Thách thức của chính quyền Ishiba khi tăng cường quan hệ với ASEAN
Tham vọng thành lập “NATO châu Á” của Thủ tướng Ishiba, sự bất ổn của chính trị Nhật Bản và sức ép của chính quyền Trump gây trở ngại cho quan hệ Nhật - ASEAN.
Khởi đầu thiện chí
Sau khi trải qua hai cuộc bầu cử cam go của Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party - LDP) vào tháng 9, và tổng tuyển cử bầu Hạ viện vào tháng 10 và 11 để có thể chắc chắn giữ vị trí thủ tướng Nhật Bản, ông Shigeru Ishiba dự định sẽ thăm Indonesia và Malaysia vào đầu năm tới.
Việc ông Ishiba chọn Jakarta có thể là vì đây là một trong bốn quốc gia (cùng với Philippines, Mông Cổ và Djibouti) được chính phủ Nhật Bản xem xét cung cấp trang thiết bị quốc phòng thuộc khuôn khổ Hỗ trợ An ninh Chính thức (Official Security Assistance) trong năm tới. Ngoài ra, việc Indonesia hiện là nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á cũng có thể là động lực thôi thúc ông Ishiba lựa chọn quốc gia này. Còn với Malaysia, quốc gia này sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm sau, vì thế ông Ishiba có thể mong muốn thông qua Kuala Lumpur để truyền tải những kỳ vọng của Tokyo đối với khu vực trong thời gian tới.
Nếu không có gì thay đổi, đây sẽ là hai chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Ishiba kể từ khi ông lên nắm quyền. Các chuyến thăm phần nào mở ra kỳ vọng rằng chính phủ mới sẽ quan tâm hơn đối với việc thúc đẩy quan hệ giữa Nhật Bản với các quốc gia ASEAN.
Trước đó, hồi tháng 10, không lâu sau khi lên nắm quyền thủ tướng nhờ chiến thắng trong cuộc bầu cử của LDP, ông Ishiba cũng đã chọn Đông Nam Á là nơi đầu tiên để công du theo hình thức đa phương. Mặc dù việc quyết định trên có thể là do thời điểm trùng hợp (tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản - ASEAN, điều mà những người đứng đầu chính phủ nước này hầu như không bỏ lỡ trong nhiều năm qua), nhưng sự kiện này vẫn mang tính biểu tượng cao.
Cụ thể, Thủ tướng Ishiba đến thủ đô Vientiane (nơi tổ chức Hội nghị) vào ngày 10/10, chỉ vài giờ sau khi ông ra quyết định giải tán Hạ viện để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra hơn hai tuần sau đó. Trong lúc tình hình bận rộn như vậy, hơn nữa LDP chưa chắc đã nắm được lợi thế tại bầu cử, ông Ishiba hoàn toàn có thể từ chối tham dự Hội nghị Thượng đỉnh với ASEAN.
Tuy nhiên, việc tân Thủ tướng Nhật Bản vẫn quyết định đến dự bước đầu cho thấy thái độ thiện chí và “tính kế thừa” mà ông Ishiba dành cho khu vực Đông Nam Á. Theo đó, ngay trước khi lên máy bay đến Lào, Thủ tướng Ishiba đã khẳng định mong muốn “tăng cường lòng tin giữa Nhật Bản và ASEAN, điều mà chúng tôi đã tạo dựng cho đến nay” (strengthen the trust between Japan and ASEAN, which we have forged so far).
Sau đó, trong quá trình tham gia Hội nghị, ông Ishiba nhấn mạnh “Nhật Bản mong muốn định hình và bảo vệ tương lai cùng với ASEAN” (Japan wishes to shape and safeguard the future together with ASEAN) thông qua những cam kết cụ thể, bao gồm thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, khử carbon, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải thông qua viện trợ tàu tuần tra và đào tạo thực thi pháp luật. Nhìn chung, đây là những cam kết không mới, mang tính kế thừa từ những gì Thủ tướng tiền nhiệm Fumio Kishida đã triển khai.
Trong khi đó, một trong những đề xuất đối ngoại đáng chú ý nhất mà ông Ishiba nêu ra trong quá trình tranh cử là đề nghị thành lập một phiên bản NATO của châu Á (Asian version of NATO) nhằm tạo ra một hệ thống phòng vệ tập thể đủ sức ngăn chặn Trung Quốc, đã không được đề cập xuyên suốt chuyến công du đến Lào.
Mặc dù ý tưởng trên là khá táo bạo, nhưng cách làm này mang lại nhiều rủi ro, vì Ishiba không dễ thuyết phục phần đông các quốc gia trong khu vực (đặc biệt là ở Đông Nam Á) đón nhận. Tại đây, mặc dù lo ngại với mức độ khác nhau về hành động bành trướng của Trung Quốc, nhưng không nhiều quốc gia sẵn sàng công khai chống lại cường quốc này. Thay vào đó, các chính phủ trong khu vực vẫn theo đuổi cách tiếp cận “không chọn phe” để tối đa hóa lợi ích kinh tế từ quan hệ với Trung Quốc.
Xét đến chủ đề hằng năm của ASEAN trong những năm qua, có thể dễ dàng nhận ra mối quan tâm trên của các quốc gia này. Trong năm nay, chủ nhà Lào đã đưa ra chủ đề là “Tăng cường Kết nối và Khả năng phục hồi” (Enhancing Connectivity and Resilience), trong khi một vài chủ đề của các năm trước đó là “Hợp tác để Thay đổi, Gắn kết Thế giới” (Partnering for Change, Engaging the World) (năm 2017), “Phục hồi và Đổi mới” (Resilience and Innovation) (năm 2018), hay “Chúng tôi Quan tâm, Chúng tôi Chuẩn bị, Chúng tôi Thịnh vượng” (We Care, We Prepare, We Prosper) (năm 2021). Tuy mỗi chủ nhà ASEAN đặt tên cho chương trình nghị sự chung với tên gọi khác nhau, các chủ đề xoay quanh hai đặc điểm chính.
Trước hết, trong bối cảnh khu vực và thế giới đang trải qua những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, với một làn sóng cách mạng công nghệ mới đang càn quét trên toàn thế giới, ASEAN muốn nắm bắt những thay đổi này và áp dụng đổi mới sáng tạo cách tiếp cận để thích ứng hoặc giải quyết chúng. Chẳng hạn, trong Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2023, các nước đã “nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ số trong việc đạt được tăng trưởng kinh tế một cách sáng tạo, toàn diện, kiên cường và bền vững trong khu vực”.
Đồng thời, khả năng chống chịu và vai trò trung tâm của ASEAN (ASEAN centrality) trong khu vực đóng vai trò rất quan trọng để điều hướng những thay đổi, thách thức. Điều này đòi hỏi các quốc gia ASEAN phải phát triển kinh tế một cách bền vững. Do đó, ASEAN cảm thấy cần làm việc cùng nhau để quản lý quan hệ với các đối tác đối thoại chủ chốt một cách cân bằng, đảm bảo rằng trọng tâm trong hợp tác vẫn hướng vào phát triển kinh tế.
Nói ngắn gọn, ASEAN nhất quán ưu tiên phát triển khu vực thông qua hợp tác kinh tế, với sự tương tác cân bằng với các cường quốc. Vì thế, bất kỳ cường quốc nào mong muốn áp đặt mô hình an ninh nhằm chống lại nước khác khó có thể được khuyến khích, vì điều này gây trở ngại cho cách tiếp cận “không chọn phe” để tối đa hóa lợi ích kinh tế của các nước ASEAN.
Từ thực trạng trên, việc ông Ishiba quyết định không đề cập đến ý tưởng này khi gặp các quốc gia Đông Nam Á có lẽ là một lựa chọn khôn ngoan, tránh làm mối quan hệ Nhật Bản - ASEAN trở nên khó xử. Điều này cũng cho thấy tân Thủ tướng Nhật Bản chú trọng hợp tác đa phương với các nước Đông Nam Á trên tinh thần không làm dấy lên lo ngại về việc gia tăng quân sự hóa hoặc gây đối đầu với Trung Quốc thông qua sáng kiến NATO châu Á.
Chông gai phía trước
Tuy tránh đề cập đến mong muốn thành lập NATO châu Á khi ở Lào, song một cơ chế an ninh khu vực tại châu Á vẫn là tầm nhìn mà ông Ishiba mong muốn thực hiện trong những năm tới của nhiệm kỳ. Bằng chứng là, trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc chuyến công du đến Vientiane, ông Ishiba đã tuyên bố “Đó là điều tôi đã nghĩ trong một thời gian dài [ám chỉ tham vọng thành lập NATO châu Á]. Nhưng đó là ý tưởng của tôi, và tôi hy vọng các cuộc thảo luận sẽ diễn ra trong LDP để làm cho nó cụ thể hơn”. Không chỉ nói suông, Thủ tướng Nhật Bản đã chỉ thị cho ông Onodera Itsunori (cựu Bộ trưởng Quốc phòng và hiện là Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách LDP) thành lập một cơ quan mới trong LDP để thảo luận về các vấn đề an ninh quốc tế, bao gồm cả khả năng thành lập NATO châu Á.
Mặc dù vậy, việc ông Ishiba tiếp tục ấp ủ dự định trên có thể khiến mối quan hệ giữa ASEAN với Nhật Bản, đặc biệt là về khía cạnh an ninh, trở nên “chậm lại”. Hồi đầu tháng 10, Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan đã từng thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng “Chúng tôi đã là ASEAN rồi. Chúng tôi không cần NATO ở ASEAN” (We are already ASEAN. We do not need NATO in ASEAN).
Cùng thời điểm đó, trên phương tiện truyền thông, tờ nhật báo The Jakarta Post (nguồn tin tức tiếng Anh số một ở Indonesia) đã xuất bản bài xã luận, chỉ trích đề xuất về NATO châu Á là “nhằm thống nhất tất cả các lực lượng sẵn có để liên kết với nhau chống lại Trung Quốc, điều này sẽ bị coi là rất xúc phạm đối với ASEAN”. Bài viết trên cũng nói thêm rằng “ASEAN cần Nhật Bản như một đối tác thương mại và kinh tế đáng tin cậy, chứ không phải là một đồng minh quân sự chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực”.
Trong khi đó, mặc dù Philippines có căng thẳng thường trực với Trung Quốc ở Biển Đông trong suốt nhiều tháng qua, song Manila cũng không mấy lạc quan về tham vọng NATO châu Á của ông Ishiba. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro, “sự phân tách và khác biệt về lợi ích quốc gia” (dichotomies and divergence in country interests) phức tạp của ASEAN sẽ khiến việc thành lập một liên minh quân sự thống nhất như thế trở nên khó khăn.
Ngay cả ở thời điểm Đông Nam Á bị chia rẽ sâu sắc thành hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa ở thập niên 50 - 70 của thế kỷ trước, một tổ chức gần tương tự với đề xuất NATO châu Á của ông Ishiba là Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization - SEATO) cũng đã không thu hút được sự quan tâm trong khu vực. SEATO được lập ra vào năm 1954 để kiềm chế sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á (cụ thể là tại Việt Nam, Lào và Campuchia), với tám thành viên, nhưng chỉ có Thái Lan và Philippines là hai quốc gia thuộc khu vực tham gia. Các nước còn lại không ủng hộ vì không mặn mà hoặc lo ngại SEATO có thể làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trong khu vực. Đến ngày 30/6/1977 thì tổ chức khu vực này chính thức chấm dứt hoạt động.
Hơn nữa, việc ông Ishiba đề xuất mời Mỹ chia sẻ hoặc đưa vũ khí hạt nhân vào khu vực thông qua khuôn khổ NATO châu Á có thể là một nguyên nhân bổ sung làm tăng sự dè chừng từ ASEAN. Lý do là vì các nước Đông Nam Á vẫn đang duy trì Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân (Southeast Asia Nuclear Weapon-Free Zone).
Bởi tất cả những sự dè dặt nêu trên, sau phần khởi đầu thiện chí của ông Ishiba, tình hình quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản vẫn chưa có thêm bước tiến nào đáng kể. Đồng thời, sự kém tích cực trên còn có thể do ông Ishiba thiếu một lập trường chính sách đối ngoại rõ ràng với khu vực Đông Nam Á, có lẽ vì ông đang phải bận rộn để giải quyết tình hình bất ổn chính trị nội bộ. Sau tổng tuyển cử, liên minh cầm quyền gồm LDP và Đảng Công minh (Komeito) đã mất thế đa số tại Hạ viện (tức không giành được ít nhất 233 ghế) lần đầu tiên sau 15 năm. Lý do chính cho thất bại này là dư âm của vụ bê bối quỹ đen hồi đầu năm khiến nội bộ LDP cho đến nay vẫn lục đục và chia rẽ. Vì thế, mối quan tâm chủ đạo của ông Ishiba bây giờ là cam kết thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn nhằm ổn định nội bộ, và lấy lại niềm tin từ dân chúng.
Bên cạnh đó, nguyên nhân ông Ishiba chưa có một chính sách rõ ràng đối với Đông Nam Á còn xuất phát từ việc Tokyo đang tìm đối sách trong quan hệ với Mỹ khi Tổng thống Donald Trump sắp nhậm chức vào đầu năm sau. Trong suốt nhiệm kỳ trước đó (2017 - 2021), ông Trump đã yêu cầu Nhật Bản tăng ngân sách hằng năm cho việc quân đội Mỹ đồn trú tại quốc gia này. Rủi ro này nhiều khả năng lặp lại trong những năm tới và khiến Nhật Bản đối mặt với những lựa chọn khó khăn, dù vào năm 2022 Nhật Bản đã quyết định sẽ tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng hằng năm lên khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội cho đến năm tài chính 2027.
Để đáp ứng yêu cầu của ông Trump, Tokyo có thể phải tăng nguồn thu thuế để bổ sung cho ngân sách quốc phòng. Song điều này chưa phải là ưu tiên của ông Ishiba, vì ông lo ngại đánh mất sự ủng hộ của công chúng. Tuy nhiên, nếu Thủ tướng Nhật Bản trì hoãn điều này quá lâu, mối quan hệ giữa nước này với Mỹ có thể trở nên căng thẳng, và thậm chí không loại trừ khả năng Washington thỏa hiệp với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên để gây sức ép lên Tokyo. Cả hai khả năng trên đều sẽ khiến ông Ishiba phải dành nhiều thời gian và công sức để giải quyết, chúng cũng có thể làm giảm nguồn lực mà Nhật Bản dành cho các quốc gia Đông Nam Á.
Tóm lại, việc ông Ishiba dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản - ASEAN ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 10 và dự kiến thăm Indonesia và Malaysia vào đầu năm sau cho thấy tân Thủ tướng có thiện chí trong việc thúc đẩy hợp tác với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, tham vọng thành lập một phiên bản NATO châu Á là “bức tường” ngăn cách sự niềm nở của các quốc gia Đông Nam Á với Tokyo, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh. Đồng thời, những vấn đề chính trị nội bộ còn dai dẳng và thách thức tiềm tàng từ cách tiếp cận “giao dịch” của Tổng thống Trump cũng là rào cản khiến ông Ishiba khó toàn tâm toàn ý xây dựng một chính sách đối ngoại rõ ràng với ASEAN trong những tháng đầu nhiệm kỳ.
Khởi đầu thiện chí
Sau khi trải qua hai cuộc bầu cử cam go của Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party - LDP) vào tháng 9, và tổng tuyển cử bầu Hạ viện vào tháng 10 và 11 để có thể chắc chắn giữ vị trí thủ tướng Nhật Bản, ông Shigeru Ishiba dự định sẽ thăm Indonesia và Malaysia vào đầu năm tới.
Việc ông Ishiba chọn Jakarta có thể là vì đây là một trong bốn quốc gia (cùng với Philippines, Mông Cổ và Djibouti) được chính phủ Nhật Bản xem xét cung cấp trang thiết bị quốc phòng thuộc khuôn khổ Hỗ trợ An ninh Chính thức (Official Security Assistance) trong năm tới. Ngoài ra, việc Indonesia hiện là nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á cũng có thể là động lực thôi thúc ông Ishiba lựa chọn quốc gia này. Còn với Malaysia, quốc gia này sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm sau, vì thế ông Ishiba có thể mong muốn thông qua Kuala Lumpur để truyền tải những kỳ vọng của Tokyo đối với khu vực trong thời gian tới.
Nếu không có gì thay đổi, đây sẽ là hai chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Ishiba kể từ khi ông lên nắm quyền. Các chuyến thăm phần nào mở ra kỳ vọng rằng chính phủ mới sẽ quan tâm hơn đối với việc thúc đẩy quan hệ giữa Nhật Bản với các quốc gia ASEAN.
Trước đó, hồi tháng 10, không lâu sau khi lên nắm quyền thủ tướng nhờ chiến thắng trong cuộc bầu cử của LDP, ông Ishiba cũng đã chọn Đông Nam Á là nơi đầu tiên để công du theo hình thức đa phương. Mặc dù việc quyết định trên có thể là do thời điểm trùng hợp (tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản - ASEAN, điều mà những người đứng đầu chính phủ nước này hầu như không bỏ lỡ trong nhiều năm qua), nhưng sự kiện này vẫn mang tính biểu tượng cao.
Cụ thể, Thủ tướng Ishiba đến thủ đô Vientiane (nơi tổ chức Hội nghị) vào ngày 10/10, chỉ vài giờ sau khi ông ra quyết định giải tán Hạ viện để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra hơn hai tuần sau đó. Trong lúc tình hình bận rộn như vậy, hơn nữa LDP chưa chắc đã nắm được lợi thế tại bầu cử, ông Ishiba hoàn toàn có thể từ chối tham dự Hội nghị Thượng đỉnh với ASEAN.
Tuy nhiên, việc tân Thủ tướng Nhật Bản vẫn quyết định đến dự bước đầu cho thấy thái độ thiện chí và “tính kế thừa” mà ông Ishiba dành cho khu vực Đông Nam Á. Theo đó, ngay trước khi lên máy bay đến Lào, Thủ tướng Ishiba đã khẳng định mong muốn “tăng cường lòng tin giữa Nhật Bản và ASEAN, điều mà chúng tôi đã tạo dựng cho đến nay” (strengthen the trust between Japan and ASEAN, which we have forged so far).
Sau đó, trong quá trình tham gia Hội nghị, ông Ishiba nhấn mạnh “Nhật Bản mong muốn định hình và bảo vệ tương lai cùng với ASEAN” (Japan wishes to shape and safeguard the future together with ASEAN) thông qua những cam kết cụ thể, bao gồm thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, khử carbon, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải thông qua viện trợ tàu tuần tra và đào tạo thực thi pháp luật. Nhìn chung, đây là những cam kết không mới, mang tính kế thừa từ những gì Thủ tướng tiền nhiệm Fumio Kishida đã triển khai.
Trong khi đó, một trong những đề xuất đối ngoại đáng chú ý nhất mà ông Ishiba nêu ra trong quá trình tranh cử là đề nghị thành lập một phiên bản NATO của châu Á (Asian version of NATO) nhằm tạo ra một hệ thống phòng vệ tập thể đủ sức ngăn chặn Trung Quốc, đã không được đề cập xuyên suốt chuyến công du đến Lào.
Mặc dù ý tưởng trên là khá táo bạo, nhưng cách làm này mang lại nhiều rủi ro, vì Ishiba không dễ thuyết phục phần đông các quốc gia trong khu vực (đặc biệt là ở Đông Nam Á) đón nhận. Tại đây, mặc dù lo ngại với mức độ khác nhau về hành động bành trướng của Trung Quốc, nhưng không nhiều quốc gia sẵn sàng công khai chống lại cường quốc này. Thay vào đó, các chính phủ trong khu vực vẫn theo đuổi cách tiếp cận “không chọn phe” để tối đa hóa lợi ích kinh tế từ quan hệ với Trung Quốc.
Xét đến chủ đề hằng năm của ASEAN trong những năm qua, có thể dễ dàng nhận ra mối quan tâm trên của các quốc gia này. Trong năm nay, chủ nhà Lào đã đưa ra chủ đề là “Tăng cường Kết nối và Khả năng phục hồi” (Enhancing Connectivity and Resilience), trong khi một vài chủ đề của các năm trước đó là “Hợp tác để Thay đổi, Gắn kết Thế giới” (Partnering for Change, Engaging the World) (năm 2017), “Phục hồi và Đổi mới” (Resilience and Innovation) (năm 2018), hay “Chúng tôi Quan tâm, Chúng tôi Chuẩn bị, Chúng tôi Thịnh vượng” (We Care, We Prepare, We Prosper) (năm 2021). Tuy mỗi chủ nhà ASEAN đặt tên cho chương trình nghị sự chung với tên gọi khác nhau, các chủ đề xoay quanh hai đặc điểm chính.
Trước hết, trong bối cảnh khu vực và thế giới đang trải qua những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, với một làn sóng cách mạng công nghệ mới đang càn quét trên toàn thế giới, ASEAN muốn nắm bắt những thay đổi này và áp dụng đổi mới sáng tạo cách tiếp cận để thích ứng hoặc giải quyết chúng. Chẳng hạn, trong Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2023, các nước đã “nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ số trong việc đạt được tăng trưởng kinh tế một cách sáng tạo, toàn diện, kiên cường và bền vững trong khu vực”.
Đồng thời, khả năng chống chịu và vai trò trung tâm của ASEAN (ASEAN centrality) trong khu vực đóng vai trò rất quan trọng để điều hướng những thay đổi, thách thức. Điều này đòi hỏi các quốc gia ASEAN phải phát triển kinh tế một cách bền vững. Do đó, ASEAN cảm thấy cần làm việc cùng nhau để quản lý quan hệ với các đối tác đối thoại chủ chốt một cách cân bằng, đảm bảo rằng trọng tâm trong hợp tác vẫn hướng vào phát triển kinh tế.
Nói ngắn gọn, ASEAN nhất quán ưu tiên phát triển khu vực thông qua hợp tác kinh tế, với sự tương tác cân bằng với các cường quốc. Vì thế, bất kỳ cường quốc nào mong muốn áp đặt mô hình an ninh nhằm chống lại nước khác khó có thể được khuyến khích, vì điều này gây trở ngại cho cách tiếp cận “không chọn phe” để tối đa hóa lợi ích kinh tế của các nước ASEAN.
Từ thực trạng trên, việc ông Ishiba quyết định không đề cập đến ý tưởng này khi gặp các quốc gia Đông Nam Á có lẽ là một lựa chọn khôn ngoan, tránh làm mối quan hệ Nhật Bản - ASEAN trở nên khó xử. Điều này cũng cho thấy tân Thủ tướng Nhật Bản chú trọng hợp tác đa phương với các nước Đông Nam Á trên tinh thần không làm dấy lên lo ngại về việc gia tăng quân sự hóa hoặc gây đối đầu với Trung Quốc thông qua sáng kiến NATO châu Á.
Chông gai phía trước
Tuy tránh đề cập đến mong muốn thành lập NATO châu Á khi ở Lào, song một cơ chế an ninh khu vực tại châu Á vẫn là tầm nhìn mà ông Ishiba mong muốn thực hiện trong những năm tới của nhiệm kỳ. Bằng chứng là, trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc chuyến công du đến Vientiane, ông Ishiba đã tuyên bố “Đó là điều tôi đã nghĩ trong một thời gian dài [ám chỉ tham vọng thành lập NATO châu Á]. Nhưng đó là ý tưởng của tôi, và tôi hy vọng các cuộc thảo luận sẽ diễn ra trong LDP để làm cho nó cụ thể hơn”. Không chỉ nói suông, Thủ tướng Nhật Bản đã chỉ thị cho ông Onodera Itsunori (cựu Bộ trưởng Quốc phòng và hiện là Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách LDP) thành lập một cơ quan mới trong LDP để thảo luận về các vấn đề an ninh quốc tế, bao gồm cả khả năng thành lập NATO châu Á.
Mặc dù vậy, việc ông Ishiba tiếp tục ấp ủ dự định trên có thể khiến mối quan hệ giữa ASEAN với Nhật Bản, đặc biệt là về khía cạnh an ninh, trở nên “chậm lại”. Hồi đầu tháng 10, Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan đã từng thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng “Chúng tôi đã là ASEAN rồi. Chúng tôi không cần NATO ở ASEAN” (We are already ASEAN. We do not need NATO in ASEAN).
Cùng thời điểm đó, trên phương tiện truyền thông, tờ nhật báo The Jakarta Post (nguồn tin tức tiếng Anh số một ở Indonesia) đã xuất bản bài xã luận, chỉ trích đề xuất về NATO châu Á là “nhằm thống nhất tất cả các lực lượng sẵn có để liên kết với nhau chống lại Trung Quốc, điều này sẽ bị coi là rất xúc phạm đối với ASEAN”. Bài viết trên cũng nói thêm rằng “ASEAN cần Nhật Bản như một đối tác thương mại và kinh tế đáng tin cậy, chứ không phải là một đồng minh quân sự chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực”.
Trong khi đó, mặc dù Philippines có căng thẳng thường trực với Trung Quốc ở Biển Đông trong suốt nhiều tháng qua, song Manila cũng không mấy lạc quan về tham vọng NATO châu Á của ông Ishiba. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro, “sự phân tách và khác biệt về lợi ích quốc gia” (dichotomies and divergence in country interests) phức tạp của ASEAN sẽ khiến việc thành lập một liên minh quân sự thống nhất như thế trở nên khó khăn.
Ngay cả ở thời điểm Đông Nam Á bị chia rẽ sâu sắc thành hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa ở thập niên 50 - 70 của thế kỷ trước, một tổ chức gần tương tự với đề xuất NATO châu Á của ông Ishiba là Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization - SEATO) cũng đã không thu hút được sự quan tâm trong khu vực. SEATO được lập ra vào năm 1954 để kiềm chế sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á (cụ thể là tại Việt Nam, Lào và Campuchia), với tám thành viên, nhưng chỉ có Thái Lan và Philippines là hai quốc gia thuộc khu vực tham gia. Các nước còn lại không ủng hộ vì không mặn mà hoặc lo ngại SEATO có thể làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trong khu vực. Đến ngày 30/6/1977 thì tổ chức khu vực này chính thức chấm dứt hoạt động.
Hơn nữa, việc ông Ishiba đề xuất mời Mỹ chia sẻ hoặc đưa vũ khí hạt nhân vào khu vực thông qua khuôn khổ NATO châu Á có thể là một nguyên nhân bổ sung làm tăng sự dè chừng từ ASEAN. Lý do là vì các nước Đông Nam Á vẫn đang duy trì Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân (Southeast Asia Nuclear Weapon-Free Zone).
Bởi tất cả những sự dè dặt nêu trên, sau phần khởi đầu thiện chí của ông Ishiba, tình hình quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản vẫn chưa có thêm bước tiến nào đáng kể. Đồng thời, sự kém tích cực trên còn có thể do ông Ishiba thiếu một lập trường chính sách đối ngoại rõ ràng với khu vực Đông Nam Á, có lẽ vì ông đang phải bận rộn để giải quyết tình hình bất ổn chính trị nội bộ. Sau tổng tuyển cử, liên minh cầm quyền gồm LDP và Đảng Công minh (Komeito) đã mất thế đa số tại Hạ viện (tức không giành được ít nhất 233 ghế) lần đầu tiên sau 15 năm. Lý do chính cho thất bại này là dư âm của vụ bê bối quỹ đen hồi đầu năm khiến nội bộ LDP cho đến nay vẫn lục đục và chia rẽ. Vì thế, mối quan tâm chủ đạo của ông Ishiba bây giờ là cam kết thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn nhằm ổn định nội bộ, và lấy lại niềm tin từ dân chúng.
Bên cạnh đó, nguyên nhân ông Ishiba chưa có một chính sách rõ ràng đối với Đông Nam Á còn xuất phát từ việc Tokyo đang tìm đối sách trong quan hệ với Mỹ khi Tổng thống Donald Trump sắp nhậm chức vào đầu năm sau. Trong suốt nhiệm kỳ trước đó (2017 - 2021), ông Trump đã yêu cầu Nhật Bản tăng ngân sách hằng năm cho việc quân đội Mỹ đồn trú tại quốc gia này. Rủi ro này nhiều khả năng lặp lại trong những năm tới và khiến Nhật Bản đối mặt với những lựa chọn khó khăn, dù vào năm 2022 Nhật Bản đã quyết định sẽ tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng hằng năm lên khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội cho đến năm tài chính 2027.
Để đáp ứng yêu cầu của ông Trump, Tokyo có thể phải tăng nguồn thu thuế để bổ sung cho ngân sách quốc phòng. Song điều này chưa phải là ưu tiên của ông Ishiba, vì ông lo ngại đánh mất sự ủng hộ của công chúng. Tuy nhiên, nếu Thủ tướng Nhật Bản trì hoãn điều này quá lâu, mối quan hệ giữa nước này với Mỹ có thể trở nên căng thẳng, và thậm chí không loại trừ khả năng Washington thỏa hiệp với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên để gây sức ép lên Tokyo. Cả hai khả năng trên đều sẽ khiến ông Ishiba phải dành nhiều thời gian và công sức để giải quyết, chúng cũng có thể làm giảm nguồn lực mà Nhật Bản dành cho các quốc gia Đông Nam Á.
Tóm lại, việc ông Ishiba dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản - ASEAN ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 10 và dự kiến thăm Indonesia và Malaysia vào đầu năm sau cho thấy tân Thủ tướng có thiện chí trong việc thúc đẩy hợp tác với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, tham vọng thành lập một phiên bản NATO châu Á là “bức tường” ngăn cách sự niềm nở của các quốc gia Đông Nam Á với Tokyo, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh. Đồng thời, những vấn đề chính trị nội bộ còn dai dẳng và thách thức tiềm tàng từ cách tiếp cận “giao dịch” của Tổng thống Trump cũng là rào cản khiến ông Ishiba khó toàn tâm toàn ý xây dựng một chính sách đối ngoại rõ ràng với ASEAN trong những tháng đầu nhiệm kỳ.
Từ khoá: Shigeru Ishiba Nhật Bản ASEAN Đông Nam Á chính sách đối ngoại Nhật Bản