Văn hoá - Xã hội
15 PHÚT ĐỌC

Vì sao Việt Nam cởi mở về vấn đề LGBT còn Trung Quốc thì không?

Trong khi Việt Nam ngày càng cởi mở và đạt nhiều tiến bộ về vấn đề LGBT thì Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch trấn áp mạnh tay phong trào LGBT ở nước này.

Phan Phúc Vĩnh Khang 06/11/2023
Image
Cộng đồng LGBT ở Trung Quốc ngày càng chịu nhiều áp lực kể từ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 - (C): Leila Register/NBC News/Getty Images

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa điển hình ở châu Á với những tương đồng về hệ thống chính trị và hệ tư tưởng, chẳng hạn đều do Đảng Cộng sản cầm quyền, theo đường lối chủ nghĩa Mác-Lênin, và kiên trì với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, không phải lúc nào hai quốc gia láng giềng này cũng “đi một con đường, cùng chung một chí hướng”, như tuyên bố của các đại biểu Việt Nam và Trung Quốc tại Tọa đàm “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới và ý nghĩa đối với thế giới đương đại” hồi tháng 11/2022, đặc biệt là trong các vấn đề nội bộ. 

Một khác biệt khá nổi bật là cách tiếp cận của Hà Nội và Bắc Kinh trong vấn đề người đồng tính, song tính, và hoán tính (gọi tắt là LGBT), mặc dù cả hai nước vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng giới (same-sex marriage). Trong khi Hà Nội được ca ngợi khi đạt được những tiến bộ trong vấn đề LGBT và có triển vọng tiến gần tới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thì cộng đồng LGBT tại Bắc Kinh lại hứng chịu một loạt chiến dịch đàn áp mạnh tay và liên tục từ chính quyền. 

Hơn hai thập kỷ qua, LGBT đã không còn là vấn đề “nhạy cảm” hay “cấm kỵ” trong xã hội Việt Nam. Trên thực tế, đề tài này được đưa ra bàn luận sôi nổi, cả trên lĩnh vực pháp lý và trong đời sống xã hội. Điều này nhờ vào sự hiện diện mạnh mẽ của cộng đồng LGBT và người ủng hộ, sự cởi mở của xã hội và sự tiến bộ của chính quyền. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng có những điều chỉnh về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng LGBT phát triển cũng như đảm bảo quyền bình đẳng cho người LGBT. Từ năm 2015, Việt Nam không còn quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới, mở đường cho các cặp đôi cùng giới công khai tổ chức đám cưới và sống chung như các cặp đôi dị tính mà không lo sợ các chế tài. Vào năm 2022, Bộ Y tế Việt Nam cũng khẳng định đồng tính “không phải là bệnh”, do đó “không thể ‘chữa’, không cần ‘chữa’ và cũng không thể làm cách nào thay đổi được”. Việt Nam cũng quan tâm tới nhóm người chuyển giới khi là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận quyền chuyển đổi giới tính và đang có những điều chỉnh phù hợp với vấn đề này. Dự kiến dự án Luật sửa đổi giới tính sẽ được đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội Việt Nam vào năm 2024.

Những điều chỉnh kịp thời và các chính sách tiến bộ kể trên đã tạo ra không gian “thoáng” và “mở” cho cộng đồng LGBT tăng cường sự hiện diện và những nhà hoạt động vì quyền LGBT tích cực vận động để đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng này. Biểu hiện rõ nhất cho sự hiện diện thường xuyên hơn và vai trò lớn hơn của cộng đồng LGBT và những người ủng hộ là sự kiện thường niên VietPride, vốn thu hút đông đảo người tham gia ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình, phim ảnh về đề tài LGBT hay có người LGBT tham gia xuất hiện ngày càng phổ biến và nhận được sự đồng cảm và ủng hộ rộng rãi từ khán giả. Các tổ chức xã hội vì quyền LGBT tại Việt Nam cũng ngày càng lớn mạnh, trở thành tiếng nói cần thiết, góp phần ủng hộ cộng đồng LGBT trong hành trình đòi lợi ích và quyền bình đẳng. Cùng với đó, xã hội Việt Nam ngày càng có cái nhìn cởi mở, thoáng hơn đối với cộng đồng LGBT, đặc biệt là tại các đô thị. Nhiều cha mẹ cũng dần chấp nhận con mình là người LGBT, thậm chí cổ vũ, động viên con mình hòa nhập xã hội tốt hơn. 

Ngược lại, tại Trung Quốc, cộng đồng LGBT và những nhà hoạt động vì quyền LGBT đang phải chịu sự đàn áp và giám sát ngày càng tăng từ chính quyền, đặc biệt là kể từ sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012. Những năm gần đây, với việc chính quyền Tập ra sức nhấn mạnh các giá trị, văn hoá truyền thống và cấu trúc gia đình, cộng đồng LGBT và các nhóm hoạt động vì quyền của người LGBT thường xuyên là những đối tượng bị tấn công, gây áp lực bởi chính quyền Bắc Kinh, từ trung ương đến địa phương, từ trực tiếp đến trực tuyến (online), khiến không gian phát triển của phong trào LGBT bị thu hẹp, thậm chí bị đe dọa. 

Cú sốc lớn nhất đối với cộng đồng LGBT tại Trung Quốc là việc Thượng Hải Pride (Shanghai Pride)—thường tổ chức những sự kiện cho cộng đồng LGBT lớn nhất tại Trung Quốc—thông báo ngừng hoạt động kể từ năm 2021 sau 11 năm phát triển mà không nêu lý do, đánh dấu “sự kết thúc của cầu vồng” (the end of the rainbow)—cách nói để chỉ biểu tượng của cộng đồng LGBT. Một năm sau, LGBT Rights Advocacy China—tổ chức thúc đẩy quyền cho người LGBT và vận động luật hóa kết hôn đồng giới tại Trung Quốc—cũng thông báo đóng cửa và dừng mọi hoạt động trực tuyến. Mới đây, vào tháng 5/2023, Trung tâm LGBT Bắc Kinh (Beijing LGBT Center) thông báo đóng cửa sau 15 năm hoạt động vì “những lực lượng ngoài tầm kiểm soát”. Việc Trung tâm đóng cửa diễn ra trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh tăng cường đàn áp các nhóm thiểu số yếu thế hoạt động về giới tính, bao gồm người LGBT, và được coi là tổn thất to lớn đối với cộng đồng LGBT tại Trung Quốc.

Không gian trực tuyến dành cho cộng đồng LGBT và các nhà hoạt động vì quyền LGBT tại Trung Quốc cũng dần bị thu hẹp. Trong một xã hội bị chi phối bởi các giá trị bảo thủ Đông Á và đề cao giá trị gia đình, mạng xã hội được xem là không gian để những người LGBT kết nối với nhau, tự do thể hiện bản thân và cùng nhau vận động để đòi quyền và lợi ích. Tuy nhiên, sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Trung Quốc đã thu hẹp không gian trực tuyến của người LGBT. Đơn cử, vào năm 2021, hàng chục tài khoản trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc do các sinh viên đại học điều hành đã bị xoá giữa lúc Bắc Kinh thúc đẩy chiến dịch làm sạch mạng Internet nhằm mục đích “bảo vệ trẻ vị thành niên và trấn áp các nhóm truyền thông xã hội có ảnh hưởng xấu”. Hồi tháng 8/2023, Trung Quốc tiếp tục xoá hàng loạt các tài khoản mạng xã hội của các nhóm vận đồng quyền cho người LGBT. 

Ngoài ra, những năm gần đây, giới chức Trung Quốc cũng ra sức kiểm duyệt, thậm chí cấm phát sóng các nội dung liên quan đến LGBT trên các chương trình truyền hình, phim truyền hình (còn gọi là phim đam mỹ/boylove) hay cấm các nghệ sĩ “tiểu thịt tươi” (“sissy or effeminate” men)—chỉ những nam giới có phong cách “nữ tính hoá”—xuất hiện trên truyền hình. Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc từng phê bình nam sinh nước này ngày nay có lẽ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi trào lưu “tiểu thịt tươi” nên quá “yếu đuối” và “nhút nhát”, và điều này “đe dọa đối với sự phát triển và sự tồn vong của đất nước”. Về lâu dài, những chính sách trên khiến cái nhìn của công chúng đối với cộng đồng LGBT thay đổi theo hướng tiêu cực. Trước sự đàn áp của chính quyền, cộng đồng LGBT và người ủng hộ ở vào tình thế lưỡng nan: nếu thúc đẩy phong trào quyết liệt thì có thể bị chính quyền tấn công mạnh mẽ hơn, còn nếu chấp nhận tình trạng này thì kết cục là, cộng đồng LGBT sẽ bị gạt ra bên lề xã hội mãi mãi.

Sự khác biệt về ứng xử đối với cộng đồng LGBT giữa hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng phần lớn do quan điểm của giới lãnh đạo. Tại Việt Nam, LGBT không bị coi là một vấn đề nhạy cảm về chính trị và các nhà hoạt động vì quyền LGBT không đe dọa đến lợi ích nhóm hay sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Bộ Y tế Việt Nam từng đề xuất hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người cùng giới nhằm đảm bảo quyền con người cho cộng đồng LGBT, tuy vậy, cho đến nay, đề xuất này chưa trở thành hiện thực. 

Về chiến lược, thúc đẩy quyền cho người LGBT sẽ giúp cải thiện hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong mắt các nước phương Tây, vốn đang có quan hệ tốt đẹp với Hà Nội. Trên phương diện quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia, ủng hộ các cuộc thảo luận liên quan đến việc chống lại các hình thức bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới cũng như thông qua tiêu chuẩn y tế toàn cầu về LGBT. Tương tự Việt Nam, Trung Quốc cũng tăng cường ủng hộ cộng đồng LGBT trên các diễn đàn đa phương quốc tế. Dù vậy, lời nói và hành động của Bắc Kinh đối với vấn đề LGBT lại tương đối trái ngược. Một mặt, Trung Quốc truyền tải thông điệp đến cộng đồng quốc tế rằng nước này quan tâm đến cộng đồng LGBT. Mặt khác, Bắc Kinh nhiều lần phủ quyết hoặc bỏ phiếu trắng một số nghị quyết, quyết định của các cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc liên quan đến vấn đề LGBT. 

Đối với giới cầm quyền tại Trung Quốc, vấn đề LGBT không chỉ bị coi là trái với đạo đức mà còn đe dọa tới an ninh quốc gia. Cộng đồng LGBT nói chung và việc kết hôn đồng giới nói riêng đi ngược lại các giá trị gia đình truyền thống của Trung Quốc, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo. Giá trị này đang được tuyên truyền mạnh mẽ hơn trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh ra sức chấn chỉnh cái mà nước này gọi là “cuộc khủng hoảng nam tính” (masculinity crisis) và tình trạng phụ nữ Trung Quốc không muốn kết hôn, sinh con. Xue Jian, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Osaka (Nhật Bản), từng bình luận rằng những người chuyển giới là “một sự biến dạng chứ không phải là sự tiến hóa của nền văn minh nhân loại”. 

Khác với Việt Nam, nhiều tiếng nói tại Trung Quốc áp đặt vấn đề LGBT là “một sản phẩm của phương Tây” dưới danh nghĩa “nhân danh tự do, bình đẳng và tình yêu” nhằm kiềm chế cường quốc châu Á này trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc ngày càng sâu sắc, cả về lĩnh vực thương mại và các giá trị. The Economist nhận định, đối với Trung Quốc của ông Tập, “những người bị gạt ra ngoài lề xã hội là mối đe dọa an ninh, không phải là đối tượng để thương xót”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đối với người LGBT Trung Quốc, vai trò của gia đình và bản sắc dân tộc có tầm quan trọng hơn so với việc công khai giới tính hay các sự kiện dành cho người LGBT, vốn “mang phong cách phương Tây” đậm nét. Trong một bài xã luận vào năm 2021, Hu Xijin, khi ấy là Tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times), nói rằng LGBT không nên trở thành một hệ tư tưởng tại Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không nên đi đầu thế giới về vấn đề này. 

Do đó, những “sản phẩm” của phương Tây như quyền cho người LGBT hay những tổ chức phi chính phủ (NGOs) vận động quyền LGBT là đối tượng mà chính quyền Bắc Kinh nhắm đến (target) vì những tổ chức này được coi là có mối liên kết với các tổ chức dân sự nước ngoài. Điều này cũng xuất phát từ các chính sách của ông Tập nhằm áp đặt sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với các tổ chức xã hội, qua đó đã làm thu hẹp không gian hoạt động của các nhóm vì quyền LGBT. Một báo cáo của chuyên gia Holly Snape tại Đại học Glasgow (Anh) chỉ ra rằng một chính sách được chính quyền Trung Quốc đưa ra vào năm 2021 nhằm “ngăn chặn và chấn chỉnh những nỗ lực của các tổ chức xã hội bất hợp pháp” đã tác động không nhỏ tới cách thức, điều kiện, không gian hoạt động và nguồn lực của các nhóm này—dấu hiệu cho thấy sự ảnh hưởng ngày càng rộng lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào đời sống của các tổ chức xã hội dân sự. 

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc (nationalism), được “bảo trợ” bởi Nhà nước, với xu hướng bài trừ phương Tây, cũng khiến cộng đồng LGBT tại Trung Quốc đối mặt với lực lượng chống đối ngày càng lớn mạnh. Những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc tự cho mình là “những người yêu nước” (patriots), có nhiệm vụ bảo vệ các giá trị xã hội chủ nghĩa và theo đó có quyền kỳ thị cộng đồng LGBT nhân danh sự thống nhất quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc cũng được thể hiện qua tuyên bố rạch ròi của chính quyền Trung Quốc ngay sau khi Đài Loan chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào tháng 5/2019. Khi ấy, Bắc Kinh tuyên bố không theo chân Đài Bắc về vấn đề này trong khi khẳng định hệ thống hôn nhân ở Trung Quốc là giữa một nam và một nữ. Tuyên bố này không chỉ tái khẳng định rằng hôn nhân đồng giới không có chỗ ở Trung Quốc, mà còn bác bỏ tính chính danh của việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới của Đài Loan—hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là vùng lãnh thổ ly khai và nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực để thu hồi.

Đáng chú ý, chiến dịch đàn áp phong trào LGBT cũng có một phần liên quan tới tỷ lệ sinh giảm kỷ lục của Trung Quốc trong những năm gần đây. Khủng hoảng nhân khẩu học đang đe dọa sự phát triển kinh tế và cấu trúc xã hội của Trung Quốc khi lần đầu tiên vào năm 2022, nước này ghi nhận mức giảm dân số. Nhiều người Trung Quốc đổ lỗi rằng cộng đồng LGBT là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, mặc dù ngày càng nhiều cặp đôi đồng tính sống chung và xây dựng một gia đình giống như các cặp đôi dị tính khác. 

Vấn đề LGBT ở Trung Quốc từng được kỳ vọng sẽ cải thiện hình ảnh nước này giữa hàng loạt hồ sơ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong,... Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, cộng đồng LGBT Trung Quốc và những tổ chức vì quyền LGBT đang dần bị thu hẹp không gian hoạt động và thường xuyên bị chính quyền Bắc Kinh phân biệt đối xử. Trong khi đó, quốc gia xã hội chủ nghĩa láng giềng Việt Nam lại đạt được những tiến bộ liên quan đến vấn đề LGBT, và cộng đồng LGBT ở đây cũng dần lớn mạnh và nhận được sự ủng hộ, chấp thuận từ chính quyền và xã hội. 

Năm ngoái, Cuba trở thành quốc gia và vùng lãnh thổ thứ 32 công nhận kết hôn đồng giới và là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới làm như vậy. Từ sự việc này, có thể rút ra kết luận rằng hệ thống chính trị và hệ tư tưởng, dù là tự do dân chủ hay xã hội chủ nghĩa, đều không phải là rào cản đối với việc thúc đẩy phong trào LGBT. Thay vào đó, tính cởi mở hay bảo thủ đối với cộng đồng LGBT chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức và thái độ của giới lãnh đạo.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa điển hình ở châu Á với những tương đồng về hệ thống chính trị và hệ tư tưởng, chẳng hạn đều do Đảng Cộng sản cầm quyền, theo đường lối chủ nghĩa Mác-Lênin, và kiên trì với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, không phải lúc nào hai quốc gia láng giềng này cũng “đi một con đường, cùng chung một chí hướng”, như tuyên bố của các đại biểu Việt Nam và Trung Quốc tại Tọa đàm “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới và ý nghĩa đối với thế giới đương đại” hồi tháng 11/2022, đặc biệt là trong các vấn đề nội bộ. 

Một khác biệt khá nổi bật là cách tiếp cận của Hà Nội và Bắc Kinh trong vấn đề người đồng tính, song tính, và hoán tính (gọi tắt là LGBT), mặc dù cả hai nước vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng giới (same-sex marriage). Trong khi Hà Nội được ca ngợi khi đạt được những tiến bộ trong vấn đề LGBT và có triển vọng tiến gần tới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thì cộng đồng LGBT tại Bắc Kinh lại hứng chịu một loạt chiến dịch đàn áp mạnh tay và liên tục từ chính quyền. 

Hơn hai thập kỷ qua, LGBT đã không còn là vấn đề “nhạy cảm” hay “cấm kỵ” trong xã hội Việt Nam. Trên thực tế, đề tài này được đưa ra bàn luận sôi nổi, cả trên lĩnh vực pháp lý và trong đời sống xã hội. Điều này nhờ vào sự hiện diện mạnh mẽ của cộng đồng LGBT và người ủng hộ, sự cởi mở của xã hội và sự tiến bộ của chính quyền. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng giới, nhưng có những điều chỉnh về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng LGBT phát triển cũng như đảm bảo quyền bình đẳng cho người LGBT. Từ năm 2015, Việt Nam không còn quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới, mở đường cho các cặp đôi cùng giới công khai tổ chức đám cưới và sống chung như các cặp đôi dị tính mà không lo sợ các chế tài. Vào năm 2022, Bộ Y tế Việt Nam cũng khẳng định đồng tính “không phải là bệnh”, do đó “không thể ‘chữa’, không cần ‘chữa’ và cũng không thể làm cách nào thay đổi được”. Việt Nam cũng quan tâm tới nhóm người chuyển giới khi là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận quyền chuyển đổi giới tính và đang có những điều chỉnh phù hợp với vấn đề này. Dự kiến dự án Luật sửa đổi giới tính sẽ được đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội Việt Nam vào năm 2024.

Những điều chỉnh kịp thời và các chính sách tiến bộ kể trên đã tạo ra không gian “thoáng” và “mở” cho cộng đồng LGBT tăng cường sự hiện diện và những nhà hoạt động vì quyền LGBT tích cực vận động để đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng này. Biểu hiện rõ nhất cho sự hiện diện thường xuyên hơn và vai trò lớn hơn của cộng đồng LGBT và những người ủng hộ là sự kiện thường niên VietPride, vốn thu hút đông đảo người tham gia ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình, phim ảnh về đề tài LGBT hay có người LGBT tham gia xuất hiện ngày càng phổ biến và nhận được sự đồng cảm và ủng hộ rộng rãi từ khán giả. Các tổ chức xã hội vì quyền LGBT tại Việt Nam cũng ngày càng lớn mạnh, trở thành tiếng nói cần thiết, góp phần ủng hộ cộng đồng LGBT trong hành trình đòi lợi ích và quyền bình đẳng. Cùng với đó, xã hội Việt Nam ngày càng có cái nhìn cởi mở, thoáng hơn đối với cộng đồng LGBT, đặc biệt là tại các đô thị. Nhiều cha mẹ cũng dần chấp nhận con mình là người LGBT, thậm chí cổ vũ, động viên con mình hòa nhập xã hội tốt hơn. 

Ngược lại, tại Trung Quốc, cộng đồng LGBT và những nhà hoạt động vì quyền LGBT đang phải chịu sự đàn áp và giám sát ngày càng tăng từ chính quyền, đặc biệt là kể từ sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012. Những năm gần đây, với việc chính quyền Tập ra sức nhấn mạnh các giá trị, văn hoá truyền thống và cấu trúc gia đình, cộng đồng LGBT và các nhóm hoạt động vì quyền của người LGBT thường xuyên là những đối tượng bị tấn công, gây áp lực bởi chính quyền Bắc Kinh, từ trung ương đến địa phương, từ trực tiếp đến trực tuyến (online), khiến không gian phát triển của phong trào LGBT bị thu hẹp, thậm chí bị đe dọa. 

Cú sốc lớn nhất đối với cộng đồng LGBT tại Trung Quốc là việc Thượng Hải Pride (Shanghai Pride)—thường tổ chức những sự kiện cho cộng đồng LGBT lớn nhất tại Trung Quốc—thông báo ngừng hoạt động kể từ năm 2021 sau 11 năm phát triển mà không nêu lý do, đánh dấu “sự kết thúc của cầu vồng” (the end of the rainbow)—cách nói để chỉ biểu tượng của cộng đồng LGBT. Một năm sau, LGBT Rights Advocacy China—tổ chức thúc đẩy quyền cho người LGBT và vận động luật hóa kết hôn đồng giới tại Trung Quốc—cũng thông báo đóng cửa và dừng mọi hoạt động trực tuyến. Mới đây, vào tháng 5/2023, Trung tâm LGBT Bắc Kinh (Beijing LGBT Center) thông báo đóng cửa sau 15 năm hoạt động vì “những lực lượng ngoài tầm kiểm soát”. Việc Trung tâm đóng cửa diễn ra trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh tăng cường đàn áp các nhóm thiểu số yếu thế hoạt động về giới tính, bao gồm người LGBT, và được coi là tổn thất to lớn đối với cộng đồng LGBT tại Trung Quốc.

Không gian trực tuyến dành cho cộng đồng LGBT và các nhà hoạt động vì quyền LGBT tại Trung Quốc cũng dần bị thu hẹp. Trong một xã hội bị chi phối bởi các giá trị bảo thủ Đông Á và đề cao giá trị gia đình, mạng xã hội được xem là không gian để những người LGBT kết nối với nhau, tự do thể hiện bản thân và cùng nhau vận động để đòi quyền và lợi ích. Tuy nhiên, sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Trung Quốc đã thu hẹp không gian trực tuyến của người LGBT. Đơn cử, vào năm 2021, hàng chục tài khoản trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc do các sinh viên đại học điều hành đã bị xoá giữa lúc Bắc Kinh thúc đẩy chiến dịch làm sạch mạng Internet nhằm mục đích “bảo vệ trẻ vị thành niên và trấn áp các nhóm truyền thông xã hội có ảnh hưởng xấu”. Hồi tháng 8/2023, Trung Quốc tiếp tục xoá hàng loạt các tài khoản mạng xã hội của các nhóm vận đồng quyền cho người LGBT. 

Ngoài ra, những năm gần đây, giới chức Trung Quốc cũng ra sức kiểm duyệt, thậm chí cấm phát sóng các nội dung liên quan đến LGBT trên các chương trình truyền hình, phim truyền hình (còn gọi là phim đam mỹ/boylove) hay cấm các nghệ sĩ “tiểu thịt tươi” (“sissy or effeminate” men)—chỉ những nam giới có phong cách “nữ tính hoá”—xuất hiện trên truyền hình. Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc từng phê bình nam sinh nước này ngày nay có lẽ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi trào lưu “tiểu thịt tươi” nên quá “yếu đuối” và “nhút nhát”, và điều này “đe dọa đối với sự phát triển và sự tồn vong của đất nước”. Về lâu dài, những chính sách trên khiến cái nhìn của công chúng đối với cộng đồng LGBT thay đổi theo hướng tiêu cực. Trước sự đàn áp của chính quyền, cộng đồng LGBT và người ủng hộ ở vào tình thế lưỡng nan: nếu thúc đẩy phong trào quyết liệt thì có thể bị chính quyền tấn công mạnh mẽ hơn, còn nếu chấp nhận tình trạng này thì kết cục là, cộng đồng LGBT sẽ bị gạt ra bên lề xã hội mãi mãi.

Sự khác biệt về ứng xử đối với cộng đồng LGBT giữa hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng phần lớn do quan điểm của giới lãnh đạo. Tại Việt Nam, LGBT không bị coi là một vấn đề nhạy cảm về chính trị và các nhà hoạt động vì quyền LGBT không đe dọa đến lợi ích nhóm hay sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Bộ Y tế Việt Nam từng đề xuất hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người cùng giới nhằm đảm bảo quyền con người cho cộng đồng LGBT, tuy vậy, cho đến nay, đề xuất này chưa trở thành hiện thực. 

Về chiến lược, thúc đẩy quyền cho người LGBT sẽ giúp cải thiện hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong mắt các nước phương Tây, vốn đang có quan hệ tốt đẹp với Hà Nội. Trên phương diện quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia, ủng hộ các cuộc thảo luận liên quan đến việc chống lại các hình thức bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới cũng như thông qua tiêu chuẩn y tế toàn cầu về LGBT. Tương tự Việt Nam, Trung Quốc cũng tăng cường ủng hộ cộng đồng LGBT trên các diễn đàn đa phương quốc tế. Dù vậy, lời nói và hành động của Bắc Kinh đối với vấn đề LGBT lại tương đối trái ngược. Một mặt, Trung Quốc truyền tải thông điệp đến cộng đồng quốc tế rằng nước này quan tâm đến cộng đồng LGBT. Mặt khác, Bắc Kinh nhiều lần phủ quyết hoặc bỏ phiếu trắng một số nghị quyết, quyết định của các cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc liên quan đến vấn đề LGBT. 

Đối với giới cầm quyền tại Trung Quốc, vấn đề LGBT không chỉ bị coi là trái với đạo đức mà còn đe dọa tới an ninh quốc gia. Cộng đồng LGBT nói chung và việc kết hôn đồng giới nói riêng đi ngược lại các giá trị gia đình truyền thống của Trung Quốc, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo. Giá trị này đang được tuyên truyền mạnh mẽ hơn trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh ra sức chấn chỉnh cái mà nước này gọi là “cuộc khủng hoảng nam tính” (masculinity crisis) và tình trạng phụ nữ Trung Quốc không muốn kết hôn, sinh con. Xue Jian, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Osaka (Nhật Bản), từng bình luận rằng những người chuyển giới là “một sự biến dạng chứ không phải là sự tiến hóa của nền văn minh nhân loại”. 

Khác với Việt Nam, nhiều tiếng nói tại Trung Quốc áp đặt vấn đề LGBT là “một sản phẩm của phương Tây” dưới danh nghĩa “nhân danh tự do, bình đẳng và tình yêu” nhằm kiềm chế cường quốc châu Á này trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc ngày càng sâu sắc, cả về lĩnh vực thương mại và các giá trị. The Economist nhận định, đối với Trung Quốc của ông Tập, “những người bị gạt ra ngoài lề xã hội là mối đe dọa an ninh, không phải là đối tượng để thương xót”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đối với người LGBT Trung Quốc, vai trò của gia đình và bản sắc dân tộc có tầm quan trọng hơn so với việc công khai giới tính hay các sự kiện dành cho người LGBT, vốn “mang phong cách phương Tây” đậm nét. Trong một bài xã luận vào năm 2021, Hu Xijin, khi ấy là Tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times), nói rằng LGBT không nên trở thành một hệ tư tưởng tại Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không nên đi đầu thế giới về vấn đề này. 

Do đó, những “sản phẩm” của phương Tây như quyền cho người LGBT hay những tổ chức phi chính phủ (NGOs) vận động quyền LGBT là đối tượng mà chính quyền Bắc Kinh nhắm đến (target) vì những tổ chức này được coi là có mối liên kết với các tổ chức dân sự nước ngoài. Điều này cũng xuất phát từ các chính sách của ông Tập nhằm áp đặt sự kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với các tổ chức xã hội, qua đó đã làm thu hẹp không gian hoạt động của các nhóm vì quyền LGBT. Một báo cáo của chuyên gia Holly Snape tại Đại học Glasgow (Anh) chỉ ra rằng một chính sách được chính quyền Trung Quốc đưa ra vào năm 2021 nhằm “ngăn chặn và chấn chỉnh những nỗ lực của các tổ chức xã hội bất hợp pháp” đã tác động không nhỏ tới cách thức, điều kiện, không gian hoạt động và nguồn lực của các nhóm này—dấu hiệu cho thấy sự ảnh hưởng ngày càng rộng lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào đời sống của các tổ chức xã hội dân sự. 

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc (nationalism), được “bảo trợ” bởi Nhà nước, với xu hướng bài trừ phương Tây, cũng khiến cộng đồng LGBT tại Trung Quốc đối mặt với lực lượng chống đối ngày càng lớn mạnh. Những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc tự cho mình là “những người yêu nước” (patriots), có nhiệm vụ bảo vệ các giá trị xã hội chủ nghĩa và theo đó có quyền kỳ thị cộng đồng LGBT nhân danh sự thống nhất quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc cũng được thể hiện qua tuyên bố rạch ròi của chính quyền Trung Quốc ngay sau khi Đài Loan chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào tháng 5/2019. Khi ấy, Bắc Kinh tuyên bố không theo chân Đài Bắc về vấn đề này trong khi khẳng định hệ thống hôn nhân ở Trung Quốc là giữa một nam và một nữ. Tuyên bố này không chỉ tái khẳng định rằng hôn nhân đồng giới không có chỗ ở Trung Quốc, mà còn bác bỏ tính chính danh của việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới của Đài Loan—hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là vùng lãnh thổ ly khai và nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực để thu hồi.

Đáng chú ý, chiến dịch đàn áp phong trào LGBT cũng có một phần liên quan tới tỷ lệ sinh giảm kỷ lục của Trung Quốc trong những năm gần đây. Khủng hoảng nhân khẩu học đang đe dọa sự phát triển kinh tế và cấu trúc xã hội của Trung Quốc khi lần đầu tiên vào năm 2022, nước này ghi nhận mức giảm dân số. Nhiều người Trung Quốc đổ lỗi rằng cộng đồng LGBT là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, mặc dù ngày càng nhiều cặp đôi đồng tính sống chung và xây dựng một gia đình giống như các cặp đôi dị tính khác. 

Vấn đề LGBT ở Trung Quốc từng được kỳ vọng sẽ cải thiện hình ảnh nước này giữa hàng loạt hồ sơ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong,... Thế nhưng, trong những năm trở lại đây, cộng đồng LGBT Trung Quốc và những tổ chức vì quyền LGBT đang dần bị thu hẹp không gian hoạt động và thường xuyên bị chính quyền Bắc Kinh phân biệt đối xử. Trong khi đó, quốc gia xã hội chủ nghĩa láng giềng Việt Nam lại đạt được những tiến bộ liên quan đến vấn đề LGBT, và cộng đồng LGBT ở đây cũng dần lớn mạnh và nhận được sự ủng hộ, chấp thuận từ chính quyền và xã hội. 

Năm ngoái, Cuba trở thành quốc gia và vùng lãnh thổ thứ 32 công nhận kết hôn đồng giới và là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới làm như vậy. Từ sự việc này, có thể rút ra kết luận rằng hệ thống chính trị và hệ tư tưởng, dù là tự do dân chủ hay xã hội chủ nghĩa, đều không phải là rào cản đối với việc thúc đẩy phong trào LGBT. Thay vào đó, tính cởi mở hay bảo thủ đối với cộng đồng LGBT chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức và thái độ của giới lãnh đạo.

Từ khoá: LGBT tổ chức xã hội văn hoá chính trị quyền của người đồng giới

BÀI LIÊN QUAN