Chính trị - Ngoại giao   15/05/2023

Sự “trỗi dậy” của chủ nghĩa tiểu đa phương ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lựa chọn chính sách cho Việt Nam

Khi hợp tác tiểu đa phương đang nổi lên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Việt Nam có nhiều cơ hội để tham gia vào các khuôn khổ hợp tác, liên kết nhỏ để mở rộng mạng lưới đối tác và giải quyết các vấn đề cụ thể.

Tim Phan

15/05/2023
Image
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 hôm 10/05/2023 tại Labuan Bajo, Indonesia - (C): Nhật Bắc/VGP

Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chủ nghĩa tiểu đa phương (minilateralism) đang là xu hướng mà nhiều quốc gia lựa chọn. Các liên kết tiểu đa phương, tuy không mới, song có ý nghĩa quan trọng, vì chúng “nổi lên” trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, chủ nghĩa đa phương bộc lộ nhiều hạn chế, và các thách thức an ninh phi truyền thống gây hậu quả nặng nề. 

Bên cạnh các cơ chế tiểu đa phương nổi bật trong thập niên 2000 như Đối thoại Chiến lược ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia (Trilateral Strategic Dialogue, 2002) hay Hiệp ước Tuần tra Eo biển Malacca giữa Indonesia, Malaysia và Singapore (Malacca Straits Patrol, 2004), thập niên thứ hai của thế kỷ XXI chứng kiến sự ra đời lẫn hồi sinh của hàng loạt các nhóm tiểu đa phương. Điển hình là Hợp tác Mekong - Lan Thương gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (Mekong-Lancang Cooperation - MLC, 2015); sự hồi sinh của “Bộ tứ” hay “Đối thoại Tứ giác An ninh” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia (Quadrilateral Security Dialogue - QUAD, 2017); Hiệp ước An ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS, 2021); Mạng lưới chuỗi cung ứng chất bán dẫn giữa Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Chip 4, 2022),... 

Các cơ chế hợp tác nhỏ, dù đang tồn tại bên cạnh các diễn đàn đa phương, nhưng ngày càng có tầm quan trọng về khía cạnh chiến lược. Nhất là, các nhóm tiểu đa phương tạo môi trường thuận lợi và các điều kiện cần thiết để việc thảo luận và phối hợp chính sách diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Chủ nghĩa tiểu đa phương là gì?

Dù hiện chưa có một định nghĩa chung hay cách hiểu thống nhất nhưng, một cách khái quát, chủ nghĩa tiểu đa phương là tập hợp “số lượng nhỏ nhất các quốc gia cần thiết để đem lại tác động lớn nhất có thể nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể”. Nói cách khác, chủ nghĩa tiểu đa phương nỗ lực ngoại giao của hơn ba quốc gia trở lên, nằm ngoài các diễn đàn đa phương truyền thống, nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể mà một quốc gia riêng lẻ không thể xử lý tốt. Các đặc trưng tiêu biểu của chủ nghĩa tiểu đa phương là: số lượng quốc gia tham gia ít, mục tiêu mang tính thời vụ, các cam kết và kết quả thường mang tính tự nguyện và không bị ràng buộc về mặt pháp lý. 

Bhubhindar Singh và Sarah Teo định nghĩa chủ nghĩa tiểu đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “mối quan hệ hợp tác với sự tham gia từ ba đến chín quốc gia và mang tính chọn lọc tương đối, linh hoạt và có chức năng cụ thể”. Hai học giả trên chọn số lượng tối đa của một cơ chế hợp tác tiểu đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là chín quốc gia nhằm phân biệt với tổ chức đa phương điển hình trong khu vực là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện đang có 10 thành viên. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính biểu tượng và vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau về số lượng quốc gia trong một cơ chế hợp tác tiểu đa phương ở khu vực. 

Zack Cooper, nghiên cứu viên cao cấp của “American Enterprise Institute”, chỉ ra ba đặc điểm chính khiến chủ nghĩa tiểu đa phương trở nên hấp dẫn và đang là lựa chọn phổ biến của các quốc gia trong khu vực: (1) các cơ chế hợp tác tiểu đa phương tập trung vào các vấn đề cụ thể; (2) dễ dàng tập hợp các quốc gia có chung chương trình nghị sự và mục tiêu; (3) nhờ vào tính linh hoạt, các cơ chế tiểu đa phương có thể nhanh chóng được triển khai để đáp ứng và giải quyết các vấn đề phát sinh. 

Thật vậy, tham gia hợp tác trong một cơ chế chọn lọc thường là các quốc gia cùng chí hướng (like-minded nations). Thể chế hóa thấp cũng giúp các nước dễ dàng tìm kiếm được tiếng nói chung và/hoặc cách tiếp cận ngoại giao mới, từ đó nhanh chóng đưa ra chương trình nghị sự có thể hài hoà lợi ích của các thành viên cũng như đẩy nhanh quá trình ra quyết sách để giải quyết (các) vấn đề cụ thể. 

Bên cạnh đó, các cơ chế tiểu đa phương có thể khắc phục những hạn chế của các diễn đàn đa phương truyền thống, như phải trải qua quá trình lâu dài để đạt đồng thuận mà “kết quả có thể giảm đến mức thấp nhất”. Hơn nữa, các cuộc họp đa phương có thể kết thúc mà không thể thống nhất giải pháp chung hay không đưa ra được tuyên bố chung. 

Có ba nguyên nhân chính dẫn tới sự ra đời hoặc tái khởi động các cơ chế tiểu đa phương trong khu vực. Đầu tiên, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đã thúc đẩy sự “trỗi dậy” của chủ nghĩa tiểu đa phương. Đối đầu Mỹ - Trung ngày càng gay gắt dẫn tới các cơ chế tiểu đa phương mang tính cạnh tranh nhau. So với Mỹ, phần lớn xây dựng các hình thức hợp tác tiểu đa phương dựa trên nền tảng quan hệ gắn kết giữa Mỹ cùng các đồng minh và đối tác thân cận trong khu vực, Trung Quốc chỉ mới theo đuổi hình thức hợp tác này thông qua một số cơ chế như MLC, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization - SCO),... 

Thứ hai, vai trò lãnh đạo và uy tín của Mỹ ở khu vực suy giảm, nhất là dưới thời Tổng thống Donald Trump (2017 - 2020) với chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First). Bên cạnh đó, việc các đồng minh của Mỹ ở châu Á giảm niềm tin đối với siêu cường này cũng là nhân tố thúc đẩy xu hướng trên. Kết quả là, các đồng minh và đối tác của Washington tìm đến “một cấu trúc mạng lưới linh hoạt hơn bao gồm một loạt các cơ chế tham vấn và thỏa thuận tiểu đa phương chồng chéo nhau”. 

Thứ ba, sự đình trệ cùng phản ứng chậm chạp và kém hiệu quả của các tổ chức đa phương hiện nay có nguồn gốc từ xung đột lợi ích giữa các quốc gia thành viên cũng thúc đẩy chủ nghĩa tiểu đa phương. Thất bại trong việc đưa ra cách tiếp cận chung nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, không thể ngăn chặn cuộc chiến Nga - Ukraine, và bế tắc trong việc xoa dịu căng thẳng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông bộc lộ sự suy yếu của các tổ chức đa phương trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. 

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi cho rằng chủ nghĩa đa phương đang “cáo chung”. Ở phương diện nào đó, hợp tác đa phương vẫn cần thiết và khó có thể bị thay thế, ít nhất trong tương lai gần. Trên thực tế, hầu hết quốc gia trong khu vực, nhất là các nước vừa và nhỏ, đều xem hợp tác đa phương là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình nhằm tối đa hoá lợi ích quốc gia trên cơ sở mở rộng mạng lưới đối tác. 

Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày một gay gắt, các thể chế đa phương là nền tảng giúp các quốc gia có tiếng nói bình đẳng. Đồng thời, việc lôi kéo các cường quốc cùng ngồi vào bàn đàm phán có thể giúp thu hẹp khác biệt, tìm kiếm các cách thức khả dĩ có thể giúp quản lý quan hệ cạnh tranh nước lớn, từ đó thúc đẩy hoà bình và an ninh khu vực. 

Với các cường quốc, can dự vào các cơ chế đa phương phục vụ cho mục tiêu duy trì và mở rộng ảnh hưởng, đồng thời từng bước lôi kéo các quốc gia khác ủng hộ tầm nhìn chiến lược và/hoặc trật tự quốc tế mà mỗi cường quốc theo đuổi. 

Dù vậy, những hạn chế ngày càng rõ rệt của chủ nghĩa đa phương đã thúc đẩy các quốc gia trong khu vực đưa ra các sáng kiến tiểu đa phương nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể dựa trên việc chia sẻ nhu cầu và lợi ích của các bên. Các thành viên trong các liên kết tiểu đa phương, thông qua phối hợp cùng nhau trong một chương trình nghị sự, sẽ tránh được quá trình ra quyết định phức tạp, vốn thường tồn tại trong các tổ chức lớn hơn.

Thách thức đối với ASEAN

Sự “tái sinh” và “ra đời” của hàng loạt các cơ chế tiểu đa phương ở khu vực đang cạnh tranh, thậm chí đe dọa “vai trò trung tâm” (centrality), “sự thống nhất” (unity) cũng như “nguyên tắc đồng thuận” (consensus) của ASEAN. Từng được xem là một mô hình hợp tác đa phương thành công ở Đông Nam Á, Hiệp hội đang chậm đổi mới và kém năng động trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thông trong khu vực. ASEAN đang ở giai đoạn hợp tác yếu nhất trong lịch sử, nhất là trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Thậm chí có một số ý kiến cho rằng sự nổi lên của một số cơ chế tiểu đa phương, chẳng hạn như QUAD hay AUKUS, cho thấy mức độ không hài lòng của các quốc gia này về vai trò trung tâm của ASEAN trong việc ứng phó với các chuyển động địa chính trị phức tạp và nhanh chóng ở khu vực. 

Trước những thách thức trên, một mặt ASEAN khẳng định tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa đa phương, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới chủ nghĩa đa phương để ứng phó với các thách thức hiện nay. Mặt khác, các quốc gia thành viên ASEAN đã đưa ra các cách tiếp cận linh hoạt hơn thông qua các hình thức hợp tác tiểu đa phương bên trong ASEAN với mục tiêu thúc đẩy hợp tác để ứng phó các thách thức an ninh. Ví dụ như Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN (ASEAN Maritime Forum) bao gồm tám quốc gia ASEAN (trừ Myanmar và Lào) đã được tổ chức vào tháng 11/2022 nhằm tăng cường hợp tác an ninh hàng hải giữa các thành viên. 

Lựa chọn chính sách nào cho Việt Nam?

Chủ nghĩa tiểu đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang dần tiến tới trạng thái “bình thường mới” (new normal). Mô hình hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển và cùng tồn tại song song với ASEAN - diễn đàn hợp tác đa phương quan trọng trong khu vực. Do đó, Việt Nam cần áp dụng cách tiếp cận đa tầng nấc, tức tham gia tích cực, chủ động vào các cơ chế, diễn đàn ở các cấp độ khác nhau, gồm (i) quốc tế và khu vực; (ii) đa phương và tiểu đa phương với (iii) các vấn đề và lĩnh vực đa dạng. 

Can dự tích cực vào những cơ chế đó giúp Việt Nam xác lập và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế như một chủ thể đáng tin cậy và có trách nhiệm. Đồng thời, Việt Nam có thể mở rộng mạng lưới hợp tác thực tâm với các nước cùng chung tầm nhìn, từ đó đạt được các mục tiêu đối ngoại và thúc đẩy lợi ích quốc gia. 

Chỉ thị số 25/CT-TW của Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 (ban hành năm 2018) cũng nhấn mạnh việc tìm kiếm và kết nối quan hệ ba - bốn bên với tất cả các đối tác chia sẻ lợi ích và hợp tác dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung. Đây là cơ sở để Việt Nam đẩy mạnh ngoại giao chuyên biệt (niche diplomacy) trong các cơ chế tiểu đa phương khu vực.

Trong bối cảnh một số cơ chế an ninh tiểu đa phương như QUAD và MLC ra đời từ hệ quả của biến động an ninh khu vực, nhất là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Việt Nam cần “can dự có chọn lọc” với các cơ chế này nhằm tránh bị hiểu nhầm là “chọn phe”. Tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong các vấn đề an ninh phi truyền thống (như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,...) sẽ giúp Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác vì đây là những vấn đề không quá nhạy cảm và “sát sườn” với lợi ích của các quốc gia. 

Cách tiếp cận khéo léo, thực dụng của Việt Nam đối với các cơ chế tiểu đa phương mới nổi trong khu vực đã có hiệu quả. Vào năm 2020, Việt Nam cùng với Hàn Quốc, New Zealand đã tham gia vào “Bộ tứ mở rộng” (QUAD PLUS), trong đó thảo luận về các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19 cũng như các vấn đề về thương mại và chia sẻ công nghệ. Về lâu dài, Việt Nam có thể phát triển quan hệ với QUAD PLUS trong các vấn đề/lĩnh vực tương tự mà không cần chính thức tham gia vào cơ chế này. 

Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chủ nghĩa tiểu đa phương (minilateralism) đang là xu hướng mà nhiều quốc gia lựa chọn. Các liên kết tiểu đa phương, tuy không mới, song có ý nghĩa quan trọng, vì chúng “nổi lên” trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, chủ nghĩa đa phương bộc lộ nhiều hạn chế, và các thách thức an ninh phi truyền thống gây hậu quả nặng nề. 

Bên cạnh các cơ chế tiểu đa phương nổi bật trong thập niên 2000 như Đối thoại Chiến lược ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia (Trilateral Strategic Dialogue, 2002) hay Hiệp ước Tuần tra Eo biển Malacca giữa Indonesia, Malaysia và Singapore (Malacca Straits Patrol, 2004), thập niên thứ hai của thế kỷ XXI chứng kiến sự ra đời lẫn hồi sinh của hàng loạt các nhóm tiểu đa phương. Điển hình là Hợp tác Mekong - Lan Thương gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (Mekong-Lancang Cooperation - MLC, 2015); sự hồi sinh của “Bộ tứ” hay “Đối thoại Tứ giác An ninh” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia (Quadrilateral Security Dialogue - QUAD, 2017); Hiệp ước An ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS, 2021); Mạng lưới chuỗi cung ứng chất bán dẫn giữa Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Chip 4, 2022),... 

Các cơ chế hợp tác nhỏ, dù đang tồn tại bên cạnh các diễn đàn đa phương, nhưng ngày càng có tầm quan trọng về khía cạnh chiến lược. Nhất là, các nhóm tiểu đa phương tạo môi trường thuận lợi và các điều kiện cần thiết để việc thảo luận và phối hợp chính sách diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Chủ nghĩa tiểu đa phương là gì?

Dù hiện chưa có một định nghĩa chung hay cách hiểu thống nhất nhưng, một cách khái quát, chủ nghĩa tiểu đa phương là tập hợp “số lượng nhỏ nhất các quốc gia cần thiết để đem lại tác động lớn nhất có thể nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể”. Nói cách khác, chủ nghĩa tiểu đa phương nỗ lực ngoại giao của hơn ba quốc gia trở lên, nằm ngoài các diễn đàn đa phương truyền thống, nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể mà một quốc gia riêng lẻ không thể xử lý tốt. Các đặc trưng tiêu biểu của chủ nghĩa tiểu đa phương là: số lượng quốc gia tham gia ít, mục tiêu mang tính thời vụ, các cam kết và kết quả thường mang tính tự nguyện và không bị ràng buộc về mặt pháp lý. 

Bhubhindar Singh và Sarah Teo định nghĩa chủ nghĩa tiểu đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “mối quan hệ hợp tác với sự tham gia từ ba đến chín quốc gia và mang tính chọn lọc tương đối, linh hoạt và có chức năng cụ thể”. Hai học giả trên chọn số lượng tối đa của một cơ chế hợp tác tiểu đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là chín quốc gia nhằm phân biệt với tổ chức đa phương điển hình trong khu vực là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện đang có 10 thành viên. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính biểu tượng và vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau về số lượng quốc gia trong một cơ chế hợp tác tiểu đa phương ở khu vực. 

Zack Cooper, nghiên cứu viên cao cấp của “American Enterprise Institute”, chỉ ra ba đặc điểm chính khiến chủ nghĩa tiểu đa phương trở nên hấp dẫn và đang là lựa chọn phổ biến của các quốc gia trong khu vực: (1) các cơ chế hợp tác tiểu đa phương tập trung vào các vấn đề cụ thể; (2) dễ dàng tập hợp các quốc gia có chung chương trình nghị sự và mục tiêu; (3) nhờ vào tính linh hoạt, các cơ chế tiểu đa phương có thể nhanh chóng được triển khai để đáp ứng và giải quyết các vấn đề phát sinh. 

Thật vậy, tham gia hợp tác trong một cơ chế chọn lọc thường là các quốc gia cùng chí hướng (like-minded nations). Thể chế hóa thấp cũng giúp các nước dễ dàng tìm kiếm được tiếng nói chung và/hoặc cách tiếp cận ngoại giao mới, từ đó nhanh chóng đưa ra chương trình nghị sự có thể hài hoà lợi ích của các thành viên cũng như đẩy nhanh quá trình ra quyết sách để giải quyết (các) vấn đề cụ thể. 

Bên cạnh đó, các cơ chế tiểu đa phương có thể khắc phục những hạn chế của các diễn đàn đa phương truyền thống, như phải trải qua quá trình lâu dài để đạt đồng thuận mà “kết quả có thể giảm đến mức thấp nhất”. Hơn nữa, các cuộc họp đa phương có thể kết thúc mà không thể thống nhất giải pháp chung hay không đưa ra được tuyên bố chung. 

Có ba nguyên nhân chính dẫn tới sự ra đời hoặc tái khởi động các cơ chế tiểu đa phương trong khu vực. Đầu tiên, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đã thúc đẩy sự “trỗi dậy” của chủ nghĩa tiểu đa phương. Đối đầu Mỹ - Trung ngày càng gay gắt dẫn tới các cơ chế tiểu đa phương mang tính cạnh tranh nhau. So với Mỹ, phần lớn xây dựng các hình thức hợp tác tiểu đa phương dựa trên nền tảng quan hệ gắn kết giữa Mỹ cùng các đồng minh và đối tác thân cận trong khu vực, Trung Quốc chỉ mới theo đuổi hình thức hợp tác này thông qua một số cơ chế như MLC, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization - SCO),... 

Thứ hai, vai trò lãnh đạo và uy tín của Mỹ ở khu vực suy giảm, nhất là dưới thời Tổng thống Donald Trump (2017 - 2020) với chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First). Bên cạnh đó, việc các đồng minh của Mỹ ở châu Á giảm niềm tin đối với siêu cường này cũng là nhân tố thúc đẩy xu hướng trên. Kết quả là, các đồng minh và đối tác của Washington tìm đến “một cấu trúc mạng lưới linh hoạt hơn bao gồm một loạt các cơ chế tham vấn và thỏa thuận tiểu đa phương chồng chéo nhau”. 

Thứ ba, sự đình trệ cùng phản ứng chậm chạp và kém hiệu quả của các tổ chức đa phương hiện nay có nguồn gốc từ xung đột lợi ích giữa các quốc gia thành viên cũng thúc đẩy chủ nghĩa tiểu đa phương. Thất bại trong việc đưa ra cách tiếp cận chung nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, không thể ngăn chặn cuộc chiến Nga - Ukraine, và bế tắc trong việc xoa dịu căng thẳng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông bộc lộ sự suy yếu của các tổ chức đa phương trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. 

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi cho rằng chủ nghĩa đa phương đang “cáo chung”. Ở phương diện nào đó, hợp tác đa phương vẫn cần thiết và khó có thể bị thay thế, ít nhất trong tương lai gần. Trên thực tế, hầu hết quốc gia trong khu vực, nhất là các nước vừa và nhỏ, đều xem hợp tác đa phương là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình nhằm tối đa hoá lợi ích quốc gia trên cơ sở mở rộng mạng lưới đối tác. 

Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày một gay gắt, các thể chế đa phương là nền tảng giúp các quốc gia có tiếng nói bình đẳng. Đồng thời, việc lôi kéo các cường quốc cùng ngồi vào bàn đàm phán có thể giúp thu hẹp khác biệt, tìm kiếm các cách thức khả dĩ có thể giúp quản lý quan hệ cạnh tranh nước lớn, từ đó thúc đẩy hoà bình và an ninh khu vực. 

Với các cường quốc, can dự vào các cơ chế đa phương phục vụ cho mục tiêu duy trì và mở rộng ảnh hưởng, đồng thời từng bước lôi kéo các quốc gia khác ủng hộ tầm nhìn chiến lược và/hoặc trật tự quốc tế mà mỗi cường quốc theo đuổi. 

Dù vậy, những hạn chế ngày càng rõ rệt của chủ nghĩa đa phương đã thúc đẩy các quốc gia trong khu vực đưa ra các sáng kiến tiểu đa phương nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể dựa trên việc chia sẻ nhu cầu và lợi ích của các bên. Các thành viên trong các liên kết tiểu đa phương, thông qua phối hợp cùng nhau trong một chương trình nghị sự, sẽ tránh được quá trình ra quyết định phức tạp, vốn thường tồn tại trong các tổ chức lớn hơn.

Thách thức đối với ASEAN

Sự “tái sinh” và “ra đời” của hàng loạt các cơ chế tiểu đa phương ở khu vực đang cạnh tranh, thậm chí đe dọa “vai trò trung tâm” (centrality), “sự thống nhất” (unity) cũng như “nguyên tắc đồng thuận” (consensus) của ASEAN. Từng được xem là một mô hình hợp tác đa phương thành công ở Đông Nam Á, Hiệp hội đang chậm đổi mới và kém năng động trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thông trong khu vực. ASEAN đang ở giai đoạn hợp tác yếu nhất trong lịch sử, nhất là trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Thậm chí có một số ý kiến cho rằng sự nổi lên của một số cơ chế tiểu đa phương, chẳng hạn như QUAD hay AUKUS, cho thấy mức độ không hài lòng của các quốc gia này về vai trò trung tâm của ASEAN trong việc ứng phó với các chuyển động địa chính trị phức tạp và nhanh chóng ở khu vực. 

Trước những thách thức trên, một mặt ASEAN khẳng định tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa đa phương, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới chủ nghĩa đa phương để ứng phó với các thách thức hiện nay. Mặt khác, các quốc gia thành viên ASEAN đã đưa ra các cách tiếp cận linh hoạt hơn thông qua các hình thức hợp tác tiểu đa phương bên trong ASEAN với mục tiêu thúc đẩy hợp tác để ứng phó các thách thức an ninh. Ví dụ như Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN (ASEAN Maritime Forum) bao gồm tám quốc gia ASEAN (trừ Myanmar và Lào) đã được tổ chức vào tháng 11/2022 nhằm tăng cường hợp tác an ninh hàng hải giữa các thành viên. 

Lựa chọn chính sách nào cho Việt Nam?

Chủ nghĩa tiểu đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang dần tiến tới trạng thái “bình thường mới” (new normal). Mô hình hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển và cùng tồn tại song song với ASEAN - diễn đàn hợp tác đa phương quan trọng trong khu vực. Do đó, Việt Nam cần áp dụng cách tiếp cận đa tầng nấc, tức tham gia tích cực, chủ động vào các cơ chế, diễn đàn ở các cấp độ khác nhau, gồm (i) quốc tế và khu vực; (ii) đa phương và tiểu đa phương với (iii) các vấn đề và lĩnh vực đa dạng. 

Can dự tích cực vào những cơ chế đó giúp Việt Nam xác lập và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế như một chủ thể đáng tin cậy và có trách nhiệm. Đồng thời, Việt Nam có thể mở rộng mạng lưới hợp tác thực tâm với các nước cùng chung tầm nhìn, từ đó đạt được các mục tiêu đối ngoại và thúc đẩy lợi ích quốc gia. 

Chỉ thị số 25/CT-TW của Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 (ban hành năm 2018) cũng nhấn mạnh việc tìm kiếm và kết nối quan hệ ba - bốn bên với tất cả các đối tác chia sẻ lợi ích và hợp tác dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung. Đây là cơ sở để Việt Nam đẩy mạnh ngoại giao chuyên biệt (niche diplomacy) trong các cơ chế tiểu đa phương khu vực.

Trong bối cảnh một số cơ chế an ninh tiểu đa phương như QUAD và MLC ra đời từ hệ quả của biến động an ninh khu vực, nhất là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Việt Nam cần “can dự có chọn lọc” với các cơ chế này nhằm tránh bị hiểu nhầm là “chọn phe”. Tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong các vấn đề an ninh phi truyền thống (như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,...) sẽ giúp Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác vì đây là những vấn đề không quá nhạy cảm và “sát sườn” với lợi ích của các quốc gia. 

Cách tiếp cận khéo léo, thực dụng của Việt Nam đối với các cơ chế tiểu đa phương mới nổi trong khu vực đã có hiệu quả. Vào năm 2020, Việt Nam cùng với Hàn Quốc, New Zealand đã tham gia vào “Bộ tứ mở rộng” (QUAD PLUS), trong đó thảo luận về các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19 cũng như các vấn đề về thương mại và chia sẻ công nghệ. Về lâu dài, Việt Nam có thể phát triển quan hệ với QUAD PLUS trong các vấn đề/lĩnh vực tương tự mà không cần chính thức tham gia vào cơ chế này. 

Từ khoá: minilateralism Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiểu đa phương ASEAN Việt Nam

BÀI LIÊN QUAN