Nga - Mỹ bắt tay, chuông nguyện hồn ai?
Trump và Putin bắt tay báo hiệu một viễn cảnh tăm tối cho an ninh của Ukraine và Tây Âu.


Cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy quan hệ Nga - Mỹ xuống mức thấp chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, tình hình quan hệ hai nước thay đổi chóng mặt từ sau khi Donald Trump trở lại tiếp quản Nhà Trắng từ tháng 1/2025. Cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao cấp cao của hai bên tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 18/2 là bước đi dọn đường cho những động thái hứa hẹn giúp quan hệ Nga - Mỹ tan băng.
Tuy vậy, nhưng cái bắt tay của Nga và Mỹ khiến Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) “đứng ngồi không yên”. Trong bối cảnh lực lượng Nga đang tiến công với mức độ nhanh chưa từng có, việc Nga và Mỹ thỏa hiệp lúc này chẳng khác nào Mỹ “bỏ rơi” Ukraine. Phải chăng sự ấm dần trong quan hệ giữa Moscow và Washington là hồi kết dành cho Kiev? Châu Âu sẽ phản ứng ra sao trước hành động này?
Nga - Mỹ bắt tay trong vấn đề Ukraine
Mối quan hệ Nga - Mỹ từ lâu vốn phức tạp với nhiều thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử. Quan hệ giữa hai cường quốc đã rạn nứt từ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014, và ngày càng đi xuống sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine vào tháng 2/2022. Từ đó, Mỹ cùng với các đồng minh châu Âu đã có hàng loạt nỗ lực nhằm cô lập Nga, bao gồm áp đặt các lệnh trừng phạt, loại Nga ra khỏi các sự kiện quốc tế và công kích Nga trên các phương tiện truyền thông.
Mỹ cũng là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Joe Biden (2021 - 2025). Từ tháng 2/2022 đến tháng 12/2024, số tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine đã lên đến 182,8 tỷ USD - đưa Ukraine thành nước nhận viện trợ lớn nhất từ Mỹ. Đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Âu trở thành nước nhận nhiều viện trợ nhất từ Mỹ kể từ sau Kế hoạch Marshall – sáng kiến được Tổng thống Mỹ Harry S. Truman ban hành năm 1948 để viện trợ cho Tây Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ - Nga có nhiều chuyển biến dưới thời Trump 2.0. Tín hiệu đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 1 khi Trump đã đóng băng các khoản viện trợ nước ngoài, trong đó bao gồm cả các khoản viện trợ tại Ukraine. Vào ngày 12/2, Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin đã có một cuộc điện đàm kéo dài 90 phút bàn về nhiều vấn đề (bao gồm cả vấn đề Ukraine) – một cuộc điện đàm mà ông Trump đánh giá là “dài và hiệu quả cao”.
Sau đó một tuần, đại diện cấp cao của hai bên, đứng đầu bởi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio đã nhóm họp tại Riyadh. Hai bên nhất trí cải thiện mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước cũng như cùng nhau giải quyết vấn đề Ukraine. Đặc biệt, hai bên nhất trí tăng cường nhân sự của mình tại các cơ quan ngoại giao ở cả hai nước sau một quãng thời gian dài Nga và Mỹ liên tục có những động thái trục xuất nhân sự của nhau.
Tại các diễn đàn quốc tế, hai nước cũng có động thái ủng hộ lẫn nhau. Cụ thể, Mỹ bỏ phiếu chống đối với Nghị quyết phản đối Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 24/2, trong khi Nga bỏ phiếu thông qua dự thảo Nghị quyết do phía Mỹ soạn thảo về vấn đề Ukraine tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai nhà lãnh đạo cũng dành cho nhau nhiều lời ca ngợi. Tổng thống Trump nhận định “đàm phán với Nga dễ hơn với Ukraine” và ông Putin “mong muốn chấm dứt chiến tranh”, còn ông Putin đánh giá đề xuất ngừng bắn của chính quyền Trump là đúng đắn và ông đồng ý với thỏa thuận về mặt nguyên tắc dù vẫn còn một số vấn đề cần phải thảo luận sâu hơn.
Những động thái “ủng hộ” nhau cùng mối quan hệ khá tích cực giữa Trump và Putin đánh dấu một giai đoạn “tan băng” của mối quan hệ Nga - Mỹ, mở ra cánh cửa để hai cường quốc bình thường hóa quan hệ. Hơn nữa, sự tiếp xúc với tần suất ngày càng gia tăng của nguyên thủ hai nước có thể là tiền đề để các bên chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn ba năm tại Ukraine.
Tây Âu và Ukraine có lý do để lo ngại
Việc Mỹ và Nga đàm phán riêng rẽ về vấn đề Ukraine và gạt bỏ vai trò của Tây Âu và Ukraine đã khiến nhiều nhà lãnh đạo EU và bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất bình. Các nhà lãnh đạo tại Tây Âu lo ngại rằng Washington sẽ nhượng bộ Moscow và thúc đẩy cho một thỏa thuận không có lợi cho họ. Mối lo ngại của Ukraine không chỉ đến từ việc mất đi một khoản viện trợ khổng lồ giúp nuôi dưỡng bộ máy chiến tranh của quốc gia này trong một cuộc chiến tiêu hao khủng khiếp đối với Nga. Sâu xa hơn, điều mà Kiev lo sợ nhất chính là họ sẽ mất đi “tấm khiên an ninh” từ Mỹ.
Kiev đã đúng khi thái độ của chính quyền Trump đối với cuộc chiến này khác với cách tiếp cận của chính quyền Biden. Vào tháng 2, ông Trump thẳng thắn cho rằng không nên đổ hết trách nhiệm cho người Nga vì đã khơi mào cuộc chiến, và chỉ trích ông Zelensky rằng “Đáng ra ông ấy không nên bắt đầu nó. Ông ấy đã có thể đạt được một thỏa thuận”. Trump cũng tuyên bố rằng việc Ukraine muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính là nguyên nhân đẩy Ukraine đến chiến tranh và Kiev nên “quên câu chuyện NATO đi”. Bên cạnh đó, Mỹ cho rằng việc Ukraine đòi hỏi việc giành lại các lãnh thổ đã mất từ tay Nga là một điều không thực tế. Điều này ngầm nói lên rằng Mỹ đã công nhận việc Nga là bên chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine, dù các quan chức cấp cao của nước này không công khai tuyên bố.
Không chỉ vậy, Mỹ dường như còn đang muốn lấy lại những khoản tiền mà nước này đã đổ vào chiến trường Ukraine - khoản tiền mà như Tổng thống Trump tuyên bố là lên đến 500 tỷ USD - một con số khổng lồ so với một Ukraine đang kiệt quệ vì chiến tranh. Thỏa thuận đất hiếm sẽ là bước đi đầu tiên trong quá trình trên. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề tồn đọng, trong đó nổi bật là vấn đề đảm bảo an ninh. Ukraine kiên định với ý kiến về một thỏa thuận khoáng sản trong đó bao gồm cam kết rằng Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho nước này. Về phần mình, ông Trump ưu tiên cho một giải pháp kết thúc xung đột mà trong đó, việc tránh đụng độ trực tiếp với Nga là vô cùng quan trọng. Ukraine muốn nằm dưới ô bảo hộ của phương Tây khi ông Zelensky tuyên bố sẵn sàng từ chức để đổi lấy tư cách thành viên NATO của Ukraine. Tuy nhiên, việc Ukraine gia nhập NATO chẳng khác gì một mối đe dọa trực tiếp đối với Nga - điều sẽ đi ngược lại những gì mà Trump đang cố vun đắp trong suốt vài tuần qua.
Trong bối cảnh cục diện chiến trường đang bất lợi cho Ukraine, việc mất đi tiếng nói ủng hộ của Mỹ dường như đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho một thất bại đang chờ đón Kiev. Và có lẽ, việc Ukraine nên làm lúc này là cân nhắc xem nên làm cách nào để thiệt hại ít nhất thay vì cố đi tìm một chiến thắng - viễn cảnh gần như không thể xảy ra.
Đối với Tây Âu, việc Mỹ nhượng bộ Nga trong vấn đề Ukraine đang đổ thêm dầu vào lửa vào quan hệ an ninh Mỹ - Tây Âu vốn đang trên đà lao dốc. Mọi chuyện đã nóng lên từ sau bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) vào tháng 2 khi ông chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu rằng họ đang đi chệch hướng khỏi các giá trị dân chủ thông qua việc phản đối các đảng phái cực hữu và tiến hành kiểm duyệt truyền thông. Vance cũng nhấn mạnh rằng châu Âu cần đóng góp nhiều hơn trong mối quan hệ an ninh với Mỹ.
Vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Nga và Mỹ đã gạt ra ngoài vai trò của châu Âu trong vấn đề Ukraine. Ngay sau khi cuộc đàm phán Nga – Mỹ lần 1 bắt đầu diễn ra tại Riyadh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập một cuộc họp của giới lãnh đạo châu Âu tại Paris với sự tham gia của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, Tổng thư ký NATO Mark Rutte, cùng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác. Nếu như Ukraine lo ngại vì cánh cửa vào NATO của họ đang dần khép lại thì Tây Âu lại có một nỗi lo khác: nỗi lo về một viễn cảnh phải chống lại áp lực từ Nga khi Mỹ sẽ không còn hỗ trợ họ nhiệt thành như trước.
Cái bắt tay của Nga và Mỹ đặt Tây Âu trước hai lựa chọn: đóng góp nhiều hơn theo đúng những gì mà ông Trump mong muốn hoặc xây dựng một chính sách an ninh độc lập hơn với Mỹ. Lựa chọn thứ hai dường như khó khả thi hơn so với lựa chọn thứ nhất khi mà cuộc chiến tại Ukraine đã vắt kiệt kho vũ khí của các nước châu Âu. Thậm chí, kể cả khi kho vũ khí châu Âu còn dồi dào đi nữa thì vẫn có một số loại vũ khí (đặc biệt là các vũ khí chiến lược như tên lửa Patriot hay HIMARS) mà phía châu Âu chưa thể sản xuất chúng (trong khi Mỹ lại có thừa năng lực phát triển các loại vũ khí này).
Tổng thống Putin liên tục khẳng định rằng Nga không có ý định tấn công NATO, song điều đó không làm giảm đi tầm quan trọng của Ukraine như một quốc gia mang tính chất sống còn đối với Tây Âu. Ukraine từ lâu đã đóng vai trò như một vùng đệm giữa Nga và Tây Âu. Do đó, việc phương Tây tiếp tục “bảo bọc” Ukraine bằng cả vũ khí và động viên ngoại giao giúp Tây Âu duy trì tính răn đe nhất định với Nga. Ít nhất là trong tư duy của các quốc gia trong khu vực, việc để mất Ukraine đồng nghĩa với việc Tây Âu không còn “lá chắn bảo vệ” khỏi các tên lửa của Nga. Theo đó, các quốc gia trong khu vực sẽ ở vào tình thế dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Tầm quan trọng của Ukraine đối với an ninh châu Âu cũng phần nào giải thích cho thái độ cương quyết của Tây Âu trong việc bảo vệ Ukraine. Sau cuộc tranh luận gay gắt giữa ông Zelensky và Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 28/2, hàng loạt các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng ủng hộ Ukraine và bày tỏ sự đoàn kết với Kiev trong việc tiếp tục cuộc chiến chống Nga. Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố Anh sẵn sàng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine và yêu cầu Mỹ tham gia vào quá trình đảm bảo an ninh cho Ukraine nhằm ngăn chặn việc Moscow xâm lược Kiev một lần nữa. Tuy nhiên Trump không tỏ ra quá mặn mà với ý định trên. Tổng thống thứ 47 của Mỹ tuyên bố siêu cường này sẽ không bảo đảm an ninh cho Ukraine và chính các nước châu Âu sẽ phải làm điều đó với tư cách là một hàng xóm sát sườn Ukraine.
Như vậy, vấn đề đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ là phép thử quan trọng cho các nước EU về việc họ sẽ phản ứng ra sao với áp lực ngày càng lớn từ Nga. Không chỉ vậy, vấn đề cũng rất quan trọng là EU sẽ phải điều chỉnh chính sách kinh tế và an ninh để thích ứng trước cục diện địa chính trị rất có thể bất lợi nhiều hơn cho họ. Cả hai vấn đề này đều có thể là “nan đề” cho các quốc gia trong khu vực.
Quỹ thời gian của Ukraine đang cạn dần?
Song song với việc gánh chịu nhiều bất lợi trên mặt trận đối ngoại, Ukraine cũng đang chật vật trước sức ép từ lực lượng của Nga. Bên cạnh việc bị tấn công dồn dập từ nhiều hướng, tại vùng Kursk – nơi được nhận định sẽ là con bài mặc cả của Ukraine trên bàn đàm phán, diện tích lãnh thổ mà Kiev còn kiểm soát đang bị thu hẹp dần. Theo đó, Nga đang đẩy lùi quân Ukraine về phía tỉnh Sumy sát biên giới với Nga và đã bước đầu tiến vào thành phố chiến lược Sudzha. Việc Ukraine đang dần bị đẩy lùi khỏi Kursk báo hiệu rằng thời gian của nước này không còn nhiều.
Gần đây, Ukraine đã có một số động thái quan trọng liên quan đến cuộc chiến. Tổng thống Zelensky đồng ý một lệnh ngừng bắn 30 ngày và Ukraine tiến hành một cuộc tấn công lớn bằng drone đối với Rusia vào đêm ngày 10 và 11/3.
Có ít nhất hai hàm ý từ những hành động này. Thứ nhất, với việc đồng ý lệnh ngừng bắn, Ukraine có thể đóng băng cục diện hiện tại nhằm tranh thủ thời gian để củng cố các tuyến phòng thủ đang trên đà sụp đổ trước cường độ tấn công dồn dập từ phía Moscow. Mặt khác, đây là bước đi nhượng bộ để lấy lòng Mỹ nhằm nối lại các viện trợ vốn đã bị tạm dừng sau cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Zelensky tại Nhà Trắng.
Thứ hai, việc tấn công vào Moscow bằng drone với quy mô lớn có thể giúp Ukraine chứng tỏ năng lực cho các đồng minh rằng nước này vẫn còn đủ sức duy trì phòng thủ và tổ chức các cuộc phản công nếu vẫn nhận được các khoản viện trợ từ phương Tây. Sức sống của quân đội Ukraine phụ thuộc rất lớn vào vũ khí trang bị từ bên ngoài. Do đó, việc nguồn viện trợ (đặc biệt là từ Mỹ) bị dừng lại không khác gì một “án tử” dành cho Kiev.
Tuy nhiên, Ukraine lại không nắm đằng chuôi trong vấn đề này. Phía Nga đang có lợi thế lớn, và họ sẽ không dễ dàng từ bỏ đà tiến công hiện tại. Đúng như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio “Hành động tiếp theo sẽ phụ thuộc vào quyết định của Nga”. Từ phía Nga, Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình và không loại trừ khả năng đại diện cấp cao của Nga và Mỹ sẽ nhóm họp để thảo luận về vấn đề này. Phía Nga đang nắm thế chủ động trong vấn đề đàm phán, và quyết định của Moscow sẽ tác động đến tương lai của chiến trường trong những ngày sắp tới.
Quỹ thời gian để Ukraine đưa ra quyết định đang cạn dần, và lựa chọn của ông Zelensky sẽ là gì? Chấp nhận một thỏa thuận chắc chắn sẽ không có lợi cho Ukraine hay kiên quyết theo đuổi đến cùng cuộc chiến? Có lẽ chỉ Kiev mới có thể đưa ra câu trả lời.
Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là cuộc chiến tại Ukraine sẽ đánh dấu sự thay đổi to lớn trong chính sách an ninh của Tây Âu. Cụ thể là khu vực sẽ phải nỗ lực rất lớn nếu muốn độc lập hơn với Mỹ và ngăn chặn mối hiểm họa từ Nga.
Phạm Vũ Tấn Dũng hiện là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao. Dũng quan tâm đến an ninh quân sự, chính trị quốc tế và các điểm nóng địa chính trị trên thế giới. Độc giả có thể trao đổi với tác giả qua email: tandzung1509@gmail.com.

Cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy quan hệ Nga - Mỹ xuống mức thấp chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, tình hình quan hệ hai nước thay đổi chóng mặt từ sau khi Donald Trump trở lại tiếp quản Nhà Trắng từ tháng 1/2025. Cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao cấp cao của hai bên tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 18/2 là bước đi dọn đường cho những động thái hứa hẹn giúp quan hệ Nga - Mỹ tan băng.
Tuy vậy, nhưng cái bắt tay của Nga và Mỹ khiến Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) “đứng ngồi không yên”. Trong bối cảnh lực lượng Nga đang tiến công với mức độ nhanh chưa từng có, việc Nga và Mỹ thỏa hiệp lúc này chẳng khác nào Mỹ “bỏ rơi” Ukraine. Phải chăng sự ấm dần trong quan hệ giữa Moscow và Washington là hồi kết dành cho Kiev? Châu Âu sẽ phản ứng ra sao trước hành động này?
Nga - Mỹ bắt tay trong vấn đề Ukraine
Mối quan hệ Nga - Mỹ từ lâu vốn phức tạp với nhiều thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử. Quan hệ giữa hai cường quốc đã rạn nứt từ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014, và ngày càng đi xuống sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine vào tháng 2/2022. Từ đó, Mỹ cùng với các đồng minh châu Âu đã có hàng loạt nỗ lực nhằm cô lập Nga, bao gồm áp đặt các lệnh trừng phạt, loại Nga ra khỏi các sự kiện quốc tế và công kích Nga trên các phương tiện truyền thông.
Mỹ cũng là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Joe Biden (2021 - 2025). Từ tháng 2/2022 đến tháng 12/2024, số tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine đã lên đến 182,8 tỷ USD - đưa Ukraine thành nước nhận viện trợ lớn nhất từ Mỹ. Đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Âu trở thành nước nhận nhiều viện trợ nhất từ Mỹ kể từ sau Kế hoạch Marshall – sáng kiến được Tổng thống Mỹ Harry S. Truman ban hành năm 1948 để viện trợ cho Tây Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ - Nga có nhiều chuyển biến dưới thời Trump 2.0. Tín hiệu đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 1 khi Trump đã đóng băng các khoản viện trợ nước ngoài, trong đó bao gồm cả các khoản viện trợ tại Ukraine. Vào ngày 12/2, Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin đã có một cuộc điện đàm kéo dài 90 phút bàn về nhiều vấn đề (bao gồm cả vấn đề Ukraine) – một cuộc điện đàm mà ông Trump đánh giá là “dài và hiệu quả cao”.
Sau đó một tuần, đại diện cấp cao của hai bên, đứng đầu bởi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio đã nhóm họp tại Riyadh. Hai bên nhất trí cải thiện mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước cũng như cùng nhau giải quyết vấn đề Ukraine. Đặc biệt, hai bên nhất trí tăng cường nhân sự của mình tại các cơ quan ngoại giao ở cả hai nước sau một quãng thời gian dài Nga và Mỹ liên tục có những động thái trục xuất nhân sự của nhau.
Tại các diễn đàn quốc tế, hai nước cũng có động thái ủng hộ lẫn nhau. Cụ thể, Mỹ bỏ phiếu chống đối với Nghị quyết phản đối Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 24/2, trong khi Nga bỏ phiếu thông qua dự thảo Nghị quyết do phía Mỹ soạn thảo về vấn đề Ukraine tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai nhà lãnh đạo cũng dành cho nhau nhiều lời ca ngợi. Tổng thống Trump nhận định “đàm phán với Nga dễ hơn với Ukraine” và ông Putin “mong muốn chấm dứt chiến tranh”, còn ông Putin đánh giá đề xuất ngừng bắn của chính quyền Trump là đúng đắn và ông đồng ý với thỏa thuận về mặt nguyên tắc dù vẫn còn một số vấn đề cần phải thảo luận sâu hơn.
Những động thái “ủng hộ” nhau cùng mối quan hệ khá tích cực giữa Trump và Putin đánh dấu một giai đoạn “tan băng” của mối quan hệ Nga - Mỹ, mở ra cánh cửa để hai cường quốc bình thường hóa quan hệ. Hơn nữa, sự tiếp xúc với tần suất ngày càng gia tăng của nguyên thủ hai nước có thể là tiền đề để các bên chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn ba năm tại Ukraine.
Tây Âu và Ukraine có lý do để lo ngại
Việc Mỹ và Nga đàm phán riêng rẽ về vấn đề Ukraine và gạt bỏ vai trò của Tây Âu và Ukraine đã khiến nhiều nhà lãnh đạo EU và bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất bình. Các nhà lãnh đạo tại Tây Âu lo ngại rằng Washington sẽ nhượng bộ Moscow và thúc đẩy cho một thỏa thuận không có lợi cho họ. Mối lo ngại của Ukraine không chỉ đến từ việc mất đi một khoản viện trợ khổng lồ giúp nuôi dưỡng bộ máy chiến tranh của quốc gia này trong một cuộc chiến tiêu hao khủng khiếp đối với Nga. Sâu xa hơn, điều mà Kiev lo sợ nhất chính là họ sẽ mất đi “tấm khiên an ninh” từ Mỹ.
Kiev đã đúng khi thái độ của chính quyền Trump đối với cuộc chiến này khác với cách tiếp cận của chính quyền Biden. Vào tháng 2, ông Trump thẳng thắn cho rằng không nên đổ hết trách nhiệm cho người Nga vì đã khơi mào cuộc chiến, và chỉ trích ông Zelensky rằng “Đáng ra ông ấy không nên bắt đầu nó. Ông ấy đã có thể đạt được một thỏa thuận”. Trump cũng tuyên bố rằng việc Ukraine muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính là nguyên nhân đẩy Ukraine đến chiến tranh và Kiev nên “quên câu chuyện NATO đi”. Bên cạnh đó, Mỹ cho rằng việc Ukraine đòi hỏi việc giành lại các lãnh thổ đã mất từ tay Nga là một điều không thực tế. Điều này ngầm nói lên rằng Mỹ đã công nhận việc Nga là bên chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine, dù các quan chức cấp cao của nước này không công khai tuyên bố.
Không chỉ vậy, Mỹ dường như còn đang muốn lấy lại những khoản tiền mà nước này đã đổ vào chiến trường Ukraine - khoản tiền mà như Tổng thống Trump tuyên bố là lên đến 500 tỷ USD - một con số khổng lồ so với một Ukraine đang kiệt quệ vì chiến tranh. Thỏa thuận đất hiếm sẽ là bước đi đầu tiên trong quá trình trên. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề tồn đọng, trong đó nổi bật là vấn đề đảm bảo an ninh. Ukraine kiên định với ý kiến về một thỏa thuận khoáng sản trong đó bao gồm cam kết rằng Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho nước này. Về phần mình, ông Trump ưu tiên cho một giải pháp kết thúc xung đột mà trong đó, việc tránh đụng độ trực tiếp với Nga là vô cùng quan trọng. Ukraine muốn nằm dưới ô bảo hộ của phương Tây khi ông Zelensky tuyên bố sẵn sàng từ chức để đổi lấy tư cách thành viên NATO của Ukraine. Tuy nhiên, việc Ukraine gia nhập NATO chẳng khác gì một mối đe dọa trực tiếp đối với Nga - điều sẽ đi ngược lại những gì mà Trump đang cố vun đắp trong suốt vài tuần qua.
Trong bối cảnh cục diện chiến trường đang bất lợi cho Ukraine, việc mất đi tiếng nói ủng hộ của Mỹ dường như đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho một thất bại đang chờ đón Kiev. Và có lẽ, việc Ukraine nên làm lúc này là cân nhắc xem nên làm cách nào để thiệt hại ít nhất thay vì cố đi tìm một chiến thắng - viễn cảnh gần như không thể xảy ra.
Đối với Tây Âu, việc Mỹ nhượng bộ Nga trong vấn đề Ukraine đang đổ thêm dầu vào lửa vào quan hệ an ninh Mỹ - Tây Âu vốn đang trên đà lao dốc. Mọi chuyện đã nóng lên từ sau bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) vào tháng 2 khi ông chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu rằng họ đang đi chệch hướng khỏi các giá trị dân chủ thông qua việc phản đối các đảng phái cực hữu và tiến hành kiểm duyệt truyền thông. Vance cũng nhấn mạnh rằng châu Âu cần đóng góp nhiều hơn trong mối quan hệ an ninh với Mỹ.
Vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Nga và Mỹ đã gạt ra ngoài vai trò của châu Âu trong vấn đề Ukraine. Ngay sau khi cuộc đàm phán Nga – Mỹ lần 1 bắt đầu diễn ra tại Riyadh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập một cuộc họp của giới lãnh đạo châu Âu tại Paris với sự tham gia của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, Tổng thư ký NATO Mark Rutte, cùng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác. Nếu như Ukraine lo ngại vì cánh cửa vào NATO của họ đang dần khép lại thì Tây Âu lại có một nỗi lo khác: nỗi lo về một viễn cảnh phải chống lại áp lực từ Nga khi Mỹ sẽ không còn hỗ trợ họ nhiệt thành như trước.
Cái bắt tay của Nga và Mỹ đặt Tây Âu trước hai lựa chọn: đóng góp nhiều hơn theo đúng những gì mà ông Trump mong muốn hoặc xây dựng một chính sách an ninh độc lập hơn với Mỹ. Lựa chọn thứ hai dường như khó khả thi hơn so với lựa chọn thứ nhất khi mà cuộc chiến tại Ukraine đã vắt kiệt kho vũ khí của các nước châu Âu. Thậm chí, kể cả khi kho vũ khí châu Âu còn dồi dào đi nữa thì vẫn có một số loại vũ khí (đặc biệt là các vũ khí chiến lược như tên lửa Patriot hay HIMARS) mà phía châu Âu chưa thể sản xuất chúng (trong khi Mỹ lại có thừa năng lực phát triển các loại vũ khí này).
Tổng thống Putin liên tục khẳng định rằng Nga không có ý định tấn công NATO, song điều đó không làm giảm đi tầm quan trọng của Ukraine như một quốc gia mang tính chất sống còn đối với Tây Âu. Ukraine từ lâu đã đóng vai trò như một vùng đệm giữa Nga và Tây Âu. Do đó, việc phương Tây tiếp tục “bảo bọc” Ukraine bằng cả vũ khí và động viên ngoại giao giúp Tây Âu duy trì tính răn đe nhất định với Nga. Ít nhất là trong tư duy của các quốc gia trong khu vực, việc để mất Ukraine đồng nghĩa với việc Tây Âu không còn “lá chắn bảo vệ” khỏi các tên lửa của Nga. Theo đó, các quốc gia trong khu vực sẽ ở vào tình thế dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Tầm quan trọng của Ukraine đối với an ninh châu Âu cũng phần nào giải thích cho thái độ cương quyết của Tây Âu trong việc bảo vệ Ukraine. Sau cuộc tranh luận gay gắt giữa ông Zelensky và Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 28/2, hàng loạt các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng ủng hộ Ukraine và bày tỏ sự đoàn kết với Kiev trong việc tiếp tục cuộc chiến chống Nga. Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố Anh sẵn sàng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine và yêu cầu Mỹ tham gia vào quá trình đảm bảo an ninh cho Ukraine nhằm ngăn chặn việc Moscow xâm lược Kiev một lần nữa. Tuy nhiên Trump không tỏ ra quá mặn mà với ý định trên. Tổng thống thứ 47 của Mỹ tuyên bố siêu cường này sẽ không bảo đảm an ninh cho Ukraine và chính các nước châu Âu sẽ phải làm điều đó với tư cách là một hàng xóm sát sườn Ukraine.
Như vậy, vấn đề đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ là phép thử quan trọng cho các nước EU về việc họ sẽ phản ứng ra sao với áp lực ngày càng lớn từ Nga. Không chỉ vậy, vấn đề cũng rất quan trọng là EU sẽ phải điều chỉnh chính sách kinh tế và an ninh để thích ứng trước cục diện địa chính trị rất có thể bất lợi nhiều hơn cho họ. Cả hai vấn đề này đều có thể là “nan đề” cho các quốc gia trong khu vực.
Quỹ thời gian của Ukraine đang cạn dần?
Song song với việc gánh chịu nhiều bất lợi trên mặt trận đối ngoại, Ukraine cũng đang chật vật trước sức ép từ lực lượng của Nga. Bên cạnh việc bị tấn công dồn dập từ nhiều hướng, tại vùng Kursk – nơi được nhận định sẽ là con bài mặc cả của Ukraine trên bàn đàm phán, diện tích lãnh thổ mà Kiev còn kiểm soát đang bị thu hẹp dần. Theo đó, Nga đang đẩy lùi quân Ukraine về phía tỉnh Sumy sát biên giới với Nga và đã bước đầu tiến vào thành phố chiến lược Sudzha. Việc Ukraine đang dần bị đẩy lùi khỏi Kursk báo hiệu rằng thời gian của nước này không còn nhiều.
Gần đây, Ukraine đã có một số động thái quan trọng liên quan đến cuộc chiến. Tổng thống Zelensky đồng ý một lệnh ngừng bắn 30 ngày và Ukraine tiến hành một cuộc tấn công lớn bằng drone đối với Rusia vào đêm ngày 10 và 11/3.
Có ít nhất hai hàm ý từ những hành động này. Thứ nhất, với việc đồng ý lệnh ngừng bắn, Ukraine có thể đóng băng cục diện hiện tại nhằm tranh thủ thời gian để củng cố các tuyến phòng thủ đang trên đà sụp đổ trước cường độ tấn công dồn dập từ phía Moscow. Mặt khác, đây là bước đi nhượng bộ để lấy lòng Mỹ nhằm nối lại các viện trợ vốn đã bị tạm dừng sau cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Zelensky tại Nhà Trắng.
Thứ hai, việc tấn công vào Moscow bằng drone với quy mô lớn có thể giúp Ukraine chứng tỏ năng lực cho các đồng minh rằng nước này vẫn còn đủ sức duy trì phòng thủ và tổ chức các cuộc phản công nếu vẫn nhận được các khoản viện trợ từ phương Tây. Sức sống của quân đội Ukraine phụ thuộc rất lớn vào vũ khí trang bị từ bên ngoài. Do đó, việc nguồn viện trợ (đặc biệt là từ Mỹ) bị dừng lại không khác gì một “án tử” dành cho Kiev.
Tuy nhiên, Ukraine lại không nắm đằng chuôi trong vấn đề này. Phía Nga đang có lợi thế lớn, và họ sẽ không dễ dàng từ bỏ đà tiến công hiện tại. Đúng như tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio “Hành động tiếp theo sẽ phụ thuộc vào quyết định của Nga”. Từ phía Nga, Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình và không loại trừ khả năng đại diện cấp cao của Nga và Mỹ sẽ nhóm họp để thảo luận về vấn đề này. Phía Nga đang nắm thế chủ động trong vấn đề đàm phán, và quyết định của Moscow sẽ tác động đến tương lai của chiến trường trong những ngày sắp tới.
Quỹ thời gian để Ukraine đưa ra quyết định đang cạn dần, và lựa chọn của ông Zelensky sẽ là gì? Chấp nhận một thỏa thuận chắc chắn sẽ không có lợi cho Ukraine hay kiên quyết theo đuổi đến cùng cuộc chiến? Có lẽ chỉ Kiev mới có thể đưa ra câu trả lời.
Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là cuộc chiến tại Ukraine sẽ đánh dấu sự thay đổi to lớn trong chính sách an ninh của Tây Âu. Cụ thể là khu vực sẽ phải nỗ lực rất lớn nếu muốn độc lập hơn với Mỹ và ngăn chặn mối hiểm họa từ Nga.
Phạm Vũ Tấn Dũng hiện là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao. Dũng quan tâm đến an ninh quân sự, chính trị quốc tế và các điểm nóng địa chính trị trên thế giới. Độc giả có thể trao đổi với tác giả qua email: tandzung1509@gmail.com.
Từ khoá: Ukraine Trump Putin Nga - Mỹ chiến trang Nga - Ukraine