Quan hệ Mỹ - Trung những ngày đầu Trump 2.0 có gì đáng chú ý?
Quan hệ Mỹ - Trung khởi đầu với sự thận trọng và kiềm chế nhất định từ cả hai bên. Tuy nhiên, hai cường quốc có thể sớm đối đầu gay gắt bởi sự khác biệt to lớn về lợi ích và trải nghiệm thất bại trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng trong quá khứ.


Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 10% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ để trả đũa việc Bắc Kinh sản xuất hóa chất được sử dụng trong fentanyl. Fentanyl là một loại thuốc giảm đau tổng hợp thuộc nhóm opioid, dùng để điều trị bệnh nhân ung thư hoặc những người vừa trải qua đại phẫu. Tuy nhiên, chất giảm đau gây nghiện này còn được dùng như một loại ma túy cực mạnh.
Ngày 2/2, Bộ Thương mại Trung Quốc đáp trả bằng việc tuyên bố Bắc Kinh sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì cho rằng việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa nước này là “sai trái” (wrong). Song, Trung Quốc không nêu thời gian cụ thể cho việc kiện Mỹ lên WTO. Mới đây nhất, vào ngày 4/2, không lâu sau khi thuế nhập khẩu 10% của ông Trump áp lên hàng Trung Quốc có hiệu lực, Bắc Kinh thông báo các mặt hàng than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị áp thuế 15%; còn dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ôtô bị chịu mức 10%. Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc cũng sẽ siết xuất khẩu hàng loạt nguyên tố quan trọng như tungsten, tellurium, ruthenium, molybdenum.
Khởi đầu ít căng thẳng hơn dự đoán
Trong quá trình tranh cử tổng thống, Trump đã tuyên bố sẽ xem xét áp thuế quan lên tới 60% hoặc cao hơn nữa đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ứng cử viên Mỹ khi đó còn đề xuất hạn chế và giám sát các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đối với trí tuệ nhân tạo (AI), chip máy tính và điện toán lượng tử - với cáo buộc rằng những lĩnh vực này có thể tiếp tay cho Bắc Kinh tăng cường năng lực về quân sự, tình báo, giám sát và không gian mạng.
Tuy vậy, việc tân Tổng thống Mỹ hiện chỉ áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc cho thấy một bước đi có phần hòa dịu hơn so với những tuyên bố cứng rắn của ông lúc tranh cử. Khi trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) vào ngày 23/1, ông Trump cũng đã thể hiện thiện chí khi tuyên bố “Chúng tôi kỳ vọng sẽ làm việc rất tốt và hòa hợp với Trung Quốc”.
Ngoài ra, ngay sau khi nhậm chức, Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm hoãn lệnh cấm TikTok tại Mỹ (do cựu Tổng thống Joe Biden áp đặt) trong vòng 75 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/1, yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp không thực thi luật để chính quyền mới có thời gian xác định hướng đi phù hợp đối với mạng xã hội này. Một trong những giải pháp đang được Trump để ngỏ là cho phép tỷ phú Elon Musk mua lại TikTok, dựa trên một thỏa thuận chia đôi quyền sở hữu với tập đoàn ByteDance (đơn vị sáng lập mạng xã hội trên).
Trong một động thái đáng chú ý khác của chính quyền Trump, hồi ngày 24/1, Ngoại trưởng Marco Rubio (người đã hai lần bị Bắc Kinh trừng phạt và được biết đến với quan điểm diều hâu đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã điện đàm với người đồng cấp Vương Nghị. Trong cuộc điện đàm này, Washington đồng ý sẽ quản lý mối quan hệ song phương một cách “trưởng thành và thận trọng” (mature and prudent), sau khi ông Vương truyền tải thông điệp rằng “Tôi hy vọng các bạn [tức Mỹ] sẽ hành động phù hợp” (I hope you will act accordingly).
Sự thận trọng của chính phủ Mỹ có thể là bởi, so với nhiệm kỳ đầu tiên của Trump (2017 - 2021), Trung Quốc giờ đây ngày càng ít phụ thuộc vào Washington. Chẳng hạn, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 97% kể từ năm 2016. Năng lực tự cung tự cấp của Bắc Kinh cũng tăng lên đáng kể. Cường quốc châu Á hiện thống trị các ngành công nghiệp chủ chốt như xe điện, pin xe điện, tấm pin mặt trời, máy bay không người lái, và rất nhiều thiết bị tiêu dùng khác. Mới đây nhất, công ty AI Trung Quốc DeepSeek đã gây tiếng vang khi cho ra mắt sản phẩm với chi phí phát triển rất thấp, chỉ bằng một phần nhỏ so với các mô hình AI siêu đắt của các gã khổng lồ Mỹ.
Với thực tế này, ông Trump có lẽ nhận thấy thời điểm này chưa phải là lúc cần áp thuế mạnh mẽ với Trung Quốc như đã hứa hẹn lúc tranh cử, đặc biệt là khi việc giáng thuế mạnh lên Trung Quốc gây rủi ro làm tăng lạm phát, kéo tụt tăng trưởng, làm tổn thương người lao động Mỹ và khiến người tiêu dùng nước này gánh chịu hậu quả. Trong tình cảnh đó, mức áp thuế 10% có thể là phù hợp vì nó chủ yếu mang ý nghĩa răn đe Trung Quốc; đồng thời mức thuế này trở thành một con bài mặc cả khi hai nước tiến hành các cuộc đàm phán sâu hơn, và giúp làm hài lòng công chúng, cũng như các thành viên đảng Cộng hòa có lập trường chống Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng bày tỏ thiện chí khi không muốn leo thang căng thẳng với Washington. Trong một cuộc điện đàm với ông Trump vài ngày trước lễ nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi đôi bên nên hướng tới “một khởi đầu tốt đẹp cho mối quan hệ Trung - Mỹ” (hope for a good start of the China - US relationship). Nói đi đôi với làm, chính phủ Trung Quốc đã cử Phó Thủ tướng Hàn Chính đến tham dự lễ nhậm chức của ông Trump. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Trung Quốc có mặt trong lễ nhậm chức tổng thống Mỹ.
Sau đó, khi phát biểu tại WEF, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường cho biết Trung Quốc muốn “thúc đẩy thương mại cân bằng” (promote balanced trade), chứ không phải “thặng dư” (surplus) với thế giới. Đây là một câu nói ẩn ý, có lẽ ông Đinh muốn gửi thông điệp đến ông Trump rằng Trung Quốc không chỉ muốn gia tăng xuất khẩu, mà còn sẵn sàng đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, để làm sao cho cán cân thương mại không bị thiên lệch.
Mới đây nhất, mặc dù Bắc Kinh đã ra quyết định đáp trả thuế quan với Washington, song phản ứng này vẫn thể hiện sự kiềm chế nhất định từ chính quyền ở Trung Nam Hải. Trung Quốc chỉ chọn một số ít mặt hàng để áp thuế thay vì phủ toàn bộ các loại hàng hóa như cách ông Trump đã làm. Lựa chọn như vậy có thể là cách để Trung Quốc mặc cả ngược lại Mỹ, trong lúc tìm cách đưa ra các đề xuất khác để bắt đầu đàm phán với Washington.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Trung Quốc có thể khôi phục thỏa thuận thương mại “Giai đoạn Một” (Phase One), được ký kết vào năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, trong đó yêu cầu Bắc Kinh mua hàng xuất khẩu của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong hai năm, nhưng mục tiêu này đã không đạt được do đại dịch COVID-19 bùng phát. Thêm vào đó, cường quốc tỷ dân này còn có thể cam kết không phá giá đồng Nhân dân tệ, đề nghị đầu tư nhiều hơn vào Mỹ và cam kết giảm xuất khẩu tiền chất fentanyl.
Những bước đi này có thể xoa dịu ông Trump, bởi sau những nhân nhượng của Canada và Mexico (hai quốc gia này bị áp thuế 25% đối với phần lớn hàng nhập khẩu, và quyết định xoa dịu Washington bằng cách cam kết tăng cường giám sát biên giới để ngăn chặn nhập cư trái phép và buôn lậu fentanyl) ở cuộc điện đàm mới nhất vào ngày 3/2, Mỹ đã quyết định tạm dừng áp thuế quan đối với hai nước này trong vòng một tháng.
Việc Trung Quốc không muốn leo thang căng thẳng quá mức với Mỹ trong thời điểm hiện nay có thể do nền kinh tế của nước này cũng đang không mấy khả quan. Theo dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (National Bureau of Statistics of China - NBS) công bố ngày 17/1, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 5% trong năm ngoái, là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1990, không tính những năm biến động tài chính của đại dịch COVID-19. Chính NBS thừa nhận rằng Bắc Kinh đang phải đối mặt với “những tác động bất lợi ngày càng tăng từ môi trường bên ngoài, nhu cầu trong nước không đủ, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và hoạt động, nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn và thách thức”.
Căng thẳng chực chờ leo thang
Quay trở lại thời điểm năm 2017, khi Trump bắt đầu bước chân vào Nhà Trắng để trải qua nhiệm kỳ bốn năm đầu tiên, mối quan hệ Mỹ - Trung cũng ghi nhận sự khởi đầu tương đối tích cực. Tháng 4 năm đó, ông Tập đã đến dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida (Mỹ) để hội đàm. Bảy tháng sau, đến lượt nhà lãnh đạo Mỹ bay sang Bắc Kinh để gặp người đồng cấp Trung Quốc. Tuy nhiên, sang năm 2018, quan hệ song phương trở nên xấu đi khi ông Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và tình hình sau đó càng lúc càng trở nên tồi tệ.
Một kịch bản tương tự có vẻ cũng đang diễn ra trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Theo tờ WSJ, tân Tổng thống Mỹ có dự định đến thăm Trung Quốc trong vòng 100 ngày sau lễ nhậm chức. Trump có thể sẽ nhân cuộc gặp để mặc cả quyết liệt với Trung Quốc. Và nếu mọi chuyện không đi theo đúng như mong đợi của người đứng đầu chính phủ Mỹ, căng thẳng hoàn toàn có thể bị đẩy lên mức cao trở lại như những gì đã diễn ra kể từ năm 2018.
Trung Quốc có thể chấp nhận mặc cả của Trump về vấn đề TikTok (cho phép đây là một vấn đề thuần về thương mại, và các nhà đầu tư tại Mỹ hoàn toàn có thể tự do đàm phán thỏa thuận với ByteDance), vì Bắc Kinh không coi ứng dụng này như công nghệ chiến lược, tiên tiến hàng đầu như chip AI, hay các siêu máy tính. Hơn nữa, cường quốc này từng kiên quyết phản đối việc bán TikTok cho Mỹ vào năm 2023, nhưng dường như đang làm dịu lập trường của mình. Vào ngày 20/1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh (Mao Ning) chỉ nhấn mạnh rằng bất kỳ việc mua lại doanh nghiệp nào cũng nên tuân thủ “nguyên tắc thị trường” (market principles) cũng như “luật pháp và quy định của Trung Quốc” (Chinese laws and regulations).
Tuy vậy, có nhiều mâu thuẫn cố hữu khác khiến Bắc Kinh và Washington khó tìm được tiếng nói chung, chẳng hạn như tham vọng thống trị công nghệ, quân sự, và cán cân quyền lực ở châu Á, hay mâu thuẫn xung quanh vấn đề hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Hơn nữa, để giữ thể diện với người dân trong nước, cũng như nêu cao vai trò dẫn dắt các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực Nam Bán cầu (Global South), Trung Quốc sẽ khó lòng nhân nhượng Mỹ quá nhiều, đặc biệt là đối với các vấn đề mà hai nước cạnh tranh trực tiếp. Trong bối cảnh đó, nguy cơ mối quan hệ Mỹ - Trung trở lại quỹ đạo rất xấu có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Để minh chứng cho sự mong manh của mối quan hệ Mỹ - Trung, Ngoại trưởng Rubio là một ví dụ đáng chú ý. Dù cam kết quản lý mối quan hệ song phương một cách “trưởng thành và thận trọng” khi gặp Vương Nghị, nhưng khi trả lời trong phiên điều trần phê chuẩn tại Thượng viện Mỹ ngày 15/1, ông Rubio không ngại ngần cáo buộc Trung Quốc đã “nói dối, gian lận, tấn công và đánh cắp” (lied, cheated, hacked and stolen) nhằm gây hại Washington trên con đường cạnh tranh trở thành siêu cường toàn cầu. Vị Ngoại trưởng này còn nói thêm rằng Trung Quốc là “đối thủ ngang hàng nguy hiểm và mạnh nhất mà quốc gia này [tức Mỹ] từng đối mặt” (the most potent and dangerous near-peer adversary this nation has ever confronted).
Tóm lại, dù nhanh chóng áp thuế quan để gây áp lực lên Trung Quốc, song các động thái ban đầu của ông Trump sau khi nhậm chức nhìn chung là kiềm chế hơn nhiều so với dự đoán của giới chuyên môn và các nhà quan sát. Đổi lại, tuy đáp trả thuế quan với Washington nhưng Trung Quốc cũng nhân nhượng nhất định, với không nhiều mặt hàng bị nằm trong danh sách.
Tuy nhiên, những khác biệt lớn về lợi ích giữa hai siêu cường, kết hợp với bài học của nhiệm kỳ Trump 1.0 cho thấy sự kiềm chế này khó kéo dài được lâu. Nói ngắn gọn, căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới.
Khi đó, ông Trump hoàn toàn có thể tăng mức thuế quan lên tới 60% như đã cam kết trong quá trình tranh cử. Cũng không loại trừ việc chính quyền Trump xem xét bãi bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (hay còn gọi là tối huệ quốc) mà Mỹ dành cho Trung Quốc (theo đề xuất mà Thượng viện và Hạ viện Mỹ đưa ra vào ngày 23/1). Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào hoặc hạn chế thị trường có chọn lọc, cũng như mở các cuộc điều tra chống độc quyền đối với Mỹ.
Bài viết này thuộc ấn bản đặc biệt với chủ đề “Cạnh tranh Mỹ - Trung dưới thời Trump 2.0”.

Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 10% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ để trả đũa việc Bắc Kinh sản xuất hóa chất được sử dụng trong fentanyl. Fentanyl là một loại thuốc giảm đau tổng hợp thuộc nhóm opioid, dùng để điều trị bệnh nhân ung thư hoặc những người vừa trải qua đại phẫu. Tuy nhiên, chất giảm đau gây nghiện này còn được dùng như một loại ma túy cực mạnh.
Ngày 2/2, Bộ Thương mại Trung Quốc đáp trả bằng việc tuyên bố Bắc Kinh sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì cho rằng việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa nước này là “sai trái” (wrong). Song, Trung Quốc không nêu thời gian cụ thể cho việc kiện Mỹ lên WTO. Mới đây nhất, vào ngày 4/2, không lâu sau khi thuế nhập khẩu 10% của ông Trump áp lên hàng Trung Quốc có hiệu lực, Bắc Kinh thông báo các mặt hàng than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị áp thuế 15%; còn dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ôtô bị chịu mức 10%. Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc cũng sẽ siết xuất khẩu hàng loạt nguyên tố quan trọng như tungsten, tellurium, ruthenium, molybdenum.
Khởi đầu ít căng thẳng hơn dự đoán
Trong quá trình tranh cử tổng thống, Trump đã tuyên bố sẽ xem xét áp thuế quan lên tới 60% hoặc cao hơn nữa đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ứng cử viên Mỹ khi đó còn đề xuất hạn chế và giám sát các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đối với trí tuệ nhân tạo (AI), chip máy tính và điện toán lượng tử - với cáo buộc rằng những lĩnh vực này có thể tiếp tay cho Bắc Kinh tăng cường năng lực về quân sự, tình báo, giám sát và không gian mạng.
Tuy vậy, việc tân Tổng thống Mỹ hiện chỉ áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc cho thấy một bước đi có phần hòa dịu hơn so với những tuyên bố cứng rắn của ông lúc tranh cử. Khi trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) vào ngày 23/1, ông Trump cũng đã thể hiện thiện chí khi tuyên bố “Chúng tôi kỳ vọng sẽ làm việc rất tốt và hòa hợp với Trung Quốc”.
Ngoài ra, ngay sau khi nhậm chức, Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm hoãn lệnh cấm TikTok tại Mỹ (do cựu Tổng thống Joe Biden áp đặt) trong vòng 75 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/1, yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp không thực thi luật để chính quyền mới có thời gian xác định hướng đi phù hợp đối với mạng xã hội này. Một trong những giải pháp đang được Trump để ngỏ là cho phép tỷ phú Elon Musk mua lại TikTok, dựa trên một thỏa thuận chia đôi quyền sở hữu với tập đoàn ByteDance (đơn vị sáng lập mạng xã hội trên).
Trong một động thái đáng chú ý khác của chính quyền Trump, hồi ngày 24/1, Ngoại trưởng Marco Rubio (người đã hai lần bị Bắc Kinh trừng phạt và được biết đến với quan điểm diều hâu đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã điện đàm với người đồng cấp Vương Nghị. Trong cuộc điện đàm này, Washington đồng ý sẽ quản lý mối quan hệ song phương một cách “trưởng thành và thận trọng” (mature and prudent), sau khi ông Vương truyền tải thông điệp rằng “Tôi hy vọng các bạn [tức Mỹ] sẽ hành động phù hợp” (I hope you will act accordingly).
Sự thận trọng của chính phủ Mỹ có thể là bởi, so với nhiệm kỳ đầu tiên của Trump (2017 - 2021), Trung Quốc giờ đây ngày càng ít phụ thuộc vào Washington. Chẳng hạn, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 97% kể từ năm 2016. Năng lực tự cung tự cấp của Bắc Kinh cũng tăng lên đáng kể. Cường quốc châu Á hiện thống trị các ngành công nghiệp chủ chốt như xe điện, pin xe điện, tấm pin mặt trời, máy bay không người lái, và rất nhiều thiết bị tiêu dùng khác. Mới đây nhất, công ty AI Trung Quốc DeepSeek đã gây tiếng vang khi cho ra mắt sản phẩm với chi phí phát triển rất thấp, chỉ bằng một phần nhỏ so với các mô hình AI siêu đắt của các gã khổng lồ Mỹ.
Với thực tế này, ông Trump có lẽ nhận thấy thời điểm này chưa phải là lúc cần áp thuế mạnh mẽ với Trung Quốc như đã hứa hẹn lúc tranh cử, đặc biệt là khi việc giáng thuế mạnh lên Trung Quốc gây rủi ro làm tăng lạm phát, kéo tụt tăng trưởng, làm tổn thương người lao động Mỹ và khiến người tiêu dùng nước này gánh chịu hậu quả. Trong tình cảnh đó, mức áp thuế 10% có thể là phù hợp vì nó chủ yếu mang ý nghĩa răn đe Trung Quốc; đồng thời mức thuế này trở thành một con bài mặc cả khi hai nước tiến hành các cuộc đàm phán sâu hơn, và giúp làm hài lòng công chúng, cũng như các thành viên đảng Cộng hòa có lập trường chống Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng bày tỏ thiện chí khi không muốn leo thang căng thẳng với Washington. Trong một cuộc điện đàm với ông Trump vài ngày trước lễ nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi đôi bên nên hướng tới “một khởi đầu tốt đẹp cho mối quan hệ Trung - Mỹ” (hope for a good start of the China - US relationship). Nói đi đôi với làm, chính phủ Trung Quốc đã cử Phó Thủ tướng Hàn Chính đến tham dự lễ nhậm chức của ông Trump. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Trung Quốc có mặt trong lễ nhậm chức tổng thống Mỹ.
Sau đó, khi phát biểu tại WEF, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường cho biết Trung Quốc muốn “thúc đẩy thương mại cân bằng” (promote balanced trade), chứ không phải “thặng dư” (surplus) với thế giới. Đây là một câu nói ẩn ý, có lẽ ông Đinh muốn gửi thông điệp đến ông Trump rằng Trung Quốc không chỉ muốn gia tăng xuất khẩu, mà còn sẵn sàng đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, để làm sao cho cán cân thương mại không bị thiên lệch.
Mới đây nhất, mặc dù Bắc Kinh đã ra quyết định đáp trả thuế quan với Washington, song phản ứng này vẫn thể hiện sự kiềm chế nhất định từ chính quyền ở Trung Nam Hải. Trung Quốc chỉ chọn một số ít mặt hàng để áp thuế thay vì phủ toàn bộ các loại hàng hóa như cách ông Trump đã làm. Lựa chọn như vậy có thể là cách để Trung Quốc mặc cả ngược lại Mỹ, trong lúc tìm cách đưa ra các đề xuất khác để bắt đầu đàm phán với Washington.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Trung Quốc có thể khôi phục thỏa thuận thương mại “Giai đoạn Một” (Phase One), được ký kết vào năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, trong đó yêu cầu Bắc Kinh mua hàng xuất khẩu của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong hai năm, nhưng mục tiêu này đã không đạt được do đại dịch COVID-19 bùng phát. Thêm vào đó, cường quốc tỷ dân này còn có thể cam kết không phá giá đồng Nhân dân tệ, đề nghị đầu tư nhiều hơn vào Mỹ và cam kết giảm xuất khẩu tiền chất fentanyl.
Những bước đi này có thể xoa dịu ông Trump, bởi sau những nhân nhượng của Canada và Mexico (hai quốc gia này bị áp thuế 25% đối với phần lớn hàng nhập khẩu, và quyết định xoa dịu Washington bằng cách cam kết tăng cường giám sát biên giới để ngăn chặn nhập cư trái phép và buôn lậu fentanyl) ở cuộc điện đàm mới nhất vào ngày 3/2, Mỹ đã quyết định tạm dừng áp thuế quan đối với hai nước này trong vòng một tháng.
Việc Trung Quốc không muốn leo thang căng thẳng quá mức với Mỹ trong thời điểm hiện nay có thể do nền kinh tế của nước này cũng đang không mấy khả quan. Theo dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (National Bureau of Statistics of China - NBS) công bố ngày 17/1, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 5% trong năm ngoái, là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1990, không tính những năm biến động tài chính của đại dịch COVID-19. Chính NBS thừa nhận rằng Bắc Kinh đang phải đối mặt với “những tác động bất lợi ngày càng tăng từ môi trường bên ngoài, nhu cầu trong nước không đủ, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và hoạt động, nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn và thách thức”.
Căng thẳng chực chờ leo thang
Quay trở lại thời điểm năm 2017, khi Trump bắt đầu bước chân vào Nhà Trắng để trải qua nhiệm kỳ bốn năm đầu tiên, mối quan hệ Mỹ - Trung cũng ghi nhận sự khởi đầu tương đối tích cực. Tháng 4 năm đó, ông Tập đã đến dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida (Mỹ) để hội đàm. Bảy tháng sau, đến lượt nhà lãnh đạo Mỹ bay sang Bắc Kinh để gặp người đồng cấp Trung Quốc. Tuy nhiên, sang năm 2018, quan hệ song phương trở nên xấu đi khi ông Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và tình hình sau đó càng lúc càng trở nên tồi tệ.
Một kịch bản tương tự có vẻ cũng đang diễn ra trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Theo tờ WSJ, tân Tổng thống Mỹ có dự định đến thăm Trung Quốc trong vòng 100 ngày sau lễ nhậm chức. Trump có thể sẽ nhân cuộc gặp để mặc cả quyết liệt với Trung Quốc. Và nếu mọi chuyện không đi theo đúng như mong đợi của người đứng đầu chính phủ Mỹ, căng thẳng hoàn toàn có thể bị đẩy lên mức cao trở lại như những gì đã diễn ra kể từ năm 2018.
Trung Quốc có thể chấp nhận mặc cả của Trump về vấn đề TikTok (cho phép đây là một vấn đề thuần về thương mại, và các nhà đầu tư tại Mỹ hoàn toàn có thể tự do đàm phán thỏa thuận với ByteDance), vì Bắc Kinh không coi ứng dụng này như công nghệ chiến lược, tiên tiến hàng đầu như chip AI, hay các siêu máy tính. Hơn nữa, cường quốc này từng kiên quyết phản đối việc bán TikTok cho Mỹ vào năm 2023, nhưng dường như đang làm dịu lập trường của mình. Vào ngày 20/1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh (Mao Ning) chỉ nhấn mạnh rằng bất kỳ việc mua lại doanh nghiệp nào cũng nên tuân thủ “nguyên tắc thị trường” (market principles) cũng như “luật pháp và quy định của Trung Quốc” (Chinese laws and regulations).
Tuy vậy, có nhiều mâu thuẫn cố hữu khác khiến Bắc Kinh và Washington khó tìm được tiếng nói chung, chẳng hạn như tham vọng thống trị công nghệ, quân sự, và cán cân quyền lực ở châu Á, hay mâu thuẫn xung quanh vấn đề hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Hơn nữa, để giữ thể diện với người dân trong nước, cũng như nêu cao vai trò dẫn dắt các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực Nam Bán cầu (Global South), Trung Quốc sẽ khó lòng nhân nhượng Mỹ quá nhiều, đặc biệt là đối với các vấn đề mà hai nước cạnh tranh trực tiếp. Trong bối cảnh đó, nguy cơ mối quan hệ Mỹ - Trung trở lại quỹ đạo rất xấu có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Để minh chứng cho sự mong manh của mối quan hệ Mỹ - Trung, Ngoại trưởng Rubio là một ví dụ đáng chú ý. Dù cam kết quản lý mối quan hệ song phương một cách “trưởng thành và thận trọng” khi gặp Vương Nghị, nhưng khi trả lời trong phiên điều trần phê chuẩn tại Thượng viện Mỹ ngày 15/1, ông Rubio không ngại ngần cáo buộc Trung Quốc đã “nói dối, gian lận, tấn công và đánh cắp” (lied, cheated, hacked and stolen) nhằm gây hại Washington trên con đường cạnh tranh trở thành siêu cường toàn cầu. Vị Ngoại trưởng này còn nói thêm rằng Trung Quốc là “đối thủ ngang hàng nguy hiểm và mạnh nhất mà quốc gia này [tức Mỹ] từng đối mặt” (the most potent and dangerous near-peer adversary this nation has ever confronted).
Tóm lại, dù nhanh chóng áp thuế quan để gây áp lực lên Trung Quốc, song các động thái ban đầu của ông Trump sau khi nhậm chức nhìn chung là kiềm chế hơn nhiều so với dự đoán của giới chuyên môn và các nhà quan sát. Đổi lại, tuy đáp trả thuế quan với Washington nhưng Trung Quốc cũng nhân nhượng nhất định, với không nhiều mặt hàng bị nằm trong danh sách.
Tuy nhiên, những khác biệt lớn về lợi ích giữa hai siêu cường, kết hợp với bài học của nhiệm kỳ Trump 1.0 cho thấy sự kiềm chế này khó kéo dài được lâu. Nói ngắn gọn, căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới.
Khi đó, ông Trump hoàn toàn có thể tăng mức thuế quan lên tới 60% như đã cam kết trong quá trình tranh cử. Cũng không loại trừ việc chính quyền Trump xem xét bãi bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (hay còn gọi là tối huệ quốc) mà Mỹ dành cho Trung Quốc (theo đề xuất mà Thượng viện và Hạ viện Mỹ đưa ra vào ngày 23/1). Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào hoặc hạn chế thị trường có chọn lọc, cũng như mở các cuộc điều tra chống độc quyền đối với Mỹ.
Bài viết này thuộc ấn bản đặc biệt với chủ đề “Cạnh tranh Mỹ - Trung dưới thời Trump 2.0”.
Từ khoá: Mỹ Donald Trump Trung Quốc cạnh tranh Mỹ - Trung quan hệ Mỹ Trung