Biển Đông   23/09/2024

Philippines rút tàu khỏi bãi Sa Bin: Vì sao và sẽ thế nào?

Việc Manila rút tàu tuần duyên tại bãi Sa Bin cùng các tranh cãi nội bộ có thể khiến Bắc Kinh “chớp thời cơ” để chiếm giữ bãi cạn.

Vũ Bằng

23/09/2024
Image
Tàu tuần duyên Philippines BRP Teresa Magbanua rút khỏi bãi Sa Bin sau một thời gian bị nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc bao vây và đâm va gây hư hỏng - (C): The Philippine Coast Guard

Trong một diễn biến bất ngờ, vào ngày 15/9, Philippines lên tiếng xác nhận tàu BRP Teresa Magbanua đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin (Sabina shoal) sau hơn năm tháng thả neo tại đây. Một ngày sau đó, hãng thông tấn của chính phủ Trung Quốc là Tân Hoa xã cũng xác nhận rằng tàu BRP Teresa Magbanua đã rời khỏi bãi Sa Bin, đồng thời tái khẳng định yêu sách chủ quyền đối với thực thể này.

Đáng chú ý, động thái rút tàu diễn ra chỉ vài ngày sau khi đại diện của Philippines và Trung Quốc tổ chức các cuộc thảo luận về tranh chấp hàng hải, trong đó Bắc Kinh nhắc lại yêu cầu rút ngay lập tức con tàu của Philippines khỏi bãi Sa Bin. Những diễn biến kể trên thu hút sự chú ý của dư luận, đặt ra nghi vấn liệu Manila đã từ bỏ yêu sách chủ quyền hay có những lý do nào khác.

Tại sao Philippines rút tàu BRP Teresa Magbanua?

Để hiểu rõ hơn về lý do Philippines rút tàu khỏi bãi Sa Bin, cần điểm lại một số diễn biến đáng chú ý đã diễn ra xung quanh thực thể này suốt năm tháng qua. Vào ngày 16/4, tuần duyên Philippines đã điều tàu BRP Teresa Magbanua (một trong những con tàu lớn nhất và hiện đại nhất của lực lượng này) đến Sa Bin để giám sát việc Trung Quốc cải tạo đất bất hợp pháp nhằm xây đảo nhân tạo.

Đến ngày 15/6, Trung Quốc đã ban hành “Quy định về Thủ tục Thực thi Hành chính đối với Các cơ quan Hải cảnh năm 2024” (Provisions on Administrative Enforcement Procedures for Coast Guard Agencies 2024), hay còn gọi là Quy định hải cảnh số ba. Văn bản này cho phép các chỉ huy hải cảnh Trung Quốc được quyền giam giữ tàu thuyền và công dân nước ngoài trong thời gian tối đa 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với các vấn đề phức tạp) nếu họ ở “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” (waters under Chinese jurisdiction). Quyền tài phán không được Trung Quốc giải thích cụ thể, nhưng rất có thể được ngầm hiểu là những phần thuộc yêu sách đường chín đoạn trên Biển Đông mà nước này theo đuổi.  

Quy định hải cảnh số ba đáng chú ý bởi trong quá khứ, phần lớn các vụ Bắc Kinh gây hấn đối với tàu thuyền của Philippines (cũng như các nước khác) chủ yếu do Lực lượng Dân quân Hàng hải Vũ trang Nhân dân (People's Armed Force Maritime Militia) thực hiện. Tuy nhiên, kể từ Quy định hải cảnh số ba được ban hành, lực lượng hải cảnh sẽ có quyền hạn nhiều hơn và vai trò trực tiếp hơn để thực thi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trên tinh thần của Quy định mới, ngày 3/7, hải cảnh Trung Quốc đã đưa con tàu “quái thú” (monster) CCG-5901 đến neo đậu gần bãi Sa Bin trong vòng ba tuần. Đây là con tàu có trọng tải 12.000 tấn, lớn gấp năm lần so với BRP Teresa Magbanua, và lớn hơn bất kỳ tàu chấp pháp thông thường nào khác trên thế giới. Đến ngày 19/8, vụ va chạm đầu tiên quanh khu vực bãi Sa Bin được ghi nhận khi tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào hai tàu của tuần duyên Philippines. Sáu ngày sau, Trung Quốc bố trí khoảng chục tàu bao vây, và dùng tàu hải cảnh đâm và phun vòi rồng vào tàu của Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Philippines.

Tiếp đà căng thẳng, ngày 26/8, có đến 40 tàu Trung Quốc bao vây hai tàu của Philippines đang trên đường làm nhiệm vụ tiếp tế cho tàu BRP Teresa Magbanua. Vụ bao vây đã khiến Manila phải thừa nhận rằng nguồn cung cấp cho các thành viên thủy thủ đoàn của tàu BRP Teresa Magbanua “ở mức nguy cấp” (at a critical level). Theo đó, Philippines buộc phải sử dụng trực thăng để tiếp tế cho tàu của mình tại bãi Sa Bin. Trước tình hình trên, Trung Quốc đã dùng tới biện pháp mạnh hơn khi quyết định cho tàu hải cảnh đâm trực tiếp vào tàu BRP Teresa Magbanua hôm 31/8, khiến thân tàu này bị hư hại đáng kể. Ngoài ra, trong số các tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện trên thực địa, có hai chiếc làm nhiệm vụ kéo, hoàn toàn có khả năng được sử dụng cho phương án kéo tàu BRP Teresa Magbanua ra khỏi khu vực Philippines đang chiếm đóng trên bãi Sa Bin. 

Từ hàng loạt vụ việc gây hấn của Trung Quốc kể trên, có thể hiểu được tại sao tuần duyên Philippines lại đưa ra lời giải thích vào ngày 15/9 rằng tàu BRP Teresa Magbanua buộc phải quay trở lại cảng do điều kiện thời tiết bất lợi, nguồn cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày cạn kiệt và nhu cầu sơ tán nhân sự cần chăm sóc y tế (có bốn thành viên phi hành đoàn bị mất nước nghiêm trọng do Trung Quốc phong tỏa các lối tiếp tế cho con tàu).

Tuy nhiên, thông báo này cũng phản ánh dường như động thái rút tàu của Manila không được lên kế hoạch từ trước và có thể đã được thực hiện gấp rút đến mức không có thời gian cần thiết để triển khai một tàu khác đến thay thế. Hơn nữa, thực tế đã xảy ra ngược lại với tuyên bố của phát ngôn viên Tuần duyên Philippines Jay Tarriela rằng “Bất kể tàu lớn hay nhỏ, bất kể có bao nhiêu tàu, mục tiêu chính và cam kết của chỉ huy là đảm bảo tại bất kỳ thời điểm nào, sẽ luôn có sự hiện diện của lực lượng tuần duyên tại bãi cạn [Sa Bin]”. Sự khác biệt giữa tuyên bố và thực tế này cho thấy cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc bao vây đến mức buộc tàu của Philippines phải tự rút lui đã “thành công”, ít nhất là trong trường hợp tại bãi Sa Bin.

Ngay trong ngày tàu BRP Teresa Magbanua trở về, lực lượng tuần duyên Philippines tuyên bố đang gửi một tàu khác đến bãi Sa Bin để thay thế. Trên thực tế, bên cạnh BRP Teresa Magbanua, tuần duyên Philippines chỉ còn một con tàu khác đủ khả năng neo đậu lâu dài là BRP Melchora Aquino. Tuy nhiên, sau tuyên bố kể trên, cho đến nay vẫn chưa có thông tin nào cho thấy Manila đã thành công trong việc tái hiện diện tại bãi Sa Bin. Nếu điều này là đúng, một lần nữa có thể thấy rằng Trung Quốc đã tạo vòng vây đủ “hiệu quả” để khiến Manila không có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc phải rút khỏi khu vực tranh chấp.  

Như vậy, Philippines buộc phải đưa ra quyết định rút tàu BRP Teresa Magbanua khỏi bãi Sa Bin vì sự bao vây quyết liệt của Trung Quốc đã khiến thủy thủ đoàn không còn đủ sức chịu đựng. Mặc dù Manila tuyên bố sẽ tái bố trí một con tàu khác để duy trì sự hiện diện tại thực thể này, nhưng có lẽ tuyên bố chủ yếu nhằm “trấn an” người dân Philippines hơn là một quyết tâm thật sự mạnh mẽ.

Cờ đã đến tay, liệu Trung Quốc có chiếm bãi cạn?

Động thái rút tàu của Philippines làm dấy lên lo ngại rằng kịch bản bãi cạn Scarborough năm 2012 sẽ lặp lại, khi Manila rút tàu chiến Gregorio del Pilar sau một thời gian neo đậu và mở ra cơ hội cho Trung Quốc chiếm đóng, duy trì sự hiện diện trên thực thể này kể từ đó đến nay.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa kiểm soát được bãi Sa Bin mặc dù BRP Teresa Magbanua đã rời đi, theo xác nhận của Chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, phát ngôn viên Hải quân Philippines về vấn đề Biển Đông.

Trên thực địa, theo công bố của hải quân Philippines, số lượng tàu Trung Quốc hiện diện tại Biển Đông từ ngày 10 - 16/9 (thời điểm tàu BRP Teresa Magbanua rút lui) cũng đã giảm, chỉ còn 157 tàu so với con số 207 tàu của tuần trước đó. Trong số 157 tàu, khu vực gần bãi Sa Bin vẫn chiếm số lượng lớn nhất với 65 chiếc (52 tàu dân quân, 9 tàu hải cảnh và 4 tàu hải quân). Ngoài ra, Trung Quốc hiện diện 32 tàu gần đảo Thị Tứ (Thitu island), 18 tàu gần bãi cạn Scarborough, 17 tàu gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas shoal), 17 tàu gần đá Khúc Giác (Iroquois reef), 8 tàu gần đảo Vĩnh Viễn (Lawak island) và đá An Nhơn (Panata island). 

Theo lý giải từ ông Trinidad, sự sụt giảm mạnh về số lượng tàu Trung Quốc ở Biển Đông có thể là do điều kiện thời tiết bất lợi. Đối chiếu từ nhận định này, kết hợp với thực tế Trung Quốc chưa chiếm đóng bãi Sa Bin, có thể phán đoán rằng Bắc Kinh không phải không muốn thừa cơ hội, mà đang gặp khó khăn về thời tiết (nửa cuối năm là thời điểm các cơn bão hoạt động mạnh ở khu vực quần đảo Trường Sa) để có thể triển khai tham vọng của mình.

Tuy nhiên, sự “trống vắng” của bãi Sa Bin nhiều khả năng chỉ là tạm thời, và Bắc Kinh hoàn toàn có thể chiếm lấy thực thể này nếu muốn. Hơn nữa, bãi Sa Bin trải dài hơn 137 km2, do đó nếu Trung Quốc thật sự quyết tâm chiếm bãi cạn, Philippines khó đủ sức ngăn cản, đặc biệt là khi nội bộ Manila không thật sự đoàn kết vào thời điểm này.

Hiện nay, có ít nhất ba luồng quan điểm đang tồn tại tại Manila. Một số nhà chiến lược hàng đầu (nổi bật nhất là cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio) đã công khai ủng hộ kịch bản Mỹ hộ tống các nhiệm vụ tuần tra của Philippines tại những khu vực tranh chấp. Ở luồng quan điểm thứ hai, Tướng Romeo Brawner, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines, cho rằng vẫn còn quá sớm và thiếu khôn ngoan khi nhờ đến sự giúp đỡ quân sự trực tiếp của Mỹ. Theo ông Brawner, nhờ Mỹ can thiệp chỉ là hạ sách cuối cùng, thay vào đó, Philippines nên thông qua con đường ngoại giao để tăng cường mua/ nhận hệ thống vũ khí, tàu tuần tra từ Washington và đồng minh. Bộ trưởng Quốc phòng Gilbert Teodoro có cùng quan điểm với ông Brawner, nhưng kỳ vọng xây dựng “một hành động đa phương tập thể mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc” (a stronger collective multilateral action against China). Trong khi đó, Phó đô đốc Hải quân Alexander Lopez (kiêm phát ngôn viên của Hội đồng Hàng hải Quốc gia) cho rằng “đã đến lúc phải xem xét lại” Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines ký vào năm 1951, vì Hiệp ước đã không ngăn chặn được cái gọi là “chiến thuật vùng xám” (grey-zone tactics) của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

Vẫn chưa rõ Tổng thống Ferdinand Marcos Jr sẽ ưu tiên phương án nào trong các luồng quan điểm nêu trên, nhưng điều quan trọng nhất cần phải giải quyết hiện nay là vượt qua vòng vây của Trung Quốc và sớm đưa tàu tuần duyên trở lại bãi Sa Bin. Nếu Manila chậm trễ, rủi ro đánh mất sự hiện diện tại thực thể này vào tay Bắc Kinh là không hề thấp. Thậm chí, việc Philippines đòi lại quyền kiểm soát Sa Bin sẽ rất khó khăn, vì Bắc Kinh sẽ tuyên bố có toàn quyền thực thi pháp luật tại thực thể này và sẵn sàng gây bất lợi cho Manila. Đáng tiếc, các diễn biến trên thực địa cho thấy Manila đang bế tắc trước sức ép quá lớn của cường quốc tỷ dân.

Cùng với sự chia rẽ quan điểm giữa các quan chức, những động thái vừa qua của chính phủ Philippines đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ dư luận trong nước. Chẳng hạn, nhà phân tích quốc phòng Jose Antonio Custodio đã chỉ trích gay gắt việc chính phủ không hỗ trợ đầy đủ cho tàu Teresa Magbanua trong quá trình triển khai. Ông Custodio cho rằng không có lý do gì để bào chữa cho tình trạng mất nước và thiếu nguồn cung cấp cho thủy thủ đoàn, đồng thời đổ lỗi cho tư duy của cơ quan an ninh quốc gia Philippines về những khuyết điểm này. Trong khi đó, những người chỉ trích khác cho rằng động thái rút lui là một hành động đầu hàng trên thực tế của chính phủ Philippines trước Trung Quốc.

Theo đó, chính quyền Marcos sẽ phải giải quyết các bất đồng trong nước, xoa dịu sức ép từ dư luận, và tìm kiếm biện pháp hiệu quả hơn để hoá giải hành vi gây sức ép của Trung Quốc ở Biển Đông.   

Một lựa chọn mà Philippines nên cân nhắc là cố gắng hạn chế dính líu đến Mỹ càng nhiều càng tốt, vì việc này có thể “chọc giận” Bắc Kinh và khiến mọi chuyện tồi tệ hơn, tại bãi Sa Bin nói riêng và các thực thể tranh chấp ở Biển Đông nói chung. Trên thực tế, Washington chính là tác nhân làm trầm trọng thêm tình hình an ninh trong khu vực. Việc Mỹ được trao quyền sử dụng thêm bốn căn cứ mới ở Philippines theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (Enhanced Defense Cooperation Agreement) là một hành động khiêu khích không cần thiết đối với Trung Quốc, hệ quả là đã làm phức tạp thêm tình hình an ninh ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, các cuộc tập trận ngày càng thường xuyên ở Biển Đông giữa Mỹ với các đồng minh cũng gửi đi thông điệp về một vòng vây vũ trang đang tập hợp để chống lại Bắc Kinh. Đáng chú ý nhất, Bắc Kinh đã phản đối gay gắt sự hiện diện của hệ thống phóng tên lửa tầm trung Typhon của Mỹ (là thiết bị đầu tiên thuộc loại này mà Washington triển khai ở châu Á kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai) ở phía Bắc Philippines. Hệ thống Typhon đã được triển khai tạm thời vào tháng 4 như một phần của cuộc tập trận quân sự chung Balikatan hàng năm, song vẫn tiếp tục hiện diện ở Philippines. Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano cho biết không có mốc thời gian cụ thể nào cho việc rút hệ thống tên lửa tầm trung này khỏi đất nước.

Dù việc hạn chế dính líu đến Mỹ không đồng nghĩa Trung Quốc sẽ ngừng gây sức ép với Philippines trên Biển Đông, nhưng đó có thể là động thái thiện chí để Manila và Bắc Kinh tổ chức nhiều hơn các cuộc đối thoại song phương, với mục tiêu làm giảm căng thẳng trên thực địa. Hạn chế xung đột trực tiếp sẽ có lợi cho quốc gia yếu thế hơn là Philippines, vì nước này sẽ có thêm thời gian và không gian để củng cố lại lực lượng, cân nhắc kỹ lưỡng các bước đi tiếp theo, và tìm ra tiếng nói chung giữa các quan chức chính phủ trong việc ứng phó với mối đe dọa Trung Quốc. 

Trong một diễn biến bất ngờ, vào ngày 15/9, Philippines lên tiếng xác nhận tàu BRP Teresa Magbanua đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin (Sabina shoal) sau hơn năm tháng thả neo tại đây. Một ngày sau đó, hãng thông tấn của chính phủ Trung Quốc là Tân Hoa xã cũng xác nhận rằng tàu BRP Teresa Magbanua đã rời khỏi bãi Sa Bin, đồng thời tái khẳng định yêu sách chủ quyền đối với thực thể này.

Đáng chú ý, động thái rút tàu diễn ra chỉ vài ngày sau khi đại diện của Philippines và Trung Quốc tổ chức các cuộc thảo luận về tranh chấp hàng hải, trong đó Bắc Kinh nhắc lại yêu cầu rút ngay lập tức con tàu của Philippines khỏi bãi Sa Bin. Những diễn biến kể trên thu hút sự chú ý của dư luận, đặt ra nghi vấn liệu Manila đã từ bỏ yêu sách chủ quyền hay có những lý do nào khác.

Tại sao Philippines rút tàu BRP Teresa Magbanua?

Để hiểu rõ hơn về lý do Philippines rút tàu khỏi bãi Sa Bin, cần điểm lại một số diễn biến đáng chú ý đã diễn ra xung quanh thực thể này suốt năm tháng qua. Vào ngày 16/4, tuần duyên Philippines đã điều tàu BRP Teresa Magbanua (một trong những con tàu lớn nhất và hiện đại nhất của lực lượng này) đến Sa Bin để giám sát việc Trung Quốc cải tạo đất bất hợp pháp nhằm xây đảo nhân tạo.

Đến ngày 15/6, Trung Quốc đã ban hành “Quy định về Thủ tục Thực thi Hành chính đối với Các cơ quan Hải cảnh năm 2024” (Provisions on Administrative Enforcement Procedures for Coast Guard Agencies 2024), hay còn gọi là Quy định hải cảnh số ba. Văn bản này cho phép các chỉ huy hải cảnh Trung Quốc được quyền giam giữ tàu thuyền và công dân nước ngoài trong thời gian tối đa 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với các vấn đề phức tạp) nếu họ ở “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” (waters under Chinese jurisdiction). Quyền tài phán không được Trung Quốc giải thích cụ thể, nhưng rất có thể được ngầm hiểu là những phần thuộc yêu sách đường chín đoạn trên Biển Đông mà nước này theo đuổi.  

Quy định hải cảnh số ba đáng chú ý bởi trong quá khứ, phần lớn các vụ Bắc Kinh gây hấn đối với tàu thuyền của Philippines (cũng như các nước khác) chủ yếu do Lực lượng Dân quân Hàng hải Vũ trang Nhân dân (People's Armed Force Maritime Militia) thực hiện. Tuy nhiên, kể từ Quy định hải cảnh số ba được ban hành, lực lượng hải cảnh sẽ có quyền hạn nhiều hơn và vai trò trực tiếp hơn để thực thi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trên tinh thần của Quy định mới, ngày 3/7, hải cảnh Trung Quốc đã đưa con tàu “quái thú” (monster) CCG-5901 đến neo đậu gần bãi Sa Bin trong vòng ba tuần. Đây là con tàu có trọng tải 12.000 tấn, lớn gấp năm lần so với BRP Teresa Magbanua, và lớn hơn bất kỳ tàu chấp pháp thông thường nào khác trên thế giới. Đến ngày 19/8, vụ va chạm đầu tiên quanh khu vực bãi Sa Bin được ghi nhận khi tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào hai tàu của tuần duyên Philippines. Sáu ngày sau, Trung Quốc bố trí khoảng chục tàu bao vây, và dùng tàu hải cảnh đâm và phun vòi rồng vào tàu của Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Philippines.

Tiếp đà căng thẳng, ngày 26/8, có đến 40 tàu Trung Quốc bao vây hai tàu của Philippines đang trên đường làm nhiệm vụ tiếp tế cho tàu BRP Teresa Magbanua. Vụ bao vây đã khiến Manila phải thừa nhận rằng nguồn cung cấp cho các thành viên thủy thủ đoàn của tàu BRP Teresa Magbanua “ở mức nguy cấp” (at a critical level). Theo đó, Philippines buộc phải sử dụng trực thăng để tiếp tế cho tàu của mình tại bãi Sa Bin. Trước tình hình trên, Trung Quốc đã dùng tới biện pháp mạnh hơn khi quyết định cho tàu hải cảnh đâm trực tiếp vào tàu BRP Teresa Magbanua hôm 31/8, khiến thân tàu này bị hư hại đáng kể. Ngoài ra, trong số các tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện trên thực địa, có hai chiếc làm nhiệm vụ kéo, hoàn toàn có khả năng được sử dụng cho phương án kéo tàu BRP Teresa Magbanua ra khỏi khu vực Philippines đang chiếm đóng trên bãi Sa Bin. 

Từ hàng loạt vụ việc gây hấn của Trung Quốc kể trên, có thể hiểu được tại sao tuần duyên Philippines lại đưa ra lời giải thích vào ngày 15/9 rằng tàu BRP Teresa Magbanua buộc phải quay trở lại cảng do điều kiện thời tiết bất lợi, nguồn cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày cạn kiệt và nhu cầu sơ tán nhân sự cần chăm sóc y tế (có bốn thành viên phi hành đoàn bị mất nước nghiêm trọng do Trung Quốc phong tỏa các lối tiếp tế cho con tàu).

Tuy nhiên, thông báo này cũng phản ánh dường như động thái rút tàu của Manila không được lên kế hoạch từ trước và có thể đã được thực hiện gấp rút đến mức không có thời gian cần thiết để triển khai một tàu khác đến thay thế. Hơn nữa, thực tế đã xảy ra ngược lại với tuyên bố của phát ngôn viên Tuần duyên Philippines Jay Tarriela rằng “Bất kể tàu lớn hay nhỏ, bất kể có bao nhiêu tàu, mục tiêu chính và cam kết của chỉ huy là đảm bảo tại bất kỳ thời điểm nào, sẽ luôn có sự hiện diện của lực lượng tuần duyên tại bãi cạn [Sa Bin]”. Sự khác biệt giữa tuyên bố và thực tế này cho thấy cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc bao vây đến mức buộc tàu của Philippines phải tự rút lui đã “thành công”, ít nhất là trong trường hợp tại bãi Sa Bin.

Ngay trong ngày tàu BRP Teresa Magbanua trở về, lực lượng tuần duyên Philippines tuyên bố đang gửi một tàu khác đến bãi Sa Bin để thay thế. Trên thực tế, bên cạnh BRP Teresa Magbanua, tuần duyên Philippines chỉ còn một con tàu khác đủ khả năng neo đậu lâu dài là BRP Melchora Aquino. Tuy nhiên, sau tuyên bố kể trên, cho đến nay vẫn chưa có thông tin nào cho thấy Manila đã thành công trong việc tái hiện diện tại bãi Sa Bin. Nếu điều này là đúng, một lần nữa có thể thấy rằng Trung Quốc đã tạo vòng vây đủ “hiệu quả” để khiến Manila không có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc phải rút khỏi khu vực tranh chấp.  

Như vậy, Philippines buộc phải đưa ra quyết định rút tàu BRP Teresa Magbanua khỏi bãi Sa Bin vì sự bao vây quyết liệt của Trung Quốc đã khiến thủy thủ đoàn không còn đủ sức chịu đựng. Mặc dù Manila tuyên bố sẽ tái bố trí một con tàu khác để duy trì sự hiện diện tại thực thể này, nhưng có lẽ tuyên bố chủ yếu nhằm “trấn an” người dân Philippines hơn là một quyết tâm thật sự mạnh mẽ.

Cờ đã đến tay, liệu Trung Quốc có chiếm bãi cạn?

Động thái rút tàu của Philippines làm dấy lên lo ngại rằng kịch bản bãi cạn Scarborough năm 2012 sẽ lặp lại, khi Manila rút tàu chiến Gregorio del Pilar sau một thời gian neo đậu và mở ra cơ hội cho Trung Quốc chiếm đóng, duy trì sự hiện diện trên thực thể này kể từ đó đến nay.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa kiểm soát được bãi Sa Bin mặc dù BRP Teresa Magbanua đã rời đi, theo xác nhận của Chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, phát ngôn viên Hải quân Philippines về vấn đề Biển Đông.

Trên thực địa, theo công bố của hải quân Philippines, số lượng tàu Trung Quốc hiện diện tại Biển Đông từ ngày 10 - 16/9 (thời điểm tàu BRP Teresa Magbanua rút lui) cũng đã giảm, chỉ còn 157 tàu so với con số 207 tàu của tuần trước đó. Trong số 157 tàu, khu vực gần bãi Sa Bin vẫn chiếm số lượng lớn nhất với 65 chiếc (52 tàu dân quân, 9 tàu hải cảnh và 4 tàu hải quân). Ngoài ra, Trung Quốc hiện diện 32 tàu gần đảo Thị Tứ (Thitu island), 18 tàu gần bãi cạn Scarborough, 17 tàu gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas shoal), 17 tàu gần đá Khúc Giác (Iroquois reef), 8 tàu gần đảo Vĩnh Viễn (Lawak island) và đá An Nhơn (Panata island). 

Theo lý giải từ ông Trinidad, sự sụt giảm mạnh về số lượng tàu Trung Quốc ở Biển Đông có thể là do điều kiện thời tiết bất lợi. Đối chiếu từ nhận định này, kết hợp với thực tế Trung Quốc chưa chiếm đóng bãi Sa Bin, có thể phán đoán rằng Bắc Kinh không phải không muốn thừa cơ hội, mà đang gặp khó khăn về thời tiết (nửa cuối năm là thời điểm các cơn bão hoạt động mạnh ở khu vực quần đảo Trường Sa) để có thể triển khai tham vọng của mình.

Tuy nhiên, sự “trống vắng” của bãi Sa Bin nhiều khả năng chỉ là tạm thời, và Bắc Kinh hoàn toàn có thể chiếm lấy thực thể này nếu muốn. Hơn nữa, bãi Sa Bin trải dài hơn 137 km2, do đó nếu Trung Quốc thật sự quyết tâm chiếm bãi cạn, Philippines khó đủ sức ngăn cản, đặc biệt là khi nội bộ Manila không thật sự đoàn kết vào thời điểm này.

Hiện nay, có ít nhất ba luồng quan điểm đang tồn tại tại Manila. Một số nhà chiến lược hàng đầu (nổi bật nhất là cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio) đã công khai ủng hộ kịch bản Mỹ hộ tống các nhiệm vụ tuần tra của Philippines tại những khu vực tranh chấp. Ở luồng quan điểm thứ hai, Tướng Romeo Brawner, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines, cho rằng vẫn còn quá sớm và thiếu khôn ngoan khi nhờ đến sự giúp đỡ quân sự trực tiếp của Mỹ. Theo ông Brawner, nhờ Mỹ can thiệp chỉ là hạ sách cuối cùng, thay vào đó, Philippines nên thông qua con đường ngoại giao để tăng cường mua/ nhận hệ thống vũ khí, tàu tuần tra từ Washington và đồng minh. Bộ trưởng Quốc phòng Gilbert Teodoro có cùng quan điểm với ông Brawner, nhưng kỳ vọng xây dựng “một hành động đa phương tập thể mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc” (a stronger collective multilateral action against China). Trong khi đó, Phó đô đốc Hải quân Alexander Lopez (kiêm phát ngôn viên của Hội đồng Hàng hải Quốc gia) cho rằng “đã đến lúc phải xem xét lại” Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines ký vào năm 1951, vì Hiệp ước đã không ngăn chặn được cái gọi là “chiến thuật vùng xám” (grey-zone tactics) của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

Vẫn chưa rõ Tổng thống Ferdinand Marcos Jr sẽ ưu tiên phương án nào trong các luồng quan điểm nêu trên, nhưng điều quan trọng nhất cần phải giải quyết hiện nay là vượt qua vòng vây của Trung Quốc và sớm đưa tàu tuần duyên trở lại bãi Sa Bin. Nếu Manila chậm trễ, rủi ro đánh mất sự hiện diện tại thực thể này vào tay Bắc Kinh là không hề thấp. Thậm chí, việc Philippines đòi lại quyền kiểm soát Sa Bin sẽ rất khó khăn, vì Bắc Kinh sẽ tuyên bố có toàn quyền thực thi pháp luật tại thực thể này và sẵn sàng gây bất lợi cho Manila. Đáng tiếc, các diễn biến trên thực địa cho thấy Manila đang bế tắc trước sức ép quá lớn của cường quốc tỷ dân.

Cùng với sự chia rẽ quan điểm giữa các quan chức, những động thái vừa qua của chính phủ Philippines đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ dư luận trong nước. Chẳng hạn, nhà phân tích quốc phòng Jose Antonio Custodio đã chỉ trích gay gắt việc chính phủ không hỗ trợ đầy đủ cho tàu Teresa Magbanua trong quá trình triển khai. Ông Custodio cho rằng không có lý do gì để bào chữa cho tình trạng mất nước và thiếu nguồn cung cấp cho thủy thủ đoàn, đồng thời đổ lỗi cho tư duy của cơ quan an ninh quốc gia Philippines về những khuyết điểm này. Trong khi đó, những người chỉ trích khác cho rằng động thái rút lui là một hành động đầu hàng trên thực tế của chính phủ Philippines trước Trung Quốc.

Theo đó, chính quyền Marcos sẽ phải giải quyết các bất đồng trong nước, xoa dịu sức ép từ dư luận, và tìm kiếm biện pháp hiệu quả hơn để hoá giải hành vi gây sức ép của Trung Quốc ở Biển Đông.   

Một lựa chọn mà Philippines nên cân nhắc là cố gắng hạn chế dính líu đến Mỹ càng nhiều càng tốt, vì việc này có thể “chọc giận” Bắc Kinh và khiến mọi chuyện tồi tệ hơn, tại bãi Sa Bin nói riêng và các thực thể tranh chấp ở Biển Đông nói chung. Trên thực tế, Washington chính là tác nhân làm trầm trọng thêm tình hình an ninh trong khu vực. Việc Mỹ được trao quyền sử dụng thêm bốn căn cứ mới ở Philippines theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (Enhanced Defense Cooperation Agreement) là một hành động khiêu khích không cần thiết đối với Trung Quốc, hệ quả là đã làm phức tạp thêm tình hình an ninh ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, các cuộc tập trận ngày càng thường xuyên ở Biển Đông giữa Mỹ với các đồng minh cũng gửi đi thông điệp về một vòng vây vũ trang đang tập hợp để chống lại Bắc Kinh. Đáng chú ý nhất, Bắc Kinh đã phản đối gay gắt sự hiện diện của hệ thống phóng tên lửa tầm trung Typhon của Mỹ (là thiết bị đầu tiên thuộc loại này mà Washington triển khai ở châu Á kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai) ở phía Bắc Philippines. Hệ thống Typhon đã được triển khai tạm thời vào tháng 4 như một phần của cuộc tập trận quân sự chung Balikatan hàng năm, song vẫn tiếp tục hiện diện ở Philippines. Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano cho biết không có mốc thời gian cụ thể nào cho việc rút hệ thống tên lửa tầm trung này khỏi đất nước.

Dù việc hạn chế dính líu đến Mỹ không đồng nghĩa Trung Quốc sẽ ngừng gây sức ép với Philippines trên Biển Đông, nhưng đó có thể là động thái thiện chí để Manila và Bắc Kinh tổ chức nhiều hơn các cuộc đối thoại song phương, với mục tiêu làm giảm căng thẳng trên thực địa. Hạn chế xung đột trực tiếp sẽ có lợi cho quốc gia yếu thế hơn là Philippines, vì nước này sẽ có thêm thời gian và không gian để củng cố lại lực lượng, cân nhắc kỹ lưỡng các bước đi tiếp theo, và tìm ra tiếng nói chung giữa các quan chức chính phủ trong việc ứng phó với mối đe dọa Trung Quốc. 

Từ khoá: Philippines bãi Sa Bin Biển Đông Trung Quốc

BÀI LIÊN QUAN