Quan hệ Mỹ - Indonesia thời Trump 2.0 và Prabowo
Nước Mỹ thời Trump 2.0 sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia, thực thi chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, và ưa chuộng cách tiếp cận giao dịch, qua đó tác động to lớn đến quan hệ giữa Indonesia với Mỹ và Trung Quốc cũng như chính sách “không liên kết” của Jakarta.


“Sự hồi sinh chính trị” của Trump với việc tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 6/11 vừa qua không chỉ khẳng định vị thế của ông trên chính trường, mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ trong 4 năm tới, đặc biệt khi quốc gia này đang đối mặt với hàng loạt vấn đề cả trong và ngoài nước. Trong nước, các thách thức như lạm phát, khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thâm hụt ngân sách liên bang ngày càng gia tăng, cùng với nạn thất nghiệp, di cư bất hợp pháp, tội phạm và bạo lực súng đạn. Trên trường quốc tế, Mỹ phải đối mặt với những thay đổi trong trật tự toàn cầu, từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, các cuộc khủng hoảng địa chính trị, cho đến việc khẳng định lại vai trò lãnh đạo trong các tổ chức đa phương.
Tại Đông Nam Á, quan hệ giữa Mỹ với Indonesia có tầm quan trọng chiến lược. Hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của cựu Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến Mỹ vào tháng 11/2023. Thành tựu này không chỉ mang lại lợi ích song phương mà còn góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, thông điệp “Nước Mỹ trên hết” (America First) và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) mà Trump theo đuổi có thể làm gia tăng sự bất ổn trong quan hệ thương mại toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Indonesia, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông sản, dệt may, dầu cọ và hàng hóa cơ bản.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận cứng rắn của Trump đối với các vấn đề an ninh khu vực, như tình trạng leo thang xung đột tại Biển Đông, có thể buộc Indonesia phải điều chỉnh chiến lược để cân bằng lợi ích quốc gia trong mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc.
Tương đồng về phong cách có giúp hai nhà lãnh đạo xích lại gần nhau?
Vào ngày 20/10, cựu tướng Prabowo Subianto đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Indonesia, chỉ hai tuần trước khi Trump tuyên bố chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Xét về góc độ cá nhân, Prabowo và Trump có một số điểm tương đồng về phong cách lãnh đạo, đặc biệt là trong các vấn đề đối ngoại.
Về lý lịch quân sự, trước khi tham gia chính trị, Prabowo là một tướng quân đội, từng nắm giữ các vị trí cao và có ảnh hưởng lớn trong quân đội. Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng nhiệm kỳ 2019 - 2024 đến khi chính thức trở thành Tổng thống thứ 8 của nước này. Dù không trực tiếp tham gia binh nghiệp, Trump đã tạo dựng hình ảnh như người bảo vệ quyền lợi của quân đội và cựu chiến binh, đồng thời thường xuyên nhấn mạnh vai trò của quân đội trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Cả Prabowo lẫn Trump đều có phong cách chính trị mang hơi hướng dân túy, đề cao chủ nghĩa bảo vệ nền kinh tế quốc gia, và đều không ngần ngại theo đuổi lợi ích quốc gia một cách cứng rắn. Prabowo xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo quyết đoán, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho những chính sách bảo vệ quyền lợi quốc gia và thường xuyên nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc trong các chiến dịch tranh cử. Ông chủ trương bảo vệ nền kinh tế Indonesia khỏi sự chi phối của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chiến lược như năng lượng, công nghệ và quốc phòng. Chính sách này phản ánh xu hướng “chủ nghĩa dân tộc kinh tế” nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn lực nước ngoài và tăng cường năng lực tự chủ kinh tế.
Trump cũng có phong cách lãnh đạo tương tự, với những tuyên bố mạnh mẽ và các quyết định nhanh chóng trong các vấn đề quan trọng, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại và kinh tế. Với thông điệp “Nước Mỹ trên hết”, Trump chủ trương ưu tiên lợi ích của Mỹ và hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài. Ông thực hiện chính sách đặt an ninh kinh tế lên hàng đầu, đặc biệt là thông qua các biện pháp thuế quan và việc rút Mỹ khỏi các hiệp định thương mại đa phương nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, cả hai nguyên thủ đều đối mặt với chỉ trích liên quan đến quan điểm cứng rắn và các cáo buộc về những hành động gây tranh cãi trong quá khứ. Tuy nhiên, điều này lại càng củng cố vị thế của họ trong lòng những người ủng hộ trung thành.
Cụ thể, Prabowo từng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong thời gian là chỉ huy quân đội, đặc biệt liên quan đến các vụ bắt cóc những nhà hoạt động dân chủ và những vụ đàn áp tại Papua và Timor-Leste khi còn phục vụ trong quân đội. Dù vậy, Prabowo vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một bộ phận người dân Indonesia. Trump cũng hứng chịu rất nhiều chỉ trích và vướng vào tranh cãi trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, đặc biệt liên quan đến các vấn đề như phân biệt chủng tộc, chính sách di trú và cách thức xử lý đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông luôn kiên quyết phản bác các cáo buộc và nhận được sự ủng hộ đáng kể từ cử tri.
Sự tương đồng giữa Prabowo và Trump cho thấy một xu hướng đang lan rộng, nơi các chính trị gia dân túy sử dụng hình ảnh cá nhân mạnh mẽ để thu hút sự ủng hộ từ những nhóm cử tri cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bất mãn với hệ thống đang vận hành.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bối cảnh chính trị và văn hóa của Indonesia và Mỹ rất khác biệt, điều này dẫn đến sự khác nhau trong cách thức lãnh đạo và các chính sách mà mỗi nguyên thủ thực hiện. Quan trọng hơn hết, Trump vốn xuất thân là một doanh nhân, do đó “lợi ích” và mối quan hệ “có qua có lại” được xem là hai yếu tố then chốt, không chỉ trong quá trình hoạt động kinh doanh mà còn liên quan đến tầm nhìn về chính sách đối ngoại của ông. Điều này tạo ra một số thách thức cho Jakarta trong việc duy trì một mối quan hệ chiến lược bền chặt với Washington.
Sự trở lại của Trump tác động đến Indonesia ra sao?
Quan hệ giữa Indonesia và Mỹ thời Trump 2.0 được dự đoán là sự kết hợp của các yếu tố hợp tác và thách thức. Trở lại Nhà Trắng lần này, Trump nhiều khả năng sẽ tiếp nối chính sách đối ngoại thực dụng, chủ yếu tập trung vào “những lợi ích thực tế hơn là các liên minh ý thức hệ”. Rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, Trump có thể hành động cứng rắn và quyết đoán hơn, tạo ra một môi trường chính trị khó đoán định và buộc Indonesia phải nhanh chóng thích ứng với những thay đổi.
Thương mại - đầu tư và chính sách bảo hộ
Tầm nhìn của Trump về việc xây dựng lại nền kinh tế vĩ đại nhấn mạnh vào giảm thuế, tăng lương và tạo ra nhiều việc làm hơn cho lao động Mỹ. Ông định hướng lại chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy các công ty của Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang “các quốc gia đối xử công bằng”, trước khi nước này sẽ đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ trong bốn năm tới và trở thành siêu cường sản xuất của thế giới.
Việc Mỹ di dời chuỗi cung ứng có thể mang lại một số lợi ích cho Indonesia - quốc gia đang nổi lên như một trung tâm sản xuất và đầu tư thay thế. Nếu các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất sang Indonesia, ngành công nghiệp sản xuất trong nước sẽ phát triển, tạo thêm việc làm và nâng cao giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, các công ty nước ngoài thường mang theo công nghệ tiên tiến, điều này giúp Indonesia nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Việc trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giúp Indonesia giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ trước Trump đã cho triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư trong nước, nổi bật là cắt giảm thuế và áp dụng các ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp Mỹ duy trì và mở rộng hoạt động tại quê nhà thay vì chuyển hướng ra nước ngoài. Điển hình là Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm (TCJA) được ban hành vào năm 2017. Đáng chú ý, trong chiến dịch tranh cử gần đây, Trump còn muốn thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ. Những động thái này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Indonesia trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Trump nổi tiếng với các chính sách bảo hộ và chủ nghĩa “Nước Mỹ trên hết”. Chính sách này có thể khiến Indonesia gặp khó khăn trong việc duy trì và mở rộng các thỏa thuận thương mại với Mỹ. Nhằm giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ các lợi ích kinh tế của Mỹ, nước này thực thi các chính sách thuế quan mạnh tay, đặc biệt nhắm vào Bắc Kinh. Trump có kế hoạch sẽ áp thuế tới 70% đối với các mặt hàng của Trung Quốc, (tăng 10% so với mức thuế 60% được tuyên bố trong chiến dịch tranh cử vừa qua), và áp dụng mức thuế chung từ 10 - 20% đối với tất cả các hàng nhập khẩu. Việc áp dụng các biện pháp bảo hộ mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ sắp tới của Trump đặt áp lực lên quan hệ thương mại với Indonesia. Đặc biệt là khi Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ đạt 23,28 tỷ USD vào năm 2023. Các mức thuế cao và chính sách hạn chế nhập khẩu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Indonesia, nhất là đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như than đá, dầu cọ, hợp kim sắt, khí dầu mỏ và quặng đồng.
Hơn nữa, cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường thương mại lớn của Indonesia. Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra trên diện rộng, tình hình phức tạp có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Indonesia giảm khoảng 0,3%, từ mức 4,9 - 5,2% xuống còn 4,6 - 4,9% vào năm 2025. Chưa dừng lại, việc Mỹ đánh thuế cao vào các mặt hàng của Trung Quốc cũng tạo ra “phản ứng dây chuyền” gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội của quốc đảo. Trước sức ép từ mức thuế cao ngất ngưỡng, một mặt, một số công ty và cơ sở sản xuất vừa và nhỏ của Trung Quốc tại Indonesia sẽ có xu hướng thu hẹp quy mô hoặc thậm chí đóng cửa, tác động lên tình trạng việc làm của người dân. Mặt khác, việc các công ty và cơ sở sản xuất lớn rút khỏi Mỹ để chuyển sang các thị trường khác, điển hình như Indonesia, cũng dẫn tới áp lực cạnh tranh giữa các công ty trong nước với các “gã khổng lồ” đến từ Trung Quốc, cụ thể như ngành dệt may vốn đóng góp đáng kể cho lĩnh vực sản xuất của quốc gia.
Quan hệ thương mại đa quốc gia được Trump thay thế bằng thương mại công bằng và “có qua có lại”. Một số thỏa thuận được thúc đẩy trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden có thể được xem xét lại, hoặc thậm chí khó được thông qua dưới thời Trump. Với bản năng bảo hộ thương mại mạnh mẽ và quan điểm đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu, Trump thường cân nhắc kỹ lưỡng từng thỏa thuận để đánh giá lợi ích và rủi ro cho đất nước. Tuy nhiên, chính cách tiếp cận này lại khiến ông khó nhìn thấy hết tiềm năng mà các thỏa thuận có thể mang lại.
Nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao Mỹ - Indonesia, cả Biden và Prabowo đã cam kết tăng cường sự tham gia và hợp tác về chính sách kinh tế thông qua Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Tuy nhiên, Trump là người luôn hoài nghi về chủ nghĩa đa phương, ông đã gọi IPEF là “TPP thứ hai” (TPP - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Một tương lai khá ảm đạm cho IPEF với khả năng cao Trump sẽ hủy bỏ IPEF khi chính thức bước vào nhiệm kì mới.
Quốc phòng và an ninh khu vực
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực quốc phòng, Prabowo đề cao việc tăng cường năng lực quốc phòng của Indonesia. Tương tự, Mỹ đặc biệt chú trọng đến các quốc gia Đông Nam Á, nhất là trong bối cảnh các nước này càng quan ngại về các hành động gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Indonesia đóng vai trò không thể thiếu trong các sáng kiến an ninh khu vực của Mỹ. Sự hợp tác giữa hai nước thể hiện rõ qua các cuộc tập trận chung, chương trình trao đổi huấn luyện và bán vũ khí. Mặc dù vẫn còn những quan ngại về nhân quyền liên quan đến một số nhân vật trong quân đội Indonesia, bao gồm cả Prabowo, Mỹ vẫn kiên trì duy trì mối quan hệ quốc phòng với quốc gia này và coi Jakarta là một đối tác chiến lược trọng yếu trong khu vực. Tuy nhiên, lập trường bảo hộ mạnh mẽ của Trump có thể gây ra những rủi ro. Chẳng hạn, Mỹ có thể yêu cầu đàm phán lại các thỏa thuận quân sự nếu Indonesia không đáp ứng yêu cầu “có qua có lại” của Trump.
Về vấn đề chống khủng bố và duy trì an ninh tự do hàng hải, chính quyền Trump đã hợp tác với Indonesia trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa an ninh khác trong khu vực. Jakarta được xem là đối tác quan trọng trong chiến lược chống khủng bố của Washington ở Đông Nam Á. Ngoài ra, cả hai nước đều có chung quan điểm về việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Chính quyền Trump đã phản đối các hành động bành trướng của Trung Quốc trong khu vực này, và Indonesia đã được kêu gọi tham gia cùng Mỹ trong việc bảo vệ quyền lợi quốc tế và tự do hàng hải.
Trump ưu tiên cho các quan hệ song phương và không muốn tham gia quá sâu vào các tổ chức đa phương. Điều này có thể ảnh hưởng đến vai trò của Indonesia trong các diễn đàn quốc tế như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ở một góc độ khác, tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” đang định hình sâu sắc chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ giảm bớt hỗ trợ cho các sáng kiến an ninh khu vực mà Indonesia đang tham gia.
Trong bối cảnh chính sách của chính quyền Trump có thể làm suy yếu sự ổn định của các liên minh quốc tế, Indonesia cần tìm cách duy trì hợp tác an ninh với các đối tác cùng chí hướng khác và điều chỉnh chiến lược đối với Mỹ một cách khôn khéo hơn.
Bên cạnh đó, Indonesia được kỳ vọng đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy đàm phán thành công Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vốn đang bị “trì hoãn” bởi Trung Quốc, như một phần trong sứ mệnh ngoại giao quan trọng nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, việc Indonesia nhượng bộ Trung Quốc có thể khiến chính quyền Trump 2.0 không hài lòng và gây căng thẳng ngoại giao.
Ngoài ra, một khía cạnh đáng chú ý khác trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Trump trong nhiệm kỳ 2017 - 2021 là khả năng ông sẵn sàng nhượng bộ trước các điểm nóng tiềm tàng với Trung Quốc ở Biển Đông. Xuất phát từ nhận định rằng Mỹ không có lợi ích trực tiếp tại khu vực này (không có lãnh thổ nào của Mỹ bị đe dọa), Mỹ có thể đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh để gây áp lực lên một trong những mối đe dọa chính đối với sự ổn định của khu vực là Triều Tiên. Trong những tình huống tương tự, Indonesia sẽ phải điều chỉnh chiến lược ngoại giao để duy trì mối quan hệ thân thiết với Mỹ trong khi vẫn bảo vệ các lợi ích quốc gia và ảnh hưởng trong khu vực.
Biến đổi khí hậu, môi trường và sản xuất năng lượng sạch
Trump là người hoài nghi về biến đổi khí hậu, các hoạt động hợp tác, cùng các hiệp định liên quan đến vấn đề này. Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu vào tháng 11/2020 vì cho rằng thỏa thuận này sẽ “làm suy yếu” nền kinh tế Mỹ và khiến nước này “bị bất lợi vĩnh viễn”, qua đó khiến các nỗ lực toàn cầu để giải quyết các vấn đề môi trường gặp khó khăn hơn. Indonesia - quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu - có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt hợp tác quốc tế trong việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu nếu chính quyền Trump tiếp tục duy trì chính sách này.
Chính quyền Prabowo nỗ lực hướng tới mục tiêu biến Indonesia thành cường quốc năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Dưới thời Biden, hai nước cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua hợp tác giảm phát thải carbon và chuyển đổi năng lượng, với sự hỗ trợ công nghệ và tài chính từ Mỹ để giúp Indonesia đạt mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, cả hai bên thừa nhận “vai trò thiết yếu của chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng đa dạng và bền vững trong việc thúc đẩy ngành sản xuất và tăng trưởng kinh tế ở cả hai quốc gia, cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu”.
Đến thời Trump, hiệp định thương mại tự do (FTA) về các khoáng sản quan trọng - đã được thúc đẩy từ thời của Prabowo và Biden có khả năng không được thông qua. Hơn nữa, chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) có thể đối mặt với những thách thức lớn, bởi Trump - người luôn hoài nghi về biến đổi khí hậu - khó có khả năng ủng hộ các quốc gia đang phát triển như Indonesia tiến hành quá trình chuyển đổi năng lượng một cách tích cực.
“Bản đồ chiến lược” ứng phó với chính quyền Trump 2.0
Trước các dự báo về rào cản thương mại và mức thuế quan cao mà chính quyền Trump có thể sử dụng, Indonesia cần một chiến lược để đối phó với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Jakarta nên đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tập trung vào các thị trường mới nổi như châu Phi, Trung Đông, và các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Hơn nữa, Indonesia cần tiếp tục phát triển và đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các sản phẩm truyền thống như dầu cọ và than đá.
Prabowo cũng cần cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp của nước này bằng cách ủng hộ các biện pháp như thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, và phát triển công nghệ tự chủ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các ngành công nghiệp chiến lược cần được bảo vệ và phát triển để đảm bảo an ninh kinh tế và quốc phòng trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng. Quan điểm này phù hợp với mục tiêu dài hạn của Indonesia là trở thành một quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh, không chỉ dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô mà còn phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Trump có xu hướng coi nhẹ các tổ chức quốc tế và hợp tác đa phương, thay vào đó ưu tiên các thỏa thuận song phương. Điều này có thể khiến Indonesia, với nền tảng chính sách đối ngoại đa phương, phải tìm cách duy trì sự cân bằng trong quan hệ đối ngoại. Một chiến lược quan trọng mà Indonesia có thể áp dụng là tăng cường sự hiện diện tại các tổ chức quốc tế như ASEAN, Liên Hợp Quốc, và APEC để bảo vệ lợi ích khu vực và thúc đẩy hợp tác đa phương, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Cụ thể, Indonesia nên tận dụng sự hỗ trợ từ Trung Quốc để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, phát triển ngành công nghiệp xe điện (EV), kinh tế kỹ thuật số, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Indonesia cũng nên mở rộng hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ, cơ sở hạ tầng, và bảo vệ môi trường. Với New Delhi, Jakarta có thể đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề an ninh và thương mại.
Bên cạnh đó, Indonesia có thể sẽ phải gia tăng ngân sách quốc phòng và củng cố lực lượng vũ trang để đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến an ninh khu vực như Đối thoại Shangri-La hoặc tích cực hơn trong các cơ chế khu vực như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM). Indonesia cần tiếp tục duy trì và phát triển các quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực chia sẻ tình báo, chống khủng bố và bảo vệ các tuyến đường biển, qua đó bảo vệ chủ quyền và răn đe các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Indonesia cần chuẩn bị kịch bản để ứng phó với chính sách đối đầu với Trung Quốc của chính quyền Trump. Mỹ có thể sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ và quân sự. Sở hữu vị trí địa chiến lược cùng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, Indonesia cần khéo léo xử lý mối quan hệ này để không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Theo hiến pháp, Indonesia theo đuổi chính sách đối ngoại “độc lập và chủ động”. Chính sách ngoại giao không liên kết giúp nước này cân bằng giữa hợp tác kinh tế ngày càng gia tăng với Trung Quốc trong khi tiếp tục theo đuổi hợp tác an ninh, quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ và các đồng minh, tránh bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Đồng thời, Indonesia nên hướng đến các cường quốc đang trỗi dậy, các cường quốc tầm trung như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và một số quốc gia Trung Đông để phát triển quan hệ đối tác kinh tế và an ninh tiềm năng.
Song, khác với người tiền nhiệm là Joko Widodo, Indonesia dưới thời Prabowo được dự báo có thể “phát triển lập trường thân Bắc Kinh hơn khi đối mặt với Nhà Trắng do Trump lãnh đạo”, khi ông ngỏ ý mong muốn gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS - thường được mô tả là đối trọng với các tổ chức quốc tế và sáng kiến do phương Tây lãnh đạo. Trong chuyến thăm của Prabowo tới Trung Quốc vào tháng 11 vừa qua, một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD đã được ký kết.
Theo tuyên bố, cả hai nước đã đạt được “một sự hiểu biết chung quan trọng về phát triển chung ở các khu vực có yêu sách chồng lấn”. Bộ Ngoại giao Indonesia sau đó cũng tái khẳng định lập trường của nước này tại Biển Đông đáp lại những chỉ trích liên quan đến cụm từ “yêu sách chồng lấn” (overlapping claims). Cụm từ này bị cho là có khả năng phương hại tới quyền chủ quyền của Indonesia tại Biển Đông và được hiểu là sự thay đổi lập trường trước các yêu sách của Bắc Kinh ở khu vực này. Những động thái mang tính “nước đôi” cho thấy chính quyền Prabowo đang nỗ lực cân bằng giữa lợi ích kinh tế quốc gia và mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, tập trung vào hợp tác thay vì đối đầu và tranh thủ lợi ích từ Trung Quốc khi cơ hội xuất hiện. Trên hết, Prabowo cũng là một nhân tố chính trị khó đoán, với các hành động cứng rắn, quyết đoán và thậm chí là thực dụng trong các chính sách đối ngoại hơn người tiền nhiệm.
Nhìn chung, quan hệ Mỹ - Indonesia dưới thời Trump và Prabowo chủ yếu tập trung vào kinh tế, an ninh và các vấn đề chiến lược khu vực. Tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” cùng xu hướng đối đầu gay gắt với Trung Quốc của Trump đòi hỏi Indonesia dưới thời Prabowo phải chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt và khéo léo trong chính sách đối ngoại. Điều này bao gồm việc duy trì và củng cố quan hệ với các cường quốc, mở rộng hợp tác đa phương, củng cố an ninh quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Bằng cách này, Indonesia không chỉ bảo vệ được lợi ích quốc gia mà còn duy trì được vị thế vững chắc trong khu vực và trên trường quốc tế.

“Sự hồi sinh chính trị” của Trump với việc tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 6/11 vừa qua không chỉ khẳng định vị thế của ông trên chính trường, mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ trong 4 năm tới, đặc biệt khi quốc gia này đang đối mặt với hàng loạt vấn đề cả trong và ngoài nước. Trong nước, các thách thức như lạm phát, khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thâm hụt ngân sách liên bang ngày càng gia tăng, cùng với nạn thất nghiệp, di cư bất hợp pháp, tội phạm và bạo lực súng đạn. Trên trường quốc tế, Mỹ phải đối mặt với những thay đổi trong trật tự toàn cầu, từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, các cuộc khủng hoảng địa chính trị, cho đến việc khẳng định lại vai trò lãnh đạo trong các tổ chức đa phương.
Tại Đông Nam Á, quan hệ giữa Mỹ với Indonesia có tầm quan trọng chiến lược. Hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của cựu Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến Mỹ vào tháng 11/2023. Thành tựu này không chỉ mang lại lợi ích song phương mà còn góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, thông điệp “Nước Mỹ trên hết” (America First) và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) mà Trump theo đuổi có thể làm gia tăng sự bất ổn trong quan hệ thương mại toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Indonesia, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông sản, dệt may, dầu cọ và hàng hóa cơ bản.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận cứng rắn của Trump đối với các vấn đề an ninh khu vực, như tình trạng leo thang xung đột tại Biển Đông, có thể buộc Indonesia phải điều chỉnh chiến lược để cân bằng lợi ích quốc gia trong mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc.
Tương đồng về phong cách có giúp hai nhà lãnh đạo xích lại gần nhau?
Vào ngày 20/10, cựu tướng Prabowo Subianto đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Indonesia, chỉ hai tuần trước khi Trump tuyên bố chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Xét về góc độ cá nhân, Prabowo và Trump có một số điểm tương đồng về phong cách lãnh đạo, đặc biệt là trong các vấn đề đối ngoại.
Về lý lịch quân sự, trước khi tham gia chính trị, Prabowo là một tướng quân đội, từng nắm giữ các vị trí cao và có ảnh hưởng lớn trong quân đội. Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng nhiệm kỳ 2019 - 2024 đến khi chính thức trở thành Tổng thống thứ 8 của nước này. Dù không trực tiếp tham gia binh nghiệp, Trump đã tạo dựng hình ảnh như người bảo vệ quyền lợi của quân đội và cựu chiến binh, đồng thời thường xuyên nhấn mạnh vai trò của quân đội trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Cả Prabowo lẫn Trump đều có phong cách chính trị mang hơi hướng dân túy, đề cao chủ nghĩa bảo vệ nền kinh tế quốc gia, và đều không ngần ngại theo đuổi lợi ích quốc gia một cách cứng rắn. Prabowo xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo quyết đoán, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho những chính sách bảo vệ quyền lợi quốc gia và thường xuyên nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc trong các chiến dịch tranh cử. Ông chủ trương bảo vệ nền kinh tế Indonesia khỏi sự chi phối của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chiến lược như năng lượng, công nghệ và quốc phòng. Chính sách này phản ánh xu hướng “chủ nghĩa dân tộc kinh tế” nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn lực nước ngoài và tăng cường năng lực tự chủ kinh tế.
Trump cũng có phong cách lãnh đạo tương tự, với những tuyên bố mạnh mẽ và các quyết định nhanh chóng trong các vấn đề quan trọng, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại và kinh tế. Với thông điệp “Nước Mỹ trên hết”, Trump chủ trương ưu tiên lợi ích của Mỹ và hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài. Ông thực hiện chính sách đặt an ninh kinh tế lên hàng đầu, đặc biệt là thông qua các biện pháp thuế quan và việc rút Mỹ khỏi các hiệp định thương mại đa phương nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, cả hai nguyên thủ đều đối mặt với chỉ trích liên quan đến quan điểm cứng rắn và các cáo buộc về những hành động gây tranh cãi trong quá khứ. Tuy nhiên, điều này lại càng củng cố vị thế của họ trong lòng những người ủng hộ trung thành.
Cụ thể, Prabowo từng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong thời gian là chỉ huy quân đội, đặc biệt liên quan đến các vụ bắt cóc những nhà hoạt động dân chủ và những vụ đàn áp tại Papua và Timor-Leste khi còn phục vụ trong quân đội. Dù vậy, Prabowo vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một bộ phận người dân Indonesia. Trump cũng hứng chịu rất nhiều chỉ trích và vướng vào tranh cãi trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, đặc biệt liên quan đến các vấn đề như phân biệt chủng tộc, chính sách di trú và cách thức xử lý đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông luôn kiên quyết phản bác các cáo buộc và nhận được sự ủng hộ đáng kể từ cử tri.
Sự tương đồng giữa Prabowo và Trump cho thấy một xu hướng đang lan rộng, nơi các chính trị gia dân túy sử dụng hình ảnh cá nhân mạnh mẽ để thu hút sự ủng hộ từ những nhóm cử tri cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bất mãn với hệ thống đang vận hành.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bối cảnh chính trị và văn hóa của Indonesia và Mỹ rất khác biệt, điều này dẫn đến sự khác nhau trong cách thức lãnh đạo và các chính sách mà mỗi nguyên thủ thực hiện. Quan trọng hơn hết, Trump vốn xuất thân là một doanh nhân, do đó “lợi ích” và mối quan hệ “có qua có lại” được xem là hai yếu tố then chốt, không chỉ trong quá trình hoạt động kinh doanh mà còn liên quan đến tầm nhìn về chính sách đối ngoại của ông. Điều này tạo ra một số thách thức cho Jakarta trong việc duy trì một mối quan hệ chiến lược bền chặt với Washington.
Sự trở lại của Trump tác động đến Indonesia ra sao?
Quan hệ giữa Indonesia và Mỹ thời Trump 2.0 được dự đoán là sự kết hợp của các yếu tố hợp tác và thách thức. Trở lại Nhà Trắng lần này, Trump nhiều khả năng sẽ tiếp nối chính sách đối ngoại thực dụng, chủ yếu tập trung vào “những lợi ích thực tế hơn là các liên minh ý thức hệ”. Rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, Trump có thể hành động cứng rắn và quyết đoán hơn, tạo ra một môi trường chính trị khó đoán định và buộc Indonesia phải nhanh chóng thích ứng với những thay đổi.
Thương mại - đầu tư và chính sách bảo hộ
Tầm nhìn của Trump về việc xây dựng lại nền kinh tế vĩ đại nhấn mạnh vào giảm thuế, tăng lương và tạo ra nhiều việc làm hơn cho lao động Mỹ. Ông định hướng lại chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy các công ty của Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang “các quốc gia đối xử công bằng”, trước khi nước này sẽ đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ trong bốn năm tới và trở thành siêu cường sản xuất của thế giới.
Việc Mỹ di dời chuỗi cung ứng có thể mang lại một số lợi ích cho Indonesia - quốc gia đang nổi lên như một trung tâm sản xuất và đầu tư thay thế. Nếu các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất sang Indonesia, ngành công nghiệp sản xuất trong nước sẽ phát triển, tạo thêm việc làm và nâng cao giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, các công ty nước ngoài thường mang theo công nghệ tiên tiến, điều này giúp Indonesia nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Việc trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giúp Indonesia giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ trước Trump đã cho triển khai các chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư trong nước, nổi bật là cắt giảm thuế và áp dụng các ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp Mỹ duy trì và mở rộng hoạt động tại quê nhà thay vì chuyển hướng ra nước ngoài. Điển hình là Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm (TCJA) được ban hành vào năm 2017. Đáng chú ý, trong chiến dịch tranh cử gần đây, Trump còn muốn thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ. Những động thái này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Indonesia trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Trump nổi tiếng với các chính sách bảo hộ và chủ nghĩa “Nước Mỹ trên hết”. Chính sách này có thể khiến Indonesia gặp khó khăn trong việc duy trì và mở rộng các thỏa thuận thương mại với Mỹ. Nhằm giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ các lợi ích kinh tế của Mỹ, nước này thực thi các chính sách thuế quan mạnh tay, đặc biệt nhắm vào Bắc Kinh. Trump có kế hoạch sẽ áp thuế tới 70% đối với các mặt hàng của Trung Quốc, (tăng 10% so với mức thuế 60% được tuyên bố trong chiến dịch tranh cử vừa qua), và áp dụng mức thuế chung từ 10 - 20% đối với tất cả các hàng nhập khẩu. Việc áp dụng các biện pháp bảo hộ mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ sắp tới của Trump đặt áp lực lên quan hệ thương mại với Indonesia. Đặc biệt là khi Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ đạt 23,28 tỷ USD vào năm 2023. Các mức thuế cao và chính sách hạn chế nhập khẩu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Indonesia, nhất là đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như than đá, dầu cọ, hợp kim sắt, khí dầu mỏ và quặng đồng.
Hơn nữa, cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường thương mại lớn của Indonesia. Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra trên diện rộng, tình hình phức tạp có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Indonesia giảm khoảng 0,3%, từ mức 4,9 - 5,2% xuống còn 4,6 - 4,9% vào năm 2025. Chưa dừng lại, việc Mỹ đánh thuế cao vào các mặt hàng của Trung Quốc cũng tạo ra “phản ứng dây chuyền” gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội của quốc đảo. Trước sức ép từ mức thuế cao ngất ngưỡng, một mặt, một số công ty và cơ sở sản xuất vừa và nhỏ của Trung Quốc tại Indonesia sẽ có xu hướng thu hẹp quy mô hoặc thậm chí đóng cửa, tác động lên tình trạng việc làm của người dân. Mặt khác, việc các công ty và cơ sở sản xuất lớn rút khỏi Mỹ để chuyển sang các thị trường khác, điển hình như Indonesia, cũng dẫn tới áp lực cạnh tranh giữa các công ty trong nước với các “gã khổng lồ” đến từ Trung Quốc, cụ thể như ngành dệt may vốn đóng góp đáng kể cho lĩnh vực sản xuất của quốc gia.
Quan hệ thương mại đa quốc gia được Trump thay thế bằng thương mại công bằng và “có qua có lại”. Một số thỏa thuận được thúc đẩy trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden có thể được xem xét lại, hoặc thậm chí khó được thông qua dưới thời Trump. Với bản năng bảo hộ thương mại mạnh mẽ và quan điểm đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu, Trump thường cân nhắc kỹ lưỡng từng thỏa thuận để đánh giá lợi ích và rủi ro cho đất nước. Tuy nhiên, chính cách tiếp cận này lại khiến ông khó nhìn thấy hết tiềm năng mà các thỏa thuận có thể mang lại.
Nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao Mỹ - Indonesia, cả Biden và Prabowo đã cam kết tăng cường sự tham gia và hợp tác về chính sách kinh tế thông qua Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Tuy nhiên, Trump là người luôn hoài nghi về chủ nghĩa đa phương, ông đã gọi IPEF là “TPP thứ hai” (TPP - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Một tương lai khá ảm đạm cho IPEF với khả năng cao Trump sẽ hủy bỏ IPEF khi chính thức bước vào nhiệm kì mới.
Quốc phòng và an ninh khu vực
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực quốc phòng, Prabowo đề cao việc tăng cường năng lực quốc phòng của Indonesia. Tương tự, Mỹ đặc biệt chú trọng đến các quốc gia Đông Nam Á, nhất là trong bối cảnh các nước này càng quan ngại về các hành động gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Indonesia đóng vai trò không thể thiếu trong các sáng kiến an ninh khu vực của Mỹ. Sự hợp tác giữa hai nước thể hiện rõ qua các cuộc tập trận chung, chương trình trao đổi huấn luyện và bán vũ khí. Mặc dù vẫn còn những quan ngại về nhân quyền liên quan đến một số nhân vật trong quân đội Indonesia, bao gồm cả Prabowo, Mỹ vẫn kiên trì duy trì mối quan hệ quốc phòng với quốc gia này và coi Jakarta là một đối tác chiến lược trọng yếu trong khu vực. Tuy nhiên, lập trường bảo hộ mạnh mẽ của Trump có thể gây ra những rủi ro. Chẳng hạn, Mỹ có thể yêu cầu đàm phán lại các thỏa thuận quân sự nếu Indonesia không đáp ứng yêu cầu “có qua có lại” của Trump.
Về vấn đề chống khủng bố và duy trì an ninh tự do hàng hải, chính quyền Trump đã hợp tác với Indonesia trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa an ninh khác trong khu vực. Jakarta được xem là đối tác quan trọng trong chiến lược chống khủng bố của Washington ở Đông Nam Á. Ngoài ra, cả hai nước đều có chung quan điểm về việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Chính quyền Trump đã phản đối các hành động bành trướng của Trung Quốc trong khu vực này, và Indonesia đã được kêu gọi tham gia cùng Mỹ trong việc bảo vệ quyền lợi quốc tế và tự do hàng hải.
Trump ưu tiên cho các quan hệ song phương và không muốn tham gia quá sâu vào các tổ chức đa phương. Điều này có thể ảnh hưởng đến vai trò của Indonesia trong các diễn đàn quốc tế như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ở một góc độ khác, tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” đang định hình sâu sắc chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc Mỹ giảm bớt hỗ trợ cho các sáng kiến an ninh khu vực mà Indonesia đang tham gia.
Trong bối cảnh chính sách của chính quyền Trump có thể làm suy yếu sự ổn định của các liên minh quốc tế, Indonesia cần tìm cách duy trì hợp tác an ninh với các đối tác cùng chí hướng khác và điều chỉnh chiến lược đối với Mỹ một cách khôn khéo hơn.
Bên cạnh đó, Indonesia được kỳ vọng đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy đàm phán thành công Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vốn đang bị “trì hoãn” bởi Trung Quốc, như một phần trong sứ mệnh ngoại giao quan trọng nhằm duy trì sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, việc Indonesia nhượng bộ Trung Quốc có thể khiến chính quyền Trump 2.0 không hài lòng và gây căng thẳng ngoại giao.
Ngoài ra, một khía cạnh đáng chú ý khác trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Trump trong nhiệm kỳ 2017 - 2021 là khả năng ông sẵn sàng nhượng bộ trước các điểm nóng tiềm tàng với Trung Quốc ở Biển Đông. Xuất phát từ nhận định rằng Mỹ không có lợi ích trực tiếp tại khu vực này (không có lãnh thổ nào của Mỹ bị đe dọa), Mỹ có thể đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh để gây áp lực lên một trong những mối đe dọa chính đối với sự ổn định của khu vực là Triều Tiên. Trong những tình huống tương tự, Indonesia sẽ phải điều chỉnh chiến lược ngoại giao để duy trì mối quan hệ thân thiết với Mỹ trong khi vẫn bảo vệ các lợi ích quốc gia và ảnh hưởng trong khu vực.
Biến đổi khí hậu, môi trường và sản xuất năng lượng sạch
Trump là người hoài nghi về biến đổi khí hậu, các hoạt động hợp tác, cùng các hiệp định liên quan đến vấn đề này. Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu vào tháng 11/2020 vì cho rằng thỏa thuận này sẽ “làm suy yếu” nền kinh tế Mỹ và khiến nước này “bị bất lợi vĩnh viễn”, qua đó khiến các nỗ lực toàn cầu để giải quyết các vấn đề môi trường gặp khó khăn hơn. Indonesia - quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu - có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt hợp tác quốc tế trong việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu nếu chính quyền Trump tiếp tục duy trì chính sách này.
Chính quyền Prabowo nỗ lực hướng tới mục tiêu biến Indonesia thành cường quốc năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Dưới thời Biden, hai nước cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua hợp tác giảm phát thải carbon và chuyển đổi năng lượng, với sự hỗ trợ công nghệ và tài chính từ Mỹ để giúp Indonesia đạt mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, cả hai bên thừa nhận “vai trò thiết yếu của chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng đa dạng và bền vững trong việc thúc đẩy ngành sản xuất và tăng trưởng kinh tế ở cả hai quốc gia, cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu”.
Đến thời Trump, hiệp định thương mại tự do (FTA) về các khoáng sản quan trọng - đã được thúc đẩy từ thời của Prabowo và Biden có khả năng không được thông qua. Hơn nữa, chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) có thể đối mặt với những thách thức lớn, bởi Trump - người luôn hoài nghi về biến đổi khí hậu - khó có khả năng ủng hộ các quốc gia đang phát triển như Indonesia tiến hành quá trình chuyển đổi năng lượng một cách tích cực.
“Bản đồ chiến lược” ứng phó với chính quyền Trump 2.0
Trước các dự báo về rào cản thương mại và mức thuế quan cao mà chính quyền Trump có thể sử dụng, Indonesia cần một chiến lược để đối phó với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Jakarta nên đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tập trung vào các thị trường mới nổi như châu Phi, Trung Đông, và các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Hơn nữa, Indonesia cần tiếp tục phát triển và đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các sản phẩm truyền thống như dầu cọ và than đá.
Prabowo cũng cần cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp của nước này bằng cách ủng hộ các biện pháp như thúc đẩy sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, và phát triển công nghệ tự chủ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các ngành công nghiệp chiến lược cần được bảo vệ và phát triển để đảm bảo an ninh kinh tế và quốc phòng trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng. Quan điểm này phù hợp với mục tiêu dài hạn của Indonesia là trở thành một quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh, không chỉ dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô mà còn phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Trump có xu hướng coi nhẹ các tổ chức quốc tế và hợp tác đa phương, thay vào đó ưu tiên các thỏa thuận song phương. Điều này có thể khiến Indonesia, với nền tảng chính sách đối ngoại đa phương, phải tìm cách duy trì sự cân bằng trong quan hệ đối ngoại. Một chiến lược quan trọng mà Indonesia có thể áp dụng là tăng cường sự hiện diện tại các tổ chức quốc tế như ASEAN, Liên Hợp Quốc, và APEC để bảo vệ lợi ích khu vực và thúc đẩy hợp tác đa phương, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Cụ thể, Indonesia nên tận dụng sự hỗ trợ từ Trung Quốc để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, phát triển ngành công nghiệp xe điện (EV), kinh tế kỹ thuật số, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Indonesia cũng nên mở rộng hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ, cơ sở hạ tầng, và bảo vệ môi trường. Với New Delhi, Jakarta có thể đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề an ninh và thương mại.
Bên cạnh đó, Indonesia có thể sẽ phải gia tăng ngân sách quốc phòng và củng cố lực lượng vũ trang để đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến an ninh khu vực như Đối thoại Shangri-La hoặc tích cực hơn trong các cơ chế khu vực như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM). Indonesia cần tiếp tục duy trì và phát triển các quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực chia sẻ tình báo, chống khủng bố và bảo vệ các tuyến đường biển, qua đó bảo vệ chủ quyền và răn đe các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Indonesia cần chuẩn bị kịch bản để ứng phó với chính sách đối đầu với Trung Quốc của chính quyền Trump. Mỹ có thể sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ và quân sự. Sở hữu vị trí địa chiến lược cùng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, Indonesia cần khéo léo xử lý mối quan hệ này để không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Theo hiến pháp, Indonesia theo đuổi chính sách đối ngoại “độc lập và chủ động”. Chính sách ngoại giao không liên kết giúp nước này cân bằng giữa hợp tác kinh tế ngày càng gia tăng với Trung Quốc trong khi tiếp tục theo đuổi hợp tác an ninh, quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ và các đồng minh, tránh bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Đồng thời, Indonesia nên hướng đến các cường quốc đang trỗi dậy, các cường quốc tầm trung như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và một số quốc gia Trung Đông để phát triển quan hệ đối tác kinh tế và an ninh tiềm năng.
Song, khác với người tiền nhiệm là Joko Widodo, Indonesia dưới thời Prabowo được dự báo có thể “phát triển lập trường thân Bắc Kinh hơn khi đối mặt với Nhà Trắng do Trump lãnh đạo”, khi ông ngỏ ý mong muốn gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS - thường được mô tả là đối trọng với các tổ chức quốc tế và sáng kiến do phương Tây lãnh đạo. Trong chuyến thăm của Prabowo tới Trung Quốc vào tháng 11 vừa qua, một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD đã được ký kết.
Theo tuyên bố, cả hai nước đã đạt được “một sự hiểu biết chung quan trọng về phát triển chung ở các khu vực có yêu sách chồng lấn”. Bộ Ngoại giao Indonesia sau đó cũng tái khẳng định lập trường của nước này tại Biển Đông đáp lại những chỉ trích liên quan đến cụm từ “yêu sách chồng lấn” (overlapping claims). Cụm từ này bị cho là có khả năng phương hại tới quyền chủ quyền của Indonesia tại Biển Đông và được hiểu là sự thay đổi lập trường trước các yêu sách của Bắc Kinh ở khu vực này. Những động thái mang tính “nước đôi” cho thấy chính quyền Prabowo đang nỗ lực cân bằng giữa lợi ích kinh tế quốc gia và mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, tập trung vào hợp tác thay vì đối đầu và tranh thủ lợi ích từ Trung Quốc khi cơ hội xuất hiện. Trên hết, Prabowo cũng là một nhân tố chính trị khó đoán, với các hành động cứng rắn, quyết đoán và thậm chí là thực dụng trong các chính sách đối ngoại hơn người tiền nhiệm.
Nhìn chung, quan hệ Mỹ - Indonesia dưới thời Trump và Prabowo chủ yếu tập trung vào kinh tế, an ninh và các vấn đề chiến lược khu vực. Tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” cùng xu hướng đối đầu gay gắt với Trung Quốc của Trump đòi hỏi Indonesia dưới thời Prabowo phải chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt và khéo léo trong chính sách đối ngoại. Điều này bao gồm việc duy trì và củng cố quan hệ với các cường quốc, mở rộng hợp tác đa phương, củng cố an ninh quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Bằng cách này, Indonesia không chỉ bảo vệ được lợi ích quốc gia mà còn duy trì được vị thế vững chắc trong khu vực và trên trường quốc tế.
Từ khoá: Indonesia Mỹ Prabowo Donald Trump Trump 2.0 Đông Nam Á