Vào tháng 8/2023, Trung Quốc đã cấm mua hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản vì lo ngại nguy cơ ô nhiễm phóng xạ sau khi Công ty Điện lực Tokyo (Tokyo Electric Power Company Holdings) bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima vào Thái Bình Dương.
Người Trung Quốc giận dữ
Vào ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ richter ngoài khơi bờ biển Đông Bắc Nhật Bản đã gây ra một trận sóng thần với thiệt hại nặng nề, đồng thời dẫn đến sự cố tan chảy ở ba trong số sáu lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Kể từ khi Nhật Bản xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra biển vào tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đã lên án “hành vi đơn phương của Nhật Bản” và coi đây là “một vấn đề an toàn hạt nhân quan trọng với hậu quả tiềm tàng có tính chất xuyên biên giới”. Để đáp trả, nước này đã áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với tất cả các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản, bất chấp sự đảm bảo từ Tokyo và các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, các tuyên bố và quan ngại của Trung Quốc về sự an toàn của thuỷ sản từ Nhật Bản vẫn chưa được chứng minh với dữ liệu khoa học rõ ràng. Trước khi xả thải, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã công bố một báo cáo, kết luận rằng việc xả nước thải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và việc xả thải sẽ có “tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường”. Nhật Bản cũng đã chỉ trích Trung Quốc vì đã đưa ra “những tuyên bố vô căn cứ về mặt khoa học” và lặp lại tuyên bố của IAEA rằng kế hoạch của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cũng như không đe dọa an ninh con người và môi trường.
Các kết luận của IAEA và cam kết của Nhật Bản không xoa dịu được quan ngại của nước láng giềng. Làn sóng chủ nghĩa dân tộc, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các xung đột chính trị kéo dài từ thời Nhật Bản chiếm đóng một phần Trung Quốc vào nửa đầu thế kỷ XX, đã nhanh chóng bùng phát và nhắm vào người dân Nhật Bản. Mạng internet của Trung Quốc tràn ngập sự phẫn nộ từ người dân nước này sau khi Nhật Bản chính thức xả nước thải.
Trước sự phẫn nộ của người dân Trung Quốc, Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đã phải đưa ra cảnh báo đối với công dân Nhật Bản đang sinh sống tại nước này: khuyến cáo họ không nên “nói tiếng Nhật to” ở nơi công cộng trong khi cần “thận trọng trong lời nói và hành vi”. Chính phủ Nhật Bản thậm chí đã phải triệu tập đại sứ Trung Quốc, và căng thẳng giữa hai quốc gia luôn âm ỉ xung quanh vấn đề này.
Trước lệnh cấm, Trung Quốc là thị trường lớn nhất đối với các mặt hàng hải sản từ Nhật Bản. Tuy nhiên, lệnh cấm khiến xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản vào Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024 đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020.
“Thỏa thuận Fukushima” giúp hạ nhiệt căng thẳng
Tín hiệu tốt là vào tháng 8, hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập một thỏa thuận giám sát quốc tế liên quan đến việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, theo đó mở đường cho việc Trung Quốc sẽ dần nối lại việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin hai nước đã đạt được “sự hiểu biết lẫn nhau” (mutual understanding), đồng thời cho biết thêm rằng một thông báo chính thức sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Thoả thuận có ý nghĩa quan trọng vì giúp hạ nhiệt các căng thẳng ngoại giao liên quan đến môi trường đã kéo dài hơn hai năm. Việc xả nước thải đã trở thành điểm nóng cùng với tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư cùng hàng loạt những tranh cãi gần đây: Nhật Bản cấm vận một số mặt hàng từ Trung Quốc, công dân Nhật Bản bị các công tố viên Trung Quốc truy tố vì tội gián điệp, máy bay do thám Trung Quốc xâm phạm không phận của Nhật Bản, cùng việc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc lần đầu tiên di chuyển vào vùng tiếp giáp quanh các đảo Yonaguni và Iriomote ở miền nam Nhật Bản.
Vào tháng 11/2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận rằng hai nước sẽ xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định và tìm ra giải pháp cho vấn đề thông qua đối thoại. Do đó, đây có thể là một kết quả cụ thể cho các nỗ lực từ hai phía, nhất là ở lĩnh vực kinh tế.
Là kết quả của hơn 10 vòng tham vấn giữa hai nước và với các tổ chức quốc tế có liên quan, thỏa thuận này cho phép Trung Quốc và các bên liên quan khác tiến hành lấy mẫu và giám sát độc lập cũng như so sánh giữa các phòng thí nghiệm. Đồng thời, Tokyo cũng cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, hạn chế các tác động tiêu cực lên sức khỏe con người, và tiến hành “đánh giá liên tục về tác động đối với môi trường biển và hệ sinh thái biển”.
Phía Nhật Bản khá lạc quan vào thỏa thuận này. Cụ thể, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh rằng sự an toàn của việc Nhật Bản xả nước đã được chứng minh và nước này sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức dỡ bỏ lệnh cấm. Nhật Bản cũng tin rằng kế hoạch giám sát mới theo khuôn khổ của IAEA sẽ đáp ứng hiệu quả các yêu cầu của Trung Quốc trong khi vẫn đảm bảo tính công bằng và khách quan trong việc giám sát xả nước.
Bên cạnh đó, Nhật Bản hy vọng thoả thuận với Trung Quốc sẽ thúc đẩy Hong Kong, Ma Cao và Nga dỡ bỏ lệnh cấm. Chính quyền Hong Kong cho biết sẽ tìm kiếm thêm thông tin từ Nhật Bản cùng các nhà chức trách Trung Quốc để đánh giá liệu thành phố có nên nới lỏng các hạn chế nhắm vào các sản phẩm thuỷ sản của Nhật Bản dựa trên bằng chứng khoa học hay không. Nhiều khả năng tín hiệu tích cực từ Trung Quốc đại lục sẽ giúp Hong Kong có thái độ cởi mở hơn và nối lại việc nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.
Tuy vậy, khả năng Nga dỡ bỏ lệnh cấm đối với Nhật Bản trong tương lai gần là rất thấp. Hãng thông tấn Nga TASS đã dẫn lời một quan chức y tế cấp cao cho biết Moscow sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm vận đối với hải sản của Nhật Bản. Điều này không khó hiểu vì sau khi Nhật Bản công khai phản đối Nga xâm lược Ukraine, quan hệ hai nước đã trở nên tồi tệ.
“Nới lỏng” thay vì “dỡ bỏ”
Mặc dù các quan chức Nhật Bản lạc quan và ca ngợi thỏa thuận này là một bước đột phá trong quan hệ với Trung Quốc nhưng cả hai bên chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể về thời điểm chuyến giám sát tiếp theo sẽ diễn ra hoặc khi nào thì lệnh cấm hải sản sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Tờ Global Times, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp tục quan ngại và bày tỏ nghi ngờ về các cam kết của Nhật Bản khi cho rằng Tokyo đang cho thấy sự “vô trách nhiệm” khi chuyển những rủi ro ô nhiễm tiềm tàng sang toàn thế giới thông qua việc liên tục xả nước thải nhiễm hạt nhân vào đại dương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định thỏa thuận này không đồng nghĩa với việc nước này sẽ ngay lập tức nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản và Bắc Kinh vẫn phản đối việc xả nước từ nhà máy Fukushima. Bà Mao Ninh tuyên bố “Trung Quốc kiên quyết phản đối động thái đơn phương của Nhật Bản trong việc bắt đầu xả thải, và lập trường này vẫn không thay đổi” đồng thời cho biết Trung Quốc “sẽ tiến hành tham vấn kỹ thuật với phía Nhật Bản” và từng bước nối lại hoạt động nhập khẩu từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, rất có thể Trung Quốc – như một trong những bên thứ ba (third-party countries) – sẽ có đại diện tham gia vào quá trình giám sát việc xả nước thải.
Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi một cậu bé là công dân Nhật Bản tử vong do bị đâm trong một vụ tấn công bằng dao ở thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại về sự an toàn trong cộng đồng người Nhật tại Trung Quốc. Vụ việc này đáng chú ý vì xảy ra vào thời điểm Tokyo và Bắc Kinh đang đàm phán trong những bước cuối cùng để Trung Quốc chính thức dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.
Hai quốc gia có thể sẽ tránh để sự việc này ảnh hưởng đến các nỗ lực đàm phán, đặc biệt là khi Thủ tướng Kishida đã không bình luận về tác động của vụ việc này đối với quan hệ Nhật - Trung dù cho biết sẽ yêu cầu chính quyền Trung Quốc giải thích rõ ràng về những gì đã xảy ra. Bên cạnh đó, làn sóng chủ nghĩa dân tộc chống lại việc Nhật Bản xả thải dường như ngày càng nguôi ngoai và người dân Trung Quốc không còn “mặn mà” lên án vụ việc.
Khả năng tiến triển của các cuộc thảo thuận tiếp theo và các kết quả thực chất của chúng là câu trả lời cho việc căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật có thể giảm nhiệt đến mức nào. Khi Thủ tướng Kishida quyết định rời ghế sau hơn ba năm tại vị, các tiến triển trong việc Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản có thể được xem như một trong những thành quả ngoại giao hiếm hoi của ông trong việc điều hướng quan hệ Nhật - Trung.
Dù sao chăng nữa, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là các nền kinh tế lớn ở châu Á và có quan hệ gắn bó chặt chẽ về thương mại và đầu tư. Dù các tiến triển của việc đàm phán có chậm chạp hay gặp một số trở ngại trong thời gian tới, thực tế không thể phủ nhận là quan hệ kinh tế hai nước vẫn có tính đan xen sâu sắc: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, trong khi Tokyo là nhà cung cấp công nghệ và đầu tư chính cho Bắc Kinh.