Văn hoá - Xã hội
28 PHÚT ĐỌC

Lao động nhập cư tại Đài Loan: Những tổn thương và bài toán cho chính quyền Lại Thanh Đức

Các chính sách “nửa vời” của chính phủ Đài Loan đang tạo ra một vòng luẩn quẩn đẩy nhiều lao động nhập cư vào tình thế bấp bênh. Giải quyết những khó khăn cho nhóm lao động yếu thế này nên là một trong những ưu tiên chính sách của chính quyền mới.

Ân Du 18/03/2024

Ân Du

18/03/2024
Image
Cuộc biểu tình ngày 10/12/2023 của nhóm lao động nhập cư kêu gọi chính phủ bãi bỏ hệ thống môi giới - (C): CNA

Đài Loan thiếu hụt nhân lực

Vào ngày 16/2, Đài Loan và Ấn Độ ký kết một bản ghi nhớ (MOU) nhằm đưa lao động nhập cư Ấn Độ đến hòn đảo này làm việc, mở ra một cánh cửa nhập khẩu lao động mới cho Đài Loan, bên cạnh nguồn lao động truyền thống từ khu vực Đông Nam Á. Động thái này cho thấy chính phủ Đài Loan đang nỗ lực đa dạng các nguồn lao động nhập cư để lấp đầy khoảng trống nhân lực đang dần cạn kiệt trong nước. 

Một xã hội già hóa nhanh chóng trong khi tỷ lệ sinh giảm mạnh là những vấn đề nan giải đã tồn tại từ lâu ở Đài Loan. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hơn 1/4 trong tổng số 22 quận và thành phố của Đài Loan vượt mốc 20% dân số từ 65 tuổi trở lên. Từ năm 2022, 4 khu vực tại Đài Loan có dân số siêu già bao gồm Đài Bắc, Gia Nghĩa, Nam Đầu và Vân Long, hai huyện nữa cũng đạt ngưỡng vào năm ngoái là Cơ Long và Bình Đông. Con số này báo động tốc độ già hóa tại Đài Loan diễn ra nhanh chóng và sẽ sớm trở thành “một xã hội siêu già” so với dự kiến ban đầu vào năm 2025. 

Đài Loan cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng sinh sản nghiêm trọng, với tỷ lệ sinh giảm mạnh và xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023. Theo số liệu của Bộ Nội vụ (tính đến tháng 12/2023), số trẻ em được sinh ra giảm 4,92% so với cùng kỳ năm trước, với tỷ suất sinh thô là 5,82% (giảm từ mức 6,17% vào năm 2022). Xu hướng đối nghịch này tác động mạnh mẽ tới an ninh kinh tế và ổn định xã hội của Đài Loan. Các chỉ số kinh tế và xã hội tiêu cực đi kèm với gánh nặng nợ quốc gia ngày càng tăng đối với mỗi cá nhân, thiếu hụt nguồn lao động, nhu cầu trong nước suy giảm, cùng những thách thức cho hệ thống giáo dục trong tương lai và vấn đề chăm sóc người già. 

Ngoài ra, việc chật vật với mức lương thấp dù có bằng cấp cao khiến giới trẻ Đài Loan có xu hướng lựa chọn con đường xuất ngoại để tìm việc. Gần 82% dân số Đài Loan từ 25 đến 29 tuổi sở hữu ít nhất là bằng cử nhân, phần lớn trong số họ không muốn làm các công việc lao động giá rẻ. Mặc khác, sự cạnh tranh việc làm giữa các sinh viên tốt nghiệp trong nước diễn ra gay gắt, và ngày càng có nhiều người trẻ sang các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và kể cả các nước Đông Nam Á để tìm kiếm cơ hội việc làm và mức lương cao hơn. Làn sóng di chuyển lao động này của Đài Loan đè nặng lên tình trạng thiếu nhân lực trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, sản xuất cũng như chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Nhu cầu về lao động bản địa ở Đài Loan không thể tự đáp ứng được nên nhu cầu về lao động nhập cư đã tăng lên hằng năm. Vào năm 1989, Đài Loan lần đầu tiên mở cửa biên giới cho lao động nhập cư Đông Nam Á và đã thể chế hóa việc tuyển dụng vào ba năm sau đó (năm 1991), bắt đầu từ Thái Lan với khoảng 3.000 người. Tính đến tháng 1/2024, số lượng lao động nhập cư tại Đài Loan vào khoảng 756.419 người, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Họ đảm nhận những vai trò còn trống trong các ngành công nghiệp, bên cạnh các ngành nghề “truyền thống” như khán hộ công và giúp việc gia đình. Việc tiếp nhận người nước ngoài đến làm việc sẽ giúp giảm thiểu tác động của những thay đổi về nhân khẩu học lên nền kinh tế và xã hội nước này.  

Những khó khăn còn dai dẳng và một tương lai đầy bấp bênh

Từ lâu, lao động nhập cư đã là nguồn lực “không thể thiếu và là xương sống cho sự ổn định kinh tế của Đài Loan”. Chuỗi cung ứng của Đài Loan phụ thuộc lớn vào lao động nhập cư, tuy nhiên chính phủ chưa quan tâm thỏa đáng đến việc bảo vệ quyền lợi cho lao động nhập cư. Nhóm người này vẫn đang chật vật với những căng thẳng lâu dài về thể chất, tinh thần và các vấn đề xung quanh môi trường làm việc và sinh sống. Những thách thức mà lao động nhập cư đối mặt không phải là mới mà đã kéo dài và âm ỉ trong xã hội Đài Loan. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ dành cho lao động nhập cư ở Đài Loan còn tụt hậu so với thị trường và chưa thực sự được cải thiện sau nhiều năm. 

Vấn nạn môi giới 

Vấn đề nghiêm trọng mà Đài Loan đang đối mặt là nạn bóc lột lao động nhập cư, bằng chứng là hàng loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp đường phố Đài Loan nhằm kêu gọi chính phủ quan tâm và cải thiện quyền của người lao động nhập cư. Nhân ngày Quốc tế Nhân quyền năm trước (10/12/2023), hàng trăm người, bao gồm công nhân nhập cư, các nhà hoạt động nhân quyền và lao động Đài Loan đã tổ chức cuộc biểu tình tại Đài Bắc. Với chủ đề “No Justice in Cross-Border Employment, Where is the Responsibility of the Government?” [tạm dịch: “Không công bằng trong việc làm xuyên biên giới, trách nhiệm của chính phủ ở đâu?”], những người biểu tình kêu gọi chính phủ chấm dứt hệ thống môi giới lao động, hợp pháp hóa việc tuyển dụng trực tiếp cũng như tăng cường dịch vụ công cho lao động nhập cư. 

Trước đó hai tháng (tháng 10/2023), một cuộc biểu tình khác diễn ra quanh Ga chính Đài Bắc (Taipei Main Station), và lao động nhập cư đưa ra khẩu hiệu “No treat, only trick” [tạm dịch: “Không đãi ngộ, chỉ lừa gạt”], trong đó những kẻ môi giới bị chỉ trích như những người hút máu lao động nhập cư thông qua các khoản phí cao ngất ngưỡng. 

Theo Hiệp hội Lao động Quốc tế Đài Loan (TIWA), người lao động nhập cư phải trả cho người môi giới việc làm ở quê hương của họ từ 80.000 Đài tệ (2.508 USD) đến 200.000 Đài tệ trước khi đến Đài Loan. Ngoài các phí tuyển dụng trước khi làm việc, họ còn phải trả “phí dịch vụ” cho nhà môi giới lên tới 60.000 Đài tệ trong vòng ba năm (đối với người có thu nhập trung bình từ 26.000 – 30.000 Đài tệ một tháng). Theo quy định hiện hành,  phí dịch vụ tối đa mà nhà môi giới có thể thu là 1.800 Đài tệ mỗi tháng trong năm đầu tiên, 1.700 Đài tệ mỗi tháng trong năm thứ hai và 1.500 Đài tệ mỗi tháng từ năm thứ ba. Tuy nhiên, dịch vụ người lao động nhập cư được nhận lại không tương xứng với khoản tiền quá lớn mà họ đã bỏ ra. Không những vậy, quy trình tuyển dụng không được rõ ràng và lao động nhập cư hầu như không được nhà môi giới cung cấp bất kỳ thông tin về công việc họ sẽ làm tại Đài Loan, dẫn đến trường hợp nhiều lao động nhập cư “sau khi được nhận vào mới biết được nội dung công việc và hoàn toàn không chọn được việc làm”. 

Việc chi trả các khoản phí theo quy định khiến cho lao động nhập cư có nguy cơ cao vướng vào gánh nặng nợ nần để được tuyển dụng và duy trì công việc tại Đài Loan. Trường hợp tệ nhất, nhiều người sẽ chấp nhận mạo hiểm để nhập cư trái phép, bỏ trốn khỏi nơi làm việc và lao động bất hợp pháp. Trong vòng năm năm qua, có tới 1.128 người nhập cư trái phép bị bắt giữ, phần lớn họ đều là những lao động từng bỏ trốn khi làm việc tại Đài Loan. 

Đài Loan đã bị các thương hiệu lớn như Apple và Cisco coi là quốc gia có nguy cơ cao về cưỡng bức lao động. Apple đánh giá Đài Loan là “nơi mà người lao động phải trả phí tuyển dụng để đảm bảo công việc, điều này vi phạm Quy tắc của chúng ta [Apple]”. Trong Báo cáo tiến độ thường niên năm 2023, Apple nêu rõ “cấm các nhà cung cấp của chúng tôi tính bất kỳ khoản phí nào liên quan đến tuyển dụng hoặc việc làm của người lao động – ngay cả khi việc tính các khoản phí đó là hợp pháp tại quốc gia hoạt động của nhà cung cấp hoặc tại quốc gia là nơi xuất xứ của người lao động”. Ngoài ra, Đài Loan bị liệt kê trong danh sách các quốc gia và khu vực có nguy cơ cao về vi phạm nhân quyền đối với lao động nhập cư, theo Báo cáo Tiến độ Bền vững năm 2022 của công ty Jabil – nhà cung cấp dịch vụ sản xuất điện tử lớn thứ ba trên thế giới. 

Môi trường sống tồi tàn và nạn bóc lột lao động đáng báo động

Nhiều năm về trước, những bất cập trong môi trường sống và điều kiện làm việc của lao động nhập cư đã nổi cộm trong xã hội Đài Loan. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhiều lao động nhập cư bị buộc sống trong những khu ký túc xá quá đông đúc và không đủ trang bị bảo hộ, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm tăng cao. Ngay cả trước đại dịch, những lao động nhập cư đã phải sống trong môi trường tương tự và không đủ tiện nghi. Nơi họ sống những khu tập thể chật hẹp, mỗi phòng có 8 người nhưng có khi lên tới 30 người. Trong khi những người giúp việc gia đình phải sống chung với chủ lao động và người chăm sóc tại nhà ở chung phòng với bệnh nhân của họ.

Hàng loạt các hành vi vi phạm quyền của người lao động (nhất là đối với những lao động nhập cư làm công việc chăm sóc và giúp việc nhà) như đánh đập, lạm dụng thể chất và tình dục, không trả lương làm thêm giờ, thời gian làm việc dài, không có thời gian nghỉ ngơi,… Một ngư dân nhập cư đã chứng kiến bạn mình bị chĩa súng trong khi bị ba người đàn ông khác đánh đập, lý do chỉ vì anh ta làm việc quá chậm. Một nữ nhân viên chăm sóc tại nhà người Philippines thường xuyên phải làm việc trong điều kiện tồi tàn và thời gian quá tải 24/7, gây ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe và tâm lý của cô ấy. Số vụ ngược đãi từ người sử dụng lao động không ngừng tăng lên và thậm chí được truyền thông trong nước đưa tin. Năm 2018, nhật báo Apple Daily (đã đóng cửa) phát hành một loạt bài đặc biệt đa ngôn ngữ (bằng tiếng Quan Thoại, tiếng Việt và tiếng Anh) với tiêu đề “Metoo in Taiwan: Stories of Three Migrant Workers” đề cập việc lạm dụng tình dục người chăm sóc ở Đài Loan. Tuy nhiên, các hành vi lạm dụng và ngược đãi lao động nhập cư vẫn chưa giảm thiểu do các biện pháp bảo vệ từ chính phủ vẫn không được thực thi đầy đủ và áp dụng nhất quán

Thiếu sự bảo vệ pháp lý là nguyên nhân đẩy lao động nhập cư vào tình thế bấp bênh. Xuất phát từ quan điểm “hệ thống lao động khách” (Guest Worker System) của Đài Loan cho rằng lao động nhập cư là lực lượng lao động ngắn hạn chứ không phải thành viên lâu dài của xã hội. Từ đó, dẫn đến những bất cập trong việc giới hạn địa điểm làm việc, giờ làm việc và thậm chí cả việc bảo vệ tiền lương của nhóm người này. 

Cụ thể, người giúp việc gia đình và chăm sóc tại nhà không nằm trong phạm vi được bảo vệ theo Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động, thay vào đó họ phải tuân theo Đạo luật Dịch vụ Việc làm không quy định giới hạn trên về số giờ làm việc, ngày nghỉ và mức lương tối thiểu, khiến họ dễ rơi vào tình trạng làm việc nhiều giờ với mức lương thấp. Bên cạnh đó, lao động nhập cư không có khả năng thay đổi công việc theo ý muốn. Theo Đạo luật Dịch vụ Việc làm, lao động nhập cư chỉ có thể thay đổi người sử dụng lao động với những điều kiện nghiêm ngặt và được sự đồng ý của Bộ Lao động, do đó họ rất khó có thể thay đổi việc làm một cách hợp pháp trừ phi có các bằng chứng rõ ràng và tố cáo lên chính quyền. 

Việc khó thay đổi chủ lao động khiến lao động nhập cư dễ rơi vào tình trạng bị ngược đãi trong thời gian dài và mắc các vấn đề về sức khỏe và tinh thần. Nhiều cuộc biểu tình đòi quyền thay đổi chủ lao động của lao động nhập cư và các nhóm nhân quyền đã diễn ra tại Đài Loan. Đáp lại lời kêu gọi đó, chính phủ yêu cầu mọi người tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Việc làm, đồng nghĩa với việc lao động nhập cư có quyền thay đổi công việc và chủ lao động sau khi kết thúc hợp đồng ba năm của họ. Tuy nhiên, ít ai biết trong ba năm đó lao động nhập cư sẽ phải chịu những nguy cơ tiềm ẩn nào khi làm việc tại Đài Loan.

Nạn phân biệt đối xử

Đài Loan đang phải vật lộn với vấn đề phân biệt đối xử và tiêu chuẩn kép đối với người lao động nhập cư – nhóm người được cho là dễ tổn thương và bị gạt ra ngoài lề xã hội bản địa; bên cạnh đó, người lao động cũng không được công nhận đầy đủ về tính nhân văn và đóng góp của họ cho sự phát triển của Đài Loan. Ngoài việc phải lao động và sinh sống trong điều kiện thiếu thốn và không được đảm bảo, những người dễ tổn thương còn phải nhận sự thờ ơ từ chính xã hội mà họ đang làm việc. 

Trong giai đoạn bùng nổ đại dịch COVID-19, những công nhân nhập cư làm việc tại một số nhà máy cho biết họ không được quyền tự do đi lại và phải chịu những quy định hà khắc, tuy nhiên chúng lại không áp dụng đối với các đồng nghiệp người Đài Loan. Những người lao động nhập cư tại nhà máy sản xuất chất bán dẫn ASE của Đài Loan bị buộc phải rời khỏi nhà riêng của họ để đến nơi ở chung, những ai không tuân thủ có thể bị sa thải. Trong thời gian đó, họ bị cấm rời khỏi ký túc xá, đến muộn sẽ bị đóng cửa và bị phạt, tuy nhiên những hạn chế như vậy lại không được áp dụng với người Đài Loan. Trường hợp khác, các quan chức huyện Miêu Lật đã ban hành lệnh “ở nhà” đối với lao động nhập cư. Họ chỉ có thể đi làm bằng phương tiện do chủ lao động hoặc người môi giới sắp xếp cũng như không được phép tự mua sắm những nhu yếu phẩm, và hơn 20 công nhân đã bị cảnh sát thẩm vấn vì những cáo buộc vi phạm.  

Các biện pháp trên của chính phủ càng khoét sâu nạn phân biệt đối xử đối với lao động nhập cư, vốn đã âm ỉ trong lòng xã hội Đài Loan. Việc xem họ như nguồn lây lan tiềm ẩn và ngăn chặn đại dịch bằng cách hạn chế các quyền chỉ của riêng nhóm người này mà không phải là tất cả là những vi phạm quá rõ ràng, không chỉ tác động xấu đến thể chất, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của lao động nhập cư. 

Chân dung lao động nhập cư Đài Loan được vẽ ra trên phương tiện truyền thông đại chúng thường là các tiêu đề liên quan đến vi phạm quy định nhập cư và các quy định khác, hoặc gắn mác “nguy hiểm”, “lừa đảo”, “tội phạm”. Sự việc một công nhân người Việt Nam trước đó đã bị cảnh sát bắn, tuy nhiên cảnh sát và nhân viên y tế đã không cấp cứu vì nghĩ rằng khi tới gần anh ta sẽ điên loạn và tấn công ngược lại, thậm chí dù bị thương thì nạn nhân vẫn bị còng tay đưa đến bệnh viện và chết sau đó. Liên quan đến thuật ngữ đề cập đến lao động nhập cư, chính phủ Đài Loan đã thay đổi cách gọi từ “công nhân bỏ trốn” (逃逸外勞/táoyì wàiláo) thành “công nhân nhập cư mất liên lạc” (失聯移工/ shī lián yí gōng). Tuy nhiên, “công nhân bỏ trốn” vẫn thường một số phương tiện truyền thông sử dụng

Một ví dụ khác là chính phủ đã quyết định thay đổi việc mô tả lao động nhập cư từ “lao động nước ngoài” (外勞/wài láo) thành “lao động nhập cư” (移工/yí gōng), nhưng “wài láo” vẫn được sử dụng thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Thông qua các cuộc khảo sát ý kiến dư luận Đài Loan đối với vấn đề nhập cư, công chúng vẫn có thành kiến đối với dân lao động nhập cư, nhất là nơi xuất xứ của nhóm người này. Phần lớn họ có phản ứng tiêu cực và mạnh mẽ nhất là đối với những lao động có quốc tịch Indonesia. Trong một cuộc khảo sát khác, người Đài Loan ủng hộ việc khuyến khích nhóm lao động nhập cư có tay nghề cao (tăng 46,2%). Tuy nhiên, họ ít ủng hộ hơn đối với việc tập trung nhập cư những lao động đến từ Đông Nam Á (giảm 21,4%).

Nan giải về lương, trợ cấp thất nghiệp và lương hưu 

Đài Loan không có lợi thế cạnh tranh về lương so với các nhà tuyển dụng đối thủ để thu hút lực lượng lao động nước ngoài đến làm việc. Hiện tại, lương của lao động nhập cư Đài Loan thấp hơn bất kỳ nơi nào khác ở châu Á (ngoại trừ Singapore). Theo báo cáo của Bộ Lao động (1/2024), tổng lương trung bình hàng tháng (bao gồm cả lương làm thêm giờ) của lao động nhập cư công nghiệp là 32.000 Đài tệ (khoảng 1.000 USD) và người chăm sóc tại nhà là 23.000 Đài tệ (khoảng 730 USD). Trong khi đó, mức thu nhập trung bình hàng tháng của lao động nhập cư tại Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 1.250 USD và 2.314 USD. Một khó khăn nữa việc tham gia chương trình bảo hiểm lao động quốc gia cho lao động nhập cư lại không bao gồm phần trợ cấp thất nghiệp trong đó. Điều này dẫn tới việc lao động nhập cư vì bất mãn với việc bị bóc lột tại chỗ làm và có ý định nghỉ việc sẽ không nhận được khoản tiền trợ cấp, buộc họ phải vay tiền để tồn tại. 

Ngoài ra, còn nhiều bất cập trong các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu của “lao động nhập cư nhập cư có tay nghề trung cấp” (họ có thời gian lưu trú không giới hạn ở Đài Loan). Trong khi lao động Đài Loan được hưởng chế độ lương hưu mới thì nhóm lao động nhập cư này vẫn hưởng lương hưu theo hệ thống cũ quy định (tức hệ thống 25 năm). Để đủ điều kiện nhận lương hưu, người đó phải làm việc cho cùng một người chủ từ 20 tới 25 năm. Theo đó, “những lao động nhập cư được chứng nhận có kỹ năng trung cấp được đăng ký vào hệ thống lương hưu cũ, cho phép họ nghỉ hưu và nhận lương hưu một lần khi họ 55 tuổi và đã làm việc được 15 năm, khi họ 60 tuổi và đã làm việc được 10 năm, hoặc khi họ đã tiếp tục làm việc được 25 năm”. 

Do đó, bên cạnh việc đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn như bị lạm dụng lao động khi làm việc cho một chủ, lao động nhập cư buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng khi có ý định tìm kiếm các cơ hội việc làm mới cũng như chấp nhận xa gia đình và quê hương trong thời gian dài để đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Trước những thách thức này, chính phủ cần xem xét việc nới lỏng các quy định về điều kiện hưởng lương hưu cho lao động nhập cư có tay nghề trung cấp để tương xứng với những gì nhóm người này đã đóng góp vào nền kinh tế “dễ tổn thương” của Đài Loan. 

Một chặng đường dài phía trước… 

Khoảng hai tháng sau (ngày 20/5), nhiệm kỳ của tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) sẽ chính thức bắt đầu, tuy nhiên chính quyền mới của ông sẽ phải đối mặt với một Viện Lập pháp bị chia rẽ khi mất đa số ghế trong cơ quan này. Việc này đồng nghĩa ông Lại sẽ khó khăn hơn trong việc giành được sự ủng hộ đối với các chính sách của mình so với chính quyền tiền nhiệm. Giải quyết các thách thức cho người lao động nhập cư cũng cần là một phần trong các ưu tiên chính sách kinh tế của ông Lại, và quan trọng là “tìm cách hợp tác với các đảng đối lập để tìm kiếm giải pháp”. Bởi lẽ, lao động nhập cư không phải là vấn đề của riêng đảng cầm quyền mà là vấn đề liên đảng, cần sự phối hợp giữa các bên để thúc đẩy các biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ quyền lợi cho nhóm người yếu thế này. 

Hiện nay Đài Loan đang mất dần lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút lao động nhập cư trong bối cảnh nguồn cung lao động ngày một khan hiếm. Cụ thể, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu với Đài Loan trong việc tuyển dụng lao động nhập cư. Cả ba quốc gia đang đối mặt với vấn đề dân số khi tỷ lệ sinh thấp, tốc độ già hóa tăng nhanh gây áp lực lên hệ thống chăm sóc người già và nguồn lao động trẻ trong các ngành công nghiệp sản xuất. Thuê nhân lực từ bên ngoài để bù đắp vào khoảng trống thiếu hụt và giảm thiểu các tác động lên nền kinh tế trở thành mục tiêu cần thiết của các quốc gia này. Với mức lương cạnh tranh hơn, Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt lao động nhập cư thay vì Đài Loan. 

Một khía cạnh khác là ngày càng ít quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu lao động khi nền kinh tế của họ phát triển mạnh mẽ hơn. Đơn cử là trường hợp Thái Lan. Nước này đã trải qua quá trình chuyển đổi lớn về công nghiệp giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng trong hơn nửa thế kỷ. Chính phủ đã hỗ trợ đổi mới và cung cấp các khoản vay không lãi suất cho lao động để hỗ trợ phát triển lĩnh vực công nghiệp trong nước. Thái Lan từng là nguồn lao động nhập cư chiếm ưu thế tại Đài Loan, số lượng nay đã ít đi bởi khoảng cách tiền lương giữa hai nước ngày càng rút ngắn khiến nhiều lao động quyết định không sang Đài Loan làm việc. Ngược lại, họ chuyển dần từ xuất khẩu sang nhập khẩu lao động nước ngoài vào làm việc trong các lĩnh vực sản xuất, du lịch và dịch vụ. 

Không những vậy, dân số Đông Nam Á đang già đi nhanh chóng và các quốc gia này sẽ chú trọng các biện pháp đảm bảo nhu cầu lao động trong nước trước tiên. Điều này thúc đẩy Đài Loan phải mở rộng và đa dạng nguồn nhập khẩu lao động ngoài Đông Nam Á.

Cần lưu ý hơn, trước khi tìm cách thu hút thêm lực lượng lao động nhập cư, Đài Loan phải thật sự quan tâm và lắng nghe tiếng nói của “nhóm người hiện tại” đang nỗ lực đóng góp cho tương lai Đài Loan. Ứng cử viên Kha Văn Triết thuộc Đảng Dân chúng Đài Loan (TPP) trong cuộc tranh cử tổng thống trước đó đã từng phát biểu rằng “[tình trạng khó khăn] cho thấy những sai sót đáng kể trong chính sách dành cho người lao động nhập cư của chúng tôi cần được cải thiện”. Các giá trị dân chủ và nhân quyền mà nước này theo đuổi phải thực sự dành cho tất cả mọi đối tượng đang sinh sống và làm việc trên hòn đảo. 

Thứ nhất, chính phủ Đài Loan cần tôn trọng nhân quyền và tạo ra những thay đổi tích cực trong môi trường làm việc cho lao động nhập cư, đặc biệt là chú ý đến những rủi ro lao động cưỡng bức như chủ lao động giữ lại tiền lương của lao động nhập cư để trang trải các chi phí như khám sức khỏe, vé máy bay và trả “phí dịch vụ hàng tháng được pháp luật cho phép” dành cho người lao động. Bên cạnh đó, lao động không tự nguyện là yếu tố ít được chú ý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể trở thành lỗ hổng mà người sử dụng lao động có thể khai thác để lạm dụng lao động nhập cư hơn cả các hành vi lạm dụng thể chất như bắt cóc, sử dụng các biện pháp trừng phạt. Ví dụ về tính không tự nguyện có thể kể đến như lao động nhập cư bị bắt làm công việc không giống trong hợp đồng, bị yêu cầu làm thêm giờ hoặc các yêu cầu chưa được thống nhất giữa hai bên, làm việc với mức lương rất thấp hoặc không lương, môi trường sống hoặc lao động xuống cấp,… 

Trong khoảng 750.000 công nhân nhập cư đang làm việc tại Đài Loan, cứ sáu công nhân nhà máy thì có một người là lao động nhập cư, do đó việc tôn trọng và bảo vệ quyền lợi cho nhóm người này “không chỉ đơn thuần là vấn đề đạo đức mà còn là nhu cầu kinh tế đối với Đài Loan”. Khi chính phủ Đài Loan chưa tìm ra các giải pháp bảo vệ lao động nhập cư hiệu quả, các hành vi vi phạm quyền của người lao động nhập cư khiến họ ít sẵn sàng mạo hiểm để rời bỏ quê hương đến Đài Loan làm việc.

Thứ hai, liệu Đài Loan có nên tiếp tục hệ thống môi giới được ví như “những nhân vật hút máu lao động nhập cư để sống” hay không. Việc chi trả cho các khoản tiền khổng lồ trước và sau khi đến Đài Loan khiến nhiều lao động dễ rơi vào “bẫy nợ”, khiến họ mãi luẩn quẩn trong tình trạng bế tắc – mượn tiền để kiếm việc, làm việc để trả nợ. Mô hình tuyển dụng trực tiếp công nhân có trình độ giữa công ty thực phẩm I-Mei (Đài Loan) với chính phủ Philippines (bắt đầu từ năm 2017 và được lao động Philippines ủng hộ mạnh mẽ) là ví dụ điển hình cho những nỗ lực tư nhân nhằm thay đổi chính sách tuyển dụng lao động thông qua môi giới của chính phủ. Mô hình này cần phải được nghiên cứu kỹ và xem xét nhân rộng để tránh những gánh nặng tài chính oằn lên vai lao động nhập cư.

Thứ ba, trong bối cảnh khan hiếm và cạnh tranh về nguồn cung lao động như hiện nay, các nhà hoạch định chính sách cần cải thiện chính sách giữ chân lao động nhập cư cũng như tính toán các con đường tiềm năng để hỗ trợ họ định cư lâu dài. Theo Đạo luật Dịch vụ Việc làm, tổng thời gian tối đa lao động nhập cư có thể làm việc tại Đài loan là 12 năm (14 năm đối với người chăm sóc tại nhà). Việc yêu cầu lao động nhập cư phải về nước sau khi làm việc trong khoảng thời gian nhất định giống như Đài Loan đang đào tạo một lực lượng tay nghề trung cấp có khả năng làm việc cho các quốc gia đối thủ sau đó. 

Hiện tại, chính phủ đã triển khai chương trình giữ chân dài hạn lao động nước ngoài có tay nghề và xin thường trú. Những lao động nhập cư làm việc ít nhất từ sáu năm trở lên (trong cùng một lĩnh vực nhất định) và đáp ứng các yêu cầu về mức lương hoặc kỹ năng phù hợp sẽ được cấp phép chỉ định là người lao động có tay nghề trung cấp (intermediate skilled migrant workers) mà không bị giới hạn tối đa về thời gian làm việc. Tính đến đầu năm nay, khoảng 20.000 người đã được chứng nhận là “lao động nhập cư có tay nghề trung cấp”, và có thể lưu trú không giới hạn tại Đài Loan. Tuy nhiên nhiều người cho rằng rất khó để đạt đủ điều kiện theo như quy định. Ngoài ra, để đủ điều kiện xin thường trú, họ phải là lao động có tay nghề trung cấp trong ít nhất năm năm và đạt gấp đôi mức lương tối thiểu – một kiều kiện rất khó đạt được đối với lao động nhập cư (nhất là với những lao động nhập cư sống tại các vùng phía Nam Đài Loan) trong khi mức lương tối thiểu tăng hằng năm. 

Trước những khó khăn kể trên, chính phủ cần xem xét nới lỏng các điều kiện theo khả năng của lao động nhập cư, và việc này không chỉ là trao cơ hội rộng mở hơn về con đường định cư lâu dài cho nhóm người này mà còn giúp duy trì tính ổn định và bền vững của nền kinh tế và xã hội Đài Loan. 

Thời gian không chờ đợi!

Viễn cảnh chính phủ Đài Loan thực sự có khả năng giải quyết tình trạng thiếu lao động vẫn thật khó tưởng tượng, và Đài Loan nhiều khả năng vẫn tiếp tục phụ thuộc lớn vào nguồn lao động nước ngoài trong thời gian tới. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, Đài Loan cần tìm kiếm các biện pháp thiết thực để bảo vệ quyền lợi cho lao động nhập cư. 

Mặc dù trên thực tế “có rất ít sự cải thiện về chính sách đối với người lao động nhập cư vì nó quá gắn chặt với chính trị đảng phái ở Đài Loan”, và việc sửa đổi hàng loạt các quy định trong các đạo luật là điều khó khăn, đặc biệt trong tình hình Đảng Dân chủ Tiến bộ của tân tổng thống Đài Loan không nắm đa số ghế trong Viện Lập pháp. Tuy nhiên, nếu không nỗ lực từ bây giờ, Đài Loan có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong tương lai.

Đài Loan thiếu hụt nhân lực

Vào ngày 16/2, Đài Loan và Ấn Độ ký kết một bản ghi nhớ (MOU) nhằm đưa lao động nhập cư Ấn Độ đến hòn đảo này làm việc, mở ra một cánh cửa nhập khẩu lao động mới cho Đài Loan, bên cạnh nguồn lao động truyền thống từ khu vực Đông Nam Á. Động thái này cho thấy chính phủ Đài Loan đang nỗ lực đa dạng các nguồn lao động nhập cư để lấp đầy khoảng trống nhân lực đang dần cạn kiệt trong nước. 

Một xã hội già hóa nhanh chóng trong khi tỷ lệ sinh giảm mạnh là những vấn đề nan giải đã tồn tại từ lâu ở Đài Loan. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hơn 1/4 trong tổng số 22 quận và thành phố của Đài Loan vượt mốc 20% dân số từ 65 tuổi trở lên. Từ năm 2022, 4 khu vực tại Đài Loan có dân số siêu già bao gồm Đài Bắc, Gia Nghĩa, Nam Đầu và Vân Long, hai huyện nữa cũng đạt ngưỡng vào năm ngoái là Cơ Long và Bình Đông. Con số này báo động tốc độ già hóa tại Đài Loan diễn ra nhanh chóng và sẽ sớm trở thành “một xã hội siêu già” so với dự kiến ban đầu vào năm 2025. 

Đài Loan cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng sinh sản nghiêm trọng, với tỷ lệ sinh giảm mạnh và xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2023. Theo số liệu của Bộ Nội vụ (tính đến tháng 12/2023), số trẻ em được sinh ra giảm 4,92% so với cùng kỳ năm trước, với tỷ suất sinh thô là 5,82% (giảm từ mức 6,17% vào năm 2022). Xu hướng đối nghịch này tác động mạnh mẽ tới an ninh kinh tế và ổn định xã hội của Đài Loan. Các chỉ số kinh tế và xã hội tiêu cực đi kèm với gánh nặng nợ quốc gia ngày càng tăng đối với mỗi cá nhân, thiếu hụt nguồn lao động, nhu cầu trong nước suy giảm, cùng những thách thức cho hệ thống giáo dục trong tương lai và vấn đề chăm sóc người già. 

Ngoài ra, việc chật vật với mức lương thấp dù có bằng cấp cao khiến giới trẻ Đài Loan có xu hướng lựa chọn con đường xuất ngoại để tìm việc. Gần 82% dân số Đài Loan từ 25 đến 29 tuổi sở hữu ít nhất là bằng cử nhân, phần lớn trong số họ không muốn làm các công việc lao động giá rẻ. Mặc khác, sự cạnh tranh việc làm giữa các sinh viên tốt nghiệp trong nước diễn ra gay gắt, và ngày càng có nhiều người trẻ sang các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và kể cả các nước Đông Nam Á để tìm kiếm cơ hội việc làm và mức lương cao hơn. Làn sóng di chuyển lao động này của Đài Loan đè nặng lên tình trạng thiếu nhân lực trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, sản xuất cũng như chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Nhu cầu về lao động bản địa ở Đài Loan không thể tự đáp ứng được nên nhu cầu về lao động nhập cư đã tăng lên hằng năm. Vào năm 1989, Đài Loan lần đầu tiên mở cửa biên giới cho lao động nhập cư Đông Nam Á và đã thể chế hóa việc tuyển dụng vào ba năm sau đó (năm 1991), bắt đầu từ Thái Lan với khoảng 3.000 người. Tính đến tháng 1/2024, số lượng lao động nhập cư tại Đài Loan vào khoảng 756.419 người, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Họ đảm nhận những vai trò còn trống trong các ngành công nghiệp, bên cạnh các ngành nghề “truyền thống” như khán hộ công và giúp việc gia đình. Việc tiếp nhận người nước ngoài đến làm việc sẽ giúp giảm thiểu tác động của những thay đổi về nhân khẩu học lên nền kinh tế và xã hội nước này.  

Những khó khăn còn dai dẳng và một tương lai đầy bấp bênh

Từ lâu, lao động nhập cư đã là nguồn lực “không thể thiếu và là xương sống cho sự ổn định kinh tế của Đài Loan”. Chuỗi cung ứng của Đài Loan phụ thuộc lớn vào lao động nhập cư, tuy nhiên chính phủ chưa quan tâm thỏa đáng đến việc bảo vệ quyền lợi cho lao động nhập cư. Nhóm người này vẫn đang chật vật với những căng thẳng lâu dài về thể chất, tinh thần và các vấn đề xung quanh môi trường làm việc và sinh sống. Những thách thức mà lao động nhập cư đối mặt không phải là mới mà đã kéo dài và âm ỉ trong xã hội Đài Loan. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ dành cho lao động nhập cư ở Đài Loan còn tụt hậu so với thị trường và chưa thực sự được cải thiện sau nhiều năm. 

Vấn nạn môi giới 

Vấn đề nghiêm trọng mà Đài Loan đang đối mặt là nạn bóc lột lao động nhập cư, bằng chứng là hàng loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp đường phố Đài Loan nhằm kêu gọi chính phủ quan tâm và cải thiện quyền của người lao động nhập cư. Nhân ngày Quốc tế Nhân quyền năm trước (10/12/2023), hàng trăm người, bao gồm công nhân nhập cư, các nhà hoạt động nhân quyền và lao động Đài Loan đã tổ chức cuộc biểu tình tại Đài Bắc. Với chủ đề “No Justice in Cross-Border Employment, Where is the Responsibility of the Government?” [tạm dịch: “Không công bằng trong việc làm xuyên biên giới, trách nhiệm của chính phủ ở đâu?”], những người biểu tình kêu gọi chính phủ chấm dứt hệ thống môi giới lao động, hợp pháp hóa việc tuyển dụng trực tiếp cũng như tăng cường dịch vụ công cho lao động nhập cư. 

Trước đó hai tháng (tháng 10/2023), một cuộc biểu tình khác diễn ra quanh Ga chính Đài Bắc (Taipei Main Station), và lao động nhập cư đưa ra khẩu hiệu “No treat, only trick” [tạm dịch: “Không đãi ngộ, chỉ lừa gạt”], trong đó những kẻ môi giới bị chỉ trích như những người hút máu lao động nhập cư thông qua các khoản phí cao ngất ngưỡng. 

Theo Hiệp hội Lao động Quốc tế Đài Loan (TIWA), người lao động nhập cư phải trả cho người môi giới việc làm ở quê hương của họ từ 80.000 Đài tệ (2.508 USD) đến 200.000 Đài tệ trước khi đến Đài Loan. Ngoài các phí tuyển dụng trước khi làm việc, họ còn phải trả “phí dịch vụ” cho nhà môi giới lên tới 60.000 Đài tệ trong vòng ba năm (đối với người có thu nhập trung bình từ 26.000 – 30.000 Đài tệ một tháng). Theo quy định hiện hành,  phí dịch vụ tối đa mà nhà môi giới có thể thu là 1.800 Đài tệ mỗi tháng trong năm đầu tiên, 1.700 Đài tệ mỗi tháng trong năm thứ hai và 1.500 Đài tệ mỗi tháng từ năm thứ ba. Tuy nhiên, dịch vụ người lao động nhập cư được nhận lại không tương xứng với khoản tiền quá lớn mà họ đã bỏ ra. Không những vậy, quy trình tuyển dụng không được rõ ràng và lao động nhập cư hầu như không được nhà môi giới cung cấp bất kỳ thông tin về công việc họ sẽ làm tại Đài Loan, dẫn đến trường hợp nhiều lao động nhập cư “sau khi được nhận vào mới biết được nội dung công việc và hoàn toàn không chọn được việc làm”. 

Việc chi trả các khoản phí theo quy định khiến cho lao động nhập cư có nguy cơ cao vướng vào gánh nặng nợ nần để được tuyển dụng và duy trì công việc tại Đài Loan. Trường hợp tệ nhất, nhiều người sẽ chấp nhận mạo hiểm để nhập cư trái phép, bỏ trốn khỏi nơi làm việc và lao động bất hợp pháp. Trong vòng năm năm qua, có tới 1.128 người nhập cư trái phép bị bắt giữ, phần lớn họ đều là những lao động từng bỏ trốn khi làm việc tại Đài Loan. 

Đài Loan đã bị các thương hiệu lớn như Apple và Cisco coi là quốc gia có nguy cơ cao về cưỡng bức lao động. Apple đánh giá Đài Loan là “nơi mà người lao động phải trả phí tuyển dụng để đảm bảo công việc, điều này vi phạm Quy tắc của chúng ta [Apple]”. Trong Báo cáo tiến độ thường niên năm 2023, Apple nêu rõ “cấm các nhà cung cấp của chúng tôi tính bất kỳ khoản phí nào liên quan đến tuyển dụng hoặc việc làm của người lao động – ngay cả khi việc tính các khoản phí đó là hợp pháp tại quốc gia hoạt động của nhà cung cấp hoặc tại quốc gia là nơi xuất xứ của người lao động”. Ngoài ra, Đài Loan bị liệt kê trong danh sách các quốc gia và khu vực có nguy cơ cao về vi phạm nhân quyền đối với lao động nhập cư, theo Báo cáo Tiến độ Bền vững năm 2022 của công ty Jabil – nhà cung cấp dịch vụ sản xuất điện tử lớn thứ ba trên thế giới. 

Môi trường sống tồi tàn và nạn bóc lột lao động đáng báo động

Nhiều năm về trước, những bất cập trong môi trường sống và điều kiện làm việc của lao động nhập cư đã nổi cộm trong xã hội Đài Loan. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhiều lao động nhập cư bị buộc sống trong những khu ký túc xá quá đông đúc và không đủ trang bị bảo hộ, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm tăng cao. Ngay cả trước đại dịch, những lao động nhập cư đã phải sống trong môi trường tương tự và không đủ tiện nghi. Nơi họ sống những khu tập thể chật hẹp, mỗi phòng có 8 người nhưng có khi lên tới 30 người. Trong khi những người giúp việc gia đình phải sống chung với chủ lao động và người chăm sóc tại nhà ở chung phòng với bệnh nhân của họ.

Hàng loạt các hành vi vi phạm quyền của người lao động (nhất là đối với những lao động nhập cư làm công việc chăm sóc và giúp việc nhà) như đánh đập, lạm dụng thể chất và tình dục, không trả lương làm thêm giờ, thời gian làm việc dài, không có thời gian nghỉ ngơi,… Một ngư dân nhập cư đã chứng kiến bạn mình bị chĩa súng trong khi bị ba người đàn ông khác đánh đập, lý do chỉ vì anh ta làm việc quá chậm. Một nữ nhân viên chăm sóc tại nhà người Philippines thường xuyên phải làm việc trong điều kiện tồi tàn và thời gian quá tải 24/7, gây ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe và tâm lý của cô ấy. Số vụ ngược đãi từ người sử dụng lao động không ngừng tăng lên và thậm chí được truyền thông trong nước đưa tin. Năm 2018, nhật báo Apple Daily (đã đóng cửa) phát hành một loạt bài đặc biệt đa ngôn ngữ (bằng tiếng Quan Thoại, tiếng Việt và tiếng Anh) với tiêu đề “Metoo in Taiwan: Stories of Three Migrant Workers” đề cập việc lạm dụng tình dục người chăm sóc ở Đài Loan. Tuy nhiên, các hành vi lạm dụng và ngược đãi lao động nhập cư vẫn chưa giảm thiểu do các biện pháp bảo vệ từ chính phủ vẫn không được thực thi đầy đủ và áp dụng nhất quán

Thiếu sự bảo vệ pháp lý là nguyên nhân đẩy lao động nhập cư vào tình thế bấp bênh. Xuất phát từ quan điểm “hệ thống lao động khách” (Guest Worker System) của Đài Loan cho rằng lao động nhập cư là lực lượng lao động ngắn hạn chứ không phải thành viên lâu dài của xã hội. Từ đó, dẫn đến những bất cập trong việc giới hạn địa điểm làm việc, giờ làm việc và thậm chí cả việc bảo vệ tiền lương của nhóm người này. 

Cụ thể, người giúp việc gia đình và chăm sóc tại nhà không nằm trong phạm vi được bảo vệ theo Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động, thay vào đó họ phải tuân theo Đạo luật Dịch vụ Việc làm không quy định giới hạn trên về số giờ làm việc, ngày nghỉ và mức lương tối thiểu, khiến họ dễ rơi vào tình trạng làm việc nhiều giờ với mức lương thấp. Bên cạnh đó, lao động nhập cư không có khả năng thay đổi công việc theo ý muốn. Theo Đạo luật Dịch vụ Việc làm, lao động nhập cư chỉ có thể thay đổi người sử dụng lao động với những điều kiện nghiêm ngặt và được sự đồng ý của Bộ Lao động, do đó họ rất khó có thể thay đổi việc làm một cách hợp pháp trừ phi có các bằng chứng rõ ràng và tố cáo lên chính quyền. 

Việc khó thay đổi chủ lao động khiến lao động nhập cư dễ rơi vào tình trạng bị ngược đãi trong thời gian dài và mắc các vấn đề về sức khỏe và tinh thần. Nhiều cuộc biểu tình đòi quyền thay đổi chủ lao động của lao động nhập cư và các nhóm nhân quyền đã diễn ra tại Đài Loan. Đáp lại lời kêu gọi đó, chính phủ yêu cầu mọi người tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Việc làm, đồng nghĩa với việc lao động nhập cư có quyền thay đổi công việc và chủ lao động sau khi kết thúc hợp đồng ba năm của họ. Tuy nhiên, ít ai biết trong ba năm đó lao động nhập cư sẽ phải chịu những nguy cơ tiềm ẩn nào khi làm việc tại Đài Loan.

Nạn phân biệt đối xử

Đài Loan đang phải vật lộn với vấn đề phân biệt đối xử và tiêu chuẩn kép đối với người lao động nhập cư – nhóm người được cho là dễ tổn thương và bị gạt ra ngoài lề xã hội bản địa; bên cạnh đó, người lao động cũng không được công nhận đầy đủ về tính nhân văn và đóng góp của họ cho sự phát triển của Đài Loan. Ngoài việc phải lao động và sinh sống trong điều kiện thiếu thốn và không được đảm bảo, những người dễ tổn thương còn phải nhận sự thờ ơ từ chính xã hội mà họ đang làm việc. 

Trong giai đoạn bùng nổ đại dịch COVID-19, những công nhân nhập cư làm việc tại một số nhà máy cho biết họ không được quyền tự do đi lại và phải chịu những quy định hà khắc, tuy nhiên chúng lại không áp dụng đối với các đồng nghiệp người Đài Loan. Những người lao động nhập cư tại nhà máy sản xuất chất bán dẫn ASE của Đài Loan bị buộc phải rời khỏi nhà riêng của họ để đến nơi ở chung, những ai không tuân thủ có thể bị sa thải. Trong thời gian đó, họ bị cấm rời khỏi ký túc xá, đến muộn sẽ bị đóng cửa và bị phạt, tuy nhiên những hạn chế như vậy lại không được áp dụng với người Đài Loan. Trường hợp khác, các quan chức huyện Miêu Lật đã ban hành lệnh “ở nhà” đối với lao động nhập cư. Họ chỉ có thể đi làm bằng phương tiện do chủ lao động hoặc người môi giới sắp xếp cũng như không được phép tự mua sắm những nhu yếu phẩm, và hơn 20 công nhân đã bị cảnh sát thẩm vấn vì những cáo buộc vi phạm.  

Các biện pháp trên của chính phủ càng khoét sâu nạn phân biệt đối xử đối với lao động nhập cư, vốn đã âm ỉ trong lòng xã hội Đài Loan. Việc xem họ như nguồn lây lan tiềm ẩn và ngăn chặn đại dịch bằng cách hạn chế các quyền chỉ của riêng nhóm người này mà không phải là tất cả là những vi phạm quá rõ ràng, không chỉ tác động xấu đến thể chất, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của lao động nhập cư. 

Chân dung lao động nhập cư Đài Loan được vẽ ra trên phương tiện truyền thông đại chúng thường là các tiêu đề liên quan đến vi phạm quy định nhập cư và các quy định khác, hoặc gắn mác “nguy hiểm”, “lừa đảo”, “tội phạm”. Sự việc một công nhân người Việt Nam trước đó đã bị cảnh sát bắn, tuy nhiên cảnh sát và nhân viên y tế đã không cấp cứu vì nghĩ rằng khi tới gần anh ta sẽ điên loạn và tấn công ngược lại, thậm chí dù bị thương thì nạn nhân vẫn bị còng tay đưa đến bệnh viện và chết sau đó. Liên quan đến thuật ngữ đề cập đến lao động nhập cư, chính phủ Đài Loan đã thay đổi cách gọi từ “công nhân bỏ trốn” (逃逸外勞/táoyì wàiláo) thành “công nhân nhập cư mất liên lạc” (失聯移工/ shī lián yí gōng). Tuy nhiên, “công nhân bỏ trốn” vẫn thường một số phương tiện truyền thông sử dụng

Một ví dụ khác là chính phủ đã quyết định thay đổi việc mô tả lao động nhập cư từ “lao động nước ngoài” (外勞/wài láo) thành “lao động nhập cư” (移工/yí gōng), nhưng “wài láo” vẫn được sử dụng thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Thông qua các cuộc khảo sát ý kiến dư luận Đài Loan đối với vấn đề nhập cư, công chúng vẫn có thành kiến đối với dân lao động nhập cư, nhất là nơi xuất xứ của nhóm người này. Phần lớn họ có phản ứng tiêu cực và mạnh mẽ nhất là đối với những lao động có quốc tịch Indonesia. Trong một cuộc khảo sát khác, người Đài Loan ủng hộ việc khuyến khích nhóm lao động nhập cư có tay nghề cao (tăng 46,2%). Tuy nhiên, họ ít ủng hộ hơn đối với việc tập trung nhập cư những lao động đến từ Đông Nam Á (giảm 21,4%).

Nan giải về lương, trợ cấp thất nghiệp và lương hưu 

Đài Loan không có lợi thế cạnh tranh về lương so với các nhà tuyển dụng đối thủ để thu hút lực lượng lao động nước ngoài đến làm việc. Hiện tại, lương của lao động nhập cư Đài Loan thấp hơn bất kỳ nơi nào khác ở châu Á (ngoại trừ Singapore). Theo báo cáo của Bộ Lao động (1/2024), tổng lương trung bình hàng tháng (bao gồm cả lương làm thêm giờ) của lao động nhập cư công nghiệp là 32.000 Đài tệ (khoảng 1.000 USD) và người chăm sóc tại nhà là 23.000 Đài tệ (khoảng 730 USD). Trong khi đó, mức thu nhập trung bình hàng tháng của lao động nhập cư tại Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 1.250 USD và 2.314 USD. Một khó khăn nữa việc tham gia chương trình bảo hiểm lao động quốc gia cho lao động nhập cư lại không bao gồm phần trợ cấp thất nghiệp trong đó. Điều này dẫn tới việc lao động nhập cư vì bất mãn với việc bị bóc lột tại chỗ làm và có ý định nghỉ việc sẽ không nhận được khoản tiền trợ cấp, buộc họ phải vay tiền để tồn tại. 

Ngoài ra, còn nhiều bất cập trong các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu của “lao động nhập cư nhập cư có tay nghề trung cấp” (họ có thời gian lưu trú không giới hạn ở Đài Loan). Trong khi lao động Đài Loan được hưởng chế độ lương hưu mới thì nhóm lao động nhập cư này vẫn hưởng lương hưu theo hệ thống cũ quy định (tức hệ thống 25 năm). Để đủ điều kiện nhận lương hưu, người đó phải làm việc cho cùng một người chủ từ 20 tới 25 năm. Theo đó, “những lao động nhập cư được chứng nhận có kỹ năng trung cấp được đăng ký vào hệ thống lương hưu cũ, cho phép họ nghỉ hưu và nhận lương hưu một lần khi họ 55 tuổi và đã làm việc được 15 năm, khi họ 60 tuổi và đã làm việc được 10 năm, hoặc khi họ đã tiếp tục làm việc được 25 năm”. 

Do đó, bên cạnh việc đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn như bị lạm dụng lao động khi làm việc cho một chủ, lao động nhập cư buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng khi có ý định tìm kiếm các cơ hội việc làm mới cũng như chấp nhận xa gia đình và quê hương trong thời gian dài để đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Trước những thách thức này, chính phủ cần xem xét việc nới lỏng các quy định về điều kiện hưởng lương hưu cho lao động nhập cư có tay nghề trung cấp để tương xứng với những gì nhóm người này đã đóng góp vào nền kinh tế “dễ tổn thương” của Đài Loan. 

Một chặng đường dài phía trước… 

Khoảng hai tháng sau (ngày 20/5), nhiệm kỳ của tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) sẽ chính thức bắt đầu, tuy nhiên chính quyền mới của ông sẽ phải đối mặt với một Viện Lập pháp bị chia rẽ khi mất đa số ghế trong cơ quan này. Việc này đồng nghĩa ông Lại sẽ khó khăn hơn trong việc giành được sự ủng hộ đối với các chính sách của mình so với chính quyền tiền nhiệm. Giải quyết các thách thức cho người lao động nhập cư cũng cần là một phần trong các ưu tiên chính sách kinh tế của ông Lại, và quan trọng là “tìm cách hợp tác với các đảng đối lập để tìm kiếm giải pháp”. Bởi lẽ, lao động nhập cư không phải là vấn đề của riêng đảng cầm quyền mà là vấn đề liên đảng, cần sự phối hợp giữa các bên để thúc đẩy các biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ quyền lợi cho nhóm người yếu thế này. 

Hiện nay Đài Loan đang mất dần lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút lao động nhập cư trong bối cảnh nguồn cung lao động ngày một khan hiếm. Cụ thể, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu với Đài Loan trong việc tuyển dụng lao động nhập cư. Cả ba quốc gia đang đối mặt với vấn đề dân số khi tỷ lệ sinh thấp, tốc độ già hóa tăng nhanh gây áp lực lên hệ thống chăm sóc người già và nguồn lao động trẻ trong các ngành công nghiệp sản xuất. Thuê nhân lực từ bên ngoài để bù đắp vào khoảng trống thiếu hụt và giảm thiểu các tác động lên nền kinh tế trở thành mục tiêu cần thiết của các quốc gia này. Với mức lương cạnh tranh hơn, Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt lao động nhập cư thay vì Đài Loan. 

Một khía cạnh khác là ngày càng ít quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu lao động khi nền kinh tế của họ phát triển mạnh mẽ hơn. Đơn cử là trường hợp Thái Lan. Nước này đã trải qua quá trình chuyển đổi lớn về công nghiệp giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng trong hơn nửa thế kỷ. Chính phủ đã hỗ trợ đổi mới và cung cấp các khoản vay không lãi suất cho lao động để hỗ trợ phát triển lĩnh vực công nghiệp trong nước. Thái Lan từng là nguồn lao động nhập cư chiếm ưu thế tại Đài Loan, số lượng nay đã ít đi bởi khoảng cách tiền lương giữa hai nước ngày càng rút ngắn khiến nhiều lao động quyết định không sang Đài Loan làm việc. Ngược lại, họ chuyển dần từ xuất khẩu sang nhập khẩu lao động nước ngoài vào làm việc trong các lĩnh vực sản xuất, du lịch và dịch vụ. 

Không những vậy, dân số Đông Nam Á đang già đi nhanh chóng và các quốc gia này sẽ chú trọng các biện pháp đảm bảo nhu cầu lao động trong nước trước tiên. Điều này thúc đẩy Đài Loan phải mở rộng và đa dạng nguồn nhập khẩu lao động ngoài Đông Nam Á.

Cần lưu ý hơn, trước khi tìm cách thu hút thêm lực lượng lao động nhập cư, Đài Loan phải thật sự quan tâm và lắng nghe tiếng nói của “nhóm người hiện tại” đang nỗ lực đóng góp cho tương lai Đài Loan. Ứng cử viên Kha Văn Triết thuộc Đảng Dân chúng Đài Loan (TPP) trong cuộc tranh cử tổng thống trước đó đã từng phát biểu rằng “[tình trạng khó khăn] cho thấy những sai sót đáng kể trong chính sách dành cho người lao động nhập cư của chúng tôi cần được cải thiện”. Các giá trị dân chủ và nhân quyền mà nước này theo đuổi phải thực sự dành cho tất cả mọi đối tượng đang sinh sống và làm việc trên hòn đảo. 

Thứ nhất, chính phủ Đài Loan cần tôn trọng nhân quyền và tạo ra những thay đổi tích cực trong môi trường làm việc cho lao động nhập cư, đặc biệt là chú ý đến những rủi ro lao động cưỡng bức như chủ lao động giữ lại tiền lương của lao động nhập cư để trang trải các chi phí như khám sức khỏe, vé máy bay và trả “phí dịch vụ hàng tháng được pháp luật cho phép” dành cho người lao động. Bên cạnh đó, lao động không tự nguyện là yếu tố ít được chú ý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể trở thành lỗ hổng mà người sử dụng lao động có thể khai thác để lạm dụng lao động nhập cư hơn cả các hành vi lạm dụng thể chất như bắt cóc, sử dụng các biện pháp trừng phạt. Ví dụ về tính không tự nguyện có thể kể đến như lao động nhập cư bị bắt làm công việc không giống trong hợp đồng, bị yêu cầu làm thêm giờ hoặc các yêu cầu chưa được thống nhất giữa hai bên, làm việc với mức lương rất thấp hoặc không lương, môi trường sống hoặc lao động xuống cấp,… 

Trong khoảng 750.000 công nhân nhập cư đang làm việc tại Đài Loan, cứ sáu công nhân nhà máy thì có một người là lao động nhập cư, do đó việc tôn trọng và bảo vệ quyền lợi cho nhóm người này “không chỉ đơn thuần là vấn đề đạo đức mà còn là nhu cầu kinh tế đối với Đài Loan”. Khi chính phủ Đài Loan chưa tìm ra các giải pháp bảo vệ lao động nhập cư hiệu quả, các hành vi vi phạm quyền của người lao động nhập cư khiến họ ít sẵn sàng mạo hiểm để rời bỏ quê hương đến Đài Loan làm việc.

Thứ hai, liệu Đài Loan có nên tiếp tục hệ thống môi giới được ví như “những nhân vật hút máu lao động nhập cư để sống” hay không. Việc chi trả cho các khoản tiền khổng lồ trước và sau khi đến Đài Loan khiến nhiều lao động dễ rơi vào “bẫy nợ”, khiến họ mãi luẩn quẩn trong tình trạng bế tắc – mượn tiền để kiếm việc, làm việc để trả nợ. Mô hình tuyển dụng trực tiếp công nhân có trình độ giữa công ty thực phẩm I-Mei (Đài Loan) với chính phủ Philippines (bắt đầu từ năm 2017 và được lao động Philippines ủng hộ mạnh mẽ) là ví dụ điển hình cho những nỗ lực tư nhân nhằm thay đổi chính sách tuyển dụng lao động thông qua môi giới của chính phủ. Mô hình này cần phải được nghiên cứu kỹ và xem xét nhân rộng để tránh những gánh nặng tài chính oằn lên vai lao động nhập cư.

Thứ ba, trong bối cảnh khan hiếm và cạnh tranh về nguồn cung lao động như hiện nay, các nhà hoạch định chính sách cần cải thiện chính sách giữ chân lao động nhập cư cũng như tính toán các con đường tiềm năng để hỗ trợ họ định cư lâu dài. Theo Đạo luật Dịch vụ Việc làm, tổng thời gian tối đa lao động nhập cư có thể làm việc tại Đài loan là 12 năm (14 năm đối với người chăm sóc tại nhà). Việc yêu cầu lao động nhập cư phải về nước sau khi làm việc trong khoảng thời gian nhất định giống như Đài Loan đang đào tạo một lực lượng tay nghề trung cấp có khả năng làm việc cho các quốc gia đối thủ sau đó. 

Hiện tại, chính phủ đã triển khai chương trình giữ chân dài hạn lao động nước ngoài có tay nghề và xin thường trú. Những lao động nhập cư làm việc ít nhất từ sáu năm trở lên (trong cùng một lĩnh vực nhất định) và đáp ứng các yêu cầu về mức lương hoặc kỹ năng phù hợp sẽ được cấp phép chỉ định là người lao động có tay nghề trung cấp (intermediate skilled migrant workers) mà không bị giới hạn tối đa về thời gian làm việc. Tính đến đầu năm nay, khoảng 20.000 người đã được chứng nhận là “lao động nhập cư có tay nghề trung cấp”, và có thể lưu trú không giới hạn tại Đài Loan. Tuy nhiên nhiều người cho rằng rất khó để đạt đủ điều kiện theo như quy định. Ngoài ra, để đủ điều kiện xin thường trú, họ phải là lao động có tay nghề trung cấp trong ít nhất năm năm và đạt gấp đôi mức lương tối thiểu – một kiều kiện rất khó đạt được đối với lao động nhập cư (nhất là với những lao động nhập cư sống tại các vùng phía Nam Đài Loan) trong khi mức lương tối thiểu tăng hằng năm. 

Trước những khó khăn kể trên, chính phủ cần xem xét nới lỏng các điều kiện theo khả năng của lao động nhập cư, và việc này không chỉ là trao cơ hội rộng mở hơn về con đường định cư lâu dài cho nhóm người này mà còn giúp duy trì tính ổn định và bền vững của nền kinh tế và xã hội Đài Loan. 

Thời gian không chờ đợi!

Viễn cảnh chính phủ Đài Loan thực sự có khả năng giải quyết tình trạng thiếu lao động vẫn thật khó tưởng tượng, và Đài Loan nhiều khả năng vẫn tiếp tục phụ thuộc lớn vào nguồn lao động nước ngoài trong thời gian tới. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, Đài Loan cần tìm kiếm các biện pháp thiết thực để bảo vệ quyền lợi cho lao động nhập cư. 

Mặc dù trên thực tế “có rất ít sự cải thiện về chính sách đối với người lao động nhập cư vì nó quá gắn chặt với chính trị đảng phái ở Đài Loan”, và việc sửa đổi hàng loạt các quy định trong các đạo luật là điều khó khăn, đặc biệt trong tình hình Đảng Dân chủ Tiến bộ của tân tổng thống Đài Loan không nắm đa số ghế trong Viện Lập pháp. Tuy nhiên, nếu không nỗ lực từ bây giờ, Đài Loan có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong tương lai.

Từ khoá: Lao động nhập cư tại Đài Loan già hoá dân số thiếu hụt nhân lực Đài Loan kinh tế xã hội

BÀI LIÊN QUAN