Nga - Trung ở Bắc Cực: Hợp tác chiến lược hay gắn bó nhất thời?

Hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh ở Bắc Cực khó phát triển lên tầm chiến lược vì bị kìm hãm bởi sự thiếu gắn bó về lợi ích và sự dè chừng lẫn nhau.

Phan Nhật Bình 01/11/2024
Image
Các thành viên của nhóm thám hiểm khoa học Bắc Băng Dương của Trung Quốc trên tàu phá băng cực Xuelong 2 vào ngày 6/8. (C): Wei Hongyi/Xinhua/NBC News

Bắc Cực là khu vực có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế to lớn đối với Nga và các quốc gia khác có chủ quyền tại đây, gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển. Nơi đây sở hữu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, với ước tính 22% trữ lượng dầu khí chưa được khám phá còn lại của thế giới (tương đương 412 tỷ thùng dầu), cùng với một lượng lớn khoáng sản bao gồm quặng sắt, đồng, niken, kẽm phốt phát và kim cương. Kể từ năm 2011, hơn 8 triệu tấn cá từ vùng biển Bắc Cực được khai thác hằng năm cho mục đích thương mại.

Khi băng Bắc Cực tan dần do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực này bắt đầu hình thành tuyến đường biển huyết mạch cho vận chuyển năng lượng giữa châu Á và châu Âu - Tuyến đường Biển Bắc (NSR), hiện đang được Nga và Trung Quốc tích cực hợp tác để phát triển. Song, liệu rằng hợp tác Nga - Trung ở Bắc Cực mang tính chiến lược hay chỉ là sự “tranh thủ cơ hội” mang tính nhất thời từ cả hai cường quốc?

Hình 1. Bản đồ Bắc Cực với tám quốc gia có chủ quyền lãnh thổ tại khu vực này là Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, và Thụy Điển. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nga, Trung Quốc tăng cường hợp tác ở Bắc Cực

Nga và Trung Quốc đều là những “tay chơi lớn” ở Bắc Cực. Tuy không có chủ quyền ở Bắc Cực, Bắc Kinh trong những năm gần đây đã tăng cường hiện diện ở khu vực này thông qua việc đầu tư trên lãnh thổ của Nga. Trong khi đó, Moscow đang tìm cách thông qua Trung Quốc để tăng cường kiểm soát vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia tại khu vực này.

Mặc dù chỉ có 1,3% dân cư Nga sinh sống tại Bắc Cực, khu vực này tạo ra 10-15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 25% xuất khẩu của Moscow, và dự kiến những con số này sẽ còn gia tăng. Bắc Cực cũng rất quan trọng đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Nga, với 80% khí đốt tự nhiên và 17% sản lượng dầu của Nga đến từ khu vực này.

Về phía Trung Quốc, an ninh năng lượng của nước này vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều rủi ro khi các tuyến đường vận chuyển năng lượng truyền thống, như tuyến từ Vịnh Ba Tư qua eo biển Malacca và tuyến qua kênh đào Suez, gặp nhiều thách thức do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và nguy cơ bị quân đội Mỹ cản trở. Trong bối cảnh đó, tuyến đường NSR ở khu vực Bắc Cực, nối châu Âu với châu Á qua Bắc Băng Dương, đang trở thành một trong những tuyến đường thay thế quan trọng của Trung Quốc.

NSR là tuyến đường vận tải dài 5.600 km kết nối châu Á với châu Âu, chạy dọc bờ biển Bắc Cực của Nga từ Murmansk trên Biển Barents, qua Siberia, đến eo biển Bering và Viễn Đông. Đây là tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa phần phía tây của Á - Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2018, chính phủ Nga đã trao cho Rosatom quyền hoạt động như nhà điều hành cơ sở hạ tầng của NSR. Tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu năng lượng từ Nga đến Trung Quốc, đặc biệt là sau khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ vào tháng 10/2023.

Năm 2017, hai nước đã đồng ý phát triển “Con đường tơ lụa vùng cực” (Polar Silk Road) dọc theo NSR như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative). Tuy nhiên, cho đến gầy đây, hợp tác Nga - Trung dọc theo NSR mới có bước tiến triển mới. Cụ thể, vào tháng 6, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF-2024), hai nước đã thỏa thuận thiết lập tuyến vận chuyển container quanh năm dọc theo NSR, dự kiến vận chuyển khoảng 3 triệu tấn hàng hóa quá cảnh vào cuối năm nay. Đến tháng 8/2024, sau cuộc họp giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, hai nước đã nhất trí tiếp tục mở rộng các liên kết vận chuyển container ở Bắc Cực qua việc ra mắt dịch vụ vận tải đa phương thức đường sắt kết hợp đường biển có tên Arctic Express No 1. Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban chung để phát triển tuyến NSR.

Trong lĩnh vực năng lượng, đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc vào lãnh thổ Bắc Cực của Nga bắt đầu từ năm 2013 khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc mua 20% dự án xử lý khí đốt tự nhiên Yamal LNG của Moscow. Năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tiếp tục mua 20% dự án Dự án Arctic LNG 2 từ chủ sở hữu là Novatek - nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga (sau Gazprom). Đến tháng 5 năm nay, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã thăm Trung Quốc và cho biết “trong tương lai gần” hai nước sẽ ký hợp đồng về đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia-2 để dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc.

Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc đã cử đại diện Cảnh sát biển tham gia quan sát cuộc tập trận Tuần tra Bắc Cực 2023 do Nga tổ chức, góp phần mở rộng sự hiện diện quân sự mang tính phối hợp giữa hai cường quốc tại khu vực này. Tháng 9/2022, Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận quân sự đa phương Vostok 2022 ở Nga, bao gồm các cuộc diễn tập hải quân mở rộng ra Bắc Cực và các vùng biển lân cận. Tháng 7/2023, Trung Quốc và Nga đã tiến hành hoạt động tuần tra không quân chung chỉ cách bờ biển Alaska của Mỹ khoảng 320km. Ngày 16/9 năm nay, các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và các tàu của Cơ quan Biên phòng Nga đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung mang tên “Tuần tra Thái Bình Dương 2024” (Pacific Patrol 2024) ở Vịnh Peter Đại đế, một phần của nhiệm vụ rộng lớn hơn bao gồm cuộc tuần tra 35 ngày qua Bắc Thái Bình Dương và vào Bắc Băng Dương. Ngày 2/10, hạm đội Cảnh sát biển Trung Quốc lần đầu tiên tiến vào Biển Bắc Cực để tiến hành tuần tra chung với Nga. Những động thái trên cho thấy Nga và Trung Quốc trong thời gian qua không chỉ đẩy mạnh hợp tác về năng lượng và đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn phối hợp để tăng cường sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực.

Ngày 3/3/2022, một tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tấn công Ukraine, Nhóm Bắc Cực 7 (Arctic 7) bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ đã ra tuyên bố chung thông báo đình chỉ hợp tác với Nga trong Hội đồng Bắc Cực (Arctic Council). Liên quan đến việc này, Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ không công nhận Hội đồng Bắc Cực nếu không có Nga.

Nhìn chung, hợp tác Nga - Trung ở Bắc Cực trong thời gian gần đây đã mở rộng đáng kể với các hoạt động chung liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh năng lượng, tập trận quân sự và phối hợp ngoại giao trong Hội đồng Bắc Cực.

Chiến lược hay nhất thời?

Mặc dù Nga và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác ở Bắc Cực, kết quả hợp tác trên thực tế vẫn còn khá khiêm tốn, nhất là vẫn vắng bóng những dự án phối hợp mang tính chiến lược. Đáng nói là, rào cản trong quan hệ hợp tác lại khá đáng kể.

Hợp tác giữa hai nước ở khu vực chỉ mới được thúc đẩy từ sau chiến tranh Nga - Ukraine, khi đầu tư của phương Tây vào Bắc Cực của Nga, đặc biệt là dự án trọng điểm Arctic LNG 2, đã dừng hoàn toàn theo các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Thực tế đó khiến Nga thiếu hụt kinh phí để phát triển cơ sở tài nguyên chiến lược ở Bắc Cực, một mục tiêu được nêu rõ trong chiến lược Bắc Cực của nước này (có tên gọi chính thức là “Những nguyên tắc cơ bản của Chính sách nhà nước của Liên bang Nga ở Bắc Cực cho đến năm 2035”). Do đó, Moscow cần Bắc Kinh để khỏa lấp các khoảng trống tại Bắc Cực sau khi phương Tây rời đi.

Xem xét một cách tổng thể, các nội dung hợp tác giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực từ trước đến nay thường bị đình trệ hoặc biểu hiện khá mờ nhạt. Chiến lược Bắc Cực của Trung Quốc (China’s Arctic Policy) vào năm 2018 chỉ đề cập đến Nga hai lần, trong đó coi Nga là một trong nhiều đối tác tiềm năng mà không có sự liên kết rõ ràng. Đầu tư của Trung Quốc hầu như không đủ để giải quyết những thiếu sót nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng đang gây khó khăn cho lãnh thổ Bắc Cực của Nga.

Bên cạnh đó, Dự án Con đường tơ lụa vùng cực đã bị cản trở bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và sự đối kháng từ châu Âu, khiến việc phát triển các tuyến đường thương mại qua lãnh thổ Nga trở nên kém hấp dẫn hơn đối với Trung Quốc. Kể cả khi Con đường tơ lụa vùng cực được triển khai suôn sẻ, đây vẫn được đánh giá là một chiến lược được thiết kế để tạo ra lợi thế kinh tế cho Trung Quốc ở Bắc Cực, thay vì Nga. Cùng với đó, hiện nay, hợp tác hạ tầng giữa Bắc Kinh và Moscow trên danh nghĩa vẫn tập trung vào việc mở rộng các liên kết vận chuyển container ở Bắc Cực qua việc ra mắt Arctic Express No 1 mà chưa có dự án lớn nào khác được thực thi.

Trung Quốc cũng không hề nắm nhiều thị phần trong các dự án LNG trọng điểm của Nga ở Bắc Cực. Cụ thể, trong liên doanh Yamal LNG, tỷ lệ sở hữu của Trung Quốc chỉ đạt 29,9%, trong khi công ty Novatek của Nga chiếm đa số với 50,1%. Tương tự, tại dự án LNG Bắc Cực-2, Novatek vẫn giữ vị thế chủ đạo với 60% cổ phần, còn Trung Quốc chỉ sở hữu 20%. Trong tương lai, nhiều dự án năng lượng mới của Nga tại khu vực Bắc Cực như Ob (LNG), Vostok (dầu), Arctic-1 (LNG) và Arctic-3 (LNG) - vốn nằm gần các dự án hiện hữu tại bán đảo Yamal - được dự đoán sẽ thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư.

Trong khi đó, Nga lại đang phát triển những chiến lược độc lập với các đồng minh thân tín khác thay vì chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc. Thông điệp về Bắc Cực trong khái niệm chính sách đối ngoại Nga năm 2023 nổi bật lên xu hướng “Nga tự cung tự cấp và cởi mở hợp tác với tất cả những ai mong muốn tôn trọng lợi ích” của Nga, và Trung Quốc chỉ được nhắc đến như một trong số những đối tác của nước này.

Tại Bắc Cực, Nga đặt ra ưu tiên hàng đầu là phát triển toàn diện Trung tâm Giao thông Murmansk - căn cứ chính của tuyến NSR và để khám phá Bắc Cực. Dự án này bao gồm việc xây dựng một tuyến đường sắt dài 49,7 km đến cảng Lavna và một đường hầm đôi dài 926 m trên tuyến đường sắt xuyên Siberia, nhằm tăng lượng hàng hóa qua cảng Murmansk lên 110 triệu tấn vào năm 2027. Đáng chú ý, đối tác chính của Nga trong dự án này là Belarus chứ không phải Trung Quốc.

Ấn Độ cũng đang nổi lên như một đối tác quan trọng trong chiến lược Bắc Cực của Nga. Là nước tiêu thụ hydrocarbon (nguyên liệu sử dụng trong các ngành công nghiệp năng lượng như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, xăng dầu, và dầu diesel) lớn thứ ba thế giới với nhu cầu dự kiến sẽ tăng cho đến năm 2050, Ấn Độ trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nguồn tài nguyên Bắc Cực của Nga. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ấn Độ đã diễn ra kể từ năm 2019 về việc thực hiện các chế độ di cư đặc biệt để đưa lao động Ấn Độ đến Viễn Đông và Bắc Cực của Nga để sản xuất lương thực. Không kém phần quan trọng, Ấn Độ, Nhật Bản, Saudi Arabia và Hàn Quốc đều đang can dự theo nhiều cách vào các dự án năng lượng Bắc Cực của Nga, cho thấy Trung Quốc không phải là đối tác đang chiếm ưu thế của Moscow ở khu vực này.

Một điểm đáng chú ý khác là Nga đang đơn phương tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực dọc theo NSR, trong đó có việc củng cố hoạt động của Hạm đội Biển Bắc tại khu vực này. Việc tăng cường hiện diện quân sự đơn phương của Moscow ở Bắc Cực có thể được coi là một phần của chiến lược khẳng định quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ tại khu vực này trước các ảnh hưởng từ bên ngoài, bao gồm cả những ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Riêng với Trung Quốc, nỗ lực cân bằng quan hệ với phương Tây cũng như căng thẳng chiến lược Mỹ - Trung sẽ tiếp tục là thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trước khi xúc tiến bất kỳ hoạt động hợp tác chiến lược nào với Nga ở khu vực Bắc Cực. Áp lực kinh tế từ các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng đã khiến một số khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án của Nga bị thu hẹp hoặc trì hoãn. Sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc tập trận do Nga tổ chức ở Bắc Cực cũng được đánh giá chủ yếu mang tính “biểu diễn” hơn là nỗ lực thực sự nhằm phát triển khả năng tương tác, phản ánh sự thiếu tin tưởng giữa hai quốc gia.

Lòng tin chiến lược đóng vai trò nền tảng trong việc phát triển mối quan hệ giữa các quốc gia. Tuy nhiên, đối với quan hệ Nga - Trung, yếu tố này còn nhiều hạn chế do hai bên vẫn duy trì tâm lý đề phòng nhau. Điều này thể hiện rõ qua việc Moscow trong lịch sử luôn thận trọng trong chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến cho Bắc Kinh, bởi lo ngại việc tăng cường tiềm lực quân sự của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Nga.

Hiện nay, hợp tác Nga - Trung về tổng thể cũng được đánh giá là một mối quan hệ bất cân xứng, với Nga là đối tác yếu hơn trong mối quan hệ song phương, và Trung Quốc (vốn hiểu rõ sự chênh lệch quyền lực này) đã và đang khai thác tình hình của Moscow cho mục đích riêng của mình. Vì không có chủ quyền ở Bắc Cực trong khi vẫn muốn mở rộng ảnh hưởng toàn diện trên cả bốn trụ cột chính trị, kinh tế, khoa học và quân sự ở khu vực giàu tài nguyên và khoáng sản này, Trung Quốc đang muốn thông qua hợp tác với các quốc gia có chủ quyền ở Bắc Cực để đạt được những lợi ích trên. Tuy nhiên, các nước phương Tây như Mỹ, Đan Mạch và Canada đến nay vẫn đang ngăn chặn hoặc hạn chế đầu tư của Bắc Kinh vào các ngành công nghiệp quan trọng đối với lợi ích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong bối cảnh đó, sự đón chào của Nga trở thành cơ hội “béo bở” để Trung Quốc hiện thực hoá tham vọng ở Bắc Cực. Trước tình thế hợp tác có vẻ “dùng dằng” này, rất khó có khả năng Nga vì tin tưởng mà đưa Trung Quốc can dự sâu sắc hơn vào các chiến lược phát triển của mình ở Bắc Cực trong thời gian tới.

Có thể kết luận rằng, mối quan hệ hợp tác Nga - Trung tại khu vực Bắc Cực hiện nay chủ yếu mang tính thực dụng và đáp ứng nhu cầu trước mắt của cả hai bên, thay vì hướng tới một tầm nhìn chiến lược dài hạn. Bắc Kinh không chỉ đang tìm kiếm cơ hội tiếp cận các tuyến đường vận chuyển năng lượng hiệu quả qua Bắc Cực và khai thác tài nguyên tại khu vực này, mà còn muốn “mượn” việc hợp tác với Nga để mở rộng ảnh hưởng toàn diện tại khu vực khi mà Trung Quốc không được các nước phương Tây có chủ quyền tại đây chào đón. Trong khi đó, Moscow cần sự hiện diện của các đối tác mới để bù đắp khoảng trống sau khi các công ty phương Tây rút lui, qua đó duy trì tính chính danh trong việc thực thi chủ quyền tại khu vực.

Thực tế này phản ánh bức tranh rộng lớn hơn về mối quan hệ “đối tác vì lợi ích” (friends with benefits) giữa Nga và Trung Quốc trong bối cảnh cả hai nước đều đang bị Mỹ và phương Tây cô lập. Họ buộc phải “nắm tay nhau vượt mọi chông gai” dù không hoàn toàn tin cậy lẫn nhau, và hợp tác ở Bắc Cực chỉ là một phần trong chiến lược này, thể hiện rõ tính chất thực dụng và tạm thời của liên kết Moscow - Bắc Kinh.

Bắc Cực là khu vực có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế to lớn đối với Nga và các quốc gia khác có chủ quyền tại đây, gồm Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển. Nơi đây sở hữu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, với ước tính 22% trữ lượng dầu khí chưa được khám phá còn lại của thế giới (tương đương 412 tỷ thùng dầu), cùng với một lượng lớn khoáng sản bao gồm quặng sắt, đồng, niken, kẽm phốt phát và kim cương. Kể từ năm 2011, hơn 8 triệu tấn cá từ vùng biển Bắc Cực được khai thác hằng năm cho mục đích thương mại.

Khi băng Bắc Cực tan dần do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực này bắt đầu hình thành tuyến đường biển huyết mạch cho vận chuyển năng lượng giữa châu Á và châu Âu - Tuyến đường Biển Bắc (NSR), hiện đang được Nga và Trung Quốc tích cực hợp tác để phát triển. Song, liệu rằng hợp tác Nga - Trung ở Bắc Cực mang tính chiến lược hay chỉ là sự “tranh thủ cơ hội” mang tính nhất thời từ cả hai cường quốc?

Hình 1. Bản đồ Bắc Cực với tám quốc gia có chủ quyền lãnh thổ tại khu vực này là Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, và Thụy Điển. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nga, Trung Quốc tăng cường hợp tác ở Bắc Cực

Nga và Trung Quốc đều là những “tay chơi lớn” ở Bắc Cực. Tuy không có chủ quyền ở Bắc Cực, Bắc Kinh trong những năm gần đây đã tăng cường hiện diện ở khu vực này thông qua việc đầu tư trên lãnh thổ của Nga. Trong khi đó, Moscow đang tìm cách thông qua Trung Quốc để tăng cường kiểm soát vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia tại khu vực này.

Mặc dù chỉ có 1,3% dân cư Nga sinh sống tại Bắc Cực, khu vực này tạo ra 10-15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 25% xuất khẩu của Moscow, và dự kiến những con số này sẽ còn gia tăng. Bắc Cực cũng rất quan trọng đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Nga, với 80% khí đốt tự nhiên và 17% sản lượng dầu của Nga đến từ khu vực này.

Về phía Trung Quốc, an ninh năng lượng của nước này vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều rủi ro khi các tuyến đường vận chuyển năng lượng truyền thống, như tuyến từ Vịnh Ba Tư qua eo biển Malacca và tuyến qua kênh đào Suez, gặp nhiều thách thức do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và nguy cơ bị quân đội Mỹ cản trở. Trong bối cảnh đó, tuyến đường NSR ở khu vực Bắc Cực, nối châu Âu với châu Á qua Bắc Băng Dương, đang trở thành một trong những tuyến đường thay thế quan trọng của Trung Quốc.

NSR là tuyến đường vận tải dài 5.600 km kết nối châu Á với châu Âu, chạy dọc bờ biển Bắc Cực của Nga từ Murmansk trên Biển Barents, qua Siberia, đến eo biển Bering và Viễn Đông. Đây là tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa phần phía tây của Á - Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2018, chính phủ Nga đã trao cho Rosatom quyền hoạt động như nhà điều hành cơ sở hạ tầng của NSR. Tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu năng lượng từ Nga đến Trung Quốc, đặc biệt là sau khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ vào tháng 10/2023.

Năm 2017, hai nước đã đồng ý phát triển “Con đường tơ lụa vùng cực” (Polar Silk Road) dọc theo NSR như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative). Tuy nhiên, cho đến gầy đây, hợp tác Nga - Trung dọc theo NSR mới có bước tiến triển mới. Cụ thể, vào tháng 6, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF-2024), hai nước đã thỏa thuận thiết lập tuyến vận chuyển container quanh năm dọc theo NSR, dự kiến vận chuyển khoảng 3 triệu tấn hàng hóa quá cảnh vào cuối năm nay. Đến tháng 8/2024, sau cuộc họp giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, hai nước đã nhất trí tiếp tục mở rộng các liên kết vận chuyển container ở Bắc Cực qua việc ra mắt dịch vụ vận tải đa phương thức đường sắt kết hợp đường biển có tên Arctic Express No 1. Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban chung để phát triển tuyến NSR.

Trong lĩnh vực năng lượng, đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc vào lãnh thổ Bắc Cực của Nga bắt đầu từ năm 2013 khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc mua 20% dự án xử lý khí đốt tự nhiên Yamal LNG của Moscow. Năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tiếp tục mua 20% dự án Dự án Arctic LNG 2 từ chủ sở hữu là Novatek - nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga (sau Gazprom). Đến tháng 5 năm nay, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã thăm Trung Quốc và cho biết “trong tương lai gần” hai nước sẽ ký hợp đồng về đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia-2 để dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc.

Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc đã cử đại diện Cảnh sát biển tham gia quan sát cuộc tập trận Tuần tra Bắc Cực 2023 do Nga tổ chức, góp phần mở rộng sự hiện diện quân sự mang tính phối hợp giữa hai cường quốc tại khu vực này. Tháng 9/2022, Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận quân sự đa phương Vostok 2022 ở Nga, bao gồm các cuộc diễn tập hải quân mở rộng ra Bắc Cực và các vùng biển lân cận. Tháng 7/2023, Trung Quốc và Nga đã tiến hành hoạt động tuần tra không quân chung chỉ cách bờ biển Alaska của Mỹ khoảng 320km. Ngày 16/9 năm nay, các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và các tàu của Cơ quan Biên phòng Nga đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung mang tên “Tuần tra Thái Bình Dương 2024” (Pacific Patrol 2024) ở Vịnh Peter Đại đế, một phần của nhiệm vụ rộng lớn hơn bao gồm cuộc tuần tra 35 ngày qua Bắc Thái Bình Dương và vào Bắc Băng Dương. Ngày 2/10, hạm đội Cảnh sát biển Trung Quốc lần đầu tiên tiến vào Biển Bắc Cực để tiến hành tuần tra chung với Nga. Những động thái trên cho thấy Nga và Trung Quốc trong thời gian qua không chỉ đẩy mạnh hợp tác về năng lượng và đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn phối hợp để tăng cường sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực.

Ngày 3/3/2022, một tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tấn công Ukraine, Nhóm Bắc Cực 7 (Arctic 7) bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ đã ra tuyên bố chung thông báo đình chỉ hợp tác với Nga trong Hội đồng Bắc Cực (Arctic Council). Liên quan đến việc này, Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ không công nhận Hội đồng Bắc Cực nếu không có Nga.

Nhìn chung, hợp tác Nga - Trung ở Bắc Cực trong thời gian gần đây đã mở rộng đáng kể với các hoạt động chung liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh năng lượng, tập trận quân sự và phối hợp ngoại giao trong Hội đồng Bắc Cực.

Chiến lược hay nhất thời?

Mặc dù Nga và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác ở Bắc Cực, kết quả hợp tác trên thực tế vẫn còn khá khiêm tốn, nhất là vẫn vắng bóng những dự án phối hợp mang tính chiến lược. Đáng nói là, rào cản trong quan hệ hợp tác lại khá đáng kể.

Hợp tác giữa hai nước ở khu vực chỉ mới được thúc đẩy từ sau chiến tranh Nga - Ukraine, khi đầu tư của phương Tây vào Bắc Cực của Nga, đặc biệt là dự án trọng điểm Arctic LNG 2, đã dừng hoàn toàn theo các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Thực tế đó khiến Nga thiếu hụt kinh phí để phát triển cơ sở tài nguyên chiến lược ở Bắc Cực, một mục tiêu được nêu rõ trong chiến lược Bắc Cực của nước này (có tên gọi chính thức là “Những nguyên tắc cơ bản của Chính sách nhà nước của Liên bang Nga ở Bắc Cực cho đến năm 2035”). Do đó, Moscow cần Bắc Kinh để khỏa lấp các khoảng trống tại Bắc Cực sau khi phương Tây rời đi.

Xem xét một cách tổng thể, các nội dung hợp tác giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực từ trước đến nay thường bị đình trệ hoặc biểu hiện khá mờ nhạt. Chiến lược Bắc Cực của Trung Quốc (China’s Arctic Policy) vào năm 2018 chỉ đề cập đến Nga hai lần, trong đó coi Nga là một trong nhiều đối tác tiềm năng mà không có sự liên kết rõ ràng. Đầu tư của Trung Quốc hầu như không đủ để giải quyết những thiếu sót nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng đang gây khó khăn cho lãnh thổ Bắc Cực của Nga.

Bên cạnh đó, Dự án Con đường tơ lụa vùng cực đã bị cản trở bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và sự đối kháng từ châu Âu, khiến việc phát triển các tuyến đường thương mại qua lãnh thổ Nga trở nên kém hấp dẫn hơn đối với Trung Quốc. Kể cả khi Con đường tơ lụa vùng cực được triển khai suôn sẻ, đây vẫn được đánh giá là một chiến lược được thiết kế để tạo ra lợi thế kinh tế cho Trung Quốc ở Bắc Cực, thay vì Nga. Cùng với đó, hiện nay, hợp tác hạ tầng giữa Bắc Kinh và Moscow trên danh nghĩa vẫn tập trung vào việc mở rộng các liên kết vận chuyển container ở Bắc Cực qua việc ra mắt Arctic Express No 1 mà chưa có dự án lớn nào khác được thực thi.

Trung Quốc cũng không hề nắm nhiều thị phần trong các dự án LNG trọng điểm của Nga ở Bắc Cực. Cụ thể, trong liên doanh Yamal LNG, tỷ lệ sở hữu của Trung Quốc chỉ đạt 29,9%, trong khi công ty Novatek của Nga chiếm đa số với 50,1%. Tương tự, tại dự án LNG Bắc Cực-2, Novatek vẫn giữ vị thế chủ đạo với 60% cổ phần, còn Trung Quốc chỉ sở hữu 20%. Trong tương lai, nhiều dự án năng lượng mới của Nga tại khu vực Bắc Cực như Ob (LNG), Vostok (dầu), Arctic-1 (LNG) và Arctic-3 (LNG) - vốn nằm gần các dự án hiện hữu tại bán đảo Yamal - được dự đoán sẽ thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư.

Trong khi đó, Nga lại đang phát triển những chiến lược độc lập với các đồng minh thân tín khác thay vì chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc. Thông điệp về Bắc Cực trong khái niệm chính sách đối ngoại Nga năm 2023 nổi bật lên xu hướng “Nga tự cung tự cấp và cởi mở hợp tác với tất cả những ai mong muốn tôn trọng lợi ích” của Nga, và Trung Quốc chỉ được nhắc đến như một trong số những đối tác của nước này.

Tại Bắc Cực, Nga đặt ra ưu tiên hàng đầu là phát triển toàn diện Trung tâm Giao thông Murmansk - căn cứ chính của tuyến NSR và để khám phá Bắc Cực. Dự án này bao gồm việc xây dựng một tuyến đường sắt dài 49,7 km đến cảng Lavna và một đường hầm đôi dài 926 m trên tuyến đường sắt xuyên Siberia, nhằm tăng lượng hàng hóa qua cảng Murmansk lên 110 triệu tấn vào năm 2027. Đáng chú ý, đối tác chính của Nga trong dự án này là Belarus chứ không phải Trung Quốc.

Ấn Độ cũng đang nổi lên như một đối tác quan trọng trong chiến lược Bắc Cực của Nga. Là nước tiêu thụ hydrocarbon (nguyên liệu sử dụng trong các ngành công nghiệp năng lượng như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, xăng dầu, và dầu diesel) lớn thứ ba thế giới với nhu cầu dự kiến sẽ tăng cho đến năm 2050, Ấn Độ trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nguồn tài nguyên Bắc Cực của Nga. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ấn Độ đã diễn ra kể từ năm 2019 về việc thực hiện các chế độ di cư đặc biệt để đưa lao động Ấn Độ đến Viễn Đông và Bắc Cực của Nga để sản xuất lương thực. Không kém phần quan trọng, Ấn Độ, Nhật Bản, Saudi Arabia và Hàn Quốc đều đang can dự theo nhiều cách vào các dự án năng lượng Bắc Cực của Nga, cho thấy Trung Quốc không phải là đối tác đang chiếm ưu thế của Moscow ở khu vực này.

Một điểm đáng chú ý khác là Nga đang đơn phương tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực dọc theo NSR, trong đó có việc củng cố hoạt động của Hạm đội Biển Bắc tại khu vực này. Việc tăng cường hiện diện quân sự đơn phương của Moscow ở Bắc Cực có thể được coi là một phần của chiến lược khẳng định quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ tại khu vực này trước các ảnh hưởng từ bên ngoài, bao gồm cả những ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Riêng với Trung Quốc, nỗ lực cân bằng quan hệ với phương Tây cũng như căng thẳng chiến lược Mỹ - Trung sẽ tiếp tục là thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trước khi xúc tiến bất kỳ hoạt động hợp tác chiến lược nào với Nga ở khu vực Bắc Cực. Áp lực kinh tế từ các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng đã khiến một số khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án của Nga bị thu hẹp hoặc trì hoãn. Sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc tập trận do Nga tổ chức ở Bắc Cực cũng được đánh giá chủ yếu mang tính “biểu diễn” hơn là nỗ lực thực sự nhằm phát triển khả năng tương tác, phản ánh sự thiếu tin tưởng giữa hai quốc gia.

Lòng tin chiến lược đóng vai trò nền tảng trong việc phát triển mối quan hệ giữa các quốc gia. Tuy nhiên, đối với quan hệ Nga - Trung, yếu tố này còn nhiều hạn chế do hai bên vẫn duy trì tâm lý đề phòng nhau. Điều này thể hiện rõ qua việc Moscow trong lịch sử luôn thận trọng trong chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến cho Bắc Kinh, bởi lo ngại việc tăng cường tiềm lực quân sự của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Nga.

Hiện nay, hợp tác Nga - Trung về tổng thể cũng được đánh giá là một mối quan hệ bất cân xứng, với Nga là đối tác yếu hơn trong mối quan hệ song phương, và Trung Quốc (vốn hiểu rõ sự chênh lệch quyền lực này) đã và đang khai thác tình hình của Moscow cho mục đích riêng của mình. Vì không có chủ quyền ở Bắc Cực trong khi vẫn muốn mở rộng ảnh hưởng toàn diện trên cả bốn trụ cột chính trị, kinh tế, khoa học và quân sự ở khu vực giàu tài nguyên và khoáng sản này, Trung Quốc đang muốn thông qua hợp tác với các quốc gia có chủ quyền ở Bắc Cực để đạt được những lợi ích trên. Tuy nhiên, các nước phương Tây như Mỹ, Đan Mạch và Canada đến nay vẫn đang ngăn chặn hoặc hạn chế đầu tư của Bắc Kinh vào các ngành công nghiệp quan trọng đối với lợi ích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong bối cảnh đó, sự đón chào của Nga trở thành cơ hội “béo bở” để Trung Quốc hiện thực hoá tham vọng ở Bắc Cực. Trước tình thế hợp tác có vẻ “dùng dằng” này, rất khó có khả năng Nga vì tin tưởng mà đưa Trung Quốc can dự sâu sắc hơn vào các chiến lược phát triển của mình ở Bắc Cực trong thời gian tới.

Có thể kết luận rằng, mối quan hệ hợp tác Nga - Trung tại khu vực Bắc Cực hiện nay chủ yếu mang tính thực dụng và đáp ứng nhu cầu trước mắt của cả hai bên, thay vì hướng tới một tầm nhìn chiến lược dài hạn. Bắc Kinh không chỉ đang tìm kiếm cơ hội tiếp cận các tuyến đường vận chuyển năng lượng hiệu quả qua Bắc Cực và khai thác tài nguyên tại khu vực này, mà còn muốn “mượn” việc hợp tác với Nga để mở rộng ảnh hưởng toàn diện tại khu vực khi mà Trung Quốc không được các nước phương Tây có chủ quyền tại đây chào đón. Trong khi đó, Moscow cần sự hiện diện của các đối tác mới để bù đắp khoảng trống sau khi các công ty phương Tây rút lui, qua đó duy trì tính chính danh trong việc thực thi chủ quyền tại khu vực.

Thực tế này phản ánh bức tranh rộng lớn hơn về mối quan hệ “đối tác vì lợi ích” (friends with benefits) giữa Nga và Trung Quốc trong bối cảnh cả hai nước đều đang bị Mỹ và phương Tây cô lập. Họ buộc phải “nắm tay nhau vượt mọi chông gai” dù không hoàn toàn tin cậy lẫn nhau, và hợp tác ở Bắc Cực chỉ là một phần trong chiến lược này, thể hiện rõ tính chất thực dụng và tạm thời của liên kết Moscow - Bắc Kinh.

Từ khoá: Bắc Cực Nga Trung Quốc hợp tác chiến lược đối tác vì lợi ích cơ sở hạ tầng an ninh năng lượng

BÀI LIÊN QUAN