Phản đối Australia lưu hành tiền có hình “cờ vàng”: Hiểu “cái lý” của Việt Nam
Quyết tâm đề cao tính chính danh và tinh thần chính nghĩa của chính thể là nguyên nhân dẫn đến phản ứng gay gắt của Việt Nam đối với đồng tiền kỷ niệm in hình “cờ vàng” của Australia.
.jpg)
Ngày 6/4/2023, Bưu chính Australia đã hợp tác với Xưởng Đúc tiền Hoàng gia của nước này (Royal Australian Mint) phát hành hai phiên bản giới hạn của đồng tiền 2 AUD nhằm kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Australia rút quân khỏi miền Nam Việt Nam (1973 - 2023) và rao bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử. Vụ việc gây tranh cãi khi trên đồng tiền có hình lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng hoà (còn được gọi là “cờ vàng”).
Trước sự việc trên, ngày 4/5/2023, khi trả lời báo chí, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tuyên bố Việt Nam “lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối” hành động của Australia, cho rằng điều này “hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Australia”, đồng thời yêu cầu Australia “chấm dứt lưu hành” đồng tiền này và “ngăn chặn các sự cố tương tự” trong tương lai. Sau phát ngôn của đại diện Việt Nam, có ý kiến cho rằng Việt Nam đã phản ứng “thái quá” đối với “chuyện nội bộ” của Australia.
Vì sao phát ngôn của Việt Nam lại trực tiếp và có phần quyết liệt? Trước tiên, ta cần tìm hiểu điều gì đã khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam có phản ứng như vậy. Lòng tự tôn về tính chính danh của chính thể Việt Nam hiện tại và tinh thần chính nghĩa của phe Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong Chiến tranh Việt Nam là hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phản ứng trên.
Tính chính danh ngày nay
Để giành được độc lập và có vị thế quốc tế như hiện nay, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trước tháng 7/1976 là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) đã trải qua hơn 70 năm nỗ lực tìm kiếm sự công nhận và củng cố tính chính danh vì bị cộng đồng quốc tế nhiều lần cô lập, cấm vận. Do vậy, chính quyền Việt Nam khá “nhạy cảm” trước những vấn đề có khả năng làm suy yếu tính chính danh mà họ đã nỗ lực xây dựng trong nhiều thập kỷ, bao gồm việc công nhận sự tồn tại của chế độ Việt Nam Cộng hoà từ sau năm 1975.
Hiện nay, Việt Nam đã hạn chế gọi chính quyền Việt Nam Cộng hoà là “nguỵ quân”, “nguỵ quyền”, đồng thời thúc đẩy chính sách “hoà hợp, hoà giải dân tộc”. Tuy nhiên, trong nhận thức của giới tinh hoa chính trị Việt Nam, những biểu tượng liên quan trực tiếp đến chế độ cũ, như cờ và biểu tượng của quân đội, vẫn là điều cần phải bị xoá bỏ.
Văn phòng Cựu chiến binh Australia (DVA) đã thông báo rằng trong suốt năm kỷ niệm 2023, họ sẽ “nâng cao nhận thức” và “tôn vinh sự phục vụ và hy sinh” của “các cựu chiến binh Việt Nam và gia đình”. Việc phát hành đồng tiền có hình “cờ vàng” là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện nhằm “nâng cao nhận thức” và “tôn vinh” đó. Bối cảnh này góp phần “nâng tầm” ý nghĩa của đồng tiền kỷ niệm, cả về khía cạnh lịch sử và sưu tầm.
Bên cạnh đó, theo Xưởng Đúc tiền Hoàng gia Australia, “cờ vàng” được in trên đồng tiền kỷ niệm là “màu sắc của dải ruy băng trên các huy chương phục vụ được trao cho những người Australia từng phục vụ tại Việt Nam”, trong đó có Huy chương Việt Nam (Vietnam Medal). Như vậy, với ý nghĩa nhất định, đồng tiền mà Australia rao bán gợi nhớ về ký ức không mấy vui vẻ đối với chính quyền hiện tại, khi Australia - theo tiếng gọi của đồng minh thân cận là Mỹ - đã gửi quân tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam.
Cũng cần nói thêm, có nhiều đồng xu có hình “cờ vàng” khác vẫn đang được rao bán trên thị trường toàn cầu, trong đó có xuất xứ từ Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà báo Việt Nam không đặt câu hỏi, và Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không lên tiếng về sự tồn tại của các đồng tiền này. Bởi lẽ, Chính phủ hai nước Mỹ và Trung Quốc không tuyên truyền về ý nghĩa của những đồng tiền ấy như một biểu tượng của liên minh chiến đấu chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong Chiến tranh Việt Nam.
Cần chú ý, “cờ vàng” không đơn giản chỉ là lá cờ của một chế độ đã không còn tồn tại, mà ngày nay, nó vẫn là biểu tượng cho các phong trào phản đối chính quyền Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Những phong trào này đe doạ trực tiếp đến an ninh và sự tồn vong của chính đảng cầm quyền tại Việt Nam. Vì lẽ đó, đối với Chính phủ Việt Nam, việc Australia công nhận và cho lưu hành các vật phẩm có in hình “cờ vàng” đồng nghĩa với quốc gia này dung túng cho các phong trào mang tính “chống phá” Việt Nam.
Tính chính nghĩa ngày ấy
Khi xem xét việc Australia cho lưu hành đồng 2 AUD có hình “cờ vàng” trong bối cảnh của nó, có thể thấy sự kiện không chỉ thách thức tính chính danh của Việt Nam hiện tại, mà còn làm suy yếu thế chính nghĩa của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với tư cách là một bên tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam.
Hành động “tôn vinh” thường chỉ dành cho bên chính nghĩa. Trong một cuộc chiến, công nhận tính chính nghĩa của một bên đồng nghĩa với nhìn nhận bên còn lại là phi nghĩa. Sau gần 50 năm (1975 - 2023), Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam ngày nay) và Việt Nam Cộng hoà (miền Nam Việt Nam ngày trước) dường như vẫn còn “mắc kẹt” trong một cuộc tranh đấu “ngầm” nhằm giành thế chính nghĩa về mình.
Hơn nữa, đối với một quốc gia đã khẳng định “chính nghĩa” là nền tảng của chính sách đối ngoại như Việt Nam, bảo vệ thế chính nghĩa cho mình, dù là trong quá khứ hay trong hiện tại, càng là vấn đề quan trọng. Giữ được thế chính nghĩa còn là giữ được niềm tin và sự công nhận của người dân trong nước lẫn cộng đồng quốc tế về tính chính danh của chính thể Việt Nam ngày nay.
Quan hệ Việt Nam - Australia có bị tác động?
Sự kiện này không nghiêm trọng đến mức làm hỏng quan hệ Việt Nam - Australia vốn đang trên đà phát triển. Vì lẽ, đây dường như là một vấn đề mang tính “kỹ thuật”, hơn là sự kiện có chủ đích về ngoại giao.
Dù vậy, các đồng tiền gây tranh cãi đã phơi bày vướng mắc vẫn tồn tại giữa hai nước từ trước đến nay. Đó là, cho dù quan hệ Việt Nam - Australia đang phát triển trên nhiều phương diện, đặc biệt là hợp tác kinh tế, hai quốc gia vẫn có khác biệt trong cách nhìn nhận về Chiến tranh Việt Nam và thế chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến này.
Một số chuyên gia lạc quan về khả năng nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia từ đối tác chiến lược (năm 2018) lên đối tác chiến lược toàn diện trong năm nay. Song, thời điểm nâng cấp quan hệ có thể bị cản trở cho đến khi nào hai nước còn chưa giải quyết được vướng mắc lịch sử, bao gồm việc Australia vẫn duy trì các hoạt động mà đối với Việt Nam là sự công nhận (dù gián tiếp) một chính thể “đã không còn tồn tại”, trong khi Canberra lại có quan hệ chính thức với chính thể hiện tại.
Nếu quan sát tinh tế cách Việt Nam đưa tin về khả năng nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vào năm 2022 (đã nâng cấp) và quan hệ Việt Nam - Australia vào năm 2023 (chưa nâng cấp), ta sẽ thấy điểm khác biệt. Đó là cụm từ mà Việt Nam sử dụng để nói về thời điểm nâng cấp quan hệ. Trong khi trực tiếp khẳng định sẽ nâng tầm quan hệ với Hàn Quốc “trong năm nay” (năm 2022), thì trong năm 2023, Việt Nam chỉ dùng cụm từ “vào thời điểm phù hợp” để nói về khả năng nâng cấp quan hệ với Australia.
“Cái lý” của Việt Nam
Đối với người ngoài cuộc, vấn đề vừa qua chỉ là tiểu tiết. Song, khi xét vấn đề trong bối cảnh của nó và đặt mình vào tâm thế của Việt Nam để nhìn nhận, có thể hiểu rằng “tính chính danh” trong hiện tại và “tính chính nghĩa” trong quá khứ là hai điều mà nhà nước này rất mực xem trọng. Đó là hai nguyên nhân chủ yếu khiến Chính phủ Việt Nam phản đối gay gắt việc Australia phát hành đồng tiền in hình “cờ vàng”.
Việt Nam có “cái lý” của riêng mình để phản đối hoạt động phát hành tiền kỷ niệm in hình “cờ vàng” vừa qua ở Australia. Tuy nhiên, dường như Việt Nam vẫn chưa đạt được “cái tình” với phát ngôn cứng rắn, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thúc đẩy chủ trương hoà giải, hoà hợp dân tộc; cùng với thiện chí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên mức độ cao nhất trong thang bậc đối tác của Việt Nam.
Ngày 6/4/2023, Bưu chính Australia đã hợp tác với Xưởng Đúc tiền Hoàng gia của nước này (Royal Australian Mint) phát hành hai phiên bản giới hạn của đồng tiền 2 AUD nhằm kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Australia rút quân khỏi miền Nam Việt Nam (1973 - 2023) và rao bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử. Vụ việc gây tranh cãi khi trên đồng tiền có hình lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng hoà (còn được gọi là “cờ vàng”).
Trước sự việc trên, ngày 4/5/2023, khi trả lời báo chí, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tuyên bố Việt Nam “lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối” hành động của Australia, cho rằng điều này “hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Australia”, đồng thời yêu cầu Australia “chấm dứt lưu hành” đồng tiền này và “ngăn chặn các sự cố tương tự” trong tương lai. Sau phát ngôn của đại diện Việt Nam, có ý kiến cho rằng Việt Nam đã phản ứng “thái quá” đối với “chuyện nội bộ” của Australia.
Vì sao phát ngôn của Việt Nam lại trực tiếp và có phần quyết liệt? Trước tiên, ta cần tìm hiểu điều gì đã khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam có phản ứng như vậy. Lòng tự tôn về tính chính danh của chính thể Việt Nam hiện tại và tinh thần chính nghĩa của phe Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong Chiến tranh Việt Nam là hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phản ứng trên.
Tính chính danh ngày nay
Để giành được độc lập và có vị thế quốc tế như hiện nay, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trước tháng 7/1976 là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) đã trải qua hơn 70 năm nỗ lực tìm kiếm sự công nhận và củng cố tính chính danh vì bị cộng đồng quốc tế nhiều lần cô lập, cấm vận. Do vậy, chính quyền Việt Nam khá “nhạy cảm” trước những vấn đề có khả năng làm suy yếu tính chính danh mà họ đã nỗ lực xây dựng trong nhiều thập kỷ, bao gồm việc công nhận sự tồn tại của chế độ Việt Nam Cộng hoà từ sau năm 1975.
Hiện nay, Việt Nam đã hạn chế gọi chính quyền Việt Nam Cộng hoà là “nguỵ quân”, “nguỵ quyền”, đồng thời thúc đẩy chính sách “hoà hợp, hoà giải dân tộc”. Tuy nhiên, trong nhận thức của giới tinh hoa chính trị Việt Nam, những biểu tượng liên quan trực tiếp đến chế độ cũ, như cờ và biểu tượng của quân đội, vẫn là điều cần phải bị xoá bỏ.
Văn phòng Cựu chiến binh Australia (DVA) đã thông báo rằng trong suốt năm kỷ niệm 2023, họ sẽ “nâng cao nhận thức” và “tôn vinh sự phục vụ và hy sinh” của “các cựu chiến binh Việt Nam và gia đình”. Việc phát hành đồng tiền có hình “cờ vàng” là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện nhằm “nâng cao nhận thức” và “tôn vinh” đó. Bối cảnh này góp phần “nâng tầm” ý nghĩa của đồng tiền kỷ niệm, cả về khía cạnh lịch sử và sưu tầm.
Bên cạnh đó, theo Xưởng Đúc tiền Hoàng gia Australia, “cờ vàng” được in trên đồng tiền kỷ niệm là “màu sắc của dải ruy băng trên các huy chương phục vụ được trao cho những người Australia từng phục vụ tại Việt Nam”, trong đó có Huy chương Việt Nam (Vietnam Medal). Như vậy, với ý nghĩa nhất định, đồng tiền mà Australia rao bán gợi nhớ về ký ức không mấy vui vẻ đối với chính quyền hiện tại, khi Australia - theo tiếng gọi của đồng minh thân cận là Mỹ - đã gửi quân tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam.
Cũng cần nói thêm, có nhiều đồng xu có hình “cờ vàng” khác vẫn đang được rao bán trên thị trường toàn cầu, trong đó có xuất xứ từ Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà báo Việt Nam không đặt câu hỏi, và Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không lên tiếng về sự tồn tại của các đồng tiền này. Bởi lẽ, Chính phủ hai nước Mỹ và Trung Quốc không tuyên truyền về ý nghĩa của những đồng tiền ấy như một biểu tượng của liên minh chiến đấu chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong Chiến tranh Việt Nam.
Cần chú ý, “cờ vàng” không đơn giản chỉ là lá cờ của một chế độ đã không còn tồn tại, mà ngày nay, nó vẫn là biểu tượng cho các phong trào phản đối chính quyền Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Những phong trào này đe doạ trực tiếp đến an ninh và sự tồn vong của chính đảng cầm quyền tại Việt Nam. Vì lẽ đó, đối với Chính phủ Việt Nam, việc Australia công nhận và cho lưu hành các vật phẩm có in hình “cờ vàng” đồng nghĩa với quốc gia này dung túng cho các phong trào mang tính “chống phá” Việt Nam.
Tính chính nghĩa ngày ấy
Khi xem xét việc Australia cho lưu hành đồng 2 AUD có hình “cờ vàng” trong bối cảnh của nó, có thể thấy sự kiện không chỉ thách thức tính chính danh của Việt Nam hiện tại, mà còn làm suy yếu thế chính nghĩa của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với tư cách là một bên tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam.
Hành động “tôn vinh” thường chỉ dành cho bên chính nghĩa. Trong một cuộc chiến, công nhận tính chính nghĩa của một bên đồng nghĩa với nhìn nhận bên còn lại là phi nghĩa. Sau gần 50 năm (1975 - 2023), Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam ngày nay) và Việt Nam Cộng hoà (miền Nam Việt Nam ngày trước) dường như vẫn còn “mắc kẹt” trong một cuộc tranh đấu “ngầm” nhằm giành thế chính nghĩa về mình.
Hơn nữa, đối với một quốc gia đã khẳng định “chính nghĩa” là nền tảng của chính sách đối ngoại như Việt Nam, bảo vệ thế chính nghĩa cho mình, dù là trong quá khứ hay trong hiện tại, càng là vấn đề quan trọng. Giữ được thế chính nghĩa còn là giữ được niềm tin và sự công nhận của người dân trong nước lẫn cộng đồng quốc tế về tính chính danh của chính thể Việt Nam ngày nay.
Quan hệ Việt Nam - Australia có bị tác động?
Sự kiện này không nghiêm trọng đến mức làm hỏng quan hệ Việt Nam - Australia vốn đang trên đà phát triển. Vì lẽ, đây dường như là một vấn đề mang tính “kỹ thuật”, hơn là sự kiện có chủ đích về ngoại giao.
Dù vậy, các đồng tiền gây tranh cãi đã phơi bày vướng mắc vẫn tồn tại giữa hai nước từ trước đến nay. Đó là, cho dù quan hệ Việt Nam - Australia đang phát triển trên nhiều phương diện, đặc biệt là hợp tác kinh tế, hai quốc gia vẫn có khác biệt trong cách nhìn nhận về Chiến tranh Việt Nam và thế chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến này.
Một số chuyên gia lạc quan về khả năng nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia từ đối tác chiến lược (năm 2018) lên đối tác chiến lược toàn diện trong năm nay. Song, thời điểm nâng cấp quan hệ có thể bị cản trở cho đến khi nào hai nước còn chưa giải quyết được vướng mắc lịch sử, bao gồm việc Australia vẫn duy trì các hoạt động mà đối với Việt Nam là sự công nhận (dù gián tiếp) một chính thể “đã không còn tồn tại”, trong khi Canberra lại có quan hệ chính thức với chính thể hiện tại.
Nếu quan sát tinh tế cách Việt Nam đưa tin về khả năng nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vào năm 2022 (đã nâng cấp) và quan hệ Việt Nam - Australia vào năm 2023 (chưa nâng cấp), ta sẽ thấy điểm khác biệt. Đó là cụm từ mà Việt Nam sử dụng để nói về thời điểm nâng cấp quan hệ. Trong khi trực tiếp khẳng định sẽ nâng tầm quan hệ với Hàn Quốc “trong năm nay” (năm 2022), thì trong năm 2023, Việt Nam chỉ dùng cụm từ “vào thời điểm phù hợp” để nói về khả năng nâng cấp quan hệ với Australia.
“Cái lý” của Việt Nam
Đối với người ngoài cuộc, vấn đề vừa qua chỉ là tiểu tiết. Song, khi xét vấn đề trong bối cảnh của nó và đặt mình vào tâm thế của Việt Nam để nhìn nhận, có thể hiểu rằng “tính chính danh” trong hiện tại và “tính chính nghĩa” trong quá khứ là hai điều mà nhà nước này rất mực xem trọng. Đó là hai nguyên nhân chủ yếu khiến Chính phủ Việt Nam phản đối gay gắt việc Australia phát hành đồng tiền in hình “cờ vàng”.
Việt Nam có “cái lý” của riêng mình để phản đối hoạt động phát hành tiền kỷ niệm in hình “cờ vàng” vừa qua ở Australia. Tuy nhiên, dường như Việt Nam vẫn chưa đạt được “cái tình” với phát ngôn cứng rắn, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thúc đẩy chủ trương hoà giải, hoà hợp dân tộc; cùng với thiện chí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên mức độ cao nhất trong thang bậc đối tác của Việt Nam.
Từ khoá: tính chính danh chính nghĩa chính sách đối ngoại Việt Nam Australia Quan hệ Việt Nam - Australia