Văn hoá - Xã hội
21 PHÚT ĐỌC

Sau bão Yagi: Việt Nam cần một chiến lược ứng phó thiên tai bền vững

Thay vì ứng phó bị động, Việt Nam cần chủ động đề ra một chiến lược toàn diện và dài hạn để kịp thời ứng biến với thiên tai và thời tiết cực đoan.

Nguyễn Thục Anh 11/10/2024
Image
Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Làng Nủ. (C): V. Duẫn/Người lao động

Lần đầu tiên trong lịch sử, Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc Việt Nam, nhất là các tỉnh trung du miền núi, phải đón nhận một cơn bão kinh hoàng như siêu bão Yagi (bão số 3). Cơn bão mạnh nhất châu Á vừa càn quét Việt Nam không đơn thuần là một trận thiên tai “đến rồi đi”; hậu quả của nó nói lên tính cấp thiết của một chiến lược để ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu khiến các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan.

Bão số 3 và hoàn lưu sau cơn bão có phạm vi ảnh hưởng trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước). Cùng với việc gánh chịu việc xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, nhiều địa phương ở miền Bắc trong suốt tháng 9 đã trải qua mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Theo ước tính sơ bộ (chưa đầy đủ) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 28/9, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra lên đến hơn 81.000 tỷ đồng (tương đương gần 3,3 tỷ USD).

Tính đến ngày 27/9, cơn bão kéo theo mưa lớn gây lũ đã làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương và sang chấn tâm lý nặng nề, nhất là trẻ em, người cao tuổi và những đối tượng dễ bị tổn thương. Trong đó, gần 1/4 thiệt hại nhân mạng từ cơn bão này xảy ra ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Tính đến ngày 10/10, số người chết sau trận bão kết hợp lũ quét qua Làng Nủ đã lên đến 60 người trên tổng số 128 nhân khẩu tại nơi đây.

Ở châu Á, biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết khu vực này là nơi dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới. Theo Tổng thư ký WMO Celeste Saulo, “Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các sự kiện [thời tiết cực đoan gồm hạn hán, sóng nhiệt, lũ lụt và bão], tác động sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế, và quan trọng nhất là cuộc sống của con người và môi trường sống của chúng ta”. Trong số các vụ thiên tai ở châu Á được báo cáo của WMO ghi nhận vào năm 2023, bão và lũ lụt là hai hiện tượng xảy ra thường xuyên nhất, lần lượt chiếm 39% và 42%. Trong đó, lũ lụt gây ra thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng nhất (chiếm 62%), trong khi bão có tác động lên con người trên phạm vi rộng nhất (chiếm 68%) và gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng nhất (chiếm 95%).

Việt Nam không nằm ngoài phạm vi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng tại châu Á. Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự đoán đến giữa thế kỷ này (tức là chỉ trong vòng 20 năm nữa), nhiệt độ trung bình/năm trên cả nước sẽ tăng từ 1,7 đến 2,3 độ C, lượng mưa hàng năm sẽ tăng 10-15% và riêng một số khu vực ở Đông Bắc Bộ có thể chứng kiến mức tăng trên 40%. Cùng với đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn: số lượng bão mạnh đến rất mạnh gia tăng; gió mùa hè bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn; số ngày rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc sẽ giảm, số ngày nắng nóng tăng lên, và hạn hán sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, hạn hán khắc nghiệt hơn không đồng nghĩa với không còn lũ lụt. Dưới tác động của mực nước biển dâng, đến cuối thế kỷ này, 47,3% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 17,2% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh và 13,2% diện tích Đồng bằng sông Hồng, được báo cáo có nguy cơ ngập lụt vĩnh viễn.

Kịch bản trên báo hiệu tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, điển hình như cơn bão số 3 vừa qua, sẽ gia tăng đáng kể trong 2 đến 7 thập kỷ tới. Trước thực trạng này, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể và dài hạn về thích ứng và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, với các giải pháp đồng bộ và toàn diện, từ việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm đến việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và cơ sở hạ tầng. Mục tiêu lớn nhất là giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cũng như hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia trước các thảm họa thiên nhiên ngày càng khốc liệt.

Để xây dựng kế hoạch toàn diện và hiệu quả, Việt Nam cần kết hợp giữa việc đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trong nước với việc nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các khuyến nghị từ WMO, đồng thời tham khảo các mô hình quản lý rủi ro thiên tai tiên tiến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Philippines.

Bài viết này tổng hợp và phân tích một số giải pháp then chốt mà WMO đề xuất cho khu vực châu Á, cũng như những thực hành tốt (best practices) đã được triển khai hiệu quả tại các quốc gia/vùng lãnh thổ nêu trên. Những phân tích này có thể là tư liệu tham khảo hữu ích cho Việt Nam trong quá trình hoạch định chiến lược quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

1. Thiết lập và tăng cường tính hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm (early warning systems)

Trang bị hệ thống cảnh báo sớm về thời gian xảy ra thiên tai, mức độ rủi ro của nó và phương pháp ứng phó là tối quan trọng để chuẩn bị tốt hơn cho các cơn bão, lũ lụt, lũ quét,... sắp xảy ra, nhằm kịp thời bảo vệ tính mạng, sinh kế và tài sản của những người gặp rủi ro. Thiệt hại do thảm họa gây ra có thể giảm 30% nếu cảnh báo sớm được đưa ra trong vòng 24 giờ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về bão nhiệt đới Mocha (xảy ra vào tháng 5/2023) - cơn bão mạnh nhất ở Vịnh Bengal trong vòng một thập kỷ, sự thiếu chuẩn bị của Myanmar trước thời gian xảy ra bão, bao gồm việc thiết lập hệ thống trú ẩn và hệ thống cảnh báo sớm, đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia này. Hậu quả là đã có hơn 700.000 ngôi nhà bị phá huỷ, đẩy 1 triệu người vào tình trạng vô gia cư. Ước tính trong vòng 2 - 3 tuần sau bão Mocha, thiệt hại cho nền kinh tế Myanmar lên đến 10 tỷ USD.

Trước đó một năm, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tuyên bố “Liên Hợp Quốc sẽ dẫn đầu hành động [triển khai Hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ (MHEWS) lấy con người làm trung tâm] để đảm bảo trong vòng năm năm tiếp theo [2022-2027], mọi người dân trên Trái đất đều được các hệ thống cảnh báo sớm bảo vệ”. Tuyên bố được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra trong bối cảnh 1/3 dân số thế giới vẫn chưa được bao phủ bởi các hệ thống cảnh báo sớm”.

Việc phổ biến hệ thống này gồm bốn trụ cột (I: Kiến thức về rủi ro thiên tai; II: Phát hiện, quan sát, giám sát, phân tích và dự báo; III: Phổ biến cảnh báo và truyền thông; IV: Khả năng chuẩn bị và ứng phó) và đang được hai cơ quan chức năng của Liên Hợp Quốc là WMO và Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (UNSCAP) phối hợp thực hiện cho mọi công dân trong khu vực để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Không chỉ chờ đợi các cơ quan chức năng của Liên Hợp Quốc vào cuộc, các chính phủ, trong đó có Việt Nam, nên chủ động đầu tư vào công nghệ để theo dõi các kiểu thời tiết và truyền đạt rủi ro cho người dân. Tại Nhật Bản, Cơ quan Khí tượng nước này giữ vai trò quan trọng trong việc phổ biến thông tin kịp thời về các cơn bão sắp xảy đến, từ đó cho phép người dân chuẩn bị đầy đủ trước khi bão quét qua. Cách tiếp cận chủ động này là công cụ giúp giảm thương vong trong các cơn bão. Ở Đài Loan, từ năm 2001, Cục Thời tiết Trung ương (CWA) đã bắt đầu làm việc với Phòng thí nghiệm bão nghiêm trọng quốc gia của Mỹ và một số cơ quan chính phủ ở Đài Loan để phát triển hệ thống cảnh báo sớm QPESUMS, cung cấp thông tin thời tiết theo thời gian thực cho mục đích ứng phó khẩn cấp với thảm họa do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Những tiến bộ công nghệ tiếp tục được Đài Loan đầu tư để tăng cường tính hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm. Trong năm nay, vùng lãnh thổ này lần đầu tiên triển khai thành công mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán chính xác đường đi của bão Gaemi hồi tháng 7 - cơn bão mạnh nhất tấn công Đài Loan trong vòng 8 năm. Mô hình này tiếp tục được vận dụng để dự báo đường đi của bão Bebinca hồi tháng 9 và bão Krathon trong tháng 10 này.

Từ những kinh nghiệm của Nhật Bản và Đài Loan trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ cảnh báo sớm, Việt Nam nên chủ động học hỏi và tham khảo các mô hình tiên tiến này, đồng thời đầu tư nguồn lực để xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai hiện đại, nhằm nâng cao khả năng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra.

2. Thúc đẩy giáo dục và trao quyền cho cộng đồng

Khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó thiên tai là một cách tiếp cận quan trọng được WMO thúc đẩy. Tài liệu nghiên cứu “Quản lý lũ lụt dựa vào cộng đồng” (Community-based Flood Management) được phối hợp thực hiện giữa sáng kiến “Chương trình liên kết về quản lý lũ lụt” (Associated Programme on Flood Management - APFM), WMO, và mạng lưới Đối tác Nước Toàn cầu (Global Water Partnership) nhấn mạnh cách tiếp cận từ trên xuống (“top-down” approach), tức từ cấp trung ương đến địa phương, là không đầy đủ trong quản lý và kiểm soát các tình huống khẩn cấp như thiên tai.

Thay vào đó, các chính phủ cần thúc đẩy cách tiếp cận cơ sở - hay còn được gọi là từ dưới lên (grassroots/bottom-up approach), nơi cộng đồng tích cực tham gia vào việc quản lý rủi ro lũ lụt và duy trì các nỗ lực lâu dài, bao gồm đào tạo các nhà lãnh đạo địa phương về ứng phó với thiên tai và tổ chức các cuộc diễn tập cộng đồng. Cách tiếp cận này tập trung vào việc tối đa hóa sự tham gia của tất cả các tác nhân và nhóm xã hội, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, để quản lý lũ lụt hiệu quả, công bằng và giúp cộng đồng hay quốc gia có khả năng chống chịu tốt hơn.

Do thường xuyên hứng chịu các trận động đất, bão, lở đất và lũ bùn đá, Đài Loan từ sớm đã chú ý đến vai trò của cộng đồng trong quản lý và khắc phục hậu quả của thiên tai. Vào năm 2001, Chương trình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng tích hợp (ICBDM) ra đời nhằm tăng cường sức đề kháng của cộng đồng theo hướng tự lực hành động trong việc giảm thiểu rủi ro, chuẩn bị khẩn cấp và ứng phó khẩn cấp trong bối cảnh thiên tai. Thông qua một quá trình trong đó cư dân địa phương trực tiếp tham gia vào các công đoạn của các nhiệm vụ quản lý thiên tai, họ đã học được cách phân tích các điều kiện dễ bị tổn thương, phát hiện vấn đề, phát triển các giải pháp và thành lập một tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Philippines cũng đã tích cực kêu gọi sự tham gia của các cộng đồng địa phương liên quan đến các sáng kiến phòng chống thiên tai. Từ năm 1979, Manila đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để tăng cường quản lý giảm thiểu rủi ro thiên tai (DRRM), thông qua các chương trình đào tạo giáo dục cán bộ địa phương về các chiến lược ứng phó thiên tai hiệu quả và các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng dựa vào cộng đồng. Qua sự hợp tác này, các chuyên gia Philippines cũng đã học hỏi từ "văn hóa thảm họa" (disaster culture) của Nhật Bản, trong đó mỗi cá nhân và cộng đồng đều phải được thông báo và chuẩn bị cho thảm họa.

Tại Việt Nam, trong những tình huống khẩn cấp như thiên tai hay dịch bệnh, vai trò của người lãnh đạo cộng đồng là vô cùng quan trọng. Họ đóng vai trò then chốt trong việc huy động và tổ chức cộng đồng ứng phó hiệu quả với những thách thức trước mắt. Sự can thiệp kịp thời này giúp duy trì khả năng chống chịu của cộng đồng trong giai đoạn đầu, trước khi chính quyền các cấp nhận được chỉ đạo chính thức và triển khai các biện pháp hỗ trợ toàn diện.

Đều là những địa phương bị bão số 3 quét qua ở Lào Cai, nhưng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà đã may mắn thoát khỏi “tử thần” nhờ năng lực quan sát và lãnh đạo cộng đồng của trưởng thôn. Khi nhìn thấy vết nứt trên đồi ở đầu thôn, vì không có sóng điện thoại để gọi cho Uỷ ban Nhân dân xã, anh Ma Seo Chứ - trưởng thôn Kho Vàng đã chủ động cho di tản ngay lập tức toàn bộ 17 hộ dân (115 người) lên một quả núi cách thôn 1km.

Việt Nam cần khuyến khích và nhân rộng các mô hình cộng đồng tự lực, đặc biệt là những mô hình được điều phối bởi những người trưởng thôn có năng lực và nhạy bén, như trường hợp ở thôn Kho Vàng. Tuy nhiên, việc khuyến khích và nhân rộng này không nên chỉ dừng lại ở các bài báo tuyên dương hay trao thưởng nhất thời. Thay vào đó, trong dài hạn, Việt Nam cần triển khai hệ thống các chương trình tuyên truyền, đào tạo cho người dân ở những vùng có rủi ro cao về kỹ năng ứng phó với thiên tai, giúp họ chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và gia đình. Những nỗ lực này nên được thực hiện dựa trên cách tiếp cận phát triển cộng đồng, nhằm đảm bảo tính bền vững, đồng thời trang bị cho cộng đồng những kiến thức và kỹ năng cần thiết để gia tăng sức chống chịu và năng lực chủ động ứng phó trước thiên tai.

3. Lập kế hoạch sơ tán khẩn cấp

Trước khi thiên tai xảy ra, các chính phủ cần căn cứ vào thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm để xây dựng kế hoạch sơ tán rõ ràng, phác thảo các thủ tục cần thiết cho các tình huống khác nhau. Trong đó, các kế hoạch nên phản ánh nhu cầu của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và kết hợp kiến thức địa phương để nâng cao hiệu quả trong quá trình sơ tán.

Không lâu sau trận bão số 3 ở Việt Nam, bang Florida (Mỹ) tối ngày 26/9 (sáng 27/9 giờ Việt Nam) cũng đã trải qua một cơn bão kinh hoàng với sức gió lên đến 225 km/giờ (vượt trên cấp 17 của bão số 3). Áp thấp nhiệt đới Helene là một trong những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp nhất mà khu vực này đối mặt trong nhiều thập kỷ. Hai ngày trước khi cơn bão quét qua, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã ban hành Lệnh hành pháp 24-209 vào ngày 24/9 và ban bố tình trạng khẩn cấp cho 61 quận làm cơ sở để các quan chức tiểu bang cung cấp các nguồn lực quan trọng cho cộng đồng trước bất kỳ tác động tiềm ẩn nào của bão. 90 nơi trú ẩn được mở cho hơn 4.700 cư dân từ các khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão Helene. Lệnh sơ tán tự nguyện và bắt buộc được ban bố ở nhiều quận trên toàn tiểu bang và được công khai trên internet để người dân tiện theo dõi.

Thảm kịch tại Làng Nủ, với gần một nửa nhân khẩu của địa phương thiệt mạng, là hệ quả đau lòng của việc không kịp thời triển khai đầy đủ công tác phòng ngừa trước thiên tai, nhất là kế hoạch sơ tán người dân. Mặc dù tình trạng giao thông bị đứt gãy là một trở ngại lớn trong việc tiếp cận và di dời người dân ở địa phương này, nhưng bi kịch vẫn có thể được ngăn chặn nếu chính quyền Làng Nủ chú ý ứng phó với bão từ sớm. Việc xác định trước các khu vực có nguy cơ cao và lập kế hoạch sơ tán cụ thể cho từng nơi, bao gồm cả những địa điểm khó tiếp cận như Làng Nủ, là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân trong các tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, trong tình huống này, cách tiếp cận dựa vào cộng đồng (như đã nêu trên), một lần nữa cho thấy tính khả thi cao hơn so với cách tiếp cận từ trên xuống trong ứng phó thiên tai như cách làm vừa qua của Việt Nam.

4. Tăng cường khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng

Trong tài liệu “Hướng dẫn Toàn cầu về Dự báo Bão nhiệt đới” (Global Guide to Tropical Cyclone Forecasting) (tr. 336), WMO kiến nghị các chính phủ chú trọng vào việc xây dựng các bức tường biển, đê và các cấu trúc vật lý khác để giảm thiểu tác động của bão. Bên cạnh đó, các chính phủ cũng cần ban hành tiêu chuẩn xây dựng nhà cửa để tăng cường sức chống chịu trước gió mạnh và lũ lụt cục bộ, đồng thời phải đảm bảo năng lực quản trị và thực thi các tiêu chuẩn này.

Nhật Bản từ lâu đã được biết đến với việc sở hữu các cơ sở hạ tầng mạnh mẽ được thiết kế để chống lại thiên tai. Năm 2017, sau khi hứng chịu 19 cơn bão trong vòng 9 tháng đầu năm, chính phủ nước này đã tổ chức các cuộc họp liên bộ và cử các nhóm điều tra (do Bộ trưởng Bộ Quản lý Thảm họa Jun Matsumoto làm chủ tịch) đến các tỉnh Oita và Fukuoka để thảo luận với chính quyền tại các địa phương có liên quan và kiểm tra những nơi trú ẩn sơ tán và các khu vực bị ảnh hưởng. Sang năm 2018, sau tác động tàn phá của cơn bão số 21, Nhật Bản đã tập trung vào việc tăng cường các chiến lược giảm nhẹ thiên tai bằng cách cải thiện các hàng rào chống sét lan truyền do bão và hệ thống quản lý lũ lụt để giảm thiểu thiệt hại trong tương lai. Đài Loan cũng đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng. Sau khi cơn bão Morakot gây ra lũ lụt và lở đất nghiêm trọng vào năm 2009, chính phủ Đài Loan đã gia cố bờ sông và cải thiện hệ thống thoát nước để quản lý tốt hơn lượng mưa lớn trong bão.

Ở những khu vực dễ chịu ảnh hưởng của thiên tai, Việt Nam cần có chính sách quy hoạch nhà ở, phổ biến thông tin cho người dân để họ không xây nhà trên những nền đất kém vững chắc. Sau chuyến đi thực địa tại thôn Làng Nủ, PGS.TS Nguyễn Châu Lân - Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, thôn Làng Nủ nằm ở vị trí đứt gãy địa chất - nơi nguy hiểm khi có tai biến địa chất xảy ra. Do đó, theo ông Lân, chính quyền cần khuyến cáo người dân không làm nhà ở các vị trí này.

Bên cạnh đó, việc tăng cường khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng còn đòi hỏi sự cải thiện mạng lưới giao thông kết nối giữa mọi địa phương trên cả nước, kể cả những vùng xa xôi nhất. Trường hợp thảm kịch tại Làng Nủ là một ví dụ điển hình cho thấy sự cách trở về giao thông có thể cản trở nghiêm trọng nỗ lực sơ tán khi có thiên tai. Do đó, kế hoạch xây dựng khu tái định cư cho Làng Nủ tại địa hình “an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông” là lựa chọn đúng đắn của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lào Cai để đảm bảo khả năng sơ tán và cứu hộ cứu nạn tốt hơn cho địa phương này trong tương lai khi có thiên tai xảy ra.

Tuy nhiên, cần nhận thức rằng Làng Nủ không phải là trường hợp duy nhất ở Việt Nam - một đất nước có tới 3/4 diện tích là đồi núi, nơi nhiều địa phương vẫn đang phải đối mặt với những thách thức tương tự về giao thông. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khi thiên tai có xu hướng xảy ra ngày càng thường xuyên, việc cải thiện kết nối cho những vùng "xám" trên bản đồ này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Mặc dù việc nâng cấp mạng lưới giao thông kết nối các vùng sâu, vùng xa đòi hỏi nỗ lực lâu dài và nguồn lực lớn, song đây là một ưu tiên quan trọng. Bằng cách tập trung vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng và giao thông, Việt Nam sẽ thể hiện được năng lực quản trị bao trùm (inclusive governance), hướng tới xây dựng một xã hội công bằng để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Những đề xuất trên đều có tính khả thi trong dài hạn, gắn liền với thực tiễn của Việt Nam. Song, để biến chúng thành hiện thực, cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là cộng đồng, cần chung tay thực hiện. Không thể phủ nhận việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, đến các nơi dân cư thưa thớt và xa các khu đô thị, cần quyết tâm lớn, nguồn lực đủ mạnh, và kế hoạch chỉn chu. Tuy vậy, đây là những công việc cần thiết, thậm chí là bắt buộc, để giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân và đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu.

Điều này càng có ý nghĩa chính trị và chiến lược khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hôm 2/10: “Cần nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để làm tốt hơn việc ứng phó biến đổi khí hậu”.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc Việt Nam, nhất là các tỉnh trung du miền núi, phải đón nhận một cơn bão kinh hoàng như siêu bão Yagi (bão số 3). Cơn bão mạnh nhất châu Á vừa càn quét Việt Nam không đơn thuần là một trận thiên tai “đến rồi đi”; hậu quả của nó nói lên tính cấp thiết của một chiến lược để ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu khiến các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan.

Bão số 3 và hoàn lưu sau cơn bão có phạm vi ảnh hưởng trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước). Cùng với việc gánh chịu việc xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, nhiều địa phương ở miền Bắc trong suốt tháng 9 đã trải qua mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Theo ước tính sơ bộ (chưa đầy đủ) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 28/9, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra lên đến hơn 81.000 tỷ đồng (tương đương gần 3,3 tỷ USD).

Tính đến ngày 27/9, cơn bão kéo theo mưa lớn gây lũ đã làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương và sang chấn tâm lý nặng nề, nhất là trẻ em, người cao tuổi và những đối tượng dễ bị tổn thương. Trong đó, gần 1/4 thiệt hại nhân mạng từ cơn bão này xảy ra ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Tính đến ngày 10/10, số người chết sau trận bão kết hợp lũ quét qua Làng Nủ đã lên đến 60 người trên tổng số 128 nhân khẩu tại nơi đây.

Ở châu Á, biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết khu vực này là nơi dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới. Theo Tổng thư ký WMO Celeste Saulo, “Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các sự kiện [thời tiết cực đoan gồm hạn hán, sóng nhiệt, lũ lụt và bão], tác động sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế, và quan trọng nhất là cuộc sống của con người và môi trường sống của chúng ta”. Trong số các vụ thiên tai ở châu Á được báo cáo của WMO ghi nhận vào năm 2023, bão và lũ lụt là hai hiện tượng xảy ra thường xuyên nhất, lần lượt chiếm 39% và 42%. Trong đó, lũ lụt gây ra thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng nhất (chiếm 62%), trong khi bão có tác động lên con người trên phạm vi rộng nhất (chiếm 68%) và gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng nhất (chiếm 95%).

Việt Nam không nằm ngoài phạm vi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng tại châu Á. Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự đoán đến giữa thế kỷ này (tức là chỉ trong vòng 20 năm nữa), nhiệt độ trung bình/năm trên cả nước sẽ tăng từ 1,7 đến 2,3 độ C, lượng mưa hàng năm sẽ tăng 10-15% và riêng một số khu vực ở Đông Bắc Bộ có thể chứng kiến mức tăng trên 40%. Cùng với đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn: số lượng bão mạnh đến rất mạnh gia tăng; gió mùa hè bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn; số ngày rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc sẽ giảm, số ngày nắng nóng tăng lên, và hạn hán sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, hạn hán khắc nghiệt hơn không đồng nghĩa với không còn lũ lụt. Dưới tác động của mực nước biển dâng, đến cuối thế kỷ này, 47,3% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 17,2% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh và 13,2% diện tích Đồng bằng sông Hồng, được báo cáo có nguy cơ ngập lụt vĩnh viễn.

Kịch bản trên báo hiệu tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, điển hình như cơn bão số 3 vừa qua, sẽ gia tăng đáng kể trong 2 đến 7 thập kỷ tới. Trước thực trạng này, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể và dài hạn về thích ứng và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, với các giải pháp đồng bộ và toàn diện, từ việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm đến việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và cơ sở hạ tầng. Mục tiêu lớn nhất là giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cũng như hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia trước các thảm họa thiên nhiên ngày càng khốc liệt.

Để xây dựng kế hoạch toàn diện và hiệu quả, Việt Nam cần kết hợp giữa việc đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trong nước với việc nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các khuyến nghị từ WMO, đồng thời tham khảo các mô hình quản lý rủi ro thiên tai tiên tiến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Philippines.

Bài viết này tổng hợp và phân tích một số giải pháp then chốt mà WMO đề xuất cho khu vực châu Á, cũng như những thực hành tốt (best practices) đã được triển khai hiệu quả tại các quốc gia/vùng lãnh thổ nêu trên. Những phân tích này có thể là tư liệu tham khảo hữu ích cho Việt Nam trong quá trình hoạch định chiến lược quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

1. Thiết lập và tăng cường tính hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm (early warning systems)

Trang bị hệ thống cảnh báo sớm về thời gian xảy ra thiên tai, mức độ rủi ro của nó và phương pháp ứng phó là tối quan trọng để chuẩn bị tốt hơn cho các cơn bão, lũ lụt, lũ quét,... sắp xảy ra, nhằm kịp thời bảo vệ tính mạng, sinh kế và tài sản của những người gặp rủi ro. Thiệt hại do thảm họa gây ra có thể giảm 30% nếu cảnh báo sớm được đưa ra trong vòng 24 giờ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về bão nhiệt đới Mocha (xảy ra vào tháng 5/2023) - cơn bão mạnh nhất ở Vịnh Bengal trong vòng một thập kỷ, sự thiếu chuẩn bị của Myanmar trước thời gian xảy ra bão, bao gồm việc thiết lập hệ thống trú ẩn và hệ thống cảnh báo sớm, đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia này. Hậu quả là đã có hơn 700.000 ngôi nhà bị phá huỷ, đẩy 1 triệu người vào tình trạng vô gia cư. Ước tính trong vòng 2 - 3 tuần sau bão Mocha, thiệt hại cho nền kinh tế Myanmar lên đến 10 tỷ USD.

Trước đó một năm, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tuyên bố “Liên Hợp Quốc sẽ dẫn đầu hành động [triển khai Hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ (MHEWS) lấy con người làm trung tâm] để đảm bảo trong vòng năm năm tiếp theo [2022-2027], mọi người dân trên Trái đất đều được các hệ thống cảnh báo sớm bảo vệ”. Tuyên bố được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra trong bối cảnh 1/3 dân số thế giới vẫn chưa được bao phủ bởi các hệ thống cảnh báo sớm”.

Việc phổ biến hệ thống này gồm bốn trụ cột (I: Kiến thức về rủi ro thiên tai; II: Phát hiện, quan sát, giám sát, phân tích và dự báo; III: Phổ biến cảnh báo và truyền thông; IV: Khả năng chuẩn bị và ứng phó) và đang được hai cơ quan chức năng của Liên Hợp Quốc là WMO và Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (UNSCAP) phối hợp thực hiện cho mọi công dân trong khu vực để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Không chỉ chờ đợi các cơ quan chức năng của Liên Hợp Quốc vào cuộc, các chính phủ, trong đó có Việt Nam, nên chủ động đầu tư vào công nghệ để theo dõi các kiểu thời tiết và truyền đạt rủi ro cho người dân. Tại Nhật Bản, Cơ quan Khí tượng nước này giữ vai trò quan trọng trong việc phổ biến thông tin kịp thời về các cơn bão sắp xảy đến, từ đó cho phép người dân chuẩn bị đầy đủ trước khi bão quét qua. Cách tiếp cận chủ động này là công cụ giúp giảm thương vong trong các cơn bão. Ở Đài Loan, từ năm 2001, Cục Thời tiết Trung ương (CWA) đã bắt đầu làm việc với Phòng thí nghiệm bão nghiêm trọng quốc gia của Mỹ và một số cơ quan chính phủ ở Đài Loan để phát triển hệ thống cảnh báo sớm QPESUMS, cung cấp thông tin thời tiết theo thời gian thực cho mục đích ứng phó khẩn cấp với thảm họa do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Những tiến bộ công nghệ tiếp tục được Đài Loan đầu tư để tăng cường tính hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm. Trong năm nay, vùng lãnh thổ này lần đầu tiên triển khai thành công mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán chính xác đường đi của bão Gaemi hồi tháng 7 - cơn bão mạnh nhất tấn công Đài Loan trong vòng 8 năm. Mô hình này tiếp tục được vận dụng để dự báo đường đi của bão Bebinca hồi tháng 9 và bão Krathon trong tháng 10 này.

Từ những kinh nghiệm của Nhật Bản và Đài Loan trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ cảnh báo sớm, Việt Nam nên chủ động học hỏi và tham khảo các mô hình tiên tiến này, đồng thời đầu tư nguồn lực để xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai hiện đại, nhằm nâng cao khả năng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra.

2. Thúc đẩy giáo dục và trao quyền cho cộng đồng

Khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó thiên tai là một cách tiếp cận quan trọng được WMO thúc đẩy. Tài liệu nghiên cứu “Quản lý lũ lụt dựa vào cộng đồng” (Community-based Flood Management) được phối hợp thực hiện giữa sáng kiến “Chương trình liên kết về quản lý lũ lụt” (Associated Programme on Flood Management - APFM), WMO, và mạng lưới Đối tác Nước Toàn cầu (Global Water Partnership) nhấn mạnh cách tiếp cận từ trên xuống (“top-down” approach), tức từ cấp trung ương đến địa phương, là không đầy đủ trong quản lý và kiểm soát các tình huống khẩn cấp như thiên tai.

Thay vào đó, các chính phủ cần thúc đẩy cách tiếp cận cơ sở - hay còn được gọi là từ dưới lên (grassroots/bottom-up approach), nơi cộng đồng tích cực tham gia vào việc quản lý rủi ro lũ lụt và duy trì các nỗ lực lâu dài, bao gồm đào tạo các nhà lãnh đạo địa phương về ứng phó với thiên tai và tổ chức các cuộc diễn tập cộng đồng. Cách tiếp cận này tập trung vào việc tối đa hóa sự tham gia của tất cả các tác nhân và nhóm xã hội, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, để quản lý lũ lụt hiệu quả, công bằng và giúp cộng đồng hay quốc gia có khả năng chống chịu tốt hơn.

Do thường xuyên hứng chịu các trận động đất, bão, lở đất và lũ bùn đá, Đài Loan từ sớm đã chú ý đến vai trò của cộng đồng trong quản lý và khắc phục hậu quả của thiên tai. Vào năm 2001, Chương trình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng tích hợp (ICBDM) ra đời nhằm tăng cường sức đề kháng của cộng đồng theo hướng tự lực hành động trong việc giảm thiểu rủi ro, chuẩn bị khẩn cấp và ứng phó khẩn cấp trong bối cảnh thiên tai. Thông qua một quá trình trong đó cư dân địa phương trực tiếp tham gia vào các công đoạn của các nhiệm vụ quản lý thiên tai, họ đã học được cách phân tích các điều kiện dễ bị tổn thương, phát hiện vấn đề, phát triển các giải pháp và thành lập một tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Philippines cũng đã tích cực kêu gọi sự tham gia của các cộng đồng địa phương liên quan đến các sáng kiến phòng chống thiên tai. Từ năm 1979, Manila đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để tăng cường quản lý giảm thiểu rủi ro thiên tai (DRRM), thông qua các chương trình đào tạo giáo dục cán bộ địa phương về các chiến lược ứng phó thiên tai hiệu quả và các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng dựa vào cộng đồng. Qua sự hợp tác này, các chuyên gia Philippines cũng đã học hỏi từ "văn hóa thảm họa" (disaster culture) của Nhật Bản, trong đó mỗi cá nhân và cộng đồng đều phải được thông báo và chuẩn bị cho thảm họa.

Tại Việt Nam, trong những tình huống khẩn cấp như thiên tai hay dịch bệnh, vai trò của người lãnh đạo cộng đồng là vô cùng quan trọng. Họ đóng vai trò then chốt trong việc huy động và tổ chức cộng đồng ứng phó hiệu quả với những thách thức trước mắt. Sự can thiệp kịp thời này giúp duy trì khả năng chống chịu của cộng đồng trong giai đoạn đầu, trước khi chính quyền các cấp nhận được chỉ đạo chính thức và triển khai các biện pháp hỗ trợ toàn diện.

Đều là những địa phương bị bão số 3 quét qua ở Lào Cai, nhưng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà đã may mắn thoát khỏi “tử thần” nhờ năng lực quan sát và lãnh đạo cộng đồng của trưởng thôn. Khi nhìn thấy vết nứt trên đồi ở đầu thôn, vì không có sóng điện thoại để gọi cho Uỷ ban Nhân dân xã, anh Ma Seo Chứ - trưởng thôn Kho Vàng đã chủ động cho di tản ngay lập tức toàn bộ 17 hộ dân (115 người) lên một quả núi cách thôn 1km.

Việt Nam cần khuyến khích và nhân rộng các mô hình cộng đồng tự lực, đặc biệt là những mô hình được điều phối bởi những người trưởng thôn có năng lực và nhạy bén, như trường hợp ở thôn Kho Vàng. Tuy nhiên, việc khuyến khích và nhân rộng này không nên chỉ dừng lại ở các bài báo tuyên dương hay trao thưởng nhất thời. Thay vào đó, trong dài hạn, Việt Nam cần triển khai hệ thống các chương trình tuyên truyền, đào tạo cho người dân ở những vùng có rủi ro cao về kỹ năng ứng phó với thiên tai, giúp họ chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và gia đình. Những nỗ lực này nên được thực hiện dựa trên cách tiếp cận phát triển cộng đồng, nhằm đảm bảo tính bền vững, đồng thời trang bị cho cộng đồng những kiến thức và kỹ năng cần thiết để gia tăng sức chống chịu và năng lực chủ động ứng phó trước thiên tai.

3. Lập kế hoạch sơ tán khẩn cấp

Trước khi thiên tai xảy ra, các chính phủ cần căn cứ vào thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm để xây dựng kế hoạch sơ tán rõ ràng, phác thảo các thủ tục cần thiết cho các tình huống khác nhau. Trong đó, các kế hoạch nên phản ánh nhu cầu của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và kết hợp kiến thức địa phương để nâng cao hiệu quả trong quá trình sơ tán.

Không lâu sau trận bão số 3 ở Việt Nam, bang Florida (Mỹ) tối ngày 26/9 (sáng 27/9 giờ Việt Nam) cũng đã trải qua một cơn bão kinh hoàng với sức gió lên đến 225 km/giờ (vượt trên cấp 17 của bão số 3). Áp thấp nhiệt đới Helene là một trong những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp nhất mà khu vực này đối mặt trong nhiều thập kỷ. Hai ngày trước khi cơn bão quét qua, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã ban hành Lệnh hành pháp 24-209 vào ngày 24/9 và ban bố tình trạng khẩn cấp cho 61 quận làm cơ sở để các quan chức tiểu bang cung cấp các nguồn lực quan trọng cho cộng đồng trước bất kỳ tác động tiềm ẩn nào của bão. 90 nơi trú ẩn được mở cho hơn 4.700 cư dân từ các khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão Helene. Lệnh sơ tán tự nguyện và bắt buộc được ban bố ở nhiều quận trên toàn tiểu bang và được công khai trên internet để người dân tiện theo dõi.

Thảm kịch tại Làng Nủ, với gần một nửa nhân khẩu của địa phương thiệt mạng, là hệ quả đau lòng của việc không kịp thời triển khai đầy đủ công tác phòng ngừa trước thiên tai, nhất là kế hoạch sơ tán người dân. Mặc dù tình trạng giao thông bị đứt gãy là một trở ngại lớn trong việc tiếp cận và di dời người dân ở địa phương này, nhưng bi kịch vẫn có thể được ngăn chặn nếu chính quyền Làng Nủ chú ý ứng phó với bão từ sớm. Việc xác định trước các khu vực có nguy cơ cao và lập kế hoạch sơ tán cụ thể cho từng nơi, bao gồm cả những địa điểm khó tiếp cận như Làng Nủ, là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân trong các tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, trong tình huống này, cách tiếp cận dựa vào cộng đồng (như đã nêu trên), một lần nữa cho thấy tính khả thi cao hơn so với cách tiếp cận từ trên xuống trong ứng phó thiên tai như cách làm vừa qua của Việt Nam.

4. Tăng cường khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng

Trong tài liệu “Hướng dẫn Toàn cầu về Dự báo Bão nhiệt đới” (Global Guide to Tropical Cyclone Forecasting) (tr. 336), WMO kiến nghị các chính phủ chú trọng vào việc xây dựng các bức tường biển, đê và các cấu trúc vật lý khác để giảm thiểu tác động của bão. Bên cạnh đó, các chính phủ cũng cần ban hành tiêu chuẩn xây dựng nhà cửa để tăng cường sức chống chịu trước gió mạnh và lũ lụt cục bộ, đồng thời phải đảm bảo năng lực quản trị và thực thi các tiêu chuẩn này.

Nhật Bản từ lâu đã được biết đến với việc sở hữu các cơ sở hạ tầng mạnh mẽ được thiết kế để chống lại thiên tai. Năm 2017, sau khi hứng chịu 19 cơn bão trong vòng 9 tháng đầu năm, chính phủ nước này đã tổ chức các cuộc họp liên bộ và cử các nhóm điều tra (do Bộ trưởng Bộ Quản lý Thảm họa Jun Matsumoto làm chủ tịch) đến các tỉnh Oita và Fukuoka để thảo luận với chính quyền tại các địa phương có liên quan và kiểm tra những nơi trú ẩn sơ tán và các khu vực bị ảnh hưởng. Sang năm 2018, sau tác động tàn phá của cơn bão số 21, Nhật Bản đã tập trung vào việc tăng cường các chiến lược giảm nhẹ thiên tai bằng cách cải thiện các hàng rào chống sét lan truyền do bão và hệ thống quản lý lũ lụt để giảm thiểu thiệt hại trong tương lai. Đài Loan cũng đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng. Sau khi cơn bão Morakot gây ra lũ lụt và lở đất nghiêm trọng vào năm 2009, chính phủ Đài Loan đã gia cố bờ sông và cải thiện hệ thống thoát nước để quản lý tốt hơn lượng mưa lớn trong bão.

Ở những khu vực dễ chịu ảnh hưởng của thiên tai, Việt Nam cần có chính sách quy hoạch nhà ở, phổ biến thông tin cho người dân để họ không xây nhà trên những nền đất kém vững chắc. Sau chuyến đi thực địa tại thôn Làng Nủ, PGS.TS Nguyễn Châu Lân - Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, thôn Làng Nủ nằm ở vị trí đứt gãy địa chất - nơi nguy hiểm khi có tai biến địa chất xảy ra. Do đó, theo ông Lân, chính quyền cần khuyến cáo người dân không làm nhà ở các vị trí này.

Bên cạnh đó, việc tăng cường khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng còn đòi hỏi sự cải thiện mạng lưới giao thông kết nối giữa mọi địa phương trên cả nước, kể cả những vùng xa xôi nhất. Trường hợp thảm kịch tại Làng Nủ là một ví dụ điển hình cho thấy sự cách trở về giao thông có thể cản trở nghiêm trọng nỗ lực sơ tán khi có thiên tai. Do đó, kế hoạch xây dựng khu tái định cư cho Làng Nủ tại địa hình “an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông” là lựa chọn đúng đắn của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lào Cai để đảm bảo khả năng sơ tán và cứu hộ cứu nạn tốt hơn cho địa phương này trong tương lai khi có thiên tai xảy ra.

Tuy nhiên, cần nhận thức rằng Làng Nủ không phải là trường hợp duy nhất ở Việt Nam - một đất nước có tới 3/4 diện tích là đồi núi, nơi nhiều địa phương vẫn đang phải đối mặt với những thách thức tương tự về giao thông. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khi thiên tai có xu hướng xảy ra ngày càng thường xuyên, việc cải thiện kết nối cho những vùng "xám" trên bản đồ này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Mặc dù việc nâng cấp mạng lưới giao thông kết nối các vùng sâu, vùng xa đòi hỏi nỗ lực lâu dài và nguồn lực lớn, song đây là một ưu tiên quan trọng. Bằng cách tập trung vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng và giao thông, Việt Nam sẽ thể hiện được năng lực quản trị bao trùm (inclusive governance), hướng tới xây dựng một xã hội công bằng để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Những đề xuất trên đều có tính khả thi trong dài hạn, gắn liền với thực tiễn của Việt Nam. Song, để biến chúng thành hiện thực, cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là cộng đồng, cần chung tay thực hiện. Không thể phủ nhận việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, đến các nơi dân cư thưa thớt và xa các khu đô thị, cần quyết tâm lớn, nguồn lực đủ mạnh, và kế hoạch chỉn chu. Tuy vậy, đây là những công việc cần thiết, thậm chí là bắt buộc, để giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân và đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu.

Điều này càng có ý nghĩa chính trị và chiến lược khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hôm 2/10: “Cần nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để làm tốt hơn việc ứng phó biến đổi khí hậu”.

Từ khoá: bão Yagi bão số 3 biến đổi khí hậu ứng phó thiên tai kiến nghị chính sách

BÀI LIÊN QUAN