Kinh tế
11 PHÚT ĐỌC

Trung Quốc có phải phao cứu sinh cho Campuchia?

Mức thuế quan cao ngất ngưởng của chính quyền Trump đang đẩy Campuchia vào vòng tay Trung Quốc. Nhưng mối quan hệ Campuchia – Trung Quốc – Mỹ còn phức tạp hơn.

Huỳnh Tâm Sáng 21/04/2025
Image
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay với Thủ tướng Campuchia Hun Manet trong chuyến thăm Campuchia từ ngày 17 đến 18/4 - (C)): Xinhua

Cơn thịnh nộ thuế quan của Trump

Campuchia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn thịnh nộ thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nước này phải chịu mức thuế đối ứng lên đến 49%, trước khi Washington quyết định tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày.

Trước tình thế khó khăn và không có nhiều lựa chọn, Campuchia buộc phải nhượng bộ. Trong thư gửi Tổng thống Trump, Thủ tướng Hun Manet cam kết Phnom Penh sẽ giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống 5% đối với 19 mặt hàng của Mỹ nhằm “tăng cường quan hệ thương mại song phương”.

Động thái này phản ánh nỗi lo ngại sâu sắc của Campuchia vì mức thuế cao không chỉ gây rủi ro cho lực lượng lao động và sự ổn định kinh tế mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở quốc gia Đông Nam Á này.

Campuchia xếp thứ 103/133 nền kinh tế được khảo sát trong báo cáo Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (Global Innovation Index) năm 2024 và thứ 21/38 trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Nền kinh tế nước này đối mặt nhiều thách thức, bao gồm sự phụ thuộc vào các thị trường lớn, vấn đề tham nhũng, bất ổn chính trị, cùng với nguy cơ tổn thương trước các biến động kinh tế khu vực và toàn cầu.

Gilberto Garcia-Vazquez, kinh tế trưởng tại Datawheel, nhận định rằng Campuchia ngày càng phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ, với thị trường này chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu, đạt 2,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Đặc biệt, thuế quan của Mỹ đối với hàng xuất khẩu may mặc của Campuchia sẽ tàn phá nền kinh tế của quốc gia này. Ngành may mặc – hiện chiếm đến 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sử dụng hơn một triệu lao động – là trụ cột kinh tế của Campuchia.

Trong bối cảnh nợ công tăng cao và thiếu các ngành công nghiệp thay thế, người lao động Campuchia mất việc có thể chuyển sang các hoạt động lừa đảo để kiếm sống. Điều này không chỉ làm gia tăng bất ổn trong nước mà còn làm trầm trọng thêm mối đe dọa từ ngành công nghiệp lừa đảo – vấn nạn mà Mỹ đang nỗ lực triệt phá.

Khoảng thời gian 90 ngày mà chính quyền Trump gia hạn là cơ hội để Campuchia tìm cách thương thảo với đội ngũ phụ trách thương mại của Nhà Trắng, nhằm giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ. Ngày 16/4, hai nước đã tiến hành vòng đàm phán thuế quan đầu tiên. Các cuộc đàm phán tiếp theo và kết quả của nó sẽ quyết định liệu Campuchia có thể bảo vệ một triệu công nhân may mặc của quốc gia này khỏi các khoản thuế trừng phạt từ chính quyền Trump hay không.

Trung Quốc có thể là “phao cứu sinh”?

Để giảm thiểu áp lực thuế quan từ Nhà Trắng, chính quyền Thủ tướng Hun Manet buộc phải xích lại gần Trung Quốc. Chuyến thăm Phnom Penh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (từ ngày 17 đến 18/4) đã mở ra hy vọng về sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 15 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng thương mại của Campuchia. Bắc Kinh cũng đóng góp hơn một nửa tổng vốn đầu tư nước ngoài vào quốc gia này và là chủ nợ lớn nhất, với hơn 1/3 trong số 11 tỷ USD nợ nước ngoài của Campuchia thuộc về Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết “tăng cường phối hợp và hợp tác thực thi pháp luật để chống lại các tội phạm xuyên biên giới, bao gồm cờ bạc xuyên biên giới bất hợp pháp, buôn lậu ma túy, buôn người và lừa đảo”. Về phía Campuchia, Thủ tướng Hun Manet bày tỏ nước này sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, đầu tư, chuỗi công nghiệp và cung ứng, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có thể hỗ trợ Campuchia đến mức nào? Năm 2024, Trung Quốc không ký thêm khoản vay mới nào cho Campuchia, một bước thụt lùi khiến giới lãnh đạo Campuchia lo ngại. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh cắt giảm đầu tư ra nước ngoài do nền kinh tế trong nước gặp khó khăn: người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, thị trường nhà ở khủng hoảng, và bất động sản đình trệ. Những áp lực này khiến Bắc Kinh dè dặt hơn với các dự án tại Campuchia.

Chuyến thăm của ông Tập mang đến hy vọng thúc đẩy thương mại và đầu tư với 37 “văn kiện hợp tác” kinh tế (dù còn mơ hồ). Đáng chú ý, khoản đầu tư trị giá 1,2 tỷ USD cho dự án kênh đào Funan Techo là “món quà” giúp xua tan lo ngại về khả năng Trung Quốc rút lui khỏi dự án bởi từ lễ động thổ hoành tráng vào tháng 8 năm ngoái, phía Trung Quốc vẫn im lặng về các khoản đầu tư.

Dịp này, năm Biên bản ghi nhớ (MOU) liên quan đến Dự án Kênh đào Funan Techo cũng được ký kết, bao gồm thỏa thuận đối tác công tư (PPP), thỏa thuận cổ đông, thỏa thuận đầu tư, hợp đồng kỹ thuật, mua sắm và xây dựng, và hợp đồng vận hành và bảo trì.

Dự án Kênh đào Funan Techo – thuộc Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative) và khuôn khổ “Hợp tác Lục giác Kim cương” (Diamond Hexagonal Cooperation) – được kỳ vọng nâng cao “Cộng đồng chung vận mệnh Campuchia - Trung Quốc trong thời đại mới”. Campuchia nắm 51% cổ phần, giữ quyền ra quyết định, nhưng dự án cũng làm gia tăng sự phụ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc.

Dù có tiềm năng kinh tế, dự án gây tranh cãi vì rủi ro về môi trường và ý đồ chiến lược của cả Campuchia lẫn Trung Quốc. Những lo ngại về tác động đến hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long có thể làm căng thẳng mối quan hệ nhạy cảm giữa Campuchia và Việt Nam, nếu chính quyền Hun Manet không giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng kênh đào.

Các văn bản ký kết và cam kết của ông Tập có thể khiến giới lãnh đạo Campuchia hy vọng rằng đầu tư của Trung Quốc vào nước này sẽ trở lại quỹ đạo “bình thường mới”. Khi Campuchia đang phải cố gắng đàm phán với chính quyền Trump trên thế “bất bình đẳng” thì sự hỗ trợ của Trung Quốc là rất có ý nghĩa vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Trước áp lực thuế quan từ chính quyền Trump, Campuchia có thể tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc khi mối quan hệ song phương đang tiến triển. Lãnh đạo hai nước thường xuyên ca ngợi quan hệ Campuchia – Trung Quốc là “sắt đá” (ironclad).

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào Trung Quốc khiến Campuchia khó tự đứng trên đôi chân của mình. Thủ tướng Hun Manet dường như muốn tăng cường tính tự chủ, nhưng lại đứng bên ngoài các nỗ lực phối hợp của các quốc gia trong khu vực. Trong khi các nước như Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, và Brunei tìm kiếm các chiến lược khả thi để ứng phó với khủng hoảng, Campuchia chưa tham gia tích cực.

Việc giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp thuế quan của Mỹ và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung không chỉ đến từ việc đa dạng hoá quan hệ thương mại với các đối tác hay tăng cường xuất khẩu sang Mỹ hoặc/ và Trung Quốc. Việc các quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng cường các hoạt động thương mại nội khối và chung tay tìm kiếm các biện pháp ứng phó là rất cần thiết, dù trên thực tế, ASEAN vẫn đối mặt với các thách thức cấu trúc, cụ thể là mức độ thể chế hoá và hội nhập thương mại của khu vực vẫn chưa cao và sự gắn kết của Hiệp hội còn gây tranh cãi.

Campuchia đang bị kẹt giữa hai nền kinh tế lớn. Nền kinh tế nước này phụ thuộc vào cả Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất và Mỹ – thị trường xuất khẩu chủ lực. Trung Quốc là nguồn nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất (chủ yếu phục vụ cho các nhà máy may), trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu trụ cột của Campuchia và chiếm 1/3 xuất khẩu may mặc. Đáng nói là, các công ty Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành đến 90% nhà máy may mặc tại Campuchia. Nếu xuất khẩu sang Mỹ giảm, nhập khẩu từ Trung Quốc cũng sẽ giảm, tạo ra vòng xoáy bất lợi cho Campuchia.

Các khoản thuế đối ứng của Mỹ không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn bao gồm các động cơ chính trị. Mỹ áp mức thuế 49% lên Campuchia, tương tự như các quốc gia trong khu vực: Lào (48%), Việt Nam (46%), Myanmar (44%), Thái Lan (36%), và Malaysia và Brunei (cùng 24%). Động thái này có thể nhằm gây áp lực để các quốc gia Đông Nam Á nghiêm túc xem xét lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc - đối thủ chiến lược của Mỹ. Do đó, việc Campuchia xích lại gần Trung Quốc có thể “đổ thêm dầu vào lửa” và khiến Mỹ trì hoãn hoặc gây khó khăn cho đàm phán thương mại.

***

Nhìn chung, sẽ rất khó khăn để chính quyền Hun Manet thuyết phục Washington rằng Phnom Penh là đối tác kinh tế đáng tin cậy, khi nước này từ lâu bị xem như “trung tâm trung chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn né thuế của Mỹ”. Nếu chính quyền Trump không giảm đáng kể các mức thuế quan áp lên Campuchia, Phnom Penh có thể sẽ xoay trục mạnh mẽ hơn về phía Bắc Kinh.

Chính quyền Hun Manet hoàn toàn có lý khi xem Trung Quốc như “chiếc phao cứu sinh”, nhưng liệu sự hỗ trợ từ Bắc Kinh có thực sự hiệu quả khi chính cường quốc này cũng đang trong cuộc chiến thương mại khốc liệt với Mỹ?

Trước mắt, các doanh nghiệp địa phương có nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề trước làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, liệu doanh nghiệp Campuchia có thể đứng vững khi hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường?

Chính phủ Campuchia cần triển khai thêm nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, như cung cấp hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đào tạo và đổi mới công nghệ, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ. Dù hiệu quả của các giải pháp này cần thêm thời gian đánh giá, những tiến bộ, dù nhỏ hay chậm, vẫn tốt hơn là không đạt được kết quả nào.

Bài viết này thuộc ấn bản đặc biệt với chủ đề “Chính sách thuế quan của Trump và phản ứng của các quốc gia”.

Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.

Cơn thịnh nộ thuế quan của Trump

Campuchia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn thịnh nộ thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nước này phải chịu mức thuế đối ứng lên đến 49%, trước khi Washington quyết định tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày.

Trước tình thế khó khăn và không có nhiều lựa chọn, Campuchia buộc phải nhượng bộ. Trong thư gửi Tổng thống Trump, Thủ tướng Hun Manet cam kết Phnom Penh sẽ giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống 5% đối với 19 mặt hàng của Mỹ nhằm “tăng cường quan hệ thương mại song phương”.

Động thái này phản ánh nỗi lo ngại sâu sắc của Campuchia vì mức thuế cao không chỉ gây rủi ro cho lực lượng lao động và sự ổn định kinh tế mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở quốc gia Đông Nam Á này.

Campuchia xếp thứ 103/133 nền kinh tế được khảo sát trong báo cáo Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (Global Innovation Index) năm 2024 và thứ 21/38 trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Nền kinh tế nước này đối mặt nhiều thách thức, bao gồm sự phụ thuộc vào các thị trường lớn, vấn đề tham nhũng, bất ổn chính trị, cùng với nguy cơ tổn thương trước các biến động kinh tế khu vực và toàn cầu.

Gilberto Garcia-Vazquez, kinh tế trưởng tại Datawheel, nhận định rằng Campuchia ngày càng phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ, với thị trường này chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu, đạt 2,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Đặc biệt, thuế quan của Mỹ đối với hàng xuất khẩu may mặc của Campuchia sẽ tàn phá nền kinh tế của quốc gia này. Ngành may mặc – hiện chiếm đến 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sử dụng hơn một triệu lao động – là trụ cột kinh tế của Campuchia.

Trong bối cảnh nợ công tăng cao và thiếu các ngành công nghiệp thay thế, người lao động Campuchia mất việc có thể chuyển sang các hoạt động lừa đảo để kiếm sống. Điều này không chỉ làm gia tăng bất ổn trong nước mà còn làm trầm trọng thêm mối đe dọa từ ngành công nghiệp lừa đảo – vấn nạn mà Mỹ đang nỗ lực triệt phá.

Khoảng thời gian 90 ngày mà chính quyền Trump gia hạn là cơ hội để Campuchia tìm cách thương thảo với đội ngũ phụ trách thương mại của Nhà Trắng, nhằm giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ. Ngày 16/4, hai nước đã tiến hành vòng đàm phán thuế quan đầu tiên. Các cuộc đàm phán tiếp theo và kết quả của nó sẽ quyết định liệu Campuchia có thể bảo vệ một triệu công nhân may mặc của quốc gia này khỏi các khoản thuế trừng phạt từ chính quyền Trump hay không.

Trung Quốc có thể là “phao cứu sinh”?

Để giảm thiểu áp lực thuế quan từ Nhà Trắng, chính quyền Thủ tướng Hun Manet buộc phải xích lại gần Trung Quốc. Chuyến thăm Phnom Penh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (từ ngày 17 đến 18/4) đã mở ra hy vọng về sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 15 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng thương mại của Campuchia. Bắc Kinh cũng đóng góp hơn một nửa tổng vốn đầu tư nước ngoài vào quốc gia này và là chủ nợ lớn nhất, với hơn 1/3 trong số 11 tỷ USD nợ nước ngoài của Campuchia thuộc về Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết “tăng cường phối hợp và hợp tác thực thi pháp luật để chống lại các tội phạm xuyên biên giới, bao gồm cờ bạc xuyên biên giới bất hợp pháp, buôn lậu ma túy, buôn người và lừa đảo”. Về phía Campuchia, Thủ tướng Hun Manet bày tỏ nước này sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, đầu tư, chuỗi công nghiệp và cung ứng, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có thể hỗ trợ Campuchia đến mức nào? Năm 2024, Trung Quốc không ký thêm khoản vay mới nào cho Campuchia, một bước thụt lùi khiến giới lãnh đạo Campuchia lo ngại. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh cắt giảm đầu tư ra nước ngoài do nền kinh tế trong nước gặp khó khăn: người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, thị trường nhà ở khủng hoảng, và bất động sản đình trệ. Những áp lực này khiến Bắc Kinh dè dặt hơn với các dự án tại Campuchia.

Chuyến thăm của ông Tập mang đến hy vọng thúc đẩy thương mại và đầu tư với 37 “văn kiện hợp tác” kinh tế (dù còn mơ hồ). Đáng chú ý, khoản đầu tư trị giá 1,2 tỷ USD cho dự án kênh đào Funan Techo là “món quà” giúp xua tan lo ngại về khả năng Trung Quốc rút lui khỏi dự án bởi từ lễ động thổ hoành tráng vào tháng 8 năm ngoái, phía Trung Quốc vẫn im lặng về các khoản đầu tư.

Dịp này, năm Biên bản ghi nhớ (MOU) liên quan đến Dự án Kênh đào Funan Techo cũng được ký kết, bao gồm thỏa thuận đối tác công tư (PPP), thỏa thuận cổ đông, thỏa thuận đầu tư, hợp đồng kỹ thuật, mua sắm và xây dựng, và hợp đồng vận hành và bảo trì.

Dự án Kênh đào Funan Techo – thuộc Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative) và khuôn khổ “Hợp tác Lục giác Kim cương” (Diamond Hexagonal Cooperation) – được kỳ vọng nâng cao “Cộng đồng chung vận mệnh Campuchia - Trung Quốc trong thời đại mới”. Campuchia nắm 51% cổ phần, giữ quyền ra quyết định, nhưng dự án cũng làm gia tăng sự phụ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc.

Dù có tiềm năng kinh tế, dự án gây tranh cãi vì rủi ro về môi trường và ý đồ chiến lược của cả Campuchia lẫn Trung Quốc. Những lo ngại về tác động đến hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long có thể làm căng thẳng mối quan hệ nhạy cảm giữa Campuchia và Việt Nam, nếu chính quyền Hun Manet không giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng kênh đào.

Các văn bản ký kết và cam kết của ông Tập có thể khiến giới lãnh đạo Campuchia hy vọng rằng đầu tư của Trung Quốc vào nước này sẽ trở lại quỹ đạo “bình thường mới”. Khi Campuchia đang phải cố gắng đàm phán với chính quyền Trump trên thế “bất bình đẳng” thì sự hỗ trợ của Trung Quốc là rất có ý nghĩa vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Trước áp lực thuế quan từ chính quyền Trump, Campuchia có thể tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc khi mối quan hệ song phương đang tiến triển. Lãnh đạo hai nước thường xuyên ca ngợi quan hệ Campuchia – Trung Quốc là “sắt đá” (ironclad).

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào Trung Quốc khiến Campuchia khó tự đứng trên đôi chân của mình. Thủ tướng Hun Manet dường như muốn tăng cường tính tự chủ, nhưng lại đứng bên ngoài các nỗ lực phối hợp của các quốc gia trong khu vực. Trong khi các nước như Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, và Brunei tìm kiếm các chiến lược khả thi để ứng phó với khủng hoảng, Campuchia chưa tham gia tích cực.

Việc giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp thuế quan của Mỹ và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung không chỉ đến từ việc đa dạng hoá quan hệ thương mại với các đối tác hay tăng cường xuất khẩu sang Mỹ hoặc/ và Trung Quốc. Việc các quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng cường các hoạt động thương mại nội khối và chung tay tìm kiếm các biện pháp ứng phó là rất cần thiết, dù trên thực tế, ASEAN vẫn đối mặt với các thách thức cấu trúc, cụ thể là mức độ thể chế hoá và hội nhập thương mại của khu vực vẫn chưa cao và sự gắn kết của Hiệp hội còn gây tranh cãi.

Campuchia đang bị kẹt giữa hai nền kinh tế lớn. Nền kinh tế nước này phụ thuộc vào cả Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất và Mỹ – thị trường xuất khẩu chủ lực. Trung Quốc là nguồn nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất (chủ yếu phục vụ cho các nhà máy may), trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu trụ cột của Campuchia và chiếm 1/3 xuất khẩu may mặc. Đáng nói là, các công ty Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành đến 90% nhà máy may mặc tại Campuchia. Nếu xuất khẩu sang Mỹ giảm, nhập khẩu từ Trung Quốc cũng sẽ giảm, tạo ra vòng xoáy bất lợi cho Campuchia.

Các khoản thuế đối ứng của Mỹ không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn bao gồm các động cơ chính trị. Mỹ áp mức thuế 49% lên Campuchia, tương tự như các quốc gia trong khu vực: Lào (48%), Việt Nam (46%), Myanmar (44%), Thái Lan (36%), và Malaysia và Brunei (cùng 24%). Động thái này có thể nhằm gây áp lực để các quốc gia Đông Nam Á nghiêm túc xem xét lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc - đối thủ chiến lược của Mỹ. Do đó, việc Campuchia xích lại gần Trung Quốc có thể “đổ thêm dầu vào lửa” và khiến Mỹ trì hoãn hoặc gây khó khăn cho đàm phán thương mại.

***

Nhìn chung, sẽ rất khó khăn để chính quyền Hun Manet thuyết phục Washington rằng Phnom Penh là đối tác kinh tế đáng tin cậy, khi nước này từ lâu bị xem như “trung tâm trung chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn né thuế của Mỹ”. Nếu chính quyền Trump không giảm đáng kể các mức thuế quan áp lên Campuchia, Phnom Penh có thể sẽ xoay trục mạnh mẽ hơn về phía Bắc Kinh.

Chính quyền Hun Manet hoàn toàn có lý khi xem Trung Quốc như “chiếc phao cứu sinh”, nhưng liệu sự hỗ trợ từ Bắc Kinh có thực sự hiệu quả khi chính cường quốc này cũng đang trong cuộc chiến thương mại khốc liệt với Mỹ?

Trước mắt, các doanh nghiệp địa phương có nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề trước làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, liệu doanh nghiệp Campuchia có thể đứng vững khi hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường?

Chính phủ Campuchia cần triển khai thêm nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, như cung cấp hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đào tạo và đổi mới công nghệ, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ. Dù hiệu quả của các giải pháp này cần thêm thời gian đánh giá, những tiến bộ, dù nhỏ hay chậm, vẫn tốt hơn là không đạt được kết quả nào.

Bài viết này thuộc ấn bản đặc biệt với chủ đề “Chính sách thuế quan của Trump và phản ứng của các quốc gia”.

Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.

Từ khoá: thuế quan thuế đối ứng Campuchia Donald Trump Mỹ Trung Quốc Tập Cận Bình

BÀI LIÊN QUAN