An ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025 (Phần 5)
Chuỗi bài phân tích của Vietnam Strategic Forum về an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025 tập trung vào sáu chủ đề trọng điểm: chiến tranh Nga - Ukraine, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, tình hình Myanmar, Biển Đông và khối BRICS. Thông qua loạt bài này, chúng tôi kỳ vọng góp phần thúc đẩy các cuộc thảo luận sâu rộng về tương lai khu vực, nơi cơ hội và thách thức đan xen, đồng thời các tương tác quyền lực làm gia tăng tính bất ổn và sự không chắc chắn. Mời quý độc giả cùng đón đọc bài viết thứ năm: "BRICS vẫn là khối kinh tế đáng gờm bất chấp những khác biệt nội bộ”.


Bước sang năm 2025, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục chứng kiến những bất ổn an ninh kéo dài. Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine chưa có hồi kết đã bước sang năm thứ ba, trong khi Myanmar vẫn chìm trong bạo lực triền miên gần bốn năm kể từ cuộc đảo chính quân sự. Bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan đối mặt với nguy cơ xung đột vũ trang. Cùng lúc đó, các diễn biến trên Biển Đông và sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của BRICS – khối đa phương lớn nhất toàn cầu – cũng là những chuyển động địa chính trị đáng chú ý tại khu vực.
Chuỗi bài phân tích của Vietnam Strategic Forum về an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025 tập trung vào 6 chủ điểm chính: Chiến tranh Nga - Ukraine, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, tình hình Myanmar, Biển Đông và khối BRICS. Với việc trình bày súc tích và bàn luận trực tiếp các khía cạnh chủ yếu của vấn đề, các tác giả không chỉ cung cấp bức tranh khái quát về tình hình các “điểm nóng” trong năm 2024 mà còn đưa ra những dự báo cho năm 2025.
Với chuỗi bài này, chúng tôi mong muốn thúc đẩy các thảo luận sâu rộng về tương lai khu vực, nơi các cơ hội và thách thức đan xen, và cũng là nơi mà các tương tác quyền lực khiến tính bất ổn và sự không chắc chắn trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Bài viết thứ năm: BRICS vẫn là khối kinh tế đáng gờm bất chấp những khác biệt nội bộ
Với việc Uganda và Indonesia chính thức gia nhập BRICS trong tháng 1, khối kinh tế này hiện bao gồm 4 thành viên chủ chốt (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và 10 quốc gia đối tác (partner members). Trước khi Indonesia gia nhập khối, BRICS chiếm 46% dân số toàn cầu và 35% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP).
Kể từ khi Phong trào Không liên kết (Non-Aligned Movement) ra đời vào năm 1961 thì BRICS là nỗ lực đáng chú ý nhất của các quốc gia phía Nam với mục tiêu trở thành một lựa chọn thay thế cho các thể chế toàn cầu vốn do các cường quốc phương Tây thống trị. Khát vọng của BRICS là đạt được lợi ích về kinh tế, thương mại và đầu tư trong khi từng bước giảm sự phụ thuộc vào các định chế tài chính do các quốc gia Bắc Bán cầu chi phối.
Cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết cùng việc các quốc gia BRICS không sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Nga cho thấy các thành viên của khối đang nỗ lực hơn bao giờ hết để tăng cường tính tự chủ chiến lược và thúc đẩy một hệ thống tài chính đa cực. Hơn hết, từ những ưu tiên ban đầu về kinh tế, BRICS có thể thúc đẩy sự tập hợp của các quốc gia phương Nam để giải quyết các thách thức xã hội của chính các quốc gia này mà không phải lệ thuộc vào nguồn tài chính và sự ủng hộ chính trị từ các quốc gia Bắc Bán cầu.
Sự mở rộng của BRICS có thể tiếp tục trong thời gian tới với các cơ chế linh hoạt hơn (như cấp quy chế quan sát viên hay ưu tiên thắt chặt quan hệ với các quốc gia đối tác có quan hệ gần gũi). Hơn hết, sự mở rộng này cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng của các quốc gia phương Nam khi vai trò của họ thường bị xem nhẹ. Đây cũng là sự thách thức về mặt cấu trúc lãnh đạo mà các nền dân chủ phương Tây vẫn tự hào là họ có lợi thế, nhất là từ sau Chiến tranh Lạnh. Thời gian tới, BRICS có thể tiếp tục các tầm nhìn còn “dang dở” như nỗ lực đạt được một đồng tiền chung, giảm sự lệ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch toàn cầu, đẩy mạnh các cơ chế linh hoạt hơn cho việc thanh toán xuyên biên giới.
Rào cản cho tính gắn kết của BRICS là ở sự đa dạng về kinh tế giữa các thành viên. Ví dụ, Brazil và Nga phụ thuộc rất nhiều vào hàng hóa, trong khi Ấn Độ phát triển mạnh về dịch vụ và Trung Quốc thống trị sản xuất. Một khuôn khổ tiền tệ hoặc thương mại thống nhất với sự đa dạng của các cấu trúc kinh tế như vậy đòi hỏi quá trình điều chỉnh phức tạp. Để đạt được mục tiêu của mình, BRICS cần giải quyết tình trạng mất cân bằng kinh tế nội bộ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chung và thúc đẩy sự thống nhất chính sách chặt chẽ hơn.
Sự khác biệt về tầm nhìn của các thành viên cũng là thực tế không thể lảng tránh. Trong khi Nga và Trung Quốc kêu gọi “phi USD hóa” (de-dollarisation) nhanh chóng và thành lập các hệ thống tài chính song song, Ấn Độ có cách tiếp cận thận trọng hơn nhằm tiếp tục duy trì sự hội nhập với thị trường toàn cầu. Những bất đồng nội bộ này cho thấy BRICS là một khối phức tạp hơn chúng ta vẫn tưởng. Chặng đường để BRICS tạo nên những thay đổi hệ thống về tài chính quốc tế vẫn còn khá xa, nhất là khi hệ thống thanh toán dựa trên đồng USD vẫn là một lực lượng ổn định có sức hấp dẫn nhiều quốc gia đang phát triển.
Bất chấp các thách thức đã nêu, sự phát triển nhanh chóng của BRICS cho thấy một bức tranh khác của chủ nghĩa đa phương toàn cầu, nhất là trên phương diện kinh tế. Các diễn ngôn phương Tây thường nhấn mạnh vào tính chia rẽ giữa BRICS với các thể chế phương Tây và lo ngại về sự “bành trướng” (expansion) của BRICS. Sự phân cực kinh tế Bắc - Nam và địa chính trị Đông - Tây gây lo ngại rằng BRICS đang trên đà trở thành một đối trọng (counterweight) với các thể chế và liên minh do phương Tây dẫn đầu, như Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên hiệp châu Âu (EU).
Tuy nhiên, việc BRICS tập hợp được nhiều cường quốc tầm trung vốn đề cao việc duy trì sự linh hoạt về ngoại giao và tư duy “không chọn phe” trong các tranh chấp có thể giúp ngăn chặn sự “bành trướng” của BRICS về mặt an ninh. Vai trò tích cực của các quốc gia tầm trung cũng giúp ngăn ngừa viễn cảnh BRICS “tiến hoá” thành khối an ninh và kinh tế đối trọng gay gắt với các thể chế do phương Tây chi phối như trong thời Chiến tranh Lạnh.
Dù “trật tự thế giới dường như đang bị phân mảnh”, theo nhận xét trong báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào năm 2024, thì hợp tác vẫn là lựa chọn bắt buộc. Hơn nữa, hợp tác ngày càng trở nên đa diện hơn và có thể diễn ra đồng thời với cạnh tranh, chẳng hạn như với Trung Quốc và Ấn Độ -- hai quốc gia BRICS có tranh chấp biên giới ở khu vực Himalaya. Bên cạnh đó, các thành viên của BRICS vẫn hợp tác với các quốc gia phương Tây trong nhiều lĩnh vực, như trao đổi thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, và cùng giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống. Dù Ấn Độ là thành viên của BRICS, quốc gia này cũng là thành viên của QUAD, Cơ chế Đối thoại An ninh bốn bên có sự tham gia của Mỹ, Australia, và Nhật Bản. Xu hướng “hợp tác và cạnh tranh” sẽ tiếp tục trong năm 2025, qua đó làm giảm khả năng chia tách (decoupling) hay cạnh tranh gay gắt giữa BRICS và phương Tây.
Có một thực tế cần được quan tâm hơn là BRICS sẽ tiếp tục định hình sự vận động của nền kinh tế toàn cầu. Có nhiều chỉ dấu cho nhận định này. Nổi bật là BRICS đang ngày càng trở thành một khối kinh tế to lớn về mặt thương mại hàng hóa. Bên cạnh đó, BRICS cũng có số lượng người tiêu dùng và lực lượng lao động lớn nhờ vào dân số đông. Nếu không quá đề cao sự “chia tách” (cả về kinh tế và chính trị) với phương Tây và khéo léo không để cho các tranh chấp hay tranh cãi giữa các thành viên làm lu mờ các mục tiêu chung, BRICS sẽ tiếp tục là một khối kinh tế “đáng gờm”. Theo đó, sự mở rộng thành viên với các chương trình hợp tác đa dạng hơn của BRICS sẽ tiếp tục trong năm 2025.
Mời quý vị tiếp tục đón đọc bài viết tiếp theo trong chuỗi bài "An ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025" vào ngày mai 18/1/2025 với tựa đề: "Biển Đông năm 2025: Biển động, sóng ngầm và ánh hải đăng le lói".

Bước sang năm 2025, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục chứng kiến những bất ổn an ninh kéo dài. Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine chưa có hồi kết đã bước sang năm thứ ba, trong khi Myanmar vẫn chìm trong bạo lực triền miên gần bốn năm kể từ cuộc đảo chính quân sự. Bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan đối mặt với nguy cơ xung đột vũ trang. Cùng lúc đó, các diễn biến trên Biển Đông và sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của BRICS – khối đa phương lớn nhất toàn cầu – cũng là những chuyển động địa chính trị đáng chú ý tại khu vực.
Chuỗi bài phân tích của Vietnam Strategic Forum về an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025 tập trung vào 6 chủ điểm chính: Chiến tranh Nga - Ukraine, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, tình hình Myanmar, Biển Đông và khối BRICS. Với việc trình bày súc tích và bàn luận trực tiếp các khía cạnh chủ yếu của vấn đề, các tác giả không chỉ cung cấp bức tranh khái quát về tình hình các “điểm nóng” trong năm 2024 mà còn đưa ra những dự báo cho năm 2025.
Với chuỗi bài này, chúng tôi mong muốn thúc đẩy các thảo luận sâu rộng về tương lai khu vực, nơi các cơ hội và thách thức đan xen, và cũng là nơi mà các tương tác quyền lực khiến tính bất ổn và sự không chắc chắn trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Bài viết thứ năm: BRICS vẫn là khối kinh tế đáng gờm bất chấp những khác biệt nội bộ
Với việc Uganda và Indonesia chính thức gia nhập BRICS trong tháng 1, khối kinh tế này hiện bao gồm 4 thành viên chủ chốt (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và 10 quốc gia đối tác (partner members). Trước khi Indonesia gia nhập khối, BRICS chiếm 46% dân số toàn cầu và 35% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP).
Kể từ khi Phong trào Không liên kết (Non-Aligned Movement) ra đời vào năm 1961 thì BRICS là nỗ lực đáng chú ý nhất của các quốc gia phía Nam với mục tiêu trở thành một lựa chọn thay thế cho các thể chế toàn cầu vốn do các cường quốc phương Tây thống trị. Khát vọng của BRICS là đạt được lợi ích về kinh tế, thương mại và đầu tư trong khi từng bước giảm sự phụ thuộc vào các định chế tài chính do các quốc gia Bắc Bán cầu chi phối.
Cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết cùng việc các quốc gia BRICS không sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Nga cho thấy các thành viên của khối đang nỗ lực hơn bao giờ hết để tăng cường tính tự chủ chiến lược và thúc đẩy một hệ thống tài chính đa cực. Hơn hết, từ những ưu tiên ban đầu về kinh tế, BRICS có thể thúc đẩy sự tập hợp của các quốc gia phương Nam để giải quyết các thách thức xã hội của chính các quốc gia này mà không phải lệ thuộc vào nguồn tài chính và sự ủng hộ chính trị từ các quốc gia Bắc Bán cầu.
Sự mở rộng của BRICS có thể tiếp tục trong thời gian tới với các cơ chế linh hoạt hơn (như cấp quy chế quan sát viên hay ưu tiên thắt chặt quan hệ với các quốc gia đối tác có quan hệ gần gũi). Hơn hết, sự mở rộng này cho thấy sự bất mãn ngày càng tăng của các quốc gia phương Nam khi vai trò của họ thường bị xem nhẹ. Đây cũng là sự thách thức về mặt cấu trúc lãnh đạo mà các nền dân chủ phương Tây vẫn tự hào là họ có lợi thế, nhất là từ sau Chiến tranh Lạnh. Thời gian tới, BRICS có thể tiếp tục các tầm nhìn còn “dang dở” như nỗ lực đạt được một đồng tiền chung, giảm sự lệ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch toàn cầu, đẩy mạnh các cơ chế linh hoạt hơn cho việc thanh toán xuyên biên giới.
Rào cản cho tính gắn kết của BRICS là ở sự đa dạng về kinh tế giữa các thành viên. Ví dụ, Brazil và Nga phụ thuộc rất nhiều vào hàng hóa, trong khi Ấn Độ phát triển mạnh về dịch vụ và Trung Quốc thống trị sản xuất. Một khuôn khổ tiền tệ hoặc thương mại thống nhất với sự đa dạng của các cấu trúc kinh tế như vậy đòi hỏi quá trình điều chỉnh phức tạp. Để đạt được mục tiêu của mình, BRICS cần giải quyết tình trạng mất cân bằng kinh tế nội bộ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chung và thúc đẩy sự thống nhất chính sách chặt chẽ hơn.
Sự khác biệt về tầm nhìn của các thành viên cũng là thực tế không thể lảng tránh. Trong khi Nga và Trung Quốc kêu gọi “phi USD hóa” (de-dollarisation) nhanh chóng và thành lập các hệ thống tài chính song song, Ấn Độ có cách tiếp cận thận trọng hơn nhằm tiếp tục duy trì sự hội nhập với thị trường toàn cầu. Những bất đồng nội bộ này cho thấy BRICS là một khối phức tạp hơn chúng ta vẫn tưởng. Chặng đường để BRICS tạo nên những thay đổi hệ thống về tài chính quốc tế vẫn còn khá xa, nhất là khi hệ thống thanh toán dựa trên đồng USD vẫn là một lực lượng ổn định có sức hấp dẫn nhiều quốc gia đang phát triển.
Bất chấp các thách thức đã nêu, sự phát triển nhanh chóng của BRICS cho thấy một bức tranh khác của chủ nghĩa đa phương toàn cầu, nhất là trên phương diện kinh tế. Các diễn ngôn phương Tây thường nhấn mạnh vào tính chia rẽ giữa BRICS với các thể chế phương Tây và lo ngại về sự “bành trướng” (expansion) của BRICS. Sự phân cực kinh tế Bắc - Nam và địa chính trị Đông - Tây gây lo ngại rằng BRICS đang trên đà trở thành một đối trọng (counterweight) với các thể chế và liên minh do phương Tây dẫn đầu, như Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên hiệp châu Âu (EU).
Tuy nhiên, việc BRICS tập hợp được nhiều cường quốc tầm trung vốn đề cao việc duy trì sự linh hoạt về ngoại giao và tư duy “không chọn phe” trong các tranh chấp có thể giúp ngăn chặn sự “bành trướng” của BRICS về mặt an ninh. Vai trò tích cực của các quốc gia tầm trung cũng giúp ngăn ngừa viễn cảnh BRICS “tiến hoá” thành khối an ninh và kinh tế đối trọng gay gắt với các thể chế do phương Tây chi phối như trong thời Chiến tranh Lạnh.
Dù “trật tự thế giới dường như đang bị phân mảnh”, theo nhận xét trong báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào năm 2024, thì hợp tác vẫn là lựa chọn bắt buộc. Hơn nữa, hợp tác ngày càng trở nên đa diện hơn và có thể diễn ra đồng thời với cạnh tranh, chẳng hạn như với Trung Quốc và Ấn Độ -- hai quốc gia BRICS có tranh chấp biên giới ở khu vực Himalaya. Bên cạnh đó, các thành viên của BRICS vẫn hợp tác với các quốc gia phương Tây trong nhiều lĩnh vực, như trao đổi thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, và cùng giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống. Dù Ấn Độ là thành viên của BRICS, quốc gia này cũng là thành viên của QUAD, Cơ chế Đối thoại An ninh bốn bên có sự tham gia của Mỹ, Australia, và Nhật Bản. Xu hướng “hợp tác và cạnh tranh” sẽ tiếp tục trong năm 2025, qua đó làm giảm khả năng chia tách (decoupling) hay cạnh tranh gay gắt giữa BRICS và phương Tây.
Có một thực tế cần được quan tâm hơn là BRICS sẽ tiếp tục định hình sự vận động của nền kinh tế toàn cầu. Có nhiều chỉ dấu cho nhận định này. Nổi bật là BRICS đang ngày càng trở thành một khối kinh tế to lớn về mặt thương mại hàng hóa. Bên cạnh đó, BRICS cũng có số lượng người tiêu dùng và lực lượng lao động lớn nhờ vào dân số đông. Nếu không quá đề cao sự “chia tách” (cả về kinh tế và chính trị) với phương Tây và khéo léo không để cho các tranh chấp hay tranh cãi giữa các thành viên làm lu mờ các mục tiêu chung, BRICS sẽ tiếp tục là một khối kinh tế “đáng gờm”. Theo đó, sự mở rộng thành viên với các chương trình hợp tác đa dạng hơn của BRICS sẽ tiếp tục trong năm 2025.
Mời quý vị tiếp tục đón đọc bài viết tiếp theo trong chuỗi bài "An ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025" vào ngày mai 18/1/2025 với tựa đề: "Biển Đông năm 2025: Biển động, sóng ngầm và ánh hải đăng le lói".
Từ khoá: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương BRICS cơ chế đa phương