Việt Nam oằn mình trước cái nóng
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: “từ ngày 16/5, nắng nóng ở khu vực Nam Bộ có khả năng kết thúc.” Cũng theo dự báo, kể từ giữa tháng 5, khi gió mùa Tây Nam bắt đầu hoạt động, các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên sẽ bước vào mùa mưa. Như vậy, đợt nắng hạn khốc liệt và kéo dài nhiều tháng qua ở Nam Bộ có khả năng sẽ chấm dứt.
Trên thực tế, kể từ đầu tháng 5, một vài địa phương ở Nam Bộ đã đón nhận những cơn mưa khiến nắng nóng được giảm bớt và không khí trở nên dễ chịu hơn. Bắt đầu từ rạng sáng ngày 2/5, nhiều khu vực của Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) bất ngờ xuất hiện mưa khiến nhiều người dân hy vọng về viễn cảnh được “giải nhiệt” sau những ngày nắng nóng. Những ngày sau đó, mưa rào và dông rải rác đã xuất hiện nhiều hơn tại TPHCM và các tỉnh Nam Bộ, nhất là vào ngày 4/5, nhiều địa phương đã có mưa cục bộ, với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi trên 70 mm. Những cơn mưa vào đầu tháng 5 được “ví như vàng” vì đã góp phần xua tan đi cái nóng oi bức mà người dân đã phải “oằn mình” chịu đựng trong suốt 4 tháng qua.
Mặc dù vậy, không phải khu vực nào cũng được các cơn mưa “tưới mát”. Ở nhiều nơi, người dân sớm hụt hẫng khi mưa chỉ rơi “nhỏ giọt” và hy vọng về việc được giải nhiệt nhanh chóng “bốc hơi” khi nắng nóng kéo đến khiến cho không khí trở nên ngột ngạt hơn. Nếu đặt trong bối cảnh nhiệt độ khí tượng phổ biến ở miền Nam trong nhiều tháng qua luôn đạt 37-39 độ C, và nhiệt độ cảm nhận ở vài nơi có thể lên tới 45 độ C, thì những cơn mưa ngắn ngủi trong nhiều ngày vừa qua gần như “không thấm vào đâu”.
Trong khi đó, các tỉnh ở khu vực phía Bắc vừa phải trải qua tháng 4 với hàng loạt kỷ lục về nhiệt độ bị xô đổ. Riêng ngày 27/4 đã có 39 kỷ lục được xác lập ở Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng, Trung Bộ và Tây Nguyên. Ở Nghệ An, trạm đo Tương Dương đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày 30/4 đạt 44 độ C (chỉ thấp hơn 0,2 độ C so với nhiệt độ cao nhất từng được quan trắc tại Việt Nam vào năm 2023). Trong thời gian tới (từ tháng 5 đến tháng 7), nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên được dự báo sẽ có xu hướng gia tăng, khiến người dân tại các địa phương này phải “chịu đựng” thêm một thời gian nữa, trước khi nắng nóng hoàn toàn hạ nhiệt.
Ở Việt Nam, tình trạng nắng nóng vào mùa khô không phải vấn đề mới. Liên tiếp vào các năm 2015 cho đến 2019 và đặc biệt là 2023, cụm từ “nắng nóng” liên tục được nhắc lại trong bối cảnh năm nào cũng được nhận định là năm “nóng nhất trong lịch sử”. Nhưng tình trạng nắng nóng kéo dài với cường độ đặc biệt gay gắt như năm nay thì được cho là đã vượt kỷ lục mọi thời đại. Điểm bất thường của mùa nắng nóng năm nay chính là việc nắng nóng đến sớm, số đợt nắng nóng nhiều hơn và cường độ gay gắt hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Đặc biệt, năm 2024 cũng chứng kiến nắng nóng diễn ra rộng khắp trên cả ba miền vào dịp lễ 30/4-1/5, khiến cho dịp lễ năm nay được xem là nóng nhất trong lịch sử.
Về tình trạng nắng nóng gay gắt và kéo dài trong nhiều tháng qua, nhiều chuyên gia cho rằng El Nino (đã xuất hiện từ giữa năm 2023) là một phần nguyên nhân. El Nino (cùng với La Nina tạo thành hai pha của hiện tượng ENSO) là một hình thái khí hậu tự nhiên sinh ra từ vùng nước ấm bất thường ở phía đông Thái Bình Dương, hình thành khi gió mậu dịch thổi từ đông sang tây dọc theo vùng xích đạo Thái Bình Dương chậm lại hoặc đảo chiều khi áp suất không khí thay đổi. Trong năm 2024, hoạt động của El Nino khiến Việt Nam có nhiều ngày nắng nóng hơn, và cường độ gay gắt hơn so với năm 2022 cũng như lượng mưa ít hơn so với trung bình từ 25-50%, dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong những tháng đầu năm trên phạm vi toàn quốc. Tính đến nay, El Nino đang dần suy yếu và đã bước vào năm thứ hai, nhưng đây cũng chính là thời điểm hiện tượng này tác động mạnh nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh các tác nhân tự nhiên như El Nino, tình trạng nắng nóng diễn ra ngày càng thất thường còn đến từ tác nhân con người. Theo bà Celeste Saulo, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ kỷ lục của năm nay một phần đến từ El Nino, nhưng thủ phạm chính vẫn là khí nhà kính. Ngoài ra, theo các nhà khí tượng học tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ cao kỷ lục không chỉ đến từ tác động của El Nino mà còn có sự cộng hưởng với tình trạng nóng lên quá mức do biến đổi khí hậu (BĐKH). Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước các tác động của BĐKH, và lượng phát thải khí nhà kính ở quốc gia này cũng đã tăng 5 lần trong 20 năm qua. Nếu không có những chuyển biến tích cực, tình trạng BĐKH sẽ còn tiếp tục “khuếch đại” cường độ của nắng nóng nói riêng và các hiện tượng thời tiết cực đoan nói chung ở Việt Nam trong tương lai.
Ngoài ra, các hoạt động nhân tạo khác ở Việt Nam như nạn chặt phá rừng hay quá trình đô thị hóa cũng là những yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng nắng nóng. Cụ thể, diện tích hệ sinh thái rừng tự nhiên ở Việt Nam bị suy giảm một cách nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, và thực trạng này dẫn đến hệ quả là tình trạng BĐKH và hạn hán. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa và bê tông hóa ở các thành phố lớn của Việt Nam gây ra hiện tượng “đảo nhiệt”, khiến nhiệt độ cảm nhận thực tế luôn cao hơn nhiệt độ khí tượng từ 5-8 độ C. Trong bối cảnh nhiệt độ quan trắc đã rất cao, nhiệt độ được “hấp thụ” bởi mặt đường hay các tòa chung cư còn cao hơn khiến phần đông cư dân đô thị phải “ngạt thở” vì cái nóng.
Nhìn chung, có thể nhận thấy người dân đã quá mệt mỏi vì nắng nóng kéo dài trong suốt thời gian qua. Cái nóng gay gắt và khó chịu là điều ai cũng có thể cảm nhận được. Điều quan trọng hơn là việc xác định những tác động, nhất là đối với nền kinh tế, của tình trạng nắng nóng vừa qua, và Việt Nam có thể làm gì trước tình trạng trên.
Những thiệt hại và rủi ro từ nắng nóng
Trước hết, hệ quả dễ nhận thấy nhất của việc nắng nóng kéo dài là tình trạng thiếu mưa dẫn đến khô hạn và thiếu nước ở các sông, hồ chứa. Theo Phó Cục trưởng Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Khanh, kể từ tháng 2 đến nay, lượng mưa tại nhiều khu vực trên cả nước đã thiếu hụt đáng kể so với TBNN, với khu vực Trung Bộ có mưa thiếu hụt từ 10-40%, Tây Nguyên từ 45-70% và Đông Nam Bộ là từ 70-95%. Lượng mưa thiếu hụt khiến mực nước trên các sông biến đổi chậm, với lưu lượng dòng chảy trên một số sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên từ cuối tháng 4 đến tháng 5 ở mức thấp hơn từ 15-55% so với trung bình nhiều năm. Với việc nguồn nước ở hai khu vực này chủ yếu phụ thuộc vào mưa, không có thêm dòng chảy từ bên ngoài, tình trạng thiếu mưa do đó dẫn đến việc hàng loạt hồ chứa, hồ thủy lợi ở Trung Bộ và Tây Nguyên đã về mực nước chết.
Tình trạng thiếu nước đã ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của nhiều hộ dân. Ở Bình Thuận, khi nhiều hồ thủy lợi của tỉnh này cạn nước trong cao điểm nắng nóng, chính quyền tỉnh phải ưu tiên điều nước nông nghiệp cho mục đích sinh hoạt, khiến hơn 960 ha (hecta) cây trồng bị thiếu nước tưới. Trong khi đó, ở Đồng Nai, nắng nóng kéo dài đã làm giảm mực nước hồ Sông Mây, có nơi nước “cạn trơ đáy”, khiến hơn 200 tấn cá chết hàng loạt làm “trắng cả mặt hồ”. Cá chết không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người nông dân nuôi trồng thủy sản, mà còn bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ gia đình xung quanh. Tại nhiều vùng nông nghiệp ở Tây Nguyên, nắng nóng cũng làm cạn nước nhiều ao, hồ thủy lợi khiến hàng ngàn hecta cây trồng có nguy cơ “chết khô”. Ngoài ra, tại các địa phương như Long An, Cà Mau hay Bến Tre, tình trạng nắng nóng, khô hạn cũng khiến nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Riêng đối với khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa lúa của cả nước, với “huyết mạch” là dòng chảy sông Mekong, tình trạng hạn hán, thiếu nước khiến tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo của Ủy hội sông Mekong (MRC), trong tháng 5, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong thấp hơn TBNN từ 20-30%, và tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn về hai trạm Tân Châu và Châu Đốc của Việt Nam cũng thấp hơn TBNN từ 19-28%. Đối với ĐBSCL, diễn biến xâm nhập mặn vào mùa khô phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, do đó việc mùa mưa đến muộn và nguồn nước chảy về giảm dần khiến an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL rơi vào tình trạng “báo động”. Tình trạng thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nông dân, khi theo thống kê, đến nay ĐBSCL có khoảng 1.580 ha lúa (Sóc Trăng 1.530 ha, Bến Tre 50 ha), 4.640 ha chanh và cây ăn trái khác tại Long An có nguy cơ giảm năng suất, 43 ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng.
Bên cạnh đó, nắng nóng kéo dài còn khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao và gây áp lực lớn lên hệ thống cung cấp điện. Trong suốt giai đoạn cao điểm của nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện đã đạt mức cao kỷ lục, với sản lượng tiêu thụ trong tuần cuối tháng 4 có ngày gần chạm mốc 1 tỷ kWh (kilowatt/giờ). Tuy nhiên, theo dự báo của ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), trong những tháng sắp tới, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ còn tiếp tục gia tăng, gây áp lực lớn lên hệ thống cung ứng điện của Việt Nam, đặt ra nhiều rủi ro về việc các nhà máy điện và lưới điện bị quá tải, dẫn đến gặp sự cố gây mất điện trên diện rộng.
Về vấn đề thiếu điện, vào giữa năm 2023, hạn hán đã khiến nhiều hồ thủy điện trên sông Đà cạn nước, gây khó khăn cho việc sản xuất điện và dẫn đến thiếu điện ở miền Bắc, gây thiệt hại 1,4 tỷ USD. Với việc cơ sở hạ tầng điện ở Việt Nam không đủ đáp ứng nhu cầu, khiến sản xuất công nghiệp bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc (2 đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam) đã bày tỏ quan ngại. Trong tương lai, nếu tình trạng thiếu điện như đã diễn ra vào mùa khô năm 2023 lặp lại thì môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ trở nên “kém hấp dẫn” hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Ở góc độ hộ gia đình, nắng nóng làm phát sinh hàng loạt vấn đề liên quan đến chi tiêu và sức khỏe và từ đó đặt nhiều áp lực lên vai người dân. Trong tháng 4, chi phí hóa đơn điện của nhiều hộ dân ở TPHCM và Hà Nội tăng 20-50% so với tháng 3 và gấp đôi các tháng trước đó. Chi phí điện tăng đột biến được Cục điều tiết điện lực lý giải là do nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát tại hộ gia đình tăng cao. Ngoài ra, thời tiết cực đoan còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân, với các bệnh liên quan đến nắng nóng như bệnh đường hô hấp và da liễu gia tăng. Trong đó, đối tượng nhạy cảm nhất là trẻ em, vì khả năng tự điều chỉnh thân nhiệt của trẻ em kém hơn so với người lớn, từ đó dễ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ, thậm chí là tử vong vì sốc nhiệt - theo lý giải của các chuyên gia từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Bên cạnh đó, những rủi ro đối với môi trường cũng cần được quan tâm. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện lớn trong giai đoạn nắng nóng, Cục Điều tiết điện lực (trực thuộc Bộ Công Thương) đã phải tăng cường huy động nhiệt điện than, với toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng của hệ thống đều được huy động. Hoạt động gia tăng của nhiệt điện than “báo hiệu” rằng phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua và sắp tới có thể gia tăng đáng kể, từ đó cản trở mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050.
Ngoài ra, vào mùa khô, tình trạng nắng nóng kéo dài kết hợp với độ ẩm thấp khiến các thảm thực vật (thực bì) trở nên khô héo, dễ bắt lửa, và qua đó gây cháy rừng. Kể từ đầu mùa khô năm 2024, hàng loạt vụ cháy rừng đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, khiến các tỉnh có nhiều rừng như Cà Mau, Lâm Đồng, Điện Biên đã nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Bên cạnh khói và khí thải từ những đám cháy gây ô nhiễm không khí, tình trạng cháy rừng còn tác động đến hệ thống thủy văn, làm tăng nguy cơ xảy ra thiên tai, như lũ lụt và sạt lở đất.
Sống chung với lũ?
Tính đến nay, bên cạnh những thiệt hại đối với nông nghiệp, vẫn còn sớm để nhận định một cách toàn diện về những tác động kinh tế của tình trạng nắng nóng. Tuy vậy, trong dài hạn, nhiệt độ tăng cao có thể để lại hệ quả hữu hình. Theo ước tính của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), Việt Nam có thể mất 85 tỷ USD năng suất lao động do nắng nóng quá mức vào năm 2030. Như vậy, tình trạng nắng nóng trong thời gian qua chỉ là một trong số nhiều chỉ dấu cho thấy mức độ ảnh hưởng lớn lao của môi trường tự nhiên đối với con người. Với việc BĐKH ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc thích ứng với môi trường trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Có một thành ngữ được dùng để chỉ khả năng thích ứng mạnh mẽ với tự nhiên của người Việt là: “sống chung với lũ”. Thành ngữ này chỉ những trường hợp con người sống hòa hợp với khó khăn, nguy hiểm và tìm cách khai thác lợi thế từ nó, thay vì đi nơi khác để có hoàn cảnh sống tốt hơn. Đòi hỏi thích ứng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nói chung và BĐKH nói riêng bắt nguồn từ lối sống muôn đời nay của người dân vùng ĐBSCL, nhất là trong việc thích nghi với chế độ lũ hàng năm ở vùng hạ lưu sông Mekong. Theo đó, cứ vào “mùa nước nổi” (từ tháng 7 đến tháng 11), nước lũ chảy về từ sông Mekong dâng cao trong thời gian dài ở nhiều tỉnh thành, gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều người dân.
Nhưng đồng thời, lũ cũng mang theo rất nhiều phù sa và trầm tích bồi đắp cho đất đai thêm màu mỡ. Lũ về còn giúp rửa mặn, tẩy phèn và đẩy nước biển xâm thực ra xa, mang theo nhiều nguồn lợi tôm cá. Những nguồn lợi kinh tế và sinh thái mà lũ mang lại là vô cùng to lớn. Lũ do đó là một phần trong đời sống của bà con nông dân vùng ĐBSCL, và theo thời gian, người dân “ngóng chờ” lũ đến thay vì “nơm nớp” sợ lũ hay chạy lũ. Trong bối cảnh đó, “sống chung với lũ” dường như phần nào đánh mất đi nội hàm “thích ứng với khó khăn” do lũ gây ra mà nghiêng nhiều hơn về việc tận dụng những nguồn lợi mà lũ mang lại.
Nhưng liệu lợi thế “thiên phú” mà ĐBSCL được hưởng từ lũ có còn duy trì được mãi? Từ nhiều năm qua, nước lũ về ĐBSCL đã không còn đạt chất lượng như thời kỳ tự nhiên trước đó, khi lượng phù sa giảm dần, nước lũ đến muộn và ít hơn, thậm chí có nguy cơ lũ “không về”, khiến tình trạng xâm nhập mặn lan rộng và hủy hoại nhiều cây trồng. Trong khi đó, khi nhìn về tương lai, cho đến giai đoạn 2040-2060, các quốc gia ở thượng nguồn sẽ hoàn thành xây dựng tổng cộng 231 hồ chứa trên dòng chính và dòng nhánh của sông Mekong, giữ lại khoảng 120 tỷ mét khối nước. Sự xuất hiện dày đặc của các đập, đi kèm với BĐKH, được dự báo sẽ tác động đến dòng chảy về ĐBSCL, khiến hoạt động lũ diễn ra thất thường hơn, tình trạng xâm nhập mặn gay gắt hơn và lượng phù sa, theo dự kiến đến năm 2050, sẽ chỉ còn 5% so với thời điểm cao nhất.
Có thể thấy, những điều kiện ưu đãi từ tự nhiên mà người dân vùng ĐBSCL được hưởng bấy lâu nay sẽ sớm không còn là điều “hiển nhiên”, mà nhiều khả năng trạng thái “bình thường mới” sẽ là diễn biến ngày càng thất thường của môi trường. Không chỉ đối với ĐBSCL, trên phạm vi cả nước, các loại hình thiên tai “dị thường” (như lũ quét và sạt lở đất) xuất hiện thường xuyên, có xu hướng cực đoan và khó dự đoán hơn. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, nội hàm “thích ứng” của thành ngữ “sống chung với lũ” nên được gợi nhắc nhiều hơn, để người Việt nhớ rằng thế hệ cha ông đã từng thích nghi tốt với khó khăn ra sao.
Trong ngắn hạn, sự thích ứng trước hết là những giải pháp để thích nghi với tình trạng nắng nóng bất thường như đã diễn ra vừa qua, điều rất có thể sẽ tái diễn trong tương lai. Đối diện với nắng nóng, nhiều đô thị lớn trên thế giới đã có những giải pháp thông minh, thích nghi hiệu quả với nhiệt độ tăng cao, điển hình như Los Angeles (Mỹ) lựa chọn sơn đường phố bằng nước sơn trắng, Paris (Pháp) xây dựng các “đảo giải nhiệt” - gồm công viên, đài phun nước, hồ bơi trong thành phố, hay Rotterdam (Hà Lan) trồng nhiều cây xanh phủ trên mái nhà. Trong điều kiện cho phép, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi khác nhau để giúp các đô thị có thêm giải pháp phòng bị trước tình trạng nắng nóng.
Song, về dài hạn, để thích ứng với BĐKH, việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là điều tất yếu. Để hiện thức hóa mục tiêu trên, Việt Nam cần chuyển đổi sang năng lượng sạch, phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải và lưu trữ điện, cũng như xây dựng kế hoạch sản xuất tiết kiệm, tăng cường tái chế và tiếp thu công nghệ từ các nước phát triển. Tính đến nay, Việt Nam đã cho thấy ý chí chính trị to lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững, được thể hiện trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tương lai, bên cạnh các mục tiêu phát triển kinh tế thì Việt Nam cần duy trì quyết tâm này thông qua các chính sách cụ thể.
Còn phải mất rất nhiều thời gian thì quá trình chuyển đổi mới mang lại kết quả hữu hình, vì tiến trình này không thể diễn ra một sớm một chiều. Nhưng nếu không có chiến lược và kế hoạch hành động từ sớm thì sự chậm trễ sẽ càng khiến cái giá phải trả trở nên đắt hơn. Trong cuộc chiến với BĐKH, thời gian sẽ không chờ đợi người dân, chính phủ hay bất cứ ai. Nếu Việt Nam không sớm thích ứng, thì cứ vào đúng giai đoạn này của những năm sắp tới, những khó khăn và thiệt hại đã diễn ra vào mùa nóng năm nay có thể sẽ còn tái diễn thêm nhiều lần nữa.