Vì sao Đài Loan gọi Trung Quốc là “lực lượng thù địch nước ngoài”?

Thái độ cứng rắn của chính quyền Lại Thanh Đức là phản ánh đối với áp lực gia tăng từ Bắc Kinh đồng thời là nước cờ chính trị hướng đến phe đối lập và Tổng thống Donald Trump.

Trương Tuấn Kiệt 04/04/2025
Image
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức thăm căn cứ không quân Tùng Sơn ở Đài Bắc vào ngày 21/3 - (C) I-Hwa Cheng/AFP/Getty Images

Ngày 13/3, Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) đã có một quyết định táo bạo khi chính thức gọi Trung Quốc là “lực lượng thù địch nước ngoài” (foreign hostile force). Để đối phó với Bắc Kinh, ông Lại đã đề xuất kế hoạch gồm 17 điểm, trong đó nổi bật là khôi phục hệ thống tòa án quân sự để xử lý các tội như gián điệp và phản quốc; thắt chặt tiêu chí cư trú cho người đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao; và hạn chế những cá nhân có liên hệ với tổ chức “Mặt trận Thống nhất” (United Front) của Trung Quốc nhập cảnh vào Đài Loan.  

Vì đâu nên nỗi? 

Trước hết, một trong những lý do cơ bản nhất để giải thích cho quyết định của ông Lại là kể từ khi nhà lãnh đạo này lên nắm quyền ở Đài Loan (tháng 5/2024) cho đến nay, Trung Quốc đã không ngừng gây sức ép và phá hoại Đài Loan ở cường độ cao. Bắc Kinh đã triển khai hàng loạt cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Eo biển Đài Loan. Vào tháng 10/2024, có đến 125 máy bay chiến đấu (con số kỷ lục), tàu sân bay Liêu Ninh và nhiều tàu chiến khác cùng tham gia bao vây đảo lớn Đài Loan và các đảo ngoài khơi khác. 

Không chỉ tập trận, Trung Quốc còn triển khai nhiều hoạt động phi quân sự khác. “Giọt nước tràn ly” đối với Đài Bắc là việc Bắc Kinh sử dụng nhiều kênh và chiến thuật khác nhau để cài gián điệp thâm nhập vào quân đội, các cơ quan chính phủ và tổ chức thân Trung Quốc ở Đài Loan. Mục đích của các hành động này là nhằm đánh cắp những tài liệu mật về quốc phòng, xúi giục người Đài Loan đầu hàng quân đội Trung Quốc nếu có chiến sự xảy ra, hoặc thành lập các nhóm vũ trang hỗ trợ Đại lục trong trường hợp nước này tấn công chiếm đảo. Bắc Kinh chủ yếu nhắm đến các đối tượng là quân nhân Đài Loan tại ngũ hoặc đã nghỉ hưu. 

Theo Cơ quan An ninh Quốc gia Đài Loan, có đến 64 người bị truy tố là gián điệp trong năm 2024, cao hơn năm 2023 (48 vụ), và 2022 (10 vụ). Thực trạng này chính là lý do trực tiếp mà Tổng thống Lại quyết định gọi người hàng xóm khó chịu là “lực lượng thù địch nước ngoài”.    

Tuy nhiên, vẫn có những lý do khác thôi thúc ông Lại cứng rắn hơn trong tuyên bố của mình. Xem xét về chính trường Đài Loan, hiện nay Lập pháp Viện (cơ quan được xem là Quốc hội của hòn đảo này) có 113 ghế, trong đó liên minh đối lập Quốc dân Đảng (Kuomintang - KMT) và Đảng Nhân dân Đài Loan (Taiwan People’s Party - TPP) chiếm đa số, lần lượt 54 ghế và 8 ghế. Trong khi đó, Đảng Dân Tiến (Democratic Progressive Party - DPP) của ông Lại Thanh Đức chỉ chiếm 51 ghế. Thực trạng này khiến DPP thường xuyên gặp khó khăn khi theo đuổi các quyết sách quan trọng, nổi bật là ngân sách chính phủ năm 2025.    

KMT cho rằng chi tiêu của chính phủ đang ở mức quá cao, không hiệu quả, lãng phí, nhất là các khoản mua sắm quân sự. Chính vì thế, KMT yêu cầu chính phủ cầm quyền phải cắt giảm ngân sách, nhằm thúc đẩy trách nhiệm tài chính và đảm bảo giám sát tốt hơn các khoản chi tiêu. Nhìn chung, TPP cũng có chung quan điểm với KMT, cho rằng việc cắt giảm một số khoản ngân sách là cần thiết để ngăn chặn các chi phí không cần thiết. Ở chiều ngược lại, DPP phản đối việc cắt giảm ngân sách (nhất là về quốc phòng), cho rằng chúng sẽ gây tổn hại đến an ninh của Đài Loan. Đảng cầm quyền cũng xem các yêu sách của KMT và TPP là nhằm phá hoại, ngăn chặn chính phủ Lại Thanh Đức thực hiện các chính sách của mình.  

Với lợi thế về số ghế, phe đối lập đã thành công khi bỏ phiếu thông qua ngân sách chính phủ năm 2025 với chỉ 2,92 nghìn tỷ Đài tệ (89,15 tỷ USD), giảm tổng cộng 207,5 tỷ Đài tệ so với đề xuất ban đầu của chính phủ. Việc cắt giảm đến 6,6% so với đề xuất ban đầu là một con số kỷ lục trong lịch sử Đài Loan. Trong đó, khoản chi tiêu cho quốc phòng bị cắt giảm mạnh nhất, đặc biệt là chương trình tàu ngầm nội địa của Đài Loan. Đây là sáng kiến dưới thời chính quyền Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), được xem là trọng tâm trong chiến lược phòng thủ dài hạn của Đài Loan nhằm chống lại áp lực quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng các dự án như chương trình tàu ngầm đang bị thiếu minh bạch và cần được giám sát tài chính chặt chẽ hơn trước khi phân bổ thêm tiền.

Phản ứng với kết quả ngân sách chính phủ 2025, Thủ tướng Trác Vinh Thái (Cho Jung-tai) cho rằng việc cắt giảm là “tự sát” (suicidal), có thể làm suy yếu khả năng ngăn chặn các mối đe dọa của Đài Loan. Đối với DPP, chi tiêu quốc phòng vẫn là ưu tiên quốc gia, đặc biệt là khi sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan ngày càng mạnh mẽ, và bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc nâng cao năng lực quân sự đều có thể làm suy yếu sự sẵn sàng của hòn đảo. 

Thêm vào đó, khi triệu tập cuộc họp an ninh quốc gia cấp cao đầu tiên trong năm vào ngày 14/2, Tổng thống Lại tuyên bố sẽ ưu tiên phân bổ thêm một khoản “ngân sách đặc biệt” (special budget) vào cuối năm nay để đẩy tổng chi tiêu quốc phòng lên hơn 3% GDP (mức hiện nay là 2,45%). Tuy nhiên, nếu muốn tăng chi tiêu quốc phòng, chính phủ cần phải được sự chấp thuận của Lập pháp Viện, tức thuyết phục được 2 đảng đối lập còn lại. 

Trong bối cảnh đó, một trong những cách mà đảng cầm quyền có thể sử dụng để gây sức ép lên phe đối lập nhằm thay đổi quan điểm của họ là tiếp tục làm cho câu chuyện căng thẳng với Trung Quốc trở nên cao trào hơn. Một khi mối đe dọa từ Bắc Kinh được khắc họa rõ nét hơn, chính phủ có thể vin vào đó để lập luận rằng nhu cầu tăng cường ngân sách quốc phòng là việc làm cần thiết và phải được thực hiện. Chính vì thế, việc ông Lại cáo buộc Đại lục về vấn đề gián điệp và gọi Trung Quốc là “lực lượng thù địch nước ngoài” có thể nhằm phục vụ cho mục tiêu trên.     

Ngoài ra, sự cứng rắn của chính phủ đương nhiệm đối với mối đe dọa từ Bắc Kinh có thể nhằm lấy lòng Tổng thống Donald Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ từng cáo buộc Đài Loan “đánh cắp ngành công nghiệp chip của Mỹ” (stealing America’s chip industry) và đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng xuất khẩu chất bán dẫn của hòn đảo này. Cùng với đó, ông Trump từng yêu cầu Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 10% GDP.

Tuy nhiên, gần đây, có những chỉ dấu cho thấy Trump muốn “chìa nhành ô liu” đối với Đài Loan. Vào giữa tháng 2, Washington đã xóa bỏ nội dung “Chúng tôi [Mỹ] không ủng hộ Đài Loan độc lập” (We do not support Taiwan independence) trên trang chủ của Bộ Ngoại giao. Động thái này cũng từng được chính quyền Joe Biden thực hiện vào tháng 5/2022, nhưng sau đó một tháng đã khôi phục do áp lực từ Trung Quốc. Đến cuối tháng 2, chính phủ Mỹ quyết định nối lại khoản 870 triệu USD viện trợ an ninh cho Đài Loan. Đài Bắc trở thành một trong những đối tác hiếm hoi trên toàn cầu được Washington miễn đóng băng viện trợ.   

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ lại đưa ra những quyết định trên, bởi để nhận được những “đặc ân” đó, Đài Loan đã có một loạt nỗ lực đáng kể nhằm xoa dịu Trump. Hòn đảo tự trị này đang đàm phán với Washington về một thỏa thuận vũ khí mới trị giá hàng tỷ USD (được ước chừng vào khoảng 7 - 10 tỷ USD). Sau khi ông Trump tuyên bố kế hoạch mở rộng sản xuất dầu và khí đốt để xuất khẩu năng lượng của Mỹ đi khắp thế giới, Đài Bắc cũng rục rịch chuẩn bị tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Washington, với hy vọng giảm thặng dư trong thương mại với xứ cờ hoa. Đáng kể nhất, công ty sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC (Đài Loan) đã quyết định sẽ chi 100 tỷ USD để xây 5 nhà máy tại Mỹ trong vài năm tới. 

Tiếp đà xoa dịu đó, động thái leo thang căng thẳng với Trung Quốc từ chính phủ Lại cũng có thể được xem là một phần trong nỗ lực lấy lòng Trump. Lý do là vì khi mối đe dọa Trung Quốc được chú trọng, ngân sách quốc phòng có thể được tăng thêm, từ đó chính phủ sẽ sử dụng nguồn tiền này để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, và nguồn cung cấp vũ khí chủ đạo cho Đài Loan chủ yếu đến từ Mỹ. 

Như vậy, việc ông Lại quyết định gọi Trung Quốc là “lực lượng thù địch nước ngoài” là bởi sự gia tăng về số lượng gián điệp do Bắc Kinh cài vào Đài Loan; sự “cứng đầu” của phe đối lập trong vấn đề tăng ngân sách hoạt động của chính phủ, nhất là về khoản chi cho quốc phòng; và nhu cầu lấy lòng Trump để nhận lại hỗ trợ về ngoại giao, an ninh, và thuế quan từ Mỹ.

Trung Quốc đáp trả, phe đối lập phản đối

Trung Quốc ngay lập tức phản đối Đài Loan. Cùng ngày với phát biểu gây căng thẳng của ông Lại, phát ngôn viên của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc chính phủ Trung Quốc là Trần Bân Hoa (Chen Binhua) đã tố cáo nhà lãnh đạo Đài Loan có lập trường ngoan cố, khiêu khích, là “một kẻ hủy diệt hòa bình xuyên Eo biển” (destroyer of cross-Straits peace), và là “người tạo ra cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan” (creator of crisis in the Taiwan Straits).  

Ngày 16 và 17/3, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên không và trên biển quy mô lớn gần Đài Loan. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, tổng cộng 59 máy bay quân sự của Trung Quốc đã được phát hiện hoạt động gần hòn đảo tự trị này. Trong đó, có đến 42 chiếc vượt qua đường trung tuyến (median line) Eo biển Đài Loan. Tuy ranh giới này không có cơ sở pháp lý trong luật pháp quốc tế, nhưng trong nhiều thập kỷ, cả Đài Loan và Trung Quốc đều ngầm tuân thủ như một quy tắc bất thành văn để tránh đối đầu trực tiếp. Số lượng 42 chiếc máy bay vượt đường trung tuyến đánh dấu cuộc xâm nhập lớn nhất của Bắc Kinh vào vùng lân cận Đài Loan trong những năm gần đây. Đồng thời, Bắc Kinh cũng điều chín tàu chiến đến gần vùng biển xung quanh Đài Loan.    

Không chỉ đối diện với sức ép từ Đại lục, chính phủ Đài Loan còn vấp phải sự phản đối từ phe đối lập. Chủ tịch KMT Eric Chu cho rằng những giải pháp mà ông Lại đề xuất trong kế hoạch 17 điểm đang vi phạm tự do về ngôn luận, tư tưởng, và đi lại, do đó sẽ dẫn đến một “bước lùi lớn đối với nền dân chủ” (major setback for democracy). Thêm vào đó, KMT cho rằng ông Lại đang đặt Đài Loan vào tình trạng “bán thiết quân luật” (semi-martial-law status), và đảng này đang lên kế hoạch trưng cầu dân ý để phản đối điều đó.   

Ôn hòa hơn, TPP kêu gọi chính phủ cần cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc triển khai kế hoạch 17 điểm trong thời gian tới, nhưng tỏ ra dè dặt trong việc tham gia cùng KMT tổ chức trưng cầu dân ý để phản đối tình trạng thiết quân luật. 

Giải pháp cho chính phủ cầm quyền

Tình cảnh hiện tại của Tổng thống Lại Thanh Đức khá giống với nhà lãnh đạo Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian), người đứng đầu chính phủ Đài Loan trong giai đoạn 2000 – 2008 và cũng thuộc DPP. Ông Trần là Tổng thống đầu tiên của Đài Loan không thuộc KMT nhưng gặp nhiều khó khăn do DPP không chiếm đa số trong Lập pháp viện, khiến các chính sách quan trọng bị cản trở, đặc biệt là về ngân sách quốc phòng và quan hệ với Trung Quốc. Nguyên nhân chính khiến ông Trần bị chỉ trích là lập trường dân tộc chủ nghĩa Đài Loan mạnh mẽ, khi ông thúc đẩy các chính sách hướng đến độc lập, thay vì giữ quan hệ hòa hoãn với Bắc Kinh như phe đối lập mong muốn. 

Sự chia rẽ chính trị lên đến cao trào trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, khi ông Trần bị bắn trong một vụ ám sát ngay trước ngày bỏ phiếu. Ông bị thương nhẹ, nhưng sự kiện này gây ra tranh cãi lớn khi phe đối lập nghi ngờ rằng vụ việc có thể đã được dàn dựng nhằm tạo lợi thế chính trị. Kết quả bầu cử sít sao với chiến thắng dành cho ông Trần càng khiến KMT phản đối dữ dội, dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài và yêu cầu kiểm phiếu lại. Đến năm 2006, ông Trần tiếp tục bị bủa vây bởi bê bối tham nhũng, trong đó vợ ông bị cáo buộc biển thủ công quỹ. Hệ quả của những tranh cãi chính trị kéo dài và các vụ bê bối tham nhũng là thất bại nặng nề của DPP trong cuộc bầu cử năm 2008, khi KMT giành lại quyền lực với chiến thắng của Tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou).

Để đảm bảo vị thế chính trị, Tổng thống Lại cần linh hoạt hơn trong việc thỏa hiệp với phe đối lập. Cụ thể, nhà lãnh đạo Đài Loan nên xoa dịu KMT và TPP về một số vấn đề mà hai đảng này quan tâm như minh bạch hóa chi tiêu ngân sách, giảm đi một số hạng mục ngân sách quốc phòng chưa cấp bách, phân bổ thêm nguồn lực cho các địa phương để phát triển kinh tế.  

Đồng thời, để mở đường cho việc bỏ phiếu trở nên thuận lợi hơn, DPP có thể xây dựng liên minh tạm thời với TPP đối với một số vấn đề liên quan đến ngân sách quốc phòng. Nếu có thêm tám ghế mà TPP đang sở hữu, liên minh DPP – TPP sẽ có nhiều ghế hơn KMT trong Lập pháp Viện. Triển vọng liên minh với TPP không phải là không có cơ sở, vì đảng này dù không ủng hộ một Đài Loan “độc lập” trên thực tế như những gì DPP theo đuổi, nhưng cũng không đồng tình với việc nhượng bộ Trung Quốc.        

Nếu các giải pháp trên diễn ra thuận lợi, DPP có thể giải quyết được hai vấn đề quan trọng là giảm sức ép từ phe đối lập và tăng khả năng lấy lòng Trump (do cho thấy nỗ lực tăng chi tiêu quốc phòng). Khi đó, chính phủ cầm quyền có thể tập trung hơn cho việc chống lại sự cưỡng ép của Trung Quốc về quân sự lẫn phi quân sự. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các giải pháp trên đòi hỏi nhiều sự nỗ lực và khéo léo của chính phủ Lại trong quá trình đàm phán với các bên liên quan. Một tương lai nhiều thách thức vẫn đang đón chờ Đài Loan!

Ngày 13/3, Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) đã có một quyết định táo bạo khi chính thức gọi Trung Quốc là “lực lượng thù địch nước ngoài” (foreign hostile force). Để đối phó với Bắc Kinh, ông Lại đã đề xuất kế hoạch gồm 17 điểm, trong đó nổi bật là khôi phục hệ thống tòa án quân sự để xử lý các tội như gián điệp và phản quốc; thắt chặt tiêu chí cư trú cho người đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao; và hạn chế những cá nhân có liên hệ với tổ chức “Mặt trận Thống nhất” (United Front) của Trung Quốc nhập cảnh vào Đài Loan.  

Vì đâu nên nỗi? 

Trước hết, một trong những lý do cơ bản nhất để giải thích cho quyết định của ông Lại là kể từ khi nhà lãnh đạo này lên nắm quyền ở Đài Loan (tháng 5/2024) cho đến nay, Trung Quốc đã không ngừng gây sức ép và phá hoại Đài Loan ở cường độ cao. Bắc Kinh đã triển khai hàng loạt cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Eo biển Đài Loan. Vào tháng 10/2024, có đến 125 máy bay chiến đấu (con số kỷ lục), tàu sân bay Liêu Ninh và nhiều tàu chiến khác cùng tham gia bao vây đảo lớn Đài Loan và các đảo ngoài khơi khác. 

Không chỉ tập trận, Trung Quốc còn triển khai nhiều hoạt động phi quân sự khác. “Giọt nước tràn ly” đối với Đài Bắc là việc Bắc Kinh sử dụng nhiều kênh và chiến thuật khác nhau để cài gián điệp thâm nhập vào quân đội, các cơ quan chính phủ và tổ chức thân Trung Quốc ở Đài Loan. Mục đích của các hành động này là nhằm đánh cắp những tài liệu mật về quốc phòng, xúi giục người Đài Loan đầu hàng quân đội Trung Quốc nếu có chiến sự xảy ra, hoặc thành lập các nhóm vũ trang hỗ trợ Đại lục trong trường hợp nước này tấn công chiếm đảo. Bắc Kinh chủ yếu nhắm đến các đối tượng là quân nhân Đài Loan tại ngũ hoặc đã nghỉ hưu. 

Theo Cơ quan An ninh Quốc gia Đài Loan, có đến 64 người bị truy tố là gián điệp trong năm 2024, cao hơn năm 2023 (48 vụ), và 2022 (10 vụ). Thực trạng này chính là lý do trực tiếp mà Tổng thống Lại quyết định gọi người hàng xóm khó chịu là “lực lượng thù địch nước ngoài”.    

Tuy nhiên, vẫn có những lý do khác thôi thúc ông Lại cứng rắn hơn trong tuyên bố của mình. Xem xét về chính trường Đài Loan, hiện nay Lập pháp Viện (cơ quan được xem là Quốc hội của hòn đảo này) có 113 ghế, trong đó liên minh đối lập Quốc dân Đảng (Kuomintang - KMT) và Đảng Nhân dân Đài Loan (Taiwan People’s Party - TPP) chiếm đa số, lần lượt 54 ghế và 8 ghế. Trong khi đó, Đảng Dân Tiến (Democratic Progressive Party - DPP) của ông Lại Thanh Đức chỉ chiếm 51 ghế. Thực trạng này khiến DPP thường xuyên gặp khó khăn khi theo đuổi các quyết sách quan trọng, nổi bật là ngân sách chính phủ năm 2025.    

KMT cho rằng chi tiêu của chính phủ đang ở mức quá cao, không hiệu quả, lãng phí, nhất là các khoản mua sắm quân sự. Chính vì thế, KMT yêu cầu chính phủ cầm quyền phải cắt giảm ngân sách, nhằm thúc đẩy trách nhiệm tài chính và đảm bảo giám sát tốt hơn các khoản chi tiêu. Nhìn chung, TPP cũng có chung quan điểm với KMT, cho rằng việc cắt giảm một số khoản ngân sách là cần thiết để ngăn chặn các chi phí không cần thiết. Ở chiều ngược lại, DPP phản đối việc cắt giảm ngân sách (nhất là về quốc phòng), cho rằng chúng sẽ gây tổn hại đến an ninh của Đài Loan. Đảng cầm quyền cũng xem các yêu sách của KMT và TPP là nhằm phá hoại, ngăn chặn chính phủ Lại Thanh Đức thực hiện các chính sách của mình.  

Với lợi thế về số ghế, phe đối lập đã thành công khi bỏ phiếu thông qua ngân sách chính phủ năm 2025 với chỉ 2,92 nghìn tỷ Đài tệ (89,15 tỷ USD), giảm tổng cộng 207,5 tỷ Đài tệ so với đề xuất ban đầu của chính phủ. Việc cắt giảm đến 6,6% so với đề xuất ban đầu là một con số kỷ lục trong lịch sử Đài Loan. Trong đó, khoản chi tiêu cho quốc phòng bị cắt giảm mạnh nhất, đặc biệt là chương trình tàu ngầm nội địa của Đài Loan. Đây là sáng kiến dưới thời chính quyền Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), được xem là trọng tâm trong chiến lược phòng thủ dài hạn của Đài Loan nhằm chống lại áp lực quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng các dự án như chương trình tàu ngầm đang bị thiếu minh bạch và cần được giám sát tài chính chặt chẽ hơn trước khi phân bổ thêm tiền.

Phản ứng với kết quả ngân sách chính phủ 2025, Thủ tướng Trác Vinh Thái (Cho Jung-tai) cho rằng việc cắt giảm là “tự sát” (suicidal), có thể làm suy yếu khả năng ngăn chặn các mối đe dọa của Đài Loan. Đối với DPP, chi tiêu quốc phòng vẫn là ưu tiên quốc gia, đặc biệt là khi sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan ngày càng mạnh mẽ, và bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc nâng cao năng lực quân sự đều có thể làm suy yếu sự sẵn sàng của hòn đảo. 

Thêm vào đó, khi triệu tập cuộc họp an ninh quốc gia cấp cao đầu tiên trong năm vào ngày 14/2, Tổng thống Lại tuyên bố sẽ ưu tiên phân bổ thêm một khoản “ngân sách đặc biệt” (special budget) vào cuối năm nay để đẩy tổng chi tiêu quốc phòng lên hơn 3% GDP (mức hiện nay là 2,45%). Tuy nhiên, nếu muốn tăng chi tiêu quốc phòng, chính phủ cần phải được sự chấp thuận của Lập pháp Viện, tức thuyết phục được 2 đảng đối lập còn lại. 

Trong bối cảnh đó, một trong những cách mà đảng cầm quyền có thể sử dụng để gây sức ép lên phe đối lập nhằm thay đổi quan điểm của họ là tiếp tục làm cho câu chuyện căng thẳng với Trung Quốc trở nên cao trào hơn. Một khi mối đe dọa từ Bắc Kinh được khắc họa rõ nét hơn, chính phủ có thể vin vào đó để lập luận rằng nhu cầu tăng cường ngân sách quốc phòng là việc làm cần thiết và phải được thực hiện. Chính vì thế, việc ông Lại cáo buộc Đại lục về vấn đề gián điệp và gọi Trung Quốc là “lực lượng thù địch nước ngoài” có thể nhằm phục vụ cho mục tiêu trên.     

Ngoài ra, sự cứng rắn của chính phủ đương nhiệm đối với mối đe dọa từ Bắc Kinh có thể nhằm lấy lòng Tổng thống Donald Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ từng cáo buộc Đài Loan “đánh cắp ngành công nghiệp chip của Mỹ” (stealing America’s chip industry) và đe dọa sẽ áp thuế đối với hàng xuất khẩu chất bán dẫn của hòn đảo này. Cùng với đó, ông Trump từng yêu cầu Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 10% GDP.

Tuy nhiên, gần đây, có những chỉ dấu cho thấy Trump muốn “chìa nhành ô liu” đối với Đài Loan. Vào giữa tháng 2, Washington đã xóa bỏ nội dung “Chúng tôi [Mỹ] không ủng hộ Đài Loan độc lập” (We do not support Taiwan independence) trên trang chủ của Bộ Ngoại giao. Động thái này cũng từng được chính quyền Joe Biden thực hiện vào tháng 5/2022, nhưng sau đó một tháng đã khôi phục do áp lực từ Trung Quốc. Đến cuối tháng 2, chính phủ Mỹ quyết định nối lại khoản 870 triệu USD viện trợ an ninh cho Đài Loan. Đài Bắc trở thành một trong những đối tác hiếm hoi trên toàn cầu được Washington miễn đóng băng viện trợ.   

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ lại đưa ra những quyết định trên, bởi để nhận được những “đặc ân” đó, Đài Loan đã có một loạt nỗ lực đáng kể nhằm xoa dịu Trump. Hòn đảo tự trị này đang đàm phán với Washington về một thỏa thuận vũ khí mới trị giá hàng tỷ USD (được ước chừng vào khoảng 7 - 10 tỷ USD). Sau khi ông Trump tuyên bố kế hoạch mở rộng sản xuất dầu và khí đốt để xuất khẩu năng lượng của Mỹ đi khắp thế giới, Đài Bắc cũng rục rịch chuẩn bị tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Washington, với hy vọng giảm thặng dư trong thương mại với xứ cờ hoa. Đáng kể nhất, công ty sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC (Đài Loan) đã quyết định sẽ chi 100 tỷ USD để xây 5 nhà máy tại Mỹ trong vài năm tới. 

Tiếp đà xoa dịu đó, động thái leo thang căng thẳng với Trung Quốc từ chính phủ Lại cũng có thể được xem là một phần trong nỗ lực lấy lòng Trump. Lý do là vì khi mối đe dọa Trung Quốc được chú trọng, ngân sách quốc phòng có thể được tăng thêm, từ đó chính phủ sẽ sử dụng nguồn tiền này để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, và nguồn cung cấp vũ khí chủ đạo cho Đài Loan chủ yếu đến từ Mỹ. 

Như vậy, việc ông Lại quyết định gọi Trung Quốc là “lực lượng thù địch nước ngoài” là bởi sự gia tăng về số lượng gián điệp do Bắc Kinh cài vào Đài Loan; sự “cứng đầu” của phe đối lập trong vấn đề tăng ngân sách hoạt động của chính phủ, nhất là về khoản chi cho quốc phòng; và nhu cầu lấy lòng Trump để nhận lại hỗ trợ về ngoại giao, an ninh, và thuế quan từ Mỹ.

Trung Quốc đáp trả, phe đối lập phản đối

Trung Quốc ngay lập tức phản đối Đài Loan. Cùng ngày với phát biểu gây căng thẳng của ông Lại, phát ngôn viên của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc chính phủ Trung Quốc là Trần Bân Hoa (Chen Binhua) đã tố cáo nhà lãnh đạo Đài Loan có lập trường ngoan cố, khiêu khích, là “một kẻ hủy diệt hòa bình xuyên Eo biển” (destroyer of cross-Straits peace), và là “người tạo ra cuộc khủng hoảng ở Eo biển Đài Loan” (creator of crisis in the Taiwan Straits).  

Ngày 16 và 17/3, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên không và trên biển quy mô lớn gần Đài Loan. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, tổng cộng 59 máy bay quân sự của Trung Quốc đã được phát hiện hoạt động gần hòn đảo tự trị này. Trong đó, có đến 42 chiếc vượt qua đường trung tuyến (median line) Eo biển Đài Loan. Tuy ranh giới này không có cơ sở pháp lý trong luật pháp quốc tế, nhưng trong nhiều thập kỷ, cả Đài Loan và Trung Quốc đều ngầm tuân thủ như một quy tắc bất thành văn để tránh đối đầu trực tiếp. Số lượng 42 chiếc máy bay vượt đường trung tuyến đánh dấu cuộc xâm nhập lớn nhất của Bắc Kinh vào vùng lân cận Đài Loan trong những năm gần đây. Đồng thời, Bắc Kinh cũng điều chín tàu chiến đến gần vùng biển xung quanh Đài Loan.    

Không chỉ đối diện với sức ép từ Đại lục, chính phủ Đài Loan còn vấp phải sự phản đối từ phe đối lập. Chủ tịch KMT Eric Chu cho rằng những giải pháp mà ông Lại đề xuất trong kế hoạch 17 điểm đang vi phạm tự do về ngôn luận, tư tưởng, và đi lại, do đó sẽ dẫn đến một “bước lùi lớn đối với nền dân chủ” (major setback for democracy). Thêm vào đó, KMT cho rằng ông Lại đang đặt Đài Loan vào tình trạng “bán thiết quân luật” (semi-martial-law status), và đảng này đang lên kế hoạch trưng cầu dân ý để phản đối điều đó.   

Ôn hòa hơn, TPP kêu gọi chính phủ cần cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc triển khai kế hoạch 17 điểm trong thời gian tới, nhưng tỏ ra dè dặt trong việc tham gia cùng KMT tổ chức trưng cầu dân ý để phản đối tình trạng thiết quân luật. 

Giải pháp cho chính phủ cầm quyền

Tình cảnh hiện tại của Tổng thống Lại Thanh Đức khá giống với nhà lãnh đạo Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian), người đứng đầu chính phủ Đài Loan trong giai đoạn 2000 – 2008 và cũng thuộc DPP. Ông Trần là Tổng thống đầu tiên của Đài Loan không thuộc KMT nhưng gặp nhiều khó khăn do DPP không chiếm đa số trong Lập pháp viện, khiến các chính sách quan trọng bị cản trở, đặc biệt là về ngân sách quốc phòng và quan hệ với Trung Quốc. Nguyên nhân chính khiến ông Trần bị chỉ trích là lập trường dân tộc chủ nghĩa Đài Loan mạnh mẽ, khi ông thúc đẩy các chính sách hướng đến độc lập, thay vì giữ quan hệ hòa hoãn với Bắc Kinh như phe đối lập mong muốn. 

Sự chia rẽ chính trị lên đến cao trào trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, khi ông Trần bị bắn trong một vụ ám sát ngay trước ngày bỏ phiếu. Ông bị thương nhẹ, nhưng sự kiện này gây ra tranh cãi lớn khi phe đối lập nghi ngờ rằng vụ việc có thể đã được dàn dựng nhằm tạo lợi thế chính trị. Kết quả bầu cử sít sao với chiến thắng dành cho ông Trần càng khiến KMT phản đối dữ dội, dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài và yêu cầu kiểm phiếu lại. Đến năm 2006, ông Trần tiếp tục bị bủa vây bởi bê bối tham nhũng, trong đó vợ ông bị cáo buộc biển thủ công quỹ. Hệ quả của những tranh cãi chính trị kéo dài và các vụ bê bối tham nhũng là thất bại nặng nề của DPP trong cuộc bầu cử năm 2008, khi KMT giành lại quyền lực với chiến thắng của Tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou).

Để đảm bảo vị thế chính trị, Tổng thống Lại cần linh hoạt hơn trong việc thỏa hiệp với phe đối lập. Cụ thể, nhà lãnh đạo Đài Loan nên xoa dịu KMT và TPP về một số vấn đề mà hai đảng này quan tâm như minh bạch hóa chi tiêu ngân sách, giảm đi một số hạng mục ngân sách quốc phòng chưa cấp bách, phân bổ thêm nguồn lực cho các địa phương để phát triển kinh tế.  

Đồng thời, để mở đường cho việc bỏ phiếu trở nên thuận lợi hơn, DPP có thể xây dựng liên minh tạm thời với TPP đối với một số vấn đề liên quan đến ngân sách quốc phòng. Nếu có thêm tám ghế mà TPP đang sở hữu, liên minh DPP – TPP sẽ có nhiều ghế hơn KMT trong Lập pháp Viện. Triển vọng liên minh với TPP không phải là không có cơ sở, vì đảng này dù không ủng hộ một Đài Loan “độc lập” trên thực tế như những gì DPP theo đuổi, nhưng cũng không đồng tình với việc nhượng bộ Trung Quốc.        

Nếu các giải pháp trên diễn ra thuận lợi, DPP có thể giải quyết được hai vấn đề quan trọng là giảm sức ép từ phe đối lập và tăng khả năng lấy lòng Trump (do cho thấy nỗ lực tăng chi tiêu quốc phòng). Khi đó, chính phủ cầm quyền có thể tập trung hơn cho việc chống lại sự cưỡng ép của Trung Quốc về quân sự lẫn phi quân sự. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các giải pháp trên đòi hỏi nhiều sự nỗ lực và khéo léo của chính phủ Lại trong quá trình đàm phán với các bên liên quan. Một tương lai nhiều thách thức vẫn đang đón chờ Đài Loan!

Từ khoá: Đài Loan Lại Thanh Đức Trump Trung Quốc

BÀI LIÊN QUAN