Định vị quan hệ Việt - Nga trong chính sách đối ngoại Việt Nam
Đối với Hà Nội, mối quan hệ truyền thống với Moscow được củng cố dựa trên tình hữu nghị lâu đời và lấy thành quả hợp tác quốc phòng - an ninh làm cơ sở.
Ngày 8/8/2024, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ngoài những nội dung trao đổi mang tính “truyền thống” về quan hệ song phương, bản tin đề cập đến một động thái hiếm gặp trong cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. Dù trước đó đã có thư, ông Putin vẫn “đề nghị điện đàm để trực tiếp chúc mừng” ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13.
Trong phiên họp bất thường tại Hà Nội hôm 3/8, ông Tô Lâm được tất cả ủy viên Trung ương thống nhất chọn kế nhiệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng—người qua đời hôm 19/7 khi còn đương chức. Cùng với chức danh Chủ tịch nước được Quốc hội bầu vào cuối tháng 5/2024, ông Tô Lâm trở thành người thứ hai sau ông Nguyễn Phú Trọng đồng thời giữ hai vị trí là Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng kể từ năm 1987. Như vậy, cuộc điện đàm với người đứng đầu Điện Kremlin cũng là cuộc điện đàm đầu tiên của nhà lãnh đạo quê Hưng Yên trên cương vị mới.
Việc nguyên thủ quốc gia của Việt Nam và Nga thăm hỏi và chúc mừng nhau mỗi khi được giao trọng trách quan trọng là không hiếm. Tháng 4/2021, ông Putin đã có cuộc điện đàm chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử lần ba tại Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, và cũng nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Nga (2001 - 2021).
Thời điểm đó, ông Putin vẫn chưa công bố bài viết gây tranh cãi “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine”, mười tháng trước khi quyết định phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại quốc gia láng giềng vào tháng 2/2022—cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi xung đột đang diễn ra, sự hăng hái của ông Putin đối với một hoạt động lễ nghi ngoại giao thông thường thu hút sự chú ý. Lời đề nghị của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Moscow phải đối phó với cuộc tiến công bất ngờ của lực lượng Ukraine vào Kursk—một khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Nga, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến.
Điều đáng nói là cách đây chưa đầy hai tháng, ngày 20/6/2024, đích thân ông Putin đã có lần thứ năm đến Việt Nam trong vai trò nguyên thủ quốc gia. Khi đó, chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Nga được tiến hành với một lịch trình kéo dài chưa đầy 24 giờ. Dẫu vậy, ông Putin vẫn kịp gặp đủ “Tứ trụ”—bốn lãnh đạo cao nhất của Việt Nam—là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Cuộc gặp với ông Putin cũng là lần cuối cùng vị Tổng Bí thư quá cố của Việt Nam xuất hiện trước công chúng.
Sự đón tiếp trọng thị mà Việt Nam dành cho người đứng đầu Điện Kremlin như thường lệ cho thấy lập trường kiên định của Hà Nội đối với “tình hữu nghị thân thiết, thủy chung, sâu sắc” giữa hai nước. Điều này có ý nghĩa rất lớn với Nga khi Moscow đang bị Mỹ và các quốc gia phương Tây cô lập. Với nhiều nước, ông Putin là đối tượng truy nã của Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) với các cáo buộc gây ra “tội ác chiến tranh” tại Ukraine. Tuy vậy, ở Việt Nam (nước không là thành viên của ICC), ông Putin được xem như người đại diện hợp hiến của Nga—quốc gia kế tục Liên Xô và hiện là một trong bảy đối tác chiến lược toàn diện mà Hà Nội hết sức coi trọng.
Sau Trung Quốc và Triều Tiên, Việt Nam là điểm đến thứ ba mà ông Putin công du từ khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ năm vào tháng 5/2024, đồng thời cũng là nơi xa xôi nhất mà nhà lãnh đạo Nga đặt chân đến (kể từ tháng 2/2022). Dù vậy, khác với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, Hà Nội là một cường quốc tầm trung năng động, có quan hệ hợp tác tích cực với Mỹ, đồng thời không bị phương Tây xếp vào “liên minh độc tài” (authoritarian alliance)—nhóm các quốc gia được cho là bất hảo và đang có xu hướng xích lại gần nhau (gồm Nga, Iran, Trung Quốc và Triều Tiên). Do đó, đối với ông Putin thì chuyến thăm Việt Nam vừa có ý nghĩa về mặt ngoại giao, vừa là nỗ lực khẳng định uy tín cá nhân, đồng thời cũng cho thấy cách mà một nước Nga đơn độc tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi hơn trên trường quốc tế.
Tại Hà Nội, chính sách “ngoại giao ký ức” (memory diplomacy) của ông Putin đang phát huy hiệu quả nhất định. Nỗ lực này nhằm củng cố ảnh hưởng của Nga ở hiện tại dựa trên những hình ảnh tích cực, có chọn lọc về Liên Xô trong quá khứ. Bất chấp những áp lực xung quanh chuyến thăm, Hà Nội vẫn đón ông Putin với nghi thức lễ tân cao nhất, tương tự cách nước này đón Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023 và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023. Đặt ông Putin ngang hàng với lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc về phương diện đón tiếp, Việt Nam muốn khéo léo gửi đi thông điệp về sự nhất quán trong chính sách đối ngoại cân bằng mà nước này theo đuổi lâu nay. Cụ thể, Việt Nam đã thể hiện cách tiếp cận này ngay từ những ngày đầu quân đội Nga tràn vào Ukraine, với diễn ngôn chính trị ôn hoà và những lá phiếu trung lập đi ngược lại số đông chỉ trích Moscow tại Liên Hợp Quốc.
Hà Nội khẳng định chuyến thăm của ông Putin và đoàn đại biểu cấp cao của Nga góp phần thắt chặt mối quan hệ giàu truyền thống giữa hai quốc gia. Để rộng đường dư luận, Báo Nhân Dân—cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam—còn công bố bài viết của Tổng thống Nga nêu bật ý nghĩa và triển vọng hợp tác song phương trong thời gian tới. Bài viết sau đó được nhiều tờ báo lớn tại Việt Nam đưa tin hoặc đăng lại toàn văn. Trong nền báo chí đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, mà trực tiếp là các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cách làm truyền thông tương tự chỉ xuất hiện trước đó một lần trong chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam vào năm ngoái. Những cử chỉ ngoại giao thân thiện và trang trọng của Hà Nội phần nào tạo nên mối quan hệ cá nhân tích cực giữa lãnh đạo Việt Nam và Nga ở thời điểm hiện tại.
Không chỉ vậy, giá trị lịch sử là một bảo chứng của tình hữu nghị Việt - Nga. Trước chuyến thăm của ông Putin vài ngày, hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị song phương (16/6/1994 - 16/6/2024). Thoả thuận này về bản chất là sự điều chỉnh quan hệ đồng minh Việt - Xô (1978) thành quan hệ hữu nghị Việt - Nga (1994). Sau chuyến thăm, Hà Nội và Moscow tiếp tục vạch ra phương hướng hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng - an ninh, năng lượng và khoa học công nghệ, ký kết thêm 11 văn kiện, đồng thời hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Trong gần ba phần tư thế kỷ đã qua, có hơn một nửa thời gian (từ khi hai nước thiết lập quan hệ năm 1950 đến khi Liên Xô sụp đổ năm 1991) Hà Nội và Moscow duy trì tình hữu nghị khăng khít dựa trên sự tương đồng về ý thức hệ. Với đỉnh cao là Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Liên Xô năm 1978, cả hai từng tuyên bố “sẽ trao đổi ý kiến với nhau về tất cả các vấn đề quốc tế quan trọng có liên quan đến lợi ích của hai nước”, và rằng “trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công thì hai bên ký kết Hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó và áp dụng những biện pháp thích đáng và hiệu quả để bảo vệ hòa bình và an ninh của hai nước”, trích Điều 6 của Hiệp ước.
Về bản chất, văn kiện trên là bước thể chế hoá quan hệ “đồng minh chiến lược” Việt - Xô, kế thừa những giá trị truyền thống mà hai nước đã chia sẻ trong suốt giai đoạn Hà Nội đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, trong đó không thể không kể tới sự hỗ trợ to lớn của Liên Xô và Trung Quốc. Đến khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1976, lòng tin chính trị và cá tính lãnh đạo được cho là những lý do khiến Hà Nội và Moscow, thay vì Bắc Kinh, tiếp tục tìm thấy tiếng nói chung trong những vấn đề chiến lược về an ninh. Cùng với việc tham gia Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV hay COMECON) do Liên Xô lãnh đạo vào tháng 6/1978, Việt Nam đã cụ thể hoá nghị quyết Đại hội Đảng lần IV năm 1976, đặt mục tiêu “tăng cường quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, thực hiện sự phân công, hợp tác, tương trợ trên tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa.”
Dù vậy, đặt trong tổng thể phức tạp của tam giác Việt - Trung - Xô và bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ, việc xác lập quan hệ mang tính liên minh về quân sự giữa Việt Nam và Liên Xô đã tạo ra mồi lửa đầu tiên châm ngòi cho Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, cùng hệ luỵ là những vụ xung đột triền miên giữa lực lượng hai nước đến năm 1991.
Hậu chiến, nhất là từ sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam nhận thức rõ hơn hoàn cảnh chính trị của mình trong thế đối đầu giữa các cường quốc, đồng thời phần nào kiểm chứng được hậu quả của việc tự giới hạn các lựa chọn chiến lược trong quan hệ quốc tế. Những quan điểm tổng kết từ giai đoạn đó sau này trở thành nền tảng trong đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá” của Việt Nam, đồng thời cũng định hình chính sách quốc phòng “bốn không” mà Hà Nội theo đuổi, đó là “không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Tuy là những đối tác truyền thống của nhau, một số trụ cột trong hợp tác kinh tế song phương như thương mại và du lịch chỉ đóng vai trò thứ yếu trong tổng thể hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Trong hai quý đầu năm 2024, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đã tăng gần một nửa lên mức 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với giá trị hàng hoá trao đổi giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) (32,4 tỷ USD), thậm chí chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ (61,4 tỷ USD) trong cùng giai đoạn.
Với ngành du lịch, dù nhiều nỗ lực kích cầu đã được triển khai trong năm 2024, lượng khách Nga vẫn chưa đạt 100.000 người trong tổng số 7,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm tháng đầu năm. Điều đáng nói là so với cùng kỳ năm 2023, thị trường này đã tăng trưởng ấn tượng (lên đến 175%) sau khi Việt Nam đưa Nga vào danh sách 13 quốc gia hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực nhập cảnh vào tháng 8 năm ngoái, được ưu đãi với thời hạn tạm trú 45 ngày.
Có thể thấy, là một cường quốc thất thế, sức ảnh hưởng của Nga ngày nay đã và đang suy giảm rõ rệt, tương phản với vai trò lãnh đạo của Liên Xô đối với khối các nước xã hội chủ nghĩa trước kia, mà Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, không vì vậy mà ý nghĩa của quan hệ Việt - Nga mất đi tầm quan trọng vốn có trong chính sách đối ngoại của Hà Nội. Nhìn một cách tổng thể, giá trị chiến lược của hợp tác song phương trong những lĩnh vực then chốt như an ninh - quốc phòng chính là cơ sở điều chỉnh quan hệ Việt - Nga trong thời gian tới.
Hợp tác chặt chẽ cùng Nga trong lĩnh vực năng lượng với các dự án khai thác dầu khí trên Biển Đông giúp Việt Nam có thêm một đối trọng với Trung Quốc, tạo cơ sở để bảo vệ lợi ích quốc gia và ứng phó tốt hơn với các hành vi hung hăng của Bắc Kinh trên biển. So với Mỹ và phương Tây, sự hiện diện của Nga ở Biển Đông không tạo ra những phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh và cũng hiếm khi kích động nước này làm gia tăng tình trạng bất ổn ở khu vực. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, sự tương đồng về lợi ích trong một số lĩnh vực và tầm nhìn chung về bối cảnh quốc tế càng kéo Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Trong một hoàn cảnh cụ thể, Việt Nam rất có thể đã cân nhắc tình thế hiện tại của Nga để tranh thủ thời cơ thắt chặt quan hệ song phương. Bởi lẽ, khi triển vọng hoà bình cho cả Moscow và Kiev vẫn còn mờ nhạt, viễn cảnh xấu nhất với Hà Nội là khó khăn ở tiền tuyến buộc Nga phải từ bỏ lợi ích của Việt Nam để đổi lấy sự ủng hộ từ Bắc Kinh, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, nhằm tìm lối ra cho cuộc chiến ở Ukraine.
Hiện tại, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam, đóng góp 60-70% kho vũ khí và gần như toàn bộ số tàu hải quân Hà Nội sở hữu. Tháng 9/2023—thời điểm ông Biden thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện—truyền thông Mỹ đã tiết lộ một thoả thuận vũ khí bí mật trị giá 8 tỷ USD giữa Việt Nam và Nga trong khoảng thời gian 20 năm. Dù Hà Nội đã có chủ trương phát triển năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và đa dạng nguồn cung vũ khí với các đối tác tiềm năng, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Cộng hòa Séc, các cuộc đàm phán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trên thực tế, nhập khẩu vũ khí của Hà Nội từ Moscow đã giảm xuống từ năm 2014. Tuy nhiên, xem xét yêu cầu về đặc tính kỹ thuật, mức độ cạnh tranh về giá thành và sự quen thuộc trong hoạt động huấn luyện - tác chiến của các lực lượng cho thấy Việt Nam vẫn cần Moscow trong nỗ lực hiện đại hoá quân đội. Rất có thể thoả thuận vũ khí mới nhất với Nga là biện pháp tối ưu để Việt Nam đảm bảo an ninh ở hiện tại, cho phép nước này tiếp tục duy trì thế tự chủ chiến lược trong quan hệ với các cường quốc.
Hôm 12/8, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và đoàn đại biểu Việt Nam đã dự lễ khánh thành đài tưởng niệm các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tham gia bảo vệ Moscow ở Mặt trận phía Đông (Eastern Front) trong Thế chiến thứ hai. Sự kiện là dịp để hai quốc gia tri ân các gia đình liệt sĩ đã ngã xuống trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Nga, đồng thời tô điểm hình tượng người lính Việt Nam trong bộ trang phục Hồng quân Liên Xô—lực lượng gắn với những chiến công quan trọng của phe Đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít Đức. Với hoạt động mang tính biểu tượng này, dường như Moscow và Hà Nội đang muốn tiến thêm một bước trong việc kết nối các hoạt động hợp tác quốc phòng với tình hữu nghị giữa hai nước, từ đó củng cố quan hệ song phương.
Dù vậy, trong khi Nga đang xem việc đảm bảo khí tài cho hoạt động quân sự tại Ukraine là ưu tiên hàng đầu, Việt Nam cũng cần phải hành động khôn ngoan trước nguy cơ bị Washington áp dụng Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA)—vốn nhắm tới các quốc gia mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự từ Nga. Dù những yếu tố lịch sử có thể lý giải cho tình trạng phụ thuộc hiện tại của Việt Nam vào vũ khí của Nga, rất khó để thuyết phục các nghị sĩ Mỹ tin vào thành ý của Hà Nội nếu Việt Nam cứ tiếp tục mua sắm quốc phòng từ Moscow và thử thách sự kiên nhẫn của Washington trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam sẽ không để việc phát triển quan hệ với Nga làm tổn hại lòng tin chính trị trong quan hệ với Mỹ. Giống như kinh nghiệm đúc kết được vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Hà Nội hiểu rằng tự giới hạn các lựa chọn chiến lược trong cạnh tranh địa chính trị là điều tối kỵ, và rằng củng cố quan hệ với nước này không nhất thiết triệt tiêu động lực tăng cường hợp tác với nước kia.
Những cân nhắc nêu trên cũng có thể là lý do mà sau khi đón tiếp phái đoàn Nga vào tháng 6, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã diễn ra sôi động với nhiều cuộc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao với Trung Quốc và Mỹ. Với Washington, từ ngày 8 đến ngày 12/7/2024, Việt Nam đón hai tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ vào cảng Cam Ranh (thuộc tỉnh Khánh Hòa) để thắt chặt quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hoạt động này tiếp nối cuộc gặp giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội hôm 21/6—chưa đầy một ngày sau khi ông Putin rời Việt Nam. Đại diện Washington khẳng định tôn trọng chính sách đối ngoại của Việt Nam và tin tưởng sâu sắc vào quan hệ giữa hai nước ở thời điểm hiện tại.
Với Bắc Kinh, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại nước này từ ngày 25 đến 28/6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp ông Tập Cận Bình, người đồng cấp Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh. Các quan chức này cũng đồng thời là bốn ủy viên hàng đầu trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 20. Sau đó, khi đến chào từ biệt Chủ tịch nước Tô Lâm nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam hôm 17/7, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba đã bày tỏ sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Hà Nội và cam kết “không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ hai nước”.
Bất chấp khoảng cách địa lý, quan hệ gần gũi giữa Việt Nam và Liên Xô cũ cũng như nước Nga hiện đại được đặc trưng bởi những giá trị truyền thống mang tính kế thừa và gắn bó chặt chẽ với quá trình phát triển của mỗi nước. Đặt trong bối cảnh hiện tại, các yếu tố này không chỉ tiếp tục giúp điều chỉnh khuôn khổ hợp tác song phương, mà còn phần nào ảnh hưởng đến tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam. Với Hà Nội, chừng nào dấu ấn tích cực của tình hữu nghị Việt - Xô còn được nhắc lại như một biểu tượng của hoạt động giao lưu nhân dân, chừng đó quan hệ giữa Hà Nội và Moscow còn tìm thấy điểm tựa là lòng tin chính trị được thử thách trong những khúc quanh của lịch sử. Và chừng nào sự tin cậy còn được vun đắp trong quan hệ song phương, chừng đó hai nước còn có cơ sở để duy trì “cách tiếp cận tương đồng hoặc gần gũi về các vấn đề cấp thiết và quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế,” như ông Putin đã chỉ ra.
Tuy nhiên, với Việt Nam, thực tiễn chứng minh rằng khi an ninh quốc gia bị chi phối mạnh mẽ bởi cạnh tranh chiến lược nước lớn, đảm bảo hài hoà lợi ích với các bên chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhiều khả năng chiến tranh Nga - Ukraine sẽ kéo dài, và bài toán đặt ra cho những nhà hoạch định chính sách tại Hà Nội là dự liệu về các kịch bản để phản ứng kịp thời và phù hợp. Trong thời gian qua, Việt Nam đã cho giới quan sát và các nước thấy rằng, với công cụ ngoại giao năng động trong tay, hành động kiên định với lợi ích cốt lõi nhưng vẫn linh hoạt điều chỉnh trọng tâm để duy trì trạng thái cân bằng giữa các cường quốc là một phương pháp “đi dây” hiệu quả, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Ngày 8/8/2024, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ngoài những nội dung trao đổi mang tính “truyền thống” về quan hệ song phương, bản tin đề cập đến một động thái hiếm gặp trong cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. Dù trước đó đã có thư, ông Putin vẫn “đề nghị điện đàm để trực tiếp chúc mừng” ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13.
Trong phiên họp bất thường tại Hà Nội hôm 3/8, ông Tô Lâm được tất cả ủy viên Trung ương thống nhất chọn kế nhiệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng—người qua đời hôm 19/7 khi còn đương chức. Cùng với chức danh Chủ tịch nước được Quốc hội bầu vào cuối tháng 5/2024, ông Tô Lâm trở thành người thứ hai sau ông Nguyễn Phú Trọng đồng thời giữ hai vị trí là Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng kể từ năm 1987. Như vậy, cuộc điện đàm với người đứng đầu Điện Kremlin cũng là cuộc điện đàm đầu tiên của nhà lãnh đạo quê Hưng Yên trên cương vị mới.
Việc nguyên thủ quốc gia của Việt Nam và Nga thăm hỏi và chúc mừng nhau mỗi khi được giao trọng trách quan trọng là không hiếm. Tháng 4/2021, ông Putin đã có cuộc điện đàm chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử lần ba tại Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, và cũng nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Nga (2001 - 2021).
Thời điểm đó, ông Putin vẫn chưa công bố bài viết gây tranh cãi “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine”, mười tháng trước khi quyết định phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại quốc gia láng giềng vào tháng 2/2022—cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi xung đột đang diễn ra, sự hăng hái của ông Putin đối với một hoạt động lễ nghi ngoại giao thông thường thu hút sự chú ý. Lời đề nghị của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Moscow phải đối phó với cuộc tiến công bất ngờ của lực lượng Ukraine vào Kursk—một khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Nga, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến.
Điều đáng nói là cách đây chưa đầy hai tháng, ngày 20/6/2024, đích thân ông Putin đã có lần thứ năm đến Việt Nam trong vai trò nguyên thủ quốc gia. Khi đó, chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Nga được tiến hành với một lịch trình kéo dài chưa đầy 24 giờ. Dẫu vậy, ông Putin vẫn kịp gặp đủ “Tứ trụ”—bốn lãnh đạo cao nhất của Việt Nam—là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Cuộc gặp với ông Putin cũng là lần cuối cùng vị Tổng Bí thư quá cố của Việt Nam xuất hiện trước công chúng.
Sự đón tiếp trọng thị mà Việt Nam dành cho người đứng đầu Điện Kremlin như thường lệ cho thấy lập trường kiên định của Hà Nội đối với “tình hữu nghị thân thiết, thủy chung, sâu sắc” giữa hai nước. Điều này có ý nghĩa rất lớn với Nga khi Moscow đang bị Mỹ và các quốc gia phương Tây cô lập. Với nhiều nước, ông Putin là đối tượng truy nã của Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) với các cáo buộc gây ra “tội ác chiến tranh” tại Ukraine. Tuy vậy, ở Việt Nam (nước không là thành viên của ICC), ông Putin được xem như người đại diện hợp hiến của Nga—quốc gia kế tục Liên Xô và hiện là một trong bảy đối tác chiến lược toàn diện mà Hà Nội hết sức coi trọng.
Sau Trung Quốc và Triều Tiên, Việt Nam là điểm đến thứ ba mà ông Putin công du từ khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ năm vào tháng 5/2024, đồng thời cũng là nơi xa xôi nhất mà nhà lãnh đạo Nga đặt chân đến (kể từ tháng 2/2022). Dù vậy, khác với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, Hà Nội là một cường quốc tầm trung năng động, có quan hệ hợp tác tích cực với Mỹ, đồng thời không bị phương Tây xếp vào “liên minh độc tài” (authoritarian alliance)—nhóm các quốc gia được cho là bất hảo và đang có xu hướng xích lại gần nhau (gồm Nga, Iran, Trung Quốc và Triều Tiên). Do đó, đối với ông Putin thì chuyến thăm Việt Nam vừa có ý nghĩa về mặt ngoại giao, vừa là nỗ lực khẳng định uy tín cá nhân, đồng thời cũng cho thấy cách mà một nước Nga đơn độc tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi hơn trên trường quốc tế.
Tại Hà Nội, chính sách “ngoại giao ký ức” (memory diplomacy) của ông Putin đang phát huy hiệu quả nhất định. Nỗ lực này nhằm củng cố ảnh hưởng của Nga ở hiện tại dựa trên những hình ảnh tích cực, có chọn lọc về Liên Xô trong quá khứ. Bất chấp những áp lực xung quanh chuyến thăm, Hà Nội vẫn đón ông Putin với nghi thức lễ tân cao nhất, tương tự cách nước này đón Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023 và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023. Đặt ông Putin ngang hàng với lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc về phương diện đón tiếp, Việt Nam muốn khéo léo gửi đi thông điệp về sự nhất quán trong chính sách đối ngoại cân bằng mà nước này theo đuổi lâu nay. Cụ thể, Việt Nam đã thể hiện cách tiếp cận này ngay từ những ngày đầu quân đội Nga tràn vào Ukraine, với diễn ngôn chính trị ôn hoà và những lá phiếu trung lập đi ngược lại số đông chỉ trích Moscow tại Liên Hợp Quốc.
Hà Nội khẳng định chuyến thăm của ông Putin và đoàn đại biểu cấp cao của Nga góp phần thắt chặt mối quan hệ giàu truyền thống giữa hai quốc gia. Để rộng đường dư luận, Báo Nhân Dân—cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam—còn công bố bài viết của Tổng thống Nga nêu bật ý nghĩa và triển vọng hợp tác song phương trong thời gian tới. Bài viết sau đó được nhiều tờ báo lớn tại Việt Nam đưa tin hoặc đăng lại toàn văn. Trong nền báo chí đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, mà trực tiếp là các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cách làm truyền thông tương tự chỉ xuất hiện trước đó một lần trong chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam vào năm ngoái. Những cử chỉ ngoại giao thân thiện và trang trọng của Hà Nội phần nào tạo nên mối quan hệ cá nhân tích cực giữa lãnh đạo Việt Nam và Nga ở thời điểm hiện tại.
Không chỉ vậy, giá trị lịch sử là một bảo chứng của tình hữu nghị Việt - Nga. Trước chuyến thăm của ông Putin vài ngày, hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị song phương (16/6/1994 - 16/6/2024). Thoả thuận này về bản chất là sự điều chỉnh quan hệ đồng minh Việt - Xô (1978) thành quan hệ hữu nghị Việt - Nga (1994). Sau chuyến thăm, Hà Nội và Moscow tiếp tục vạch ra phương hướng hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng - an ninh, năng lượng và khoa học công nghệ, ký kết thêm 11 văn kiện, đồng thời hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Trong gần ba phần tư thế kỷ đã qua, có hơn một nửa thời gian (từ khi hai nước thiết lập quan hệ năm 1950 đến khi Liên Xô sụp đổ năm 1991) Hà Nội và Moscow duy trì tình hữu nghị khăng khít dựa trên sự tương đồng về ý thức hệ. Với đỉnh cao là Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Liên Xô năm 1978, cả hai từng tuyên bố “sẽ trao đổi ý kiến với nhau về tất cả các vấn đề quốc tế quan trọng có liên quan đến lợi ích của hai nước”, và rằng “trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công thì hai bên ký kết Hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó và áp dụng những biện pháp thích đáng và hiệu quả để bảo vệ hòa bình và an ninh của hai nước”, trích Điều 6 của Hiệp ước.
Về bản chất, văn kiện trên là bước thể chế hoá quan hệ “đồng minh chiến lược” Việt - Xô, kế thừa những giá trị truyền thống mà hai nước đã chia sẻ trong suốt giai đoạn Hà Nội đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, trong đó không thể không kể tới sự hỗ trợ to lớn của Liên Xô và Trung Quốc. Đến khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1976, lòng tin chính trị và cá tính lãnh đạo được cho là những lý do khiến Hà Nội và Moscow, thay vì Bắc Kinh, tiếp tục tìm thấy tiếng nói chung trong những vấn đề chiến lược về an ninh. Cùng với việc tham gia Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV hay COMECON) do Liên Xô lãnh đạo vào tháng 6/1978, Việt Nam đã cụ thể hoá nghị quyết Đại hội Đảng lần IV năm 1976, đặt mục tiêu “tăng cường quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, thực hiện sự phân công, hợp tác, tương trợ trên tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa.”
Dù vậy, đặt trong tổng thể phức tạp của tam giác Việt - Trung - Xô và bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ, việc xác lập quan hệ mang tính liên minh về quân sự giữa Việt Nam và Liên Xô đã tạo ra mồi lửa đầu tiên châm ngòi cho Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, cùng hệ luỵ là những vụ xung đột triền miên giữa lực lượng hai nước đến năm 1991.
Hậu chiến, nhất là từ sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam nhận thức rõ hơn hoàn cảnh chính trị của mình trong thế đối đầu giữa các cường quốc, đồng thời phần nào kiểm chứng được hậu quả của việc tự giới hạn các lựa chọn chiến lược trong quan hệ quốc tế. Những quan điểm tổng kết từ giai đoạn đó sau này trở thành nền tảng trong đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá” của Việt Nam, đồng thời cũng định hình chính sách quốc phòng “bốn không” mà Hà Nội theo đuổi, đó là “không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Tuy là những đối tác truyền thống của nhau, một số trụ cột trong hợp tác kinh tế song phương như thương mại và du lịch chỉ đóng vai trò thứ yếu trong tổng thể hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Trong hai quý đầu năm 2024, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đã tăng gần một nửa lên mức 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với giá trị hàng hoá trao đổi giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) (32,4 tỷ USD), thậm chí chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ (61,4 tỷ USD) trong cùng giai đoạn.
Với ngành du lịch, dù nhiều nỗ lực kích cầu đã được triển khai trong năm 2024, lượng khách Nga vẫn chưa đạt 100.000 người trong tổng số 7,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm tháng đầu năm. Điều đáng nói là so với cùng kỳ năm 2023, thị trường này đã tăng trưởng ấn tượng (lên đến 175%) sau khi Việt Nam đưa Nga vào danh sách 13 quốc gia hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực nhập cảnh vào tháng 8 năm ngoái, được ưu đãi với thời hạn tạm trú 45 ngày.
Có thể thấy, là một cường quốc thất thế, sức ảnh hưởng của Nga ngày nay đã và đang suy giảm rõ rệt, tương phản với vai trò lãnh đạo của Liên Xô đối với khối các nước xã hội chủ nghĩa trước kia, mà Việt Nam là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, không vì vậy mà ý nghĩa của quan hệ Việt - Nga mất đi tầm quan trọng vốn có trong chính sách đối ngoại của Hà Nội. Nhìn một cách tổng thể, giá trị chiến lược của hợp tác song phương trong những lĩnh vực then chốt như an ninh - quốc phòng chính là cơ sở điều chỉnh quan hệ Việt - Nga trong thời gian tới.
Hợp tác chặt chẽ cùng Nga trong lĩnh vực năng lượng với các dự án khai thác dầu khí trên Biển Đông giúp Việt Nam có thêm một đối trọng với Trung Quốc, tạo cơ sở để bảo vệ lợi ích quốc gia và ứng phó tốt hơn với các hành vi hung hăng của Bắc Kinh trên biển. So với Mỹ và phương Tây, sự hiện diện của Nga ở Biển Đông không tạo ra những phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh và cũng hiếm khi kích động nước này làm gia tăng tình trạng bất ổn ở khu vực. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, sự tương đồng về lợi ích trong một số lĩnh vực và tầm nhìn chung về bối cảnh quốc tế càng kéo Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Trong một hoàn cảnh cụ thể, Việt Nam rất có thể đã cân nhắc tình thế hiện tại của Nga để tranh thủ thời cơ thắt chặt quan hệ song phương. Bởi lẽ, khi triển vọng hoà bình cho cả Moscow và Kiev vẫn còn mờ nhạt, viễn cảnh xấu nhất với Hà Nội là khó khăn ở tiền tuyến buộc Nga phải từ bỏ lợi ích của Việt Nam để đổi lấy sự ủng hộ từ Bắc Kinh, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, nhằm tìm lối ra cho cuộc chiến ở Ukraine.
Hiện tại, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam, đóng góp 60-70% kho vũ khí và gần như toàn bộ số tàu hải quân Hà Nội sở hữu. Tháng 9/2023—thời điểm ông Biden thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện—truyền thông Mỹ đã tiết lộ một thoả thuận vũ khí bí mật trị giá 8 tỷ USD giữa Việt Nam và Nga trong khoảng thời gian 20 năm. Dù Hà Nội đã có chủ trương phát triển năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và đa dạng nguồn cung vũ khí với các đối tác tiềm năng, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Cộng hòa Séc, các cuộc đàm phán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trên thực tế, nhập khẩu vũ khí của Hà Nội từ Moscow đã giảm xuống từ năm 2014. Tuy nhiên, xem xét yêu cầu về đặc tính kỹ thuật, mức độ cạnh tranh về giá thành và sự quen thuộc trong hoạt động huấn luyện - tác chiến của các lực lượng cho thấy Việt Nam vẫn cần Moscow trong nỗ lực hiện đại hoá quân đội. Rất có thể thoả thuận vũ khí mới nhất với Nga là biện pháp tối ưu để Việt Nam đảm bảo an ninh ở hiện tại, cho phép nước này tiếp tục duy trì thế tự chủ chiến lược trong quan hệ với các cường quốc.
Hôm 12/8, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và đoàn đại biểu Việt Nam đã dự lễ khánh thành đài tưởng niệm các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tham gia bảo vệ Moscow ở Mặt trận phía Đông (Eastern Front) trong Thế chiến thứ hai. Sự kiện là dịp để hai quốc gia tri ân các gia đình liệt sĩ đã ngã xuống trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Nga, đồng thời tô điểm hình tượng người lính Việt Nam trong bộ trang phục Hồng quân Liên Xô—lực lượng gắn với những chiến công quan trọng của phe Đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít Đức. Với hoạt động mang tính biểu tượng này, dường như Moscow và Hà Nội đang muốn tiến thêm một bước trong việc kết nối các hoạt động hợp tác quốc phòng với tình hữu nghị giữa hai nước, từ đó củng cố quan hệ song phương.
Dù vậy, trong khi Nga đang xem việc đảm bảo khí tài cho hoạt động quân sự tại Ukraine là ưu tiên hàng đầu, Việt Nam cũng cần phải hành động khôn ngoan trước nguy cơ bị Washington áp dụng Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA)—vốn nhắm tới các quốc gia mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự từ Nga. Dù những yếu tố lịch sử có thể lý giải cho tình trạng phụ thuộc hiện tại của Việt Nam vào vũ khí của Nga, rất khó để thuyết phục các nghị sĩ Mỹ tin vào thành ý của Hà Nội nếu Việt Nam cứ tiếp tục mua sắm quốc phòng từ Moscow và thử thách sự kiên nhẫn của Washington trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam sẽ không để việc phát triển quan hệ với Nga làm tổn hại lòng tin chính trị trong quan hệ với Mỹ. Giống như kinh nghiệm đúc kết được vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Hà Nội hiểu rằng tự giới hạn các lựa chọn chiến lược trong cạnh tranh địa chính trị là điều tối kỵ, và rằng củng cố quan hệ với nước này không nhất thiết triệt tiêu động lực tăng cường hợp tác với nước kia.
Những cân nhắc nêu trên cũng có thể là lý do mà sau khi đón tiếp phái đoàn Nga vào tháng 6, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã diễn ra sôi động với nhiều cuộc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao với Trung Quốc và Mỹ. Với Washington, từ ngày 8 đến ngày 12/7/2024, Việt Nam đón hai tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ vào cảng Cam Ranh (thuộc tỉnh Khánh Hòa) để thắt chặt quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hoạt động này tiếp nối cuộc gặp giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội hôm 21/6—chưa đầy một ngày sau khi ông Putin rời Việt Nam. Đại diện Washington khẳng định tôn trọng chính sách đối ngoại của Việt Nam và tin tưởng sâu sắc vào quan hệ giữa hai nước ở thời điểm hiện tại.
Với Bắc Kinh, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại nước này từ ngày 25 đến 28/6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp ông Tập Cận Bình, người đồng cấp Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) Triệu Lạc Tế và Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh. Các quan chức này cũng đồng thời là bốn ủy viên hàng đầu trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 20. Sau đó, khi đến chào từ biệt Chủ tịch nước Tô Lâm nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam hôm 17/7, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba đã bày tỏ sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Hà Nội và cam kết “không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ hai nước”.
Bất chấp khoảng cách địa lý, quan hệ gần gũi giữa Việt Nam và Liên Xô cũ cũng như nước Nga hiện đại được đặc trưng bởi những giá trị truyền thống mang tính kế thừa và gắn bó chặt chẽ với quá trình phát triển của mỗi nước. Đặt trong bối cảnh hiện tại, các yếu tố này không chỉ tiếp tục giúp điều chỉnh khuôn khổ hợp tác song phương, mà còn phần nào ảnh hưởng đến tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam. Với Hà Nội, chừng nào dấu ấn tích cực của tình hữu nghị Việt - Xô còn được nhắc lại như một biểu tượng của hoạt động giao lưu nhân dân, chừng đó quan hệ giữa Hà Nội và Moscow còn tìm thấy điểm tựa là lòng tin chính trị được thử thách trong những khúc quanh của lịch sử. Và chừng nào sự tin cậy còn được vun đắp trong quan hệ song phương, chừng đó hai nước còn có cơ sở để duy trì “cách tiếp cận tương đồng hoặc gần gũi về các vấn đề cấp thiết và quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế,” như ông Putin đã chỉ ra.
Tuy nhiên, với Việt Nam, thực tiễn chứng minh rằng khi an ninh quốc gia bị chi phối mạnh mẽ bởi cạnh tranh chiến lược nước lớn, đảm bảo hài hoà lợi ích với các bên chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhiều khả năng chiến tranh Nga - Ukraine sẽ kéo dài, và bài toán đặt ra cho những nhà hoạch định chính sách tại Hà Nội là dự liệu về các kịch bản để phản ứng kịp thời và phù hợp. Trong thời gian qua, Việt Nam đã cho giới quan sát và các nước thấy rằng, với công cụ ngoại giao năng động trong tay, hành động kiên định với lợi ích cốt lõi nhưng vẫn linh hoạt điều chỉnh trọng tâm để duy trì trạng thái cân bằng giữa các cường quốc là một phương pháp “đi dây” hiệu quả, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Từ khoá: Việt Nam Nga ngoại giao ký ức chính sách đối ngoại