Chính trị - Ngoại giao   29/05/2023

Hàm ý từ những cái bắt tay: Việt Nam “cân bằng” trong quan hệ với Nga và Ukraine

Cách tiếp cận của Việt Nam trong chiến tranh Nga - Ukraine dường như gói gọn trong những cái bắt tay giữa lãnh đạo Hà Nội và đại diện các quốc gia ở hai đầu cuộc chiến.

Tim Phan

29/05/2023
Image
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhật Bản và Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev tại Việt Nam - (C): VNA & Nhật Bắc/VGP

Hôm 21/5/2023, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima (Nhật Bản), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi ngắn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Hai nhà lãnh đạo cũng lần đầu tiên bắt tay nhau kể từ cuộc chiến Nga - Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Chiều ngày 22/5, ông Chính trở về Hà Nội và đón tiếp ông Dmitry Medvedev, Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga. 

Trong thời gian ngắn, việc người đứng đầu Chính phủ Việt Nam gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Nga và Ukraine, hai quốc gia thù địch trong cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu từ sau năm 1945, thu hút sự chú ý của truyền thông lẫn giới quan sát trong và ngoài nước. 

Dù có nhiều ý kiến xung quanh mục đích và nội dung của các cuộc tiếp xúc, lập trường của Việt Nam đối với cuộc chiến Ukraine dường như không thay đổi. Việt Nam vẫn nỗ lực “cân bằng” trong quan hệ với Nga và Ukraine cũng như nhiều lần khẳng định lập trường của mình, đó là “kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng”.

Khéo léo phát huy ngoại giao cân bằng

Trong cuộc gặp với Tổng thống Zelensky, Thủ tướng Chính tái khẳng định quan điểm của Việt Nam đối với tình hình chiến sự ở Ukraine, cụ thể là “tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”, đồng thời kêu gọi và đề xuất hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp “bằng biện pháp hòa bình”. Ông Chính cũng nhắc lại gói viện trợ nhân đạo trị giá 500.000 USD mà Việt Nam dành cho Ukraine vào tháng 5 năm ngoái như nghĩa cử phản ánh sự đồng cảm của Việt Nam dành cho người dân Ukraine đang trong cuộc binh biến.

Cuộc gặp và cái bắt tay giữa ông Chính và ông Zelensky có tính biểu tượng lớn khi hoạt động đối ngoại của Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của quốc tế. Tuyên bố và hành động của đại diện Việt Nam tiếp tục phản ánh cách tiếp cận nhất quán của Hà Nội đối với cuộc chiến Ukraine. Trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) vào tháng 5 năm ngoái, ông Chính khẳng định Hà Nội “không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc”. Vào ngày 21/5/2023, Thủ tướng Việt Nam nhắc lại lập trường trên trong phiên họp “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng” với sự góp mặt của ông Zelensky, lãnh đạo các nước thành viên G7 và các quốc gia, tổ chức khác.

Nếu quan sát kỹ lưỡng lập trường của Việt Nam đối với cuộc chiến từ những ngày đầu, khó có thể nói Việt Nam đã “quay xe” hay thay đổi quan điểm, ngay cả khi Hà Nội đã lần đầu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc (số 284 ngày 26/4/2023) ghi nhận hành vi “gây hấn” (aggression) của Nga ở Ukraine. Thời gian qua, Việt Nam vẫn duy trì cách tiếp cận “nước đôi” đối với tình hình chiến sự ở quốc gia Đông Âu.

Không ít lần Hà Nội từ chối lên án việc Nga xâm lược Ukraine. Khi đề cập đến cuộc chiến, diễn ngôn chính trị của Việt Nam ưu tiên sử dụng “xung đột” (conflict) thay vì “chiến tranh” (war). Báo Nhân Dân - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam - dùng “chiến dịch quân sự đặc biệt” (special military operation) và “xung đột” thay cho “xâm lược” (invasion). Từ tháng 2 năm ngoái, Việt Nam bốn lần bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc liên quan đến hành động quân sự của Nga tại Ukraine, và một lần bỏ phiếu chống đối với nghị quyết nhằm loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này. Nhìn chung, Hà Nội thận trọng thể hiện quan điểm qua các lá phiếu để duy trì chính sách “cân bằng” khi cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết.

Do đó, việc Việt Nam đón tiếp ông Medvedev ngay sau cuộc gặp giữa ông Chính với Tổng thống Zelensky dường như không nằm ngoài chủ trương lớn của Hà Nội. Trong chuyến thăm lần này, ông Medvedev chú trọng tăng cường hợp tác hai đảng, làm sâu sắc hơn nữa trao đổi kinh tế và thương mại, nhất là phát triển các dự án năng lượng. Tuy nhiên, cách Việt Nam khéo léo định hướng thông tin liên quan đến hoạt động của Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước lại gây chú ý hơn cả và mang nhiều hàm ý. 

Ông Medvedev đến Hà Nội hôm 21/5/2023, nhưng mãi đến chiều ngày 22/5/2023 (giờ Hà Nội), báo chí Việt Nam mới đồng loạt đăng tải tin bài về sự kiện, trùng với thời điểm Thủ tướng Phạm Minh Chính về nước sau Hội nghị G7. Việc làm trên có thể nhằm tránh đẩy ông Chính vào tình thế khó xử tại Hiroshima, giữa lúc các hoạt động đối ngoại và tiếp xúc bên lề của Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của báo chí quốc tế. Hơn nữa, Hà Nội thận trọng không nhắc đến vấn đề Ukraine trong Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm sau các cuộc tiếp xúc giữa ông Medvedev với lãnh đạo Việt Nam, trái ngược với chương trình nghị sự vốn đề cập đến tình hình tại Ukraine được truyền thông Nga đăng tải trước đó.

Hàm ý từ chuyến thăm của ông Medvedev

Chuyến thăm của ông Medvedev dường như không phải là phản ứng tức thời của Moscow đối với cuộc gặp giữa ông Chính và ông Zelensky, càng không phải là đối sách của Việt Nam và Nga trước động thái leo thang căng thẳng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Vừa qua, tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tiếp cận một lô dầu khí hợp tác giữa Việt Nam và Nga. 

Nhiều khả năng hoạt động đối ngoại của ông Medvedev đã được thu xếp từ trước, tiếp nối nỗ lực thắt chặt quan hệ với Việt Nam của Moscow. Trước ông Medvedev, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đã có chuyến công du ba ngày tới Việt Nam vào đầu tháng 4 nhằm thắt chặt quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và mở ra cơ hội hợp tác song phương, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế.

Việc ông Medvedev gặp mặt hàng loạt các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cho thấy Hà Nội tiếp tục coi trọng quan hệ với Nga. Ông Medvedev đã hội đàm với ba trong bốn lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam (thường được gọi là “Tứ trụ”) bao gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông Medvedev còn gặp bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, chính trị gia quan trọng thứ hai của Đảng Cộng sản Việt Nam sau ông Trọng.

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam xem Nga là đối tác quan trọng trong chính sách ngoại giao. Moscow là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của Việt Nam, đóng góp hơn 80% lượng vũ khí nhập khẩu của Hà Nội. Việt Nam đang tìm cách giảm phụ thuộc vào vũ khí do Nga sản xuất, đồng thời đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung trang bị cho lực lượng vũ trang từ các đối tác quốc phòng khác, bao gồm Mỹ và Israel. 

Song, ít nhất trong tương lai gần, Việt Nam vẫn còn lệ thuộc nhiều vào vũ khí từ Nga vì hai lý do chính. Thứ nhất, quá trình hiện đại hoá quân đội của Việt Nam bắt đầu chậm lại từ năm 2016, tác động không nhỏ tới năng lực sản xuất vũ khí nội địa vốn còn hạn chế. Thứ hai, không dễ để Việt Nam sớm thực hiện thoả thuận mua sắm vũ khí lớn với các quốc gia khác, nhất là khi trang bị của Nga rẻ hơn và các giao dịch quốc phòng giữa Moscow với Hà Nội còn bị chi phối bởi yếu tố lịch sử. 

Trong khi đó, Việt Nam vẫn rất cần Nga ở Biển Đông, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác năng lượng. Trước áp lực và hành động quấy rối của Trung Quốc trên vùng biển này, nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đã rút khỏi các thoả thuận hợp tác khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam, trong đó có BP của Anh (2007), Repsol của Tây Ban Nha (2018) và Rosneft của Nga (2020), gây tổn thất kinh tế to lớn cho Hà Nội. 

Việc tăng cường hợp tác năng lượng với Nga, một “cường quốc thất thế” nhưng vẫn có tiếng nói đáng kể trong khu vực, góp phần tạo đòn bẩy cho Việt Nam trong nỗ lực cân bằng với Trung Quốc. Trong thời điểm quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh ngày càng gắn bó, khó có thể chắc chắn hoàn toàn về sự ủng hộ của Nga đối với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, xem xét tiềm năng của hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực năng lượng, nhất là khi Hà Nội và Moscow có chung lợi ích đối với các dự án dầu khí trên biển, quốc gia Đông Nam Á vẫn có thể khéo léo lôi kéo Nga về phía mình trước áp lực gia tăng từ phía Trung Quốc.

Với Nga, chuyến thăm của ông Medvedev mang nhiều hàm ý. Trong bối cảnh bị phương Tây cô lập ngoại giao và trừng phạt kinh tế, sự chuyển hướng chiến lược của Moscow sang châu Á nhằm mở rộng quan hệ với các quốc gia khu vực dường như là điều bắt buộc. Với vị thế đang lên, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu và đối tác chủ chốt của Nga ở Đông Nam Á. Tầm quan trọng của Việt Nam được thể hiện qua các chuyến thăm của các quan chức Moscow gần đây. Chuyến công du của ông Medvedev rất có thể là bước chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam trong tương lai gần của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trên thực tế, đã gần một thập kỷ trôi qua kể từ lần gần nhất ông Putin đến Việt Nam vào tháng 11/2013.

Tóm lại, trong khi coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga (thiết lập năm 2012), đặc biệt là hợp tác kinh tế và năng lượng, Hà Nội đồng thời nỗ lực cân bằng với Moscow và Kiev. Những chuyển động ngoại giao gần nhất của Việt Nam càng củng cố thêm lập trường “không chọn bên” của Hà Nội trong cuộc chiến Ukraine.

Hôm 21/5/2023, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima (Nhật Bản), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi ngắn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Hai nhà lãnh đạo cũng lần đầu tiên bắt tay nhau kể từ cuộc chiến Nga - Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Chiều ngày 22/5, ông Chính trở về Hà Nội và đón tiếp ông Dmitry Medvedev, Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga. 

Trong thời gian ngắn, việc người đứng đầu Chính phủ Việt Nam gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Nga và Ukraine, hai quốc gia thù địch trong cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu từ sau năm 1945, thu hút sự chú ý của truyền thông lẫn giới quan sát trong và ngoài nước. 

Dù có nhiều ý kiến xung quanh mục đích và nội dung của các cuộc tiếp xúc, lập trường của Việt Nam đối với cuộc chiến Ukraine dường như không thay đổi. Việt Nam vẫn nỗ lực “cân bằng” trong quan hệ với Nga và Ukraine cũng như nhiều lần khẳng định lập trường của mình, đó là “kêu gọi kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng”.

Khéo léo phát huy ngoại giao cân bằng

Trong cuộc gặp với Tổng thống Zelensky, Thủ tướng Chính tái khẳng định quan điểm của Việt Nam đối với tình hình chiến sự ở Ukraine, cụ thể là “tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”, đồng thời kêu gọi và đề xuất hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp “bằng biện pháp hòa bình”. Ông Chính cũng nhắc lại gói viện trợ nhân đạo trị giá 500.000 USD mà Việt Nam dành cho Ukraine vào tháng 5 năm ngoái như nghĩa cử phản ánh sự đồng cảm của Việt Nam dành cho người dân Ukraine đang trong cuộc binh biến.

Cuộc gặp và cái bắt tay giữa ông Chính và ông Zelensky có tính biểu tượng lớn khi hoạt động đối ngoại của Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của quốc tế. Tuyên bố và hành động của đại diện Việt Nam tiếp tục phản ánh cách tiếp cận nhất quán của Hà Nội đối với cuộc chiến Ukraine. Trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) vào tháng 5 năm ngoái, ông Chính khẳng định Hà Nội “không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc”. Vào ngày 21/5/2023, Thủ tướng Việt Nam nhắc lại lập trường trên trong phiên họp “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng” với sự góp mặt của ông Zelensky, lãnh đạo các nước thành viên G7 và các quốc gia, tổ chức khác.

Nếu quan sát kỹ lưỡng lập trường của Việt Nam đối với cuộc chiến từ những ngày đầu, khó có thể nói Việt Nam đã “quay xe” hay thay đổi quan điểm, ngay cả khi Hà Nội đã lần đầu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc (số 284 ngày 26/4/2023) ghi nhận hành vi “gây hấn” (aggression) của Nga ở Ukraine. Thời gian qua, Việt Nam vẫn duy trì cách tiếp cận “nước đôi” đối với tình hình chiến sự ở quốc gia Đông Âu.

Không ít lần Hà Nội từ chối lên án việc Nga xâm lược Ukraine. Khi đề cập đến cuộc chiến, diễn ngôn chính trị của Việt Nam ưu tiên sử dụng “xung đột” (conflict) thay vì “chiến tranh” (war). Báo Nhân Dân - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam - dùng “chiến dịch quân sự đặc biệt” (special military operation) và “xung đột” thay cho “xâm lược” (invasion). Từ tháng 2 năm ngoái, Việt Nam bốn lần bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc liên quan đến hành động quân sự của Nga tại Ukraine, và một lần bỏ phiếu chống đối với nghị quyết nhằm loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này. Nhìn chung, Hà Nội thận trọng thể hiện quan điểm qua các lá phiếu để duy trì chính sách “cân bằng” khi cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết.

Do đó, việc Việt Nam đón tiếp ông Medvedev ngay sau cuộc gặp giữa ông Chính với Tổng thống Zelensky dường như không nằm ngoài chủ trương lớn của Hà Nội. Trong chuyến thăm lần này, ông Medvedev chú trọng tăng cường hợp tác hai đảng, làm sâu sắc hơn nữa trao đổi kinh tế và thương mại, nhất là phát triển các dự án năng lượng. Tuy nhiên, cách Việt Nam khéo léo định hướng thông tin liên quan đến hoạt động của Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước lại gây chú ý hơn cả và mang nhiều hàm ý. 

Ông Medvedev đến Hà Nội hôm 21/5/2023, nhưng mãi đến chiều ngày 22/5/2023 (giờ Hà Nội), báo chí Việt Nam mới đồng loạt đăng tải tin bài về sự kiện, trùng với thời điểm Thủ tướng Phạm Minh Chính về nước sau Hội nghị G7. Việc làm trên có thể nhằm tránh đẩy ông Chính vào tình thế khó xử tại Hiroshima, giữa lúc các hoạt động đối ngoại và tiếp xúc bên lề của Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của báo chí quốc tế. Hơn nữa, Hà Nội thận trọng không nhắc đến vấn đề Ukraine trong Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm sau các cuộc tiếp xúc giữa ông Medvedev với lãnh đạo Việt Nam, trái ngược với chương trình nghị sự vốn đề cập đến tình hình tại Ukraine được truyền thông Nga đăng tải trước đó.

Hàm ý từ chuyến thăm của ông Medvedev

Chuyến thăm của ông Medvedev dường như không phải là phản ứng tức thời của Moscow đối với cuộc gặp giữa ông Chính và ông Zelensky, càng không phải là đối sách của Việt Nam và Nga trước động thái leo thang căng thẳng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Vừa qua, tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tiếp cận một lô dầu khí hợp tác giữa Việt Nam và Nga. 

Nhiều khả năng hoạt động đối ngoại của ông Medvedev đã được thu xếp từ trước, tiếp nối nỗ lực thắt chặt quan hệ với Việt Nam của Moscow. Trước ông Medvedev, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đã có chuyến công du ba ngày tới Việt Nam vào đầu tháng 4 nhằm thắt chặt quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và mở ra cơ hội hợp tác song phương, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế.

Việc ông Medvedev gặp mặt hàng loạt các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cho thấy Hà Nội tiếp tục coi trọng quan hệ với Nga. Ông Medvedev đã hội đàm với ba trong bốn lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam (thường được gọi là “Tứ trụ”) bao gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông Medvedev còn gặp bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, chính trị gia quan trọng thứ hai của Đảng Cộng sản Việt Nam sau ông Trọng.

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam xem Nga là đối tác quan trọng trong chính sách ngoại giao. Moscow là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của Việt Nam, đóng góp hơn 80% lượng vũ khí nhập khẩu của Hà Nội. Việt Nam đang tìm cách giảm phụ thuộc vào vũ khí do Nga sản xuất, đồng thời đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung trang bị cho lực lượng vũ trang từ các đối tác quốc phòng khác, bao gồm Mỹ và Israel. 

Song, ít nhất trong tương lai gần, Việt Nam vẫn còn lệ thuộc nhiều vào vũ khí từ Nga vì hai lý do chính. Thứ nhất, quá trình hiện đại hoá quân đội của Việt Nam bắt đầu chậm lại từ năm 2016, tác động không nhỏ tới năng lực sản xuất vũ khí nội địa vốn còn hạn chế. Thứ hai, không dễ để Việt Nam sớm thực hiện thoả thuận mua sắm vũ khí lớn với các quốc gia khác, nhất là khi trang bị của Nga rẻ hơn và các giao dịch quốc phòng giữa Moscow với Hà Nội còn bị chi phối bởi yếu tố lịch sử. 

Trong khi đó, Việt Nam vẫn rất cần Nga ở Biển Đông, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác năng lượng. Trước áp lực và hành động quấy rối của Trung Quốc trên vùng biển này, nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đã rút khỏi các thoả thuận hợp tác khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam, trong đó có BP của Anh (2007), Repsol của Tây Ban Nha (2018) và Rosneft của Nga (2020), gây tổn thất kinh tế to lớn cho Hà Nội. 

Việc tăng cường hợp tác năng lượng với Nga, một “cường quốc thất thế” nhưng vẫn có tiếng nói đáng kể trong khu vực, góp phần tạo đòn bẩy cho Việt Nam trong nỗ lực cân bằng với Trung Quốc. Trong thời điểm quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh ngày càng gắn bó, khó có thể chắc chắn hoàn toàn về sự ủng hộ của Nga đối với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, xem xét tiềm năng của hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực năng lượng, nhất là khi Hà Nội và Moscow có chung lợi ích đối với các dự án dầu khí trên biển, quốc gia Đông Nam Á vẫn có thể khéo léo lôi kéo Nga về phía mình trước áp lực gia tăng từ phía Trung Quốc.

Với Nga, chuyến thăm của ông Medvedev mang nhiều hàm ý. Trong bối cảnh bị phương Tây cô lập ngoại giao và trừng phạt kinh tế, sự chuyển hướng chiến lược của Moscow sang châu Á nhằm mở rộng quan hệ với các quốc gia khu vực dường như là điều bắt buộc. Với vị thế đang lên, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu và đối tác chủ chốt của Nga ở Đông Nam Á. Tầm quan trọng của Việt Nam được thể hiện qua các chuyến thăm của các quan chức Moscow gần đây. Chuyến công du của ông Medvedev rất có thể là bước chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam trong tương lai gần của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trên thực tế, đã gần một thập kỷ trôi qua kể từ lần gần nhất ông Putin đến Việt Nam vào tháng 11/2013.

Tóm lại, trong khi coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga (thiết lập năm 2012), đặc biệt là hợp tác kinh tế và năng lượng, Hà Nội đồng thời nỗ lực cân bằng với Moscow và Kiev. Những chuyển động ngoại giao gần nhất của Việt Nam càng củng cố thêm lập trường “không chọn bên” của Hà Nội trong cuộc chiến Ukraine.

Từ khoá: Việt Nam Ukraine Nga ngoại giao cân bằng chiến dịch quân sự đặc biệt chiến tranh Nga - Ukraine

BÀI LIÊN QUAN