Thái Lan có thủ tướng mới, liệu có đổi thay về chính sách?
Dù cam kết kế thừa các chính sách kinh tế còn dang dở của người tiền nhiệm vừa bị phế truất là Srettha Thavisin, tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cần ứng xử khéo léo và thận trọng trước nhiều thử thách phía trước.
Ngày 14/8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết phế truất tư cách thủ tướng đối với ông Srettha Thavisin, với kết quả năm phiếu thuận và bốn phiếu chống. Sự việc có nguồn cơn từ đợt cải tổ nội các của ông Srettha vào tháng 4. Khi đó, ông Pichit Chuenban đã được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng. Tuy nhiên, vào ngày 17/5, nhóm 40 thượng nghị sĩ đã nộp bản kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan để phản đối quyết định trên.
Lý do là vì, vào năm 2008, ông Pichit từng phải ngồi tù sáu tháng, sau khi cùng hai đồng nghiệp hối lộ các quan chức Tòa án Tối cao bằng cách đặt hai triệu baht (hơn 55.000 USD) vào một hộp cơm trưa. Ông Pichit cũng bị Hội đồng Luật sư Thái Lan đình chỉ giấy phép hành nghề trong vòng năm năm.
Do đó, các thượng nghị sĩ kêu gọi Tòa án điều tra liệu ông Pichit có đủ liêm chính và tiêu chuẩn đạo đức theo yêu cầu của Hiến pháp để giữ chức bộ trưởng hay không. Đồng thời, các thượng nghị sĩ cũng đặt nghi vấn với Tòa án về việc liệu Thủ tướng Srettha có vi phạm Hiến pháp khi bổ nhiệm một người “thiếu đạo đức” như ông Pichit.
Để giảm đi rắc rối pháp lý cho Thủ tướng Srettha, ông Pichit đã xin từ chức hôm 21/5. Tuy nhiên, tình hình chẳng cải thiện hơn là bao. Hai ngày sau đó, Tòa án thông báo tiếp nhận đơn kiến nghị, nhưng chỉ xem xét việc bãi nhiệm Thủ tướng Srettha, không truy cứu trường hợp Pichit vì ông đã từ chức. Cuối cùng, phán quyết vừa qua của Tòa án xác định ông Srettha đã vi hiến vì bổ nhiệm người không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức vào vị trí bộ trưởng trong nội các. Quyết định có hiệu lực thi hành ngay lập tức.
Vài giờ sau phán quyết trên, liên minh cầm quyền (gồm Pheu Thai và 10 đảng khác) đã tổ chức cuộc họp kín tại dinh thự của ông Thaksin Shinawatra (người có vai trò “điều khiển” các hoạt động của Pheu Thai trong hậu trường). Tại cuộc họp này, liên minh đã đồng lòng về việc sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhau và bầu một thủ tướng mới thuộc Pheu Thai.
Trên tinh thần của cuộc trao đổi kín, chỉ hai ngày sau quyết định của Tòa án, Quốc hội (tức Hạ viện) Thái Lan do liên minh cầm quyền nắm đa số ghế đã tổ chức phiên họp để bỏ phiếu bầu thủ tướng mới. Bà Paetongtarn Shinawatra (ứng cử viên duy nhất), lãnh đạo đảng Pheu Thai (ông Srettha cũng là thành viên của đảng này), đã nhận được đủ phiếu để trở thành tân Thủ tướng, với kết quả 319 phiếu thuận, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng. Đến ngày 18/8, bà Paetongtarn nhận sắc lệnh bổ nhiệm chính thức từ Quốc vương Maha Vajiralongkorn, trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử đất nước (38 tuổi) và là thành viên thứ ba của gia tộc Shinawatra vươn đến chức vụ này, sau cha là Thaksin (2001 - 2006) và dì là Yingluck (2011 - 2014).
Mặc dù có dòng dõi về chính trị nhưng Thủ tướng Paetongtarn chưa có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Chức vụ lãnh đạo Pheu Thai kể từ cuộc tổng tuyển cử năm ngoái cũng là vị trí đầu tiên liên quan đến chính trị mà bà từng đảm nhiệm. Chỉ ba tháng trước đây, bà Paetongtarn từng thẳng thắn thừa nhận rằng bản thân chưa sẵn sàng trở thành thủ tướng tiếp theo nếu ông Srettha bị Tòa án phế truất, và thậm chí còn tin rằng phán quyết sau cùng sẽ không tạo ra kết quả tiêu cực. Nhưng giờ đây, chỉ vỏn vẹn bốn ngày sau khi ông Srettha phải rời nhiệm sở, bà Paetongtarn dù muốn hay không cũng đã trở thành Thủ tướng, và tuyên thệ sẽ “phục vụ mọi người dân một cách bình đẳng và hết lòng” (serve everyone equally and wholeheartedly).
Liệu bà Paetongtarn có kế thừa chính sách của người tiền nhiệm?
Sau khi được Quốc vương bổ nhiệm, tân Thủ tướng Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp báo tại hội trường chính của tòa nhà Voice Space ở Bangkok, nơi được chỉ định là trụ sở mới của đảng Pheu Thai. Tại sự kiện này, bà Paetongtarn khẳng định sẽ tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế chủ chốt mà chính phủ tiền nhiệm đã theo đuổi.
Một trong những chính sách nổi bật nhất phải nhắc đến là chương trình “ví điện tử” (digital wallet) được Pheu Thai đưa ra khi vận động tranh cử năm 2023. Theo kế hoạch, mỗi công dân từ 16 tuổi trở lên, nếu thỏa mãn các điều kiện nhất định, sẽ nhận được 10.000 baht (hơn 280 USD) qua ví điện tử. Tổng ngân sách cho chương trình này là 500 tỷ baht (hơn 14 tỷ USD), từng được dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2024, nhưng rồi bị hoãn sang tháng 4 và lùi tiếp sang quý IV. Thêm vào đó, chương trình cũng đã bị giảm ngân sách khi chỉ còn 450 tỷ baht (hơn 13 tỷ USD) vào tháng 7 vừa qua. Chính phủ tiền nhiệm đã mở đợt đăng ký đầu tiên cho người dân, bắt đầu từ ngày 1/8 và sẽ kết thúc vào ngày 15/9, tuy nhiên vẫn chưa có gì chắc chắn rằng kế hoạch sẽ được thực hiện vào quý IV sắp tới.
Tại cuộc họp báo, bà Paetongtarn cho biết sẽ không từ bỏ kế hoạch này, nhưng chính phủ cần phải “nghiên cứu và lắng nghe thêm các lựa chọn”. Cách trả lời tương đối lấp lửng cho thấy sự thận trọng của Thủ tướng mới đối với chương trình ví điện tử. Bài học lịch sử vẫn còn đó. Vào năm 2017, bà Yingluck đã bị Tòa án Tối cao Thái Lan tuyên năm năm tù, với cáo buộc tắc trách đối với một chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân, gây thiệt hại lớn cho đất nước.
Liên quan đến chương trình ví điện tử, đã xuất hiện những báo cáo về việc ông Thaksin tư vấn con gái của mình nên từ bỏ chính sách tốn kém này. Tuy nhiên, có thể tin rằng bà Paetongtarn sẽ tiếp tục chương trình như đã cam kết, vì đây được xem là kế hoạch mang tính sống còn của Pheu Thai và rất được người dân mong chờ. Nếu chương trình ví điện tử bị hủy bỏ, lòng tin của dân chúng dành cho chính phủ sẽ suy giảm.
Một trong những trở ngại đối với tham vọng ví điện tử là kể từ tháng 10/2023, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) vẫn giữ mức lãi suất ở mức cao (2,5%), do lo ngại việc giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện để lạm phát tăng trở lại, cũng như khuyến khích các hộ gia đình sử dụng đòn bẩy quá mức vay thêm nợ. Tuy nhiên, một khi BOT vẫn duy trì mức lãi suất cao thì tác động thực tế của gói kích thích thông qua chương trình ví điện tử sẽ trở nên kém tích cực hơn. Chính vì thế, cựu Thủ tướng Srettha đã không ít lần kêu gọi BOT hạ lãi suất. Thậm chí, hồi tháng 5, bà Paetongtarn còn thẳng thắn hơn khi cho rằng BOT là “một vấn đề và một trở ngại lớn” (a problem and a major obstacle) đối với nỗ lực giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước.
Với vị trí Thủ tướng, bà Paetongtarn gần như chắc chắn sẽ gây áp lực nhiều hơn nữa lên BOT, dù cho điều này đi ngược lại với chuẩn mực mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra là ngân hàng trung ương cần phải được độc lập trong việc ra quyết định. Điềm may cho chính phủ là Thống đốc BOT hiện nay Sethaput Suthiwartnarueput sẽ hết nhiệm kỳ vào năm sau, theo đó có thể mở ra một giai đoạn mới ít căng thẳng hơn giữa đôi bên.
Bên cạnh chương trình ví điện tử, một kế hoạch lớn khác mà bà Paetongtarn có thể sẽ kế thừa từ người tiền nhiệm là cầu cạn Land Bridge. Đây là siêu dự án bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường sắt cắt ngang qua eo đất Kra ở miền nam đất nước, nối tỉnh Chumphon trên Vịnh Thái Lan với tỉnh Ranong trên Biển Andaman, chi phí ước tính 1.000 tỷ baht (hơn 29 tỷ USD). Mục tiêu của dự án là tạo ra một tuyến thương mại quốc tế mới, tránh eo biển Malacca, và rút ngắn thời gian di chuyển của tàu thuyền. Theo kế hoạch, việc xây dựng sẽ bắt đầu vào năm 2026 và hoàn thành mười năm sau đó.
Vào tháng 7, Bộ trưởng Giao thông Suriya Jungrungreangkit cho biết dự thảo luật Hành lang Kinh tế phía Nam (Southern Economic Corridor) dự kiến sẽ sẵn sàng để trình lên nội các vào cuối tháng 9, làm tiền đề để khởi công dự án đúng tiến độ. Tuy nhiên, với quá trình chuyển giao hiện nay, chưa rõ các kế hoạch sắp tới có được giữ nguyên hay không. Song, nhà phân tích chính trị Yuttaporn Issaracha cho rằng tân Thủ tướng có thể sẽ làm việc theo đúng kế hoạch mà ông Srettha đã theo đuổi, vì hai người từng thảo luận về chủ đề này. Ông Yuttaporn cũng lưu ý rằng nhiệm vụ này không dễ dàng, vì dự án vấp phải sự phản đối từ người dân địa phương và các nhóm môi trường do lo ngại những tác động tiềm tàng lên đất nông nghiệp và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên. Vì thế, chính phủ của bà Paetongtarn cần tìm cách hài hòa giữa việc triển khai dự án theo tiến độ, và tăng tính thân thiện về môi trường đối với cư dân địa phương.
Hợp pháp hóa sòng bạc ở Thái Lan có thể là chính sách tiếp theo mà tân Thủ tướng sẽ kế thừa. Vào ngày 12/8, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Luật Khu phức hợp Giải trí (Entertainment Complex Act), với mục tiêu cho phép sòng bạc hoạt động hợp pháp. Do đó, sau khi chính phủ mới hoàn thiện nội các, Bộ Tài chính có thể sẽ triển khai bước tiếp theo là tổ chức phiên điều trần công khai để lấy ý kiến từ công chúng. Sau đó, dự luật cùng với ý kiến tổng hợp từ người dân sẽ được trình lên nội các để xem xét.
Tuy nhiên, quá trình này có thể gặp trở ngại vì đảng Bhumjaithai (lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền) ban đầu ủng hộ, nhưng chỉ vài giờ trước khi ông Srettha bị phế truất, đảng này đã tuyên bố phản đối Dự luật. Do đó, nếu đủ quyết tâm để biến dự luật trở thành hiện thực, bà Paetongtarn có thể sẽ phải đưa ra nhiều nhượng bộ hơn để xoa dịu Bhumjaithai.
Đây lại là việc không dễ dàng, vì vào ngày 8/5, ông Srettha đại diện cho Pheu Thai khẳng định mong muốn sẽ đưa cần sa quay trở lại danh mục các chất ma túy vào cuối năm nay, đồng thời đề nghị Bộ Y tế Công cộng sớm ban hành quy định chỉ cho phép sử dụng cần sa trong các hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe. Lập trường này đi ngược lại mong muốn của Bhumjaithai, vì chính đảng này đã đề xuất bỏ lệnh cấm cần sa hai năm trước. Lập trường trái ngược khiến Pheu Thai và Bhumjaithai không dễ đạt được thỏa hiệp.
Nhìn chung, theo cam kết, bà Paetongtarn nhiều khả năng sẽ kế thừa các chính sách kinh tế của người tiền nhiệm vì hầu hết các kế hoạch lớn đều đang dang dở, chỉ ở giai đoạn sơ khởi và gặp nhiều khó khăn (do ông Srettha mới chỉ nắm quyền một năm). Quan trọng hơn, các chính sách kinh tế quan trọng dưới thời ông Srettha đều xuất phát từ kế hoạch do Pheu Thai đề ra, và với cương vị từng là Chủ tịch đảng, bà Paetongtarn khó có thể “đi ngược dòng”.
Về khía cạnh đối ngoại, mặc dù chưa có gì rõ ràng (do bà Paetongtarn không đề cập trong cuộc họp báo), nhưng có lẽ tân Thủ tướng sẽ có cách tiếp cận tương đối khác so với ông Srettha, đặc biệt là về vấn đề Myanmar. Theo đó, dưới thời ông Srettha, Bangkok tập trung vào việc cung cấp viện trợ nhân đạo và thực hiện cách tiếp cận thực dụng để thúc đẩy hợp tác với Myanmar, nhìn chung phù hợp với kế hoạch Đồng thuận Năm điểm (Five-Point Consensus) của ASEAN.
Ở chiều ngược lại, bà Praetongtarn có thể sẽ ủng hộ việc Thái Lan đóng vai trò chủ động hơn với tư cách là người hòa giải giữa các phe. Đây là cách tiếp cận mà ông Thaksin đã theo đuổi sau khi được ân xá vào tháng 2. Theo đó, ông đã gặp các phe phái đối lập với chính quyền quân sự ở Myanmar. Động cơ cho cách tiếp cận này có thể là vì ông Thaksin muốn Myanmar giảm thiểu xung đột để tránh tổn hại đến nhiều tài sản có liên quan đến ông ở quốc gia này.
Vào năm 2014, ông đã từng gây áp lực buộc Bộ Ngoại giao Thái Lan phải phê duyệt khoản vay 4 tỷ baht (139 triệu USD) cho Myanmar. Nhờ khoản vay này, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của con trai cựu Thủ tướng Myanmar Khin Nyunt đã có đủ tiền để thuê dịch vụ vệ tinh từ công ty của ông Thaksin. Cũng trong khoảng thời gian đó, Tướng Min Aung Hlaing cũng được cho là đã tặng một phần đất ở Yangon cho ông Thaksin.
Cùng với đó, công ty ItalianThai (do một người bạn của ông Thaksin sở hữu) đã xây dựng một con đường xuyên qua lãnh thổ của Liên minh Quốc gia Karen (một trong những nhóm vũ trang dân tộc ở Myanmar). Ngoài ra, ông Thaksin dường như cũng có tài sản ở thành phố Dawei, cũng như có các lợi ích dầu khí ở Myanmar.
Một lý do nữa củng cố cho nhận định bà Paetongtarn sẽ có cách tiếp cận khác với vấn đề Myanmar là Ngoại trưởng đương nhiệm Maris Sangiampongsa (nếu nội các mới không thay đổi) có mối quan hệ mật thiết với ông Thaksin. Khi ông Thaksin thực hiện một loạt các cuộc gặp với các phe ở Myanmar vào đầu tháng 5 (thời điểm ông Maris vừa mới được bổ nhiệm sau cuộc cải tổ nội các), tân Ngoại trưởng đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố phản đối nào, dù hành động “mang tính cá nhân” của ông Thaksin đi ngược lại với định hướng ngoại giao của cựu Thủ tướng Srettha.
Thận trọng là trên hết!
Trước khi nhậm chức, bà Paetongtarn được nhận định là thành viên cuối cùng trong gia tộc Shinawatra đủ tiêu chuẩn để tham gia vào chính trường. Đây là động lực để tân Thủ tướng nỗ lực để tạo ra dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình, nhưng đồng thời cũng là áp lực lớn buộc bà hiểu rằng bất kỳ quyết sách nào được đưa ra đều phải dựa trên sự thận trọng, có sự suy xét và phòng ngừa rủi ro kỹ lưỡng.
Bài phát biểu nhậm chức nhấn mạnh vào việc tiếp tục các chính sách kinh tế cho thấy Thủ tướng Paetongtarn dường như đang cố gắng thu hút sự ủng hộ từ phần đông công chúng. Bên cạnh đó, cải thiện nền kinh tế cũng là mối quan tâm của liên minh cầm quyền tại cuộc họp kín ở dinh thự của ông Thaksin. Theo khảo sát của Khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Mahidol từ ngày 16 - 17/8 (tức ngay sau khi bà Paetongtarn được bầu làm Thủ tướng), với 1.054 người trả lời từ nhiều ngành nghề khác nhau trên toàn quốc (mỗi người được chọn nhiều hơn một đáp án), có tới 74,5% người mong muốn chính phủ mới giải quyết “khó khăn kinh tế và các vấn đề về cơm áo gạo tiền”.
Tuy nhiên, di sản mà người tiền nhiệm để lại là khá thử thách. Trong nhiệm kỳ gần một năm của ông Srettha, nền kinh tế Thái Lan vẫn duy trì được sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, dù còn chậm, chưa đạt được mức tăng trưởng trung bình hằng năm 5% mà Pheu Thai đã hứa hẹn với cử tri. Theo thông tin từ Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira vào tháng 7, tăng trưởng kinh tế trong năm nay chỉ vào khoảng 3%, còn năm ngoái là 1,9%. Đồng thời, mức nợ hộ gia đình hiện tại rất cao (khoảng 90% GDP), đòi hỏi phải có các giải pháp khẩn cấp để ngăn nợ xấu gia tăng.
Mặc dù vậy, vẫn có những kết quả tích cực mà chính phủ mới hoàn toàn có thể tiếp nối. Theo kết quả khảo sát Chỉ số Niềm tin Công nghiệp (Industrial Confidence Index) vào tháng 7, mức điểm được đánh giá là 89,3, tăng đôi chút so với tháng trước đó (87,2). Đây là mức tăng đầu tiên trong vòng bốn tháng, chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước đối với hàng tiêu dùng tăng, đặc biệt là trong các ngành thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Cùng với đó, trong sáu tháng đầu năm, tổng giá trị đăng ký đầu tư mới vào Thái Lan đạt mức hơn 458 tỷ baht (khoảng 12,67 tỷ USD), tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tóm lại, bà Paetongtarn trở thành Thủ tướng với nhiệm vụ tiếp bước các chính sách lớn còn dang dở của chính phủ trước, trong khi nền kinh tế đất nước có cả những điểm tích cực lẫn tiêu cực. Vì thế, điều quan trọng nhất mà bà Paetongtarn cần làm là chứng minh cho người dân thấy rằng chính phủ mới có thể giải quyết các khó khăn kinh tế mà công chúng mong mỏi. Đây là yêu cầu khó khăn, đòi hỏi sự thận trọng rất cao trong các quyết sách, nếu không, số phận của tân Thủ tướng có thể như cha hoặc dì mình trước đây (bị quân đội đảo chính).
Ngày 14/8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết phế truất tư cách thủ tướng đối với ông Srettha Thavisin, với kết quả năm phiếu thuận và bốn phiếu chống. Sự việc có nguồn cơn từ đợt cải tổ nội các của ông Srettha vào tháng 4. Khi đó, ông Pichit Chuenban đã được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng. Tuy nhiên, vào ngày 17/5, nhóm 40 thượng nghị sĩ đã nộp bản kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan để phản đối quyết định trên.
Lý do là vì, vào năm 2008, ông Pichit từng phải ngồi tù sáu tháng, sau khi cùng hai đồng nghiệp hối lộ các quan chức Tòa án Tối cao bằng cách đặt hai triệu baht (hơn 55.000 USD) vào một hộp cơm trưa. Ông Pichit cũng bị Hội đồng Luật sư Thái Lan đình chỉ giấy phép hành nghề trong vòng năm năm.
Do đó, các thượng nghị sĩ kêu gọi Tòa án điều tra liệu ông Pichit có đủ liêm chính và tiêu chuẩn đạo đức theo yêu cầu của Hiến pháp để giữ chức bộ trưởng hay không. Đồng thời, các thượng nghị sĩ cũng đặt nghi vấn với Tòa án về việc liệu Thủ tướng Srettha có vi phạm Hiến pháp khi bổ nhiệm một người “thiếu đạo đức” như ông Pichit.
Để giảm đi rắc rối pháp lý cho Thủ tướng Srettha, ông Pichit đã xin từ chức hôm 21/5. Tuy nhiên, tình hình chẳng cải thiện hơn là bao. Hai ngày sau đó, Tòa án thông báo tiếp nhận đơn kiến nghị, nhưng chỉ xem xét việc bãi nhiệm Thủ tướng Srettha, không truy cứu trường hợp Pichit vì ông đã từ chức. Cuối cùng, phán quyết vừa qua của Tòa án xác định ông Srettha đã vi hiến vì bổ nhiệm người không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức vào vị trí bộ trưởng trong nội các. Quyết định có hiệu lực thi hành ngay lập tức.
Vài giờ sau phán quyết trên, liên minh cầm quyền (gồm Pheu Thai và 10 đảng khác) đã tổ chức cuộc họp kín tại dinh thự của ông Thaksin Shinawatra (người có vai trò “điều khiển” các hoạt động của Pheu Thai trong hậu trường). Tại cuộc họp này, liên minh đã đồng lòng về việc sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhau và bầu một thủ tướng mới thuộc Pheu Thai.
Trên tinh thần của cuộc trao đổi kín, chỉ hai ngày sau quyết định của Tòa án, Quốc hội (tức Hạ viện) Thái Lan do liên minh cầm quyền nắm đa số ghế đã tổ chức phiên họp để bỏ phiếu bầu thủ tướng mới. Bà Paetongtarn Shinawatra (ứng cử viên duy nhất), lãnh đạo đảng Pheu Thai (ông Srettha cũng là thành viên của đảng này), đã nhận được đủ phiếu để trở thành tân Thủ tướng, với kết quả 319 phiếu thuận, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng. Đến ngày 18/8, bà Paetongtarn nhận sắc lệnh bổ nhiệm chính thức từ Quốc vương Maha Vajiralongkorn, trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử đất nước (38 tuổi) và là thành viên thứ ba của gia tộc Shinawatra vươn đến chức vụ này, sau cha là Thaksin (2001 - 2006) và dì là Yingluck (2011 - 2014).
Mặc dù có dòng dõi về chính trị nhưng Thủ tướng Paetongtarn chưa có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Chức vụ lãnh đạo Pheu Thai kể từ cuộc tổng tuyển cử năm ngoái cũng là vị trí đầu tiên liên quan đến chính trị mà bà từng đảm nhiệm. Chỉ ba tháng trước đây, bà Paetongtarn từng thẳng thắn thừa nhận rằng bản thân chưa sẵn sàng trở thành thủ tướng tiếp theo nếu ông Srettha bị Tòa án phế truất, và thậm chí còn tin rằng phán quyết sau cùng sẽ không tạo ra kết quả tiêu cực. Nhưng giờ đây, chỉ vỏn vẹn bốn ngày sau khi ông Srettha phải rời nhiệm sở, bà Paetongtarn dù muốn hay không cũng đã trở thành Thủ tướng, và tuyên thệ sẽ “phục vụ mọi người dân một cách bình đẳng và hết lòng” (serve everyone equally and wholeheartedly).
Liệu bà Paetongtarn có kế thừa chính sách của người tiền nhiệm?
Sau khi được Quốc vương bổ nhiệm, tân Thủ tướng Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp báo tại hội trường chính của tòa nhà Voice Space ở Bangkok, nơi được chỉ định là trụ sở mới của đảng Pheu Thai. Tại sự kiện này, bà Paetongtarn khẳng định sẽ tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế chủ chốt mà chính phủ tiền nhiệm đã theo đuổi.
Một trong những chính sách nổi bật nhất phải nhắc đến là chương trình “ví điện tử” (digital wallet) được Pheu Thai đưa ra khi vận động tranh cử năm 2023. Theo kế hoạch, mỗi công dân từ 16 tuổi trở lên, nếu thỏa mãn các điều kiện nhất định, sẽ nhận được 10.000 baht (hơn 280 USD) qua ví điện tử. Tổng ngân sách cho chương trình này là 500 tỷ baht (hơn 14 tỷ USD), từng được dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2024, nhưng rồi bị hoãn sang tháng 4 và lùi tiếp sang quý IV. Thêm vào đó, chương trình cũng đã bị giảm ngân sách khi chỉ còn 450 tỷ baht (hơn 13 tỷ USD) vào tháng 7 vừa qua. Chính phủ tiền nhiệm đã mở đợt đăng ký đầu tiên cho người dân, bắt đầu từ ngày 1/8 và sẽ kết thúc vào ngày 15/9, tuy nhiên vẫn chưa có gì chắc chắn rằng kế hoạch sẽ được thực hiện vào quý IV sắp tới.
Tại cuộc họp báo, bà Paetongtarn cho biết sẽ không từ bỏ kế hoạch này, nhưng chính phủ cần phải “nghiên cứu và lắng nghe thêm các lựa chọn”. Cách trả lời tương đối lấp lửng cho thấy sự thận trọng của Thủ tướng mới đối với chương trình ví điện tử. Bài học lịch sử vẫn còn đó. Vào năm 2017, bà Yingluck đã bị Tòa án Tối cao Thái Lan tuyên năm năm tù, với cáo buộc tắc trách đối với một chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân, gây thiệt hại lớn cho đất nước.
Liên quan đến chương trình ví điện tử, đã xuất hiện những báo cáo về việc ông Thaksin tư vấn con gái của mình nên từ bỏ chính sách tốn kém này. Tuy nhiên, có thể tin rằng bà Paetongtarn sẽ tiếp tục chương trình như đã cam kết, vì đây được xem là kế hoạch mang tính sống còn của Pheu Thai và rất được người dân mong chờ. Nếu chương trình ví điện tử bị hủy bỏ, lòng tin của dân chúng dành cho chính phủ sẽ suy giảm.
Một trong những trở ngại đối với tham vọng ví điện tử là kể từ tháng 10/2023, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) vẫn giữ mức lãi suất ở mức cao (2,5%), do lo ngại việc giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện để lạm phát tăng trở lại, cũng như khuyến khích các hộ gia đình sử dụng đòn bẩy quá mức vay thêm nợ. Tuy nhiên, một khi BOT vẫn duy trì mức lãi suất cao thì tác động thực tế của gói kích thích thông qua chương trình ví điện tử sẽ trở nên kém tích cực hơn. Chính vì thế, cựu Thủ tướng Srettha đã không ít lần kêu gọi BOT hạ lãi suất. Thậm chí, hồi tháng 5, bà Paetongtarn còn thẳng thắn hơn khi cho rằng BOT là “một vấn đề và một trở ngại lớn” (a problem and a major obstacle) đối với nỗ lực giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước.
Với vị trí Thủ tướng, bà Paetongtarn gần như chắc chắn sẽ gây áp lực nhiều hơn nữa lên BOT, dù cho điều này đi ngược lại với chuẩn mực mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra là ngân hàng trung ương cần phải được độc lập trong việc ra quyết định. Điềm may cho chính phủ là Thống đốc BOT hiện nay Sethaput Suthiwartnarueput sẽ hết nhiệm kỳ vào năm sau, theo đó có thể mở ra một giai đoạn mới ít căng thẳng hơn giữa đôi bên.
Bên cạnh chương trình ví điện tử, một kế hoạch lớn khác mà bà Paetongtarn có thể sẽ kế thừa từ người tiền nhiệm là cầu cạn Land Bridge. Đây là siêu dự án bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường sắt cắt ngang qua eo đất Kra ở miền nam đất nước, nối tỉnh Chumphon trên Vịnh Thái Lan với tỉnh Ranong trên Biển Andaman, chi phí ước tính 1.000 tỷ baht (hơn 29 tỷ USD). Mục tiêu của dự án là tạo ra một tuyến thương mại quốc tế mới, tránh eo biển Malacca, và rút ngắn thời gian di chuyển của tàu thuyền. Theo kế hoạch, việc xây dựng sẽ bắt đầu vào năm 2026 và hoàn thành mười năm sau đó.
Vào tháng 7, Bộ trưởng Giao thông Suriya Jungrungreangkit cho biết dự thảo luật Hành lang Kinh tế phía Nam (Southern Economic Corridor) dự kiến sẽ sẵn sàng để trình lên nội các vào cuối tháng 9, làm tiền đề để khởi công dự án đúng tiến độ. Tuy nhiên, với quá trình chuyển giao hiện nay, chưa rõ các kế hoạch sắp tới có được giữ nguyên hay không. Song, nhà phân tích chính trị Yuttaporn Issaracha cho rằng tân Thủ tướng có thể sẽ làm việc theo đúng kế hoạch mà ông Srettha đã theo đuổi, vì hai người từng thảo luận về chủ đề này. Ông Yuttaporn cũng lưu ý rằng nhiệm vụ này không dễ dàng, vì dự án vấp phải sự phản đối từ người dân địa phương và các nhóm môi trường do lo ngại những tác động tiềm tàng lên đất nông nghiệp và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên. Vì thế, chính phủ của bà Paetongtarn cần tìm cách hài hòa giữa việc triển khai dự án theo tiến độ, và tăng tính thân thiện về môi trường đối với cư dân địa phương.
Hợp pháp hóa sòng bạc ở Thái Lan có thể là chính sách tiếp theo mà tân Thủ tướng sẽ kế thừa. Vào ngày 12/8, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Luật Khu phức hợp Giải trí (Entertainment Complex Act), với mục tiêu cho phép sòng bạc hoạt động hợp pháp. Do đó, sau khi chính phủ mới hoàn thiện nội các, Bộ Tài chính có thể sẽ triển khai bước tiếp theo là tổ chức phiên điều trần công khai để lấy ý kiến từ công chúng. Sau đó, dự luật cùng với ý kiến tổng hợp từ người dân sẽ được trình lên nội các để xem xét.
Tuy nhiên, quá trình này có thể gặp trở ngại vì đảng Bhumjaithai (lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền) ban đầu ủng hộ, nhưng chỉ vài giờ trước khi ông Srettha bị phế truất, đảng này đã tuyên bố phản đối Dự luật. Do đó, nếu đủ quyết tâm để biến dự luật trở thành hiện thực, bà Paetongtarn có thể sẽ phải đưa ra nhiều nhượng bộ hơn để xoa dịu Bhumjaithai.
Đây lại là việc không dễ dàng, vì vào ngày 8/5, ông Srettha đại diện cho Pheu Thai khẳng định mong muốn sẽ đưa cần sa quay trở lại danh mục các chất ma túy vào cuối năm nay, đồng thời đề nghị Bộ Y tế Công cộng sớm ban hành quy định chỉ cho phép sử dụng cần sa trong các hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe. Lập trường này đi ngược lại mong muốn của Bhumjaithai, vì chính đảng này đã đề xuất bỏ lệnh cấm cần sa hai năm trước. Lập trường trái ngược khiến Pheu Thai và Bhumjaithai không dễ đạt được thỏa hiệp.
Nhìn chung, theo cam kết, bà Paetongtarn nhiều khả năng sẽ kế thừa các chính sách kinh tế của người tiền nhiệm vì hầu hết các kế hoạch lớn đều đang dang dở, chỉ ở giai đoạn sơ khởi và gặp nhiều khó khăn (do ông Srettha mới chỉ nắm quyền một năm). Quan trọng hơn, các chính sách kinh tế quan trọng dưới thời ông Srettha đều xuất phát từ kế hoạch do Pheu Thai đề ra, và với cương vị từng là Chủ tịch đảng, bà Paetongtarn khó có thể “đi ngược dòng”.
Về khía cạnh đối ngoại, mặc dù chưa có gì rõ ràng (do bà Paetongtarn không đề cập trong cuộc họp báo), nhưng có lẽ tân Thủ tướng sẽ có cách tiếp cận tương đối khác so với ông Srettha, đặc biệt là về vấn đề Myanmar. Theo đó, dưới thời ông Srettha, Bangkok tập trung vào việc cung cấp viện trợ nhân đạo và thực hiện cách tiếp cận thực dụng để thúc đẩy hợp tác với Myanmar, nhìn chung phù hợp với kế hoạch Đồng thuận Năm điểm (Five-Point Consensus) của ASEAN.
Ở chiều ngược lại, bà Praetongtarn có thể sẽ ủng hộ việc Thái Lan đóng vai trò chủ động hơn với tư cách là người hòa giải giữa các phe. Đây là cách tiếp cận mà ông Thaksin đã theo đuổi sau khi được ân xá vào tháng 2. Theo đó, ông đã gặp các phe phái đối lập với chính quyền quân sự ở Myanmar. Động cơ cho cách tiếp cận này có thể là vì ông Thaksin muốn Myanmar giảm thiểu xung đột để tránh tổn hại đến nhiều tài sản có liên quan đến ông ở quốc gia này.
Vào năm 2014, ông đã từng gây áp lực buộc Bộ Ngoại giao Thái Lan phải phê duyệt khoản vay 4 tỷ baht (139 triệu USD) cho Myanmar. Nhờ khoản vay này, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của con trai cựu Thủ tướng Myanmar Khin Nyunt đã có đủ tiền để thuê dịch vụ vệ tinh từ công ty của ông Thaksin. Cũng trong khoảng thời gian đó, Tướng Min Aung Hlaing cũng được cho là đã tặng một phần đất ở Yangon cho ông Thaksin.
Cùng với đó, công ty ItalianThai (do một người bạn của ông Thaksin sở hữu) đã xây dựng một con đường xuyên qua lãnh thổ của Liên minh Quốc gia Karen (một trong những nhóm vũ trang dân tộc ở Myanmar). Ngoài ra, ông Thaksin dường như cũng có tài sản ở thành phố Dawei, cũng như có các lợi ích dầu khí ở Myanmar.
Một lý do nữa củng cố cho nhận định bà Paetongtarn sẽ có cách tiếp cận khác với vấn đề Myanmar là Ngoại trưởng đương nhiệm Maris Sangiampongsa (nếu nội các mới không thay đổi) có mối quan hệ mật thiết với ông Thaksin. Khi ông Thaksin thực hiện một loạt các cuộc gặp với các phe ở Myanmar vào đầu tháng 5 (thời điểm ông Maris vừa mới được bổ nhiệm sau cuộc cải tổ nội các), tân Ngoại trưởng đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố phản đối nào, dù hành động “mang tính cá nhân” của ông Thaksin đi ngược lại với định hướng ngoại giao của cựu Thủ tướng Srettha.
Thận trọng là trên hết!
Trước khi nhậm chức, bà Paetongtarn được nhận định là thành viên cuối cùng trong gia tộc Shinawatra đủ tiêu chuẩn để tham gia vào chính trường. Đây là động lực để tân Thủ tướng nỗ lực để tạo ra dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình, nhưng đồng thời cũng là áp lực lớn buộc bà hiểu rằng bất kỳ quyết sách nào được đưa ra đều phải dựa trên sự thận trọng, có sự suy xét và phòng ngừa rủi ro kỹ lưỡng.
Bài phát biểu nhậm chức nhấn mạnh vào việc tiếp tục các chính sách kinh tế cho thấy Thủ tướng Paetongtarn dường như đang cố gắng thu hút sự ủng hộ từ phần đông công chúng. Bên cạnh đó, cải thiện nền kinh tế cũng là mối quan tâm của liên minh cầm quyền tại cuộc họp kín ở dinh thự của ông Thaksin. Theo khảo sát của Khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Mahidol từ ngày 16 - 17/8 (tức ngay sau khi bà Paetongtarn được bầu làm Thủ tướng), với 1.054 người trả lời từ nhiều ngành nghề khác nhau trên toàn quốc (mỗi người được chọn nhiều hơn một đáp án), có tới 74,5% người mong muốn chính phủ mới giải quyết “khó khăn kinh tế và các vấn đề về cơm áo gạo tiền”.
Tuy nhiên, di sản mà người tiền nhiệm để lại là khá thử thách. Trong nhiệm kỳ gần một năm của ông Srettha, nền kinh tế Thái Lan vẫn duy trì được sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, dù còn chậm, chưa đạt được mức tăng trưởng trung bình hằng năm 5% mà Pheu Thai đã hứa hẹn với cử tri. Theo thông tin từ Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira vào tháng 7, tăng trưởng kinh tế trong năm nay chỉ vào khoảng 3%, còn năm ngoái là 1,9%. Đồng thời, mức nợ hộ gia đình hiện tại rất cao (khoảng 90% GDP), đòi hỏi phải có các giải pháp khẩn cấp để ngăn nợ xấu gia tăng.
Mặc dù vậy, vẫn có những kết quả tích cực mà chính phủ mới hoàn toàn có thể tiếp nối. Theo kết quả khảo sát Chỉ số Niềm tin Công nghiệp (Industrial Confidence Index) vào tháng 7, mức điểm được đánh giá là 89,3, tăng đôi chút so với tháng trước đó (87,2). Đây là mức tăng đầu tiên trong vòng bốn tháng, chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước đối với hàng tiêu dùng tăng, đặc biệt là trong các ngành thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Cùng với đó, trong sáu tháng đầu năm, tổng giá trị đăng ký đầu tư mới vào Thái Lan đạt mức hơn 458 tỷ baht (khoảng 12,67 tỷ USD), tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tóm lại, bà Paetongtarn trở thành Thủ tướng với nhiệm vụ tiếp bước các chính sách lớn còn dang dở của chính phủ trước, trong khi nền kinh tế đất nước có cả những điểm tích cực lẫn tiêu cực. Vì thế, điều quan trọng nhất mà bà Paetongtarn cần làm là chứng minh cho người dân thấy rằng chính phủ mới có thể giải quyết các khó khăn kinh tế mà công chúng mong mỏi. Đây là yêu cầu khó khăn, đòi hỏi sự thận trọng rất cao trong các quyết sách, nếu không, số phận của tân Thủ tướng có thể như cha hoặc dì mình trước đây (bị quân đội đảo chính).
Từ khoá: Thái Lan bầu cử tân Thủ tướng Thái Lan dự báo chính sách