Di sản nhân quyền gây tranh cãi của Jimmy Carter
Cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter được biết đến như một người theo đuổi nhân quyền với chính sách mở cửa đón nhận người tị nạn. Tuy nhiên, sự thực dụng trong các tính toán đối ngoại của Carter khiến di sản của ông vừa đáng ngưỡng mộ vừa gây nhiều tranh cãi.
Vào ngày 29/12, Jimmy Carter, cựu Tổng thống Mỹ đã qua đời tại thành phố quê nhà Plains (bang Georgia), thọ 100 tuổi. Carter là Tổng thống thứ 39 của Mỹ, lãnh đạo duy nhất một nhiệm kỳ trong giai đoạn 1977 - 1981. Cố Tổng thống xuất thân trong một gia đình nông dân trồng đậu phộng. Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ vào năm 1946, ông phục vụ trong Hải quân trước khi trở về quê nhà để quản lý trang trại gia đình. Carter bắt đầu sự nghiệp chính trị khi được bầu làm Thượng nghị sĩ bang Georgia vào năm 1962, và trở thành Thống đốc bang này vào năm 1971.
Khi trở thành tổng thống vào năm 1977, ông Carter mang quyết tâm thay đổi vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Trước khi ông lên nắm quyền, Mỹ thất bại ở Việt Nam và bị cáo buộc can thiệp bí mật vào các nước khác. Những việc này đã làm sụt giảm uy tín của Washington.
Trước các thách thức, Tổng thống Jimmy Carter tin rằng Mỹ nên giảm mối bận tâm về Chiến tranh Lạnh, thay vào đó nên tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với các đối thủ cộng sản, hạ thấp vị thế độc đoán của Washington, và đặc biệt là thúc đẩy nhân quyền ở nước ngoài.
Di sản nhân quyền
Một trong những trường hợp nổi bật có thể kể đến là Cuba. Bất chấp quan hệ căng thẳng giữa Washington và Havana, ông Carter đã tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Fidel Castro, và thậm chí đã mở một Phòng Quyền lợi Mỹ (U.S. Interest Section) vào năm 1978 ở Havana, hoạt động như một đại sứ quán trên thực tế. Mối quan tâm của Carter khi đó là xem xét dỡ bỏ lệnh cấm vận với Cuba để đổi lại cam kết cải thiện nhân quyền ở đất nước này. Jimmy Carter đã giành được một chiến thắng có ý nghĩa to lớn vào thời điểm đó, khi sau những cuộc đối thoại, Cuba đã chấp nhận thả hơn 3.000 tù nhân chính trị.
Tuy nhiên, thành công này sớm bị lu mờ bởi một sự cố khác mang tên Mariel Boatlift (hay còn gọi là cuộc di cư Mariel). Ở thời điểm đó, Cuba đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế, thiếu thốn hàng hóa cơ bản, chủ yếu do lệnh cấm vận kinh tế từ Mỹ. Điều này góp phần khiến nhiều người dân Cuba không hài lòng với chế độ cộng sản, mong muốn rời khỏi đất nước để tìm kiếm cuộc sống tự do và tốt đẹp hơn. Đỉnh điểm là vào tháng 4/1980, một nhóm người Cuba đã đột nhập vào Đại sứ quán Peru tại Havana để xin tị nạn. Chính phủ Cuba sau đó tuyên bố sẽ không ngăn cản những ai muốn rời khỏi đất nước; và nhờ vào việc chính phủ nước này mở cảng Mariel, nhiều người Cuba đã di cư đến bờ biển Florida (Mỹ).
Vốn là một người ưu tiên chính sách ngoại giao dựa trên việc thúc đẩy nhân quyền, Jimmy Carter tin rằng Mỹ có trách nhiệm hỗ trợ những người chạy trốn khỏi chế độ áp bức, đặc biệt là từ các nước cộng sản như Cuba. Hơn nữa, việc cho phép người Cuba di cư sang Mỹ có thể được coi là một chiến thắng về tuyên truyền, vì việc này cho thấy rằng nhiều người dân Cuba không hài lòng với chế độ cộng sản và muốn tìm kiếm tự do ở phương Tây.
Song, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ không ngờ được rằng có đến khoảng 125.000 người Cuba di cư đến đất nước này chỉ trong vài tháng, gây áp lực lớn lên các nguồn lực của bang Florida, đặc biệt là thành phố Miami. Thêm vào đó, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã tận dụng cơ hội này để “xuất khẩu” những người mà chính quyền của ông mong muốn “rũ bỏ”, như tù nhân và những người có vấn đề tâm thần. Cuộc khủng hoảng vì thế mà trở nên phức tạp hơn.
Trước khi bị “quá tải” bởi lượng người Cuba đổ xô đến Mỹ, chính quyền Jimmy Carter cũng phải tiếp nhận từ hàng chục đến hàng trăm nghìn người tị nạn Việt Nam. Có hơn 800.000 người ở miền Nam Việt Nam khi đó đã tìm cách vượt biên bằng thuyền sang các quốc gia khác, và ít nhất 200,000 trong số đó đã phải bỏ mạng trên biển. Mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng về nhân quyền đó, vào năm 1978, chính quyền Carter đã cho phép tăng số lượng người tị nạn được phép vào Mỹ hàng tháng từ 7.000 lên 14.000 người.
Lý lẽ được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ đưa ra là “Chúng tôi sẵn sàng hành động với lòng trắc ẩn vốn là truyền thống có tính đặc trưng của Mỹ khi đối mặt với những tình huống khủng hoảng nhân đạo như vậy. Hàng ngàn sinh mạng con người đang bị đe dọa”.
Tuy nhiên, với số lượng lớn người dân từ Việt Nam và Cuba (cùng lượng người tị nạn từ những nước khác như Haiti, Nicaragua…) tràn đến Mỹ trong nhiệm kỳ của mình, Carter đã buộc phải tính đến những giải pháp quyết liệt hơn. Di sản nổi bật của tổng thống thứ 39 là việc ông ký thành luật Đạo luật Tị nạn (Refugee Act) vào năm 1980, sau này đã trở thành nền tảng cho việc tái định cư thành công hơn ba triệu người tị nạn từ các quốc gia khác nhau đến Mỹ.
Trước khi Đạo luật trên ra đời, luật liên bang quy định nước Mỹ chỉ được chấp nhận tối đa 17.400 trường hợp tị nạn mỗi năm, và chỉ những người chạy trốn khỏi các nước cộng sản hoặc Trung Đông mới đủ điều kiện. Song, với Đạo luật mới, tổng thống Mỹ có toàn quyền ấn định con số người tị nạn được tiếp nhận mỗi năm mà không cần phải thông qua sự phê duyệt của Quốc hội. Nhờ đó, số người tị nạn mà Mỹ tiếp nhận trong năm đầu tiên Đạo luật Tị nạn ra đời lên đến hơn 200.000 trường hợp (cũng là năm cuối Tổng thống Carter nắm quyền). Sang năm 1981, con số này giảm xuống còn 159.000 trường hợp khi Ronald Reagan lên kế nhiệm Carter, và số người tị nạn đến Mỹ sau đó dao động từ 40.000 - 130.000 người trong 35 năm tiếp theo.
Thêm vào đó, nhờ Đạo luật trên, lần đầu tiên những người tị nạn được đảm bảo quyền đoàn tụ gia đình. Họ cũng có thể sở hữu thẻ xanh đầy đủ (được thường trú vô thời hạn) chỉ sau một năm sinh sống trên đất Mỹ.
Như vậy, từ quyết tâm thúc đẩy chính sách đối ngoại thông qua nhân quyền, Tổng thống Carter đã cho thấy sự cởi mở đối với việc tiếp nhận người tị nạn ở những quốc gia đang gặp khủng hoảng như Cuba, Việt Nam, Haiti, Nicaragua… Việc này được thể hiện qua những biện pháp tạm thời như nâng số lượng tiếp nhận hằng tháng, lẫn cách tiếp cận mang tính dài hạn hơn như Đạo luật Tị nạn, nơi tổng thống Mỹ có quyền đánh giá tình hình hằng năm và đưa ra hạn mức cụ thể mà không bị giới hạn trong bất kỳ con số nào.
Những “vết gợn” khó phai mờ
Tuy nhiên, việc cho phép quá nhiều người tị nạn đến Mỹ khiến Jimmy Carter gặp nhiều phiền phức. Vào ngày 1/6/1980, những người tị nạn Cuba đã nổi dậy tại một trung tâm tái định cư ở tiểu bang Arkansas, đốt cháy bốn tòa nhà, làm bị thương 62 người, và bắt giữ nhiều con tin. Cùng với đó, hàng nghìn tù nhân ở Cuba cũng đã theo dòng người nhập cư vào Mỹ, gây nên những rủi ro lớn về an ninh. Hệ quả là công chúng Mỹ lo ngại và mất niềm tin vào chính quyền.
Có lẽ vì như vậy, nên chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1980 diễn ra (nơi ông Carter đang chạy đua tranh cử nhiệm kỳ thứ hai), Washington và Havana đã quyết định kết thúc việc nhận người tị nạn Cuba. Quyết định đó có thể là vì Carter muốn xoa dịu dư luận trong nước. Tuy nhiên, động thái đó bộc lộ sự thiếu chuẩn bị và tâm thế lúng túng của chính phủ trong việc tiếp nhận người tị nạn. Kết quả là Carter đã không thể giành được chiếc ghế tổng thống trong nhiệm kỳ hai.
Trên phương diện quốc tế, Tổng thống Jimmy Carter đã tạo nên một bước ngoặt quan trọng khi bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1979, bất chấp Bắc Kinh vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như bỏ tù những người bất đồng chính trị và tổ chức các trại lao động cưỡng bức. Quyết định bình thường hóa rất có thể là do Tổng thống Mỹ muốn giảm căng thẳng với các đối thủ cộng sản; thế nhưng, dường như Carter đã có những tính toán khác.
Những năm 70 là thời điểm Trung Quốc đặc biệt lo ngại sự bao vây của Liên Xô, nhất là sau khi Moscow ký hiệp ước đồng minh với Việt Nam (năm 1978) – quốc gia mà Trung Quốc xem là đối thủ và đã mở cuộc “tấn công ào ạt” vào các tỉnh biên giới hai nước vào tháng 2/1979. Ở chiều ngược lại, Liên Xô xem Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm bậc nhất ở châu Á và gia tăng hiện diện quân sự tại biên giới nước này vào năm 1978.
Trong tình thế căng thẳng đó, lựa chọn của Carter là tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, chỉ phản đối việc quốc gia này xâm lược Việt Nam một cách hình thức, mà không triển khai bất kỳ hành động có ý nghĩa nào trên thực địa, đồng thời công khai ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (một đồng minh của Trung Quốc và có quan điểm thù địch đối với Việt Nam).
Đồng thời, ông Jimmy Carter cũng yêu cầu Thượng viện thôi xem xét phê duyệt Hiệp ước Hạn chế Vũ khí Chiến lược II (Strategic Arms Limitation Talks II - SALT II) mà ông đã ký với Liên Xô trước đó (năm 1979). Trên thực tế, khi SALT II được ký kết, những điều khoản trong thỏa thuận cũng không được như Carter kỳ vọng. Vị tổng thống này ủng hộ việc cắt giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Xô, trong khi Moscow không muốn điều đó.
Carter cũng đã gây áp lực để Ủy ban Olympic Mỹ tẩy chay Thế vận hội Olympic 1980 diễn ra tại Moscow nhằm phản đối việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan vào cuối năm 1979. Quyết định của Carter chỉ khiến uy tín của Liên Xô giảm sút phần nào. Tuy nhiên, sự cứng rắn của chính quyền Jimmy Carter lại đóng cả cánh cửa cho các vận động viên Mỹ và gây tác động xấu đến quan hệ giữa Mỹ với cộng đồng Olympic. Đáng nói là, quyết định tẩy chay của Carter dường như không có chút tác động nào lên chính sách của Liên Xô đối với Afghanistan. Mãi đến giữa tháng 2/1989 chính quyền Mikhail Gorbachev mới rút quân khỏi thủ đô Kabul và qua đó kết thúc một thập niên can dự quân sự của nước này ở Afghanistan.
Những quyết định gây tranh cãi như trên đã tạo ra một vết gợn trong thời điểm cuối nhiệm kỳ của Jimmy Carter, bởi nó cho thấy rằng nhà lãnh đạo này đi ngược lại với giá trị nhân quyền mà ông theo đuổi, đã hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp cho những lực lượng vi phạm nhân quyền tấn công các thực thể khác. Suy cho cùng, ông không làm cho những căng thẳng Đông - Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trở nên dễ chịu hơn. Nguy hiểm hơn, ông còn kết thân với những lực lượng cộng sản (Trung Quốc, Khmer Đỏ) để chống lại một số quốc gia cộng sản khác (Liên Xô và Việt Nam). Vậy thì, liệu nước Mỹ khi đó có “hành động với lòng trắc ẩn” (act with the compassion) như Jimmy Carter đã tuyên bố trong thời điểm đầu nhiệm kỳ?
Vào ngày 29/12, Jimmy Carter, cựu Tổng thống Mỹ đã qua đời tại thành phố quê nhà Plains (bang Georgia), thọ 100 tuổi. Carter là Tổng thống thứ 39 của Mỹ, lãnh đạo duy nhất một nhiệm kỳ trong giai đoạn 1977 - 1981. Cố Tổng thống xuất thân trong một gia đình nông dân trồng đậu phộng. Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ vào năm 1946, ông phục vụ trong Hải quân trước khi trở về quê nhà để quản lý trang trại gia đình. Carter bắt đầu sự nghiệp chính trị khi được bầu làm Thượng nghị sĩ bang Georgia vào năm 1962, và trở thành Thống đốc bang này vào năm 1971.
Khi trở thành tổng thống vào năm 1977, ông Carter mang quyết tâm thay đổi vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Trước khi ông lên nắm quyền, Mỹ thất bại ở Việt Nam và bị cáo buộc can thiệp bí mật vào các nước khác. Những việc này đã làm sụt giảm uy tín của Washington.
Trước các thách thức, Tổng thống Jimmy Carter tin rằng Mỹ nên giảm mối bận tâm về Chiến tranh Lạnh, thay vào đó nên tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với các đối thủ cộng sản, hạ thấp vị thế độc đoán của Washington, và đặc biệt là thúc đẩy nhân quyền ở nước ngoài.
Di sản nhân quyền
Một trong những trường hợp nổi bật có thể kể đến là Cuba. Bất chấp quan hệ căng thẳng giữa Washington và Havana, ông Carter đã tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Fidel Castro, và thậm chí đã mở một Phòng Quyền lợi Mỹ (U.S. Interest Section) vào năm 1978 ở Havana, hoạt động như một đại sứ quán trên thực tế. Mối quan tâm của Carter khi đó là xem xét dỡ bỏ lệnh cấm vận với Cuba để đổi lại cam kết cải thiện nhân quyền ở đất nước này. Jimmy Carter đã giành được một chiến thắng có ý nghĩa to lớn vào thời điểm đó, khi sau những cuộc đối thoại, Cuba đã chấp nhận thả hơn 3.000 tù nhân chính trị.
Tuy nhiên, thành công này sớm bị lu mờ bởi một sự cố khác mang tên Mariel Boatlift (hay còn gọi là cuộc di cư Mariel). Ở thời điểm đó, Cuba đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế, thiếu thốn hàng hóa cơ bản, chủ yếu do lệnh cấm vận kinh tế từ Mỹ. Điều này góp phần khiến nhiều người dân Cuba không hài lòng với chế độ cộng sản, mong muốn rời khỏi đất nước để tìm kiếm cuộc sống tự do và tốt đẹp hơn. Đỉnh điểm là vào tháng 4/1980, một nhóm người Cuba đã đột nhập vào Đại sứ quán Peru tại Havana để xin tị nạn. Chính phủ Cuba sau đó tuyên bố sẽ không ngăn cản những ai muốn rời khỏi đất nước; và nhờ vào việc chính phủ nước này mở cảng Mariel, nhiều người Cuba đã di cư đến bờ biển Florida (Mỹ).
Vốn là một người ưu tiên chính sách ngoại giao dựa trên việc thúc đẩy nhân quyền, Jimmy Carter tin rằng Mỹ có trách nhiệm hỗ trợ những người chạy trốn khỏi chế độ áp bức, đặc biệt là từ các nước cộng sản như Cuba. Hơn nữa, việc cho phép người Cuba di cư sang Mỹ có thể được coi là một chiến thắng về tuyên truyền, vì việc này cho thấy rằng nhiều người dân Cuba không hài lòng với chế độ cộng sản và muốn tìm kiếm tự do ở phương Tây.
Song, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ không ngờ được rằng có đến khoảng 125.000 người Cuba di cư đến đất nước này chỉ trong vài tháng, gây áp lực lớn lên các nguồn lực của bang Florida, đặc biệt là thành phố Miami. Thêm vào đó, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã tận dụng cơ hội này để “xuất khẩu” những người mà chính quyền của ông mong muốn “rũ bỏ”, như tù nhân và những người có vấn đề tâm thần. Cuộc khủng hoảng vì thế mà trở nên phức tạp hơn.
Trước khi bị “quá tải” bởi lượng người Cuba đổ xô đến Mỹ, chính quyền Jimmy Carter cũng phải tiếp nhận từ hàng chục đến hàng trăm nghìn người tị nạn Việt Nam. Có hơn 800.000 người ở miền Nam Việt Nam khi đó đã tìm cách vượt biên bằng thuyền sang các quốc gia khác, và ít nhất 200,000 trong số đó đã phải bỏ mạng trên biển. Mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng về nhân quyền đó, vào năm 1978, chính quyền Carter đã cho phép tăng số lượng người tị nạn được phép vào Mỹ hàng tháng từ 7.000 lên 14.000 người.
Lý lẽ được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ đưa ra là “Chúng tôi sẵn sàng hành động với lòng trắc ẩn vốn là truyền thống có tính đặc trưng của Mỹ khi đối mặt với những tình huống khủng hoảng nhân đạo như vậy. Hàng ngàn sinh mạng con người đang bị đe dọa”.
Tuy nhiên, với số lượng lớn người dân từ Việt Nam và Cuba (cùng lượng người tị nạn từ những nước khác như Haiti, Nicaragua…) tràn đến Mỹ trong nhiệm kỳ của mình, Carter đã buộc phải tính đến những giải pháp quyết liệt hơn. Di sản nổi bật của tổng thống thứ 39 là việc ông ký thành luật Đạo luật Tị nạn (Refugee Act) vào năm 1980, sau này đã trở thành nền tảng cho việc tái định cư thành công hơn ba triệu người tị nạn từ các quốc gia khác nhau đến Mỹ.
Trước khi Đạo luật trên ra đời, luật liên bang quy định nước Mỹ chỉ được chấp nhận tối đa 17.400 trường hợp tị nạn mỗi năm, và chỉ những người chạy trốn khỏi các nước cộng sản hoặc Trung Đông mới đủ điều kiện. Song, với Đạo luật mới, tổng thống Mỹ có toàn quyền ấn định con số người tị nạn được tiếp nhận mỗi năm mà không cần phải thông qua sự phê duyệt của Quốc hội. Nhờ đó, số người tị nạn mà Mỹ tiếp nhận trong năm đầu tiên Đạo luật Tị nạn ra đời lên đến hơn 200.000 trường hợp (cũng là năm cuối Tổng thống Carter nắm quyền). Sang năm 1981, con số này giảm xuống còn 159.000 trường hợp khi Ronald Reagan lên kế nhiệm Carter, và số người tị nạn đến Mỹ sau đó dao động từ 40.000 - 130.000 người trong 35 năm tiếp theo.
Thêm vào đó, nhờ Đạo luật trên, lần đầu tiên những người tị nạn được đảm bảo quyền đoàn tụ gia đình. Họ cũng có thể sở hữu thẻ xanh đầy đủ (được thường trú vô thời hạn) chỉ sau một năm sinh sống trên đất Mỹ.
Như vậy, từ quyết tâm thúc đẩy chính sách đối ngoại thông qua nhân quyền, Tổng thống Carter đã cho thấy sự cởi mở đối với việc tiếp nhận người tị nạn ở những quốc gia đang gặp khủng hoảng như Cuba, Việt Nam, Haiti, Nicaragua… Việc này được thể hiện qua những biện pháp tạm thời như nâng số lượng tiếp nhận hằng tháng, lẫn cách tiếp cận mang tính dài hạn hơn như Đạo luật Tị nạn, nơi tổng thống Mỹ có quyền đánh giá tình hình hằng năm và đưa ra hạn mức cụ thể mà không bị giới hạn trong bất kỳ con số nào.
Những “vết gợn” khó phai mờ
Tuy nhiên, việc cho phép quá nhiều người tị nạn đến Mỹ khiến Jimmy Carter gặp nhiều phiền phức. Vào ngày 1/6/1980, những người tị nạn Cuba đã nổi dậy tại một trung tâm tái định cư ở tiểu bang Arkansas, đốt cháy bốn tòa nhà, làm bị thương 62 người, và bắt giữ nhiều con tin. Cùng với đó, hàng nghìn tù nhân ở Cuba cũng đã theo dòng người nhập cư vào Mỹ, gây nên những rủi ro lớn về an ninh. Hệ quả là công chúng Mỹ lo ngại và mất niềm tin vào chính quyền.
Có lẽ vì như vậy, nên chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1980 diễn ra (nơi ông Carter đang chạy đua tranh cử nhiệm kỳ thứ hai), Washington và Havana đã quyết định kết thúc việc nhận người tị nạn Cuba. Quyết định đó có thể là vì Carter muốn xoa dịu dư luận trong nước. Tuy nhiên, động thái đó bộc lộ sự thiếu chuẩn bị và tâm thế lúng túng của chính phủ trong việc tiếp nhận người tị nạn. Kết quả là Carter đã không thể giành được chiếc ghế tổng thống trong nhiệm kỳ hai.
Trên phương diện quốc tế, Tổng thống Jimmy Carter đã tạo nên một bước ngoặt quan trọng khi bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1979, bất chấp Bắc Kinh vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như bỏ tù những người bất đồng chính trị và tổ chức các trại lao động cưỡng bức. Quyết định bình thường hóa rất có thể là do Tổng thống Mỹ muốn giảm căng thẳng với các đối thủ cộng sản; thế nhưng, dường như Carter đã có những tính toán khác.
Những năm 70 là thời điểm Trung Quốc đặc biệt lo ngại sự bao vây của Liên Xô, nhất là sau khi Moscow ký hiệp ước đồng minh với Việt Nam (năm 1978) – quốc gia mà Trung Quốc xem là đối thủ và đã mở cuộc “tấn công ào ạt” vào các tỉnh biên giới hai nước vào tháng 2/1979. Ở chiều ngược lại, Liên Xô xem Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm bậc nhất ở châu Á và gia tăng hiện diện quân sự tại biên giới nước này vào năm 1978.
Trong tình thế căng thẳng đó, lựa chọn của Carter là tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, chỉ phản đối việc quốc gia này xâm lược Việt Nam một cách hình thức, mà không triển khai bất kỳ hành động có ý nghĩa nào trên thực địa, đồng thời công khai ủng hộ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (một đồng minh của Trung Quốc và có quan điểm thù địch đối với Việt Nam).
Đồng thời, ông Jimmy Carter cũng yêu cầu Thượng viện thôi xem xét phê duyệt Hiệp ước Hạn chế Vũ khí Chiến lược II (Strategic Arms Limitation Talks II - SALT II) mà ông đã ký với Liên Xô trước đó (năm 1979). Trên thực tế, khi SALT II được ký kết, những điều khoản trong thỏa thuận cũng không được như Carter kỳ vọng. Vị tổng thống này ủng hộ việc cắt giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Xô, trong khi Moscow không muốn điều đó.
Carter cũng đã gây áp lực để Ủy ban Olympic Mỹ tẩy chay Thế vận hội Olympic 1980 diễn ra tại Moscow nhằm phản đối việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan vào cuối năm 1979. Quyết định của Carter chỉ khiến uy tín của Liên Xô giảm sút phần nào. Tuy nhiên, sự cứng rắn của chính quyền Jimmy Carter lại đóng cả cánh cửa cho các vận động viên Mỹ và gây tác động xấu đến quan hệ giữa Mỹ với cộng đồng Olympic. Đáng nói là, quyết định tẩy chay của Carter dường như không có chút tác động nào lên chính sách của Liên Xô đối với Afghanistan. Mãi đến giữa tháng 2/1989 chính quyền Mikhail Gorbachev mới rút quân khỏi thủ đô Kabul và qua đó kết thúc một thập niên can dự quân sự của nước này ở Afghanistan.
Những quyết định gây tranh cãi như trên đã tạo ra một vết gợn trong thời điểm cuối nhiệm kỳ của Jimmy Carter, bởi nó cho thấy rằng nhà lãnh đạo này đi ngược lại với giá trị nhân quyền mà ông theo đuổi, đã hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp cho những lực lượng vi phạm nhân quyền tấn công các thực thể khác. Suy cho cùng, ông không làm cho những căng thẳng Đông - Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trở nên dễ chịu hơn. Nguy hiểm hơn, ông còn kết thân với những lực lượng cộng sản (Trung Quốc, Khmer Đỏ) để chống lại một số quốc gia cộng sản khác (Liên Xô và Việt Nam). Vậy thì, liệu nước Mỹ khi đó có “hành động với lòng trắc ẩn” (act with the compassion) như Jimmy Carter đã tuyên bố trong thời điểm đầu nhiệm kỳ?
Từ khoá: Jimmy Carter nhân quyền Tổng thống Mỹ chính sách đối ngoại Mỹ tiểu sử danh nhân