Dưới thời Marcos, hợp tác an ninh hàng hải Philippines - Việt Nam có gì đáng chú ý?

Manila đang đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải với Hà Nội để giảm sức ép từ Bắc Kinh. Thời gian tới, hai nước cần tiếp tục duy trì đối thoại, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề chung ở Biển Đông.

Nguyễn Thành Long 20/01/2025
Image
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đón tiếp tàu CSB 8002 của Cảnh sát biển Việt Nam vào ngày 05/08/2024 tại cảng Nam (South Harbor) của Manila (Philippines) - (C): RICHARD A. REYES/INQUIRER

Manila tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Hà Nội 

Việt Nam – quốc gia duy nhất trong ASEAN có quan hệ “đối tác chiến lược” (strategic partnership) với Philippines – ngày càng giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh của Manila. Trong bối cảnh Philippines và Trung Quốc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, Philippines đang thắt chặt hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam. 

Kể từ khi nhậm chức vào giữa năm 2022, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã có bốn cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bên lề các hội nghị cấp cao để bàn về tương lai của quan hệ hai nước. Đầu tháng 8/2023, Ngoại trưởng Enrique Manalo đã thăm chính thức Việt Nam và cho rằng hai nước nên tăng cường hợp tác hàng hải để tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ song phương. Lĩnh vực hợp tác này tiếp tục là chủ đề thảo luận trọng tâm trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam – Philippines vào đầu tháng 8 năm ngoái. 

Đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ đã thăm Trụ sở Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) tại Manila. Người phát ngôn của PCG là Chuẩn đô đốc Armando Balilo nhận định chuyến thăm giúp Philippines giải thích một cách toàn diện về các hoạt động an ninh hàng hải của mình ở Biển Đông nhằm tránh các xung đột tiềm ẩn với Việt Nam. Đây cũng là dịp để hai nước chuẩn bị cho việc nâng cấp hợp tác hàng hải ở khu vực.   

Cuối tháng 1/2024, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Marcos đến Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã ký kết năm văn kiện hợp tác, trong đó có hai văn bản liên quan đến hợp tác an ninh hàng hải, bao gồm Bản ghi nhớ về Phòng ngừa và Quản lý sự cố tại Biển Đông và Bản ghi nhớ giữa Cảnh sát Biển Việt Nam (VCG) và PCG về hợp tác an ninh hàng hải. Cũng nhân dịp này, PCG đã lần đầu tiên mời VCG tham gia cuộc tập trận ba bên giữa PCG và Lực lượng bảo vệ bờ biển của Indonesia và Nhật Bản về ô nhiễm biển (MARPOLEX) vào tháng 6/2024. Đáp lại, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia phía Nam của Việt Nam đã tham dự với tư cách quan sát viên.

Sang tháng 4 cùng năm, VCG và PCG đã tổ chức hội nghị song phương lần thứ nhất, và kết quả của hội nghị là cuộc diễn tập lần đầu tiên giữa Tàu CSB 8002 của VCG và tàu tuần tra ngoài khơi BRP Gabriela Silang của PCG. Bên cạnh đó, vào tháng 8, hai bên đã phối hợp tổ chức hoạt động tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy nổ trên biển tại vùng biển phía Tây Nam đảo Luzon.

Tiếp đó, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đến Philippines vào cuối tháng 8/2024, hai bên đã đồng ý tăng cường quan hệ quốc phòng và quân sự, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Bộ trưởng Phan Văn Giang và người đồng cấp Gilberto Teodoro đã ký một ý định thư giúp tạo điều kiện hợp tác chặt chẽ hơn về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai trên biển, và về các thỏa thuận quân y. 

Manila và Hà Nội “liên minh” về an ninh hàng hải để chống Bắc Kinh?

Việc Philippines và Việt Nam tăng cường hợp tác hàng hải được một số nhà quan sát cho là nhằm thành lập một “liên minh” hay “mặt trận thống nhất” để chống Trung Quốc. Tuy nhiên, nhận định này không thoả đáng, vì việc liên minh để chống Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với ưu tiên của các bên liên quan và thực tế địa chính trị ở khu vực.

Trong buổi hội đàm với Tổng thống Marcos, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã một lần nữa khẳng định rằng Việt Nam nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và kiên định chính sách quốc phòng “4 Không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Tuyên bố này cho thấy Việt Nam mong muốn duy trì chính sách đối ngoại tự chủ và thận trọng xử lý các vấn đề “nhạy cảm” với Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại và an ninh của Việt Nam còn được định hình bởi mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại với nền kinh tế phát triển vào năm 2045. Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc Hà Nội tham gia bất kỳ liên minh hay hình thức hợp tác nào với chủ đích nhắm vào Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ Việt – Trung và khiến Hà Nội gánh chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Bắc Kinh. 

Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích quốc gia tốt hơn, Việt Nam đã có cách tiếp cận chủ động hơn trong chính sách đối ngoại. Trong giai đoạn 2023 - 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp và Malaysia. Động thái này của Việt Nam được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc nước này nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia có chung quan điểm trong việc giải quyết các tranh chấp Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam và các đối tác cũng có lợi ích khi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Việc thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia cũng cho thấy nghệ thuật “cân bằng” của Việt Nam đã bắt đầu tập trung vào các quốc gia Đông Nam Á thay vì chỉ ưu tiên các quốc gia bên ngoài khu vực. Trong đó, Việt Nam chú trọng đến các quốc gia có chung lợi ích trong việc đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực Đông Nam Á nói chung và ở Biển Đông nói riêng như Malaysia, Philippines, Indonesia và Singapore. Ngoài Malaysia, Việt Nam cũng xem xét nâng cấp quan hệ với IndonesiaSingapore trong thời gian tới. 

Philippines được lợi gì khi tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam?

Trong bối cảnh quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đang lao dốc bởi một loạt các căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), việc tăng cường quan hệ và xây dựng lòng tin với Việt Nam giúp Philippines tránh nguy cơ bị cô lập và thoát khỏi việc Bắc Kinh gây chia rẽ mối quan hệ Manila - Hà Nội. 

Nếu Philippines và Việt Nam có thể tiếp tục duy trì và thậm chí tăng cường hợp tác và xây dựng lòng tin thì cả hai có thể theo đuổi các giải pháp khả thi hơn đối với tranh chấp biên giới trên biển, tương tự như việc Việt Nam và Indonesia đã giải quyết thành công các tranh chấp biên giới hàng hải sau các cuộc đàm phán kéo dài 12 năm. 

Hiện Philippines và Việt Nam đều đầu tư mạnh vào việc phát triển Lực lượng Bảo vệ Bờ biển để bảo vệ lợi ích hàng hải của mình ở Biển Đông. Thời gian tới, các bên cần ưu tiên cho việc hiện đại hóa và nâng cao năng lực cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của mình. Các nỗ lực này nên bao gồm việc trang bị kỹ năng và trang thiết bị hiện đại hơn; hợp tác chia sẻ thông tin, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong việc đối phó với các mối đe dọa gia tăng trên biển; và thiết lập các quy tắc ứng xử rõ ràng để điều chỉnh hành vi của các lực lượng khi hoạt động trên biển, nhằm giảm nguy cơ hiểu lầm và leo thang xung đột. 

Như vậy, hợp tác hàng hải cho phép hai bên duy trì đối thoại và tham vấn lẫn nhau thường xuyên, từ đó kịp thời trao đổi thông tin hoặc chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và xử lý khủng hoảng ở Biển Đông. Bên cạnh đó, quá trình hợp tác cũng tạo điều kiện để hai bên cùng giải quyết các vấn đề chung như bảo vệ môi trường biển, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), và giảm thiểu nguy cơ xảy ra các sự cố không mong muốn trên biển.

Đặc biệt, việc quan hệ Philippines - Việt Nam được củng cố cho thấy các quốc gia có yêu sách ở Biển Đông vẫn có thể phối hợp giải quyết các thách thức chung thông qua các biện pháp hòa bình. Việc tăng cường hợp tác cũng góp phần hạn chế khả năng Trung Quốc khai thác cách tiếp cận rời rạc giữa các quốc gia có yêu sách.

Một số thách thức đối với hợp tác an ninh hàng hải song phương 

Mặc dù có tiến triển đáng kể, hợp tác Philippines - Việt Nam không tránh khỏi những thách thức. Đầu tiên, sự thay đổi trong chính trị nội bộ ở Philippines khiến quốc đảo này có chính sách đối ngoại thiếu nhất quán, đặc biệt liên quan đến các vấn đề “nhạy cảm” như Biển Đông. Trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Philippines, nhiều dự đoán cho rằng Phó Tổng thống Sara Duterte-Carpio, con gái của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, sẽ trở thành ứng viên được ủng hộ mạnh mẽ từ người dân nước này, theo một cuộc thăm dò dư luận của công ty WR Numero Research. Nếu điều này xảy ra, Philippines có thể sẽ quay trở lại cách tiếp cận ôn hòa và thỏa hiệp nhiều hơn với Trung Quốc như thời Duterte. Kết quả của việc này sẽ tác động đáng kể đến quan hệ Philippines - Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. thông qua Đạo luật Vùng biển Philippines và Đạo luật Đường biển quần đảo Philippines vào tháng 11/2024 có nguy cơ vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đạo luật Vùng biển Philippines đã mô tả các thực thể luôn nổi lúc triều cao bên trong khu vực được gọi là Nhóm đảo Kalayaan (Kalayaan Island Group - KIG) thuộc vùng biển (maritime zones) của Philippines và có lãnh hải rộng 12 hải lý. Tuy nhiên, KIG, được xác định dựa theo Sắc lệnh Tổng thống số 1596 do cố Tổng thống Ferdinand Marcos ban hành vào ngày 11/6/1978, bao gồm các thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Trước việc Philippines ban hành các đạo luật này, Việt Nam đề nghị các quốc gia tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và khẳng định kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. 

Cho đến nay, Philippines vẫn chưa công bố chính thức những thực thể nào ở KIG mà quốc gia này tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, những mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền có thể tác động đến lòng tin và triển vọng hợp tác giữa hai nước trong tương lai, đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ gây rạn nứt trong quan hệ bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc

Ngoài ra, Trung Quốc có thể đang sử dụng một “chiến lược nêm” (wedge strategy) để chia rẽ quan hệ Việt Nam - Philippines thông qua khai thác những bất đồng liên quan đến tranh chấp hàng hải giữa hai nước. Một số chuyên gia và các phóng viên của Philippines cho biết họ đã nhận được những lời đề nghị không rõ danh tính để viết những bài viết chỉ trích các hoạt động của Việt Nam ở Biển Đông. Renato De Castro, giáo sư nghiên cứu quốc tế của Đại học De ​​La Salle, nhận định rằng mục đích của việc này là “hướng sự phẫn nộ của người Philippines vào Việt Nam, thay vì nhắm vào các hành động bắt nạt của Trung Quốc đối với PCG và ngư dân Philippines tại Biển Tây Philippines (tên gọi mà phía Philippines sử dụng để chỉ vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này)”. 

Cuối cùng, các hoạt động hợp tác hàng hải giữa Philippines và Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với những áp lực và chỉ trích từ Trung Quốc. Đơn cử, Trung Quốc đã từng lên án mạnh mẽ hoạt động giao lưu giữa hải quân của hai quốc gia Đông Nam Á tại đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vào năm 2014, gọi đó là “trò hề vụng về” và yêu cầu hai nước chấm dứt các hoạt động như vậy. 

Tóm lại, hợp tác hàng hải giữa Philippines và Việt Nam không nhằm mục đích thiết lập một “liên minh” chống Trung Quốc. Việt Nam vẫn duy trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Trong đó, việc tăng cường hợp tác hàng hải với Manila là một bước phát triển phù hợp với định hướng đối ngoại hiện nay của Hà Nội. Cho đến nay, hợp tác hàng hải giữa hai nước vẫn đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, Manila và Hà Nội vẫn cần nỗ lực hơn nữa để ứng phó với những thách thức trong quá trình hợp tác. Hai nước cần tiếp tục duy trì đối thoại, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề chung ở Biển Đông, đồng thời ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Nguyễn Thành Long quan tâm đến quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với trọng tâm nghiên cứu là an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, chủ nghĩa tiểu đa phương và ngoại giao văn hóa.

Manila tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Hà Nội 

Việt Nam – quốc gia duy nhất trong ASEAN có quan hệ “đối tác chiến lược” (strategic partnership) với Philippines – ngày càng giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh của Manila. Trong bối cảnh Philippines và Trung Quốc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, Philippines đang thắt chặt hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam. 

Kể từ khi nhậm chức vào giữa năm 2022, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã có bốn cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bên lề các hội nghị cấp cao để bàn về tương lai của quan hệ hai nước. Đầu tháng 8/2023, Ngoại trưởng Enrique Manalo đã thăm chính thức Việt Nam và cho rằng hai nước nên tăng cường hợp tác hàng hải để tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ song phương. Lĩnh vực hợp tác này tiếp tục là chủ đề thảo luận trọng tâm trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam – Philippines vào đầu tháng 8 năm ngoái. 

Đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ đã thăm Trụ sở Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) tại Manila. Người phát ngôn của PCG là Chuẩn đô đốc Armando Balilo nhận định chuyến thăm giúp Philippines giải thích một cách toàn diện về các hoạt động an ninh hàng hải của mình ở Biển Đông nhằm tránh các xung đột tiềm ẩn với Việt Nam. Đây cũng là dịp để hai nước chuẩn bị cho việc nâng cấp hợp tác hàng hải ở khu vực.   

Cuối tháng 1/2024, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Marcos đến Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã ký kết năm văn kiện hợp tác, trong đó có hai văn bản liên quan đến hợp tác an ninh hàng hải, bao gồm Bản ghi nhớ về Phòng ngừa và Quản lý sự cố tại Biển Đông và Bản ghi nhớ giữa Cảnh sát Biển Việt Nam (VCG) và PCG về hợp tác an ninh hàng hải. Cũng nhân dịp này, PCG đã lần đầu tiên mời VCG tham gia cuộc tập trận ba bên giữa PCG và Lực lượng bảo vệ bờ biển của Indonesia và Nhật Bản về ô nhiễm biển (MARPOLEX) vào tháng 6/2024. Đáp lại, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia phía Nam của Việt Nam đã tham dự với tư cách quan sát viên.

Sang tháng 4 cùng năm, VCG và PCG đã tổ chức hội nghị song phương lần thứ nhất, và kết quả của hội nghị là cuộc diễn tập lần đầu tiên giữa Tàu CSB 8002 của VCG và tàu tuần tra ngoài khơi BRP Gabriela Silang của PCG. Bên cạnh đó, vào tháng 8, hai bên đã phối hợp tổ chức hoạt động tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy nổ trên biển tại vùng biển phía Tây Nam đảo Luzon.

Tiếp đó, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đến Philippines vào cuối tháng 8/2024, hai bên đã đồng ý tăng cường quan hệ quốc phòng và quân sự, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Bộ trưởng Phan Văn Giang và người đồng cấp Gilberto Teodoro đã ký một ý định thư giúp tạo điều kiện hợp tác chặt chẽ hơn về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai trên biển, và về các thỏa thuận quân y. 

Manila và Hà Nội “liên minh” về an ninh hàng hải để chống Bắc Kinh?

Việc Philippines và Việt Nam tăng cường hợp tác hàng hải được một số nhà quan sát cho là nhằm thành lập một “liên minh” hay “mặt trận thống nhất” để chống Trung Quốc. Tuy nhiên, nhận định này không thoả đáng, vì việc liên minh để chống Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với ưu tiên của các bên liên quan và thực tế địa chính trị ở khu vực.

Trong buổi hội đàm với Tổng thống Marcos, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã một lần nữa khẳng định rằng Việt Nam nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và kiên định chính sách quốc phòng “4 Không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Tuyên bố này cho thấy Việt Nam mong muốn duy trì chính sách đối ngoại tự chủ và thận trọng xử lý các vấn đề “nhạy cảm” với Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại và an ninh của Việt Nam còn được định hình bởi mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại với nền kinh tế phát triển vào năm 2045. Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc Hà Nội tham gia bất kỳ liên minh hay hình thức hợp tác nào với chủ đích nhắm vào Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ Việt – Trung và khiến Hà Nội gánh chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Bắc Kinh. 

Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích quốc gia tốt hơn, Việt Nam đã có cách tiếp cận chủ động hơn trong chính sách đối ngoại. Trong giai đoạn 2023 - 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp và Malaysia. Động thái này của Việt Nam được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc nước này nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia có chung quan điểm trong việc giải quyết các tranh chấp Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam và các đối tác cũng có lợi ích khi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Việc thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia cũng cho thấy nghệ thuật “cân bằng” của Việt Nam đã bắt đầu tập trung vào các quốc gia Đông Nam Á thay vì chỉ ưu tiên các quốc gia bên ngoài khu vực. Trong đó, Việt Nam chú trọng đến các quốc gia có chung lợi ích trong việc đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực Đông Nam Á nói chung và ở Biển Đông nói riêng như Malaysia, Philippines, Indonesia và Singapore. Ngoài Malaysia, Việt Nam cũng xem xét nâng cấp quan hệ với IndonesiaSingapore trong thời gian tới. 

Philippines được lợi gì khi tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam?

Trong bối cảnh quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đang lao dốc bởi một loạt các căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), việc tăng cường quan hệ và xây dựng lòng tin với Việt Nam giúp Philippines tránh nguy cơ bị cô lập và thoát khỏi việc Bắc Kinh gây chia rẽ mối quan hệ Manila - Hà Nội. 

Nếu Philippines và Việt Nam có thể tiếp tục duy trì và thậm chí tăng cường hợp tác và xây dựng lòng tin thì cả hai có thể theo đuổi các giải pháp khả thi hơn đối với tranh chấp biên giới trên biển, tương tự như việc Việt Nam và Indonesia đã giải quyết thành công các tranh chấp biên giới hàng hải sau các cuộc đàm phán kéo dài 12 năm. 

Hiện Philippines và Việt Nam đều đầu tư mạnh vào việc phát triển Lực lượng Bảo vệ Bờ biển để bảo vệ lợi ích hàng hải của mình ở Biển Đông. Thời gian tới, các bên cần ưu tiên cho việc hiện đại hóa và nâng cao năng lực cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của mình. Các nỗ lực này nên bao gồm việc trang bị kỹ năng và trang thiết bị hiện đại hơn; hợp tác chia sẻ thông tin, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong việc đối phó với các mối đe dọa gia tăng trên biển; và thiết lập các quy tắc ứng xử rõ ràng để điều chỉnh hành vi của các lực lượng khi hoạt động trên biển, nhằm giảm nguy cơ hiểu lầm và leo thang xung đột. 

Như vậy, hợp tác hàng hải cho phép hai bên duy trì đối thoại và tham vấn lẫn nhau thường xuyên, từ đó kịp thời trao đổi thông tin hoặc chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và xử lý khủng hoảng ở Biển Đông. Bên cạnh đó, quá trình hợp tác cũng tạo điều kiện để hai bên cùng giải quyết các vấn đề chung như bảo vệ môi trường biển, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), và giảm thiểu nguy cơ xảy ra các sự cố không mong muốn trên biển.

Đặc biệt, việc quan hệ Philippines - Việt Nam được củng cố cho thấy các quốc gia có yêu sách ở Biển Đông vẫn có thể phối hợp giải quyết các thách thức chung thông qua các biện pháp hòa bình. Việc tăng cường hợp tác cũng góp phần hạn chế khả năng Trung Quốc khai thác cách tiếp cận rời rạc giữa các quốc gia có yêu sách.

Một số thách thức đối với hợp tác an ninh hàng hải song phương 

Mặc dù có tiến triển đáng kể, hợp tác Philippines - Việt Nam không tránh khỏi những thách thức. Đầu tiên, sự thay đổi trong chính trị nội bộ ở Philippines khiến quốc đảo này có chính sách đối ngoại thiếu nhất quán, đặc biệt liên quan đến các vấn đề “nhạy cảm” như Biển Đông. Trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Philippines, nhiều dự đoán cho rằng Phó Tổng thống Sara Duterte-Carpio, con gái của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, sẽ trở thành ứng viên được ủng hộ mạnh mẽ từ người dân nước này, theo một cuộc thăm dò dư luận của công ty WR Numero Research. Nếu điều này xảy ra, Philippines có thể sẽ quay trở lại cách tiếp cận ôn hòa và thỏa hiệp nhiều hơn với Trung Quốc như thời Duterte. Kết quả của việc này sẽ tác động đáng kể đến quan hệ Philippines - Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. thông qua Đạo luật Vùng biển Philippines và Đạo luật Đường biển quần đảo Philippines vào tháng 11/2024 có nguy cơ vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đạo luật Vùng biển Philippines đã mô tả các thực thể luôn nổi lúc triều cao bên trong khu vực được gọi là Nhóm đảo Kalayaan (Kalayaan Island Group - KIG) thuộc vùng biển (maritime zones) của Philippines và có lãnh hải rộng 12 hải lý. Tuy nhiên, KIG, được xác định dựa theo Sắc lệnh Tổng thống số 1596 do cố Tổng thống Ferdinand Marcos ban hành vào ngày 11/6/1978, bao gồm các thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Trước việc Philippines ban hành các đạo luật này, Việt Nam đề nghị các quốc gia tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và khẳng định kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. 

Cho đến nay, Philippines vẫn chưa công bố chính thức những thực thể nào ở KIG mà quốc gia này tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, những mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền có thể tác động đến lòng tin và triển vọng hợp tác giữa hai nước trong tương lai, đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ gây rạn nứt trong quan hệ bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc

Ngoài ra, Trung Quốc có thể đang sử dụng một “chiến lược nêm” (wedge strategy) để chia rẽ quan hệ Việt Nam - Philippines thông qua khai thác những bất đồng liên quan đến tranh chấp hàng hải giữa hai nước. Một số chuyên gia và các phóng viên của Philippines cho biết họ đã nhận được những lời đề nghị không rõ danh tính để viết những bài viết chỉ trích các hoạt động của Việt Nam ở Biển Đông. Renato De Castro, giáo sư nghiên cứu quốc tế của Đại học De ​​La Salle, nhận định rằng mục đích của việc này là “hướng sự phẫn nộ của người Philippines vào Việt Nam, thay vì nhắm vào các hành động bắt nạt của Trung Quốc đối với PCG và ngư dân Philippines tại Biển Tây Philippines (tên gọi mà phía Philippines sử dụng để chỉ vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này)”. 

Cuối cùng, các hoạt động hợp tác hàng hải giữa Philippines và Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với những áp lực và chỉ trích từ Trung Quốc. Đơn cử, Trung Quốc đã từng lên án mạnh mẽ hoạt động giao lưu giữa hải quân của hai quốc gia Đông Nam Á tại đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vào năm 2014, gọi đó là “trò hề vụng về” và yêu cầu hai nước chấm dứt các hoạt động như vậy. 

Tóm lại, hợp tác hàng hải giữa Philippines và Việt Nam không nhằm mục đích thiết lập một “liên minh” chống Trung Quốc. Việt Nam vẫn duy trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Trong đó, việc tăng cường hợp tác hàng hải với Manila là một bước phát triển phù hợp với định hướng đối ngoại hiện nay của Hà Nội. Cho đến nay, hợp tác hàng hải giữa hai nước vẫn đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, Manila và Hà Nội vẫn cần nỗ lực hơn nữa để ứng phó với những thách thức trong quá trình hợp tác. Hai nước cần tiếp tục duy trì đối thoại, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề chung ở Biển Đông, đồng thời ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Nguyễn Thành Long quan tâm đến quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với trọng tâm nghiên cứu là an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, chủ nghĩa tiểu đa phương và ngoại giao văn hóa.

Từ khoá: an ninh hàng hải hợp tác hàng hải Philippines Việt Nam Trung Quốc Biển Đông

BÀI LIÊN QUAN