Nông nghiệp và công nghiệp: Ưu tiên hợp tác trong quan hệ Trung Quốc - Campuchia

Trong chuyến thăm đến Campuchia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dành ưu tiên cho thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.

Trương Tuấn Kiệt 02/05/2024
Image
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet tại Phnom Penh, Campuchia hôm 23/4 - (C): Tân Hoa Xã

Trong ba ngày (từ 21 đến 23/4), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thực chuyến công du chính thức đến Campuchia với mục đích tạo động lực mới cho việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai (community with shared future) có chất lượng cao, trình độ cao và tiêu chuẩn cao giữa hai nước. 

Trong chuyến thăm, ông Vương Nghị đã gặp Quốc vương Norodom Sihamoni, Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Hun Manet, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Sok Chenda Sophea. Nổi bật nhất là ông Vương Nghị và Phó Thủ tướng Sun Chanthol đã đồng chủ trì cuộc họp lần thứ bảy của Ủy ban Điều phối Liên chính phủ Trung Quốc - Campuchia. Trong phiên họp, hai bên đã thảo luận về phương hướng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai trong giai đoạn tiếp theo, hướng tới mở rộng hơn nữa hợp tác song phương, đặc biệt là trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và hợp tác Lục giác Kim cương (Diamond Hexagon). 

Hợp tác Lục giác Kim cương được hai quốc gia khởi xướng từ tháng 2/2023, ưu tiên cho sáu lĩnh vực là chính trị; năng lực và chất lượng sản xuất (tức lĩnh vực công nghiệp); nông nghiệp; năng lượng; an ninh; và giao lưu nhân dân. 

Trọng tâm hợp tác nông nghiệp và công nghiệp 

Sau cuộc họp của Ủy ban Điều phối Liên chính phủ, hai bên đã ký kết ba văn kiện hợp tác liên quan đến sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho việc phát triển thủy lợi và nông nghiệp tại Campuchia. Các văn kiện bao gồm việc Trung Quốc viện trợ cung cấp nước sạch nông thôn giai đoạn hai cho Campuchia; Trung Quốc hỗ trợ đối với Quy hoạch tổng thể về phát triển nông nghiệp Campuchia; hai nước ký nghị định thư về tiêu chuẩn vệ sinh chế biến thức ăn bán thành phẩm cho chó từ da bò tại Campuchia để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đáng chú ý nhất là nội dung hợp tác về cung cấp nước sạch nông thôn, vì đây là nội dung đã được triển khai. Theo Thứ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn Campuchia kiêm người phát ngôn của Bộ này là Pit Karuna, Bắc Kinh - trong giai đoạn một - đã hỗ trợ dự án cấp nước ở các vùng nông thôn thuộc Kampong Speu, Kampong Chhnang, Kampong Thom, Kandal, Tbong Khmum và Svay Rieng bằng cách khoan 846 giếng nước và đào 73 ao cộng đồng. Trong giai đoạn hai, Trung Quốc sẽ giúp Campuchia khoan thêm 1.174 giếng nước và đào thêm 24 ao cộng đồng để chuyển nước sạch đến khu vực nông thôn ở các tỉnh Siem Reap, Pailin, Oddor Meanchey, Preah Vihear, Stung Treng, Kratie, Ratanakiri và Mondulkiri. Ngân sách thỏa thuận cho giai đoạn hai là khoảng 97,6 triệu nhân dân tệ (13,5 triệu USD), trong đó chi phí dịch vụ tư vấn là 5,9 triệu nhân dân tệ và số còn lại sử dụng cho việc xây dựng.

Trong khuôn khổ cuộc họp, lãnh đạo hai nước cũng đã thảo luận về việc xây dựng kế hoạch phát triển Hành lang Lúa gạo và Cá (Fish and Rice Corridor - FRC). Hai nước lần đầu cam kết sẽ thiết lập FRC kể từ tháng 8/2023, tuy nhiên kể từ đó đến nay nội dung này vẫn chưa đi vào thực tiễn. Theo TS. Kin Phea (Tổng giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, trực thuộc Học viện Hoàng gia), FRC được tập trung triển khai ở phía tây bắc và khu vực Hồ Tonle Sap (miền trung), là trọng tâm trong tham vọng biến Campuchia trở thành một trung tâm nông nghiệp hiện đại, với các sản phẩm chất lượng cao. 

Bên cạnh đó, hợp tác nông nghiệp còn được thể hiện thông qua cam kết của hai nước trong việc hỗ trợ Campuchia xuất khẩu nông sản chất lượng sang Trung Quốc và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Campuchia. 

Còn với lĩnh vực công nghiệp, cuộc họp đã bàn về việc triển khai “Hành lang Công nghiệp và Công nghệ” (Industrial and Technological Corridor - ITC). Tương tự với FRC, hai bên thiết lập ITC từ tháng 8/2023. Theo TS. Kin Phea, trọng tâm của ITC là hỗ trợ chuyển đổi vùng ven biển Sihanoukville (phía nam Campuchia) trở thành đặc khu kinh tế đa năng kiểu mẫu. ITC cũng được kỳ vọng sẽ khuyến khích phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư mới, thúc đẩy sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Campuchia sang thị trường Trung Quốc và thế giới. 

Những năm qua, dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc, Campuchia đã xây dựng và mở rộng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng tự trị Sihanoukville, đặc khu kinh tế Sihanoukvilleđường cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville, cũng như chuẩn bị khởi công kênh đào Funan Techo (nối cảng tự trị Phnom Penh với điểm cuối tại Sihanoukville). 

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn và tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư Trung Quốc tham gia lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp trong tương lai, hai nước đã trao đổi về sự cần thiết phải trấn áp các hoạt động bất hợp pháp như cờ bạc trực tuyến, gian lận viễn thông và buôn người. Sự gia tăng của các hoạt động bất hợp pháp như vậy trong những năm qua đã gây tổn hại đến hình ảnh của Campuchia khi dần được xem là nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm hoạt động.  

Như vậy, chuyến thăm của ông Vương Nghị đã khẳng định tầm quan trọng về sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với lộ trình phát triển công - nông nghiệp của Campuchia. Ở chiều ngược lại, Phnom Penh được hậu thuẫn về cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh nghiệm từ phía Trung Quốc để trở thành trung tâm nông nghiệp và công nghiệp trong khu vực, thông qua cải thiện chuỗi cung ứng và thu hút đầu tư từ Bắc Kinh. Gộp chung lại, các trao đổi song phương góp phần đặt nền tảng cho việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, trong đó trọng tâm là hiện đại hóa nền công nghiệp và nông nghiệp Campuchia. 

Hơn nữa, Phnom Penh và Bắc Kinh có xu hướng hoàn thiện các nội dung hợp tác trong Lục giác Kim cương. Trong thời gian qua, hai nước đã củng cố hợp tác chính trị sâu sắc (lĩnh vực ưu tiên số một) với nhiều chuyến thăm lẫn nhau như Thủ tướng Hun Manet thăm Bắc Kinh vào tháng 9/2023, hay ông Vương Nghị sang Phnom Penh hai lần vào tháng 8/2023 và sự kiện vừa qua. Với ưu tiên số một được củng cố, Campuchia và Trung Quốc đang tiến hành làm sâu sắc ưu tiên số hai (công nghiệp) và ưu tiên số ba (nông nghiệp).    

Hàm ý cho chính sách đối ngoại của Thủ tướng Hun Manet

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 78 vào ngày 22/9/2023, Thủ tướng Hun Manet khẳng định Campuchia phấn đấu “chuyển đổi từ vị thế quốc gia kém phát triển sang quốc gia đang phát triển vào năm 2027 (transitioning from Least Developed to Developing Country status in 2027). Ông Hun Manet cũng thừa nhận rằng “Campuchia còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao với sức bật tốt, năng động và thịnh vượng vào năm 2050” (Cambodia has a lot more to do to reach our goal of becoming an upper-middle-income country by 2030 and a resilient, vibrant and prosperous high-income country by 2050). 

Tầm nhìn đến năm 2050 kể trên xuất phát từ Chiến lược Ngũ giác – Giai đoạn 1 (Pentagonal Strategy - Phase I) mà Thủ tướng Hun Manet công bố tại cuộc họp đầu tiên của nội các chính phủ mới vào ngày 24/8/2023. Chiến lược này nhấn mạnh phát triển năm yếu tố: con người, đường sá, nước, điện và công nghệ. Phát triển các yếu tố này sẽ góp phần giúp Campuchia thúc đẩy tổng thể các mục tiêu kinh tế theo các cột mốc kể trên. 

Nhân chuyến thăm vừa qua của ông Vương Nghị, chính phủ Campuchia đã cùng phía Trung Quốc đồng ý tăng cường sự kết hợp giữa BRI với Chiến lược Ngũ giác trong việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai giữa hai nước, bao gồm đẩy nhanh FRC và ITC. Hai hành lang trên với một hành lang nằm ở khu vực phía bắc, miền trung, và hành lang còn lại nằm ở phía nam cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng phủ khắp Campuchia. Vì thế, những bước đi này phản ánh rằng Thủ tướng Hun Manet hiện xem Bắc Kinh là đối tác quan trọng hàng đầu trong việc thúc đẩy khát vọng và tầm nhìn phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tới.   

Lựa chọn của Thủ tướng Hun Manet là hợp lý và dễ hiểu vì trong năm 2023, Trung Quốc đã chứng minh quốc gia này vẫn là đối tác đầu tư hàng đầu của Campuchia. Với sự hỗ trợ từ Bắc Kinh, Phnom Penh đã hoàn tất Dự án Đường dây Truyền tải Trục chính và Tiểu vùng 500kV vào tháng 5. Vào tháng 8, đường vành đai 3 ở Phnom Penh với nguồn đầu tư bằng tín dụng ưu đãi người mua của Trung Quốc đã chính thức thông xe, giải tỏa hiệu quả áp lực giao thông trong khu đô thị thủ đô. Đến tháng 10, sân bay quốc tế Siem Reap Angkor do các công ty Trung Quốc xây dựng đã chính thức đi vào hoạt động. Sau đó một tháng, dự án đường cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville cũng được khánh thành.     

Hơn nữa, thông qua hai hành lang FRC, ITC cùng những dự án cơ sở hạ tầng mà Campuchia cần đến sự hỗ trợ của Trung Quốc để xây dựng, Phnom Penh mong muốn dùng chúng làm bàn đạp để đạt được kim ngạch thương mại song phương với Bắc Kinh ở mức 15 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, quan trọng hơn hết là tăng sản lượng xuất khẩu từ Campuchia sang Trung Quốc. Cho đến nay, Phnom Penh vẫn chịu mức thâm hụt lớn trong thương mại với Trung Quốc. Trong tháng 1/2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 1,15 tỷ USD, nhưng hàng hóa xuất khẩu từ Campuchia sang Trung Quốc chỉ đạt 121,73 triệu USD.    

Chính phủ Campuchia đã nhận diện được những vấn đề tồn đọng, đề ra những mục tiêu cụ thể để vươn mình về kinh tế. Tuy vậy, tương lai của nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn nhiều thách thức. Hai hành lang FRC và ITC hiện vẫn chỉ đang dừng lại ở mức bàn thảo kế hoạch phát triển cụ thể, do đó cần thêm thời gian mới có thể chứng minh tính hiệu quả thông qua những kết quả hữu hình. Trong khi đó, Campuchia hiện đang nợ Trung Quốc khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương khoảng 40% tổng số nợ nước ngoài của Phnom Penh. Vì thế, đúng như phát biểu của Thủ tướng Hun Manet, “Campuchia còn rất nhiều việc phải làm” để đạt được các mốc đề ra, trong khi phải tránh lệ thuộc đến mức không thể trả nợ cho Trung Quốc.    

Như vậy, hợp tác về kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, hiện là trọng tâm trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia. Những nội dung hợp tác như vậy góp phần hiện thực hóa tham vọng của chính phủ nước này trong việc biến Phnom Penh trở thành một trung tâm công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, hướng tới đạt được những mục tiêu xa hơn vào các cột mốc 2027, 2030 và 2050. Dù còn nhiều thách thức, nhưng trước mắt, Trung Quốc vẫn là đối tác hàng đầu và kiêm vai “người bảo trợ” cho Campuchia về cơ sở hạ tầng. Xem trọng quan hệ với Trung Quốc, nhất là ở các lĩnh vực công – nông nghiệp có thể được xem là “dòng chủ lưu” trong quan hệ quốc tế của Campuchia ở khu vực châu Á.

Trong ba ngày (từ 21 đến 23/4), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thực chuyến công du chính thức đến Campuchia với mục đích tạo động lực mới cho việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai (community with shared future) có chất lượng cao, trình độ cao và tiêu chuẩn cao giữa hai nước. 

Trong chuyến thăm, ông Vương Nghị đã gặp Quốc vương Norodom Sihamoni, Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Hun Manet, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Sok Chenda Sophea. Nổi bật nhất là ông Vương Nghị và Phó Thủ tướng Sun Chanthol đã đồng chủ trì cuộc họp lần thứ bảy của Ủy ban Điều phối Liên chính phủ Trung Quốc - Campuchia. Trong phiên họp, hai bên đã thảo luận về phương hướng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai trong giai đoạn tiếp theo, hướng tới mở rộng hơn nữa hợp tác song phương, đặc biệt là trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và hợp tác Lục giác Kim cương (Diamond Hexagon). 

Hợp tác Lục giác Kim cương được hai quốc gia khởi xướng từ tháng 2/2023, ưu tiên cho sáu lĩnh vực là chính trị; năng lực và chất lượng sản xuất (tức lĩnh vực công nghiệp); nông nghiệp; năng lượng; an ninh; và giao lưu nhân dân. 

Trọng tâm hợp tác nông nghiệp và công nghiệp 

Sau cuộc họp của Ủy ban Điều phối Liên chính phủ, hai bên đã ký kết ba văn kiện hợp tác liên quan đến sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho việc phát triển thủy lợi và nông nghiệp tại Campuchia. Các văn kiện bao gồm việc Trung Quốc viện trợ cung cấp nước sạch nông thôn giai đoạn hai cho Campuchia; Trung Quốc hỗ trợ đối với Quy hoạch tổng thể về phát triển nông nghiệp Campuchia; hai nước ký nghị định thư về tiêu chuẩn vệ sinh chế biến thức ăn bán thành phẩm cho chó từ da bò tại Campuchia để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đáng chú ý nhất là nội dung hợp tác về cung cấp nước sạch nông thôn, vì đây là nội dung đã được triển khai. Theo Thứ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn Campuchia kiêm người phát ngôn của Bộ này là Pit Karuna, Bắc Kinh - trong giai đoạn một - đã hỗ trợ dự án cấp nước ở các vùng nông thôn thuộc Kampong Speu, Kampong Chhnang, Kampong Thom, Kandal, Tbong Khmum và Svay Rieng bằng cách khoan 846 giếng nước và đào 73 ao cộng đồng. Trong giai đoạn hai, Trung Quốc sẽ giúp Campuchia khoan thêm 1.174 giếng nước và đào thêm 24 ao cộng đồng để chuyển nước sạch đến khu vực nông thôn ở các tỉnh Siem Reap, Pailin, Oddor Meanchey, Preah Vihear, Stung Treng, Kratie, Ratanakiri và Mondulkiri. Ngân sách thỏa thuận cho giai đoạn hai là khoảng 97,6 triệu nhân dân tệ (13,5 triệu USD), trong đó chi phí dịch vụ tư vấn là 5,9 triệu nhân dân tệ và số còn lại sử dụng cho việc xây dựng.

Trong khuôn khổ cuộc họp, lãnh đạo hai nước cũng đã thảo luận về việc xây dựng kế hoạch phát triển Hành lang Lúa gạo và Cá (Fish and Rice Corridor - FRC). Hai nước lần đầu cam kết sẽ thiết lập FRC kể từ tháng 8/2023, tuy nhiên kể từ đó đến nay nội dung này vẫn chưa đi vào thực tiễn. Theo TS. Kin Phea (Tổng giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, trực thuộc Học viện Hoàng gia), FRC được tập trung triển khai ở phía tây bắc và khu vực Hồ Tonle Sap (miền trung), là trọng tâm trong tham vọng biến Campuchia trở thành một trung tâm nông nghiệp hiện đại, với các sản phẩm chất lượng cao. 

Bên cạnh đó, hợp tác nông nghiệp còn được thể hiện thông qua cam kết của hai nước trong việc hỗ trợ Campuchia xuất khẩu nông sản chất lượng sang Trung Quốc và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Campuchia. 

Còn với lĩnh vực công nghiệp, cuộc họp đã bàn về việc triển khai “Hành lang Công nghiệp và Công nghệ” (Industrial and Technological Corridor - ITC). Tương tự với FRC, hai bên thiết lập ITC từ tháng 8/2023. Theo TS. Kin Phea, trọng tâm của ITC là hỗ trợ chuyển đổi vùng ven biển Sihanoukville (phía nam Campuchia) trở thành đặc khu kinh tế đa năng kiểu mẫu. ITC cũng được kỳ vọng sẽ khuyến khích phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư mới, thúc đẩy sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Campuchia sang thị trường Trung Quốc và thế giới. 

Những năm qua, dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc, Campuchia đã xây dựng và mở rộng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng tự trị Sihanoukville, đặc khu kinh tế Sihanoukvilleđường cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville, cũng như chuẩn bị khởi công kênh đào Funan Techo (nối cảng tự trị Phnom Penh với điểm cuối tại Sihanoukville). 

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn và tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư Trung Quốc tham gia lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp trong tương lai, hai nước đã trao đổi về sự cần thiết phải trấn áp các hoạt động bất hợp pháp như cờ bạc trực tuyến, gian lận viễn thông và buôn người. Sự gia tăng của các hoạt động bất hợp pháp như vậy trong những năm qua đã gây tổn hại đến hình ảnh của Campuchia khi dần được xem là nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm hoạt động.  

Như vậy, chuyến thăm của ông Vương Nghị đã khẳng định tầm quan trọng về sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với lộ trình phát triển công - nông nghiệp của Campuchia. Ở chiều ngược lại, Phnom Penh được hậu thuẫn về cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh nghiệm từ phía Trung Quốc để trở thành trung tâm nông nghiệp và công nghiệp trong khu vực, thông qua cải thiện chuỗi cung ứng và thu hút đầu tư từ Bắc Kinh. Gộp chung lại, các trao đổi song phương góp phần đặt nền tảng cho việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, trong đó trọng tâm là hiện đại hóa nền công nghiệp và nông nghiệp Campuchia. 

Hơn nữa, Phnom Penh và Bắc Kinh có xu hướng hoàn thiện các nội dung hợp tác trong Lục giác Kim cương. Trong thời gian qua, hai nước đã củng cố hợp tác chính trị sâu sắc (lĩnh vực ưu tiên số một) với nhiều chuyến thăm lẫn nhau như Thủ tướng Hun Manet thăm Bắc Kinh vào tháng 9/2023, hay ông Vương Nghị sang Phnom Penh hai lần vào tháng 8/2023 và sự kiện vừa qua. Với ưu tiên số một được củng cố, Campuchia và Trung Quốc đang tiến hành làm sâu sắc ưu tiên số hai (công nghiệp) và ưu tiên số ba (nông nghiệp).    

Hàm ý cho chính sách đối ngoại của Thủ tướng Hun Manet

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 78 vào ngày 22/9/2023, Thủ tướng Hun Manet khẳng định Campuchia phấn đấu “chuyển đổi từ vị thế quốc gia kém phát triển sang quốc gia đang phát triển vào năm 2027 (transitioning from Least Developed to Developing Country status in 2027). Ông Hun Manet cũng thừa nhận rằng “Campuchia còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao với sức bật tốt, năng động và thịnh vượng vào năm 2050” (Cambodia has a lot more to do to reach our goal of becoming an upper-middle-income country by 2030 and a resilient, vibrant and prosperous high-income country by 2050). 

Tầm nhìn đến năm 2050 kể trên xuất phát từ Chiến lược Ngũ giác – Giai đoạn 1 (Pentagonal Strategy - Phase I) mà Thủ tướng Hun Manet công bố tại cuộc họp đầu tiên của nội các chính phủ mới vào ngày 24/8/2023. Chiến lược này nhấn mạnh phát triển năm yếu tố: con người, đường sá, nước, điện và công nghệ. Phát triển các yếu tố này sẽ góp phần giúp Campuchia thúc đẩy tổng thể các mục tiêu kinh tế theo các cột mốc kể trên. 

Nhân chuyến thăm vừa qua của ông Vương Nghị, chính phủ Campuchia đã cùng phía Trung Quốc đồng ý tăng cường sự kết hợp giữa BRI với Chiến lược Ngũ giác trong việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai giữa hai nước, bao gồm đẩy nhanh FRC và ITC. Hai hành lang trên với một hành lang nằm ở khu vực phía bắc, miền trung, và hành lang còn lại nằm ở phía nam cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng phủ khắp Campuchia. Vì thế, những bước đi này phản ánh rằng Thủ tướng Hun Manet hiện xem Bắc Kinh là đối tác quan trọng hàng đầu trong việc thúc đẩy khát vọng và tầm nhìn phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tới.   

Lựa chọn của Thủ tướng Hun Manet là hợp lý và dễ hiểu vì trong năm 2023, Trung Quốc đã chứng minh quốc gia này vẫn là đối tác đầu tư hàng đầu của Campuchia. Với sự hỗ trợ từ Bắc Kinh, Phnom Penh đã hoàn tất Dự án Đường dây Truyền tải Trục chính và Tiểu vùng 500kV vào tháng 5. Vào tháng 8, đường vành đai 3 ở Phnom Penh với nguồn đầu tư bằng tín dụng ưu đãi người mua của Trung Quốc đã chính thức thông xe, giải tỏa hiệu quả áp lực giao thông trong khu đô thị thủ đô. Đến tháng 10, sân bay quốc tế Siem Reap Angkor do các công ty Trung Quốc xây dựng đã chính thức đi vào hoạt động. Sau đó một tháng, dự án đường cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville cũng được khánh thành.     

Hơn nữa, thông qua hai hành lang FRC, ITC cùng những dự án cơ sở hạ tầng mà Campuchia cần đến sự hỗ trợ của Trung Quốc để xây dựng, Phnom Penh mong muốn dùng chúng làm bàn đạp để đạt được kim ngạch thương mại song phương với Bắc Kinh ở mức 15 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, quan trọng hơn hết là tăng sản lượng xuất khẩu từ Campuchia sang Trung Quốc. Cho đến nay, Phnom Penh vẫn chịu mức thâm hụt lớn trong thương mại với Trung Quốc. Trong tháng 1/2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 1,15 tỷ USD, nhưng hàng hóa xuất khẩu từ Campuchia sang Trung Quốc chỉ đạt 121,73 triệu USD.    

Chính phủ Campuchia đã nhận diện được những vấn đề tồn đọng, đề ra những mục tiêu cụ thể để vươn mình về kinh tế. Tuy vậy, tương lai của nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn nhiều thách thức. Hai hành lang FRC và ITC hiện vẫn chỉ đang dừng lại ở mức bàn thảo kế hoạch phát triển cụ thể, do đó cần thêm thời gian mới có thể chứng minh tính hiệu quả thông qua những kết quả hữu hình. Trong khi đó, Campuchia hiện đang nợ Trung Quốc khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương khoảng 40% tổng số nợ nước ngoài của Phnom Penh. Vì thế, đúng như phát biểu của Thủ tướng Hun Manet, “Campuchia còn rất nhiều việc phải làm” để đạt được các mốc đề ra, trong khi phải tránh lệ thuộc đến mức không thể trả nợ cho Trung Quốc.    

Như vậy, hợp tác về kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, hiện là trọng tâm trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia. Những nội dung hợp tác như vậy góp phần hiện thực hóa tham vọng của chính phủ nước này trong việc biến Phnom Penh trở thành một trung tâm công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, hướng tới đạt được những mục tiêu xa hơn vào các cột mốc 2027, 2030 và 2050. Dù còn nhiều thách thức, nhưng trước mắt, Trung Quốc vẫn là đối tác hàng đầu và kiêm vai “người bảo trợ” cho Campuchia về cơ sở hạ tầng. Xem trọng quan hệ với Trung Quốc, nhất là ở các lĩnh vực công – nông nghiệp có thể được xem là “dòng chủ lưu” trong quan hệ quốc tế của Campuchia ở khu vực châu Á.

Từ khoá: Trung Quốc Campuchia cộng đồng chia sẻ tương lai hợp tác công nghiệp hợp tác nông nghiệp Đông Nam Á

BÀI LIÊN QUAN