Bộ trưởng Pete Hegseth thăm Philippines: Cam kết nhưng chưa đủ!
Mỹ trấn an Philippines bằng cam kết “sắt son”, tiếp tục viện trợ quân sự, tập trận, hợp tác công nghiệp quốc phòng, nhưng phớt lờ cam kết bảo vệ đồng minh và không đưa thêm vũ khí tối tân đến quốc gia châu Á. Sự mơ hồ của Mỹ buộc Philippines phải ráo riết mở rộng mạng lưới đồng minh để giảm phụ thuộc vào Washington.


Ngày 28/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã có chuyến thăm chính thức đến Philippines. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Hegseth trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc. Ông Hegseth đã gặp Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trong nửa ngày đầu và hội đàm với người đồng cấp Gilberto Teodoro Jr. trong khoảng thời gian sau đó.
Mỹ cam kết “sắt đá” với Philippines
Chuyến thăm của ông Hegseth chủ yếu nhằm khẳng định cam kết của Mỹ rằng chính quyền Donald Trump sẽ tiếp tục coi trọng mối quan hệ đồng minh với Philippines. Washington quyết định khôi phục hoàn toàn gói viện trợ quân sự trị giá 500 triệu USD cho Philippines (được Tổng thống Joe Biden phê duyệt vào tháng 7/2024). Trước đó, vào tháng 2, Washington chỉ mới miễn đóng băng 336 triệu USD viện trợ quân sự cho Manila.
Đồng thời, ông Hegseth đã bày tỏ cam kết “sắt đá” (ironclad) trong hợp tác quốc phòng với Philippines. Đây là phát ngôn có tính kế thừa, bởi chính phủ tiền nhiệm Joe Biden đã từng sử dụng từ ngữ trên trong Tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines hồi tháng 4/2024. Cùng với đó, Washington khẳng định sẽ tăng cường liên minh quân sự với Manila để tái thiết lập khả năng răn đe chống lại “sự gây hấn của Cộng sản Trung Quốc ở khu vực” (Communist China’s aggression in the region). Cụm từ “Cộng sản Trung Quốc” rất đáng chú ý. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, Washington đã tránh cách gọi nhạy cảm này, thay vào đó chỉ đề cập một cách ngắn gọn là “Trung Quốc.”
Với những cam kết trên, chuyến thăm của ông Hegseth đã gặt hái được ba kết quả quan trọng. Trước hết, Washington sẽ triển khai thêm năng lực quân sự tiên tiến đến Philippines. Cụ thể, ông Hegseth cho biết Mỹ sẽ triển khai Hệ thống đánh chặn tàu viễn chinh Hải quân - Thủy quân lục chiến (NMESIS) đến Philippines để tham gia tập trận Balikatan 2025 vào tháng 4. NMESIS là một nền tảng tên lửa chống hạm di động, được phát triển cho Thủy quân lục chiến Mỹ, chuyên thực hiện các chiến dịch kiểm soát và ngăn chặn trên biển trong môi trường chiến tranh ven bờ, nơi mà việc triển khai lực lượng hải quân truyền thống có thể gặp nhiều hạn chế.
Cùng với NMESIS, cuộc tập trận Balikatan sắp tới sẽ có thêm sự xuất hiện của các phương tiện mặt nước không người lái (USV), nhưng ông Hegseth không nói rõ đó là loại nào. Việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump triển khai USV đến Philippines là sự kế thừa, bởi trong năm cuối cùng của người tiền nhiệm Biden, Mỹ đã tặng Manila hai loại USV là T-12 MANTAS và Devil Ray T-38 (cũng là các USV đầu tiên mà Hải quân Philippines sở hữu).
Bên cạnh đó, các lực lượng hoạt động đặc biệt của hai bên sẽ tham gia huấn luyện chung ở tỉnh Batanes trong thời gian tới. Tỉnh Batanes nằm ở cực Bắc của Philippines, cách đảo Luzon khoảng 162km về phía Bắc qua Eo biển Luzon. Chính vì nằm ở cực Bắc của Philippines, tỉnh Batanes chỉ cách Đài Loan khoảng 190km.
Địa hình của Batanes đa phần là đồi núi và bờ biển dốc; điều kiện thời tiết nơi đây cũng rất khắc nghiệt. Do đó, Batanes là một địa điểm lý tưởng để các lực lượng đặc biệt có thể trải qua huấn luyện tác chiến trong môi trường khó khăn, từ đó giúp nâng cao kỹ năng phòng thủ đảo, đổ bộ, và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Từ góc độ chiến lược, kế hoạch tập trận tại Batanes khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Philippines. Sự gắn kết này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phòng thủ nhiều lớp (layered defense) mà Washington đang triển khai trong khu vực. Nếu một cuộc khủng hoảng quân sự ở Eo biển Đài Loan xảy ra, Mỹ có thể tận dụng Batanes như một trạm trung gian để triển khai các lực lượng hỗ trợ Đài Loan. Vị trí này có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi đảo chiến lược trải dài từ Nhật Bản đến Philippines, giúp Mỹ kiểm soát hành lang di chuyển của Hải quân Trung Quốc trong khu vực.
Xét rộng hơn, cuộc tập trận tại Batanes cho thấy Washington và Manila có xu hướng “Bắc tiến” để tiến gần hơn đến kiềm toả Trung Quốc. Khi hai nước ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) vào năm 2014, Philippines đã trao cho Mỹ quyền tiếp cận bốn căn cứ không quân và một căn cứ lục quân với hình thức triển khai lực lượng đồn trú luân phiên.
Tuy nhiên, không có địa điểm nào trong năm căn cứ trên nằm ở phía Bắc đảo Luzon, miền Bắc Philippines. Bắc Luzon có vị trí trọng yếu bởi nơi này nằm án ngữ khu vực mà các tàu chiến Mỹ từ Thái Bình Dương thường di chuyển qua để vào Biển Đông. Đồng thời, Bắc Luzon còn rất gần Đài Loan, giúp Mỹ có thể “canh giữ” Eo biển Đài Loan thuận tiện hơn, từ đó tăng cường khả năng răn đe Trung Quốc. Cuối cùng, trong thỏa thuận EDCA bổ sung vào tháng 2/2023, có đến ba trong bốn căn cứ mới được Philippines cấp quyền cho Mỹ đồn trú nằm ở Bắc Luzon, bao gồm Camilo Osias, Lal-lo, và Melchor Dela Cruz.
Hai đồng minh cũng cam kết tăng cường gắn kết về quốc phòng thông qua hợp tác chặt chẽ hơn về nền tảng công nghiệp quốc phòng, với các nội dung ưu tiên là sản xuất các hệ thống không người lái và trao đổi hậu cần. Hợp tác công nghiệp quốc phòng được kỳ vọng sẽ đóng góp thêm vào nỗ lực hiện đại hóa và nội địa hóa trang bị cho quân đội Philippines, từ đó giúp quốc gia này tăng cường khả năng tự chủ trong đảm bảo an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất các hệ thống không người lái có thể giúp Manila giám sát và răn đe tốt hơn tại các vùng biển tranh chấp mà không cần tốn quá nhiều nguồn lực. Hệ thống này cũng phù hợp với ngân sách không mấy dư dả của nước này.
Hợp tác quốc phòng vẫn thiếu đột phá
Bên cạnh các cam kết và thỏa thuận nêu trên, quan hệ quốc phòng hai nước còn những hạn chế mà chuyến thăm vừa qua của ông Hegseth chưa giải quyết được. Cụ thể, Mỹ chưa thực sự đầu tư đúng mức để giúp củng cố năng lực quân sự của Philippines. Những cam kết về hỗ trợ huấn luyện và triển khai một số khí tài không đủ để giúp Manila cải thiện đáng kể năng lực phòng thủ. Lý do là các vũ khí mà Mỹ sắp triển khai đến đồng minh, như hệ thống NMESIS hay các USV, không phải là những khí tài tối tân đủ sức răn đe Trung Quốc.
Quan trọng hơn, Mỹ vẫn chưa có chiến lược rõ ràng để giúp Philippines đối phó với Trung Quốc một cách hiệu quả. Dù ông Hegseth liên tục nhấn mạnh cam kết “sắt đá” của Mỹ dành cho Philippines, nhưng người đứng đầu Lầu Năm Góc lại không đưa ra bất kỳ kế hoạch chi tiết nào về việc Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Trung Quốc tiếp tục quấy rối tàu thuyền Philippines ở Biển Đông. Mỹ cũng không làm rõ thêm về Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký năm 1951 giữa hai nước. Cho đến nay, vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng nào về việc liệu các hành vi quấy rối theo “chiến thuật vùng xám” (gray zone tactics) của Trung Quốc ở Biển Đông, như đâm va tàu cá hay dùng vòi rồng tấn công vào tàu Philippines, có được coi là hành động tấn công vũ trang hay không. Sự mơ hồ này có thể giúp Mỹ “có một đường lui” để không phải tham chiến trực tiếp với lực lượng hùng mạnh của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, dù Mỹ cam kết tham gia hợp tác công nghiệp quốc phòng với Philippines, vẫn chưa rõ liệu siêu cường có sẵn sàng chuyển giao công nghệ và giúp đồng minh Đông Nam Á tự chủ về quốc phòng hơn hay không. Hơn nữa, nội dung cam kết hợp tác công nghiệp quốc phòng chỉ xoay quanh hệ thống không người lái và hợp tác hậu cần mà không bao hàm những vũ khí tối tân hơn. Thực tế này dường như cho thấy sự kém nhiệt tình trong các bước đi của chính quyền Trump. Tuy vậy, hợp tác “cầm chừng” có thể cách để Mỹ duy trì “một sợi dây vô hình” buộc chặt Philippines và khiến Manila phải trong trạng thái phụ thuộc cũng như phải mua vũ khí của Washington thay vì cố gắng nội địa hóa.
Ngoài ra, chuyến thăm lần này cũng không tạo ra bước đột phá nào trong việc đảm bảo rằng hợp tác quốc phòng Mỹ - Phi sẽ bền vững bất chấp những biến động chính trị. Dù là đồng minh, song mối quan hệ này không phải lúc nào cũng ổn định, mà phụ thuộc khá nhiều vào ý chí của lãnh đạo hai nước, nhất là từ phía Philippines. Tình hình đang diễn biến tốt hiện nay chủ yếu nhờ Tổng thống Marcos có xu hướng thân Mỹ hơn nhiều so với chính phủ tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng những nhà lãnh đạo tương lai sẽ tiếp tục ủng hộ sự gắn kết về quốc phòng giữa hai nước. Đây chính là rủi ro đòi hỏi đôi bên cần có những thỏa thuận mang tính chiến lược để tạo nền tảng cho các cam kết lâu dài và mang tính thể chế hoá.
Nhìn chung, cam kết mơ hồ của Mỹ dành cho Philippines là có thể hiểu được. Dù là đồng minh thân thiết, Washington hầu như không mấy quan tâm đến việc bảo vệ Philippines, dẫu cho Trung Quốc đã thực hiện nhiều vụ đâm va và phun vòi rồng đối với lực lượng chấp pháp và tàu cá của Manila. Một mặt, như đã đề cập, Mỹ có lẽ không muốn phải tham chiến trực tiếp tại Đông Nam Á, nhất là đối đầu trực diện với hải quân Trung Quốc hùng mạnh. Mặt khác, mức độ chi tiêu cho quốc phòng của Philippines vẫn còn quá ít, và đây có thể là nguyên nhân khiến chính quyền Trump không mặn mà trong việc tạo ra bước đột phá trong quan hệ với Manila.
Trong năm 2023, chi tiêu cho quốc phòng của Philippines chỉ chiếm 1,4% so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức chi tiêu cho năm 2025 thậm chí có thể giảm đi, chỉ còn chiếm 0,93% GDP. Thực trạng này có thể khiến Trump không hài lòng, vì nhà lãnh đạo Mỹ thường xuyên yêu cầu các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải đáp ứng chi tiêu quốc phòng tối thiểu 2% GDP, và thậm chí buộc các quốc gia đồng minh phải phấn đấu đạt đến mức 5%. Thêm vào đó, láng giềng của Philippines là Đài Loan còn từng bị Trump yêu cầu phải nâng ngân sách quốc phòng lên 10% GDP.
Philippines bù đắp bằng các đồng minh khác
Trong bối cảnh Mỹ duy trì cam kết nhưng không muốn tạo ra sự đột phá, còn Tổng thống Trump lại nổi tiếng là nhà lãnh đạo thất thường, Philippines đang nỗ lực để không phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ an ninh từ Washington. Quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh đa dạng hóa đồng minh trên khắp các châu lục nhằm phòng ngừa rủi ro và tìm kiếm các lợi ích lâu dài.
Thời gian qua, Manila đã tích cực xúc tiến/hoàn tất các thỏa thuận quan trọng. Trường hợp nổi bật nhất đến hiện nay là Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (Reciprocal Access Agreement - RAA) giữa Philippines và Nhật Bản vào tháng 7/2024 nhằm thiết lập các điều kiện thuận lợi đặc biệt cho lực lượng quân đội mỗi nước khi đến hoạt động tại địa phận của nhau. Từ động lực của RAA, Manila và Tokyo đã tổ chức cuộc tập trận song phương đầu tiên trên Biển Đông vào tháng 8/2024, diễn tập không quân chung tại Philippines vào tháng 10/2024 (tập trung vào hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai), và tiến hành hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Philippines hồi tháng 2/2025.
Sau khi đã hoàn tất RAA với Nhật Bản, chính phủ Marcos đang xúc tiến các thỏa thuận quân sự với Pháp, Canada và New Zealand. Theo đó, Philippines bắt đầu đàm phán với Pháp về Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (Visiting Forces Agreement - VFA) và hoàn tất vòng đàm phán cuối cùng với New Zealand và Canada về Thỏa thuận Tình trạng Lực lượng Thăm viếng (Status of Visiting Forces Agreement - SOVFA). Nhìn chung, các thỏa thuận quốc phòng này đều nhằm giúp Philippines và các quốc gia đối tác có thể thuận tiện hơn trong việc tiến hành huấn luyện, tập trận chung và triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau.
Cùng với đó, Manila đã xúc tiến các hợp đồng về mua sắm vũ khí theo định hướng của Đạo luật Khôi phục Thế trận Quốc phòng Tự chủ (Self-Reliant Defense Posture Revitalization Act) mà Tổng thống Marcos ký hồi tháng 10/2024. Đạo luật này đặt mục tiêu tăng cường các nỗ lực hiện đại đại hóa lực lượng vũ trang và nhất là thúc đẩy công nghiệp quốc phòng nội địa thông qua chuyển giao công nghệ.
Trên tinh thần đó, Philippines đã đạt thỏa thuận vay 64,38 tỷ Yen (413 triệu USD) từ Nhật Bản để mua năm tàu tuần tra Phản ứng Đa chức năng (MRRV) dài 97m. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã phê duyệt thương vụ mua 40 tàu tuần tra nhanh, dài khoảng 35m, do Pháp sản xuất. Đáng chú ý, 50% trong số 40 tàu tuần tra nhanh mua từ Pháp sẽ được đóng tại Philippines, tạo cơ hội để Manila tiếp nhận công nghệ và góp phần phát triển ngành công nghiệp đóng tàu trong nước.
Ngoài ra, Philippines đã ký Thỏa thuận Thực hiện Liên quan đến việc Mua sắm Vật tư và Thiết bị Quốc phòng (Implementing Arrangement Concerning the Procurement of Defense Materiel and Equipment) với Thụy Điển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Manila mua sắm các hệ thống quốc phòng của quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là máy bay chiến đấu đa năng.
Philippines hiện chỉ có 12 chiếc FA-50 (máy bay huấn luyện chiến đấu hạng nhẹ) từ Hàn Quốc và không có máy bay chiến đấu thế hệ 4+ nào (hiện đại nhất hiện nay là thế hệ thứ 5). Vì thế, Manila cần một máy bay chiến đấu đa năng để nâng cấp năng lực tác chiến trên không, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông. JAS 39 Gripen là một sản phẩm phù hợp cho nhu cầu trên. Bên cạnh đó, so với sản phẩm cạnh tranh là F-16 của Mỹ, dòng JAS 39 Gripen rẻ hơn nhiều và dễ bảo trì hơn.
Dù Philippines đã đạt được một số thỏa thuận mua vũ khí nhất định, nhưng nhìn chung các vũ khí này chủ yếu là các khí tài hạng nhẹ (như tàu tuần tra). Trong khi đó, chưa có dấu hiệu cho thấy việc đàm phán mua máy bay từ Thụy Điển sẽ sớm đi đến kết quả cuối cùng. Vì thế, Philippines dưới thời Tổng thống Marcos dù rất tham vọng hiện đại hóa lực lượng vũ trang nhưng tốc độ triển khai vẫn còn tương đối chậm và chưa tạo ra bước ngoặt.
Với thực trạng đó, trong thời gian tới, tăng cường mua sắm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ quốc phòng nhiều khả năng sẽ là ưu tiên hàng đầu của Philippines khi tương tác với các quốc gia đồng minh. Trong đó, hệ thống tên lửa phòng không Type 81 của Nhật Bản có thể là một mặt hàng nằm trong danh sách xem xét, vì Philippines đã quan tâm hệ thống này trong thời gian qua, còn Nhật Bản cũng đã loại biên và không còn nhu cầu sử dụng.
Ngoài tăng cường năng lực quốc phòng, Philippines có thể gia tăng tần suất tổ chức thăm viếng, mở rộng các chương trình huấn luyện và diễn tập quân sự chung với Nhật Bản trên tinh thần RAA; sớm ký kết SOVFA với Canada và New Zealand; thậm chí có thể kêu gọi các quốc gia chưa tham gia tập trận với Manila tại Biển Đông (như New Zealand, Đức, Anh…) đưa lực lượng hải quân đến vùng biển này.

Ngày 28/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã có chuyến thăm chính thức đến Philippines. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Hegseth trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc. Ông Hegseth đã gặp Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trong nửa ngày đầu và hội đàm với người đồng cấp Gilberto Teodoro Jr. trong khoảng thời gian sau đó.
Mỹ cam kết “sắt đá” với Philippines
Chuyến thăm của ông Hegseth chủ yếu nhằm khẳng định cam kết của Mỹ rằng chính quyền Donald Trump sẽ tiếp tục coi trọng mối quan hệ đồng minh với Philippines. Washington quyết định khôi phục hoàn toàn gói viện trợ quân sự trị giá 500 triệu USD cho Philippines (được Tổng thống Joe Biden phê duyệt vào tháng 7/2024). Trước đó, vào tháng 2, Washington chỉ mới miễn đóng băng 336 triệu USD viện trợ quân sự cho Manila.
Đồng thời, ông Hegseth đã bày tỏ cam kết “sắt đá” (ironclad) trong hợp tác quốc phòng với Philippines. Đây là phát ngôn có tính kế thừa, bởi chính phủ tiền nhiệm Joe Biden đã từng sử dụng từ ngữ trên trong Tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines hồi tháng 4/2024. Cùng với đó, Washington khẳng định sẽ tăng cường liên minh quân sự với Manila để tái thiết lập khả năng răn đe chống lại “sự gây hấn của Cộng sản Trung Quốc ở khu vực” (Communist China’s aggression in the region). Cụm từ “Cộng sản Trung Quốc” rất đáng chú ý. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, Washington đã tránh cách gọi nhạy cảm này, thay vào đó chỉ đề cập một cách ngắn gọn là “Trung Quốc.”
Với những cam kết trên, chuyến thăm của ông Hegseth đã gặt hái được ba kết quả quan trọng. Trước hết, Washington sẽ triển khai thêm năng lực quân sự tiên tiến đến Philippines. Cụ thể, ông Hegseth cho biết Mỹ sẽ triển khai Hệ thống đánh chặn tàu viễn chinh Hải quân - Thủy quân lục chiến (NMESIS) đến Philippines để tham gia tập trận Balikatan 2025 vào tháng 4. NMESIS là một nền tảng tên lửa chống hạm di động, được phát triển cho Thủy quân lục chiến Mỹ, chuyên thực hiện các chiến dịch kiểm soát và ngăn chặn trên biển trong môi trường chiến tranh ven bờ, nơi mà việc triển khai lực lượng hải quân truyền thống có thể gặp nhiều hạn chế.
Cùng với NMESIS, cuộc tập trận Balikatan sắp tới sẽ có thêm sự xuất hiện của các phương tiện mặt nước không người lái (USV), nhưng ông Hegseth không nói rõ đó là loại nào. Việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump triển khai USV đến Philippines là sự kế thừa, bởi trong năm cuối cùng của người tiền nhiệm Biden, Mỹ đã tặng Manila hai loại USV là T-12 MANTAS và Devil Ray T-38 (cũng là các USV đầu tiên mà Hải quân Philippines sở hữu).
Bên cạnh đó, các lực lượng hoạt động đặc biệt của hai bên sẽ tham gia huấn luyện chung ở tỉnh Batanes trong thời gian tới. Tỉnh Batanes nằm ở cực Bắc của Philippines, cách đảo Luzon khoảng 162km về phía Bắc qua Eo biển Luzon. Chính vì nằm ở cực Bắc của Philippines, tỉnh Batanes chỉ cách Đài Loan khoảng 190km.
Địa hình của Batanes đa phần là đồi núi và bờ biển dốc; điều kiện thời tiết nơi đây cũng rất khắc nghiệt. Do đó, Batanes là một địa điểm lý tưởng để các lực lượng đặc biệt có thể trải qua huấn luyện tác chiến trong môi trường khó khăn, từ đó giúp nâng cao kỹ năng phòng thủ đảo, đổ bộ, và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Từ góc độ chiến lược, kế hoạch tập trận tại Batanes khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Philippines. Sự gắn kết này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phòng thủ nhiều lớp (layered defense) mà Washington đang triển khai trong khu vực. Nếu một cuộc khủng hoảng quân sự ở Eo biển Đài Loan xảy ra, Mỹ có thể tận dụng Batanes như một trạm trung gian để triển khai các lực lượng hỗ trợ Đài Loan. Vị trí này có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi đảo chiến lược trải dài từ Nhật Bản đến Philippines, giúp Mỹ kiểm soát hành lang di chuyển của Hải quân Trung Quốc trong khu vực.
Xét rộng hơn, cuộc tập trận tại Batanes cho thấy Washington và Manila có xu hướng “Bắc tiến” để tiến gần hơn đến kiềm toả Trung Quốc. Khi hai nước ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) vào năm 2014, Philippines đã trao cho Mỹ quyền tiếp cận bốn căn cứ không quân và một căn cứ lục quân với hình thức triển khai lực lượng đồn trú luân phiên.
Tuy nhiên, không có địa điểm nào trong năm căn cứ trên nằm ở phía Bắc đảo Luzon, miền Bắc Philippines. Bắc Luzon có vị trí trọng yếu bởi nơi này nằm án ngữ khu vực mà các tàu chiến Mỹ từ Thái Bình Dương thường di chuyển qua để vào Biển Đông. Đồng thời, Bắc Luzon còn rất gần Đài Loan, giúp Mỹ có thể “canh giữ” Eo biển Đài Loan thuận tiện hơn, từ đó tăng cường khả năng răn đe Trung Quốc. Cuối cùng, trong thỏa thuận EDCA bổ sung vào tháng 2/2023, có đến ba trong bốn căn cứ mới được Philippines cấp quyền cho Mỹ đồn trú nằm ở Bắc Luzon, bao gồm Camilo Osias, Lal-lo, và Melchor Dela Cruz.
Hai đồng minh cũng cam kết tăng cường gắn kết về quốc phòng thông qua hợp tác chặt chẽ hơn về nền tảng công nghiệp quốc phòng, với các nội dung ưu tiên là sản xuất các hệ thống không người lái và trao đổi hậu cần. Hợp tác công nghiệp quốc phòng được kỳ vọng sẽ đóng góp thêm vào nỗ lực hiện đại hóa và nội địa hóa trang bị cho quân đội Philippines, từ đó giúp quốc gia này tăng cường khả năng tự chủ trong đảm bảo an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất các hệ thống không người lái có thể giúp Manila giám sát và răn đe tốt hơn tại các vùng biển tranh chấp mà không cần tốn quá nhiều nguồn lực. Hệ thống này cũng phù hợp với ngân sách không mấy dư dả của nước này.
Hợp tác quốc phòng vẫn thiếu đột phá
Bên cạnh các cam kết và thỏa thuận nêu trên, quan hệ quốc phòng hai nước còn những hạn chế mà chuyến thăm vừa qua của ông Hegseth chưa giải quyết được. Cụ thể, Mỹ chưa thực sự đầu tư đúng mức để giúp củng cố năng lực quân sự của Philippines. Những cam kết về hỗ trợ huấn luyện và triển khai một số khí tài không đủ để giúp Manila cải thiện đáng kể năng lực phòng thủ. Lý do là các vũ khí mà Mỹ sắp triển khai đến đồng minh, như hệ thống NMESIS hay các USV, không phải là những khí tài tối tân đủ sức răn đe Trung Quốc.
Quan trọng hơn, Mỹ vẫn chưa có chiến lược rõ ràng để giúp Philippines đối phó với Trung Quốc một cách hiệu quả. Dù ông Hegseth liên tục nhấn mạnh cam kết “sắt đá” của Mỹ dành cho Philippines, nhưng người đứng đầu Lầu Năm Góc lại không đưa ra bất kỳ kế hoạch chi tiết nào về việc Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Trung Quốc tiếp tục quấy rối tàu thuyền Philippines ở Biển Đông. Mỹ cũng không làm rõ thêm về Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký năm 1951 giữa hai nước. Cho đến nay, vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng nào về việc liệu các hành vi quấy rối theo “chiến thuật vùng xám” (gray zone tactics) của Trung Quốc ở Biển Đông, như đâm va tàu cá hay dùng vòi rồng tấn công vào tàu Philippines, có được coi là hành động tấn công vũ trang hay không. Sự mơ hồ này có thể giúp Mỹ “có một đường lui” để không phải tham chiến trực tiếp với lực lượng hùng mạnh của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, dù Mỹ cam kết tham gia hợp tác công nghiệp quốc phòng với Philippines, vẫn chưa rõ liệu siêu cường có sẵn sàng chuyển giao công nghệ và giúp đồng minh Đông Nam Á tự chủ về quốc phòng hơn hay không. Hơn nữa, nội dung cam kết hợp tác công nghiệp quốc phòng chỉ xoay quanh hệ thống không người lái và hợp tác hậu cần mà không bao hàm những vũ khí tối tân hơn. Thực tế này dường như cho thấy sự kém nhiệt tình trong các bước đi của chính quyền Trump. Tuy vậy, hợp tác “cầm chừng” có thể cách để Mỹ duy trì “một sợi dây vô hình” buộc chặt Philippines và khiến Manila phải trong trạng thái phụ thuộc cũng như phải mua vũ khí của Washington thay vì cố gắng nội địa hóa.
Ngoài ra, chuyến thăm lần này cũng không tạo ra bước đột phá nào trong việc đảm bảo rằng hợp tác quốc phòng Mỹ - Phi sẽ bền vững bất chấp những biến động chính trị. Dù là đồng minh, song mối quan hệ này không phải lúc nào cũng ổn định, mà phụ thuộc khá nhiều vào ý chí của lãnh đạo hai nước, nhất là từ phía Philippines. Tình hình đang diễn biến tốt hiện nay chủ yếu nhờ Tổng thống Marcos có xu hướng thân Mỹ hơn nhiều so với chính phủ tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng những nhà lãnh đạo tương lai sẽ tiếp tục ủng hộ sự gắn kết về quốc phòng giữa hai nước. Đây chính là rủi ro đòi hỏi đôi bên cần có những thỏa thuận mang tính chiến lược để tạo nền tảng cho các cam kết lâu dài và mang tính thể chế hoá.
Nhìn chung, cam kết mơ hồ của Mỹ dành cho Philippines là có thể hiểu được. Dù là đồng minh thân thiết, Washington hầu như không mấy quan tâm đến việc bảo vệ Philippines, dẫu cho Trung Quốc đã thực hiện nhiều vụ đâm va và phun vòi rồng đối với lực lượng chấp pháp và tàu cá của Manila. Một mặt, như đã đề cập, Mỹ có lẽ không muốn phải tham chiến trực tiếp tại Đông Nam Á, nhất là đối đầu trực diện với hải quân Trung Quốc hùng mạnh. Mặt khác, mức độ chi tiêu cho quốc phòng của Philippines vẫn còn quá ít, và đây có thể là nguyên nhân khiến chính quyền Trump không mặn mà trong việc tạo ra bước đột phá trong quan hệ với Manila.
Trong năm 2023, chi tiêu cho quốc phòng của Philippines chỉ chiếm 1,4% so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức chi tiêu cho năm 2025 thậm chí có thể giảm đi, chỉ còn chiếm 0,93% GDP. Thực trạng này có thể khiến Trump không hài lòng, vì nhà lãnh đạo Mỹ thường xuyên yêu cầu các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải đáp ứng chi tiêu quốc phòng tối thiểu 2% GDP, và thậm chí buộc các quốc gia đồng minh phải phấn đấu đạt đến mức 5%. Thêm vào đó, láng giềng của Philippines là Đài Loan còn từng bị Trump yêu cầu phải nâng ngân sách quốc phòng lên 10% GDP.
Philippines bù đắp bằng các đồng minh khác
Trong bối cảnh Mỹ duy trì cam kết nhưng không muốn tạo ra sự đột phá, còn Tổng thống Trump lại nổi tiếng là nhà lãnh đạo thất thường, Philippines đang nỗ lực để không phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ an ninh từ Washington. Quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh đa dạng hóa đồng minh trên khắp các châu lục nhằm phòng ngừa rủi ro và tìm kiếm các lợi ích lâu dài.
Thời gian qua, Manila đã tích cực xúc tiến/hoàn tất các thỏa thuận quan trọng. Trường hợp nổi bật nhất đến hiện nay là Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (Reciprocal Access Agreement - RAA) giữa Philippines và Nhật Bản vào tháng 7/2024 nhằm thiết lập các điều kiện thuận lợi đặc biệt cho lực lượng quân đội mỗi nước khi đến hoạt động tại địa phận của nhau. Từ động lực của RAA, Manila và Tokyo đã tổ chức cuộc tập trận song phương đầu tiên trên Biển Đông vào tháng 8/2024, diễn tập không quân chung tại Philippines vào tháng 10/2024 (tập trung vào hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai), và tiến hành hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Philippines hồi tháng 2/2025.
Sau khi đã hoàn tất RAA với Nhật Bản, chính phủ Marcos đang xúc tiến các thỏa thuận quân sự với Pháp, Canada và New Zealand. Theo đó, Philippines bắt đầu đàm phán với Pháp về Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (Visiting Forces Agreement - VFA) và hoàn tất vòng đàm phán cuối cùng với New Zealand và Canada về Thỏa thuận Tình trạng Lực lượng Thăm viếng (Status of Visiting Forces Agreement - SOVFA). Nhìn chung, các thỏa thuận quốc phòng này đều nhằm giúp Philippines và các quốc gia đối tác có thể thuận tiện hơn trong việc tiến hành huấn luyện, tập trận chung và triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau.
Cùng với đó, Manila đã xúc tiến các hợp đồng về mua sắm vũ khí theo định hướng của Đạo luật Khôi phục Thế trận Quốc phòng Tự chủ (Self-Reliant Defense Posture Revitalization Act) mà Tổng thống Marcos ký hồi tháng 10/2024. Đạo luật này đặt mục tiêu tăng cường các nỗ lực hiện đại đại hóa lực lượng vũ trang và nhất là thúc đẩy công nghiệp quốc phòng nội địa thông qua chuyển giao công nghệ.
Trên tinh thần đó, Philippines đã đạt thỏa thuận vay 64,38 tỷ Yen (413 triệu USD) từ Nhật Bản để mua năm tàu tuần tra Phản ứng Đa chức năng (MRRV) dài 97m. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã phê duyệt thương vụ mua 40 tàu tuần tra nhanh, dài khoảng 35m, do Pháp sản xuất. Đáng chú ý, 50% trong số 40 tàu tuần tra nhanh mua từ Pháp sẽ được đóng tại Philippines, tạo cơ hội để Manila tiếp nhận công nghệ và góp phần phát triển ngành công nghiệp đóng tàu trong nước.
Ngoài ra, Philippines đã ký Thỏa thuận Thực hiện Liên quan đến việc Mua sắm Vật tư và Thiết bị Quốc phòng (Implementing Arrangement Concerning the Procurement of Defense Materiel and Equipment) với Thụy Điển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Manila mua sắm các hệ thống quốc phòng của quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là máy bay chiến đấu đa năng.
Philippines hiện chỉ có 12 chiếc FA-50 (máy bay huấn luyện chiến đấu hạng nhẹ) từ Hàn Quốc và không có máy bay chiến đấu thế hệ 4+ nào (hiện đại nhất hiện nay là thế hệ thứ 5). Vì thế, Manila cần một máy bay chiến đấu đa năng để nâng cấp năng lực tác chiến trên không, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông. JAS 39 Gripen là một sản phẩm phù hợp cho nhu cầu trên. Bên cạnh đó, so với sản phẩm cạnh tranh là F-16 của Mỹ, dòng JAS 39 Gripen rẻ hơn nhiều và dễ bảo trì hơn.
Dù Philippines đã đạt được một số thỏa thuận mua vũ khí nhất định, nhưng nhìn chung các vũ khí này chủ yếu là các khí tài hạng nhẹ (như tàu tuần tra). Trong khi đó, chưa có dấu hiệu cho thấy việc đàm phán mua máy bay từ Thụy Điển sẽ sớm đi đến kết quả cuối cùng. Vì thế, Philippines dưới thời Tổng thống Marcos dù rất tham vọng hiện đại hóa lực lượng vũ trang nhưng tốc độ triển khai vẫn còn tương đối chậm và chưa tạo ra bước ngoặt.
Với thực trạng đó, trong thời gian tới, tăng cường mua sắm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ quốc phòng nhiều khả năng sẽ là ưu tiên hàng đầu của Philippines khi tương tác với các quốc gia đồng minh. Trong đó, hệ thống tên lửa phòng không Type 81 của Nhật Bản có thể là một mặt hàng nằm trong danh sách xem xét, vì Philippines đã quan tâm hệ thống này trong thời gian qua, còn Nhật Bản cũng đã loại biên và không còn nhu cầu sử dụng.
Ngoài tăng cường năng lực quốc phòng, Philippines có thể gia tăng tần suất tổ chức thăm viếng, mở rộng các chương trình huấn luyện và diễn tập quân sự chung với Nhật Bản trên tinh thần RAA; sớm ký kết SOVFA với Canada và New Zealand; thậm chí có thể kêu gọi các quốc gia chưa tham gia tập trận với Manila tại Biển Đông (như New Zealand, Đức, Anh…) đưa lực lượng hải quân đến vùng biển này.
Từ khoá: Philippines viện trợ quân sự Mỹ đồng minh quân sự