Liệu Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines có tạo thành “Bộ tứ mới”?

“Bộ tứ mới” gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines, nếu được hình thành, sẽ ưu tiên hợp tác quân sự hơn so với “Bộ tứ cũ” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), nhằm tăng cường năng lực răn đe tổng hợp và kiềm chế Trung Quốc.

Tim Phan 25/07/2023

Tim Phan

25/07/2023
Image
Các bộ trưởng quốc phòng của Australia, Nhật Bản, Philippines và Mỹ gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 3/06/2023 - (C): Bộ Quốc phòng Nhật Bản

Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hợp tác tiểu đa phương đang phát triển nhanh chóng khi cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt và chủ nghĩa đa phương bộc lộ nhiều hạn chế trong giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Một số liên kết tiểu đa phương nổi bật tại khu vực là “Bộ tứ” hay “Đối thoại Tứ giác An ninh” (QUAD, 2017) giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ; Hiệp ước An ninh ba bên giữa Australia, Anh, và Mỹ (AUKUS, 2021); Mạng lưới chuỗi cung ứng chất bán dẫn giữa Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Chip 4, 2022).

Gần đây, một số nhà quan sát dự báo về sự ra đời của “Bộ tứ mới” (new QUAD), bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines. Bên lề Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng 6/2023 tại Singapore, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ, Yasukazu Hamada của Nhật Bản, Richard Marles của Australia và quyền Bộ trưởng Philippines Carlito Galvez đã có cuộc gặp bốn bên lần đầu tiên. Các bộ trưởng không chỉ thảo luận các vấn đề liên quan đến lợi ích chung và cơ hội mở rộng hợp tác mà còn khẳng định cam kết về tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”. 

Mặc dù cuộc gặp không chính thức chưa thể hiện rõ nội dung, mức độ và hình thức liên minh nhưng nó đánh dấu một bước tiến mới trong việc thúc đẩy hợp tác giữa bốn quốc gia, phản ánh sự thay đổi về cách Mỹ cấu trúc an ninh của mình tại khu vực, vốn chủ yếu dựa vào hệ thống quan hệ song phương “trục và nan hoa” (hub-and-spoke system). Những chuyển động chiến lược này phù hợp với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà chính quyền Biden công bố vào tháng 2/2022, trong đó khẳng định làm sâu sắc quan hệ với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, bao gồm Australia, Nhật Bản và Philippines, cũng như hợp tác trong “các nhóm linh hoạt để tập hợp sức mạnh tập thể” nhằm đối phó với các thách thức thời đại. 

Những liên kết đầu tiên

Nhận thức chung về mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc thúc đẩy bốn quốc gia này hợp tác chặt chẽ hơn. Hiện nay, Trung Quốc không còn che giấu tham vọng loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để từng bước xác lập vị thế bá chủ khu vực. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng leo thang các hành động gây hấn với các tàu chiến và máy bay quân sự của Washington hoạt động trên các vùng biển trong khu vực. Chính quyền Biden gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có cả ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó”. Australia cũng rút ra được bài học từ sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc trong gần ba năm qua. Trong khi đó, Nhật Bản và Philippines - hai quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc - cũng chứng kiến Bắc Kinh đẩy mạnh “chiến thuật vùng xám” (gray-zone tactics) trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. 

Bên cạnh đó, các quốc gia cùng chí hướng này đều là những nền dân chủ tiên tiến, cùng chia sẻ các giá trị phổ quát như nhân quyền, tự do cá nhân, xã hội dân sự,... Bốn quốc gia trên đều ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tự do hàng hải, hàng không và thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở. Ngoài ra, Nhật Bản, Australia và Philippines đều là những đồng minh truyền thống của Mỹ. Những yếu tố trên giúp gắn kết bốn quốc gia này trong nỗ lực cùng đảm bảo cân bằng quyền lực ở khu vực.

Từ khi lên nắm quyền vào tháng 6/2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ưu tiên nâng cao vị thế chiến lược của Manila trong cấu trúc an ninh khu vực qua nỗ lực hiện đại hoá quân đội và củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với các đối tác truyền thống. Điều này đã tạo động lực quan trọng để Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Australia phối hợp với nhau trong khuôn khổ bốn bên. Vào tháng 5/2023, ông Marcos và ông Biden đã nhất trí thúc đẩy các phương thức hợp tác ba bên giữa Philippines, Nhật Bản và Mỹ, cũng như Philippines, Australia và Mỹ. Trên thực tế, hợp tác ba bên (song song với hợp tác song phương) đã được Mỹ và Nhật Bản thúc đẩy với các đồng minh trong khu vực trong những năm qua nhằm đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Những mối liên kết song phương và ba bên tạo nền tảng cần thiết để Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines nâng cấp quan hệ lên khuôn khổ bốn bên. 

Quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines có những chuyển biến nhanh chóng, tích cực sau nhiều năm căng thẳng dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte (2016-2022). Trái ngược với người tiền nhiệm, Tổng thống Marcos coi quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ là nền tảng cốt lõi trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Manila. Chỉ trong vòng một năm sau khi nắm quyền, ông Marcos đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược với Mỹ, xác lập nhiều bước tiến mới quan trọng, đưa Philippines trở thành một đồng minh quan trọng trong chiến lược răn đe tổng hợp (integrated deterrence) của chính quyền Biden tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Minh chứng cho bước tiến của quan hệ Mỹ - Philippines là vào tháng 2/2023, khi Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự, ngoài 5 căn cứ trước đó theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) mà hai bên ký vào năm 2014. Trong đó, 3 trong 4 căn cứ nằm ở phía Bắc Philippines đối diện với Đài Loan (bao gồm căn cứ hải quân Camilo Osias, sân bay Lal-lo ở tỉnh Cagayan chỉ cách Đài Loan 400km, và căn cứ Melchor Dela Cruz ở tỉnh Isabela) và 1 căn cứ Balabac (thuộc đảo Palawan nằm trên Biển Đông). Những địa điểm này có ý nghĩa địa chiến lược to lớn trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hành động quân sự mang tính gây hấn xung quanh Đài Loan và trên Biển Đông. Đối với Mỹ, sự phát triển tích cực trong hợp tác quân sự với Philippines giúp nước này tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực và qua đó ứng phó tốt hơn với các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như Trung Quốc tấn công Đài Loan hay leo thang quân sự ở Biển Đông.

Vào tháng 5/2023, Mỹ và Philippines công bố Hướng dẫn Phòng thủ Song phương (Bilateral Defense Guidelines), là bước tiến lớn trong quan hệ đồng minh và được xem là hướng dẫn chính thức đầu tiên kể từ khi hai bên ký Hiệp ước Phòng thủ Chung (United States - Philippines Mutual Defense Treaty - MDT) vào năm 1951. Hướng dẫn làm rõ cam kết và nghĩa vụ của Washington đối với an ninh của Manila trong trường hợp “một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, bao gồm bất kỳ nơi nào ở Biển Đông, nhằm vào các máy bay hoặc tàu thuộc lực lượng vũ trang của Philippines hoặc Mỹ sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung theo Điều IV và Điều V của MDT”. 

Philippines cũng tăng cường quan hệ với Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác chiến lược. Khác với tính chất “thăng – giáng” trong liên minh Mỹ - Philippines, quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Philippines phát triển tương đối ổn định. Sau sự kiện Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012, Tokyo đã tích cực hỗ trợ Philippines tàu chiến, máy bay quân sự và các thiết bị quốc phòng nhằm nâng cao năng lực cho Cảnh sát biển nước này để đối phó với các hành động gây hấn của Bắc Kinh. 

Hợp tác quốc phòng giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới trong chuyến công du Nhật Bản vào tháng 2/2023 của ông Marcos. Tổng thống Philippines tuyên bố “quan hệ đối tác chiến lược của chúng tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi chúng tôi cùng nhau vượt qua những khó khăn trong khu vực. Tương lai của mối quan hệ vẫn đầy hứa hẹn khi chúng tôi tiếp tục tăng cường và mở rộng sự can dự trên nhiều lĩnh vực hợp tác cùng có lợi”. Hai bên cũng ký kết một thỏa thuận quốc phòng, gọi là Điều khoản Tham chiếu (the Terms of Reference), về hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai giữa quân đội hai nước. Động thái này nhằm mở đường cho một Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (Visiting Forces Agreement - VFA) với Tokyo, tạo điều kiện thuận lợi cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản triển khai đến Philippines tham gia các cuộc tập trận. Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, Nhật Bản tiếp tục cam kết hỗ trợ Philippines trong các vấn đề an ninh hàng hải, bao gồm xây dựng năng lực thực thi hàng hải, nhận thức về lĩnh vực hàng hải, huấn luyện và tập trận chung. 

Với Australia, Philippines có mối quan hệ hợp tác quốc phòng lâu đời, thể hiện qua hàng loạt các thỏa thuận song phương mà hai bên đã ký kết với nhau. Nổi bật là Thỏa thuận về Quy chế các lực lượng giữa Philippines và Australia (Philippines-Australia Status of Forces Agreement - SOFA) vào năm 2007, cho phép quân đội Australia tham gia huấn luyện tại quốc gia Đông Nam Á này. Đây là thỏa thuận thăm viếng quân sự thứ hai mà Philippines ký kết với một nước khác, ngoài đồng minh là Mỹ. Năm 2021, Philippines và Australia cũng ký kết Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần Lẫn nhau (Mutual Logistics Support Arrangement - MLSA) nhằm thúc đẩy hỗ trợ hậu cần quốc phòng cũng như tăng cường khả năng tương tác của quân đội hai nước.

Quan hệ hai nước trên lĩnh vực quốc phòng ngày càng được thắt chặt. Tổng thống Marcos nhận định quan hệ đối tác giữa Philippines và Australia “rất quan trọng và là chìa khóa để duy trì hòa bình không chỉ ở Châu Á - Thái Bình Dương mà cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Trong chuyến thăm Manila vào tháng 5/2023, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã công bố các sáng kiến hợp tác hàng hải với Philippines, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho Cảnh sát biển Philippines, chuyển giao các thiết bị và công nghệ quốc phòng nhằm tăng cường nhận thức hàng hải và bảo vệ biển. 

Gần đây, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines cũng gia tăng các tương tác quân sự thông qua các cuộc tập trận chung, qua đó giúp nâng cao năng lực tác chiến hiệp đồng, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia và thực hiện cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở. Vào tháng 4/2023, Mỹ và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận Balikatan lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của hơn 17.000 binh lính của hai nước. Australia cũng gửi quân tới tham gia tập trận này trong khi Nhật Bản tham gia với tư cách là quan sát viên. Vào tháng 7/2023, Mỹ, Nhật Bản và Philippines lần đầu tổ chức cuộc tập trận hàng hải ba bên trên Biển Đông với sự tham gia của Australia trong vai trò quan sát viên. Các cuộc tập trận này thể hiện “các tiêu chuẩn hoạt động hàng hải chuyên nghiệp và dựa trên luật lệ giữa các đối tác để đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”. 

Về khả năng hình thành “Bộ tứ mới”

Triển vọng về một liên kết bốn bên mới giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines phụ thuộc phần lớn vào những chuyển động về chính trị nội bộ ở mỗi nước và tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là yếu tố Trung Quốc. Dù vậy, khả năng hình thành “Bộ tứ mới” tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn có thể, đặc biệt khi sự điều chỉnh về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Philippines dưới thời Tổng thống Marcos đã góp phần kết nối bốn quốc gia lại với nhau. 

Song, những thay đổi trong chính trị nội bộ ở các nước có tác động không nhỏ tới nhóm tiểu đa phương này. Vào năm 2024, Mỹ sẽ tiến hành bầu cử tổng thống, và kết quả cuộc bầu cử là rất quan trọng. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng, ông có thể đưa ra các chính sách khiến Mỹ “xa rời” các đồng minh châu Á hơn. Ngoài ra, chính sách “thân Mỹ” của Philippines hiện nay cũng vấp phải phản ứng trong nước như chỉ trích việc cho Mỹ tiếp cận các căn cứ gần Đài Loan và theo đó có thể đẩy Philippines vào cuộc xung đột có thể xảy ra tại eo biển. Trong khi đó, tham vọng mở rộng ảnh hưởng quân sự của Nhật gặp trở ngại bởi Điều 9 của Hiến pháp nước này. 

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink khẳng định Mỹ không tìm kiếm khả năng thành lập một nhóm “Bộ tứ mới” tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực và thử thách tính kiên nhẫn của các quốc gia trong khu vực, việc hình thành “Bộ tứ mới” có thể trở nên rõ rệt hơn. 

Khác với nhóm Bộ tứ hiện tại, vốn ưu tiên hợp tác trên các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nhân đạo và cứu trợ thiên tai, khía cạnh nổi bật trong hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines sẽ thiên về an ninh - quốc phòng nhằm đối phó với các thách thức an ninh từ Trung Quốc. Đây cũng là trụ cột chính trong hợp tác song phương và ba bên hiện có giữa bốn nước. Phản ứng về ý tưởng “Bộ tứ mới” giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines, tờ ​​Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc đã chỉ trích nhóm này “nhằm tìm cách kiềm chế và cô lập Trung Quốc, tạo ra sự chia rẽ, thậm chí đối đầu giữa các nước châu Á” và “kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khiến Trung Quốc phải tăng cường khả năng răn đe quân sự”.

Tóm lại, sự “trỗi dậy” không hoà bình của Trung Quốc và sự chuyển hướng trong cách tiếp cận của Philippines về chính sách ngoại giao và an ninh - quốc phòng (với ưu tiên thắt chặt quan hệ với Mỹ và các đồng minh) là những nhân tố quan trọng thúc đẩy quan hệ ngày càng gắn kết giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines. Dù vẫn còn quá sớm để kết luận về khả năng hình thành và vai trò của nhóm “Bộ tứ mới” trong khu vực, liên kết bốn bên này phản ánh một trúc an ninh mới theo hướng tiểu đa phương nhằm đối phó với mối đe dọa chung, qua đó truyền thông điệp răn đe tới Bắc Kinh.

Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hợp tác tiểu đa phương đang phát triển nhanh chóng khi cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt và chủ nghĩa đa phương bộc lộ nhiều hạn chế trong giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Một số liên kết tiểu đa phương nổi bật tại khu vực là “Bộ tứ” hay “Đối thoại Tứ giác An ninh” (QUAD, 2017) giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ; Hiệp ước An ninh ba bên giữa Australia, Anh, và Mỹ (AUKUS, 2021); Mạng lưới chuỗi cung ứng chất bán dẫn giữa Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Chip 4, 2022).

Gần đây, một số nhà quan sát dự báo về sự ra đời của “Bộ tứ mới” (new QUAD), bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines. Bên lề Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng 6/2023 tại Singapore, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ, Yasukazu Hamada của Nhật Bản, Richard Marles của Australia và quyền Bộ trưởng Philippines Carlito Galvez đã có cuộc gặp bốn bên lần đầu tiên. Các bộ trưởng không chỉ thảo luận các vấn đề liên quan đến lợi ích chung và cơ hội mở rộng hợp tác mà còn khẳng định cam kết về tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”. 

Mặc dù cuộc gặp không chính thức chưa thể hiện rõ nội dung, mức độ và hình thức liên minh nhưng nó đánh dấu một bước tiến mới trong việc thúc đẩy hợp tác giữa bốn quốc gia, phản ánh sự thay đổi về cách Mỹ cấu trúc an ninh của mình tại khu vực, vốn chủ yếu dựa vào hệ thống quan hệ song phương “trục và nan hoa” (hub-and-spoke system). Những chuyển động chiến lược này phù hợp với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà chính quyền Biden công bố vào tháng 2/2022, trong đó khẳng định làm sâu sắc quan hệ với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, bao gồm Australia, Nhật Bản và Philippines, cũng như hợp tác trong “các nhóm linh hoạt để tập hợp sức mạnh tập thể” nhằm đối phó với các thách thức thời đại. 

Những liên kết đầu tiên

Nhận thức chung về mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc thúc đẩy bốn quốc gia này hợp tác chặt chẽ hơn. Hiện nay, Trung Quốc không còn che giấu tham vọng loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để từng bước xác lập vị thế bá chủ khu vực. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng leo thang các hành động gây hấn với các tàu chiến và máy bay quân sự của Washington hoạt động trên các vùng biển trong khu vực. Chính quyền Biden gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có cả ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó”. Australia cũng rút ra được bài học từ sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc trong gần ba năm qua. Trong khi đó, Nhật Bản và Philippines - hai quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc - cũng chứng kiến Bắc Kinh đẩy mạnh “chiến thuật vùng xám” (gray-zone tactics) trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. 

Bên cạnh đó, các quốc gia cùng chí hướng này đều là những nền dân chủ tiên tiến, cùng chia sẻ các giá trị phổ quát như nhân quyền, tự do cá nhân, xã hội dân sự,... Bốn quốc gia trên đều ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tự do hàng hải, hàng không và thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở. Ngoài ra, Nhật Bản, Australia và Philippines đều là những đồng minh truyền thống của Mỹ. Những yếu tố trên giúp gắn kết bốn quốc gia này trong nỗ lực cùng đảm bảo cân bằng quyền lực ở khu vực.

Từ khi lên nắm quyền vào tháng 6/2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ưu tiên nâng cao vị thế chiến lược của Manila trong cấu trúc an ninh khu vực qua nỗ lực hiện đại hoá quân đội và củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với các đối tác truyền thống. Điều này đã tạo động lực quan trọng để Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Australia phối hợp với nhau trong khuôn khổ bốn bên. Vào tháng 5/2023, ông Marcos và ông Biden đã nhất trí thúc đẩy các phương thức hợp tác ba bên giữa Philippines, Nhật Bản và Mỹ, cũng như Philippines, Australia và Mỹ. Trên thực tế, hợp tác ba bên (song song với hợp tác song phương) đã được Mỹ và Nhật Bản thúc đẩy với các đồng minh trong khu vực trong những năm qua nhằm đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Những mối liên kết song phương và ba bên tạo nền tảng cần thiết để Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines nâng cấp quan hệ lên khuôn khổ bốn bên. 

Quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines có những chuyển biến nhanh chóng, tích cực sau nhiều năm căng thẳng dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte (2016-2022). Trái ngược với người tiền nhiệm, Tổng thống Marcos coi quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ là nền tảng cốt lõi trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Manila. Chỉ trong vòng một năm sau khi nắm quyền, ông Marcos đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược với Mỹ, xác lập nhiều bước tiến mới quan trọng, đưa Philippines trở thành một đồng minh quan trọng trong chiến lược răn đe tổng hợp (integrated deterrence) của chính quyền Biden tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Minh chứng cho bước tiến của quan hệ Mỹ - Philippines là vào tháng 2/2023, khi Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự, ngoài 5 căn cứ trước đó theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) mà hai bên ký vào năm 2014. Trong đó, 3 trong 4 căn cứ nằm ở phía Bắc Philippines đối diện với Đài Loan (bao gồm căn cứ hải quân Camilo Osias, sân bay Lal-lo ở tỉnh Cagayan chỉ cách Đài Loan 400km, và căn cứ Melchor Dela Cruz ở tỉnh Isabela) và 1 căn cứ Balabac (thuộc đảo Palawan nằm trên Biển Đông). Những địa điểm này có ý nghĩa địa chiến lược to lớn trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hành động quân sự mang tính gây hấn xung quanh Đài Loan và trên Biển Đông. Đối với Mỹ, sự phát triển tích cực trong hợp tác quân sự với Philippines giúp nước này tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực và qua đó ứng phó tốt hơn với các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như Trung Quốc tấn công Đài Loan hay leo thang quân sự ở Biển Đông.

Vào tháng 5/2023, Mỹ và Philippines công bố Hướng dẫn Phòng thủ Song phương (Bilateral Defense Guidelines), là bước tiến lớn trong quan hệ đồng minh và được xem là hướng dẫn chính thức đầu tiên kể từ khi hai bên ký Hiệp ước Phòng thủ Chung (United States - Philippines Mutual Defense Treaty - MDT) vào năm 1951. Hướng dẫn làm rõ cam kết và nghĩa vụ của Washington đối với an ninh của Manila trong trường hợp “một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, bao gồm bất kỳ nơi nào ở Biển Đông, nhằm vào các máy bay hoặc tàu thuộc lực lượng vũ trang của Philippines hoặc Mỹ sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung theo Điều IV và Điều V của MDT”. 

Philippines cũng tăng cường quan hệ với Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác chiến lược. Khác với tính chất “thăng – giáng” trong liên minh Mỹ - Philippines, quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Philippines phát triển tương đối ổn định. Sau sự kiện Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012, Tokyo đã tích cực hỗ trợ Philippines tàu chiến, máy bay quân sự và các thiết bị quốc phòng nhằm nâng cao năng lực cho Cảnh sát biển nước này để đối phó với các hành động gây hấn của Bắc Kinh. 

Hợp tác quốc phòng giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới trong chuyến công du Nhật Bản vào tháng 2/2023 của ông Marcos. Tổng thống Philippines tuyên bố “quan hệ đối tác chiến lược của chúng tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi chúng tôi cùng nhau vượt qua những khó khăn trong khu vực. Tương lai của mối quan hệ vẫn đầy hứa hẹn khi chúng tôi tiếp tục tăng cường và mở rộng sự can dự trên nhiều lĩnh vực hợp tác cùng có lợi”. Hai bên cũng ký kết một thỏa thuận quốc phòng, gọi là Điều khoản Tham chiếu (the Terms of Reference), về hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai giữa quân đội hai nước. Động thái này nhằm mở đường cho một Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (Visiting Forces Agreement - VFA) với Tokyo, tạo điều kiện thuận lợi cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản triển khai đến Philippines tham gia các cuộc tập trận. Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, Nhật Bản tiếp tục cam kết hỗ trợ Philippines trong các vấn đề an ninh hàng hải, bao gồm xây dựng năng lực thực thi hàng hải, nhận thức về lĩnh vực hàng hải, huấn luyện và tập trận chung. 

Với Australia, Philippines có mối quan hệ hợp tác quốc phòng lâu đời, thể hiện qua hàng loạt các thỏa thuận song phương mà hai bên đã ký kết với nhau. Nổi bật là Thỏa thuận về Quy chế các lực lượng giữa Philippines và Australia (Philippines-Australia Status of Forces Agreement - SOFA) vào năm 2007, cho phép quân đội Australia tham gia huấn luyện tại quốc gia Đông Nam Á này. Đây là thỏa thuận thăm viếng quân sự thứ hai mà Philippines ký kết với một nước khác, ngoài đồng minh là Mỹ. Năm 2021, Philippines và Australia cũng ký kết Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần Lẫn nhau (Mutual Logistics Support Arrangement - MLSA) nhằm thúc đẩy hỗ trợ hậu cần quốc phòng cũng như tăng cường khả năng tương tác của quân đội hai nước.

Quan hệ hai nước trên lĩnh vực quốc phòng ngày càng được thắt chặt. Tổng thống Marcos nhận định quan hệ đối tác giữa Philippines và Australia “rất quan trọng và là chìa khóa để duy trì hòa bình không chỉ ở Châu Á - Thái Bình Dương mà cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Trong chuyến thăm Manila vào tháng 5/2023, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã công bố các sáng kiến hợp tác hàng hải với Philippines, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho Cảnh sát biển Philippines, chuyển giao các thiết bị và công nghệ quốc phòng nhằm tăng cường nhận thức hàng hải và bảo vệ biển. 

Gần đây, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines cũng gia tăng các tương tác quân sự thông qua các cuộc tập trận chung, qua đó giúp nâng cao năng lực tác chiến hiệp đồng, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia và thực hiện cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở. Vào tháng 4/2023, Mỹ và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận Balikatan lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của hơn 17.000 binh lính của hai nước. Australia cũng gửi quân tới tham gia tập trận này trong khi Nhật Bản tham gia với tư cách là quan sát viên. Vào tháng 7/2023, Mỹ, Nhật Bản và Philippines lần đầu tổ chức cuộc tập trận hàng hải ba bên trên Biển Đông với sự tham gia của Australia trong vai trò quan sát viên. Các cuộc tập trận này thể hiện “các tiêu chuẩn hoạt động hàng hải chuyên nghiệp và dựa trên luật lệ giữa các đối tác để đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”. 

Về khả năng hình thành “Bộ tứ mới”

Triển vọng về một liên kết bốn bên mới giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines phụ thuộc phần lớn vào những chuyển động về chính trị nội bộ ở mỗi nước và tình hình an ninh trong khu vực, đặc biệt là yếu tố Trung Quốc. Dù vậy, khả năng hình thành “Bộ tứ mới” tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn có thể, đặc biệt khi sự điều chỉnh về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Philippines dưới thời Tổng thống Marcos đã góp phần kết nối bốn quốc gia lại với nhau. 

Song, những thay đổi trong chính trị nội bộ ở các nước có tác động không nhỏ tới nhóm tiểu đa phương này. Vào năm 2024, Mỹ sẽ tiến hành bầu cử tổng thống, và kết quả cuộc bầu cử là rất quan trọng. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng, ông có thể đưa ra các chính sách khiến Mỹ “xa rời” các đồng minh châu Á hơn. Ngoài ra, chính sách “thân Mỹ” của Philippines hiện nay cũng vấp phải phản ứng trong nước như chỉ trích việc cho Mỹ tiếp cận các căn cứ gần Đài Loan và theo đó có thể đẩy Philippines vào cuộc xung đột có thể xảy ra tại eo biển. Trong khi đó, tham vọng mở rộng ảnh hưởng quân sự của Nhật gặp trở ngại bởi Điều 9 của Hiến pháp nước này. 

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink khẳng định Mỹ không tìm kiếm khả năng thành lập một nhóm “Bộ tứ mới” tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực và thử thách tính kiên nhẫn của các quốc gia trong khu vực, việc hình thành “Bộ tứ mới” có thể trở nên rõ rệt hơn. 

Khác với nhóm Bộ tứ hiện tại, vốn ưu tiên hợp tác trên các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nhân đạo và cứu trợ thiên tai, khía cạnh nổi bật trong hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines sẽ thiên về an ninh - quốc phòng nhằm đối phó với các thách thức an ninh từ Trung Quốc. Đây cũng là trụ cột chính trong hợp tác song phương và ba bên hiện có giữa bốn nước. Phản ứng về ý tưởng “Bộ tứ mới” giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines, tờ ​​Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc đã chỉ trích nhóm này “nhằm tìm cách kiềm chế và cô lập Trung Quốc, tạo ra sự chia rẽ, thậm chí đối đầu giữa các nước châu Á” và “kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khiến Trung Quốc phải tăng cường khả năng răn đe quân sự”.

Tóm lại, sự “trỗi dậy” không hoà bình của Trung Quốc và sự chuyển hướng trong cách tiếp cận của Philippines về chính sách ngoại giao và an ninh - quốc phòng (với ưu tiên thắt chặt quan hệ với Mỹ và các đồng minh) là những nhân tố quan trọng thúc đẩy quan hệ ngày càng gắn kết giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines. Dù vẫn còn quá sớm để kết luận về khả năng hình thành và vai trò của nhóm “Bộ tứ mới” trong khu vực, liên kết bốn bên này phản ánh một trúc an ninh mới theo hướng tiểu đa phương nhằm đối phó với mối đe dọa chung, qua đó truyền thông điệp răn đe tới Bắc Kinh.

Từ khoá: Bộ tứ QUAD tiểu đa phương Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ Nhật Bản Australia Philippines

BÀI LIÊN QUAN