Vào ngày 21/7, Philippines và Trung Quốc đã ký thỏa thuận tạm thời về việc tiếp tế cho binh lính của Manila trên xác tàu BRP Sierra Madre bị đắm ở bãi Cỏ Mây (Second Thomas shoal) kể từ năm 1999 đến nay. Theo đó, hai nước cam kết chấm dứt đối đầu tại khu vực này, bên cạnh đó là cam kết sẽ tích cực duy trì đối thoại và tham vấn để giảm căng thẳng.
Dù chỉ mang tính tạm thời, thỏa thuận này mang lại hy vọng xoa dịu những xung đột dai dẳng giữa Manila và Bắc Kinh trên Biển Đông trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Trung Quốc nhanh chóng đưa ra quan điểm chính thức rằng Philippines phải thông báo trước và cho phép nước này kiểm tra tại chỗ đối với các tàu tiếp tế, đồng thời khẳng định sẽ giám sát toàn bộ quá trình tiếp tế. Philippines lập tức phản bác, cho rằng những nội dung mà phía Trung Quốc nêu ra là không chính xác và khác với những gì hai bên đã thỏa thuận. Sự bất đồng về cách diễn giải báo hiệu bản chất “mong manh” của thỏa thuận, và việc xung đột tiếp tục xảy ra chỉ là chuyện sớm muộn.
Trên thực tế, thỏa thuận tạm thời đã mang lại sự yên bình đôi chút khi vào ngày 27/7, Philippines thực hiện thành công nhiệm vụ tiếp tế đến bãi Cỏ Mây mà không gặp phải bất kỳ sự can thiệp nào từ lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian “hòa hoãn” không kéo dài. Giữa đêm ngày 19/8, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm vào tàu của Philippines tại bãi Cỏ Mây, khiến một chiếc tàu bị thủng một lỗ rộng 1,09m, và chiếc tàu khác bị thủng 0,9m.
Đến ngày 25/8, Philippines cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm và phun vòi rồng vào tàu của Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản tại khu vực gần bãi Sa Bin (Sabina shoal). Chỉ một ngày sau, đụng độ tiếp diễn khi Trung Quốc điều 40 tàu (trong đó có ba tàu chiến) bao vây hai tàu của Philippines đang trên đường làm nhiệm vụ tiếp tế cho tàu BRP Teresa Magbanua ở bãi Sa Bin. Hôm 31/8, tàu tuần duyên Philippines và hải cảnh Trung Quốc lại tiếp tục va chạm tại khu vực trên.
Như vậy, trong tháng 8, tình hình xung đột giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây vẫn tiếp diễn, nhưng đồng thời bãi Sa Bin nổi lên như là một điểm nóng mới, có khả năng là địa điểm chứng kiến nhiều vụ va chạm hơn nữa trong thời gian tới.
Philippines quyết tâm chiếm đóng bãi Sa Bin
Bãi Sa Bin là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Philippines khoảng 75 hải lý (gần 140km) và cách Trung Quốc 630 hải lý (gần 1.170km). Từ góc nhìn của Manila, bãi Sa Bin rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của quốc gia này, vì thực thể này cách bãi Cỏ Rong (Reed bank) khoảng 193km, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí lớn gấp hai đến ba lần so với mỏ khí đốt tự nhiên Malampaya ở phía bắc đảo Palawan (cũng nằm trên Biển Đông nhưng nằm ngoài quần đảo Trường Sa, hiện là nguồn cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện, đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu điện của Philippines).
Hồi tháng 4, cựu thẩm phán cấp cao của Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio kêu gọi đất nước cần bảo vệ bãi Sa Bin khỏi hoạt động xây dựng tiềm tàng của Trung Quốc – vốn có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Philippines trong nhiều thập kỷ. Ông Carpio cho biết trữ lượng khí đốt tại bãi Sa Bin có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của Philippines lên đến 75 năm. Với tiềm năng đó, bãi Sa Bin chắc chắn có giá trị đối với Manila trong bối cảnh nước này đang tìm cách thăm dò các nguồn năng lượng mới ở Biển Đông để phục vụ nhu cầu an ninh năng lượng lâu dài.
Một điểm quan trọng khác làm nổi bật vị trí chiến lược của bãi Sa Bin là thực thể này chỉ cách bãi Cỏ Mây 35 hải lý (khoảng 65 km) về phía tây. Vì thế, nếu tàu tiếp tế của Philippines ra bãi Cỏ Mây gặp thời tiết xấu, bãi Sa Bin chính là nơi để lực lượng này có thể vào trú ẩn một thời gian trước khi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ (trong trường hợp Manila chiếm giữ bãi Sa Bin), thay vì phải tốn công chạy ngược trở lại đảo Palawan ở khoảng cách xa hơn.
Nhận thức được tầm quan trọng chiến lược đó, hồi tháng 4, Philippines đã triển khai tàu tuần duyên BRP Teresa Magbanua (là một trong hai con tàu chấp pháp lớn nhất của quốc gia này) đến bãi Sa Bin. Theo Manila, động thái này nhằm giám sát các hoạt động cải tạo đất bất hợp pháp để xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, sau khi các nhà khoa học Philippines phát hiện những đống san hô bị nghiền nát trên các bãi cát.
Động thái này có thể được xem là một ví dụ cho Sáng kiến Minh bạch (Transparency Initiative) mà Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đang theo đuổi kể từ tháng 2/2023, sau sự kiện hải cảnh Trung Quốc chiếu đèn laser màu xanh lá cây cấp độ quân sự vào tàu của Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre neo tại bãi Cỏ Mây. Sáng kiến Minh bạch có mục tiêu vạch trần các chiến thuật vùng xám (grey-zone tactics) của Trung Quốc, như sử dụng các lực lượng phi chính quy, tiêu biểu là các đội tàu dân quân biển, nhằm từng bước chiếm đoạt vùng biển, đảo của các nước khác mà không phải dùng lực lượng vũ trang trực tiếp với quy mô lớn.
Tuy nhiên, lý do trên gần như không phải là mục đích chính mà Philippines hướng tới khi đưa tàu ra bãi Sa Bin. Nhận thức được việc Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận bãi Sa Bin, Manila hiểu rằng nếu không đưa tàu ra để neo đậu, bài học lịch sử năm 2012 về việc đánh mất bãi cạn Scarborough vào tay Bắc Kinh có thể sẽ lặp lại.
Kể từ khi ra neo đậu vào tháng 4, cho đến nay tàu BRP Teresa Magbanua vẫn nỗ lực duy trì sự hiện diện để khẳng định yêu sách chủ quyền ở bãi Sa Bin (cách làm này tương tự với bãi Cỏ Mây), và nhận tiếp tế từ những tàu khác. Nếu có thể bảo vệ được bãi Sa Bin và hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố hơn tại đây, Philippines hoàn toàn có thể biến nơi này trở thành một trạm trung chuyển để tiếp tế cho lực lượng đang chiếm đóng ở bãi Cỏ Mây.
Thêm vào đó, nhờ sự cứng rắn với Trung Quốc ở bãi Sa Bin nói riêng, và trên Biển Đông nói chung, Philippines có đòn bẩy quan trọng để lôi kéo Mỹ cũng như đồng minh chấp nhận tăng cường thêm các hoạt động hợp tác, hỗ trợ an ninh cho quốc gia này trong thời gian gần đây.
Cụ thể, vào ngày 30/7, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của Philippines cùng những người đồng cấp Mỹ đã tiến hành đối thoại theo hình thức 2+2 (lần thứ tư diễn ra, nhưng là lần đầu được tổ chức ở Philippines). Nhân sự kiện này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang phân bổ thêm 500 triệu USD tài trợ quân sự cho Philippines, nhằm giúp hiện đại hóa lực lượng vũ trang và lực lượng tuần duyên của nước này.
Cũng trong tháng 7, Philippines và Nhật Bản đã hoàn tất Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA), mở đường cho nỗ lực thúc đẩy hợp tác quân sự như cử nhân viên quốc phòng đến lãnh thổ của nhau để huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm và thiết bị, cũng như thực hiện các hoạt động khác. Những quốc gia tiềm năng tiếp theo mà Philippines có thể ký RAA là Canada, Pháp và New Zealand, mở ra cơ hội để Manila tăng cường an ninh và thắt chặt mạng lưới đối tác với các quốc gia có “cùng chí hướng”.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm Philippines vào đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp Gilberto Teodoro đã cam kết hai nước sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng mới ngay trong năm nay, với mục tiêu tiến đến mở rộng hoạt động đào tạo và trao đổi binh sĩ song phương, mở rộng cơ hội hợp tác vũ khí, cũng như tham gia vào các dự án quốc phòng chung.
Như vậy, trong bối cảnh xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng phức tạp, Philippines đang thể hiện quyết tâm chiếm đóng bãi Sa Bin để tận dụng vị trí địa chiến lược, cũng như tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ. Hơn nữa, đây cũng là cách để Philippines lôi kéo sự hỗ trợ từ Mỹ và đồng minh để nâng cao năng lực quốc phòng của mình.
Trung Quốc không để yên
Sự hiện diện của Philippines tại bãi Sa Bin rõ ràng là một điều khó chịu đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa. Nếu Trung Quốc thành công kiểm soát bãi Sa Bin, hoạt động của đội tàu tiếp tế Philippines trên đường đến bãi Cỏ Mây sẽ gặp trở ngại đáng kể, vì buộc phải đi ngang khu vực bãi Sa Bin và theo đó “chạm mặt” với lực lượng quân sự của Trung Quốc hiện diện tại đây. Hơn nữa, kịch bản trên sẽ giúp Bắc Kinh tạo ra thế “hai kẹp một” với Manila, vì bãi Cỏ Mây khi đó sẽ nằm giữa hai thực thể do cường quốc tỷ dân kiểm soát là đá Vành Khăn (từ năm 1995) và bãi Sa Bin (nếu xảy ra).
Vì thế, để thể hiện quyết tâm của mình, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng, đó là “Trung Quốc sẽ không bao giờ bị Philippines lừa dối lần nào nữa” (China will never be deceived by the Philippines again). Từ ngữ “lừa dối” mà Trung Quốc sử dụng là để chỉ đích danh sự kiện Philippines đưa tàu BRP Sierra Madre ra neo đậu nhằm chiếm giữ bãi Cỏ Mây từ năm 1999 cho đến nay.
Trước khi xảy ra các vụ va chạm vào ngày 25, 26 và 31/8 vừa qua, Trung Quốc - vào tháng 7 - đã cho neo đậu tàu hải cảnh CCG-5901 gần bãi Sa Bin. Đây là con tàu có trọng tải 12.000 tấn, lớn gấp năm lần so với BRP Teresa Magbanua, và lớn hơn bất kỳ tàu chấp pháp thông thường nào khác trên thế giới. Các nhà quan sát đã gọi con tàu này với tên “quái thú” (monster) để nói lên quy mô của nó.
Xét rộng hơn, kể từ khi Philippines theo đuổi Sáng kiến Minh bạch trên Biển Đông, Trung Quốc đã liên tục gây sức ép và tạo ra các điểm nóng xung đột thường xuyên hơn ở bãi Scarborough và bãi Cỏ Mây. Hơn nữa, việc bổ sung thêm bãi Sa Bin trở thành điểm nóng thứ ba dường như cho thấy Bắc Kinh muốn đẩy mạnh leo thang căng thẳng và buộc Manila phải căng sức để chống chọi trên một phạm vi tương đối rộng, khiến quốc gia Đông Nam Á này có thể không đủ lực lượng để phản ứng.
Chẳng hạn, vụ việc ngày 26/8 với 40 tàu Trung Quốc bao vây tàu Philippines dẫn đến kết quả là lực lượng tiếp tế không thể tiếp cận tàu BRP Teresa Magbanua, và cuối cùng nhiệm vụ đã thất bại. Nếu tình trạng này kéo dài, lực lượng đóng trên tàu BRP Teresa Magbanua sẽ ở trong tình thế đầy nguy hiểm vì thiếu thực phẩm, nước và nhiên liệu, cuối cùng có thể phải tính đến phương án cho con tàu rời đi (lặp lại lịch sử Scarborough).
Nguy cơ trên hoàn toàn có thể xảy ra khi Trung Quốc không ngần ngại đưa ra các tuyên bố cứng rắn và có tính uy hiếp. Chẳng hạn, sau vụ việc va chạm mới đây nhất vào ngày 31/8, người phát ngôn của lực lượng hải cảnh Trung Quốc Lưu Đức Quân đã cảnh báo rằng “Chúng tôi một lần nữa cảnh báo Philippines hãy đối mặt với thực tế và từ bỏ ảo tưởng, trong đó hành động rút [BRP Teresa Magbanua] ngay lập tức là cách đúng đắn duy nhất. Hãy kiềm chế tính toán sai tình hình, tạo ra điểm nóng và leo thang tình hình, nếu không phía Philippines sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả phát sinh”.
Trước đó không lâu, vào ngày 29/8, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cũng đưa ra yêu cầu “Philippines nên rút tàu và nhân sự của mình càng sớm càng tốt, và khôi phục lại tình trạng không có người, không có cơ sở hạ tầng tại bãi Sa Bin. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của chúng tôi”.
Philippines khó “nhờ cậy” Mỹ
Tại cuộc họp báo ở Manila với Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines hôm 27/8, Đô đốc Hải quân Mỹ Samuel Paparo cho biết Washington để ngỏ khả năng tham vấn về việc hộ tống các tàu Philippines ở những khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông. Trong khi đó, tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 28/8, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố nước này cam kết bảo vệ các đồng minh của mình tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và bày tỏ quan ngại về các động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Cách tiếp cận của Mỹ nhìn chung rất quen thuộc với những gì mà Washington thường bày tỏ mỗi khi Trung Quốc gây hấn với Philippines trên Biển Đông. Điểm mới mẻ của sự kiện lần này có chăng là Mỹ để ngỏ khả năng tham vấn về việc hộ tống các tàu Philippines. Tuy nhiên, với một phát biểu đầy mơ hồ và không rõ hướng tiếp cận chính xác là gì, phía Mỹ dường như cũng chỉ đang thể hiện sự ủng hộ Philippines trên mặt trận truyền thông, trong khi chưa cho thấy sẽ hỗ trợ cụ thể ra sao ở ngoài thực địa.
Trên thực tế, việc Trung Quốc chỉ sử dụng lực lượng chấp pháp hoặc tàu dân sự để gây hấn trực tiếp với Philippines ở bãi Sa Bin nói riêng và những thực thể khác trên Biển Đông nói chung khiến Mỹ không có lý do gì để phải “ra tay” hỗ trợ Manila trên thực địa. Lý do là vì các hành động của Bắc Kinh không thỏa điều kiện được đề ra trong Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines (MDT) đã được ký kết vào năm 1951.
Chính vì lẽ đó, Philippines gần như chỉ có thể tự lực cánh sinh trước sức ép gia tăng từ Trung Quốc, đồng thời tranh thủ các hoạt động ngoại giao để mở rộng những thỏa thuận hợp tác an ninh với Mỹ và đồng minh nhằm nâng cao năng lực và hiện đại hóa lực lượng chấp pháp cũng như quân sự.
Hiểu rõ thế khó của Philippines và sự mơ hồ của Mỹ dưới thời Biden, Trung Quốc sẽ không có lý do gì để cảm thấy cần hạ nhiệt xung đột với Philippines. Thậm chí, cường quốc này có thể gia tăng cường độ gây sức ép với quốc gia Đông Nam Á trong thời gian tới, đặc biệt là tại bãi Sa Bin để kiểm tra mức độ chịu đựng của Manila.
Nếu Philippines không tìm ra phương án tiếp tế và thoát khỏi vòng vây của nước láng giềng lớn hơn, quốc gia này hoàn toàn có nguy cơ đánh mất quyền chiếm giữ Sa Bin vào tay Trung Quốc. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể tìm cách tranh thủ chiếm lấy bãi Suối Ngà (First Thomas shoal), nằm gần Cỏ Mây và Sa Bin nhưng hiện chưa có bên nào chiếm đóng. Nếu làm được điều đó, mức độ bao vây Philippines của Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể.
Nhận thức được áp lực từ đối thủ, vào ngày 26/8, ông Teodoro khẳng định nhiệm vụ tăng cường năng lực của lực lượng vũ trang Philippines là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ, với kỳ vọng tạo ra sự răn đe đủ lớn để không phải nổ ra một cuộc xung đột vũ trang trên thực tế.
Sau đó, hôm 29/8, Tổng thống Marcos tuyên bố Philippines sẽ thực hiện các biện pháp đối phó với “những cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hăng và nguy hiểm” (illegal, coercive, aggressive, and dangerous attacks) của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Ông Marcos không nêu rõ các biện pháp đối phó sẽ bao gồm những gì, song cho biết thêm rằng chúng sẽ được thực hiện trong những tuần tiếp theo và sẽ cân xứng, thận trọng và hợp lý để đáp trả những gì ông gọi là các cuộc tấn công công khai, không ngừng nghỉ của Trung Quốc.
Quyết tâm là thế nhưng quá trình nâng cao năng lực để đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc sẽ tốn nhiều thời gian (dù cho Philippines nhận được hỗ trợ từ các quốc gia chung chí hướng). Do đó, tương lai phía trước vẫn còn đầy khó khăn và nhiều rủi ro đối với Philippines trong công cuộc bảo vệ bãi Sa Bin!