Nga - Trung có phải “bạn bè mãi mãi”?
Quan hệ Nga - Trung phát triển vì chung kẻ thù và lợi ích kinh tế, nhưng những rạn nứt lịch sử, cạnh tranh địa chính trị tiềm tàng, và tâm lý dè chừng lẫn nhau là những tảng băng chìm.

Trong chuyến thăm Nga vào ngày 31/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã ca ngợi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow là “bạn bè mãi mãi, không bao giờ là kẻ thù” (friends forever and never enemies). Ba năm trước, ngay trước khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau và tuyên bố “Tình hữu nghị giữa hai quốc gia không có giới hạn, không có vùng cấm trong hợp tác”. Do đó, tuyên bố của ông Vương Nghị thể hiện tính tiếp nối của quan hệ, nhưng với cam kết mạnh mẽ hơn.
Nga - Trung là bạn bè tốt…
Không thể phủ nhận rằng những năm gần đây, hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc, đặc biệt là hai nước đều dành cho nhau sự trọng thị về ngoại giao. Sau khi ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 3/2023, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chọn Nga là điểm công du nước ngoài đầu tiên (ngay trong tháng 3). Ở chiều ngược lại, khi tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ năm vào tháng 3/2024, ông Putin cũng chọn Bắc Kinh là nơi thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên (trong tháng 5).
Cùng với sự khăng khít về ngoại giao, hợp tác thương mại giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương ghi nhận một dấu ấn mới khi vượt mốc 200 tỷ USD, kết thúc với mức cao kỷ lục 240 tỷ USD. Một năm sau, số liệu thương mại tiếp tục xác lập thêm một kỷ lục mới ở mức xấp xỉ 245 tỷ USD, tăng thêm 1,9%. Thêm vào đó, đã 14 năm liên tiếp Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Moscow.
Một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc là dự án đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia, dài khoảng 3.000km, xuất phát từ những mỏ khí khổng lồ ở vùng Yakutia và Irkutsk (thuộc Đông Siberia của Nga), đi qua các vùng khí hậu khắc nghiệt và địa hình phức tạp, trước khi đến biên giới Trung Quốc tại khu vực Blagoveshchensk – Hắc Hà. Tại đây, đường ống nối liền với hệ thống phân phối của Trung Quốc để cung cấp khí đốt đến các khu vực phía Bắc và Đông Bắc nước này.
Power of Siberia bắt đầu được xây dựng từ năm 2014, không lâu sau khi Nga sáp nhập Crimea và bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Sau năm năm xây dựng, đường ống được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 12/2019. Năm 2020, đường ống Power of Siberia chỉ mới vận chuyển khoảng 4,1 tỷ m3 khí đốt từ Nga sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đến năm 2024, nguồn cung từ Nga đã tăng lên vượt bậc, đạt mức 31 tỷ m3 khí đốt. Sự tăng trưởng này là nhờ Moscow bán khí đốt cho Bắc Kinh với giá tương đối rẻ (thấp hơn nhiều so với xuất khẩu sang châu Âu hay Thổ Nhĩ Kỳ). Để tận dụng cơ hội, Trung Quốc cũng đã ráo riết xây dựng và vừa hoàn thành đường ống dài 5.111km vào cuối năm ngoái, giúp dẫn khí đốt từ Hắc Hà, đi qua chín tỉnh, thành, khu tự trị trước khi về đến đích ở Thượng Hải.
Trong khi nguồn khí đốt từ Nga chảy nhiều hơn vào Trung Quốc, thì ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng được Moscow cung cấp ưu đãi sử dụng cảng Vladivostok (nằm quanh bờ Vịnh Sừng Vàng - Golden Horn Bay, nơi giao nhau giữa Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Nga). Cảng Vladivostok là một bến cảng thương mại quan trọng, là điểm nối giữa đường sắt xuyên Siberia với các cảng biển Thái Bình Dương, do đó có vị trí chiến lược về hàng hải quốc tế.
Tháng 5/2023, Nga và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận cho phép Bắc Kinh sử dụng cảng Vladivostok làm trung tâm trung chuyển cho các chuyến hàng nội địa từ tỉnh Cát Lâm (ở phía Đông Bắc) đến các vùng phía Đông Nam của đất nước. Về bản chất, thỏa thuận này sẽ giúp hàng hóa từ Trung Quốc đi qua cảng Vladivostok không bị xem là hàng hóa nước ngoài; do vậy, các mức thuế phát sinh liên quan đến vận chuyển và thuế quan sẽ được miễn trừ.
Bên cạnh ngoại giao và thương mại thì hợp tác Nga - Trung về an ninh - quốc phòng cũng đáng chú ý. Tháng 9/2024, các tàu của Hải cảnh Trung Quốc và Cơ quan Biên phòng Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chung mang tên Tuần tra Thái Bình Dương (Pacific Patrol) ở Vịnh Peter Đại đế. Ngày 2/10, hạm đội Hải cảnh Trung Quốc lần đầu tiên tiến vào Biển Bắc Cực để tuần tra chung với Nga. Bước tiến này cho thấy Bắc Kinh được Moscow “bật đèn xanh” để hiện diện nhiều hơn tại vùng biển lạnh giá phía Bắc, nơi lâu nay được xem là “sân nhà” của Nga.
…Nhưng chưa chắc là mãi mãi
Mối quan hệ Nga - Trung đang lên “như diều gặp gió”, nhưng những vết thương trong quá khứ khiến Moscow và Bắc Kinh không thể hoàn toàn tin tưởng đối phương. Giai đoạn đầu sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, Liên Xô là đối tác quan trọng nhất, hỗ trợ Bắc Kinh cả về kinh tế, kỹ thuật và quân sự. Tuy nhiên, sự đồng thuận giữa hai nước nhanh chóng rạn nứt từ giữa thập niên 50, khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tiến hành phi Stalin hóa và thúc đẩy chính sách “chung sống hòa bình” với phương Tây. Bước đi đó khiến Mao Trạch Đông nhận định rằng Khrushchev phản bội chủ nghĩa cộng sản. Đáng nói, hai cường quốc xã hội chủ nghĩa cũng cạnh tranh về vai trò lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế.
Mâu thuẫn tư tưởng dần biến thành xung đột chính trị và quân sự. Năm 1960, Liên Xô đơn phương rút toàn bộ chuyên gia và viện trợ kỹ thuật khỏi Trung Quốc, bỏ dở hàng loạt dự án. Năm 1969, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi xung đột vũ trang đẫm máu giữa hai nước xảy ra tại đảo Trân Bảo (Zhenbao) (Liên Xô gọi là “Damansky”) trên sông Ussuri. Liên Xô thậm chí từng cân nhắc tấn công hạt nhân phủ đầu Trung Quốc, nhưng cuối cùng không thực hiện vì lo ngại phản ứng quốc tế. Trong suốt những năm 70, quan hệ song phương tiếp tục nguội lạnh. Trung Quốc khi ấy còn chủ động bắt tay với Mỹ. Chuyến thăm mang tính đột phá của Tổng thống Richard Nixon tới Bắc Kinh năm 1972 thậm chí đã gây ra “cú sốc” lớn cho Liên Xô và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa hai quốc gia cộng sản.
Chỉ đến cuối những năm 80, quan hệ Nga – Trung mới dần được bình thường hóa với chuyến thăm Bắc Kinh năm 1989 của Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Trung Quốc bắt đầu mối quan hệ mới thực dụng hơn, ít phụ thuộc vào hệ tư tưởng, và tập trung vào các lợi ích chiến lược như kinh tế, an ninh và đối trọng với phương Tây.
Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ này vẫn tồn tại những yếu tố tiềm ẩn sự cạnh tranh. Vladivostok và các khu vực xung quanh thuộc vùng Viễn Đông là một ví dụ như thế vì chúng từng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc dưới thời nhà Thanh. Vào giữa thế kỷ 19, sau khi chính quyền nhà Thanh bại trận và ký các hiệp ước bất bình đẳng như “Công ước Bắc Kinh” (Convention of Peking) và “Điều ước Aigun” (Treaty of Aigun) với Sa hoàng Nga, hơn 1 triệu km2 lãnh thổ ở vùng Đông Bắc của Trung Quốc đã bị cắt đứt. Có lẽ vì lo ngại nguy cơ Trung Quốc “xét lại lịch sử”, cho đến nay, Nga - dù có phần vơi bớt - vẫn duy trì sự dè chừng nhất định với Bắc Kinh ở vùng Viễn Đông.
Nga cũng giữ tâm thế thận trọng trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh, thể hiện qua việc Moscow “bao vây” siêu cường châu Á từ mọi phía. Trước hết, ở phía Đông, Nga duy trì quan hệ ngày càng thân thiết với Bình Nhưỡng. Tháng 2/2024, Nga đã gửi tặng một chiếc limousine Aurus Senat cho Triều Tiên để nhà lãnh đạo Kim Jong-un sử dụng cho mục đích cá nhân. Khi thực hiện chuyến thăm chính thức đến Triều Tiên vào tháng 6, Putin đã gửi tặng thêm một chiếc xe tương tự, cùng bộ trà và thanh gươm đô đốc. Quan trọng hơn, nhân chuyến thăm này, Nga và Triều Tiên đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó có điều khoản hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp một trong hai nước bị thế lực bên ngoài tấn công và rơi vào tình trạng chiến tranh.
Mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Nga và Triều Tiên không phải là một tin vui với Trung Quốc. Về mặt lịch sử, Bắc Kinh luôn xem Bình Nhưỡng như một vùng đệm chiến lược quan trọng, vừa là lá chắn địa lý giữa Trung Quốc và các đồng minh thân Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản, vừa là “con bài” mặc cả trong các cuộc đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, nếu Nga trở nên thân thiết hơn với Triều Tiên, vai trò trung gian và sức ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ bị thách thức nghiêm trọng. Bắc Kinh có thể lo ngại rằng Moscow sẽ cung cấp công nghệ quân sự, vũ khí hoặc hỗ trợ chính trị cho Bình Nhưỡng, từ đó khiến chính quyền Kim trở nên khó kiểm soát hơn và có thể thực hiện các hành động làm gia tăng căng thẳng khu vực, nhất là gạt siêu cường tỷ dân ra khỏi những tính toán chiến lược trong khu vực Đông Bắc Á.
Ở phía Bắc Trung Quốc, Mông Cổ là địa bàn truyền thống của Nga và từng được xem là “thành viên thứ 16” của Liên Xô cũ. Để thể hiện cam kết, tháng 9/2024, Tổng thống Putin đã có chuyến thăm đến Ulaanbaatar lần đầu tiên sau năm năm và khẳng định Nga xem Mông Cổ là một trong những ưu tiên về chính sách đối ngoại ở châu Á. Vì Mông Cổ là “vùng đệm tự nhiên” giữa Nga và Trung Quốc nên nếu Moscow tạo ảnh hưởng với Ulaanbaatar, chính quyền Putin có thể kiểm soát tốt hơn các động thái của Bắc Kinh ở khu vực Trung Á và Đông Bắc Á.
Chuyển sang phía Tây Trung Quốc, quan hệ giữa Nga với Ấn Độ (đối thủ lớn của Bắc Kinh) đang phát triển tương đối tích cực. Từ năm 2022, bất chấp sự chỉ trích công khai từ các đối tác phương Tây, Ấn Độ đã nổi lên như một trong những quốc gia tiêu thụ dầu mỏ chính của Nga. Thương mại song phương đã tăng trưởng đáng kể, đạt mức ấn tượng 66 tỷ USD vào năm 2024, tăng gấp năm lần chỉ trong vòng năm năm. Quan hệ ngoại giao Ấn - Nga cũng thêm thân thiết. Tháng 7/2022, Thủ tướng Narendra Modi đã thăm Nga; đây là chuyến công du đầu tiên của Modi ngay sau khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai, thể hiện sự coi trọng mà New Delhi dành cho Moscow. Tiếp đó, vào tháng 10, ông Modi trở lại Nga để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Putin dự kiến sẽ thăm Ấn Độ trong năm nay.
Những năm trước đó, Nga thậm chí còn bán cho Ấn Độ các vũ khí tối tân như hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-30MKI (đang xem xét hợp tác sản xuất máy bay thế hệ thứ năm Su-57E). Một khi năng lực quân sự của New Delhi tăng lên, mối đe dọa với Bắc Kinh ở khu vực biên giới hai nước, nhất là ở khu vực Ladakh, cũng gia tăng.
Ngoài yếu tố lịch sử và tình trạng “bao vây” của Nga, quan hệ đôi bên còn có thể bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong đàm phán xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2 (xuất phát từ bán đảo Yamal của Nga qua Mông Cổ vào Trung Quốc). Bắc Kinh yêu cầu mức giá khí đốt dẫn qua dự án đường ống Power of Siberia 2 phải ở mức thấp gần bằng với mức giá đã được trợ cấp tại thị trường nội địa Nga (hiện tại mức giá mà Moscow cung cấp cho Trung Quốc cao hơn khoảng bốn lần so với giá nội địa). Bên cạnh đó, Trung Quốc chỉ cam kết mua một phần nhỏ trong công suất dự kiến hằng năm khoảng 50 tỷ m3 khí đốt của đường ống Power of Siberia 2.
Một hạn chế khác có thể gây trở ngại cho mối quan hệ đang lên là việc hợp tác tại Bắc Cực vẫn mang tính “dè chừng”. Trung Quốc không được nắm nhiều thị phần trong các dự án LNG trọng điểm của Nga ở Bắc Cực. Cụ thể, trong liên doanh Yamal LNG, tỷ lệ sở hữu của Trung Quốc chỉ đạt 29,9%, trong khi công ty Novatek của Nga chiếm đa số với 50,1%. Tương tự, tại dự án LNG Bắc Cực-2, Novatek vẫn giữ vị thế chủ đạo với 60% cổ phần, Trung Quốc chỉ sở hữu 20%.
Sự dè chừng này có cơ sở, vì Nga xem Bắc Cực là một phần không thể tách rời của lợi ích an ninh quốc gia (Nga có chủ quyền với khoảng 53% diện tích vùng băng giá này). Do đó, bất kỳ sự hiện diện kinh tế nào của Trung Quốc đều tiềm ẩn nguy cơ nước này can thiệp vào các vấn đề an ninh khu vực. Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể biến các dự án kinh tế thành đòn bẩy địa chính trị để tranh giành ảnh hưởng với Moscow.
Mối lo ngại trên càng rõ nét hơn khi Trung Quốc thúc đẩy khái niệm “quốc gia cận Bắc Cực” (near-Arctic state). Theo Sách Trắng có tên “Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc” (China’s Arctic Policy) công bố năm 2018, với tư cách là “quốc gia cận Bắc Cực”, Trung Quốc khẳng định mục tiêu ở khu vực này là “hiểu, bảo vệ, phát triển và tham gia vào việc quản lý Bắc Cực, để bảo vệ lợi ích chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế ở Bắc Cực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của Bắc Cực”. Lập luận như vậy cho thấy Trung Quốc xem những biến động xảy ra tại khu vực này có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, kinh tế và an ninh của Bắc Kinh, từ đó biện minh cho việc nước này có quyền tham gia vào các hoạt động và cơ chế hợp tác quốc tế tại khu vực lạnh giá trên.
Như vậy, quan hệ thân thiết giữa Nga và Trung Quốc chưa chắc kéo dài mãi mãi vì những tổn thương trong quá khứ, thái độ dè chừng của Moscow về sự trỗi dậy của Bắc Kinh, và những yêu cầu có phần quá đáng của siêu cường tỷ dân đối với các thỏa thuận liên quan đến khí đốt.
Quan hệ vẫn sẽ tốt đẹp
Dù có nhiều vết gợn trong mối quan hệ song phương, nhưng có thể tin rằng ở giai đoạn hiện nay, Nga - Trung sẽ hướng tới tăng cường hợp tác, hơn là tìm cách chống lại đối phương. Trước hết, mối quan hệ không mấy tốt đẹp với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ, là nhân tố quan trọng nhất kéo Nga và Trung Quốc lại gần nhau. Sau khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra và Nga bị hàng loạt quốc gia phương Tây cô lập lẫn trừng phạt, Moscow buộc phải chuyển hướng sang phương Đông, coi Trung Quốc như “phao cứu sinh” về kinh tế và ngoại giao. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang trong thế đối đầu toàn diện với Mỹ, nhất là liên quan đến công nghệ, thương mại và Đài Loan. Từ hoàn cảnh như vậy, cả Bắc Kinh và Moscow đều nhận thấy giá trị của việc hợp tác nhằm củng cố “mặt trận hậu phương” cho nhau cũng như tạo ra thế đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ và NATO.
Bên cạnh đó, quan hệ Nga - Trung được thúc đẩy bởi sự bổ sung về lợi ích kinh tế, nhất là năng lượng. Nga có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, khí đốt, than đá, kim loại hiếm), trong khi Trung Quốc cần nguồn cung ổn định để phục vụ cỗ máy sản xuất và tiêu dùng khổng lồ.
Hơn nữa, trong bối cảnh Nga bị cấm vận và bị hạn chế tiếp cận thị trường phương Tây truyền thống, Trung Quốc giờ đây không chỉ là đối tác mua hàng mà còn đóng vai trò là “đối tác bảo hiểm” giúp dòng chảy thương mại và đầu tư của Nga không bị đứt gãy hoàn toàn. Ở Nga, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng tận dụng cơ hội để chiếm lĩnh thị phần các lĩnh vực mà phương Tây bỏ lại như ô tô, thiết bị điện tử, công nghệ xây dựng và máy móc công nghiệp.
Trong khi đó, các nhà sản xuất Nga cũng bắt đầu thích nghi với thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Tại thị trường tỷ dân, các mặt hàng từ Nga như chocolate, bánh quy, mật ong, và rượu ngày càng được ưa chuộng. Nhờ đó, quan hệ thương mại giữa hai nước có thêm động lực để gắn bó chặt chẽ hơn, góp phần làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc lẫn nhau về dài hạn.
Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc còn chia sẻ một tầm nhìn chung về trật tự quốc tế mà trong đó sự thống trị đơn cực của phương Tây – đặc biệt là Mỹ – cần được thay thế bằng một thế giới đa cực, nơi các quốc gia đang phát triển (Nam Bán cầu) có tiếng nói và vị thế lớn hơn. Cụ thể, trong một phát biểu hồi tháng 7/2024, Tổng thống Putin khẳng định rằng “Một thế giới đa cực đã trở thành hiện thực. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cùng với BRICS, là những trụ cột chính của trật tự thế giới mới đang nổi lên”.
Cùng khoảng thời gian đó, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy một thế giới đa cực “bình đẳng và có trật tự” (equal and orderly). Giải thích thêm cho tầm nhìn về một thế giới mới, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định trật tự thế giới đa cực là nơi không có “kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, và người giàu bóc lột người nghèo” (the strong bullying the weak, and the rich exploiting the poor).
Từ định hướng về trật tự thế giới mới, Moscow và Bắc Kinh đã đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ các thể chế đa phương như BRICS, SCO, và Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20). Trong các diễn đàn này, hai cường quốc không chỉ phản bác các nghị trình mang tính áp đặt từ Mỹ, mà còn tích cực thúc đẩy sáng kiến riêng như xây dựng hệ thống thanh toán thay thế SWIFT (do phương Tây lập ra), tạo ra Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) để hỗ trợ cho các quốc gia đang cần vốn mà không muốn bị ràng buộc bởi điều kiện chính trị từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB).
***
Ngoại trưởng Vương Nghị ca ngợi quan hệ Nga - Trung là “bạn bè mãi mãi, không bao giờ là kẻ thù”, và những thành tựu hợp tác trong thời gian qua có thể củng cố cho tuyên bố này. Song, những mâu thuẫn còn tồn tại có thể ảnh hưởng đến tính chất “mãi mãi” của mối quan hệ giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, nếu không có biến cố lớn, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc vẫn sẽ phát triển theo quỹ đạo tích cực nhờ động lực kinh tế mạnh mẽ, cùng chung kẻ thù, cũng như chung tầm nhìn về việc xây dựng một trật tự thế giới mới.
Trong chuyến thăm Nga vào ngày 31/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã ca ngợi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow là “bạn bè mãi mãi, không bao giờ là kẻ thù” (friends forever and never enemies). Ba năm trước, ngay trước khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau và tuyên bố “Tình hữu nghị giữa hai quốc gia không có giới hạn, không có vùng cấm trong hợp tác”. Do đó, tuyên bố của ông Vương Nghị thể hiện tính tiếp nối của quan hệ, nhưng với cam kết mạnh mẽ hơn.
Nga - Trung là bạn bè tốt…
Không thể phủ nhận rằng những năm gần đây, hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc, đặc biệt là hai nước đều dành cho nhau sự trọng thị về ngoại giao. Sau khi ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba vào tháng 3/2023, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chọn Nga là điểm công du nước ngoài đầu tiên (ngay trong tháng 3). Ở chiều ngược lại, khi tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ năm vào tháng 3/2024, ông Putin cũng chọn Bắc Kinh là nơi thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên (trong tháng 5).
Cùng với sự khăng khít về ngoại giao, hợp tác thương mại giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương ghi nhận một dấu ấn mới khi vượt mốc 200 tỷ USD, kết thúc với mức cao kỷ lục 240 tỷ USD. Một năm sau, số liệu thương mại tiếp tục xác lập thêm một kỷ lục mới ở mức xấp xỉ 245 tỷ USD, tăng thêm 1,9%. Thêm vào đó, đã 14 năm liên tiếp Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Moscow.
Một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc là dự án đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia, dài khoảng 3.000km, xuất phát từ những mỏ khí khổng lồ ở vùng Yakutia và Irkutsk (thuộc Đông Siberia của Nga), đi qua các vùng khí hậu khắc nghiệt và địa hình phức tạp, trước khi đến biên giới Trung Quốc tại khu vực Blagoveshchensk – Hắc Hà. Tại đây, đường ống nối liền với hệ thống phân phối của Trung Quốc để cung cấp khí đốt đến các khu vực phía Bắc và Đông Bắc nước này.
Power of Siberia bắt đầu được xây dựng từ năm 2014, không lâu sau khi Nga sáp nhập Crimea và bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Sau năm năm xây dựng, đường ống được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 12/2019. Năm 2020, đường ống Power of Siberia chỉ mới vận chuyển khoảng 4,1 tỷ m3 khí đốt từ Nga sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đến năm 2024, nguồn cung từ Nga đã tăng lên vượt bậc, đạt mức 31 tỷ m3 khí đốt. Sự tăng trưởng này là nhờ Moscow bán khí đốt cho Bắc Kinh với giá tương đối rẻ (thấp hơn nhiều so với xuất khẩu sang châu Âu hay Thổ Nhĩ Kỳ). Để tận dụng cơ hội, Trung Quốc cũng đã ráo riết xây dựng và vừa hoàn thành đường ống dài 5.111km vào cuối năm ngoái, giúp dẫn khí đốt từ Hắc Hà, đi qua chín tỉnh, thành, khu tự trị trước khi về đến đích ở Thượng Hải.
Trong khi nguồn khí đốt từ Nga chảy nhiều hơn vào Trung Quốc, thì ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng được Moscow cung cấp ưu đãi sử dụng cảng Vladivostok (nằm quanh bờ Vịnh Sừng Vàng - Golden Horn Bay, nơi giao nhau giữa Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Nga). Cảng Vladivostok là một bến cảng thương mại quan trọng, là điểm nối giữa đường sắt xuyên Siberia với các cảng biển Thái Bình Dương, do đó có vị trí chiến lược về hàng hải quốc tế.
Tháng 5/2023, Nga và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận cho phép Bắc Kinh sử dụng cảng Vladivostok làm trung tâm trung chuyển cho các chuyến hàng nội địa từ tỉnh Cát Lâm (ở phía Đông Bắc) đến các vùng phía Đông Nam của đất nước. Về bản chất, thỏa thuận này sẽ giúp hàng hóa từ Trung Quốc đi qua cảng Vladivostok không bị xem là hàng hóa nước ngoài; do vậy, các mức thuế phát sinh liên quan đến vận chuyển và thuế quan sẽ được miễn trừ.
Bên cạnh ngoại giao và thương mại thì hợp tác Nga - Trung về an ninh - quốc phòng cũng đáng chú ý. Tháng 9/2024, các tàu của Hải cảnh Trung Quốc và Cơ quan Biên phòng Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chung mang tên Tuần tra Thái Bình Dương (Pacific Patrol) ở Vịnh Peter Đại đế. Ngày 2/10, hạm đội Hải cảnh Trung Quốc lần đầu tiên tiến vào Biển Bắc Cực để tuần tra chung với Nga. Bước tiến này cho thấy Bắc Kinh được Moscow “bật đèn xanh” để hiện diện nhiều hơn tại vùng biển lạnh giá phía Bắc, nơi lâu nay được xem là “sân nhà” của Nga.
…Nhưng chưa chắc là mãi mãi
Mối quan hệ Nga - Trung đang lên “như diều gặp gió”, nhưng những vết thương trong quá khứ khiến Moscow và Bắc Kinh không thể hoàn toàn tin tưởng đối phương. Giai đoạn đầu sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, Liên Xô là đối tác quan trọng nhất, hỗ trợ Bắc Kinh cả về kinh tế, kỹ thuật và quân sự. Tuy nhiên, sự đồng thuận giữa hai nước nhanh chóng rạn nứt từ giữa thập niên 50, khi nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tiến hành phi Stalin hóa và thúc đẩy chính sách “chung sống hòa bình” với phương Tây. Bước đi đó khiến Mao Trạch Đông nhận định rằng Khrushchev phản bội chủ nghĩa cộng sản. Đáng nói, hai cường quốc xã hội chủ nghĩa cũng cạnh tranh về vai trò lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế.
Mâu thuẫn tư tưởng dần biến thành xung đột chính trị và quân sự. Năm 1960, Liên Xô đơn phương rút toàn bộ chuyên gia và viện trợ kỹ thuật khỏi Trung Quốc, bỏ dở hàng loạt dự án. Năm 1969, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi xung đột vũ trang đẫm máu giữa hai nước xảy ra tại đảo Trân Bảo (Zhenbao) (Liên Xô gọi là “Damansky”) trên sông Ussuri. Liên Xô thậm chí từng cân nhắc tấn công hạt nhân phủ đầu Trung Quốc, nhưng cuối cùng không thực hiện vì lo ngại phản ứng quốc tế. Trong suốt những năm 70, quan hệ song phương tiếp tục nguội lạnh. Trung Quốc khi ấy còn chủ động bắt tay với Mỹ. Chuyến thăm mang tính đột phá của Tổng thống Richard Nixon tới Bắc Kinh năm 1972 thậm chí đã gây ra “cú sốc” lớn cho Liên Xô và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa hai quốc gia cộng sản.
Chỉ đến cuối những năm 80, quan hệ Nga – Trung mới dần được bình thường hóa với chuyến thăm Bắc Kinh năm 1989 của Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Trung Quốc bắt đầu mối quan hệ mới thực dụng hơn, ít phụ thuộc vào hệ tư tưởng, và tập trung vào các lợi ích chiến lược như kinh tế, an ninh và đối trọng với phương Tây.
Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ này vẫn tồn tại những yếu tố tiềm ẩn sự cạnh tranh. Vladivostok và các khu vực xung quanh thuộc vùng Viễn Đông là một ví dụ như thế vì chúng từng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc dưới thời nhà Thanh. Vào giữa thế kỷ 19, sau khi chính quyền nhà Thanh bại trận và ký các hiệp ước bất bình đẳng như “Công ước Bắc Kinh” (Convention of Peking) và “Điều ước Aigun” (Treaty of Aigun) với Sa hoàng Nga, hơn 1 triệu km2 lãnh thổ ở vùng Đông Bắc của Trung Quốc đã bị cắt đứt. Có lẽ vì lo ngại nguy cơ Trung Quốc “xét lại lịch sử”, cho đến nay, Nga - dù có phần vơi bớt - vẫn duy trì sự dè chừng nhất định với Bắc Kinh ở vùng Viễn Đông.
Nga cũng giữ tâm thế thận trọng trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh, thể hiện qua việc Moscow “bao vây” siêu cường châu Á từ mọi phía. Trước hết, ở phía Đông, Nga duy trì quan hệ ngày càng thân thiết với Bình Nhưỡng. Tháng 2/2024, Nga đã gửi tặng một chiếc limousine Aurus Senat cho Triều Tiên để nhà lãnh đạo Kim Jong-un sử dụng cho mục đích cá nhân. Khi thực hiện chuyến thăm chính thức đến Triều Tiên vào tháng 6, Putin đã gửi tặng thêm một chiếc xe tương tự, cùng bộ trà và thanh gươm đô đốc. Quan trọng hơn, nhân chuyến thăm này, Nga và Triều Tiên đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó có điều khoản hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp một trong hai nước bị thế lực bên ngoài tấn công và rơi vào tình trạng chiến tranh.
Mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Nga và Triều Tiên không phải là một tin vui với Trung Quốc. Về mặt lịch sử, Bắc Kinh luôn xem Bình Nhưỡng như một vùng đệm chiến lược quan trọng, vừa là lá chắn địa lý giữa Trung Quốc và các đồng minh thân Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản, vừa là “con bài” mặc cả trong các cuộc đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, nếu Nga trở nên thân thiết hơn với Triều Tiên, vai trò trung gian và sức ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ bị thách thức nghiêm trọng. Bắc Kinh có thể lo ngại rằng Moscow sẽ cung cấp công nghệ quân sự, vũ khí hoặc hỗ trợ chính trị cho Bình Nhưỡng, từ đó khiến chính quyền Kim trở nên khó kiểm soát hơn và có thể thực hiện các hành động làm gia tăng căng thẳng khu vực, nhất là gạt siêu cường tỷ dân ra khỏi những tính toán chiến lược trong khu vực Đông Bắc Á.
Ở phía Bắc Trung Quốc, Mông Cổ là địa bàn truyền thống của Nga và từng được xem là “thành viên thứ 16” của Liên Xô cũ. Để thể hiện cam kết, tháng 9/2024, Tổng thống Putin đã có chuyến thăm đến Ulaanbaatar lần đầu tiên sau năm năm và khẳng định Nga xem Mông Cổ là một trong những ưu tiên về chính sách đối ngoại ở châu Á. Vì Mông Cổ là “vùng đệm tự nhiên” giữa Nga và Trung Quốc nên nếu Moscow tạo ảnh hưởng với Ulaanbaatar, chính quyền Putin có thể kiểm soát tốt hơn các động thái của Bắc Kinh ở khu vực Trung Á và Đông Bắc Á.
Chuyển sang phía Tây Trung Quốc, quan hệ giữa Nga với Ấn Độ (đối thủ lớn của Bắc Kinh) đang phát triển tương đối tích cực. Từ năm 2022, bất chấp sự chỉ trích công khai từ các đối tác phương Tây, Ấn Độ đã nổi lên như một trong những quốc gia tiêu thụ dầu mỏ chính của Nga. Thương mại song phương đã tăng trưởng đáng kể, đạt mức ấn tượng 66 tỷ USD vào năm 2024, tăng gấp năm lần chỉ trong vòng năm năm. Quan hệ ngoại giao Ấn - Nga cũng thêm thân thiết. Tháng 7/2022, Thủ tướng Narendra Modi đã thăm Nga; đây là chuyến công du đầu tiên của Modi ngay sau khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai, thể hiện sự coi trọng mà New Delhi dành cho Moscow. Tiếp đó, vào tháng 10, ông Modi trở lại Nga để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Putin dự kiến sẽ thăm Ấn Độ trong năm nay.
Những năm trước đó, Nga thậm chí còn bán cho Ấn Độ các vũ khí tối tân như hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-30MKI (đang xem xét hợp tác sản xuất máy bay thế hệ thứ năm Su-57E). Một khi năng lực quân sự của New Delhi tăng lên, mối đe dọa với Bắc Kinh ở khu vực biên giới hai nước, nhất là ở khu vực Ladakh, cũng gia tăng.
Ngoài yếu tố lịch sử và tình trạng “bao vây” của Nga, quan hệ đôi bên còn có thể bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong đàm phán xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2 (xuất phát từ bán đảo Yamal của Nga qua Mông Cổ vào Trung Quốc). Bắc Kinh yêu cầu mức giá khí đốt dẫn qua dự án đường ống Power of Siberia 2 phải ở mức thấp gần bằng với mức giá đã được trợ cấp tại thị trường nội địa Nga (hiện tại mức giá mà Moscow cung cấp cho Trung Quốc cao hơn khoảng bốn lần so với giá nội địa). Bên cạnh đó, Trung Quốc chỉ cam kết mua một phần nhỏ trong công suất dự kiến hằng năm khoảng 50 tỷ m3 khí đốt của đường ống Power of Siberia 2.
Một hạn chế khác có thể gây trở ngại cho mối quan hệ đang lên là việc hợp tác tại Bắc Cực vẫn mang tính “dè chừng”. Trung Quốc không được nắm nhiều thị phần trong các dự án LNG trọng điểm của Nga ở Bắc Cực. Cụ thể, trong liên doanh Yamal LNG, tỷ lệ sở hữu của Trung Quốc chỉ đạt 29,9%, trong khi công ty Novatek của Nga chiếm đa số với 50,1%. Tương tự, tại dự án LNG Bắc Cực-2, Novatek vẫn giữ vị thế chủ đạo với 60% cổ phần, Trung Quốc chỉ sở hữu 20%.
Sự dè chừng này có cơ sở, vì Nga xem Bắc Cực là một phần không thể tách rời của lợi ích an ninh quốc gia (Nga có chủ quyền với khoảng 53% diện tích vùng băng giá này). Do đó, bất kỳ sự hiện diện kinh tế nào của Trung Quốc đều tiềm ẩn nguy cơ nước này can thiệp vào các vấn đề an ninh khu vực. Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể biến các dự án kinh tế thành đòn bẩy địa chính trị để tranh giành ảnh hưởng với Moscow.
Mối lo ngại trên càng rõ nét hơn khi Trung Quốc thúc đẩy khái niệm “quốc gia cận Bắc Cực” (near-Arctic state). Theo Sách Trắng có tên “Chính sách Bắc Cực của Trung Quốc” (China’s Arctic Policy) công bố năm 2018, với tư cách là “quốc gia cận Bắc Cực”, Trung Quốc khẳng định mục tiêu ở khu vực này là “hiểu, bảo vệ, phát triển và tham gia vào việc quản lý Bắc Cực, để bảo vệ lợi ích chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế ở Bắc Cực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của Bắc Cực”. Lập luận như vậy cho thấy Trung Quốc xem những biến động xảy ra tại khu vực này có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, kinh tế và an ninh của Bắc Kinh, từ đó biện minh cho việc nước này có quyền tham gia vào các hoạt động và cơ chế hợp tác quốc tế tại khu vực lạnh giá trên.
Như vậy, quan hệ thân thiết giữa Nga và Trung Quốc chưa chắc kéo dài mãi mãi vì những tổn thương trong quá khứ, thái độ dè chừng của Moscow về sự trỗi dậy của Bắc Kinh, và những yêu cầu có phần quá đáng của siêu cường tỷ dân đối với các thỏa thuận liên quan đến khí đốt.
Quan hệ vẫn sẽ tốt đẹp
Dù có nhiều vết gợn trong mối quan hệ song phương, nhưng có thể tin rằng ở giai đoạn hiện nay, Nga - Trung sẽ hướng tới tăng cường hợp tác, hơn là tìm cách chống lại đối phương. Trước hết, mối quan hệ không mấy tốt đẹp với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ, là nhân tố quan trọng nhất kéo Nga và Trung Quốc lại gần nhau. Sau khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra và Nga bị hàng loạt quốc gia phương Tây cô lập lẫn trừng phạt, Moscow buộc phải chuyển hướng sang phương Đông, coi Trung Quốc như “phao cứu sinh” về kinh tế và ngoại giao. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang trong thế đối đầu toàn diện với Mỹ, nhất là liên quan đến công nghệ, thương mại và Đài Loan. Từ hoàn cảnh như vậy, cả Bắc Kinh và Moscow đều nhận thấy giá trị của việc hợp tác nhằm củng cố “mặt trận hậu phương” cho nhau cũng như tạo ra thế đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ và NATO.
Bên cạnh đó, quan hệ Nga - Trung được thúc đẩy bởi sự bổ sung về lợi ích kinh tế, nhất là năng lượng. Nga có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, khí đốt, than đá, kim loại hiếm), trong khi Trung Quốc cần nguồn cung ổn định để phục vụ cỗ máy sản xuất và tiêu dùng khổng lồ.
Hơn nữa, trong bối cảnh Nga bị cấm vận và bị hạn chế tiếp cận thị trường phương Tây truyền thống, Trung Quốc giờ đây không chỉ là đối tác mua hàng mà còn đóng vai trò là “đối tác bảo hiểm” giúp dòng chảy thương mại và đầu tư của Nga không bị đứt gãy hoàn toàn. Ở Nga, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng tận dụng cơ hội để chiếm lĩnh thị phần các lĩnh vực mà phương Tây bỏ lại như ô tô, thiết bị điện tử, công nghệ xây dựng và máy móc công nghiệp.
Trong khi đó, các nhà sản xuất Nga cũng bắt đầu thích nghi với thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Tại thị trường tỷ dân, các mặt hàng từ Nga như chocolate, bánh quy, mật ong, và rượu ngày càng được ưa chuộng. Nhờ đó, quan hệ thương mại giữa hai nước có thêm động lực để gắn bó chặt chẽ hơn, góp phần làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc lẫn nhau về dài hạn.
Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc còn chia sẻ một tầm nhìn chung về trật tự quốc tế mà trong đó sự thống trị đơn cực của phương Tây – đặc biệt là Mỹ – cần được thay thế bằng một thế giới đa cực, nơi các quốc gia đang phát triển (Nam Bán cầu) có tiếng nói và vị thế lớn hơn. Cụ thể, trong một phát biểu hồi tháng 7/2024, Tổng thống Putin khẳng định rằng “Một thế giới đa cực đã trở thành hiện thực. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cùng với BRICS, là những trụ cột chính của trật tự thế giới mới đang nổi lên”.
Cùng khoảng thời gian đó, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy một thế giới đa cực “bình đẳng và có trật tự” (equal and orderly). Giải thích thêm cho tầm nhìn về một thế giới mới, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định trật tự thế giới đa cực là nơi không có “kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, và người giàu bóc lột người nghèo” (the strong bullying the weak, and the rich exploiting the poor).
Từ định hướng về trật tự thế giới mới, Moscow và Bắc Kinh đã đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ các thể chế đa phương như BRICS, SCO, và Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20). Trong các diễn đàn này, hai cường quốc không chỉ phản bác các nghị trình mang tính áp đặt từ Mỹ, mà còn tích cực thúc đẩy sáng kiến riêng như xây dựng hệ thống thanh toán thay thế SWIFT (do phương Tây lập ra), tạo ra Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) để hỗ trợ cho các quốc gia đang cần vốn mà không muốn bị ràng buộc bởi điều kiện chính trị từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB).
***
Ngoại trưởng Vương Nghị ca ngợi quan hệ Nga - Trung là “bạn bè mãi mãi, không bao giờ là kẻ thù”, và những thành tựu hợp tác trong thời gian qua có thể củng cố cho tuyên bố này. Song, những mâu thuẫn còn tồn tại có thể ảnh hưởng đến tính chất “mãi mãi” của mối quan hệ giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, nếu không có biến cố lớn, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc vẫn sẽ phát triển theo quỹ đạo tích cực nhờ động lực kinh tế mạnh mẽ, cùng chung kẻ thù, cũng như chung tầm nhìn về việc xây dựng một trật tự thế giới mới.
Từ khoá: Nga Trung Quốc Nga - Trung Xô - Trung đối tác nước lớn