Xu hướng đầu tư toàn cầu thời Trump 2.0

Tái đầu tư vào thị trường nội địa và tăng tỷ trọng đầu tư đến thị trường đầu cuối hứa hẹn giúp các quốc gia thích ứng tốt hơn với những rào cản thuế quan của chính quyền Trump.

Võ Thị Thuý An 18/04/2025
Image
Chính sách thuế quan có tính “sáng nắng chiều mưa” của Trump có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP toàn cầu. (C): AAP/TND

Chỉ trong vòng chưa đến ba tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại cầm quyền, các biện pháp thuế quan cứng rắn của Washington, nhất là sau buổi công bố áp thuế đối ứng với công thức tính vô lý của của ông Trump hôm 2/4, đã làm khuấy đảo nền kinh tế toàn cầu.

Trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã đưa ra hàng loạt tuyên bố đe dọa, khiêu khích và sau đó đảo ngược những phát ngôn đã đưa ra chỉ trong vòng vài ngày, đơn cử như quyết định áp thuế 25% với Mexico và Canada sau đó cho hoãn lại để đàm phán. Vì vậy, có khả năng cao là kế hoạch tăng thuế đối ứng với hàng chục quốc gia mà Trump tuyên bố hôm 2/4 cũng sẽ được điều chỉnh trong thời gian ngắn, chẳng hạn như quyết định hoãn mức thuế 46% cho Việt Nam đến ngày 9/6.

Tuy nhiên, những chính sách thuế quan có tính “sáng nắng chiều mưa” của Trump vẫn có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP toàn cầu. Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,2% vào năm 2024 xuống còn 3,1% vào năm 2025 và 3% vào năm 2026 – chủ yếu do tác động của các biện pháp thuế quan của Mỹ. Tăng trưởng GDP chậm hơn có thể khiến tỷ lệ lạm phát tại các quốc gia thành viên trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) gia tăng lên mức 3,8% vào năm 2025 và 3,2% vào năm 2026.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc thương mại vào một thị trường mục tiêu, các doanh nghiệp toàn cầu cũng đang cân nhắc những biện pháp đầu tư mới nhằm tối ưu hóa chi phí và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do các rào cản thương mại hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng trong dài hạn. Một khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) – công bố ngày 21/2, cho thấy 42% doanh nghiệp đang có ý định nội địa hóa chuỗi cung ứng để cắt giảm chi phí vận chuyển và cải thiện năng lực giám sát, và gần 46% doanh nghiệp có kế hoạch thâm nhập vào các thị trường mới để phòng ngừa sự gián đoạn. Dữ liệu này là những chỉ dấu quan trọng cho hai xu hướng mới trong kinh tế toàn cầu: Thứ nhất, các doanh nghiệp tăng cường đầu tư nội địa để giảm thiểu chi phí gia tăng trong hoạt động thương mại. Thứ hai, họ cũng đang tìm kiếm, đầu tư vào các thị trường mới để phòng ngừa gián đoạn chuỗi cung ứng.

Đầu tư ngược về nội địa

Trước các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump, các công ty Mỹ đang nhanh chóng thích nghi bằng cách tăng cường “nội địa hóa” chuỗi cung ứng, thành lập các cơ sở sản xuất mới trong nước để giảm thiểu chi phí thương mại. Các công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Intel, Nvidia đều tham gia trong nỗ lực này. Cụ thể, Apple đã công bố kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD trong vòng 4 năm tới để mở rộng các nhà máy sản xuất tại các bang Michigan, Texas, California, Arizona, Nevada, Iowa, Oregon, Bắc Carolina, và Washington. Intel cũng đang triển khai khoản đầu tư trị giá 7,9 tỷ USD để mở rộng các nhà máy sản xuất tại bốn bang Arizona, New Mexico, Ohio và Oregon. Nối gót Apple và Intel, Nvidia cũng sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD vào việc mở rộng sản xuất ở Mỹ - theo tuyên bố mới nhất của Giám đốc điều hành Jensen Huang.

Một số nhà quan sát tại Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đang khuyến khích tổ chức đi theo xu thế này. EU từ lâu đã cố gắng khuyến khích các doanh nghiệp nội địa tái đầu tư vào khu vực bằng cách thống nhất các thị trường vốn bị phân mảnh và khuyến khích các quỹ và người tiết kiệm thông thường đầu tư nhiều tiền hơn vào cổ phiếu. Bất chấp nỗ lực này, nội bộ EU vẫn chưa đạt được sự thống nhất vì các quốc gia thành viên có thị trường vốn yếu (trừ Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Ba Lan và Hà Lan ủng hộ) lo ngại bị mất quyền thiết lập các quy tắc riêng. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng mong manh hơn vì các biện pháp thuế quan của Mỹ, Stephan Leithner - giám đốc điều hành công ty chứng khoán Deutsche Börse của Đức, cho rằng lúc này là thời điểm “vàng” để EU tiến đến thống nhất thị trường vốn, và các doanh nghiệp châu Âu cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào thị trường cổ phiếu nội địa để nâng cao năng lực cạnh tranh của khối.

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho Canada tương tự các khuyến nghị cho EU. Với lợi thế về năng lượng và tài nguyên khoáng sản dồi dào, Ottawa được cho là nên tập trung mở rộng nhu cầu trong nước để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ. Các giải pháp được đề xuất bao gồm: đơn giản hóa hệ thống thuế, đẩy nhanh thủ tục lập kế hoạch, giảm thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài, xây dựng cơ chế đối tác kinh tế với người dân trong nước và cải cách thương mại nội địa. Những biện pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng khai thác tối đa tiềm năng tài nguyên quốc gia.

Còn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung Quốc đang đi đầu xu hướng đầu tư ngược vào thị trường nội địa khi tăng cường các giao dịch mua bán và sáp nhập (Mergers and Acquisitions - M&A) sau hơn ba năm sụt giảm trong hoạt động này. Riêng quý 4/2024, giá trị các thương vụ M&A tại quốc gia này đã lên đến 129 tỷ USD, tăng 78,5% so với quý trước đó. Mục tiêu chủ yếu của các thương vụ này là củng cố ngành công nghiệp nội địa nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường quốc tế, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của cường quốc này trên phạm vi toàn cầu. Nối tiếp nỗ lực này, kể từ đầu năm đến nay, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng đang tích cực tinh chỉnh thị trường chứng khoán trong nước, đồng thời tối ưu hóa hệ thống đăng ký niêm yết ở nước ngoài để mở rộng kết nối thị trường vốn xuyên biên giới nhằm củng cố thị trường vốn trong nước và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Việt Nam cũng không nằm ngoài các nỗ lực tái đầu tư vào nội địa nhằm giảm tính dễ bị tổn thương trước các cú sốc thương mại, nhất là từ các quyết định tăng thuế “chóng mặt” của chính quyền Trump. Hôm 4/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025 nhằm sớm tháo gỡ khó khăn trước sự bất ổn của nền thương mại toàn cầu trong thời gian gần đây. Bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cũng nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.

Qua đó, các doanh nghiệp toàn cầu trong thời gian tới sẽ tăng cường đầu tư trở lại thị trường nội địa để củng cố nhu cầu và sức mua trong nước. Đây là một xu hướng khả dĩ nhằm thích ứng tốt hơn và giảm thiểu tổn thất thương mại vì các biện pháp thuế quan cứng rắn của chính quyền Trump.

Đầu tư đến thị trường mục tiêu

“Hưởng ứng” lời kêu gọi của Trump: “nếu các nhà sản xuất nước ngoài đầu tư vào Mỹ, sẽ không có thuế quan”, không chỉ các doanh nghiệp Mỹ đang tìm đường “trở về nhà” và cả các tập đoàn nước ngoài cũng đang ồ ạt mở rộng đầu tư sang Mỹ. Tập đoàn TSMC của Đài Loan đã tuyên bố kế hoạch xây mới một nhà máy sản xuất bán dẫn trị giá 100 tỷ USD tại bang Arizona. Doanh nghiệp chuyên sản xuất pin xe điện SK On của Hàn Quốc cũng bắt tay với Ford thành lập liên doanh BlueOval SK để xây ba nhà máy sản xuất pin mới tại hai bang Tennessee và Kentucky của Mỹ (dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong năm nay). Tập đoàn Panasonic Energy của Nhật Bản - chuyên cung cấp pin xe điện cho Tesla, cũng chuẩn bị mở nhà máy thứ hai tại bang Kansas để giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc.

Thị trường đáng chú ý thứ hai là Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này là một thị trường bán dẫn đầy tiềm năng với 31% dân số thuộc tầng lớp trung lưu với nhu cầu đang tăng cao (dự kiến sẽ đạt 38% vào năm 2031 và 60% vào năm 2047), cùng nhu cầu bán dẫn ước đạt đạt 110 tỷ USD vào năm 2030 với động lực là các ngành 5G, AI, IoT và xe điện. Nhờ cung cấp các khoản vay không lãi suất và chính sách miễn giảm thuế trong khuôn khổ chương trình “Make in India” hay chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI), New Delhi đã thành công thu hút đầu tư từ nhiều nhà sản xuất, thử nghiệm và đóng gói chip tên tuổi của Đài Loan như Foxxcon và PSMC để thành lập các công ty liên doanh sản xuất tại Ấn Độ với doanh nghiệp nội địa như Tata ElectronicsVedanta. Sự hiện diện sẵn có của Foxxcon và PSMC - những nhà sản xuất chuyên nhận hợp đồng gia công (OEM/ODM) cho các hãng điện tử lớn như Apple, Sony, và Acer, cùng với nguồn lao động dồi dào và chi phí lao động cạnh tranh, khiến Ấn Độ trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn với các tập đoàn công nghệ đang có ý định đầu tư vào thị trường này.

Thật vậy, trong kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào sản xuất ở Trung Quốc, Apple có kế hoạch chuyển 25% sản lượng iPhone sang Ấn Độ vào năm 2025. Đối thủ của Apple là Samsung cũng xác định Ấn Độ là trung tâm sản xuất toàn cầu quan trọng và đã thành lập một trong những nhà máy lớn nhất của mình ở nước này. Google, vốn bỏ qua Ấn Độ trong các cân nhắc mở rộng chuỗi sản xuất hai thế hệ trước của điện thoại Pixel, cũng có kế hoạch chuyển sản xuất một số điện thoại thông minh Pixel 7 sang Ấn Độ. Cùng với đó, Microsoft cũng đang dự tính chi thêm 3 tỷ USD trong hai năm tới để mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo tại quốc gia Nam Á này.

Đông Nam Á là thị trường thứ ba chứng kiến các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang gia tăng mạnh mẽ. Những năm gần đây, các công ty của Mỹ chú ý mở rộng hoạt động đầu tư tại Đông Nam Á nhờ tiềm năng thị trường phong phú, vị trí địa lý chiến lược và nỗ lực hội nhập kinh tế tích cực của các quốc gia nơi đây. Khi Trump trở lại Nhà Trắng thì các rào cản thuế quan cũng trở nên hà khắc hơn, kéo theo đó là xu hướng tăng cường đầu tư tại khu vực càng diễn ra mạnh mẽ. Điển hình trong số đó là Apple. Bên cạnh mở rộng sản xuất ở Ấn Độ, Apple cũng có kế hoạch chuyển 20% dây chuyền sản xuất Iphone từ Trung Quốc sang Việt Nam. Không chỉ riêng doanh nghiệp Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, 71% giám đốc điều hành toàn cầu coi các quốc gia không liên kết như Việt Nam (bên cạnh Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Mexico) như những nơi trú ẩn an toàn của chuỗi cung ứng và có thể bảo vệ doanh nghiệp của họ khỏi các rủi ro địa chính trị. Nói như vậy để thấy Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có tiềm năng rất lớn trong xu hướng thu hút đầu tư từ các tập đoàn toàn cầu.

Tuy nhiên, tiềm năng thu hút đầu tư vào khu vực vẫn chưa thực sự rõ ràng, vì hầu hết chuỗi sản xuất của các tập đoàn Mỹ tại khu vực đều không nhằm phục vụ Đông Nam Á như một thị trường đích, mà chủ yếu gia công để nhập khẩu ngược về thị trường Mỹ hoặc các thị trường khác. Đơn cử là các khoản đầu tư điện và điện tử của Malaysia (chiếm 40% hoạt động xuất khẩu của nước này) có một nửa là xuất khẩu sang Mỹ. Tại Việt Nam, nơi Mỹ là thị trường nhập khẩu số 1 trong hơn hai thập kỷ, mức thuế đối ứng 46% mà chính quyền Trump đưa ra ngay lập tức làm thị trường chứng khoán nội địa giảm kỷ lục 6,7% - mức giảm sâu nhất kể từ tháng 1/2021, đồng thời thách thức khả năng tăng cường thu hút đầu tư FDI của Hà Nội.

Do đó, nếu các quốc gia trong khu vực không chứng tỏ được tiềm năng tiêu thụ lớn mạnh của thị trường nhằm giữ chân nhà đầu tư, mà chỉ đơn thuần đóng vai trò là một điểm trung chuyển của hàng hóa sang thị trường Mỹ, Đông Nam Á vẫn đối diện với nguy cơ sụt giảm dòng vốn FDI trong bốn năm của nhiệm kỳ Trump 2.0. 

Đầu tư vẫn không thay thế được thương mại

Theo thống kê của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư toàn cầu đã tăng 11% lên 1,4 nghìn tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ tăng trưởng vừa phải vào năm 2025, nhờ điều kiện tài chính được cải thiện và hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) gia tăng. Với những xu hướng tích cực trên, tỷ trọng đầu tư có thể sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong khối lượng đầu tư vẫn khó thay thế được vai trò then chốt của thương mại trong nền kinh tế toàn cầu. Nhiều thập kỷ qua, toàn cầu hóa và hội nhập thương mại tạo điều kiện để các nền kinh tế mở rộng thị trường, thúc đẩy chuyên môn hóa để tạo ra năng suất lớn hơn. Nhờ vai trò của thương mại, các quốc gia có thể tập trung vào sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà họ có lợi thế so sánh, cho dù đó là tài nguyên thiên nhiên, lao động lành nghề hay chuyên môn công nghệ. Chuyên môn hóa cho phép các quốc gia tối ưu hóa sự phân bổ nguồn lực thông qua việc xuất khẩu các mặt hàng mà quốc gia có thế mạnh trong khi nhập khẩu các hàng hóa, dịch vụ không được sản xuất hiệu quả trong nước. Quá trình này gọi chung là thương mại và góp phần đáng kể vào sự gia tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế cho mỗi quốc gia.

Hoạt động đầu tư - tập trung chuỗi cung ứng về một quốc gia, chỉ có thể bổ sung, nhưng khó thay thế được vai trò đặc biệt của thương mại. Câu chuyện phát triển ngành bán dẫn ở Mỹ là một ví dụ điển hình. Quay ngược về những năm 90 của thế kỷ XX, khi nhận thấy việc tập trung cả thiết kế và sản xuất bên trong lãnh thổ là một bài toán kinh tế không hiệu quả về chi phí, Washington đã chuyển đổi chiến lược sang thuê ngoài phân khúc sản xuất tại Đài Loan và Trung Quốc - những nơi có chi phí lao động và cơ sở hạ tầng cạnh tranh hơn. Mỹ chỉ giữ lại phân khúc thiết kế chip ở trong nước. Quyết định chiến lược này đã giúp Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ lõi. 

Khi chính quyền Trump gây sức ép để những doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu đổ dồn đầu tư vào Mỹ nhằm phục hồi toàn bộ chuỗi cung ứng tại quốc gia này, Washington phải đối diện với một thực tế đầy thách thức. Đó là, nước Mỹ không những không có lợi thế về lao động giá rẻ như ở một số quốc gia châu Á, mà trong suốt thời gian dài đã không còn đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên cho ngành công nghiệp bán dẫn, và đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt 29.000 lao động lành nghề trong ngành này vào năm 2030. Đó là chưa kể khi quyết định tăng thuế 25% đối với các mặt hàng liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn của Washington có hiệu lực, các nhà sản xuất chip trên đất Mỹ phải tốn kém nhiều hơn ít nhất là 20% so với khi họ sản xuất tại các quốc gia khác.

Về lý thuyết, sự co cụm chuỗi cung ứng của một ngành về một quốc gia có thể giúp quốc gia ấy phòng ngừa rủi ro từ nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng trước các biến động kinh tế chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, về lâu về dài thì quyết định này sẽ trở nên kém hiệu quả về mặt chi phí. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay phụ thuộc hơn 60% vào lĩnh vực thương mại, và việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng không phải là một bài toán hiệu quả về chi phí cho doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhất là khi thế giới còn chưa biết một nước Mỹ hậu Trump 2.0 sẽ còn mang đến những thay đổi gì. 

Không nhằm thay thế thương mại, các xu hướng đầu tư mới nổi có thể được xem như một khoản “bảo hiểm” cho các quốc gia và doanh nghiệp bên cạnh nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ra khỏi nước Mỹ. Mục tiêu cuối cùng của các hoạt động đầu tư này là giảm thiểu tổn thất kinh tế trước tác động của công cụ thuế quan mang tính bá quyền từ chính quyền Donald Trump.

Hàm ý cho Việt Nam từ các xu hướng đầu tư mới nổi

Sự phụ thuộc cao của Việt Nam vào hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2024, đóng góp 12% vào tổng GDP) khiến nền kinh tế quốc gia dễ bị tổn thương trước những thay đổi về chính sách thuế quan của Mỹ. Do đó, Việt Nam cần theo dõi và tham khảo các biện pháp thích ứng mới từ các quốc gia trước rào cản thuế quan do chính quyền Trump đưa ra, từ đó điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô sao cho phù hợp với bối cảnh mới.

Thứ nhất là tăng cường chuỗi cung ứng nội địa. Quyết định áp thuế 25% cho sản phẩm nhôm và thép và “không có ngoại lệ” của Trump, cùng với thực trạng “cung vượt cầu” có lẽ đang làm đau đầu cả chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhôm, thép của Việt Nam, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu nhôm, thép lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á. 

Trong bốn năm tới, bên cạnh đa dạng hoá nguồn cung ra nước ngoài, chính phủ nên khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng nội địa để đáp ứng nhu cầu đầu ra cho nhôm, thép. Việt Nam cũng cần định hướng lại chính sách kinh tế vĩ mô trong nhiệm kỳ của Trump theo hướng giảm thiểu rủi ro từ ngoại thương, cụ thể là ưu tiên phát triển các ngành nghề ít phụ thuộc vào xuất khẩu như bất động sản, xây dựng, thực phẩm, tiêu dùng nội địa và dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Thứ hai là thu hút các doanh nghiệp quan tâm đến thị trường tiêu thụ ở Đông Nam Á đầu tư vào Việt Nam. Tham khảo bài học thành công của Ấn Độ, Việt Nam nên xem xét lại các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư. Bởi song song với việc tăng sản xuất Iphone vào Việt Nam, Apple lại đang có kế hoạch rút bớt thị phần sản xuất Macbook tại Việt Nam để chuyển sang mở rộng sản xuất ở Ấn Độ khi giá nhân công và giá đất của Việt Nam ngày càng tăng

Việc chi phí nhân công trong nước ngày một tăng là tín hiệu tích cực, phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội và cho thấy Việt Nam đang dần thoát khỏi mô hình kinh tế dựa vào thâm dụng lao động giá rẻ. Song, khi lợi thế về lao động giá rẻ giảm dần, Việt Nam cần thu hút đầu tư ở các phân khúc giá trị cao hơn như nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời đẩy mạnh đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế trọng điểm như công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo.

Về việc giá đất tăng nhanh, vấn đề này cần sớm được kiểm soát để nhà đầu tư nước ngoài bù đắp lại tổn thất từ giá lao động. Nếu không có biện pháp điều tiết hiệu quả, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ mất dần sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư do tổng chi phí đầu tư ngày càng tăng. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế của Việt Nam cần nghiên cứu các biện pháp ưu đãi đầu tư của Ấn Độ (chẳng hạn nhờ đâu mà họ có thể thành công như thế?) để áp dụng vào thực tiễn đất nước.

Cuối cùng, Việt Nam cần đặc biệt cảnh giác với hoạt động đầu tư trung gian của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt. Theo đó, Hà Nội cần theo dõi chặt chẽ thông tin về các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm cách chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam cũng như giả mạo xuất xứ hàng hóa nhằm né tránh các rào cản thương mại từ phía Mỹ. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, Việt Nam có thể bị vướng vào các cuộc điều tra và kiện tụng từ phía chính phủ Mỹ, gây ảnh hưởng đến uy tín quốc gia và cản trở hoạt động xuất khẩu. Để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia, Việt Nam cần ưu tiên cho các biện pháp như siết chặt quy định về truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực giám sát và minh bạch trong quản lý đầu tư nước ngoài.

Tựu trung, chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump buộc các quốc gia và doanh nghiệp tái cấu trúc chiến lược phát triển trong trung hạn, ít nhất là trong bốn năm tới. Hai xu hướng đầu tư chủ đạo sẽ định hình nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn này gồm: một là tái đầu tư vào thị trường nội địa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động đầu ra trong bối cảnh rào cản thương mại gia tăng; và hai là dịch chuyển đầu tư trực tiếp đến các thị trường mục tiêu để tránh chi phí thuế quan. 

Trước bối cảnh địa kinh tế thay đổi nhanh chóng, Việt Nam – cả ở cấp chính phủ lẫn doanh nghiệp – cần điều chỉnh chính sách phát triển để thích ứng hiệu quả, nhằm duy trì vị thế hấp dẫn của đất nước trong chuỗi cung ứng và thu hút FDI toàn cầu, đồng thời giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn.

Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.

Chỉ trong vòng chưa đến ba tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại cầm quyền, các biện pháp thuế quan cứng rắn của Washington, nhất là sau buổi công bố áp thuế đối ứng với công thức tính vô lý của của ông Trump hôm 2/4, đã làm khuấy đảo nền kinh tế toàn cầu.

Trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã đưa ra hàng loạt tuyên bố đe dọa, khiêu khích và sau đó đảo ngược những phát ngôn đã đưa ra chỉ trong vòng vài ngày, đơn cử như quyết định áp thuế 25% với Mexico và Canada sau đó cho hoãn lại để đàm phán. Vì vậy, có khả năng cao là kế hoạch tăng thuế đối ứng với hàng chục quốc gia mà Trump tuyên bố hôm 2/4 cũng sẽ được điều chỉnh trong thời gian ngắn, chẳng hạn như quyết định hoãn mức thuế 46% cho Việt Nam đến ngày 9/6.

Tuy nhiên, những chính sách thuế quan có tính “sáng nắng chiều mưa” của Trump vẫn có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP toàn cầu. Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,2% vào năm 2024 xuống còn 3,1% vào năm 2025 và 3% vào năm 2026 – chủ yếu do tác động của các biện pháp thuế quan của Mỹ. Tăng trưởng GDP chậm hơn có thể khiến tỷ lệ lạm phát tại các quốc gia thành viên trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) gia tăng lên mức 3,8% vào năm 2025 và 3,2% vào năm 2026.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc thương mại vào một thị trường mục tiêu, các doanh nghiệp toàn cầu cũng đang cân nhắc những biện pháp đầu tư mới nhằm tối ưu hóa chi phí và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do các rào cản thương mại hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng trong dài hạn. Một khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) – công bố ngày 21/2, cho thấy 42% doanh nghiệp đang có ý định nội địa hóa chuỗi cung ứng để cắt giảm chi phí vận chuyển và cải thiện năng lực giám sát, và gần 46% doanh nghiệp có kế hoạch thâm nhập vào các thị trường mới để phòng ngừa sự gián đoạn. Dữ liệu này là những chỉ dấu quan trọng cho hai xu hướng mới trong kinh tế toàn cầu: Thứ nhất, các doanh nghiệp tăng cường đầu tư nội địa để giảm thiểu chi phí gia tăng trong hoạt động thương mại. Thứ hai, họ cũng đang tìm kiếm, đầu tư vào các thị trường mới để phòng ngừa gián đoạn chuỗi cung ứng.

Đầu tư ngược về nội địa

Trước các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump, các công ty Mỹ đang nhanh chóng thích nghi bằng cách tăng cường “nội địa hóa” chuỗi cung ứng, thành lập các cơ sở sản xuất mới trong nước để giảm thiểu chi phí thương mại. Các công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Intel, Nvidia đều tham gia trong nỗ lực này. Cụ thể, Apple đã công bố kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD trong vòng 4 năm tới để mở rộng các nhà máy sản xuất tại các bang Michigan, Texas, California, Arizona, Nevada, Iowa, Oregon, Bắc Carolina, và Washington. Intel cũng đang triển khai khoản đầu tư trị giá 7,9 tỷ USD để mở rộng các nhà máy sản xuất tại bốn bang Arizona, New Mexico, Ohio và Oregon. Nối gót Apple và Intel, Nvidia cũng sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD vào việc mở rộng sản xuất ở Mỹ - theo tuyên bố mới nhất của Giám đốc điều hành Jensen Huang.

Một số nhà quan sát tại Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đang khuyến khích tổ chức đi theo xu thế này. EU từ lâu đã cố gắng khuyến khích các doanh nghiệp nội địa tái đầu tư vào khu vực bằng cách thống nhất các thị trường vốn bị phân mảnh và khuyến khích các quỹ và người tiết kiệm thông thường đầu tư nhiều tiền hơn vào cổ phiếu. Bất chấp nỗ lực này, nội bộ EU vẫn chưa đạt được sự thống nhất vì các quốc gia thành viên có thị trường vốn yếu (trừ Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Ba Lan và Hà Lan ủng hộ) lo ngại bị mất quyền thiết lập các quy tắc riêng. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng mong manh hơn vì các biện pháp thuế quan của Mỹ, Stephan Leithner - giám đốc điều hành công ty chứng khoán Deutsche Börse của Đức, cho rằng lúc này là thời điểm “vàng” để EU tiến đến thống nhất thị trường vốn, và các doanh nghiệp châu Âu cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào thị trường cổ phiếu nội địa để nâng cao năng lực cạnh tranh của khối.

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho Canada tương tự các khuyến nghị cho EU. Với lợi thế về năng lượng và tài nguyên khoáng sản dồi dào, Ottawa được cho là nên tập trung mở rộng nhu cầu trong nước để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ. Các giải pháp được đề xuất bao gồm: đơn giản hóa hệ thống thuế, đẩy nhanh thủ tục lập kế hoạch, giảm thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài, xây dựng cơ chế đối tác kinh tế với người dân trong nước và cải cách thương mại nội địa. Những biện pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng khai thác tối đa tiềm năng tài nguyên quốc gia.

Còn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung Quốc đang đi đầu xu hướng đầu tư ngược vào thị trường nội địa khi tăng cường các giao dịch mua bán và sáp nhập (Mergers and Acquisitions - M&A) sau hơn ba năm sụt giảm trong hoạt động này. Riêng quý 4/2024, giá trị các thương vụ M&A tại quốc gia này đã lên đến 129 tỷ USD, tăng 78,5% so với quý trước đó. Mục tiêu chủ yếu của các thương vụ này là củng cố ngành công nghiệp nội địa nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường quốc tế, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của cường quốc này trên phạm vi toàn cầu. Nối tiếp nỗ lực này, kể từ đầu năm đến nay, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng đang tích cực tinh chỉnh thị trường chứng khoán trong nước, đồng thời tối ưu hóa hệ thống đăng ký niêm yết ở nước ngoài để mở rộng kết nối thị trường vốn xuyên biên giới nhằm củng cố thị trường vốn trong nước và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Việt Nam cũng không nằm ngoài các nỗ lực tái đầu tư vào nội địa nhằm giảm tính dễ bị tổn thương trước các cú sốc thương mại, nhất là từ các quyết định tăng thuế “chóng mặt” của chính quyền Trump. Hôm 4/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025 nhằm sớm tháo gỡ khó khăn trước sự bất ổn của nền thương mại toàn cầu trong thời gian gần đây. Bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ra nước ngoài, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cũng nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.

Qua đó, các doanh nghiệp toàn cầu trong thời gian tới sẽ tăng cường đầu tư trở lại thị trường nội địa để củng cố nhu cầu và sức mua trong nước. Đây là một xu hướng khả dĩ nhằm thích ứng tốt hơn và giảm thiểu tổn thất thương mại vì các biện pháp thuế quan cứng rắn của chính quyền Trump.

Đầu tư đến thị trường mục tiêu

“Hưởng ứng” lời kêu gọi của Trump: “nếu các nhà sản xuất nước ngoài đầu tư vào Mỹ, sẽ không có thuế quan”, không chỉ các doanh nghiệp Mỹ đang tìm đường “trở về nhà” và cả các tập đoàn nước ngoài cũng đang ồ ạt mở rộng đầu tư sang Mỹ. Tập đoàn TSMC của Đài Loan đã tuyên bố kế hoạch xây mới một nhà máy sản xuất bán dẫn trị giá 100 tỷ USD tại bang Arizona. Doanh nghiệp chuyên sản xuất pin xe điện SK On của Hàn Quốc cũng bắt tay với Ford thành lập liên doanh BlueOval SK để xây ba nhà máy sản xuất pin mới tại hai bang Tennessee và Kentucky của Mỹ (dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong năm nay). Tập đoàn Panasonic Energy của Nhật Bản - chuyên cung cấp pin xe điện cho Tesla, cũng chuẩn bị mở nhà máy thứ hai tại bang Kansas để giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc.

Thị trường đáng chú ý thứ hai là Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này là một thị trường bán dẫn đầy tiềm năng với 31% dân số thuộc tầng lớp trung lưu với nhu cầu đang tăng cao (dự kiến sẽ đạt 38% vào năm 2031 và 60% vào năm 2047), cùng nhu cầu bán dẫn ước đạt đạt 110 tỷ USD vào năm 2030 với động lực là các ngành 5G, AI, IoT và xe điện. Nhờ cung cấp các khoản vay không lãi suất và chính sách miễn giảm thuế trong khuôn khổ chương trình “Make in India” hay chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI), New Delhi đã thành công thu hút đầu tư từ nhiều nhà sản xuất, thử nghiệm và đóng gói chip tên tuổi của Đài Loan như Foxxcon và PSMC để thành lập các công ty liên doanh sản xuất tại Ấn Độ với doanh nghiệp nội địa như Tata ElectronicsVedanta. Sự hiện diện sẵn có của Foxxcon và PSMC - những nhà sản xuất chuyên nhận hợp đồng gia công (OEM/ODM) cho các hãng điện tử lớn như Apple, Sony, và Acer, cùng với nguồn lao động dồi dào và chi phí lao động cạnh tranh, khiến Ấn Độ trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn với các tập đoàn công nghệ đang có ý định đầu tư vào thị trường này.

Thật vậy, trong kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào sản xuất ở Trung Quốc, Apple có kế hoạch chuyển 25% sản lượng iPhone sang Ấn Độ vào năm 2025. Đối thủ của Apple là Samsung cũng xác định Ấn Độ là trung tâm sản xuất toàn cầu quan trọng và đã thành lập một trong những nhà máy lớn nhất của mình ở nước này. Google, vốn bỏ qua Ấn Độ trong các cân nhắc mở rộng chuỗi sản xuất hai thế hệ trước của điện thoại Pixel, cũng có kế hoạch chuyển sản xuất một số điện thoại thông minh Pixel 7 sang Ấn Độ. Cùng với đó, Microsoft cũng đang dự tính chi thêm 3 tỷ USD trong hai năm tới để mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo tại quốc gia Nam Á này.

Đông Nam Á là thị trường thứ ba chứng kiến các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang gia tăng mạnh mẽ. Những năm gần đây, các công ty của Mỹ chú ý mở rộng hoạt động đầu tư tại Đông Nam Á nhờ tiềm năng thị trường phong phú, vị trí địa lý chiến lược và nỗ lực hội nhập kinh tế tích cực của các quốc gia nơi đây. Khi Trump trở lại Nhà Trắng thì các rào cản thuế quan cũng trở nên hà khắc hơn, kéo theo đó là xu hướng tăng cường đầu tư tại khu vực càng diễn ra mạnh mẽ. Điển hình trong số đó là Apple. Bên cạnh mở rộng sản xuất ở Ấn Độ, Apple cũng có kế hoạch chuyển 20% dây chuyền sản xuất Iphone từ Trung Quốc sang Việt Nam. Không chỉ riêng doanh nghiệp Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, 71% giám đốc điều hành toàn cầu coi các quốc gia không liên kết như Việt Nam (bên cạnh Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Mexico) như những nơi trú ẩn an toàn của chuỗi cung ứng và có thể bảo vệ doanh nghiệp của họ khỏi các rủi ro địa chính trị. Nói như vậy để thấy Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có tiềm năng rất lớn trong xu hướng thu hút đầu tư từ các tập đoàn toàn cầu.

Tuy nhiên, tiềm năng thu hút đầu tư vào khu vực vẫn chưa thực sự rõ ràng, vì hầu hết chuỗi sản xuất của các tập đoàn Mỹ tại khu vực đều không nhằm phục vụ Đông Nam Á như một thị trường đích, mà chủ yếu gia công để nhập khẩu ngược về thị trường Mỹ hoặc các thị trường khác. Đơn cử là các khoản đầu tư điện và điện tử của Malaysia (chiếm 40% hoạt động xuất khẩu của nước này) có một nửa là xuất khẩu sang Mỹ. Tại Việt Nam, nơi Mỹ là thị trường nhập khẩu số 1 trong hơn hai thập kỷ, mức thuế đối ứng 46% mà chính quyền Trump đưa ra ngay lập tức làm thị trường chứng khoán nội địa giảm kỷ lục 6,7% - mức giảm sâu nhất kể từ tháng 1/2021, đồng thời thách thức khả năng tăng cường thu hút đầu tư FDI của Hà Nội.

Do đó, nếu các quốc gia trong khu vực không chứng tỏ được tiềm năng tiêu thụ lớn mạnh của thị trường nhằm giữ chân nhà đầu tư, mà chỉ đơn thuần đóng vai trò là một điểm trung chuyển của hàng hóa sang thị trường Mỹ, Đông Nam Á vẫn đối diện với nguy cơ sụt giảm dòng vốn FDI trong bốn năm của nhiệm kỳ Trump 2.0. 

Đầu tư vẫn không thay thế được thương mại

Theo thống kê của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư toàn cầu đã tăng 11% lên 1,4 nghìn tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ tăng trưởng vừa phải vào năm 2025, nhờ điều kiện tài chính được cải thiện và hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) gia tăng. Với những xu hướng tích cực trên, tỷ trọng đầu tư có thể sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong khối lượng đầu tư vẫn khó thay thế được vai trò then chốt của thương mại trong nền kinh tế toàn cầu. Nhiều thập kỷ qua, toàn cầu hóa và hội nhập thương mại tạo điều kiện để các nền kinh tế mở rộng thị trường, thúc đẩy chuyên môn hóa để tạo ra năng suất lớn hơn. Nhờ vai trò của thương mại, các quốc gia có thể tập trung vào sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà họ có lợi thế so sánh, cho dù đó là tài nguyên thiên nhiên, lao động lành nghề hay chuyên môn công nghệ. Chuyên môn hóa cho phép các quốc gia tối ưu hóa sự phân bổ nguồn lực thông qua việc xuất khẩu các mặt hàng mà quốc gia có thế mạnh trong khi nhập khẩu các hàng hóa, dịch vụ không được sản xuất hiệu quả trong nước. Quá trình này gọi chung là thương mại và góp phần đáng kể vào sự gia tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế cho mỗi quốc gia.

Hoạt động đầu tư - tập trung chuỗi cung ứng về một quốc gia, chỉ có thể bổ sung, nhưng khó thay thế được vai trò đặc biệt của thương mại. Câu chuyện phát triển ngành bán dẫn ở Mỹ là một ví dụ điển hình. Quay ngược về những năm 90 của thế kỷ XX, khi nhận thấy việc tập trung cả thiết kế và sản xuất bên trong lãnh thổ là một bài toán kinh tế không hiệu quả về chi phí, Washington đã chuyển đổi chiến lược sang thuê ngoài phân khúc sản xuất tại Đài Loan và Trung Quốc - những nơi có chi phí lao động và cơ sở hạ tầng cạnh tranh hơn. Mỹ chỉ giữ lại phân khúc thiết kế chip ở trong nước. Quyết định chiến lược này đã giúp Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ lõi. 

Khi chính quyền Trump gây sức ép để những doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu đổ dồn đầu tư vào Mỹ nhằm phục hồi toàn bộ chuỗi cung ứng tại quốc gia này, Washington phải đối diện với một thực tế đầy thách thức. Đó là, nước Mỹ không những không có lợi thế về lao động giá rẻ như ở một số quốc gia châu Á, mà trong suốt thời gian dài đã không còn đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên cho ngành công nghiệp bán dẫn, và đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt 29.000 lao động lành nghề trong ngành này vào năm 2030. Đó là chưa kể khi quyết định tăng thuế 25% đối với các mặt hàng liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn của Washington có hiệu lực, các nhà sản xuất chip trên đất Mỹ phải tốn kém nhiều hơn ít nhất là 20% so với khi họ sản xuất tại các quốc gia khác.

Về lý thuyết, sự co cụm chuỗi cung ứng của một ngành về một quốc gia có thể giúp quốc gia ấy phòng ngừa rủi ro từ nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng trước các biến động kinh tế chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, về lâu về dài thì quyết định này sẽ trở nên kém hiệu quả về mặt chi phí. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay phụ thuộc hơn 60% vào lĩnh vực thương mại, và việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng không phải là một bài toán hiệu quả về chi phí cho doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhất là khi thế giới còn chưa biết một nước Mỹ hậu Trump 2.0 sẽ còn mang đến những thay đổi gì. 

Không nhằm thay thế thương mại, các xu hướng đầu tư mới nổi có thể được xem như một khoản “bảo hiểm” cho các quốc gia và doanh nghiệp bên cạnh nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ra khỏi nước Mỹ. Mục tiêu cuối cùng của các hoạt động đầu tư này là giảm thiểu tổn thất kinh tế trước tác động của công cụ thuế quan mang tính bá quyền từ chính quyền Donald Trump.

Hàm ý cho Việt Nam từ các xu hướng đầu tư mới nổi

Sự phụ thuộc cao của Việt Nam vào hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ (chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2024, đóng góp 12% vào tổng GDP) khiến nền kinh tế quốc gia dễ bị tổn thương trước những thay đổi về chính sách thuế quan của Mỹ. Do đó, Việt Nam cần theo dõi và tham khảo các biện pháp thích ứng mới từ các quốc gia trước rào cản thuế quan do chính quyền Trump đưa ra, từ đó điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô sao cho phù hợp với bối cảnh mới.

Thứ nhất là tăng cường chuỗi cung ứng nội địa. Quyết định áp thuế 25% cho sản phẩm nhôm và thép và “không có ngoại lệ” của Trump, cùng với thực trạng “cung vượt cầu” có lẽ đang làm đau đầu cả chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhôm, thép của Việt Nam, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu nhôm, thép lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á. 

Trong bốn năm tới, bên cạnh đa dạng hoá nguồn cung ra nước ngoài, chính phủ nên khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng nội địa để đáp ứng nhu cầu đầu ra cho nhôm, thép. Việt Nam cũng cần định hướng lại chính sách kinh tế vĩ mô trong nhiệm kỳ của Trump theo hướng giảm thiểu rủi ro từ ngoại thương, cụ thể là ưu tiên phát triển các ngành nghề ít phụ thuộc vào xuất khẩu như bất động sản, xây dựng, thực phẩm, tiêu dùng nội địa và dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Thứ hai là thu hút các doanh nghiệp quan tâm đến thị trường tiêu thụ ở Đông Nam Á đầu tư vào Việt Nam. Tham khảo bài học thành công của Ấn Độ, Việt Nam nên xem xét lại các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư. Bởi song song với việc tăng sản xuất Iphone vào Việt Nam, Apple lại đang có kế hoạch rút bớt thị phần sản xuất Macbook tại Việt Nam để chuyển sang mở rộng sản xuất ở Ấn Độ khi giá nhân công và giá đất của Việt Nam ngày càng tăng

Việc chi phí nhân công trong nước ngày một tăng là tín hiệu tích cực, phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội và cho thấy Việt Nam đang dần thoát khỏi mô hình kinh tế dựa vào thâm dụng lao động giá rẻ. Song, khi lợi thế về lao động giá rẻ giảm dần, Việt Nam cần thu hút đầu tư ở các phân khúc giá trị cao hơn như nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời đẩy mạnh đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành kinh tế trọng điểm như công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo.

Về việc giá đất tăng nhanh, vấn đề này cần sớm được kiểm soát để nhà đầu tư nước ngoài bù đắp lại tổn thất từ giá lao động. Nếu không có biện pháp điều tiết hiệu quả, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ mất dần sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư do tổng chi phí đầu tư ngày càng tăng. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế của Việt Nam cần nghiên cứu các biện pháp ưu đãi đầu tư của Ấn Độ (chẳng hạn nhờ đâu mà họ có thể thành công như thế?) để áp dụng vào thực tiễn đất nước.

Cuối cùng, Việt Nam cần đặc biệt cảnh giác với hoạt động đầu tư trung gian của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt. Theo đó, Hà Nội cần theo dõi chặt chẽ thông tin về các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm cách chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam cũng như giả mạo xuất xứ hàng hóa nhằm né tránh các rào cản thương mại từ phía Mỹ. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, Việt Nam có thể bị vướng vào các cuộc điều tra và kiện tụng từ phía chính phủ Mỹ, gây ảnh hưởng đến uy tín quốc gia và cản trở hoạt động xuất khẩu. Để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia, Việt Nam cần ưu tiên cho các biện pháp như siết chặt quy định về truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực giám sát và minh bạch trong quản lý đầu tư nước ngoài.

Tựu trung, chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump buộc các quốc gia và doanh nghiệp tái cấu trúc chiến lược phát triển trong trung hạn, ít nhất là trong bốn năm tới. Hai xu hướng đầu tư chủ đạo sẽ định hình nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn này gồm: một là tái đầu tư vào thị trường nội địa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động đầu ra trong bối cảnh rào cản thương mại gia tăng; và hai là dịch chuyển đầu tư trực tiếp đến các thị trường mục tiêu để tránh chi phí thuế quan. 

Trước bối cảnh địa kinh tế thay đổi nhanh chóng, Việt Nam – cả ở cấp chính phủ lẫn doanh nghiệp – cần điều chỉnh chính sách phát triển để thích ứng hiệu quả, nhằm duy trì vị thế hấp dẫn của đất nước trong chuỗi cung ứng và thu hút FDI toàn cầu, đồng thời giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn.

Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.

Từ khoá: Donald Trump thuế quan đầu tư quốc tế kinh tế quốc tế

BÀI LIÊN QUAN