Triển vọng nâng cấp quan hệ Việt Nam – Indonesia lên “Đối tác chiến lược toàn diện”?
Tháng 9 vừa qua, Việt Nam và Indonesia đã tìm được tiếng nói chung khi đều mong muốn nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Liệu Việt Nam và Indonesia có thể cùng tiến lên nấc thang cao nhất trong quan hệ song phương?

Kể từ khi tiến hành công cuộc “Đổi mới” (1986), Việt Nam kiên trì phương châm đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, đặc biệt là chú trọng làm sâu sắc quan hệ với các đối tác. Hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 5 quốc gia chủ chốt trong ASEAN, gồm Thái Lan (2013), Indonesia (2013), Singapore (2013), Malaysia (2015) và Philippines (2015).
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra vào tháng 9 tại Jakarta (Indonesia), Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đánh giá tích cực về sự phát triển của quan hệ song phương, hướng đến nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược” lên “Đối tác chiến lược toàn diện” trong tương lai gần. Nhìn lại lịch sử của quan hệ song phương là cơ sở để dự báo khả năng phát triển của quan hệ Việt Nam – Indonesia trong thời gian tới.
Nhìn lại chặng đường của quan hệ Việt Nam - Indonesia
Indonesia và Việt Nam có sự gần gũi về lịch sử, văn hóa, cùng chia sẻ nhiều nét tương đồng trong quá trình đấu tranh giành độc lập. Trong thế kỷ IX-X, lịch sử đã ghi nhận nhiều dấu tích minh chứng cho quan hệ mật thiết giữa vương quốc cổ Champa với đế chế biển hùng mạnh Srivijaya. Cùng với đó là một số bằng chứng cho thấy quan hệ giữa Đại Việt và Java trong thế kỷ XI - XIV diễn ra đa dạng ở nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, quan hệ thương mại, cho đến những hoạt động buôn bán phi quan phương. Những tương tác ban đầu này tạo nền tảng cho sự tiến triển của quan hệ song phương trong thời hiện đại.
Vào ngày 30/12/1955, Indonesia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Không lâu sau đó, năm 1959, nhận lời mời của Tổng thống Sukarno, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo Việt Nam sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Indonesia. Hai nhà lãnh đạo có chung niềm cảm thông khi hai quốc gia đều đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc để giành lại độc lập dân tộc. Cụ thể, nhân dân Indonesia đấu tranh chống thực dân Hà Lan, trong khi nhân dân Việt Nam đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã được Indonesia hỗ trợ cả về vật chất lẫn tài chính, nhất là Indonesia cho phép Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở văn phòng tại Jakarta.
Tuy vậy, sự đối đầu giữa hai khối tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc (1945) cùng sự can dự của các cường quốc vào Đông Nam Á nhằm gia tăng ảnh hưởng đã tác động đến việc lựa chọn thể chế chính trị và theo đuổi chính sách đối ngoại của các quốc gia trong khu vực. Khi ASEAN được thành lập vào năm 1967 với mục tiêu ban đầu là ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản trong khu vực, Indonesia – quốc gia sáng lập – đã có lập trường khác biệt đối với con đường phát triển và sự lựa chọn thể chế chính trị của Việt Nam. Cũng có quan hệ đã trở nên căng thẳng, như trường hợp xung đột trong quan hệ Việt - Trung ở những thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Với quan hệ Việt Nam - Indonesia, chỉ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt (1991), “vấn đề Campuchia” được giải quyết và Việt Nam gia nhập ASEAN (1995), thì quan hệ hai nước mới thật sự bước sang một trang mới.
Quan hệ hai nước trên các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng… đều chuyển biến tích cực. Những chuyến thăm giữa các Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành, doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng, hoạt động giao lưu văn hóa cũng sôi nổi hơn. Nổi bật là chuyến thăm Việt Nam vào năm 2003 của bà Megawati, nữ Tổng thống đầu tiên của Indonesia, đã khẳng định sự quan trọng của quan hệ hữu nghị truyền thống và đưa đến việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Indonesia. Đến tháng 9/2011, nhân chuyến thăm chính thức Indonesia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ra Thông cáo chung, tuyên bố “thúc đẩy quan hệ hướng tới Đối tác Chiến lược”. Sự kiện này là bước đệm để sang năm 2013, hai bên ra tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ song phương, khi Việt Nam trở thành Đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia tại khu vực Đông Nam Á. Kể từ đó, quan hệ Việt Nam - Indonesia phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Tháng 8/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Indonesia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cũng là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Indonesia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Chuyến thăm lịch sử giúp làm sâu sắc thêm quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam – Indonesia càng thêm gắn bó khi vào đầu tháng 8/2023, Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Indonesia đã ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa hai quốc hội (Thỏa thuận hợp tác lần đầu tiên được ký vào năm 2010), tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho hai nước tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Vẫn còn đó những khác biệt giữa hai nước về chính trị, hệ tư tưởng, và cả những sự cố trên biển khi ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển Indonesia… Tuy nhiên, trải qua 10 năm bồi đắp quan hệ Đối tác chiến lược, hai bên vẫn duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp để cùng nhau giải quyết những trở ngại theo tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định “Việt Nam và Indonesia là những đối tác gắn kết tự nhiên”.
Triển vọng của quan hệ Việt Nam – Indonesia
Việc hai nước nâng tầm quan hệ hiện nay lên “Đối tác chiến lược toàn diện” nhiều khả năng sẽ tạo thêm động lực, mở ra triển vọng phát triển cho quan hệ Việt Nam – Indonesia. Sau đây là một số yếu tố có thể thúc đẩy Hà Nội và Jakarta sớm nâng cấp quan hệ:
Thứ nhất, hai nước sẽ có thêm động lực để đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Hiện nay, Indonesia là thành viên duy nhất của ASEAN nằm trong Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), và nền kinh tế Việt Nam cũng chứng minh được tiềm lực phát triển, với tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới gần như “đóng băng”. Quan hệ kinh tế song phương thời gian qua phát triển mạnh mẽ. Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam với Indonesia năm 2022 đạt 14,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021 (trong đó kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia tăng 26,8%; xuất khẩu từ Việt Nam sang Indonesia tăng 15,7%). Vào ngày 4/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Indonesia và kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác hàng hải. Với những tín hiệu tích cực trên, Việt Nam và Indonesia cần tạo cơ hội thuận lợi cho hợp tác song phương, đặc biệt là trên lĩnh vực thương mại.
Thứ hai, hai nước có thể đạt được những lợi ích chiến lược khi nâng cấp quan hệ. Trung Quốc là nhân tố có thể khiến Indonesia và Việt Nam tăng cường hợp tác. Những năm gần đây, Trung Quốc - quốc gia có diện tích rộng lớn, dân số đông và tiềm lực kinh tế mạnh - ngày càng thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, với hàng loạt hành động xâm phạm chủ quyền trên biển của các nước (bao gồm cả Việt Nam và Indonesia), hay liên tục củng cố yêu sách phi pháp về “đường lưỡi bò”. Việc xích lại gần nhau có thể giúp hai quốc gia Đông Nam Á cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm ở Biển Đông, tăng cường năng lực ứng phó trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Hiện nay, tầm nhìn của hai nước ngày càng song trùng. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định việc duy trì đoàn kết và các nguyên tắc đã nhất trí của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhất là đẩy nhanh đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Bên cạnh đó, nhân tố Mỹ cũng có ảnh hưởng nhất định đến quan hệ Việt Nam - Indonesia. Tại các diễn đàn và hội nghị quốc tế, Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan điểm trong vấn đề Biển Đông. Năm 2010, tại Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố: “Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông”. Đến năm 2011, chính quyền Barack Obama đã công bố chiến lược “xoay trục” (pivot), sau được điều chỉnh thành “tái cân bằng” (rebalancing), sang châu Á - Thái Bình Dương, với 6 trụ cột chính, trong đó có nội dung liên quan đến củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống của Mỹ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Australia. Việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á, như đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Philippines bằng nhiều cuộc tập trận quy mô lớn có sự xuất hiện của những chiến hạm tối tân thuộc Hải quân Mỹ và củng cố quan hệ đồng minh với Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., đã và đang tác động đến quan hệ Indonesia - Việt Nam.
Việt Nam và Indonesia cần lưu tâm đến mong muốn thúc đẩy lợi ích của Mỹ ở khu vực, bao gồm đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông. Bên cạnh đó, khảo sát của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore) cho thấy Indonesia có những nghi ngờ về sự hồi sinh của Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD), cụ thể là liệu QUAD sẽ bổ sung hay loại bỏ cấu trúc khu vực hiện có do ASEAN xây dựng (?!). Câu hỏi ngầm được đặt ra này đe dọa đến lợi ích của Indonesia, quốc gia được xem như “lãnh đạo” ASEAN trên thực tế (de facto leader). Để vị thế của mình không bị lung lay và tiếp tục “lèo lái” một ASEAN kiên trì theo đuổi chính sách trung lập, không chọn bên, Indonesia - một cường quốc tầm trung trong khu vực - cần liên kết chặt chẽ hơn với các thành viên ASEAN, và thúc đẩy đoàn kết nội bộ.
Khi xem xét về khả năng tăng cường hợp tác cùng các thành viên còn lại của ASEAN, Việt Nam có những ưu thế quan trọng mà Indonesia khó có thể bỏ qua. Từ khi gia nhập ASEAN (năm 1995) đến nay, Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm và có nhiều đóng góp vào việc củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội. Điều này phù hợp với những mong muốn của Indonesia trong việc định hướng và phát triển tổ chức.
Bên cạnh đó, Hà Nội và Jakarta ngày càng tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề an ninh khu vực. Đơn cử, vào tháng 10/2021, Việt Nam và Indonesia đã tổ chức Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ hai (Đối thoại về Chính sách Quốc phòng lần đầu tiên diễn ra vào tháng 6/2019), qua đó ghi nhận những nỗ lực chung nhằm củng cố quan hệ quốc phòng. Tiếp đến, ngày 22/12/2022, sau 12 năm đàm phán, hai quốc gia đã đạt được sự đồng thuận về phân định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước. Song song đó, thành tựu này có thể thúc đẩy lòng tin chiến lược giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn ở Biển Đông.
Từ những lợi thế kể trên, có thể nhận định, việc sớm nâng cấp quan hệ sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và Indonesia.
Liệu Việt Nam và Indonesia có thể nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện? Thời gian sẽ giải đáp cho câu hỏi này. Tuy nhiên, với việc hai nước tuyên bố sẽ tăng cường trao đổi và tiếp xúc để kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023) và hướng tới các sự kiện trọng đại như kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia (1955-2025) và 80 năm Quốc khánh của hai nước vào năm 2025, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan vào khả năng Indonesia trở thành Đối tác chiến lược toàn diện tiếp theo của Việt Nam (sau Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (2023)) trong tương lai gần.
Kể từ khi tiến hành công cuộc “Đổi mới” (1986), Việt Nam kiên trì phương châm đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, đặc biệt là chú trọng làm sâu sắc quan hệ với các đối tác. Hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 5 quốc gia chủ chốt trong ASEAN, gồm Thái Lan (2013), Indonesia (2013), Singapore (2013), Malaysia (2015) và Philippines (2015).
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra vào tháng 9 tại Jakarta (Indonesia), Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đánh giá tích cực về sự phát triển của quan hệ song phương, hướng đến nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược” lên “Đối tác chiến lược toàn diện” trong tương lai gần. Nhìn lại lịch sử của quan hệ song phương là cơ sở để dự báo khả năng phát triển của quan hệ Việt Nam – Indonesia trong thời gian tới.
Nhìn lại chặng đường của quan hệ Việt Nam - Indonesia
Indonesia và Việt Nam có sự gần gũi về lịch sử, văn hóa, cùng chia sẻ nhiều nét tương đồng trong quá trình đấu tranh giành độc lập. Trong thế kỷ IX-X, lịch sử đã ghi nhận nhiều dấu tích minh chứng cho quan hệ mật thiết giữa vương quốc cổ Champa với đế chế biển hùng mạnh Srivijaya. Cùng với đó là một số bằng chứng cho thấy quan hệ giữa Đại Việt và Java trong thế kỷ XI - XIV diễn ra đa dạng ở nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, quan hệ thương mại, cho đến những hoạt động buôn bán phi quan phương. Những tương tác ban đầu này tạo nền tảng cho sự tiến triển của quan hệ song phương trong thời hiện đại.
Vào ngày 30/12/1955, Indonesia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Không lâu sau đó, năm 1959, nhận lời mời của Tổng thống Sukarno, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo Việt Nam sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Indonesia. Hai nhà lãnh đạo có chung niềm cảm thông khi hai quốc gia đều đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc để giành lại độc lập dân tộc. Cụ thể, nhân dân Indonesia đấu tranh chống thực dân Hà Lan, trong khi nhân dân Việt Nam đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã được Indonesia hỗ trợ cả về vật chất lẫn tài chính, nhất là Indonesia cho phép Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mở văn phòng tại Jakarta.
Tuy vậy, sự đối đầu giữa hai khối tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc (1945) cùng sự can dự của các cường quốc vào Đông Nam Á nhằm gia tăng ảnh hưởng đã tác động đến việc lựa chọn thể chế chính trị và theo đuổi chính sách đối ngoại của các quốc gia trong khu vực. Khi ASEAN được thành lập vào năm 1967 với mục tiêu ban đầu là ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản trong khu vực, Indonesia – quốc gia sáng lập – đã có lập trường khác biệt đối với con đường phát triển và sự lựa chọn thể chế chính trị của Việt Nam. Cũng có quan hệ đã trở nên căng thẳng, như trường hợp xung đột trong quan hệ Việt - Trung ở những thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Với quan hệ Việt Nam - Indonesia, chỉ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt (1991), “vấn đề Campuchia” được giải quyết và Việt Nam gia nhập ASEAN (1995), thì quan hệ hai nước mới thật sự bước sang một trang mới.
Quan hệ hai nước trên các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng… đều chuyển biến tích cực. Những chuyến thăm giữa các Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành, doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng, hoạt động giao lưu văn hóa cũng sôi nổi hơn. Nổi bật là chuyến thăm Việt Nam vào năm 2003 của bà Megawati, nữ Tổng thống đầu tiên của Indonesia, đã khẳng định sự quan trọng của quan hệ hữu nghị truyền thống và đưa đến việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Indonesia. Đến tháng 9/2011, nhân chuyến thăm chính thức Indonesia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ra Thông cáo chung, tuyên bố “thúc đẩy quan hệ hướng tới Đối tác Chiến lược”. Sự kiện này là bước đệm để sang năm 2013, hai bên ra tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ song phương, khi Việt Nam trở thành Đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia tại khu vực Đông Nam Á. Kể từ đó, quan hệ Việt Nam - Indonesia phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Tháng 8/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Indonesia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cũng là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Indonesia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Chuyến thăm lịch sử giúp làm sâu sắc thêm quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam – Indonesia càng thêm gắn bó khi vào đầu tháng 8/2023, Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Indonesia đã ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa hai quốc hội (Thỏa thuận hợp tác lần đầu tiên được ký vào năm 2010), tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho hai nước tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Vẫn còn đó những khác biệt giữa hai nước về chính trị, hệ tư tưởng, và cả những sự cố trên biển khi ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển Indonesia… Tuy nhiên, trải qua 10 năm bồi đắp quan hệ Đối tác chiến lược, hai bên vẫn duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp để cùng nhau giải quyết những trở ngại theo tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định “Việt Nam và Indonesia là những đối tác gắn kết tự nhiên”.
Triển vọng của quan hệ Việt Nam – Indonesia
Việc hai nước nâng tầm quan hệ hiện nay lên “Đối tác chiến lược toàn diện” nhiều khả năng sẽ tạo thêm động lực, mở ra triển vọng phát triển cho quan hệ Việt Nam – Indonesia. Sau đây là một số yếu tố có thể thúc đẩy Hà Nội và Jakarta sớm nâng cấp quan hệ:
Thứ nhất, hai nước sẽ có thêm động lực để đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Hiện nay, Indonesia là thành viên duy nhất của ASEAN nằm trong Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), và nền kinh tế Việt Nam cũng chứng minh được tiềm lực phát triển, với tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới gần như “đóng băng”. Quan hệ kinh tế song phương thời gian qua phát triển mạnh mẽ. Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam với Indonesia năm 2022 đạt 14,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021 (trong đó kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia tăng 26,8%; xuất khẩu từ Việt Nam sang Indonesia tăng 15,7%). Vào ngày 4/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Indonesia và kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác hàng hải. Với những tín hiệu tích cực trên, Việt Nam và Indonesia cần tạo cơ hội thuận lợi cho hợp tác song phương, đặc biệt là trên lĩnh vực thương mại.
Thứ hai, hai nước có thể đạt được những lợi ích chiến lược khi nâng cấp quan hệ. Trung Quốc là nhân tố có thể khiến Indonesia và Việt Nam tăng cường hợp tác. Những năm gần đây, Trung Quốc - quốc gia có diện tích rộng lớn, dân số đông và tiềm lực kinh tế mạnh - ngày càng thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, với hàng loạt hành động xâm phạm chủ quyền trên biển của các nước (bao gồm cả Việt Nam và Indonesia), hay liên tục củng cố yêu sách phi pháp về “đường lưỡi bò”. Việc xích lại gần nhau có thể giúp hai quốc gia Đông Nam Á cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm ở Biển Đông, tăng cường năng lực ứng phó trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Hiện nay, tầm nhìn của hai nước ngày càng song trùng. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định việc duy trì đoàn kết và các nguyên tắc đã nhất trí của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhất là đẩy nhanh đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Bên cạnh đó, nhân tố Mỹ cũng có ảnh hưởng nhất định đến quan hệ Việt Nam - Indonesia. Tại các diễn đàn và hội nghị quốc tế, Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan điểm trong vấn đề Biển Đông. Năm 2010, tại Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố: “Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông”. Đến năm 2011, chính quyền Barack Obama đã công bố chiến lược “xoay trục” (pivot), sau được điều chỉnh thành “tái cân bằng” (rebalancing), sang châu Á - Thái Bình Dương, với 6 trụ cột chính, trong đó có nội dung liên quan đến củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống của Mỹ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Australia. Việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á, như đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Philippines bằng nhiều cuộc tập trận quy mô lớn có sự xuất hiện của những chiến hạm tối tân thuộc Hải quân Mỹ và củng cố quan hệ đồng minh với Philippines dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., đã và đang tác động đến quan hệ Indonesia - Việt Nam.
Việt Nam và Indonesia cần lưu tâm đến mong muốn thúc đẩy lợi ích của Mỹ ở khu vực, bao gồm đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông. Bên cạnh đó, khảo sát của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore) cho thấy Indonesia có những nghi ngờ về sự hồi sinh của Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD), cụ thể là liệu QUAD sẽ bổ sung hay loại bỏ cấu trúc khu vực hiện có do ASEAN xây dựng (?!). Câu hỏi ngầm được đặt ra này đe dọa đến lợi ích của Indonesia, quốc gia được xem như “lãnh đạo” ASEAN trên thực tế (de facto leader). Để vị thế của mình không bị lung lay và tiếp tục “lèo lái” một ASEAN kiên trì theo đuổi chính sách trung lập, không chọn bên, Indonesia - một cường quốc tầm trung trong khu vực - cần liên kết chặt chẽ hơn với các thành viên ASEAN, và thúc đẩy đoàn kết nội bộ.
Khi xem xét về khả năng tăng cường hợp tác cùng các thành viên còn lại của ASEAN, Việt Nam có những ưu thế quan trọng mà Indonesia khó có thể bỏ qua. Từ khi gia nhập ASEAN (năm 1995) đến nay, Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm và có nhiều đóng góp vào việc củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội. Điều này phù hợp với những mong muốn của Indonesia trong việc định hướng và phát triển tổ chức.
Bên cạnh đó, Hà Nội và Jakarta ngày càng tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề an ninh khu vực. Đơn cử, vào tháng 10/2021, Việt Nam và Indonesia đã tổ chức Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ hai (Đối thoại về Chính sách Quốc phòng lần đầu tiên diễn ra vào tháng 6/2019), qua đó ghi nhận những nỗ lực chung nhằm củng cố quan hệ quốc phòng. Tiếp đến, ngày 22/12/2022, sau 12 năm đàm phán, hai quốc gia đã đạt được sự đồng thuận về phân định Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước. Song song đó, thành tựu này có thể thúc đẩy lòng tin chiến lược giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn ở Biển Đông.
Từ những lợi thế kể trên, có thể nhận định, việc sớm nâng cấp quan hệ sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và Indonesia.
Liệu Việt Nam và Indonesia có thể nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện? Thời gian sẽ giải đáp cho câu hỏi này. Tuy nhiên, với việc hai nước tuyên bố sẽ tăng cường trao đổi và tiếp xúc để kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023) và hướng tới các sự kiện trọng đại như kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia (1955-2025) và 80 năm Quốc khánh của hai nước vào năm 2025, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan vào khả năng Indonesia trở thành Đối tác chiến lược toàn diện tiếp theo của Việt Nam (sau Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (2023)) trong tương lai gần.
Từ khoá: quan hệ Việt Nam - Indonesia đối tác chiến lược toàn diện nâng cấp quan hệ ASEAN