn hóa và ngôn ngữ, đặc biệt trong tiếp cận giáo dục và tư pháp. Trẻ em dân tộc thiểu số thường gặp khó khăn trong những năm đầu đi học do không sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ mẹ đẻ. Thực tế này gây khó khăn trong việc tiếp thu bài vở ở trường, khiến tỷ lệ bỏ học, lưu ban ở nhóm này còn cao. Việc thiếu tài liệu học tập song ngữ hoặc giáo viên có năng lực liên văn hóa càng khoét sâu khoảng cách này.
Bên cạnh đó, định kiến xã hội và sự phân biệt đối xử đối với một số cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn tồn tại dai dẳng, đặc biệt trong môi trường đô thị. Những biểu hiện như “ánh nhìn kỳ thị” hay quan niệm về “sự lạc hậu”, dù không được thể hiện một cách công khai, vẫn âm thầm hiện diện trong nhận thức của một bộ phận người dân. Cái nhìn không thiện cảm và sự kỳ thị khiến các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn hơn trong việc hòa nhập xã hội một cách bình đẳng.
Phụ nữ đơn thân, người khuyết tật, người cao tuổi
Phụ nữ nghèo, đặc biệt là những người đơn thân, thường chịu tình trạng “bất lợi chồng bất lợi”: từ bất bình đẳng giới, thu nhập thấp, gánh nặng chăm sóc con cái cho đến hạn chế về việc tiếp cận cơ hội việc làm. Trong một xã hội mà định kiến giới vẫn còn tồn tại ngấm ngầm, việc thiếu mạng lưới hỗ trợ xã hội đã đẩy họ vào tình trạng làm việc kiệt sức nhưng không bền vững, đặc biệt ở khu vực nông thôn và lao động dịch vụ thấp.
Người khuyết tật là một trong những nhóm xã hội dễ bị tổn thương nhất, vừa chịu những rào cản về thể chất, vừa đối mặt với những thách thức xã hội, kinh tế và chính sách kéo dài. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số. Người khuyết tật, dù đã được luật pháp bảo vệ, vẫn gặp rào cản lớn trong tiếp cận giáo dục hòa nhập, việc làm phù hợp, và không gian công cộng. Theo Điều tra người khuyết tật năm 2023, tỷ lệ người khuyết tật tham gia lao động chính thức là 23,9%; nhiều người vẫn sống phụ thuộc vào gia đình và không có khả năng tự chủ kinh tế.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người khuyết tật chịu cảnh nghèo đói cao hơn so với nhóm dân số chung vì khả năng tiếp cận thị trường lao động của nhóm đối tượng này còn hạn chế (phần lớn làm các công việc giản đơn, thu nhập thấp hoặc phụ thuộc vào trợ cấp xã hội), khó khăn trong tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề (đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và các khu vực dân tộc thiểu số).
Người khuyết tật còn gặp phải nhiều rào cản cả về vật chất lẫn tinh thần. Hạ tầng kỹ thuật và hệ thống giao thông công cộng chưa được cải thiện một cách toàn diện để đảm bảo tiếp cận dễ dàng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, định kiến xã hội và thái độ kỳ thị vẫn âm thầm tồn tại, khiến người khuyết tật dễ rơi vào tình trạng bị cô lập, khó tiếp cận bình đẳng các cơ hội về giáo dục, việc làm cũng như tham gia vào đời sống chính trị - xã hội.
Tương tự, người cao tuổi không có lương hưu - ước tính hơn một nửa tổng số người già Việt Nam - đang đối mặt với rủi ro “nghèo hóa” khi hệ thống hỗ trợ xã hội cho họ vẫn mang tính chất “cứu trợ” hơn là đảm bảo quyền lợi. Theo chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/7, những người từ 75 tuổi trở lên, nếu không có lương hưu, sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội. Riêng nhóm từ 70 đến dưới 75 tuổi chỉ được hưởng trợ cấp nếu thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo và không nhận lương hưu.
Chính sách trên tuy nhằm hỗ trợ những người lớn tuổi không có nguồn thu nhập ổn định, song vẫn tồn tại nhiều bất cập về quy định độ tuổi và điều kiện để họ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng.
Thứ nhất, tiêu chí độ tuổi cao khiến nhiều người bị bỏ sót. Ngưỡng 75 tuổi đối với nhóm không thuộc hộ nghèo, cận nghèo là quá cao, trong khi nhiều người đã gặp khó khăn về sức khỏe và kinh tế từ sớm hơn. Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của Việt Nam được ghi nhận là 73,64 tuổi. Như vậy, ngưỡng 75 tuổi mới đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp là quá cao, dấy lên câu hỏi liệu sẽ có bao nhiêu người sống đủ lâu để “có cơ hội” được hưởng lợi từ chính sách trợ cấp này?
Thứ hai, tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các nhóm người cao tuổi. Nhóm từ 70 đến dưới 75 tuổi chỉ được hỗ trợ nếu thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo. Trong khi đó, có rất nhiều người không được xếp vào diện nghèo nhưng thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn (ví dụ: sống đơn thân, không có con cái chu cấp, không có thu nhập ổn định,…). Điều này dẫn đến hiện tượng “lọt lưới” an sinh, khi một số người – trong khi không thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo theo các tiêu chí chính thức nhưng gặp khó khăn thực sự – lại không được hỗ trợ.
Thứ ba, thủ tục xét duyệt phức tạp và không nhất quán. Việc xác định hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương thiếu minh bạch và thống nhất, dễ dẫn đến tình trạng người đáng được hưởng thì không được, người không quá khó khăn lại nằm trong diện nhận trợ cấp. Điều kiện “không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng” dễ gây trùng lặp trong xác minh, khi nhiều người không có giấy tờ rõ ràng hoặc không nắm được quyền lợi của mình.
Thứ tư, chính sách này vẫn chưa tiếp cận nhóm người cao tuổi yếu thế khác. Chính sách không đề cập đến các nhóm yếu thế như người cao tuổi đơn thân, người sống ở vùng sâu vùng xa, người không có giấy tờ tùy thân, người khuyết tật cao tuổi - vốn rất cần sự hỗ trợ. Những người này có thể không đáp ứng đủ các điều kiện (tuổi, hộ nghèo, không có lương hưu), nhưng lại chính là những người cần trợ cấp nhất.
Bên cạnh đó, mức trợ cấp thấp (dự kiến ở mức 500.000/tháng), không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản như ăn uống, thuốc men, đi lại,… Điều này làm giảm hiệu quả thực tế của chính sách. Trong bối cảnh già hóa dân số nhanh chóng, việc không xử lý triệt để các bất cập có thể dẫn đến bất ổn xã hội quy mô lớn trong tương lai gần.
Những bước tiến nhỏ tiến tới cấu trúc bền vững
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nhận diện và hỗ trợ nhóm yếu thế, từ hệ thống luật pháp (Luật Người khuyết tật, Luật Bình đẳng giới), các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, phát triển vùng dân tộc thiểu số), đến các gói hỗ trợ trong đại dịch.
Chẳng hạn, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, tiêu biểu là Chương trình 30a và 135, và gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030.
Đối với người khuyết tật, các chương trình hỗ trợ thiết thực đã được thực thi như chính sách ưu đãi học tập, việc làm cho người khuyết tật, hỗ trợ kinh phí mua phương tiện trợ giúp, thiết bị y tế, phục hồi chức năng, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật, tạo điều kiện tiếp cận việc làm và nâng cao kỹ năng.
Một số mô hình hòa nhập và sáng kiến cộng đồng tiêu biểu cũng đã được triển khai thành công, điển hình như dự án “Ngôi nhà bình yên”, và các chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật. Đáng chú ý, trong bối cảnh chuyển đổi số, các sáng kiến phát triển kỹ năng số cho người khuyết tật cũng đang được đẩy mạnh, giúp nhóm này tiếp cận với giáo dục và việc làm một cách linh hoạt hơn, qua đó giảm thiểu các rào cản vật lý và mở rộng cơ hội hòa nhập xã hội.
Tuy nhiên, chính sách tồn tại hai điểm yếu cơ bản là thiếu tính bền vững và thiếu khả năng tiếp cận thực chất.
Về mặt cấu trúc, hệ thống an sinh xã hội đặt trọng tâm vào các nhóm có quan hệ lao động chính thức hơn nhóm phi chính thức. Việt Nam đã ban hành một số chính sách nhằm mở rộng bao phủ an sinh xã hội tới khu vực phi chính thức, như bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn,... Tuy nhiên, các chính sách này về bản chất vẫn mang tính tự nguyện, thiếu bắt buộc, và dựa trên động lực cá nhân, khiến tỷ lệ tham gia rất thấp (chỉ 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, có tới 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào).
Ngoài ra, một yếu tố thường bị bỏ qua trong cách tiếp cận của các chính sách là tâm lý “nghi ngờ” vốn ăn sâu ở nhiều lao động phi chính thức. Những người từng có trải nghiệm thiệt thòi khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước, hoặc đơn giản là chưa từng thấy quyền lợi của mình được thực sự bảo đảm qua các cơ chế hiện hành. Tâm lý này khiến họ dè dặt trong việc đăng ký thông tin, tham gia các chương trình hỗ trợ, hoặc hợp thức hóa hoạt động nghề nghiệp, từ đó tạo ra vòng luẩn quẩn: họ không tiếp cận được chính sách do thiếu thông tin và niềm tin, trong khi chính sách tiếp tục được xây dựng mà không có sự tham gia thực chất từ phía họ.
Đồng thời, chính quyền cấp cơ sở là lực lượng chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ, lại thường đối mặt với hạn chế về nhân lực, tài chính và công cụ đánh giá. Phần lớn cán bộ phường, xã không có đủ nguồn lực để khảo sát, cập nhật và theo dõi sát sao tình hình của từng lao động phi chính thức, nhất là trong bối cảnh lực lượng này có xu hướng dịch chuyển cao. Hệ quả là việc triển khai chính sách thường mang tính hình thức, thiếu khả năng “chạm tới” từng trường hợp cụ thể.
Nhiều chương trình quốc gia hướng đến hỗ trợ người lao động là dân tộc thiểu số đã được triển khai, song hiệu quả còn hạn chế do tiếp cận hành chính còn cứng nhắc, thiếu tham vấn từ chính cộng đồng được hỗ trợ. Việc thiết kế chính sách từ trung ương xuống địa phương nhiều khi không linh hoạt, khiến các nhóm thiểu số dễ bị bỏ sót hoặc không tiếp cận được do thủ tục rườm rà. Đồng thời, quá trình hoạch định chính sách cần thu hút sự tham gia thực chất từ cộng đồng dân tộc thiểu số, không chỉ như đối tượng thụ hưởng mà như những chủ thể góp phần định hình tương lai chính mình.
***
Bất bình đẳng kéo dài sẽ dẫn đến xói mòn niềm tin vào nhà nước, giảm gắn kết xã hội, và gia tăng nguy cơ bất ổn chính trị. Về mặt đối ngoại, trong tiến trình hội nhập sâu với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là thực thi các cam kết về Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), việc cải thiện tình trạng các nhóm dễ bị tổn thương cũng trở thành một điều kiện quan trọng để Việt Nam thể hiện năng lực thực thi cam kết. Nội dung này cũng là một thành tố trong việc định vị vị thế quốc tế của Việt Nam như một quốc gia đang phát triển có trách nhiệm. Về dài hạn, một quốc gia không thể phát triển bền vững nếu có quá nhiều công dân sống bên lề xã hội. Câu hỏi không phải là liệu chúng ta có đủ nguồn lực để bảo vệ nhóm yếu thế hay không, mà là liệu chúng ta có đủ tầm nhìn để coi họ là một phần tất yếu của tương lai phát triển quốc gia hay không.
Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.
Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng nhanh, đô thị hóa mạnh mẽ, tỷ lệ nghèo đói giảm sâu, và hội nhập quốc tế sâu rộng thường được ghi nhận như các chỉ dấu thành công.
Tuy nhiên, ẩn sau lớp vỏ tích cực ấy là những nhóm người không hoặc chưa được hưởng lợi một cách tương xứng từ tiến trình phát triển. Họ không chỉ chịu thiệt thòi về kinh tế mà còn đối mặt với những rào cản xã hội và thể chế khiến cơ hội cải thiện đời sống trở nên mong manh.
Họ chính là “nhóm dễ bị tổn thương” trong xã hội. Nhóm dễ bị tổn thương là chủ đề trung tâm trong các thảo luận về phát triển bao trùm tại Việt Nam, với đặc trưng cơ bản của mô hình phát triển này là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Việc nhận diện và phân tích nhóm dễ bị tổn thương đặt ra những câu hỏi: Ai là người bị bỏ lại phía sau trong chiến lược phát triển quốc gia? Tại sao các cơ chế lại không đủ sức bao phủ họ? Và phản ứng chính sách hiện hành đã thực sự giải quyết được vấn đề này, hay chỉ dừng lại ở mức can thiệp tượng trưng?
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình thành quốc gia thu nhập trung bình cao và hướng đến phát triển bền vững, những câu hỏi trên trở thành thiết yếu cho việc định hình chiến lược phát triển công bằng, gắn kết xã hội và ổn định thể chế lâu dài.
Nhận diện các nhóm dễ bị tổn thương
Thuật ngữ về “tính dễ bị tổn thương” (vulnerability) trong xã hội vẫn chưa được định nghĩa thống nhất. Tuy nhiên, “tính dễ bị tổn thương” thường được hiểu là tình trạng của các cá nhân hay cộng đồng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực hoặc ít có khả năng chống chịu và hồi phục trước các cú sốc – cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường, hoặc những thay đổi trong cấu trúc xã hội. Đây không chỉ đơn thuần là kết quả của nghèo đói, mà còn liên quan đến sự thiếu hụt quyền lực, cơ hội tiếp cận nguồn lực, và khả năng tự bảo vệ hoặc thích ứng của một cá nhân hay cộng đồng.
Một đặc điểm chung của các nhóm này là khả năng tiếp cận hạn chế đối với các dịch vụ công căn bản, như y tế, giáo dục, an sinh xã hội và pháp lý. Họ cũng thường không có tiếng nói chính trị mạnh mẽ và khó tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Tình trạng bị “gạt ra bên lề” này không chỉ làm trầm trọng thêm các thiệt thòi trong hiện tại, mà sự bất bình đẳng này còn được duy trì và lặp lại qua nhiều thế hệ.
Việc nhận diện và phân tích tính dễ bị tổn thương đóng vai trò thiết yếu trong quá trình hoạch định chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, các nhóm dễ bị tổn thương có thể được phân chia thành nhiều diện và trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhìn chung, họ bao gồm (i) lao động phi chính thức, (ii) người dân tộc thiểu số, (iii) phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, (iv) người khuyết tật, (v) người cao tuổi không có lương hưu, và (vi) trẻ em trong gia đình nghèo hoặc không có người chăm sóc.
Lao động phi chính thức
Một trong những nhóm chiếm số lượng lớn và dễ bị tổn thương nhất tại Việt Nam là lao động phi chính thức. Tính đến quý I/2025, tỷ lệ nhóm lao động này chiếm 64,3% lực lượng lao động cả nước, tăng 0,7% so với quý trước.
Năm 2003, Hội nghị quốc tế lần thứ 17 về Thống kê Lao động (ICLS17) đã chính thức thông qua khung khái niệm về lao động phi chính thức (informal employment). Theo đó, lao động phi chính thức được định nghĩa là những người làm các công việc mà “mối quan hệ lao động của họ theo luật pháp hoặc thực tế, không tuân theo luật lao động quốc gia, thuế thu nhập, bảo vệ xã hội hoặc quyền hưởng một số lợi ích lao động nhất định (thông báo trước khi sa thải, trợ cấp thôi việc, nghỉ phép năm có lương hoặc nghỉ ốm,...)”.
Họ làm việc không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, và thường xuyên đối mặt với rủi ro mất việc, tai nạn lao động, hoặc thù lao không ổn định. Do đó, họ là nhóm có mức độ tổn thương đa chiều như thu nhập bấp bênh, thường xuyên sống dưới mức chuẩn tối thiểu, điều kiện làm việc thiếu an toàn, thiếu bảo hiểm xã hội và y tế; do đó, họ phải tự gánh chịu mọi rủi ro, không có khả năng tổ chức tập thể hoặc thương lượng tập thể, do không thuộc các công đoàn chính thức.
Có thể thấy, đợt dịch COVID-19 đã làm lộ rõ mức độ mong manh của nhóm lao động phi chính thức. Đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia đình của họ. Trong năm 2020, mức thu nhập bình quân của lao động phi chính thức chỉ đạt 4,49 triệu đồng, con số này tiếp tục giảm xuống còn 4,45 triệu đồng vào năm 2021. Nhóm người này chịu thiệt hại kinh tế nặng nề nhất, trong khi lại được hỗ trợ ít nhất do vướng rào cản thủ tục, gặp khó khăn trong việc chứng minh điều kiện hưởng lợi hoặc đơn giản là không có trong danh sách hành chính.
Nhìn chung, đây là một lực lượng đông đảo, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng, nhưng lại nằm ngoài phần lớn các cơ chế chính sách an sinh và bảo vệ lao động. Sự “vô hình” ấy đã trở thành một điểm mù chính sách đặc biệt nguy hiểm, không chỉ trong điều kiện khủng hoảng mà cả trong trạng thái bình thường mới.
Tình trạng này phản ánh giới hạn trong hệ thống quản trị hiện hành. Quản lý an sinh xã hội của Việt Nam vẫn chủ yếu vận hành dựa trên các thiết chế gắn với lao động có hợp đồng, có đăng ký doanh nghiệp, hoặc có vị trí địa lý cư trú cố định. Trong khi phần lớn lao động phi chính thức sống và làm việc liên tỉnh, làm việc lưu động, và nằm ngoài các tổ chức sử dụng lao động chính thức. Thêm vào đó, chi phí hành chính và rào cản thủ tục đối với việc tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn cao, ở mức 32% (người lao động đóng 10,5%, người sử dụng lao động đóng 21,5%). Đối với một người thu nhập thấp từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, việc phải đóng trên 10% thu nhập để tham gia bảo hiểm xã hội là điều không thực tế, nhất là khi họ không thấy được lợi ích ngắn hạn hoặc không tin tưởng vào khả năng thụ hưởng trong tương lai.
Người dân tộc thiểu số: thiểu số về dân số, đa số về tỷ lệ nghèo
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 14 - 15% dân số Việt Nam, người dân tộc thiểu số lại chiếm tới hơn 50% tổng số người nghèo cả nước. Họ sinh sống chủ yếu tại vùng núi, biên giới - những khu vực địa lý khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém và khả năng tiếp cận thị trường hạn chế. Tỷ lệ nghèo đa chiều trong nhóm dân tộc thiểu số dao động từ 20 - 70%, và thậm chí trên 70% ở một số vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Bất chấp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoảng cách phát triển giữa khu vực dân tộc thiểu số và nhóm dân tộc Kinh ngày càng lớn. Sự bất bình đẳng không chỉ đến từ yếu tố kinh tế mà còn từ rào cản ngôn ngữ, văn hóa, và định kiến xã hội. Khoảng cách này đặc biệt rõ rệt ở các chỉ số về tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế, nhà ở và thông tin – vốn là các thành tố cấu thành năng lực phát triển con người.
Ngoài rào cản kinh tế, người dân tộc thiểu số còn phải đối mặt với bất lợi văn hóa và ngôn ngữ, đặc biệt trong tiếp cận giáo dục và tư pháp. Trẻ em dân tộc thiểu số thường gặp khó khăn trong những năm đầu đi học do không sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ mẹ đẻ. Thực tế này gây khó khăn trong việc tiếp thu bài vở ở trường, khiến tỷ lệ bỏ học, lưu ban ở nhóm này còn cao. Việc thiếu tài liệu học tập song ngữ hoặc giáo viên có năng lực liên văn hóa càng khoét sâu khoảng cách này.
Bên cạnh đó, định kiến xã hội và sự phân biệt đối xử đối với một số cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn tồn tại dai dẳng, đặc biệt trong môi trường đô thị. Những biểu hiện như “ánh nhìn kỳ thị” hay quan niệm về “sự lạc hậu”, dù không được thể hiện một cách công khai, vẫn âm thầm hiện diện trong nhận thức của một bộ phận người dân. Cái nhìn không thiện cảm và sự kỳ thị khiến các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn hơn trong việc hòa nhập xã hội một cách bình đẳng.
Phụ nữ đơn thân, người khuyết tật, người cao tuổi
Phụ nữ nghèo, đặc biệt là những người đơn thân, thường chịu tình trạng “bất lợi chồng bất lợi”: từ bất bình đẳng giới, thu nhập thấp, gánh nặng chăm sóc con cái cho đến hạn chế về việc tiếp cận cơ hội việc làm. Trong một xã hội mà định kiến giới vẫn còn tồn tại ngấm ngầm, việc thiếu mạng lưới hỗ trợ xã hội đã đẩy họ vào tình trạng làm việc kiệt sức nhưng không bền vững, đặc biệt ở khu vực nông thôn và lao động dịch vụ thấp.
Người khuyết tật là một trong những nhóm xã hội dễ bị tổn thương nhất, vừa chịu những rào cản về thể chất, vừa đối mặt với những thách thức xã hội, kinh tế và chính sách kéo dài. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số. Người khuyết tật, dù đã được luật pháp bảo vệ, vẫn gặp rào cản lớn trong tiếp cận giáo dục hòa nhập, việc làm phù hợp, và không gian công cộng. Theo Điều tra người khuyết tật năm 2023, tỷ lệ người khuyết tật tham gia lao động chính thức là 23,9%; nhiều người vẫn sống phụ thuộc vào gia đình và không có khả năng tự chủ kinh tế.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người khuyết tật chịu cảnh nghèo đói cao hơn so với nhóm dân số chung vì khả năng tiếp cận thị trường lao động của nhóm đối tượng này còn hạn chế (phần lớn làm các công việc giản đơn, thu nhập thấp hoặc phụ thuộc vào trợ cấp xã hội), khó khăn trong tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề (đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và các khu vực dân tộc thiểu số).
Người khuyết tật còn gặp phải nhiều rào cản cả về vật chất lẫn tinh thần. Hạ tầng kỹ thuật và hệ thống giao thông công cộng chưa được cải thiện một cách toàn diện để đảm bảo tiếp cận dễ dàng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, định kiến xã hội và thái độ kỳ thị vẫn âm thầm tồn tại, khiến người khuyết tật dễ rơi vào tình trạng bị cô lập, khó tiếp cận bình đẳng các cơ hội về giáo dục, việc làm cũng như tham gia vào đời sống chính trị - xã hội.
Tương tự, người cao tuổi không có lương hưu - ước tính hơn một nửa tổng số người già Việt Nam - đang đối mặt với rủi ro “nghèo hóa” khi hệ thống hỗ trợ xã hội cho họ vẫn mang tính chất “cứu trợ” hơn là đảm bảo quyền lợi. Theo chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/7, những người từ 75 tuổi trở lên, nếu không có lương hưu, sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội. Riêng nhóm từ 70 đến dưới 75 tuổi chỉ được hưởng trợ cấp nếu thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo và không nhận lương hưu.
Chính sách trên tuy nhằm hỗ trợ những người lớn tuổi không có nguồn thu nhập ổn định, song vẫn tồn tại nhiều bất cập về quy định độ tuổi và điều kiện để họ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng.
Thứ nhất, tiêu chí độ tuổi cao khiến nhiều người bị bỏ sót. Ngưỡng 75 tuổi đối với nhóm không thuộc hộ nghèo, cận nghèo là quá cao, trong khi nhiều người đã gặp khó khăn về sức khỏe và kinh tế từ sớm hơn. Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của Việt Nam được ghi nhận là 73,64 tuổi. Như vậy, ngưỡng 75 tuổi mới đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp là quá cao, dấy lên câu hỏi liệu sẽ có bao nhiêu người sống đủ lâu để “có cơ hội” được hưởng lợi từ chính sách trợ cấp này?
Thứ hai, tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các nhóm người cao tuổi. Nhóm từ 70 đến dưới 75 tuổi chỉ được hỗ trợ nếu thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo. Trong khi đó, có rất nhiều người không được xếp vào diện nghèo nhưng thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn (ví dụ: sống đơn thân, không có con cái chu cấp, không có thu nhập ổn định,…). Điều này dẫn đến hiện tượng “lọt lưới” an sinh, khi một số người – trong khi không thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo theo các tiêu chí chính thức nhưng gặp khó khăn thực sự – lại không được hỗ trợ.
Thứ ba, thủ tục xét duyệt phức tạp và không nhất quán. Việc xác định hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương thiếu minh bạch và thống nhất, dễ dẫn đến tình trạng người đáng được hưởng thì không được, người không quá khó khăn lại nằm trong diện nhận trợ cấp. Điều kiện “không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng” dễ gây trùng lặp trong xác minh, khi nhiều người không có giấy tờ rõ ràng hoặc không nắm được quyền lợi của mình.
Thứ tư, chính sách này vẫn chưa tiếp cận nhóm người cao tuổi yếu thế khác. Chính sách không đề cập đến các nhóm yếu thế như người cao tuổi đơn thân, người sống ở vùng sâu vùng xa, người không có giấy tờ tùy thân, người khuyết tật cao tuổi - vốn rất cần sự hỗ trợ. Những người này có thể không đáp ứng đủ các điều kiện (tuổi, hộ nghèo, không có lương hưu), nhưng lại chính là những người cần trợ cấp nhất.
Bên cạnh đó, mức trợ cấp thấp (dự kiến ở mức 500.000/tháng), không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản như ăn uống, thuốc men, đi lại,… Điều này làm giảm hiệu quả thực tế của chính sách. Trong bối cảnh già hóa dân số nhanh chóng, việc không xử lý triệt để các bất cập có thể dẫn đến bất ổn xã hội quy mô lớn trong tương lai gần.
Những bước tiến nhỏ tiến tới cấu trúc bền vững
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nhận diện và hỗ trợ nhóm yếu thế, từ hệ thống luật pháp (Luật Người khuyết tật, Luật Bình đẳng giới), các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, phát triển vùng dân tộc thiểu số), đến các gói hỗ trợ trong đại dịch.
Chẳng hạn, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, tiêu biểu là Chương trình 30a và 135, và gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030.
Đối với người khuyết tật, các chương trình hỗ trợ thiết thực đã được thực thi như chính sách ưu đãi học tập, việc làm cho người khuyết tật, hỗ trợ kinh phí mua phương tiện trợ giúp, thiết bị y tế, phục hồi chức năng, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật, tạo điều kiện tiếp cận việc làm và nâng cao kỹ năng.
Một số mô hình hòa nhập và sáng kiến cộng đồng tiêu biểu cũng đã được triển khai thành công, điển hình như dự án “Ngôi nhà bình yên”, và các chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật. Đáng chú ý, trong bối cảnh chuyển đổi số, các sáng kiến phát triển kỹ năng số cho người khuyết tật cũng đang được đẩy mạnh, giúp nhóm này tiếp cận với giáo dục và việc làm một cách linh hoạt hơn, qua đó giảm thiểu các rào cản vật lý và mở rộng cơ hội hòa nhập xã hội.
Tuy nhiên, chính sách tồn tại hai điểm yếu cơ bản là thiếu tính bền vững và thiếu khả năng tiếp cận thực chất.
Về mặt cấu trúc, hệ thống an sinh xã hội đặt trọng tâm vào các nhóm có quan hệ lao động chính thức hơn nhóm phi chính thức. Việt Nam đã ban hành một số chính sách nhằm mở rộng bao phủ an sinh xã hội tới khu vực phi chính thức, như bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn,... Tuy nhiên, các chính sách này về bản chất vẫn mang tính tự nguyện, thiếu bắt buộc, và dựa trên động lực cá nhân, khiến tỷ lệ tham gia rất thấp (chỉ 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, có tới 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào).
Ngoài ra, một yếu tố thường bị bỏ qua trong cách tiếp cận của các chính sách là tâm lý “nghi ngờ” vốn ăn sâu ở nhiều lao động phi chính thức. Những người từng có trải nghiệm thiệt thòi khi tiếp xúc với các cơ quan nhà nước, hoặc đơn giản là chưa từng thấy quyền lợi của mình được thực sự bảo đảm qua các cơ chế hiện hành. Tâm lý này khiến họ dè dặt trong việc đăng ký thông tin, tham gia các chương trình hỗ trợ, hoặc hợp thức hóa hoạt động nghề nghiệp, từ đó tạo ra vòng luẩn quẩn: họ không tiếp cận được chính sách do thiếu thông tin và niềm tin, trong khi chính sách tiếp tục được xây dựng mà không có sự tham gia thực chất từ phía họ.
Đồng thời, chính quyền cấp cơ sở là lực lượng chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ, lại thường đối mặt với hạn chế về nhân lực, tài chính và công cụ đánh giá. Phần lớn cán bộ phường, xã không có đủ nguồn lực để khảo sát, cập nhật và theo dõi sát sao tình hình của từng lao động phi chính thức, nhất là trong bối cảnh lực lượng này có xu hướng dịch chuyển cao. Hệ quả là việc triển khai chính sách thường mang tính hình thức, thiếu khả năng “chạm tới” từng trường hợp cụ thể.
Nhiều chương trình quốc gia hướng đến hỗ trợ người lao động là dân tộc thiểu số đã được triển khai, song hiệu quả còn hạn chế do tiếp cận hành chính còn cứng nhắc, thiếu tham vấn từ chính cộng đồng được hỗ trợ. Việc thiết kế chính sách từ trung ương xuống địa phương nhiều khi không linh hoạt, khiến các nhóm thiểu số dễ bị bỏ sót hoặc không tiếp cận được do thủ tục rườm rà. Đồng thời, quá trình hoạch định chính sách cần thu hút sự tham gia thực chất từ cộng đồng dân tộc thiểu số, không chỉ như đối tượng thụ hưởng mà như những chủ thể góp phần định hình tương lai chính mình.
***
Bất bình đẳng kéo dài sẽ dẫn đến xói mòn niềm tin vào nhà nước, giảm gắn kết xã hội, và gia tăng nguy cơ bất ổn chính trị. Về mặt đối ngoại, trong tiến trình hội nhập sâu với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là thực thi các cam kết về Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), việc cải thiện tình trạng các nhóm dễ bị tổn thương cũng trở thành một điều kiện quan trọng để Việt Nam thể hiện năng lực thực thi cam kết. Nội dung này cũng là một thành tố trong việc định vị vị thế quốc tế của Việt Nam như một quốc gia đang phát triển có trách nhiệm. Về dài hạn, một quốc gia không thể phát triển bền vững nếu có quá nhiều công dân sống bên lề xã hội. Câu hỏi không phải là liệu chúng ta có đủ nguồn lực để bảo vệ nhóm yếu thế hay không, mà là liệu chúng ta có đủ tầm nhìn để coi họ là một phần tất yếu của tương lai phát triển quốc gia hay không.
Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.
Từ khoá: nhóm yếu thế nhóm dễ bị tổn thương lao động phi chính thức dân tộc thiểu số phát triển bền vững